NHÂN MÙA VU LAN
ĐỌC VĂN PHÁT BỒ ĐỀ TÂM CỦA ĐẠI SƯ TỈNH AM
Huệ giáo
Giáo
pháp của đạo Phật sâu thẳm được ví như đại dương mênh mông. Cửa vào đạo có muôn
ngàn lối, hành giả khi bước vào nếu không trang bị đức tin vững vàng chắc sẽ
choáng ngợp bởi sự uyên áo, sâu kín và pháp mầu vi diệu. Nếu thế thì con đường
vào đạo của chúng ta thì sao, những người đầy nghiệp lực và hệ lụy của tham ái?
Đạo
pháp được xem là vô tận và cao thâm là khi hành giả chưa tìm thấy được chìa
khóa mở tung cửa ngõ để bước vào. Khi nắm bắt được chìa khóa rồi thì con đường
đạo đối với chúng ta sẽ không còn bở ngỡ như đi trong rừng già kiến thức, mà
chỉ còn lại hoa trái của sự thực hành. Vào được rồi chúng ta lại không biết ngõ
đi, tựa như kẻ lang thang lạ lẫm trong vườn hoa đầy hương sắc dịu mát lòng
người, mà tưởng chừng như trong phố thị tối tăm đầy dẫy kiến luận. Chìa khóa để
chúng ta có thể tận hưởng trọn vẹn hương vị của loài hương bay ngược gió ắt
phải trang bị, đó chính là phát tâm và lập nguyện.
Phát
tâm và Lập nguyện như đôi cánh chim giúp chúng ta bay cao và bay xa, đủ khả
năng cảm nhận một thế giới với chất liệu tịch tịnh bên cạnh một thế giới khác
đầy dẫy sự xáo trộn, nghịch ý. Có phát tâm mới mong độ thoát mình và chúng
sanh, có lập nguyện mới kham thành Phật đạo. Đó là yếu môn của người hành
Bồ-tát hạnh. Nếu không phát tâm và lập nguyện khi bước vào đời hành đạo chúng
ta tựa như người cất bước ra đi mà không có mục đích để dẫn đường cho lý tưởng,
để rồi trôi nổi vô bờ bến, đau khổ, có đi nhưng không bao giờ đến, luống công
vô ích. Đặc biệt hơn, người xuất gia khi bỏ nhà thế tục để dấn thân vào con
đường đạo, mục đích là đạt giác ngộ và giải thoát song song với tâm nguyện cứu
độ chúng sanh. Khi đã bước chân có mục đích cao vời thì chính là đã đặt chân
vào khung trời cao vút, đòi hỏi chúng ta phải đủ bản lãnh để đối diện với sự
lãnh đạm của bát phong và muôn vàn chông gai thử thách. Trọng yếu như thế, Kinh
Hoa Nghiêm đã diễn tả những hành động này, như một cú đập phá những tâm thức
chai lì và đang ngủ quên trong cái nhỏ nhoi của nghiệp thức, bằng lời cảnh
giác: Quên mất tâm giác ngộ lại tu các pháp lành, thì đó là ma tu. Quên
mất tâm giác ngộ để tu tập có tác hại lớn lao đến như thế, huống chi là kẻ chưa
hề phát tâm, chẳng lập đại nguyện, đến với Đạo chúng ta như người có mắt mà
không thấy, có đôi chân lại không được đi, có miệng nhưng lại chẳng nói được,
ngọng nghịu, gào thét, than thân trách phận, tựa như cóc ngồi đáy giếng thèm
trăng trên cao.
Vậy
phải phát tâm thế nào? Tỉnh Am đại sư đã tóm lược tướng trạng của tâm trong
muôn ngàn biểu hiện sai biệt, làm kim chỉ nam dẫn người vào đạo.
1/ Có
người muốn tu hành, muốn đạt sự yên tĩnh nội tại của tâm, nhưng mặt khác cứ
chạy theo sự quyến rũ bên ngoài, sống theo nghiệp lực, tiền trần, vẫy vùng
trong thanh sắc, không kiềm chế những mong muốn thấp kém, không cố gắng phát
triển nội lực của mình, không đoạn tận những uế trược, phiền não, lại bám víu
những hạnh phúc mỏng manh bên ngoài. Và, quan trọng hơn nữa không lắng nghe
điều hay lẽ phải để chuyển đổi nghiệp lực, mặc tình cho tội chướng tiêu khiên
dẫn dắt; phát tâm tu hành như vậy gọi là Tà phát tâm.
