Lời Mở Đầu
Vị Trí Của Hàng Phụ Nữ Trong Phật Giáo
Khi Đức Phật Siddhattha Gotarna (Sĩ Đạt Ta Cồ Đàm) thị hiện ở Ấn Độ cách nay hơn 2,500 năm về trước, người phụ nữ có một địa vị rất thấp kém và đê hèn trong xã hội Ấn Độ. Vào thời bấy giờ, trong phần còn lại của thế giới văn minh, trải dài từ Trung Hoa đến Hy Lạp, vị trí của người phụ nữ vẫn khiêm nhường và hạ cấp. Ngày nay, cùng khắp nơi ai ai cũng nhìn nhận rằng Đức Phật là người đã sáng lập một tôn giáo được truyền bá sâu rộng trên thế gian, phổ cập đến những hang cùng hóc hẻm của quả địa cầu, đã ban truyền một triết lý huy hoàng và vĩ đại nhất trong lịch sử tư tưởng loài người.
Nhưng vai trò phục hưng xã hội và cách mạng văn hóa của Đức Phật, rất kỳ diệu và phi thường, đôi khi bị các sử gia Phật Giáo lãng quên.
Quan trọng nhất trong các đổi mới mà Ngài đem lại cho cơ cấu xã hội loài người vào thời bấy giờ là sự phá tan hệ thống giai cấp rất tai hại và giải phóng phụ nữ. Với lòng quả cảm hiếm có đáng được lưu ý Ngài chỉ vạch tánh cách vô lý và điên rồ của những ràng buộc nghiêm khắc trong sự phân chia giai cấp và tình trạng nô lệ của người phụ nữ. Ngài phục hưng hai vấn đề tối trọng yếu ấy trong tập tục và tư tưởng con người mà vào thời bấy giờ đã thấm nhuần tận xương tủy người Ấn. Ngài biến chuyển một xã hội đã lún sâu trong thành kiến mù quáng và lòng mê tín ẩn tàng trở thành lành mạnh, dũng cảm và có nền đạo đức trong sạch.
Từ xa xưa trước thời Đức Phật, giai cấp bà la môn (brahmin) vẫn giữ toàn thể dân Ấn trong bàn tay sắt của họ, dìm thấp người phụ nữ xuống hàng tôi đòi hay nô lệ. Người đàn bà không có quyền gì của mình, không tự do ăn nói, mà phải tự giam hảm trong bốn bức tường của nhà mình và được xem là không xứng đáng được hưởng bất luận gì cao hơn là hàng tôi tớ của chồng, của cha hay của anh. Nữ giới không bao giờ được sắp ngang hàng với nam giới trong xã hội.
Theo sách Manusmrti, The Laws of Manu, một quy luật để hướng đạo số phận của cuộc sống trong xã hội Ấn Độ thời xưa mà nhà luật nổi tiếng Manu đã ban hành, hôn nhân là tăng cường những ràng buộc cột trói người đàn bà trong vòng nô lệ, siết chặt trọn cuộc đời vào người đàn ông – là một phần của chồng, là người làm công, người giúp việc để phục vụ chồng.
Vâng dạ phục tùng chồng, thi hành những gì chồng sai bảo, luôn luôn làm theo ý muốn của chồng, chỉ bấy nhiêu đó cũng có đủ tư cách cho người vợ vượt qua cánh cổng của cảnh trời. Không như người nam, người nữ khong cần phải tế lễ hay thực hành những nghi thức lễ bái hoặc cúng kiếng nào, cũng không cần đọc tụng kinh và dâng cúng thần linh để dọn đường lên cảnh trời. Một lòng trung thành với chồng và lúc nào cũng tuân hành lời sai khiến của chồng là cái chìa khóa mở cổng vào hạnh phúc thiên đàng(1). Theo quy luật Manu hàng phụ nữ không được quyền học kinh Vedas (Phệ Đà). Đó là lý do tại sao trong nghi thức lễ bái dành cho người nữ không có phần đọc chú Veda. Quan kiến về nữ giới như vậy là một sĩ nhục cho người phụ nữ Ấn Độ.
