Thấy theo Nhị thừa không có gì an ổn trên cuộc đời này, nên họ chán sợ, muốn thoát ly.
Pháp nhãn của Bồ-tát cao hơn, thấy sinh tử không thật, chỉ là ảo giác. Bồ-tát giáo hóa chúng sanh, giúp họ thấy đúng và thoát khỏi sinh tử như Bồ-tát.
Và Phật nhãn, hay cái thấy theo chư Phật mười phương thấu suốt ngọn nguồn và diễn tiến của muôn pháp trong vũ trụ. Vì vậy, không có gì trở ngại được chư Phật. Điển hình là Đức Phật Thích Ca hiện hữu trên thế gian như bao người, nhưng tất cả ngoại đạo và người ác thời bấy giờ không thể hại được Ngài.
Tên của pháp hội là Hư Không Mục nói lên ý Đức Phật muốn dạy chúng ta cách thấy xuất thế gian của người đắc đạo là thấy như hư không. Hư không bao gồm những gì vĩnh hằng hay chân lý. Chúng ta tu hành cũng để từng bước đạt đến thấy biết chân lý tuyệt đối.
Trong pháp hội này nói về một số ngoại đạo quay trở lại theo Phật đạo, họ gồm đủ thành phần xã hội. Họ không đắc đạo, không có trí tuệ, vì chỉ tu tập tùy theo cảm tính của con người, theo truyền thống sai lầm. Trí Giả gọi cách tu hành ấy là cuồng hoa vô quả, tức tu đông, nhưng không ai thăng hoa được tri thức và đạo đức.
Từ ngoại đạo quay về Phật đạo, họ còn mang theo quán tính sai lầm. Thí dụ tu thiền theo Phật, nhưng chỉ được một lúc họ cũng rơi vô pháp yoga, hay trở thành củi mục than nguội. Hoặc người ở phái lý luận thì thường so sánh ngoại đạo với Phật đạo, thấy cái hơn thua là đã rơi vào vọng thức, không thể đắc đạo. Có thể nói hàng tà định, tà đạo khó đi vào Phật đạo là vậy. Ngoại trừ những người có căn lành mới đi sâu vào giáo nghĩa, mới gặp Phật, Bồ-tát, Thánh Tăng.
Trong Phật pháp có nhiều cách để dừng vọng tâm điên đảo. Một trong những phương tiện thường được áp dụng để tập trung là cột tâm trên hơi thở hay còn gọi là sổ tức quán, đếm hơi thở. Hơi thở ra, chúng ta biết thở ra, hơi thở vô, chúng ta biết thở vô. Hơi thở thô, chúng ta biết nó thô và làm cho nó thành nhẹ và dài. Theo kinh nghiệm của tôi, tu pháp này giúp tôi chữa được thân bệnh. Điều hòa được nhịp tim, hơi thở, ăn uống, ngủ nghỉ thì bệnh tật tự mất.
Không phải đếm hơi thở khơi khơi mà đắc đạo. Phật dạy sổ tức quán, nhưng phải kèm theo giác, quán, hỷ, lạc và định; đó là quá trình tâm chuyển hóa như vậy theo pháp tu. Khi hơi thở ra vào, chúng ta biết rõ hơi thở ra vào, nghĩa là đã tập trung được, đó là giác. Sau đó dùng lực tập trung để quán thân tứ đại, ngũ ấm và thế giới bên ngoài, xem sự tương quan tương duyên tồn tại của chúng. Nói cách khác, chúng ta có đề tài và bắt đầu suy nghĩ thì việc mới sáng ra là quán. Đến trạng thái tiếp theo là hỷ. Nhờ biết được nguyên nhân đau khổ và nguyên nhân hỷ lạc, nói chung, biết được diễn tiến của mọi việc chung quanh, ta cảm thấy sung sướng là hỷ. Lúc nào tâm cũng vui. Nguồn vui ấy kéo dài trong tiềm thức là lạc, thể hiện ra nét mặt và ánh mắt như luôn mỉm cười. Đạt đến sở đắc này, tâm không bao giờ dao động trước mọi vinh nhục, được mất của cuộc đời, lòng luôn thanh thản tự tại. Đó là thành quả tu chứng của người đắc sơ thiền.