2/ Không
mong cầu lợi dưỡng, chẳng tham đắm dục lạc, nhận thức được vị ngọt và sự quyến
rũ của các dục tựa như người cùi gãi ngứa, càng gãi càng lở lói, đau khổ. Biết
thiểu dục tri túc, xem vật chất trong đời sống là cần thiết nhưng chẳng phải là
thiết yếu, không vì vật chất mà khuynh đảo nhân cách, đạo đức của con người.
Tâm tâm niệm niệm mong muốn tháo gỡ những ràng buộc của hệ lụy sinh tử, thường
nuôi dưỡng ý thức cái khổ của con lừa chở nặng giữa sa mạc nắng cháy cũng chưa
phải là cái khổ tột cùng, khổ bởi trái ý mong cầu, sinh tử luân hồi mãi trong
sáu nẽo mới là cái khổ trầm luân cần phải vượt qua. Ý thức được như thế, phát
tâm như vậy mới được gọi là Chánh phát tâm tu hành.
3/ Tâm
tâm niệm niệm, dù Phật đạo có cao xa rộng lớn, một khi bước vào thì phải nuôi
dưỡng tâm niệm tìm cho được suối nguồn an lạc. Từng giây phút không thối lui
khiếp sợ, ý thức được ba cõi như nhà lửa luôn thiêu đốt chúng ta, mạng người
mong manh đếm trong hơi thở, hơi thở ra không vào lại được coi như đã ra đi.
Chẳng khiếp sợ bởi thế lực, không bị danh lợi tiền tài làm não loạn, không bị
chi phối bơû ý thức điên đảo, thấy các pháp là vô ngã, tan rã, vô thường
không có gì bền lâu, nhẹ nhàng khi ở, thảnh thơi thì đi, không nuối tiếc những
gì đã xây dựng được; vì biết rằng tất cả những thứ ấy đủ duyên thì hợp, hết
duyên thì tan, ý thức như vậy không sợ hãi nỗi cô đơn, nghèo hèn, chỉ một lòng
mong giải thoát cho mình và cho người, tựa như đang leo lên tháp cao cùng tột
nhưng không bao giờ thối chí, phát tâm tu hành như vậy gọi là Chơn phát
tâm.
4/ Dù
tâm nguyện luôn cầu Phật đạo, trau dồi hạnh lành, nếu gặp phải va chạm những
cấu uế, biết mình ô nhiễm, nhưng không hề khởi tâm sám hối, cầu sự thanh tịnh;
trong tâm uế trược, cứ vùng vẫy với nghiệp lực mà sống, không nghe lời khuyên
của Thầy Tổ, thiện tri thức, không biết đâu là nẽo chánh đường tà, không vứt bỏ
những vị kỷ nhỏ hẹp, cống cao ngã mạn, ngu cả một đời; ngoài hình thì biểu hiện
thanh cao, thể hiện xưng danh, bảo bọc cho cái tôi thấp hèn, bản ngã hẹp hòi,
trước thì tinh tấn sau lại biếng nhác, phát tâm như vậy gọi là Ngụy phát
tâm.
5/ Độ
tận chúng sanh ra khỏi đau khổ, nguyện ta mới thành, được đạo quả giác ngộ lòng
ta mới cam. Thấy chúng ta đang sống trong đau khổ trầm luân “soi bóng mình
lại thấy bóng người xưa”, thương mình thương người, không yên vị mà thụ
hưởng an lạc nhỏ bé được trong tâm, không thỏa mãn những gì đã có đang có,
không quên mất bao nỗi đọa đày của người cần sự giúp đỡ của mình, chúng sanh
không còn thì nguyện ta mới hết, bồ đề đạo thành nguyện ta mới thành, tu hành
như vậy gọi là Đại phát tâm.
6/ Thấy
cuộc đời như địa ngục, bởi sự thiêu đốt của lòng tham vọng ích kỷ, căm thù hừng
hực và ngu dốt len lỏi tràn lan trong từng hang cùng ngỏ hẽm. Việc sống chết
như oan gia, luôn kề cận trong từng giây phút không biết xảy ra lúc nào, sinh
lòng sợ hãi, nhàm chán, nhưng chỉ nghĩ về mình mà không thương tưởng người
khác, thiếu trách nhiệm với tha nhân, chỉ nghĩ tự độ không dám độ người, phát
tâm như vậy gọi là Tiểu phát tâm.
