PHÁP SƯ HUYỀN TRANG –
HÌNH MẪU LÝ TƯỞNG CỦA TU SỸ PHẬT GIÁO
Thích Nữ Huệ Nhàn
“Phật tại thế thời ngã trầm luân
Kim đắc nhơn thân Phật diệt độ
Áo não tự thân đa nghiệp chướng
Bất kiến Như Lai kim sắc thân”
Thuở xưa khi đức Phật còn tại thế con còn trầm luân nơi nào, nay được làm người thì kim thân của đức Như Lai đã diệt độ…bài kệ được thốt lên cách đây mây mươi thế kỷ rồi thế nhưng cứ mỗi lần đọc lại lòng ngậm ngùi khôn nguôi ! Ta có cảm giác như đang nhìn thấy một Huyền Trang pháp sư phủ phục rơi lệ khi về với Thánh địa, về nơi mà Thế Tôn đã từng thị hiện đản sanh và nhập diệt năm nào. Ngài là ai mà tha thiết với Phật đạo như thế ? Ngài là ai mà một mình cô độc vượt qua gió cát sa mạc mênh mông với cuộc hành trình đầy gió bụi, nhưng ánh mắt lại rực lên một niềm tin “ Ta thà chết mà đi về phía Tây còn hơn đi về hướng Đông mà sống”. Nhiều thế kỷ đã trôi qua từ khi dáng điệu uy nghi của Ngài tô điểm cho cảnh trời Ấn Độ và Trung Hoa, và từ khi chiếc bóng đơn độc của Ngài dấn mình trên những nẻo đường chưa từng có dấu chân người, những con đường nối liền hai cường quốc Hoa-Ấn. Ngài đã từng khẳng định : “Những lời di giáo của Đức Thế Tôn đã truyền bá Đông độ trên hơn 600 năm. Ngài Ca Diếp Thắng Hội đã thắp lên ngọn đuốc chánh pháp ở Ngô Lạc còn Pháp Hộ và La Thập thì làm cho nó tỏa rạng ở Tần và Lương. Công đức của các Ngài đã nêu gương cho hậu bối noi theo. Vì các dịch giả gốc ở các nước xa xôi, cách trình bày và phát âm không đồng nhất. Và cũng vì thời Thế Tôn tại thế đã xa rồi, nên những lời luận bàn giảng giải của họ về di giáo cũng khác nhau. Bởi thế giáo lý độc nhất của Thế Tôn truyền dạy ngày xưa dưới hàng cây Ta La Song Thọ đã phân thành hai quan điểm thường còn trong vị lai và hiện tại; và thuyết lý bất nhị của Đại Thừa đã bị chia thành hai phái Bắc Nam… Hỗn độn và tranh chấp đã lan tràn qua nhiều thế kỷ và khắp xứ, người người đều rối loạn nghi ngờ không có một ai để giải nghi cho họ… Bần đạo đã từ lâu nuôi khát vọng hành hương Kỳ Viên và Linh Thứu, để mong giải được tất cả mọi mối nghi ám ảnh bần đạo lâu nay…”[1] Từ lí do đó mà Ngài lên đường làm một cuộc hành trình vô tiền khoáng hậu vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, đó là chuyến Tây du cầu pháp bằng đường bộ một thân một bóng chỉ có người và ngựa, nắng và gió.
Khi Ngài thực hiện cuộc hành trình gian khổ hi hữu đó thì có lẽ ta chỉ là gió bụi tung bay dưới vó ngựa của Ngài. Tuy chúng ta chỉ có thề biết Ngài qua sử liệu nhưng bấy nhiêu đó thôi cũng đủ làm cho chúng ta thán phục vô hạn. Thiết nghĩ rằng đối với Phật giáo chúng ta thì Ngài là hình tượng tiêu biểu, là gương sáng ngàn đời cho hậu thế noi theo.
Huyền Trang (玄奘 xuán zàng) là Cao tăng của Phật giáo Trung Quốc, một trong bốn dịch giả của Trung Hoa. Ngài cũng là người sáng lập Pháp tướng tông tại Trung Quốc. Vì tinh thông Kinh điển Phật giáo nên Ngài còn có danh hiệu là Tam Tạng (Pháp sư), là người tinh thông cả Tam tạng.
