PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
Phật Lịch 2560/ 2016
NIỆM RẢI TÂM TỪ, TÂM BI, TÂM HỶ, TÂM XẢ
(Tóm tắt)
Soạn-giả: Tỳ-khưu Hộ-Pháp
(Dhammarakkhita Bhikkhu – Aggamahāpaṇḍita)
(Dhammadāna – Pháp thí)
Namo tassa Bhagavato Arahato Sam-māsambuddhassa.
(Con xin thành kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, Đức A-ra-hán, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác ấy).
Lời Nói Đầu
Trong đời này, người nào không có pháp nhẫn-nại thường hay cau có, bực dọc mỗi khi gặp cảnh trái ý nghịch lòng, phát sinh khổ tâm, bởi vì người ấy không có tâm-từ, không biết thương yêu mình, nên chỉ tự làm khổ mình mà thôi.
Sự-thật, mọi nỗi khổ tâm đều phát sinh do phiền-não đó là sân-tâm của mình, hoàn toàn không phải của người khác.
Nếu người nào có tâm-từ là người có vô-sân tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm, khi ấy, sân-tâm không thể phát sinh, thì làm sao người ấy có thể khổ tâm được?
Muốn có tâm-từ để bảo hộ mình thì hành-giả cần phải thực hành pháp-hành niệm rải tâm-từ cho mình rồi niệm rải tâm-từ đến cho tất cả mọi chúng sinh khác. Như vậy, chính mình được mát mẻ an-lạc đồng thời người khác cũng được mát mẻ an-lạc.
Người có tâm-từ luôn luôn mong muốn sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc cho mình và mong muốn sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc cho tất cả mọi chúng sinh khác, nên kiếp hiện-tại người ấy được phần đông mọi người thương yêu quý mến. Dù cho người ấy có ngoại hình không xinh đẹp, nhưng nhờ có tâm-từ của người ấy cũng làm cho mọi người thương yêu quý mến.
Sau khi người ấy chết, đại-thiện-nghiệp có tâm-từ ấy có cơ-hội cho quả tái-sinh kiếp sau làm người sẽ là người có sắc đẹp thật đáng ngưỡng mộ đối với mọi người.
Nếu người nào không có tâm-từ, không có pháp nhẫn-nại thường hay bực dọc do năng lực của sân-tâm tự làm khổ mình, còn làm cho người khác cảm thấy khó chịu, nên người ấy dù có xinh đẹp thế nào cũng làm cho phần đông mọi người không ưa thích.
Sau khi người ấy chết, ác-nghiệp trong sân-tâm có cơ-hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi địa-ngục chịu khổ cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi địa-ngục ấy.
Nếu có đại-thiện-nghiệp khác có cơ-hội cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người thì sẽ là người xấu xí thật đáng ghê tởm.
Cho nên, hành-giả thường thực hành pháp-hành niệm rải tâm-từ, niệm rải tâm-bi, niệm rải tâm-hỷ, niệm rải tâm-xả không chỉ đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc trong kiếp hiện-tại mà còn đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc trong vô số kiếp vị lai nữa.
Trong đời này, mọi người nên hiểu biết pháp-hành niệm rải tâm-từ, niệm rải tâm-bi, niệm rải tâm-hỷ, niệm rải tâm-xả, để ứng dụng vào các đối-tượng hạng người nào thích hợp với tâm nào thì hành-giả nên thực hành pháp-hành niệm rải tâm-từ hoặc niệm rải tâm-bi hoặc niệm rải tâm-hỷ hoặc niệm rải tâm-xả, để thích hợp với đối-tượng hạng người ấy, để cho tâm ấy được phát sinh và phát triển tốt, đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc cho mình và đối-tượng là những người khác.
Chùa Tổ Bửu-Long,
Rằm tháng tư PL. 2.560/2016
Q9, Thành phố Hồ-Chí-Minh.
Tỳ-Khưu Hộ-Pháp
(Dhammarakkhita Bhikkhu)
(Aggamahāpaṇḍita)
**********************
Niệm Rải Tâm-Từ, Tâm-Bi, Tâm-Hỷ, Tâm-Xả Tóm Tắt
1- Niệm rải tâm-từ đến chúng sinh piyamanāpasattapaññatti:chúng sinh thật đáng yêu, đáng kính, mong muốn sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc đến mọi chúng sinh ấy.