7/ Thấy
chúng sanh và Phật đạo ngoài tâm. Rong tìm thế giới hảo huyền bên ngoài, sống
chỉ dựa vào tha nhân, tha lực, tựa như chùm gởi rong rêu bám vào cây cổ thụ,
không thấy được ngọc quý trong túi áo, cứ rong ruổi tìm cầu miếng ăn bên ngoài,
không nhận thấy được chúng sanh tâm là Phật tâm chỉ cách nhau trong mê ngộ. Bám
chặt vào sự hiểu biết thiển cận, không lắng nghe những gì chân thật để mở bảy
tự tánh, để tâm bị “ mục hạ vô nhơn” chế ngự, rong đuổi theo âm thanh
hình sắc bên ngoài, nương vào tướng, nặng về hình thức, tìm những gì nhẹ nhàng
bên ngoài, đánh mất năng lực bên trong, quên hẳn tánh thể. Phát tâm như vậy gọi
là Thiên phát tâm, tu hành một chiều.
8/
Ngược lại, chúng sanh và Phật đạo đồng một tự tính, Phật pháp không lìa thế
gian pháp, muốn thành Phật đạo không thể lìa sanh tử, vì ngoài sanh tử không có
một Niết bàn nào cả, thanh tịnh nằm ngay bên trong vọng động. Phật tâm nằm ngay
trong chúng sanh tâm. Bóng tối mất thì ánh sáng hiện, mặt trời trí huệ bừng
sáng thì màn đêm vô minh tan rã. Ngoài tự tánh không thấy pháp nào khác. Mà tự
tánh tâm như hư không rộng lớn, mang tâm vô tướng phát nguyện vô tướng, thực
hành hạnh vô tướng, chứng quả vô tướng cho đến tướng vô tướng cũng không còn
vướng mắc. Phát tâm như thế gọi là Viên, phát tâm viên mãn.
* *
*
Tám
tướng phát tâm nêu trên làm cơ sở cho hành giả khảo cứu, suy xét biết được tâm
nguyện của mình đang ở trạng thái phát tâm nào; tâm nào cần triển khai, gìn giữ
và tâm nào cần nên vứt bỏ, để được gọi là phát tâm tu hành chơn chánh. Nên biết
rằng, tâm giác ngộ là nền tảng, là đất tốt cho các pháp lành phát sinh. Các
pháp lành phát sinh là tâm giác ngộ được vững chắc kiên cố. Tuy nhiên, để thúc
đẩy tâm bồ đề dễ dàng phát khởi, pháp lành phát sinh, Ngài Tỉnh Am chỉ ra rằng cẩn
phải nỗ lực thực hiện 10 việc:
1/ Phải
nghĩ đến ơn nặng của Phật:
Vì sao
phải nghĩ đến ơn nặng của Phật? Vì Đức Phật đã thấy nỗi khổ của mình và chúng
sanh trong sáu nẽo luân hồi đau khổ, mê lầm. Phật đã quên mình, xả thân thực
hành Bồ-tát đạo, hy sinh hạnh phúc bản thân, quyết tìm ra ánh sáng giác ngộ để
hướng dẫn cho mọi người biết được đâu là nẽo chánh đường tà và tìm một hướng đi
đến bờ an vui; không để chúng sanh phải khổ sở và tiếp tục khổ sở trong nhiều
kiếp bởi nghiệp lực chồng chất. Trong quá trình tiến đến giác ngộ, Đức Phật đã
vượt qua nhiều chông gai cạm bẫy, thử thách trong đó sự chết luôn luôn hiện hữu
kề cận, để chiến thắng được giặc phiền não, không vì lợi ích cho riêng mình.
Trong nhiều đời nhiều kiếp, Đức Phật luôn theo dõi bước đi của chúng ta để mở
bày nhiều phương tiện cứu độ, lòng không lúc nào rời bỏ. Đối với ơn cao vời đó,
chúng ta chỉ có phát tâm rộng lớn, nỗ lực tu hành, thệ nguyệnn cứu độ
chúng sanh thì mới phần nào góp phần đền đáp ơn Phật trong muôn một.