Huyền Trang tên tục Trần Huy (Trần Vỹ hoặc Trần Y 陳褘) sinh năm 596, năm thứ 16 đời Tùy Văn Đế Dương Kiên tại Lạc Châu huyện Câu Thị ,tỉnh Hà Nam, trong một gia đình có truyền thống quan liêu. Đến cha của Huyền Trang là Trần Huệ thì dốc tâm vào Nho học, từ khước làm quan. Theo các truyện kí thì từ nhỏ Ngài nổi danh thông minh đĩnh ngộ, sớm được thân phụ chỉ dạy những nghi thức Nho giáo.
Năm lên 13 tuổi Ngài đã xuất gia và thọ giới cụ túc năm 21 tuổi. Ngài theo học Đại thừa với những bậc Thầy thời bấy giờ và thấy có nhiều chỗ giảng giải mâu thuẫn. Đây là lí do chính thúc đẩy Ngài lên đường tìm cho mình một câu giải đáp thích đáng.
Mặc dù biết rằng có lệnh cấm của triều đình về việc xuất ngoại, nhưng năm 629 Ngài quyết tâm sang Ấn Độ với một lòng tha thiết được tìm về cội nguồn chánh pháp, được đảnh lễ những thắng tích, nơi mà ngày xưa Đức Từ Phụ Thích Ca đã thị hiện. Và hơn hết Ngài tin tưởng rằng ở nơi đây Ngài sẽ tìm thấy được những gì mà bấy lâu nay mình canh cánh trong lòng.
Tập kí sự du hành sau khi trở về vinh quang năm 645 có tên là Đại đường Tây vực kí, để lại cho hậu thế một nguồn tài liệu vô song về địa lí, xã hội và tập quán của miền Trung Á và Ấn Độ trong thế kỉ thứ bảy.
Sau khi trở về cố quốc, một phần nhờ trình độ uyên bác xuất chúng, một phần nhờ tiếng tăm vang dội mà Ngài đã gặt hái được tại Ấn Độ và các nước Trung Á, một phần nhờ hoàng đế Trung Quốc đặc biệt hỗ trợ, như xây cất chùa chiền cho Ngài trú ngụ cũng như thành lập một ban dịch thuật do chính nhà vua chọn lọc để giúp cho Ngài hoàn thành công tác phiên dịch của hơn 600 kinh sách mang về Trung Quốc. Ngài là một trong những dịch giả người Hán dịch các văn bản của Phật Giáo Ấn Độ vĩ đại nhất và mang lại thành quả lớn lao nhất (và cũng chính xác nhất). Nhiều dịch phẩm của Ngài, như Tâm kinh và Kim Cương kinh, ngày nay vẫn còn đóng một vai trò quan trọng trong việc hành lễ Phật giáo hàng ngày.
Ngài viên tịch lúc 65 tuổi, năm 664 TL, để lại niềm thương kính cho toàn đất nước. Tin Ngài thị tịch chuyển đến triều đình, vua Cao Tông vô cùng bi ai thương tiếc đến nỗi phải ngưng buổi thiết triều và than: “Trẫm đã mất một quốc bảo”. Hôm sau nhà vua lại phán với đình thần: “Thật vô cùng đáng tiếc cho Trẫm và quốc dân đã mất đi pháp sư Huyền Trang. Chẳng khác nào như rường cột ngôi Tam bảo đã sụp đổ và nay chúng sanh đã mất đi người hướng dẫn, chẳng khác nào con thuyền đã chìm trên biển khổ mênh mông, một ngọn đèn đã tắt đi trong phòng đầy bóng tối.
Khoảng đầu thế kỉ thứ bảy, kinh sách Phật giáo của Trung Quốc gồm có vô số những bản dịch và văn bản chữ Hán, đại diện và làm nền tảng cho nhiều quan điểm đối chọi nhau, tất cả đều tự nhận mình là “Phật giáo”. Phật giáo Trung Quốc của thế kỉ thứ sáu có thể được xem là một trường tranh cãi giữa các trường phái của Duy thức tông, tức là giáo pháp được ghi lại trong các tác phẩm của Vô Trước và Thế Thân. Thế nhưng, các điểm chi tiết của hệ thống này, cả về mặt cơ bản lẫn luận giải, là đối tượng của những cuộc tranh cãi triền miên.
