TÂM VÀ TẦM, TIÊU CHUẨN NGƯỜI CÁN BỘ CỦA GIÁO HỘI –
BẢN THAM LUẬN “GÂY BÃO”!
Những ngày gần đây, trên các trang báo mạng, đặc biệt là mạng xã hội – mà Facebook là hệ thống mạng được bình luận sôi nổi hơn cả – về việc tập “Kỷ Yếu Đại Hội Đại Biểu Phật Giáo Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu Lần VI” bị Hội Đồng Trị Sự (HĐTS) Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) ban hành công văn thu hồi và yêu cầu Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có các biện pháp xử lý đối với tác giả và Ban Biên Tập kỷ yếu, trong đó yêu cầu: “Hòa Thượng Trưởng Ban Trị Sự, Ban Nội Dung và Đại Đức Thích Thiện Thuận phải có bản kiểm điểm trước Ban Thường Trực Hội Đồng Trị Sự“.
Lý do của động thái này từ Hôi Đồng Trị Sự Trung Ương GHPGVN là vì trong tập kỷ yếu nói trên đã đăng tải bản Tham Luận đề tài “TÂM VÀ TẦM, TIÊU CHUẨN NGƯỜI CÁN BỘ CỦA GIÁO HỘI” của Văn Phòng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu do Đại Đức Thích Thiện Thuận, đương kim Phó Thư Ký kiêm Chánh Văn Phòng Ban Trị Sư GHPGVN tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu chấp bút.
Nội dung công văn số 286/CV/HĐTS ngày 25/5/2017 của Hội Đồng Trị Sự GHPGVN do Hòa Thượng Thích Thiện Pháp – Phó Chủ Tịch Thường Trực Ban Trường Trực HĐTS GHPGVN kiêm Trưởng Ban Tăng Sự Trung Ương GHPGVN ấn ký xin xem trong bản chụp lại dưới đây:
Bên cạnh thông tin ấy còn có nhiều ý kiến “tinh ý” so sánh sự khác nhau giữa tiêu đề và nội dung bản tham luận đăng trong tập kỷ yếu nói trên, vì trên nhiều trang mạng Phật Giáo hiện nay vẫn còn bản tham luận này với đề tài tham luận (hoặc tựa đề bài đăng là “Tâm và tầm, tiêu chẩn người cán bộ của Giáo Hội” nhưng vì lý do nào đó, trên website chính thức của GHPGVN (www.ghpgvn.vn) thì đăng tải với tiêu đề “Tâm và tầm, tiêu chuẩn người lãnh đạo của Giáo Hội” và các chữ “cán bộ” trong nội dung tham luận, vài chỗ đã được sửa thành “lãnh đạo” (bài viết này hình như đã được trang ghpgvn.vn gở xuống, có lẽ do tinh thần công văn nói trên).
Dưới đây là bản chụp lại 2 trang đầu bản tham luận trong tập kỷ yếu:
Điểm đặc biệt so với những sự kiện “gây bão” khác trên mạng xã hội và mạng truyền thông, lần này thì có rất ít bình luận trái chiều, trừ một thiểu số vì lý do này hay lý do khác đành chấp nhận phải làm khách bàng quang, đa số các bình luận đều đồng tình với nhau rằng bản tham luận có nội dung thiết thực, tuy chưa súc tích và lột tả chưa hết hoàn toàn thực trạng sinh hoạt của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hiện nay, nhưng chí ít đã có một Ban Trị Sự Phật Giáo địa phương vô úy cất tiếng nói lên những nhược điểm còn tồn tại (và chắc sẽ gia tăng) trong hiện trạng Phật Giáo nước nhà, đồng thời đề cập những tiêu chí để cải thiện cách quản trị, điều hành hầu lấy lại thanh danh, uy tín và “những gì đã mất” cho Phật Giáo.