2- Niệm rải tâm-bi đến chúng sinh dukkhitasattapaññatti: chúng sinh đang đau khổ, mong cho chúng sinh ấy thoát khỏi cảnh đau khổ ấy.
3- Niệm rải tâm-hỷ đến chúng sinh sukkhitasattapaññatti: chúng sinh an-lạc, cầu mong sự hạnh phúc an-lạc đừng mất đi, để mọi chúng sinh được hưởng mọi sự an-lạc lâu dài.
4- Niệm rải tâm-xả đến chúng sinh majhattasattapaññatti: chúng sinh trung dung, không thương, không ghét, không thuộc về 3 đối-tượng trước, bởi vì hiểu biết rõ mỗi chúng sinh có nghiệp là của riêng, họ là chúng sinh thừa hưởng quả của nghiệp ấy như người thừa kế quả của nghiệp ấy.
1- Pháp-Hành Niệm Rải Tâm-Từ
Nếu hành-giả thực hành pháp-hành niệm rải tâm-từ đến chúng sinh là hạng người thật đáng yêu, đáng kính thì tâm-từ dễ dàng phát sinh, bởi vì chúng sinh ấy là người thật đáng yêu, đáng kính, nên cầu mong sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc đến cho mọi chúng sinh ấy với 4 pháp-từ như sau:
– Sabbe sattā averā hontu: Xin cho tất cả chúng sinh không oan trái lẫn nhau.
– Sabbe sattā abyāpajjā hontu: Xin cho tất cả chúng sinh không có khổ tâm, sầu não.
– Sabbe sattā anīghā hontu: Xin cho tất cả chúng sinh không có khổ thân.
– Sabbe sattā sukhī attānaṃ pari-harantu: Xin cho tất cả chúng sinh giữ gìn thân tâm thường được an-lạc.
2- Pháp-Hành Niệm Rải Tâm-Bi
Nếu hành-giả thực hành pháp-hành niệm rải tâm-bi đến chúng sinh là hạng người đang đau khổ thì tâm-bi dễ dàng phát sinh, bởi vì chúng sinh ấy là người đang đau khổ, nên cầu mong cho người ấy thoát khỏi sự đau khổ ấy với 1 pháp-bi như sau:
– Sabbe sattā dukkhā muccantu: Mong cho tất cả chúng sinh thoát khỏi sự khổ tâm, khổ thân.
3- Pháp-Hành Niệm Rải Tâm-Hỷ
Nếu hành-giả thực hành pháp-hành niệm rải tâm-hỷ đến chúng sinh là hạng người đang hưởng hạnh phúc an-lạc thì tâm-hỷ dễ dàng phát sinh, bởi vì chúng sinh ấy là người đang hưởng mọi sự hạnh phúc an-lạc, nên tâm-hỷ dễ dàng phát sinh, cầu mong cho người ấy đừng mất đi sự hạnh phúc an-lạc ấy, được hưởng mọi sự hạnh phúc an-lạc lâu dài với 1 pháp-hỷ như sau:
– Sabbe sattā yathā laddhasampattito mā vigacchantu: Mong cho tất cả chúng sinh đừng mất đi sự an-lạc, sự tiến hoá đã có được.
4- Pháp-Hành Niệm Rải Tâm-Xả
Nếu hành-giả thực hành pháp-hành niệm rải tâm-xả đến chúng sinh là hạng người trung dung, không thương, không ghét, thì tâm-xả dễ dàng phát sinh, bởi vì hiểu biết rõ mỗi chúng sinh có nghiệp là của riêng mình, họ là người thừa hưởng quả của nghiệp của họ như người thừa kế quả của nghiệp mà họ đã tạo trong kiếp hiện-tại hoặc những tiền kiếp quá-khứ của họ với 1 pháp-xả như sau:
– Sabbe sattā kammassakā hontu: Tất cả chúng sinh có nghiệp là của riêng họ.