Lòng trung thành của người vợ không phải chỉ được bày tỏ trongkhi chồng còn sống mà còn tiếp tục cho đến khi hỏa táng ông chồng. Một người vợ Ấn Độ được trông đợi phải theo chồng sang thế giới bên kia bằng cách tự quyên sinh, nhảy vào ngọn lửa bừng cháy của giàn hỏa đang thiêu chồng. Mặc dầu các tập tục man rợ ấy đã được hoàn toàn bãi bỏ, chấm dứt và không còn được duy trì để bôi xấu gương mặt tươi đẹp của nền văn hóa Ấn Độ, tuy nhiên thói quen ấy đã được lan rộng trong xã hội Ấn Độ cổ xưa, và ngày nay thỉnh thoảng vẫn còn sống dậy trong xứ Ấn Độ tân tiến, cho thấy rõ vị trí thấp hèn của người phụ nữ trong xã hội Ấn vào những ngày xa xưa và có thể còn được ứng dụng đến một mức độ nào. Xã hội thời bấy giờ tin rằng sinh con gái là một điều bất hạnh – còn hơn vậy nữa – là một đại họa. Không phải chỉ người dân thường mà chí đến hàng vua chúa cũng không tránh khỏi bị quan kiến hẹp hòi và lầm lạc ấy gây nhiễm độc. Chuyện thuật rằng một ngày nọ Vua xứ Kosala (Câu Tất La) đến hầu Phật như thông thường vua vẫn đến và đàm đạo với Ngài. Vào lúc ấy có tin báo là Hoàng Hậu Mallika hạ sanh con gái. Nghe tin này vua ngẩn ngơ khó chịu, sắc mặt trở nên ủ dột âu lo và phiền muộn. Nhìn thấy vậy đấng Toàn Giác mở lời khuyên:
‘Không nên băn khoăn, tâu Đại Vương,
Một bé gái có thể,
Còn tốt hơn con trai,
Vì lớn lên em có thể thông minh và đức hạnh,
Là một người vợ hiền, mẹ chồng em sẽ yêu quý.
Rồi đứa con trai mà em sẽ sanh ra
Có thể làm nên đại sự
Trị vì một lãnh thổ rộng lớn, đúng vậy, con trai
Của bà vợ cao quý trở thành người lãnh đạo quốc gia’ (2).
Trong Phật Giáo, sự khác biệt giữa nam và nữ không phải là một trở ngại để thành tựu mức độ toàn hảo cao thượng nhất. Đề cập đến Bát Chánh Đạo mà Ngài ví như một cổ xe, Đức Phật dạy:
‘Dầu là người nữ, dầu là người nam
Cổ xe cũng vẫn chờ đợi, cùng một chiếc xe ấy
Sẽ đưa vào tận Niết Bàn’ (3)
Thấu hiểu lòng thù nghịch hiểm độc và thái độ ác cảm đối với hàng phụ nữ trong các hệ thống tôn giáo và xã hội của thời Ngài, Đức Phật phát huy một cuộc cách mạng trong tư tưởng và trong lối cảm xúc của đại chúng bằng cách công khai và can đảm tuyên bố rằng người nữ không có gì là thấp kém hơn người nam, và trên con đường đức hạnh toàn hảo và trí tuệ thâm sâu dẫn đến Niết Bàn, vừa khó khăn vừa khổ nhọc, nam và nữ vẫn ngang nhau. Bên trong mổi người nữ, cũng như bên trong mỗi người nam, đều có tiềm ẩn khả năng để trở thành A La Hán, tiềm lực để trở nên bậc thánh nhân.
Tuyên ngôn này của Đức Phật, cũng như sự phủ nhận hệ thống giai cấp của Ngài, đã gây nên một biến động lớn lao trong giới tôn giáo thời bấy giờ vì đó là trực tiếp đương đầu với niềm tin đã ăn sâu vững chắc trong dân gian. Tuy nhiên, những thành trì chánh thống ấy sớm sụp đổ trước giáo lý vẻ vang của Đức Phật.