Tôi nói “một Ban Trị Sự Phật Giáo địa phương” chứ không nói “tác giả Đại Đức Thích Thiện Thuận” như trong công văn của HĐTS GHPGVN (mà theo tôi tác giả trong trường hợp nầy chỉ được xem là người “chấp bút”), vì rõ ràng bản tham luận được đăng dưới danh nghĩa Văn Phòng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, mà người chịu trách nhiệm soạn thảo thì với tư cách là một Phó Thư Ký kiêm Chánh Văn Phòng Ban Trị Sư; vã lại, bản tham luận được đăng tải trong một tập kỷ yếu chính thức do Ban Tổ Chức Đại Hội của Ban Trị Sự Phật Giáo một tình tổ chức hẳn hoi; được phát tận tay cho Đại Biểu và quan khách ngay tại hội trường Đại Hội; ấy là chưa nói đến: “Được biết, bài tham luận này đã được tuyển chọn trình bày tại phiên trù bị vào chiều ngày 20/5/2017 trong khuôn khổ Đại Hội Đại Biểu Phật Giáo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu lần thứ VI (nhiệm kỳ 2017-2022); đã được in trong tập kỷ yếu do Nhà Xuất Bản Hồng Đức cấp phép xuất bản dưới dạng tài liệu không bán trước đó, tặng cho đại biểu trong đại hội; được phổ biến trên một số website” (theo báo Giác Ngộ Online trong bản tin v/v thu hồi tập kỷ yếu). Chưa hết, chính tại Đại Hội này, Đại Đức Thích Thiện Thuận sau khi mãn nhiệm chức vụ Phó Thư Ký và Chánh Văn Phòng Ban Trị Sư của nhiệm kỳ trước, đã được các Đại Biệu trong Đại Hội tín nhiệm công cử đảm nhiệm một chức vụ cao hơn trong nhiệm kỳ mới (2017-2022): Phó Ban Trị Sự kiêm Trưởng Ban Hoằng Pháp Ban Trị Sự tỉnh.
Trong những dư luận, bình luận, phản hồi trên mạng internet, có những lập luận rất vững chải và đặt vấn đề rất cứng rắn: “Chủ đề TÂM VÀ TẦM: TIÊU CHUẨN NGƯỜI CÁN BỘ CỦA GIÁO HỘI đã nói lên điều ắt có và đủ cho một cán bộ trong Giáo Hội bất cứ cấp nào, như thế không phải là có tâm xây dựng? Xây dựng không có nghĩa hùa theo một phía, không có nghĩa cứ nói tốt, tâng bốc cho nhau! Lời phản biện không phải là xây dựng? Nói lên sự thật không phải là xây dựng? Vạch trần những điểm đen không phải là xây dựng? Một u nhọt không can đảm mổ xẻ mà cứ che đậy nó sẽ đưa đến thối rữa, hoại tử, đó là hiện tượng hiện nay trong Phật Giáo Việt Nam.” (Minh Mẫn Blog).
Tôi sẽ không bàn cải thêm về việc đúng hay sai khi quy kết “nội dung tham luận của Đại Đức Thích Thiện Thuận mang tính xây dựng thì ít mà đả phá và xuyên tạc thì nhiều”; “vượt ngoài khuôn khổ cho phép của bài tham luận tại Đại Hội Phật Giáo cấp tỉnh”; “dùng hiện tượng cá biệt để đánh đồng bản chất của số đông theo kiểu vơ đũa cả nắm, gây hoang mang dư luận, xúc phạm tập thể Giáo Hội các cấp từ trung ương đến địa phương”; “dùng tư kiến cá nhân để đánh giá công tác nhân sự Giáo Hội một cách phiến diện”; “tính xuyên tạc, đả phá”; “phủ nhận toàn bộ sự tận tụy xây dựng Giáo hội trang nghiêm, vững mạnh của Chư Tôn Đức Tăng Ni, đồng bào Phật Tử các Hệ Phái thành viên Giáo Hội”; “phủ nhận sự quyết tâm của lãnh đạo Giáo Hội trong suốt 35 năm qua” v.v… (theo nội dung công văn dẫn thượng).
Tôi cũng để tâm theo dõi xem Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu sẽ bằng cách nào “thu hồi toàn bộ số lượng kỷ yếu” đã phát, tặng cho gần 1.000 Đại Biểu và quan khách “để hủy nội dung tham luận không mang tính xây dựng, xuyên tạc; đả phá công tác nhân sự”; và Đại Đức Thích Thiện Thuận bằng cách nào “thực hiện việc tháo gỡ tham luận của mình trên các website” (theo nội dung yêu cầu trong công văn) khi không chỉ 2 website chính thức của Trung Ương GHPGVN và 1 website chính thức của Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đăng tải mà còn hằng chục webiste khác tại quốc nội và hải ngoại “có tâm và có tầm” với Phật Giáo đã chia sẽ bản tham luận “phổ biến trên diện rộng” (chữ dùng trong công văn).