Ngoài ra, trong pháp hội Hư Không Mục, Đức Phật cũng dạy chúng ta chủ yếu là pháp hành. Tu sĩ xuất thân Bà-la-môn ưa nói nhiều, thường bị mọi việc hay người bên ngoài chi phối. Trong khi Tỳ-kheo thực nghĩa là thanh tịnh hay tĩnh mặc, tức Mâu Ni. Tỳ-kheo lắng yên được việc bên ngoài, phát huy đúng nghĩa phần nội tâm; còn nói thì phải quan sát thấy cái bằng lòng và không bằng lòng, chẳng lẽ nói mà không thấy, từ đó tâm họ bị sự vật lôi cuốn. Hễ nói là bị sáu trần chi phối, tác động sáu căn, tội lỗi nhân đây mà phát sinh, trở thành ác Tỳ-kheo, lục quần Tỳ-kheo, nghiệp chướng Tỳ-kheo.
Thanh tịnh Tỳ-kheo thường lo phát huy nội tâm. Chính vì vậy, khởi đầu tu là cách ly sáu trần. Trong sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, chúng ta quán sát cái nào dễ bỏ, thì thực hành trước. Thí dụ trong sáu trần, xúc là cảm giác sanh ra do tiếp xúc của thân chúng ta, gần chúng ta nhất. Muốn tu thanh tịnh, các thầy vào thâm sơn cùng cốc, sự vật không có, sống cách ly với mọi vật, mọi việc, mọi người. Nhờ ẩn cư, tiếp xúc ít, nên mắt thấy, tai nghe cũng ít, thì sắc và thanh trần cũng dễ cách ly, tâm được nhẹ nhàng.
Thực hiện được pháp tu cách ly, không tiếp xúc với bên ngoài sẽ đạt đến hướng nội bên trong cùng tột, trần duyên không còn tác động được ta, là chứng được pháp Tịnh mục, tức có cái nhìn sáng suốt, trong sạch.
Tịnh mục Tỳ-kheo quán sát bên ngoài vắng lặng, không để hoàn cảnh chi phối và được nội tâm thanh tịnh rồi thì vào Tăng đoàn coi nhà ngũ uẩn có thanh tịnh hay không. Kinh A-hàm diễn tả ý này rằng chạy đến xóm trống không. Nhà ngũ uẩn trống không là Tỳ-kheo thanh tịnh và Tỳ-kheo thanh tịnh thì ở tịnh xá. Chúng ta ở tịnh xá mà còn bất hòa là xấu hổ.
Tịnh mục nhìn sự vật hay tiếp xúc cách nào đó mà tâm dửng dưng. Tôi diễn tả là trần duyên thuận nghịch, tâm không thiết. Phật dạy chúng ta phải thấy theo nhân duyên. Kinh nghiệm tôi thấy cái gì muốn là không được. Cắt bỏ cái muốn, tùy nhân duyên làm đạo, được nhẹ nhàng. Thuận nghịch, tốt xấu cũng là duyên, nhân đó chúng ta luyện không thiết tha với nó, dù tốt xấu chúng ta đều khổ.
Bước đầu, Tỳ-kheo phải đạt được tâm thanh tịnh; chưa được phải sám hối cho thanh tịnh rồi mới đem pháp Phật vào lòng, chúng ta sẽ được pháp thứ hai là Pháp mục. Tịnh mục sanh Pháp mục, tức nhìn sự vật theo pháp Phật lần lần mới nhận chân thật tướng các pháp, không thấy theo giả tướng hay tham vọng. Thâm nhập Phật pháp, thấy sự vật diễn ra theo đúng cái thấy của chúng ta thì lần chứng từ Sơ thiền đến Tứ thiền.
Phật pháp căn bản của Phật dạy là Tứ Thánh đế, chúng ta phải thâm nhập pháp là chính. Ý thức cuộc đời là khổ, chúng ta cắt đứt nguyên nhân khổ, thì việc không tác động được. Muốn cắt đứt nghiệp nhân, phải tu Đạo đế. Đó là căn bản Phật dạy phải luôn sống trong 37 Trợ đạo phẩm. Nói cách khác là chúng ta vui với đạo pháp, nên không thấy sự vật bên ngoài, chỉ thấy pháp Phật. Vui được với pháp Phật thì lòng chúng ta lúc nào cũng vui.