Hành-giả nếu muốn thực hành pháp-hành niệm rải tâm-từ hoặc pháp-hành niệm rải tâm-bi hoặc pháp-hành niệm rải tâm-hỷ hoặc pháp-hành niệm rải tâm-xả đến chúng sinh nào thì trước tiên, hành-giả nên niệm rải tâm-từ, niệm rải tâm-bi, niệm rải tâm-hỷ, niệm rải tâm-xả cho chính mình trước, bởi vì chính mình cần phải có tâm-từ, tâm-bi, tâm-hỷ, tâm-xả làm cơ bản, làm nơi nương nhờ trước, mới rải tâm-từ, rải tâm-bi, rải tâm-hỷ, rải tâm-xả đến tất cả chúng sinh sau.
* Niệm rải tâm-từ cho mình:
– Ahaṃ avero homi: Xin cho tôi không oan trái với tất cả chúng sinh.
– Ahaṃ abyāpajjo homi: Xin cho tôi không có khổ tâm sầu não.
– Ahaṃ anīgho homi: Xin cho tôi không có khổ thân.
– Ahaṃ sukhī attānaṃ pariharāmi: Xin cho tôi giữ gìn thân tâm thường được an-lạc.
* Niệm rải tâm-bi cho mình:
– Ahaṃ dukkhā muccāmi: Mong cho tôi thoát khỏi khổ thân, khổ tâm.
* Niệm rải tâm-hỷ cho mình:
– Ahaṃ yathā laddhasampattito mā vigacchāmi: Mong cho tôi đừng mất đi sự an-lạc, sự tiến hoá đã có được…
* Niệm rải tâm-xả cho mình:
– Ahaṃ kammassakomhi: Tôi có nghiệp là của riêng tôi.
Theo bộ Paṭisambhidāmagga, pháp-hành niệm rải tâm-từ, niệm rải tâm-bi, niệm rải tâm-hỷ, niệm rải tâm-xả.
Sau khi hành-giả thực hành pháp-hành niệm rải tâm-từ, niệm rải tâm-bi, niệm rải tâm-hỷ, niệm rải tâm-xả cho mình xong rồi, hành-giả tiếp tục thực hành pháp-hành niệm rải tâm-từ, niệm rải tâm-bi, niệm rải tâm-hỷ, niệm rải tâm-xả theo bộ Paṭisambhidā-magga như sau:
1– Pháp-Hành Niệm Rải Tâm-Từ
Hành-giả thực hành niệm rải tâm-từ với 4 pháp-từ đến 12 loại chúng sinh trong 10 hướng:
* 10 hướng:
1- Puratthimāya disāya: Hướng Đông.
2- Puratthimāya anudisāya: Hướng Đông-Nam.
3- Dakkhiṇāya disāya: Hướng Nam.
4- Dakkhiṇāya anudisāya: Hướng Tây-Nam.
5- Pacchimāya disāya: Hướng Tây.
6- Pacchimāya anudisāya: Hướng Tây-Bắc.
7- Uttarāya disāya: Hướng Bắc.
8- Uttarāya anudisāya: Hướng Đông-Bắc.
9- Heṭṭhimāya disāya: Hướng Dưới.
10- Uparimāya disāya: Hướng Trên.
* 12 loại chúng sinh:
1- Sabbe sattā: Tất cả chúng sinh.
2- Sabbe paṇā: Tất cả chúng sinh có sinh mạng.
3- Sabbe bhūtā: Tất cả chúng sinh hiện hữu.
4- Sabbe puggalā: Tất cả hạng chúng sinh.
5- Sabbe attabhāvapariyāpannā: Tất cả chúng sinh có ngũ-uẩn.
6- Sabbā itthiyo: Tất cả nữ giới.
7- Sabbe purisā: Tất cả nam giới.
8-Sabbe ariyā: Tất cả bậc Thánh-nhân.
9- Sabbe anariyā: Tất cả hạng phàm-nhân
10- Sabbe devā: Tất cả chư-thiên.
11- Sabbe manussā: Tất cả nhân loại.
12- Sabbe vinipātikā: Tất cả nhóm ngạ-quỷ, a-su-ra.