2/ Phải
nghĩ đến ơn cha mẹ:
Mười
tháng cưu mang, ba năm bú mớm. Sanh ra ta cha mẹ đã phải chấp nhận có lúc quên
mất đời mình, phải đấu tranh từng ngày, từng phút, trao cho con nhiều thời gian
để tiến thân, dành cho con được những điều kiện tốt nhất để con có tấm thân
hoàn hảo, chỉ vì mong muốn con mình luôn luôn được an vui, có thể ngưỡng mặt
với mọi người giữa cuộc đời này. Cũng có lúc, vì con mà cha mẹ đành phải tù
tội, vây bủa bởi nghiệp lực tiêu khiên, kéo dài cho mãi đến nghìn kiếp sống.
Bấy nhiêu ơn ấy, là người hiểu biết chắc không cần phải hỏi vì sao? Mà cần phải
lắng lòng suy nghĩ cho kỹ, để ơn đền nghĩa trả, cho tròn bổn phận đạo lý làm
con, làm người giữa xã hội trong đó ân tình, nghĩa trọng được mọi người tôn quý
ca ngợi tán thán. Là người Phật tử, chúng ta không những ý thức việc cung phụng
vật chất với cha mẹ cho trọn vẹn đầy đủ mà cần phải thiết lập được môi trường
thuận tiện để cha mẹ có được nguồn tâm linh trong sáng, tâm thức nhẹ nhàng khi
quá vãng. Có ý thức và phát tâm như vậy, cha mẹ chúng ta mới có thể nhờ đó mà
được cứu vớt, không những một đời mà nhiều đời cũng được ân triêm.
3/ Phải
nhớ đến ân Thầy:
Thầy
không phải là người sinh trưởng ra ta, cho ta tấm thân vật chất, nhưng Thầy là
người đã cho ta một phần con người, đó là tấm thân tri thức, tinh thần, trí tuệ
mà trong đời sống con người, nếu thiếu mất tấm thân này thì sẽ gặp nhiều hoạn
nạn, khổ đau. “Nỗi khổ của con lừa chở nặng, nỗi khổ của con bò kéo xe suốt
kiếp chưa phải là khổ, sống thiếu trí tuệ, kiến thức là một nỗi khổ lớn”. Thầy
xuất thế là chính duyên xây dựng cho chúng ta giới thân huệ mạng, Thầy tựa như
ngôi sao sáng, chiếu rọi vùng trời tâm thức của chúng ta, người giúp chúng ta
vượt qua con đường tối tăm và nguy hiểm. Lời Thầy dạy là những bài học sống
động, giúp chúng ta vượt khỏi mọi biến cố của kiếp người. Thầy cho ta cái Chữ
và Đạo phong.
4/ Phải
nhớ ơn thí chủ:
Thí chủ
là người giúp ta nhiều phương tiện, để hoàn thành ước nguyện của đời mình.
Người xuất gia sống không gia đình, mọi điều kiện sống đều do thí chủ dâng
cúng, chỉ vì mong mỏi cho chúng ta đủ yên tâm, đủ thời giờ để tu hành, đạt đến
suối nguồn tâm linh sâu thẳm, hầu cứu vớt chính ta và mọi người. Thí chủ là
người đã dám hy sinh một phần thời gian và tiền của trong đời sống riêng tư của
họ, để trợ duyên cho chúng ta tu học, hoàn thành mục đích là giải thoát và giác
ngộ, theo con đường Phật dạy. Nghĩ đến như thế, chúng ta thấy ơn ấy rất nặng!
Nếu không hoàn thành được mục đích cao tột đó thì cánh cửa địa ngục sẽ mở ra và
thân trâu ngựa để trả nợ cơm áo, là chuyện gần kề trước mắt. Ngược lại, chúng
ta hoàn thành được mục đích giác ngộ thì dù cho có thọ hưởng những điều kiện
sống cho Phật tử dâng cúng cũng không cần phải áy náy chuyện trả vay, vì tất cả
đều nằm trong sự vận hành của phước đức và trí tuệ.
5/ Phải
nghĩ đến ơn Chúng sanh:
Vì sao?
Môi trường sống không phải của riêng ta mà là của tất cả, do bao mồ hôi nước
mắt của đồng loại tập hợp lại mà thành. Chúng ta không thể sống mà thiếu sự
cộng tác của mọi người. Trong hiện kiếp chúng ta mỗi người mỗi ngã, mỗi nhà,
nhưng dưới đôi mắt trí huệ của Phật, Ngài thấy được trong vô lượng kiếp sống,
chúng ta đã từng là Cha mẹ, thân bằng quyến thuộc với nhau, đã có ân tình nghĩa
trọng, do đó chúng ta cần phải hỗ trợ và bảo bọc lẫn nhau, phải tôn trọng sự
sống. Với lòng từ bi rộng lớn, chúng ta cần phải thấy ai cũng tham sống sợ
chết, mưu cầu sống hạnh phúc là mục tiêu lớn nhất của loài người. Vì vậy, không
vì hạnh phúc của mình mà chúng ta nỡ đang tâm cướp đoạt đi hạnh phúc của kẻ
khác. Chúng ta phải cảm ơn tất cả, những bàn tay đã làm cho cuộc đời thêm xanh.