Thay vào những nhận xét, tranh luận, bàn cải đó, tôi xin trích đăng lại nguyên văn toàn bộ nội dung bản tham luận “gây bão” nói trên (từ tập kỷ yếu) để Thiện Hữu Tri Thức bốn phương cùng tham khảo, cùng… rộng đường dư luận; và có thể chúng ta sẽ còn quay trở lại với những điều liên quan đến bản tham luận đã, đang và e rằng sẽ còn gây ra “cơn bão mạng” cộng đồng này… (Quang Mai | Thư Viện Gia Đình Phật Tử)
TÂM VÀ TẦM,
TIÊU CHUẨN NGƯỜI LÃNH ĐẠO CỦA GIÁO HỘI
Tham luận của Văn phòng BTS GHPGVN tỉnh BR-VT
Tác giả: Đại đức Thích Thiện Thuận,
Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng BTS GHPGVN tỉnh BR-VT
Mọi hoạt động của con người không ngoài mục đích tìm lấy sự ổn định cuộc sống trong cộng đồng từ vật chất đến tinh thần. Tùy nhận thức mà mỗi người có cách làm việc, ứng xử, sinh hoạt, sở thích hay giao lưu theo quan niệm cá nhân, để mong thỏa mãn nhu cầu cái được gọi là bình an, hạnh phúc. Từ đó, có nhiều phương thức để xây dựng, để vun đắp, để đi tìm con đường bình an hạnh phúc; thực chất, không có con đường nào được gọi là bình an là hạnh phúc để cho chúng ta đi tìm, bởi lẽ, bình an và hạnh phúc chính là con đường.
Trong một lần, Đức Phật dạy rằng: “Ngày nào mà chư Tỳ-kheo còn có tâm đạo vững chắc, khiêm tốn, chuyên cần, cố học, kiên cố tinh tấn, luôn luôn giữ tâm niệm và phát triển trí tuệ, thì Giáo hội chư Tỳ-kheo không thể suy đồi mà trái lại còn phồn thịnh hơn”(1). Người lãnh đạo của Giáo hội giữa thời đại khoa học phát triển ngày nay không chỉ là một tu sĩ thuần túy khép mình trong cửa thiền, tìm vui với chuông khuya mõ sớm, mà còn là người mang trọng trách của một nhà truyền giáo đối với xã hội đa phương diện, một nhà mô phạm đối với cộng đồng đa chủng tộc, một nhà tâm lý đối với mọi biến động tâm linh của quần chúng Phật tử, và là một nhà quản trị đối với mọi hoạt động của Phật giáo.
Chính vì thế, người làm lãnh đạo Giáo hội phải là người có tâm trong mọi tình huống xử lý công việc cũng như ứng xử đời thường, và có tầm trong mọi tư duy định hướng giúp các hoạt động cá thể đồng bộ trong tổ chức Giáo hội mang tính ổn định lâu dài, góp phần lợi ích nhân sinh, phồn vinh xã hội.
II. NỘI DUNG
1. Có tâm
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.”
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Quy chuẩn nào cho cái tâm của người lãnh đạo Giáo hội? Đây là một phạm trù kết nối đạo đức người lãnh đạo Giáo hội và phẩm hạnh người tu sĩ Phật giáo.