Đức Phật chỉ rằng người đàn bà là mẹ của đàn ông. Không ai xứng đáng cho ta kỉnh mộ tôn sùng bằng mẹ của mình, và phận làm con không thể trả hết món nợ của mẹ mà mình phải mang trong lòng. Như thế Ngài nâng cao vị trí của hàng phụ nữ.
Trong kinh sách Phật Giáo, đôi khi vì lòng sùng kính và tôn trọng, hàng phụ nữ được nhắc đến danh nghĩa là xã hội các bà mẹ (matugama). Về sau, người hiểu biết ở Ấn nghe theo lời khuyên dạy của Đức Phật về giá trị của bà mẹ, tuyên ngôn rằng: ‘Bà mẹ và lãnh vực của mẹ phải được tôn trọng hơn là cảnh trời’ (4). Đức Phật cũng ghi sâu vào tâm não của dân chúng thời bấy giờ nhu cầu phải kính nể và tôn trọng phái nữ. Ngài dạy người nam nên xem người nữ như chị, như em gái và hết lòng bảo vệ họ, nên đối xử hiền hòa, dịu dàng với vợ, xem vợ là ngang hàng với mình, và cho con gái những cơ hội thăng tiến giống như con trai. Hơn nữa, trong kinh Sigalovada Sutta, toát yếu đạo lý cho người cư sĩ. Đức Phật ban hành đường lối chỉ đạo về bổn phận người làm chồng nên: lễ độ, luôn luôn nhã nhặn thanh tao với vợ; không tỏ ý khinh thường; trung thành với vợ, trao quyền hành trong nhà, và mua sắm nữ trang cho vợ.
Cũng trong bài kinh ấy Đức Phật khuyên dạy bổn phận người làm vợ nên đối xử với chồng thế nào. Phải bày tỏ lòng thương kính chồng bằng năm cách: làm tròn phận sự của mình: ân cần đón tiếp thân bằng quyến thuộc bên chồng; trung thành với chồng; cẩn thận giữ gìn tiền bạc của cải mà chồng đem về; luôn luôn siêng năng, không bao giờ tháo trúc công việc.
Vài người chỉ trích vội vã đi đến kết luận rằng Đức Phật không biết và không quan tâm thích nghi đến bổn phận và lý tưởng của hàng phụ nữ cư sĩ. Những vị ấy chỉ cần đọc những bài giảng của Đức Phật, nhất là những bài trong bộ Anguttara Nikaya (Tăng Nhứt A Hàm) (5) và Samyutta Nikaya (Tạp A Hàm) (6) để nhận định đến mức nào đấng Toàn Giác đã chú trọng đến tình trạng an lành của ‘xã hội các bà mẹ’. Theo Đức Phật, tất cả mọi tiến bộ và mọi thành tựu, tại thế cũng như siêu thế, đều nằm trong tầm khả năng của người phụ nữ cư sĩ sống với nếp sống trong gia đình và theo những khuynh hướng đạo đức của người tại gia, miễn là người ấy thực hành theo lời dạy của Đức Phật.
Những phẩm hạnh đem lại tình trạng an lành cho người phụ nữ trong cả hai, thế gian này và cảnh giới về sau, đã được Đức Phật ban hành như sau:
1. Tâm đạo nhiệt thành
2. Biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi
3. Không dể duôi, buông xuôi theo chiều hướng độc hiểm, thù oán và sân hận
4. Không ganh tỵ
5. Không keo kiết bỏn xẻn mà quảng đại rộng rãi
6. Đức hạnh trong sạch
7. Sóng cuộc đời đạo đức và thích hợp với thuần phong mỹ tục
8. Trau giồi học vấn và kiến thức thâm sâu
9. Hăng say và nhiệt thành
10. Cảnh giác và lanh trí
11. Sáng suốt và khôn ngoan (7)
Một thiếu nữ mà có những phẩm hạnh như trên đã vững chắc tiến bước trên con đường an lành và hạnh phúc.