* Ví dụ: Niệm rải tâm-từ với 4 pháp-từ đến loại sabbe sattā, trong 12 loại chúng sinh như sau:
– Sabbe sattā averā hontu: Xin cho tất cả chúng sinh không oan trái lẫn nhau.
– Sabbe sattā abyāpajjā hontu: Xin cho tất cả chúng sinh không có khổ tâm, sầu não.
– Sabbe sattā anīghā hontu: Xin cho tất cả chúng sinh không có khổ thân.
– Sabbe sattā sukhī attānaṃ pari-harantu: Xin cho tất cả chúng sinh giữ gìn thân tâm thường được an-lạc.
Hành-giả niệm rải tâm-từ với 4 pháp-từ đến 12 loại chúng sinh trong 10 hướng:
– 4 x 12 = 48 pháp niệm 4 pháp-từ đến 12 loại chúng sinh.
– 10 x 48 = 480 pháp niệm rải tâm-từ đến 48 loại ấy trong 10 hướng.
Tổng cộng 2 phương pháp niệm rải tâm-từ 48+480= 528 pháp niệm rải tâm-từ.
2– Pháp-Hành Niệm Rải Tâm-Bi
Hành-giả thực hành niệm rải tâm-bi với 1 pháp-bi đến 12 loại chúng sinh trong 10 hướng:
– 1 x 12 = 12 pháp niệm 1 pháp-bi đến 12 loại chúng sinh.
– 10 x 12 = 120 pháp niệm rải tâm-bi đến 12 loại ấy trong 10 hướng.
Tổng cộng 2 phương pháp niệm rải tâm-bi 12+120= 132 pháp niệm rải tâm-bi.
* Ví dụ: Niệm rải tâm-bi với 1 pháp-bi đến loại sabbe sattā, trong 12 loại chúng sinh như sau:
– Sabbe sattā dukkhā muccantu: Mong cho tất cả chúng sinh thoát khỏi khổ tâm, khổ thân.
3– Pháp-Hành Niệm Rải Tâm-Hỷ
Hành-giả thực hành niệm rải tâm-hỷ với 1 pháp-hỷ đến 12 loại chúng sinh trong 10 hướng:
– 1 x 12 = 12 pháp niệm 1 pháp-hỷ đến 12 loại chúng sinh.
– 10 x 12 = 120 pháp niệm rải tâm-hỷ đến 12 loại ấy trong 10 hướng.
Tổng cộng 2 phương pháp niệm rải tâm-hỷ 12+120= 132 pháp niệm rải tâm-hỷ.
* Ví dụ: Niệm rải tâm-hỷ với 1 pháp-hỷ đến loại sabbe sattā, trong 12 loại chúng sinh như sau:
– Sabbe sattā yathā laddhasampattito mā vigacchantu: Mong cho tất cả chúng sinh đừng mất đi sự an-lạc, sự tiến hoá đã có được.
4– Pháp-Hành Niệm Rải Tâm-Xả
Hành-giả thực hành niệm rải tâm-xả với 1 pháp-xả đến 12 loại chúng sinh trong 10 hướng:
– 1 x 12 = 12 pháp niệm 1 pháp-xả đến 12 loại chúng sinh.
– 10 x 12 = 120 pháp niệm rải tâm-xả đến 12 loại ấy trong 10 hướng.
Tổng cộng 2 phương pháp niệm rải tâm-xả 12+120= 132 pháp niệm rải tâm-xả([1]).
* Ví dụ: Niệm rải tâm-xả với 1 pháp-xả đến loại sabbe sattā, trong 12 loại chúng sinh như sau:
– Sabbe sattā kammassakā hontu: Tất cả chúng sinh có nghiệp là của riêng họ.
Sau khi đã hiểu rõ ý nghĩa từng chữ từng câu, từng pháp rồi, hành-giả ngồi hoặc đứng một nơi, định hướng Đông về phía nào rồi theo kim đồng hồ để biết hướng Đông-Nam, hướng Nam, hướng Tây-Nam, hướng Tây, hướng Tây-Bắc, hướng Bắc, hướng Đông-Bắc, hướng Đông, (khép kín) hướng Dưới, hướng Trên.