a. Đạo đức
Người lãnh đạo Giáo hội trước tiên là một tu sĩ Phật giáo, đạo đức người lãnh đạo Giáo hội cũng được thiết lập trên phương thức truyền thống trong đạo như: Từ bi – Hỷ xả, Nhẫn nhục – Chịu khó, Nói ít – Làm nhiều, ở chùa lâu năm… qua khung sườn giới luật của Đức Phật chế định. Thật không khó để nhận ra tất cả những điều này ở một tu sĩ, vì nó đã là mô hình mẫu cho bất kỳ mọi giáo phái, sơn môn của hệ thống Phật giáo đa dạng ngày nay. Nhưng, để làm thước đo thực thụ cho cái được gọi là quy chuẩn đạo đức của người lãnh đạo Giáo hội thì nó còn phải được căn cứ vào việc tuân thủ nghiêm nhặt các điều lệ Hiến chương hay những văn bản mang tính pháp quy đã ban hành. Không thể nào chấp nhận một người là lãnh đạo Giáo hội nhưng lại là người sẵn sàng phá vỡ những quy chuẩn đã được tập thể thống nhất, vi phạm Nội quy, điều lệ vì những mưu cầu riêng tư; là người kéo bè lập nhóm vì lợi ích cục bộ hệt như người thế tục. Phật từng dạy chúng đệ tử: “Này các Tỳ-kheo, khi nào chúng Tỳ-kheo có tín tâm, có tàm, có quý, có nghe nhiều, có tinh tấn, có chánh niệm, có trí tuệ, thời này các Tỳ-kheo, chúng Tỳ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”(2).
Điều này, đòi hỏi người tu sĩ lãnh đạo Giáo hội phải thực tập xuyên suốt trong mọi hoàn cảnh để điều phục tâm, thực hành hạnh nguyện hoằng pháp lợi sanh bằng sự hy sinh cao cả của mình.
b. Hy sinh
Ai cũng chọn phần nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai…?
Đức hy sinh của một lãnh đạo Giáo hội là dấn thân vào tất cả Phật sự với mục đích bảo vệ Tăng Ni tu học an ổn mà không sợ ảnh hưởng đến vị trí chức vụ đang đảm nhiệm; quyết tâm bảo vệ chân lý của lẽ phải giúp Đạo pháp trường tồn mà không so đo thiệt hơn thu nhập, lợi dưỡng; một lòng trung kiên với tổ chức Giáo hội để giữ vững giá trị hiệu lực của Hiến chương mà không sợ thù hiềm cá nhân, chống đối. Người lãnh đạo Giáo hội thật sự có tâm là dám hy sinh những niềm vui riêng của bản thân, dấn thân vào các Phật sự với chí nguyện mong làm lợi ích hợp pháp cho Tăng Ni mà không đòi hỏi bất kỳ điều kiện gì, cho dù chỉ là một tiếng khen. Không chỉ dấn thân mà người lãnh đạo Giáo hội phải xác lập tư tưởng và trách nhiệm: Đạo pháp cần phải có mặt, chẳng kể gian lao; chúng sanh cần phải đi đến, không từ khó nhọc.
c. Bình đẳng
Tâm bình đẳng của người lãnh đạo Giáo hội được thể hiện qua các trao đổi mang đức tính giáo dục và xây dựng, góp ý và chỉnh đốn; hoàn toàn không thể hiện sự hống hách và kiêu ngạo, cửa quyền và quan liêu, bắt nạt và hoạch hoẹ Tăng Ni vô tội khi có việc cần đến Giáo hội giúp đỡ.
Có một thực trạng đau lòng đang tồn tại và rất dễ nhận ra trong những phiên hội nghị, chỉ cần lặng lẽ quan sát, chúng ta sẽ biết được có một vài nhóm người đã và đang làm mọi cách để được tồn tại “độc lập” trong tập thể như một thế lực đối kháng. Các phe nhóm đối kháng triệt tiêu, phủ đầu, công kích, loại trừ nhau mà không hề suy nghĩ đến nền dân chủ của Phật giáo đã được đức Phật thiết lập qua thể chế Lục hòa đã tồn tại suốt chiều dài lịch sử hơn 25 thế kỷ qua. Sứ mạng thiêng liêng “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh” và lời đức Phật dạy: “Ngã chấp là cội nguồn bao khổ lụy”cũng bị bỏ qua một bên. Vô tình, những nhận thức mang tính phe nhóm, vùng miền như đã nói trên đã tạo ra dòng chảy ý thức hệ độc hại, gây sự phân hóa cực kỳ nguy hiểm lâu dài cho khối đại đoàn kết trong Giáo hội.