Như nhà viết kịch vĩ đại người Hy Lạp, Euripides, đã lưu ý: ‘Không có gì tệ hại hơn là một người đàn bà xấu và không có gì cao cả hơn một người đàn bà tốt.’ Cũng vì Đức Phật tin chắc vào khả năng của người phụ nữ để tiến đạt đến mức tiến bộ tuyệt đỉnh mà con ngườì có thể thành đạt nên Ngài chấp nhận thỉnh nguyện khẩn cấp của bà di mẫu Pajapati Gotami và thành lập Giáo Hội Tỳ Khưu Ni. Làm điều này Đức Phật là người đầu tiên trong lịch sử tôn giáo nhân loại đã nâng cao vị trí của hàng phụ nữ đến mức quan trọng nhất. Đây là việc làm duy nhất và chưa từng thấy trong rất nhiều hệ thống tôn giáo và trường phái tư tưởng được biết, trước và trong thời Đức Phật. Đây là một sự canh tân bất ngờ đã làm cho những nhà lãnh đạo xã hội và tôn giáo thời bấy giờ hoàn toàn kinh ngạc. Đây là một canh tân mới lạ phi thường vì nó chấp nhận cho hàng phụ nữ đặc quyền tiếp thụ một bản chất cao quý, một sức mạnh kiên cố vững chắc trong nền đạo lý, một khả năng thấm nhuần trí tuệ thâm sâu ngang hàng với nam giới.
Cũng nên ghi nhận thêm rằng Đức Phật cho phép thành lập Giáo Hội chư Tỳ Khưu Ni vào thời điểm và địa điểm mà người phụ nữ được xếp vào hạng rất thấp kém, khiêm tốn và có một địa vị nhục nhã trong xã hội. Và ta cũng có thể nói thêm rằng, mặc dầu 2,500 năm đã trôi qua từ thời Đức Phật và mặc dầu nhiều hệ thống tôn giáo khác đã phát triển dồi dào thịnh vượng tại Ấn Độ, chí đến ngày nay không có tôn giáo nào thành lập một giáo hội cho hàng nữ tu sĩ. Không thể còn nhiều nghi ngờ nữa, rằng hàng phụ nữ trên thế giới vẫn chịu một món nợ trường cửu đối với Đức Phật vì ngài đã nâng cao họ lên hàng danh dự này.
Sau khi Giáo Hội Tỳ Khưu Ni được thành lập, một số đông phụ nữ từ mọi từng lớp của đời sống gia nhập vào Giáo Hội và những hành động của các bà đã tô điểm vẻ vang những trang văn học Phật Giáo. Đời sống của một số khá đông những vị tỳ khưu ni thành thiện ấy, công trình kiên trì nỗ lực của các bà để thành đạt mục tiêu giải thoát và những ca khúc khải hoàn sau khi thành tựu mục tiêu, đã được mô tả một cách sống động trong Therigatha (psalms of the Sisters, những thánh thi của chư tỳ khưu ni).
Trong tích truyện chuyện bà Pajapati Gotami, được đề cập đến trong kinh sách, có tường trình việc thành lập Giáo Hội Tỳ Khưu Ni với đầy đủ chi tiết. Văn học Phật Giáo chứa đựng dồi dào những gương lành của người phụ nữ đã viên mãn nhiều thành tựu khác thường.
Bộ Anguttara Nikaya, Tăng Nhứt A Hàm, kể lại rất tận tường tiểu sử các bà Phật tử, tỳ khưu ni và cư sĩ tín nữ, không những đã thực hành tốt đẹp Giáo Pháp mà còn là giảng sư dạy Giáo Lý. Vị Tỳ Khưu Ni Khunđalakesa (8) là một trong các bà. Tích chuyện Tỳ Khưu Ni Soma đã nói lên bằng những danh từ không thể lầm lẫn rằng nữ tính không phải là trở ngại cho tiến bộ.