6/ Phải
nghĩ đến sự khổ Sinh tử:
“Trẻ
tạo hóa đành hanh quá ngán
Chết
đuối người trên cạn mà chơi…”
Chúng ta đang sống là hiện tượng đang thấy vàø diễn ra trước mắt, tuy nhiên
mấy ai biết rằng, cái chết diễn đang diễn ra trong từng giây phút. Đãù bao lần,
chúng ta đã chết, chết trong đau khổ và thiếu thốn, chết trong sự khao khát
sinh tồn, chết trong sự tuổi nhục cô thân và chết trong chuỗi biến động của
cuộc đời. Âu cuộc đời quá nhiêu khê! Sống giữa ngũ trượt ác thế mà tựa như chết
đuối trên cạn. Chuyện cứ tưởng trong mơ
nhưng sự thật là thế! Nhưng những cái chết như thế chưa hẳn là đáng sợ, vì vẫn
có những cái chết diễn ra lúc chúng ta đang tỉnh táo, nhưng đành xuôi tay bất
lực, có những khi, ta thực sự muốn chết nhưng không thể chết được. Cái chết ấy
gọi là cái chết sanh tử luân hồi, tạo cho chúng ta bị quay cuồng trong vòng vây
của đời sống, qua nhiều kiếp lang thang trong sáu nẽo. Đó mới là cái khổ thực
sự, một sự thật mà chúng tà cần phải đối diện.
7/ Tôn
trọng tánh linh của mình:
Vì sao?
“Bàn tay ta làm nên tất cả, với sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Đó chỉ
mới bàn tay. Hơn nữa, thiên chức con người quá lớn và mãnh liệt hơn bao sinh
vật khác, chúng ta phải biết thận trọng và gìn giữ, đừng biến chúng ta mãi mãi
chính là cây sậy chỉ biết nghĩ suy. Đức Phật dạy, được thân người là khó nhưng rất dễ mất đi,
một khi mất đi thì chưa biết khi nào mới có lại được. Hơn nữa, trong tất cả các
loài, con người quý hơn hết (Nhơn vi tối thắng), xét lại ta và Phật ban
đầu thì nhất niệm như nhau; nhưng Đức Phật sớm thành chánh giác còn ta cứ vẫn
mãi là chúng sanh trôi lăn trong nghiệp thức, như kẻ từ sáng bước vào tối hoặc
từ tối lại bước sâu vào trong tối. Do đó, việc gìn giữ và phát triển tánh linh
của mình hết sức quan trọng, nếu không nhận thức được tánh linh là tối cần
thiết thì chúng ta dễ dàng bị nghiệp lực dẫn dắt chúng ta lên xuống mãi trong
sanh tử.
8/ Phải
sám hối nghiệp chướng:
“Đã
mang lấy nghiệp vào thân
Cũng
đừng trách lẫn trời gần trời xa”.
Nghiệp chướng, xét đến tận cùng đó là thuộc tính của con người. Khi chúng
ta hiện hữu là đồng thời nghiệp chướng có mặt. Vậy muốn hiện hữu tốt đẹp, thân
tướng trang nghiêm thì không gì khác phải biết phát khởi tâm sám hối những mê
lầm và gội rữa chúng. Nghiệp chướng phát sinh và tăng trưởng trên cơ sở cả ba
nghiệp là thân, khẩu và ý. Chúng luôn luôn được huân tập trong từng giây phút
của đời sống, vì mỗi hành động đều có thể hàm chứa nhiều tội lỗi. Từ ba nghiệp
này tạo thành một dòng sức mạnh thúc đẩy chúng sanh đi mọi hướng và tạo môi
trường sống cho chúng sanh, gọi chung là nghiệp lực. Nhưng nghiệp lực không
phải là định mệnh, nó có khả được chuyển đổi, mức độ chuyển đổi nhanh hay chậm
phụ thuộc vào nhận thức, thái độ của chúng ta, đúng hơn là theo sự tu hành của
mỗi người. Từ sự nỗ lực tu tập đó, nghiệp cũng có thể thay đổi thành nguyện lực
để làm lợi lạc cho mình và cho người. Nhưng muốn làm việc này, trước hết chúng
ta cần phải biết nhận thức rõ hành động của chúng ta để sám hối, để ăn năn, để
tăng trưởng phước nghiệp. Trong chiều hướng chuyển hóa nghiệp lực thì tâm tàm
quý là chiếc áo phải có và cần thường xuyên mặc vào của người tu, nếu thiếu
chiếc áo này người tu có bận chiếc áo gì chăng nữa cũng không đủ ý nghĩa, khó
có thể tiến bộ.