Một lần nọ, Đức Phật ân cần chỉ dạy cho vị Thị giả thông minh của mình: “Này Ananda…, Sự tranh luận nào đưa đến bất an cho đa số, bất hạnh cho đa số, thất lợi cho đa số, bất an, đau khổ cho loài Trời, loài Người. Này Ananda, nếu Ông thấy căn bản tranh luận như vậy, giữa các Ông hay giữa các người khác, ở đây, này Ananda, Ông phải tinh tấn đoạn trừ các căn bản tranh luận ấy”(3). Đắp xây thì lâu dài và gian khó, phá hoại thì nhanh chóng và dễ dàng. Khắc phục hậu quả cả là vấn đề “thiên nan vạn nan”, đòi hỏi sự nỗ lực đóng góp của nhiều người, nhiều giới với sự đầu tư về thời gian và trí tuệ vượt trội. Chính vì thế, người tu sĩ lãnh đạo Giáo hội không chỉ có tâm mà còn phải là người có tầm trong nhận thức và tư duy thì mới có thể giúp Giáo hội ổn định mọi Phật sự mang tính chiến lược sau này.
2. Có tầm
Quá trình xã hội hóa làm cho các sinh hoạt của đời sống Tăng lữ ngày càng đa dạng và phức tạp, dòng chảy văn minh của nhân loại cũng đã len lỏi và tác động nhất định vào các tổ chức Giáo hội từ giáo dục đến hành chính, từ tổ chức sự kiện mang tính xã hội hiện đại đến các lễ nghi truyền thống. Chính vì thế, người lãnh đạo Giáo hội muốn làm tốt nhiệm vụ phải có kiến thức, năng lực và tư duy sáng tạo xứng tầm từ nội điển đến ngoại điển, từ chuyên môn đến xã hội, từ giao tế đến ứng xử nhằm góp phần vào lý tưởng phụng sự: “vô ngã vị tha” của mỗi người con Phật.
a. Kiến thức
Kiến thức nội điển là yếu tố không thể thiếu đối với một tu sĩ khi hành đạo và tham gia các hoạt động của Giáo hội. Đạo Phật luôn chủ trương hiểu rồi mới làm, không hiểu mà làm là vô minh sẽ dẫn đến lầm đường lạc lối. Đứng ra lãnh đạo, hướng dẫn tín chúng mà không có kiến thức nội điển thì thật khó lòng thuyết phục, chưa kể nguy cơ làm sai lệch chánh pháp. Thực trạng mê tín dị đoan, cúng sao giải hạn còn tồn tại khá phổ biến trong một số Tự viện thực chất cũng do người hướng dẫn thiếu sự am tường giáo lý nội điển. Muốn cho Giáo hội ngày càng vững vàng, ba tạng Kinh, Luật, Luận ngày càng tỏ rạng giáo lý cao siêu, mầu nhiệm của Phật Pháp thì đòi hỏi những người đứng giữ địa vị tổ chức, hướng dẫn trong Giáo hội phải là người kinh điển tinh thông. Hay nói cách khác, những người đứng trong bộ máy Giáo hội phải là người học đạo có trình độ thực chất uyên thâm, có khả năng truyền bá tri thức Phật học được nhiều tầng lớp thẩm thấu, có uy tín và sức thuyết phục từ tri thức nội điển của mình.
Bên cạnh Kiến thức nội điển, một yêu cầu khác cũng rất cấp thiết để nâng tầm của một người lãnh đạo Giáo hội phù hợp với xã hội hiện đại, đó là kiến thức giao tế. Người lãnh đạo Giáo hội không thể thành công trong công tác điều hành Phật sự khi thể hiện văn hóa ứng xử yếu kém. “Chim khôn hót tiếng rảnh rang. Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Người có học thức không nói lời khó nghe, một tu sĩ làm lãnh đạo càng không thể nói năng thô lỗ, cư xử như kẻ võ biền. Đại chúng có quyền đòi hỏi người lãnh đạo Giáo hội đại diện tiếng nói của họ phải tự học tập, trang bị cho mình lối ứng xử có văn hóa, khả năng giao tiếp nhạy bén, thông minh, phát ngôn chuẩn mực, xứng đáng là người đại diện tổ chức Phật giáo, tạo niềm tin tưởng nơi người đối diện.