* Trước tiên niệm rải tâm-từ, tâm-bi, tâm-hỷ, tâm-xả cho chính mình
Trước tiên hành-giả thực hành niệm rải tâm-từ, niệm rải tâm-bi, niệm rải tâm-hỷ, niệm rải tâm-xả cho chính mình như sau:
Ahaṃ avero homi, abyāpajjo homi, anīgho homi, sukhī attānaṃ pariharāmi; dukkhā muccāmi; yathā laddhasampattito mā vigacchāmi; kammassako.
(Xin cho tôi không oan trái với tất cả chúng sinh, không có khổ tâm sầu não, không có khổ thân, giữ gìn thân tâm thường được an-lạc; thoát khỏi khổ tâm, khổ thân; đừng mất đi sự an-lạc, sự tiến hoá đã có được; có nghiệp là của riêng tôi).
* Ứng dụng vào pháp-hành niệm rải tâm-từ, tâm-bi, tâm-hỷ, tâm-xả đến 12 loại chúng sinh:
Hành-giả ứng dụng vào thực hành, khi đọc đến tên mỗi loại chúng sinh nào, nên hiểu rõ ý nghĩa mỗi chúng sinh ấy, rồi niệm rải tâm-từ, tâm-bi, tâm-hỷ, tâm-xả đến 12 loại chúng sinh ấy như sau:
*(Imasmiṃ Việt-Nam raṭṭhe([2]) sabbe sattā, sabbe paṇā, sabbe bhūtā, sabbe puggalā, sabbe attabhāvapariyāpannā, sabbā itthiyo, sabbe purisā, sabbe ariyā, sabbe anariyā, sabbe devā, sabbe manussā, sabbe vinipātikā, -averā hontu, abyāpajjā hontu, anīghā hontu, sukhī attānaṃ pariharantu, -dukkhā muccantu, -yathā laddhasampattito mā vigacchantu, -kammassakā.
(Mong cho tất cả chúng sinh, tất cả chúng sinh có sinh mạng, tất cả chúng sinh hiện hữu, tất cả hạng chúng sinh, tất cả chúng sinh có ngũ-uẩn, tất cả nữ-giới, tất cả nam-giới, tất cả bậc Thánh-nhân, tất cả hạng phàm-nhân, tất cả chư-thiên, tất cả nhân-loại, tất cả nhóm ngạ-quỷ a-su-ra trong đất nước Việt-Nam này, không có oan trái lẫn nhau, không có khổ tâm, không có khổ thân, giữ gìn thân tâm thường được an-lạc; thoát khỏi khổ tâm, khổ thân; đừng mất đi sự an-lạc, sự tiến hoá đã có được; có nghiệp là của riêng họ).
* Ứng dụng vào pháp-hành niệm rải tâm-từ, tâm-bi, tâm-hỷ, tâm-xả đến 12 loại chúng sinh trong 10 hướng khép kín được tóm tắt gọn gàng đầy đủ dễ nhớ
Hành-giả ứng dụng vào trong 10 hướng khép kín, khi đọc đến hướng nào, thì hành-giả hướng tâm đến hướng ấy, như trong hướng Đông, hướng Đông-Nam, hướng Nam, hướng Tây-Nam, hướng Tây, hướng Tây-Bắc, hướng Bắc, hướng Đông-Bắc, hướng Đông (khép kín), hướng Dưới, hướng Trên, và ứng dụng vào 12 loại chúng sinh, khi đọc đến tên mỗi loại chúng sinh nào, thì nên hiểu rõ ý nghĩa mỗi loại chúng sinh ấy, rồi niệm rải tâm-từ, tâm-bi, tâm-hỷ, tâm-xả đến 12 loại chúng sinh ấy như sau:
“Puratthimāya disāya, puratthimāya anudisāya, dakkhiṇāya disāya, dakkhiṇāya anudisāya, pacchimāya disāya, pacchimāya anudisāya, uttarāya disāya, uttarāya anu-disāya, puratthimāya disāya, heṭṭhimāya disāya, uparimāya disāya, -sabbe sattā, sabbe paṇā, sabbe bhūtā, sabbe puggalā, sabbe attabhāvapariyā-pannā, sabbā itthiyo, sabbe purisā, sabbe ariyā, sabbe anariyā, sabbe devā, sabbe manussā, sabbe vinipātikā, -averā hontu, abyāpajjā hontu, anīghā hontu, sukhī attānaṃ pariharantu, -dukkhā muccantu, -yathā laddhasampattito mā vigacchantu, -kammassakā”.