Tin tưởng lầm lạc thông thường ở Ấn Độ là cho rằng về phương diện tinh thần và đạo đức người phụ nữ thấp kém hơn người nam, được Tỳ Khưu Ni Soma (9) bác bỏ và giải rõ như sau: ‘Làm thế nào bản chất của người đàn bà được xem là thấp kép khi mà, với tâm an trụ, với tri kiến sáng tỏ và thanh tịnh đầy trí tuệ sâu sắc, người phụ nữ có thể vén lên bức màn vô minh đang bao trùm mình, thông suốt Giáo Pháp và nhận thấy đời sống đúng theo mực tướng của nó?’
Sự kiện Đức Phật thông hiểu tiềm năng sâu ẩn và khả năng hoàn mãn những thành tựu vĩ đại và cao thâm của hàng phụ nữ không làm cho Ngài mù quáng không thấy những khuyết điểm và yếu mềm cố hữu trong tâm tánh người nữ, và đó là điểm đặc thù của phái này. Ngài có thể khuyên cáo cả hai, người nam và người nữ, nên cảnh giác lưu tâm đến các thiếu sót và suy kém ấy.
Đề cập đến phái nữ, Đức Phật nói: ‘Khuynh hướng không cương nghị và bẩm tánh kém đạo đức là tai hại lớn lao của giới nữ’ (10), nhưng điều này không có nghĩa là bắt buộc họ phải chịu số phận như vậy. Điều này chỉ có nghĩa là người nữ cần phải hết sức thận trọng và tận lực gia công chiến đấu để vượt đến mức độ cao trổi hơn trong đời sống.
Dầu sao, Đức Phật vạch rõ những yếu kém và khuyết điểm của hàng phụ nữ, không phải để chế nhạo và chê cười là thua sút, mà Ngài nhắm đến mục tiêu cao quý là giúp họ nhận định những khó khăn gây trở ngại cho những nỗ lực thành tựu mục tiêu của mình và khuyến khích họ thận trọng canh phòng các cuộc tấn công của những khát vọng và các cuộc đột kích của những cám dỗ.
Có lời dạy rằng những thích thú của năm giác quan – sắc, thinh, hương, vị, xúc vốn làm say mê và cám dỗ người nam – đều tập trung và kết tinh trong hình dáng người đàn bà (11). Với năng lực làm say đắm mê hồn ấy người đàn bà có thể nô lệ hoá và đặt người đàn ông dưới quyền thống trị của mình.
Người ta thường nói rằng người phụ nữ cám dổ và lôi cuốn con người dể duôi buông lung bằng những cái liếc mắc, những nụ cười duyên, những dáng điệu yêu đương, bằng cách thân mến chăm nom chải chuốt (duni-vatthena) và bằng những lời quyến rũ dịu dàng dễ mến (12).
Bộ kinh Angutara Nikaya, Tăng Nhứt A Hàm, mở đầu như sau: ‘Này chư tỳ khưu, Như Lai không biết một hình thể nào khác chiếm đoạt quả tim người đàn ông như bóng dáng của người đàn bà. Này chư tỳ khưu, hình dáng của người phụ nữ làm cho tâm trí người nam đắm đuối say mê’.
‘Như Lai không biết một âm thanh…
Như Lai không biết một hương thơm…
Như Lai không biết một mùi vị…
Như Lai không biết một sự đụng chạm nào…
mà có thể làm đắm đuối say mê và giam cầm quả tim người nam như âm thanh, hương thơm, mùi vị và sự đụng chạm của một người đàn bà. Tiếng nói, hương thơm, mùi vị và sự đụng chạm với người phụ nữ chiếm đầy tâm trí người nam.
‘Này chư tỳ khưu, Như Lai không biết sắc, thinh, hương, vị, xúc nào khác mà làm cho quả tim người đàn ông hoàn toàn đắm đuối say mê trước những quyến rũ và cảm xúc ấy’.