Đứng trước tình hình này với một người tâm huyết như ngài Huyền trang rất trăn trở, Ngài cho rằng mọi tranh cãi và diễn dịch khác nhau trong Phật giáo Trung Quốc là hậu quả của sự thiếu thốn kinh sách chủ chốt viết bằng tiếng Hán. Đặc biệt, Ngài cho rằng một bản dịch đầy đủ của bộ Du-già sư địa luận, một bộ luận bách khoa của phái Duy thức tông miêu tả con đường dẫn tới Phật quả của Vô Trước, sẽ có khả năng giải quyết mọi tranh chấp. Trong thế kỉ thứ sáu đã có một vị tăng Ấn Độ là Chân Đế (một Đại dịch giả khác) đã dịch một phần tác phẩm đó. Huyền Trang thấy mình phải dịch trọn bộ luận Ấn Độ này và giới thiệu cho Trung Quốc.
Pháp sư khởi hành cuộc Tây du nhằm ba mục đích rõ rệt: chiêm bái Phật địa, nghiên cứu Phật lý và sưu tầm Kinh điển. Cho nên vua vua Đường Thái Tông rất cảm kích nên đã đích thân ngự bút viết “Bài tựa Đại Đường Tam tạng thánh giáo” tóm tắt ghi nhận, tuyên dương đạo đức sáng ngời, chí nguyện cao cả, công nghiệp vĩ đại của Ngài, với lời lẽ tha thiết ngợi ca rằng: “Lưu tâm nội cảnh, thương Chánh Pháp Suy vi; chú ý huyền môn, buồn thâm văn sai uyển. Nghĩ muốn chia điều chẽ lý, mở rộng chỗ học xưa; bỏ ngụy thêm chơn, khai thông kẻ hậu tấn. Vậy nên, lòng trông đất Tịnh, thân đến cõi Tây, mạo hiểm nghìn trùng, xông pha chiếc bóng.”[2]
Trong lịch sử các cuộc hành hương Phật tích chỉ có cuộc hành hương của Ngài là mầu nhiệm, ly kỳ nhất, bởi thời gian của cuộc hành trình (17 năm), bởi những nỗi khó nhọc gian nguy gặp trên đường, bởi số lượng các nước Ngài đã viếng thăm và bởi những tường thuật Ngài để lại đã là nguồn cảm hứng bất tận cho học giả, văn nhân. Mặc dù triều đình cấm việc xuất dương nhưng ngài Huyền Trang vẫn kiên quyết ra đi, Ngài lên đường, trải qua nhiều gian khổ trên đường băng qua núi non và sa mạc, đối diện với đói khát và giặc cướp. Không nao núng sợ hãi, Ngài tiếp tục nhắm hướng Tây thẳng tiến. Suốt bốn năm ngày đêm trên sa mạc, người ngựa không có một giọt nước. Kiệt sức nằm vật ra trên cát hàng giờ. Nhưng Ngài tin vào sự gia hộ của chư Phật nên cầu nguyện và vững niềm tin vượt qua tất cả.
Cảm phục trước ý chí sắt đá của Ngài, vua Đường Thái Tông đã ca ngợi cuộc hành trình gian khổ này bằng những lời văn cô đọng, sâu sắc bày tỏ lòng thán phục : “Ban mai tuyết phủ, đất mất đuờng đi; chiều xế, cát bay, trời mờ lối tới. Muôn dặm non sông, vén mây mù mà tiến bước; trăm tầng nắng rét, đạp sương tuyết để lên đuờng. Nặng lòng thành coi nhẹ gian lao; mạnh chí quyết sở cầu nguyện đạt. Châu du Tây vức muời lẻ bảy năm”.[3]
Sau khi trở về cố quốc, ngoài việc truyền bá kinh sách Phật giáo và tư tưởng Ấn Độ mới mẻ vào Trung Quốc, Ngài cũng gây ảnh hưởng lên nền nghệ thuật và kiến trúc Trung Quốc bằng những vật dụng và thiết kế do Ngài mang về. Có một ngôi chùa được xây theo thiết kế của Ngài tại Trường An (ngày nay là Tây An) để chứa dựng kinh sách và các tác phẩm nghệ thuật được Ngài mang về. Ngài đã thỉnh về Trung Quốc một khối lượng kinh sách đồ sộ và nhiều tượng Phật, xá lợi Phật quý báu. Ngài phải dùng tới 20 ngựa để mang tất cả.
Thế là kết thúc cuộc Tây du thần kỳ và hy hữu. Cuối cùng chí nguyện cao cả ”Về tận đất Phật thỉnh kinh” của Ngài đã thành tựu hoàn toàn viên mãn.