Từng việc thể nghiệm trong cuộc sống thấy lời Phật dạy chí lý, áp dụng rất hay. Áp dụng được, ta thấy đây là lẽ sống, nên vui và sống với pháp, thấy theo Phật, giải theo Phật, không giải theo nhận thức của ta hay theo đời. Nhìn theo đời thì thấy vô lý, nhưng hiểu đạo thấy điều vô lý trước kia thực là có lý; thấy theo đời thì trả quả báo không lường. Tỳ-kheo thấy sự vật theo đời, đáng xấu hổ.
Phật dạy thấy cuộc đời là khổ, đương nhiên ta có ý thoát ly. Kế đến là tìm ra nguyên nhân khổ mới tránh né. Nguyên nhân khổ là tham, sân, si hay vô minh. Nó là nguồn gốc tội lỗi. Ta si mê, nên khác với Phật, Ngài thấy đúng.
Thấy theo Phật là thấy người nói xấu ta cũng đúng, tại sao họ lại nói xấu ta mà không nói xấu người khác. Thấy vậy để ta sửa lần cho đến khi họ không chỉ trích được là tu. Trong đời này, nghiệm cho cùng ta không có lỗi, nhưng đời trước, ta và họ đã có vấn đề.
Phật dạy phải quán ba đời nhân quả. Phật cho biết không phải đời này Đề Bà Đạt Đa mới chống Ngài, nhưng từ khi Phật phát tâm Bồ-đề cho đến thành Phật, trải qua vô số kiếp, đời nào ông cũng chống đối Phật. Kiếp nào cũng chống là biết rõ ân oán, phân ra hai thái cực là Phật và ma.
Tỳ-kheo thanh tịnh tìm cách vô hiệu hóa sự chống phá của ác ma bằng cách làm ngược lại. Nó nói ta tham thì ta hành bố thí là vô hiệu hóa được. Cứ như vậy thay đổi cuộc sống ta và theo Phật, cuối cùng để họ tự trả lời, ta không bao giờ đính chính, ta tự sửa mình thì vô hiệu hóa được sự bịa đặt của ác ma.
Là đệ tử Phật, điều quan trọng mà Đức Phật muốn nhắc nhở hàng xuất gia rằng tối thiểu phải đắc được Sơ quả, tức dự vào dòng Thánh, thì từ đây về sau, đời nào cũng gặp Phật pháp. Đức Phật đã từng khẳng định rằng người đắc Sơ quả thì chỉ cần bảy đời nữa tu hành sẽ tiến đến Thánh quả, tái sanh ở nơi nào cũng gặp thiện tri thức khai ngộ, không sợ bị đọa.
Phải có tư cách thanh tịnh Tỳ-kheo là Tịnh mục. Và từ Tịnh mục trở thành Pháp mục Tỳ-kheo, nhìn theo Phật, sống trong pháp Phật lâu ngày, có cái nhìn chính xác, biết rõ mọi việc và làm vô số việc hữu ích cho người, được người kính quý là trở thành Thánh mục Tỳ-kheo. Thánh mục Tỳ-kheo chỉ cho Phật. Kiều Trần Như chỉ cho Tịnh mục Tỳ-kheo không nói, chỉ chuyên tu pháp hành, thành tựu đức hạnh đệ nhất, thân tâm hoàn toàn thanh tịnh.
Pháp hội Hư Không Mục chỉ cho Phật và Thánh chúng ở Ta-bà tệ ác, nhưng nhờ các Ngài có được Ngũ nhãn, Tam minh, Tứ trí, Lục thông…, nên trở thành chỗ nương tựa của Bồ-tát mười phương.
Kinh nói Bồ-tát tập hợp về học pháp Hư Không Mục và chư Phật mười phương đều đem Tịnh mục, Pháp mục Đà-la-ni, Thánh mục Đà-la-ni dâng tặng cho Phật. Tất cả Đà-la-ni mà Bồ-tát sở đắc do tu hành đạo Bồ-tát tiêu biểu cho trí tuệ áp dụng đúng đắn trong cuộc sống, phát triển được đạo pháp.
HT. Thích Trí Quảng
Discussion about this post