Nơi đây có một thời nói Pháp về sự thân cận nam nữ và năng lực không thể cưỡng của nó được diễn đạt trong một ngôn ngữ giản dị và không thể nhầm lẫn, chân lý mà không người biết lẽ phải nào có thể dám phủ nhận. Sự gần gũi giữa nam và nữ được Đức Phật xem là dục vọng hùng mạnh nhất, là bản năng có sức mạnh hùng hậu nhất của con người. Nếu ta để cho tình dục lôi cuốn, trở thành người bị trói buộc, người nô lệ của những dục vọng, người hoàn toàn tự hảm mình trong cạm bẩy, tự hiến mình vào nanh vuốt của mê hoặc – thì con người dũng mãnh nhất cũng trở thành như loài sâu bọ thế cô; một người thánh thiện sáng suốt cũng hành động như điên cuồng khờ dại, chí đến một hành giả đã thành đạt những từng thiền cao cũng có thể rơi xuống thâm sâu trong những khổ cảnh trần gian.
‘Không có lửa nào như tham ái,
Khát vọng không tàn lụi, nó bừng cháy’ (13).
Đó là lời của Đức Phật về những cảm xúc của tình dục. Nhưng ta phải nhớ rằng Đức Phật không khinh rẻ, không có ý làm tổn hại danh dự, suy giảm giá trị của nữ giới. Ngài chỉ nêu lên tâm tánh yếu mềm và tình trạng mỏng manh của người nữ và muốn họ cảnh giác đề phòng. Đàng khác Ngài thấm nhuần và in sâu vào lòng họ bài học tự mình uốn nắn tâm tánh và sửa đổi tác phong để thành một nguồn an ủi và sức mạnh của nhân loại.
Nói về người phụ nữ Đức Phật vắn tắt phê bình: ‘Tác phong dể duôi hay kém đạo đức là ô nhiễm của người phụ nữ’ (14). Nhưng một lần nữa Đức Thế Tôn khẳng định rõ ràng ‘Người tốt nhất trong những bà vợ hiền là người làm vui lòng chồng’ (15), và ở một nơi khác Ngài ghi nhận ‘Vợ là bạn hiền tốt nhất’ (16). Goldsmith chỉ vang âm những lời của Đức Phật khi ông viết:
‘Một bà vợ toàn hảo giúp đỡ trong đời sống còn nhiều hơn người luôn luôn khoác chiếc áo triết gia, vỗ ngực tự xưng anh hùng, hay những công nương gắt gỏng. Người làm cho chồng con hạnh phúc là một nhân vật vĩ đại hơn các thiếu nữ trong những câu chuyện tiểu thuyết mà trọn đời chỉ giết chóc nhân loại bằng những làn tên được phóng ra từ những ống tên khóe mắt’.
Một cách vắn tắt, đó là vị trí của nữ giới trong Phật Giáo. Người phụ nữ xứng đáng có một chỗ đứng danh dự ngang hàng với nam giới, về phương diện khả năng và thành đạt mục tiêu Niết Bàn, và trên nấc thang thành tựu của nhân loại, có khả năng đạt đến mức tột đỉnh mà người nam có thể đến.
Trong mọi lãnh vực nỗ lực của nhân loại, người nam không có gì hơn người nữ, nhưng cùng lúc Đức Phật nhìn nhận khuyết điểm dính liền theo nữ tính, khuynh hướng nhẹ dạ và thiên tánh yếu mềm của người phụ nữ dễ dàng rơi vào đường tội lỗi, dễ bĩ khuyến dụ đi trên con đường kém đạo đức, và vốn là một vị thầy luân lý vĩ đại – là vị thầy vĩ đại nhất trong lịch sử loài người – Ngài gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, chỉ vạch những dấu hiệu hiểm nguy trên con đường tiến bộ của các bà.