Có một thực trạng khó thay đổi hiện nay mà các cấp Giáo hội vướng phải chính là cơ cấu người tham gia chưa được đào tạo đúng mức, nói chính xác là cơ cấu không đúng chuyên môn. Giỏi lĩnh vực này lại bố trí qua lĩnh vực khác, thậm chí không có sự hiểu biết chuyên môn lại được bố trí làm chuyên trách, hướng dẫn. Sự khiên cưỡng này khiến cho một số công tác Giáo hội bị chông chênh chẳng khác gì đôi bánh xe bị lệch trên đường núi đèo hiểm trở, chắc chắn không tránh khỏi sự sụp đổ của cả cỗ xe khi vận hành không đồng bộ.
Lỗi tại ai? Trách nhiệm thuộc về ai? Khắc phục bằng cách nào? Thay đổi có được không? Đó là những câu hỏi mà mỗi người có trách nhiệm với tổ chức Giáo hội chúng ta phải tự vấn để tìm ra câu trả lời mà khắc phục, sửa chữa trước khi trở thành quá muộn.
b. Năng lực
Giáo dục và đào tạo là điều kiện cần đối với sự huấn luyện một thế hệ kế thừa, nhưng thật sự vẫn chưa phải là yếu tố đủ để đánh giá đúng năng lực của người lãnh đạo Giáo hội. Thực tế công tác Giáo hội đã cho thấy người được đào tạo chuyên môn vẫn chưa hẳn có năng lực điều hành, người có kiến thức vẫn chưa hẳn có tri thức văn hóa…
Bởi lẽ, năng lực đích thực của một tu sĩ chơn chánh Phật giáo được đánh giá trên nền tảng từ trường toát ra từ nội tâm sâu thẳm của người phạm hạnh thanh cao, tinh nghiêm giới luật. Bên cạnh đó, năng lực hỗ trợ của một lãnh đạo Giáo hội ngoài kiến thức chuyên môn còn cần có nhiều khả năng quyền biến, điều phối và kiến thức đặc thù về các lãnh vực chuyên ngành của Giáo hội mà bất kỳ trường hợp nào, hoàn cảnh nào cũng có thể ứng dụng linh hoạt, hiệu quả. Năng lực người tu sĩ Phật giáo thời hiện đại thể hiện trên phương diện làm hưng thịnh Phật pháp bằng sự khéo léo, điều phối Phật sự giúp Giáo hội ổn định, Tăng Ni yên bình cùng bảo vệ Giáo luật, Hiến chương và Pháp luật nhà nước. Năng lực này có được, không phải qua trường lớp đào tạo mà do bản thân đối tượng tự vận động, tự tích lũy thông qua kinh nghiệm thực tế và mưu cầu phụng sự chân chính.
Khối lượng công việc Giáo hội vốn vô hạn, người có nhiều năng lực đôi khi còn gặp phải cảnh lực bất tòng tâm khi điều hành Phật sự vốn phức tạp bởi vùng miền, đa dạng vì truyền thống hệ phái. Cho nên, dự nguồn nhân sự của Giáo hội phải được chú trọng đến năng lực thực tế và phẩm hạnh của lãnh đạo. Bởi vì, sẽ là tai họa khi chọn lầm nhân sự kém tài trí, kém phẩm hạnh làm người điều hành trong tổ chức Giáo hội các cấp.
c. Sáng tạo
Từ kiến thức chắc với năng lực thật, người lãnh đạo Giáo hội tự phát huy khả năng sáng tạo của bản thân với tầm nhìn chiến lược cho một tương lai của Giáo hội với những định hướng mang tầm vĩ mô, tính khoa học và tính nhân văn cao trên cơ sở nhận thức của một tu sĩ có thực tập giới định tuệ. Người lãnh đạo nhất định phải có tầm nhìn xa mới có thể định hướng về quy hoạch nhân sự phục vụ cho các chương trình Phật sự trong tương lai mang tính chiến lược mới có thể làm tròn vai trò của người mang sứ mạng kế thừa, ổn định và phát triển mọi Phật sự của tiền nhân và Giáo hội.