(Mong cho tất cả chúng sinh, tất cả chúng sinh có sinh mạng, tất cả chúng sinh hiện hữu, tất cả hạng chúng sinh, tất cả chúng sinh có ngũ-uẩn, tất cả nữ-giới, tất cả nam-giới, tất cả bậc Thánh-nhân, tất cả hạng phàm-nhân, tất cả chư-thiên, tất cả nhân-loại, tất cả nhóm ngạ-quỷ a-su-ra, trong hướng Đông, hướng Đông-Nam, hướng Nam, hướng Tây-Nam, hướng Tây, hướng Tây-Bắc, hướng Bắc, hướng Đông-Bắc, hướng Đông (khép kín), hướng Dưới, hướng Trên, không có oan trái lẫn nhau, không có khổ tâm, không có khổ thân, giữ gìn thân tâm thường được an-lạc; -thoát khỏi khổ tâm, khổ thân; -đừng mất đi sự an-lạc, sự tiến hoá đã có được; -có nghiệp là của riêng họ).
Đó là phương pháp tóm tắt mà hành-giả thực hành niệm rải tâm-từ, niệm rải tâm-bi, niệm rải tâm-hỷ, niệm rải tâm-xả hằng ngày đến 12 loại chúng sinh trong 10 hướng khép kín được tóm tắt gọn gàng đầy đủ dễ nhớ.
Quả báu của pháp hành niệm rải tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả
Quả-báu của pháp hành niệm rải tâm-từ, niệm rải tâm-bi, niệm rải tâm-hỷ, niệm rải tâm-xả đều có 11 quả-báu tương tự nhau như sau:
1- Ngủ được an-lạc.
2- Thức dậy được an-lạc.
3- Không thấy ác mộng.
4- Được mọi người thương yêu.
5-Được các hàng phi nhân thương yêu.
6- Được chư-thiên hộ trì.
7- Lửa hoặc chất độc hoặc các loại khí giới không thể làm hại được.
8- Tâm dễ dàng an định.
9- Gương mặt tươi sáng.
10- Lúc lâm chung tâm không mê muội, có đại-thiện-tâm tỉnh táo.
11- Đề-mục niệm rải tâm-từ, tâm-bi, tâm-hỷ có khả năng dẫn đến chứng đắc từ đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm cho đến đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm.
Và đề-mục niệm rải tâm-xả có khả năng chứng đắc đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm.
Nếu chưa trở thành bậc Thánh A-ra-hán, sau khi hành-giả chết, chắc chắn sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hoá sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên, tuỳ theo sắc-giới quả-tâm của hành-giả.
(Xong pháp-hành niệm rải tâm-từ, tâm-bi, tâm-hỷ, tâm-xả)
****************
Đoạn Kết
Tâm từ, tâm-bi, tâm-hỷ, tâm-xả là loại tâm mà mọi người ở trong đời nên học hỏi hiểu biết, nhất là những người làm cha, làm mẹ, bởi vì trong cuộc sống hằng ngày dù cho gặp đối-tượng thuộc về hạng người nào, ta nên biết tâm nào cho thích hợp với đối-tượng hạng người ấy, để cho đại-thiện-tâm của ta vẫn phát sinh và tiến triển được.
Ví dụ:
* Nếu khi gặp đối-tượng là hạng người đáng yêu đáng kính thì ta nên niệm rải tâm-từ đến hạng người ấy, mong cho người ấy được sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc, thì đại-thiện-tâm phát sinh và tiến triển tốt đối với ta.