Về dung mạo được mô tả trong sử liệu thì Huyền Trang pháp sư là một người khôi ngô, tuấn tú : “ Pháp sư cao hơn bảy thước xưa, da hồng hào, với lông mày rộng và cặp mắt tươi sáng.Cử chỉ của Ngài tề chỉnh như pho tượng và đẹp đẽ như một họa phẩm. Tiếng nói của Ngài trong sáng vang xa, và Ngài lúc nào cũng nói một cách thanh nhã và lịch sự khiến người nghe không bao giờ nhàm chán. Khi Ngài ở trong đồ chúng hay trong khi tiếp khách, Ngài ngồi thẳng không dao động trong một thời gian khá lâu. Ngài thường mặc bộ sắc phục Gandhara, bằng nỉ dạ, không quá rộng và vừa vặn chững chạc. Ngài đi đứng ung dung, khoan thai, luôn luôn ngó thẳng, không nhìn qua một bên. Cử chỉ của Ngài như dòng sông lớn chảy; và sáng sủa như đóa hoa sen nở trên mặt nước”[4]
Có thề nói rằng trong bất cứ xã hội nào đi nữa thì cái đẹp vẫn được thế gian yêu chuộng, là niềm cảm hứng bất tận đối với thi nhân, là nguồn sáng tạo vô giá của nghệ thuật. Tuy chúng ta không phân biệt hình tướng của đối tượng muốn xuất gia, nhưng nếu tăng đoàn Phật giáo mà ai ai cũng có dung mạo khôi ngô tuấn tú như pháp sư Huyền Trang thì chắc chắn sẽ khiến cho thế gian phát khởi tịnh tính đối với những người con Phật. Chúng ta không chấp vào hình tướng bên ngoài nhưng không có nghĩa là chúng ta phủ nhận cái đẹp, cái đoan nghiêm vì đó cũng là một trong những phước báo được gieo trồng nhiều đời mà có được. Còn ví như nếu Tăng đoàn Phật giáo mà chỉ toàn là những người có hình thù kỳ quái, năm căn không đủ thì chắc chắn người thế gian sẽ cho rằng những người xuất gia trong đạo Phật toàn là hạng xấu xí, thân tướng không đoan nghiêm nên mới tìm vào cửa Phật.
Bên cạnh vẻ đẹp đoan nghiêm đó thì ngài là một người có niềm tin tha thiết bất diệt đối với sự gia trì của chư Phật. Tuy sống trong thời kỳ phương tiện giao thông khó khăn, núi non hiểm trở, việc thông thương giữa các nước vẫn còn là một điều gì đó rất xa lạ, với biết bao khó khăn nhưng Ngài vẫn kiên định thực hiện chuyến Tây du. Những lúc gặp hiểm nguy tuyệt vọng trên đường đi Ngài chỉ còn tin vào oai lực và sự gia hộ của chư Phật, đó là Bồ Tát Quan Âm, là Di Lặc Phật. Ngài không ngớt niệm danh hiệu đức Bồ tát Quán Thế Âm và khấn nguyện: “Lạy đức Quán Âm! Trong chuyến đi này con không vì giàu sang chức tước. Con chỉ đi cầu pháp độ sanh. Ngài hãy thương xót con như đã thương xót bao nhiêu quần sanh chìm đắm trong biển khổ, rũ lòng từ bi cứu vớt con ra khỏi bước cùng này.”[5]
Rồi khi đến được nơi Đức Thế Tôn đã từng thị hiện, ngài đã sụp lạy một cách thiết tha và bùi ngùi rơi lệ như được về với quê hương đích thực, về lại với vị Cha già khả kính, như được diện kiến kim thân của Đức Như Lai một thuở xa xưa nào.
Hoặc là những khi phiên dịch kinh điền có chỗ phân vân không biết nên dịch thế nào cho đúng với bản hoài chư Phật, ngài cũng tin vào sự cảm ứng nhiệm mầu của đạo. Như vậy mới thấy rằng Huyền Trang pháp sư là người có đạo tâm kiên cố, có chí nguyện sắt đá mới thành tựu được hành trình vô tiền khoáng hậu, thành tựu được sự nghiệp phiên dịch kinh điển rực rỡ như thế.