9/ Phải
cần sanh Tịnh độ:
Vì sao?
Vì Tịnh độ là đất nước an lành, là điểm quy hướng, nơi đây không có gập ghềnh,
không có nghịch ý, điều này nói lên khát vọng sống luôn mong được hạnh phúc
trong mỗi con người. Tịnh độ là thế giới thanh tịnh, trong sáng không cấu
nhiễm, ở một mặt nào đo, Tịnh độ là là mục đích hướng đến của hành giả
tu theo đạo Phật (Tâm tịnh thế giới tịnh). Do đó, phải hướng về và cầu
sanh Tịnh độ. Muốn cầu sanh Tịnh độ thì cần phải xây dựng niềm tin vững chác (Tín thâm), nguyện
của chúng ta phải khẩn thiết (Nguyện thiết), như kẻ sắp chết đói mong mõi được
thức ăn. Một khi đã có khẩn thiết nguyện cầu như vậy, chúng ta cần phải thực
hành nghĩ tưởng về đức Phật tương tục không gián đọan (Hạnh chuyên).. Niệm Phật
là để làm Phật chứ không phải là về bên Phật, phát tâm rộng lớn như thế thì hạt
giống bồ đề có cơ hội sớm trổ bông.
10/ Tại
sao phải nghĩ chánh pháp lâu bền:
Chánh
pháp đã giúp con người bao thế hệ vượt qua mọi lầm than của kiếp người, vượt
thóat những nghi lầm là nguyên nhân đọa đầy sanh linh vạn lọai. Chánh pháp
không phải là báu vật kiến thức được lưu trữ trong kho tàng mà là con đường, là
liều diệu dược có công năng chữa lành những căn bệnh trầm kha.Nếu như chánh
pháp có lâu bền mới làm lợi lạc lâu dài cho hiện tại và cả tương lai. Chánh
pháp được Đức Phật tuyên thuyết sau khi chứng quả bồ đề, Ngài đã làm cho những
gì khó làm, vượt qua những gì khó vượt, tiếp tục trong 49 năm thuyết pháp độ
sanh không mệt mỏi và hiệu quả thiết thực do chánh pháp mà dức Thế tôn để lại
là những bài học sống động có thể kiểm nghiệm trong cuộc sống hiện thực này.
Hôm nay trọng trách của chúng ta chỉ có duy trì phát triển để ngọn đèn giác ngộ
vẫn mãi sáng rực. Đấy mới là người con Phật chân chánh.
* *
*
Lời văn mộc mạc của một Đại sư
thời quá khứ, nhưng hiện tại đọc lên tâm thức chúng ta như được sống dậy. Nếu
chúng ta xem cuộc đời như một lễ hội thì bản văn này là lời khai mạc của lễ hội
đó. Trong lời khai mạc, tác giả nói lên ý nghĩa thống thiết của niềm khát vọng
sống, sống đẹp, sống trọn vẹn. Lời văn uyên áo, thâm trầm và được soi sáng dưới
ánh sáng giác ngộ của một Đại sư, nói lên tất cả tâm can những hành trạng sâu thẳm và khát vọng cũng như những
giá trị tíchcực trong mỗi con người. Thế mới gọi là xúc cảm vô biên được dâng
trào trong ngôn từ cổ tích uyên áo, càng đọc chúng ta càng thấy sống và càng
muốn sống theo khuynh hướng làm đẹp cuộc đời. Tu hành là việc khó làm của một
đời người, tuy đôi khi phải chấp nhận khổ sở trong thời gian ngắn; nhưng niềm
hạnh phúc đạt được sẽ vô cùng chắc thật và miên viễn không những ở đời này mà
còn nhiều đời về sau.
Discussion about this post