* Nếu khi gặp đối-tượng là hạng người đang đau khổ vì bệnh nặng, thì ta nên niệm rải tâm-bi đến hạng người ấy, mong cho người ấy thoát khỏi khổ tâm, khổ thân, nếu ta có khả năng giúp đỡ được thì nên giúp-đỡ, thì đại-thiện-tâm phát sinh và tiến triển tốt đối với ta.
* Nếu khi gặp đối-tượng là hạng người đang hưởng được mọi sự hạnh phúc an-lạc thì ta nên niệm rải tâm hỷ đến hạng người ấy, mong cho người ấy đừng mất đi sự hạnh phuc an-lạc, sự tiến hoá đã có được, thì đại-thiện-tâm phát sinh và tiến triển tốt đối với ta.
* Nếu khi gặp đối-tượng là hạng người trung dung, không thuộc về 3 hạng người trên, nên tâm-từ, tâm-bi, tâm-hỷ không thể phát sinh lên được, thì ta nên niệm rải tâm-xả đến hạng người ấy có nghiệp là của riêng họ, người ấy hưởng quả của nghiệp của họ, như người thừa kế quả của nghiệp mà họ đã tạo trong kiếp hiện-tại hoặc trong tiền-kiếp quá-khứ của họ, thì đại-thiện-tâm phát sinh và tiến triển đối với ta.
* Đối với người làm cha, làm mẹ luôn luôn có tâm-từ, tâm-bi, tâm-hỷ và tâm-xả đối với con, nếu khi thấy đứa con đáng yêu thì mẹ cha có tâm-từ đối với con, mong cho con được sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc, nên đại-thiện-tâm phát sinh đối với mẹ cha.
Nếu khi thấy đứa con bị bệnh thì mẹ cha có tâm-bi đối với con, mong cho con chóng khỏi bệnh, nên đem con đi tìm thầy giỏi thuốc hay, để chữa cho con chóng khỏi bệnh, nên đại-thiện-tâm phát sinh đối với mẹ cha.
Nếu khi thấy đứa con học giỏi thi cử đỗ đạt, thành tài được hạnh phúc an-lạc, thì mẹ cha có tâm-hỷ đối với con, mong cho con đừng mất đi sự hạnh phúc an-lạc, sự tiến hoá đã có được, nên đại-thiện-tâm phát sinh đối với mẹ cha.
Nếu khi thấy đứa con hư đốn, không thuộc về 3 trường-hợp trên, nên mẹ cha không thể có tâm-từ, hoặc tâm-bi, hoặc tâm-hỷ phát sinh lên đối với con, thì mẹ cha chỉ còn có tâm-xả đối với con mà thôi, bởi vì mẹ cha nhờ có hiểu biết rằng: do nhờ đại-thiện-nghiệp của nó cho quả tái-sinh làm con của mình, chúng ta chỉ là người hỗ-trợ nuôi dưỡng cho đứa con trưởng thành. Còn đứa con trở nên người như thế nào, hoàn toàn tuỳ thuộc vào quả nghiệp của nó, không thể theo ý muốn của chúng ta được.
Vì vậy, mẹ cha không khổ tâm vì con, nên đại-thiện-tâm phát sinh đối với mẹ cha.
Đức-Phật dạy rằng: “ Sabbadānaṃ dhammadānaṃ jināti”.
(Pháp-thí là cao thượng hơn tất cả sự bố-thí khác).
Khi ấy, Đức-Vua-Trời Sakka đảnh lễ Đức-Thế-Tôn thỉnh cầu rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, phước-thiện pháp-thí là cao thượng hơn tất cả mọi phước-thiện bố-thí khác như vậy.
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, từ nay kính xin Ngài truyền bảo chư tỳ-khưu-Tăng ban cho chúng con phần phước-thiện pháp-thí cao thượng ấy.
Nghe lời thỉnh cầu của Đức-Vua-Trời Sakka như vậy, nên Đức-Thế-Tôn truyền dạy chư tỳ-khưu-Tăng rằng: “Bhikkhave, Ajjādiṃ katvā mahādham-massavanaṃ vā pākatikadhammassanaṃ vā upanisinnakathaṃ vā antamaso anumo-danampi kathetvā sabbasattānaṃ pattiṃ dadeyyātha”([3]).