Trong thời buổi hôm nay, chúng ta đứng trước biết bao cám dỗ thử thách, bao nẻo chánh tà hư ngụy, thật giả khó phân nếu không có niềm tin kiên cố vào Tam Bảo chúng ta dễ đánh mất tâm Bồ đề của mình, dễ đi vào tà đạo lúc nào không hay biết. Hoặc có đôi khi chúng ta chỉ biết đem giáo pháp ra để chia chẻ phân tích lý luận mà không chịu thực hành theo, do đó Thiền sư Ryokan đã từng nhắc nhở “Danh xưng chỉ là những người khách tạm của hiện thực, tiếc thay những người tu Phật chỉ biết bám víu vào ngôn từ để già đi và trở thành lọm khọm, những năm tháng lý luận quẩn quanh nào có ích gì”.[6]
Bước vào dòng sông chánh pháp và tắm mình trong đó, an trú trong hiện tại và làm những việc đích thực của một Tỳ kheo, hướng đến mục đích cuối cùng là thành tựu phạm hạnh. Đức Phật khuyên đệ tử Ngài trong Tương Ưng Bộ rằng : “Vì trầm tư tương lai và ân hận quá khứ mà những người ngu khô héo như cây xanh chặt để dưới nắng”. Chúng ta không nên ngồi trên bờ nhìn xuống dòng sông trong mát chỉ để luận bàn phải quấy hư thật..
Cuộc đời của Ngài Huyền Trang là hiện thân của tinh thần cống hiến không hề mệt mỏi, dâng trọn cuộc đời mình cho đạo pháp. Trong tâm thì luôn trăn trở đến việc làm hưng thịnh và truyền bá chánh pháp, bên ngoài thì dốc sức làm việc không ngơi nghĩ. Đọc toàn bộ những tư liệu về cuộc đời Ngài ta chỉ thấy Ngài dành hết thời gian cho việc nghiên cứu, phiên dịch và giảng dạy. Bên cạnh đó Ngài còn làm những việc phước thiện ích nước lợi dân. Có vẻ như chúng ta không thấy Ngài có một chút thời gian nào để trống dù chỉ là một phút lãng phí. Ngài đã sống trọn vẹn và hữu ích từng ngày, từng giờ trong suốt thời gian Ngài hiện hữu trên cuộc đời này. Chúng ta hãy đọc một đoạn viết về cuộc sống hằng ngày của Ngài để cảm thấy Ngài giản dị mà vĩ đại biết bao nhiêu : “ Hằng ngày Ngài lo việc phiên dịch, khi dịch xong Ngài xếp sách đi lễ Phật, kinh hành đến canh ba mới tạm nghỉ. Sang canh năm Ngài đã trở dậy, đọc to bản kinh chữ Phạn…”[7]
Biết nói sao cho hết lòng kính ngưỡng của chúng ta đối với Ngài, thật là thán phục vô hạn người con chân chính của đức Như Lai! Có lẽ trong nghệ thuật Phật giáo không còn bức tranh nào diễm lệ, thoát tục bằng hình ảnh như vậy, đó chính là bức chân dung có một không hai trên cuộc đời này.
Dõi theo dấu chân vạn dặm diệu kỳ bi tráng ngày xưa của Huyền Trang tôn giả, tưởng nghe pháp âm hùng biện của Ngài xiển dương Đại thừa như còn vang vọng đâu đây, thấp thoáng hình ảnh Ngài đang miệt mài cặm cụi trước trang kinh bên ánh đèn dầu thuở nọ, chắc chắn lòng ai không khỏi bồi hồi kính ngưỡng và cảm bội pháp sư Huyền Trang bất diệt.
[1] Lê Sơn dịch, Đại Đường Tây Vực ký, Nxb Phương Đông, tr.30
[2] Thích Như Điển dịch, Đại Đường Tây Vực Kí, Bài tựa, tr.9
[3]Sđd, tr.9
[4] HT. Thích Minh Châu dịch, Huyền Trang, nhà chiêm bái và học giả, tr.60
[5] Võ Đình Cường, Đường Tam Tạng Thỉnh Kinh, Nxb Tôn giáo 2000, tr.35
[6] Hoàng Phong, Ryokan gã Thiền Sư Đại Ngu trên con đường cô đơn trống không, Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2009, tr.30
[7] Võ Đình Cường, Đường Tam Tạng Thỉnh Kinh, Nxb Tôn giáo, 2000, tr.157
Discussion about this post