Mối lo âu chánh của Đức Phật là phục hưng tinh thần đạo đức và luân lý cho tất cả mọi người, nam và nữ; là giải thoát họ ra khỏi những trói buộc vô cùng tận của vòng luân hồi và đưa họ đến hạnh phúc trường cửu của Niết Bàn. Đã như vậy, Ngài không mấy bận tâm đến những vấn đề của thế gian như cải cách xã hội và tiến bộ chánh trị. Ngài để những công việc ấy lại cho những ai có thẩm quyền – những nhà cai trị dân, vua chúa, người có quyền thế, những người có nhiệm vụ gánh vác công chuyện quốc gia. Suốt đời Ngài không bao giờ xen vào những tổ chức của chánh quyền; Ngài không bao giờ nhúng tay vào những vấn đề chánh trị nhưng dầu sao, không thể phủ nhận và luận bàn, rằng trong khi tuyên ngôn bức thông điệp vĩnh cửu về sự giải thoát nhân loại, cùng lúc ấy, vì lý do cao cả của giáo huấn tuyệt luân, Ngài đã đem lại tiến bộ xã hội đáng ghi nhớ và sự giác ngộ chánh trị cho toàn thể nhân loại, duy nhất trong lịch sử thế giới. Những chuyện tích thuật lại dưới đây cho thấy rằng giáo huấn tuyệt vời của Đức Phật đã có một ảnh hưởng thấm nhuần sâu xa vào đời sống của hàng phụ nữ trong thời Ngài (17).
Hầu hết tất cả những tích chuyện này đều được phiên dịch từ kinh điển và các Bản Chú Giải Pali. Những câu kệ được viết lại theo văn xuôi để có thể rất trung thực, dễ thực hiện và dễ đọc.
Xin xem tiếp những chuyện tích thuật của các Tỳ Khưu Ni vào thời Đức Phật, qua các bài sau đây cũng trong trang phụ nữ:
1. Người Phụ Nữ Vĩ Đại Nhất, Maha Pajapati Gotami,
2. Người Con Gái Chăn Đà La
3. Mắt Người Trinh Nữ
4. Kisagotami, Bà Mẹ Khổ Đau
5. Người Con Gái Thợ Dệt
6. Upagupta và Cô Gái Nhảy
7. Kundala Kesa (Cô Gái Tóc Quăn)
8. Một Trường Hợp Thay Hình Đổi Dạng
9. Dhammadinna, Vị Pháp Sư và
10. Visakha, Vị Đại Thí Chủ của Đức Phật.
Chú thích:
(1). Nasti strinam prthagyajno
Na vratam napyuposatham
Patim susrusate yena
Tana svarge mahiyate (Manu, câu 153).
(2). Kindred Sayings, I, trang iii.
(3). Kindred Sayings, I, trang 45.
(4). Janani janma bhumis ca svargadapi gariyasi.
(5). Anguttara Nikaya, 4: 265 và những trang tiếp.
(6). Anguttara Nikaya, Tăng Nhứt A Hàm. 4: 238 và những trang tiếp.
(7). i. saddho, ii. hirima ottapi, iii. akkodhano anupanahi, iv. anissuki, v. amacchri, vi. anaticari, vii. silava, viii. bahussuto, ix. araddhaviriyo, x. upatthita sati, xi. pannava (Samyutta Nikaya, Tạp A Hàm, 4: 143).
(8). Xem phần sau, trang 530.
(9). Psalms of the Sisters.
(10). Xem Dhammapada, kinh Pháp Cú, câu 242.
(11). Pancakamaguna ete itthirupasmim dissare – rupa saddha rasa gandha photthabba ca manorama (Anguttara Nikaya, Tăng Nhứt A Hàm, 3: 69).
(12). Gradual Sayings, iii, trang 57.
(13). Xem Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 251.
(14). Xem Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 242.
(15). Samyutta Nikaya, Tạp A Hàm, I: 7.
(16). Samyutta Nikaya, Tạp A Hàm, I: 37.
(17). Quý vị quan tâm đến vấn đề ‘Người Phụ Nữ Trong Phật Giáo; có thể đọc Women Under Primitive Buddhism của tác giả I.B. Horner; Women in Buddhist Literature của tác giả B.C. Law; và bài viết có nhiều tài liệu ‘Women and the Religious Order of the Buddha’ của Jotiya Dhirasekera; hiện nay là Đại Đức Dhammavuhari (The Maha Bodhi, May-June 1967, Calcutta).
Trích theo quyển ‘Phật Giáo, Nhìn Toàn Diện’, do Phạm Kim Khánh dịch, Sài Gòn, Việt Nam, 1996. (Nguyên tác: ‘The Spectrum of Buddhism’ của tác giả Piyadassi Mahathera).
Nguồn: http://www.quangduc.com
Discussion about this post