– Này chư tỳ-khưu! Từ nay về sau, các con nghe chánh-pháp nhiều hoặc nghe chánh-pháp thường ngày hoặc đàm đạo chánh-pháp, dù ít nhất nói lời hoan-hỷ, thì các con cũng nên ban phần phước-thiện pháp-thí cao thượng ấy đến cho tất cả chúng sinh muôn loài.
Vì vậy, chúng ta nên hồi-hướng phần phước-thiện pháp-thí thanh cao đến tất cả chúng sinh như sau:
Imaṃ puññabhāgaṃ mātā-pitu-ācariya-ñāti-mittānañceva sesasabbasattānañca devatānañca ārakkhadevatānañca visesato mama gehe vasantānaṃ devatānañca sabba- sattānañca; Hồ-Chí-Minh nagare vasan-tānaṃ devatānañca sabbasattānañca; sabbesu nagaresu vasantānaṃ devatā-nañca sabbasattānañca; Việt-Nam raṭṭhe vasantānaṃ devatānañca sabbasattānañca; sabbesu raṭṭhesu vasantānaṃ devatā-nañca sabbasattānañca guṇavantānañca dema, sabbepi te puññapattiṃ laddhāna sukhitā hontu, dukkhā muccantu sabbattha.
(Chúng con xin thành tâm hồi-hướng, chia phần phước-thiện pháp-thí thanh cao này đến ông bà cha mẹ, thầy tổ, bà con thân quyến, bạn hữu, cùng với tất cả chúng sinh muôn loài, tất cả chư-thiên hộ trì mỗi chúng con, đặc biệt toàn thể chư-thiên và tất cả chúng sinh đang trú tại ngôi nhà của chúng con; toàn thể chư-thiên và tất cả chúng sinh đang trú tại thành-phố Hồ-Chí-Minh; toàn thể chư-thiên và tất cả chúng sinh đang trú tại các tỉnh thành; toàn thể chư-thiên và tất cả chúng sinh đang trú tại đất nước Việt-Nam; toàn thể chư-thiên và tất cả chúng sinh đang trú tại các nước trên toàn thế giới chúng sinh; toàn thể chư-thiên và tất cả chúng sinh là người ân-nhân của chúng con, kính xin quý vị hoan-hỷ nhận phần phước-thiện pháp-thí thanh cao này, cầu mong quý vị thân tâm thường được an-lạc, được thoát khỏi mọi cảnh khổ trong các mọi nơi.
“Idaṃ no ñātinaṃ hotu, sukhitā hontu ñātayo”.
Cầu mong phần phước-thiện pháp-thí thanh cao này được thành-tựu đến bà con thân bằng quyến thuộc của chúng con từ kiếp hiện-tại cho đến vô số kiếp trong quá-khứ. Cầu mong các bà con thân quyến ấy được thoát mọi cảnh khổ, được sự an-lạc lâu dài.
“Idaṃ me dhammadānaṃ āsavakkhayā-vahaṃ hotu”.
Phước-thiện pháp-thí thanh cao này của mỗi người chúng con sẽ làm duyên dắt dẫn mỗi người chúng con đến chứng-ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt-đoạn-tuyệt được mọi phiền-não trầm-luân, trở thành bậc Thánh A-ra-hán sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam-giới.
“Icchitaṃ patthitaṃ amhaṃ, Khippameva samijjhatu”.
Điều mong ước, ý nguyện của chúng con, Cầu mong sớm được thành-tựu như ý.
Rằm tháng tư, Pl 2.560/2016.
Chùa Tổ Bửu-Long,
Q.9, Tp. Hồ-Chí-Minh.
[1] Tìm hiểu đầy đủ trong quyển VII, Tâp 1: Pháp-Hành Thiền-Định, phần 4 đề-mục vô-lượng-tâm, trong bộ Nền-Tảng Phật-Giáo, cùng soạn giả.
[2] Imasmiṃ Việt-Nam raṭṭhe: Trong nước Việt-Nam. Nếu đang ở tỉnh (nagare) nào thì thay tên tỉnh ấy vào câu.
[3] Dhammapadaṭṭhakathā, Taṇhāvagga, Sakkapañhavatthu
Discussion about this post