Sự sáng tạo của người lãnh đạo là làm cho mọi Phật sự vận hành trôi hảy bằng những phương thức mới từ sự tổng hợp nguồn trí tuệ tập thể, khiến cho từng cá thể Tăng Ni luôn hoan hỷ ủng hộ và nhiệt tình cộng tác các chủ trương khi triển khai mọi hoạt động Phật sự ngay cấp cơ sở. Từ đó, họ hết lòng hy sinh và phục vụ Giáo hội trong mọi hoàn cảnh. Sự sáng tạo trong tư duy nhận thức đúng đắn sẽ nhận được sự đồng tình của đại đa số thành viên trong tổ chức và quần chúng Phật tử các giới.
3. Thực trạng sinh hoạt Giáo hội hiện nay
Là người có tâm đạo luôn ưu tư trước cơ đồ thịnh suy của Phật giáo, không ai không khỏi lo lắng khi nhìn thấy thực trạng sinh hoạt trong Giáo hội các cấp hiện nay. Tình trạng lôi kéo bè nhóm làm bệ đỡ cho nhau, cấy ghép quyến thuộc của mình vào tổ chức Giáo hội, gièm pha, xúc xiểm, hạ bệ người có thực lực đã thấy xuất hiện đây đó trong tổ chức. Ở đó, sức mạnh bè phái trở thành công lý của những nhân vật mang bệnh hoang tưởng về quyền lực, khập khiễng về nhận thức, gây mất uy tín của Phật giáo, ảnh hưởng thanh danh của Tăng đoàn, bất chấp dư luận cộng đồng phản đối, lòng người không phục. Đây đó cũng đã thấy vài nhân vật có vị trí nhất định trong tổ chức các cấp, coi thường cấp trên, bắt nạt cấp dưới, lừa thầy phản bạn, khinh miệt ân sư, tham lạm công quỹ, tùy tiện phán quyết bất kể điều lệ Hiến chương hay những văn bản mang tính pháp quy đã ban hành. Đạo pháp tồn vinh được chăng, nếu những người như thế toan tính dùng quyền lực để lãnh đạo Giáo hội?
Không có con đường nào để trở thành một công thức chung cho chúng ta thực hiện, triển khai các chủ trương dẫn đến sự thành tựu viên mãn mọi Phật sự. Nhưng, như đã phân tích ở trên, có tâm và có tầm chắc chắn sẽ dẫn đến con đường thành tựu. Bởi lẽ, con đường thành tựu đạo pháp đòi hỏi người đi qua phải có đạo hạnh, uy tín và đức nhiếp chúng.
4. Ý kiến đề xuất
Từ thực trạng sinh hoạt trong Giáo hội hiện nay, từ những phân tích về tiêu chuẩn cần có của người tu sĩ lãnh đạo Giáo hội, chúng tôi đề xuất tổ chức Giáo hội cần có sự chấn chỉnh lại công tác đề bạt nhân sự các cấp.
Nhân sự tham gia công tác lãnh đạo Giáo hội phải có 3 tiêu chuẩn cơ bản: đạo hạnh, uy tín và đức nhiếp chúng.
a. Đạo hạnh
Đạo hạnh của một tu sĩ thì đa dạng tương ứng với từng hạnh nguyện cá nhân hoặc truyền thống của hệ phái, nhưng không ngoài tôn chỉ hành đạo để giải trừ phiền não, khổ lụy do tham chấp cho bản thân và người khác trên nền tảng giới định tuệ chính thống của Phật giáo. Còn Đạo hạnh của người lãnh đạo Giáo hội được đánh giá trên tâm nguyện phụng sự đạo pháp, thực hành hạnh nguyện hoằng pháp lợi sanh bằng sự hy sinh cao cả của mình.
Đạo hạnh góp phần làm nên uy tín của cá nhân Tăng Ni, làm nên thanh danh cho tập thể Giáo hội.
b. Uy tín
Tiêu chuẩn uy tín nhất định phải được thiết lập đối với qui chuẩn căn bản khi cơ cấu nhân sự, kiện toàn bộ máy Giáo hội các cấp, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả khi điều hành Phật sự.
Mối quan hệ trong xã hội được thiết lập trên uy tín mới đảm bảo được sự phối hợp hướng đến một tương lai phát triển bền vững lâu dài. Người lãnh đạo của Giáo hội không có uy tín, không nhận được sự tín nhiệm và phối hợp của người khác thì tính tương tác không được thiết lập, không có sự tương tác trong điều phối khi triển khai các chương trình Phật sự, thì thất bại là chuyện tất yếu. Nói đơn giản hơn, con người chẳng làm được gì cho tập thể khi không có uy tín.
Uy tín đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của con người trong cộng đồng xã hội và nó nghiễm nhiên cấu thành yếu tố nhân cách con người trong mọi tương giao từ thời xa xưa. Người có uy tín thì lo gì không nhiếp phục được đại chúng cộng tác khi thừa hành Phật sự. Ngược lại, kẻ không uy tín, chắc chắn không thu phục được nhân tâm, không tạo được động lực vượt khó khi cần thiết.
c. Nhiếp chúng
Oai đức nhiếp chúng của một tu sĩ Phật giáo được xét trên phương diện tâm niệm cung kính, thương yêu, quý mến của số đông đại chúng dành cho, qua một thời gian dài cống hiến cho Đạo pháp và phục vụ cho Dân tộc một cách quên mình.
Người lãnh đạo của Giáo hội có oai lực nhiếp chúng sẽ không cần dùng quyền lực áp đặt mà mọi người vẫn tuân phục. Người thật có oai lực nhiếp phục không cần gây áp lực thuộc cấp mà mọi người vẫn hết lòng đồng hành. Phẩm chất, trí tuệ cao quý ấy chỉ có được trong quá trình cống hiến, tận tụy hy sinh mang tính tự nguyện, vô tư, không thể có được từ tâm tư lợi, đạo đức giả tạo.
III. KẾT LUẬN
Chuyện Giáo hội đã là chuyện của ngàn xưa qua bao thế hệ Tăng tài gìn giữ, bảo tồn. Tuy cách Phật đã xa, chúng ta không thể trác tuyệt như Tổ Nguyên Thiều, Tiên Giác; không thông đạt như Tổ Huệ Quang, Khánh Hòa; không uyên bác như cố Hòa thượng Thiện Hoa, Trí Thủ; không mẫu mực như cố Hòa thượng Thiện Hòa, Hành Trụ; không quyền biến như cố Hòa thượng Đức Nhuận, Thiện Siêu; không mẫn tiệp như cố Hòa thượng Minh Châu, Trí Tịnh… nhưng chúng ta có thể kế thừa sự nghiệp giữ gìn đạo mạch Phật pháp cao cả được đánh đổi bằng sinh mạng của bao thế hệ tiền bối hữu công của Phật giáo bằng chính sự nỗ lực hoàn thiện bản thân, để có thể góp phần làm cho Phật pháp xương minh bằng một người có tâm và có tầm.
Khi Đức Phật ở tịnh xá Ghosita thuộc xứ Kosambi, các Tỳ-kheo nơi đây thường hay tranh luận hơn thua dẫn đến đả thương nhau bằng những binh khí miệng lưỡi. Họ không tự thông cảm nhau và cũng không chấp nhận sự thông cảm, họ không tự hòa giải và cũng không chấp nhận sự hòa giải. Nhân đó, Đức Phật chỉ dạy 6 pháp hòa kính: “Này các Tỳ- kheo, có sáu pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến vô tranh luận, hòa hợp, nhất trí.
Thế nào là sáu? Ở đây, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo an trú từ thân hành đối với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí”(4)
Nay, tuy chúng ta không giải thoát được cho ai thì cũng nên tự giải thoát được cho bản thân khỏi tham dục thấp hèn, tuy không làm lợi ích được cho ai thì cũng không nên làm tổn hại đến người khác, không tiếp nối được chí nguyện cao cả hoằng pháp lợi sanh của đức Phật thì cũng đừng làm sâu mọt băng hoại Phật pháp. Đó cũng được xem là góp phần công đức trang nghiêm Giáo hội, phồn vinh đất nước rồi.
_________________________
2 Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ, Kinh Đại Bát-niết-bàn, (Màhàparinìbbànasutta),số 16.
3 Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Trung Bộ Kinh, Kinh Làng Sama (Sama Gama Suttam), số 104.
4 Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ, Kinh Sáu pháp hòa kính (Kosambiya Suttam), số 48.
Thích Thiện Thuận / http://phatgiaobariavungtau.org.vn
Xem thêm:
Thế Sự Nhiễu Nhương ! (Minh Mẫn)
.
Discussion about this post