Những đệ tử đầu tiên của Cao Đài như Ngô Văn Chiêu, Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, và Cao Hoài Sang đã xác nhận rằng họ đã nhận được sự “Thông Công” (liên lạc) trực tiếp từ Thượng Đế, người đã ban cho họ những chỉ dẫn cụ thể để thành lập một tôn giáo mới, khởi đầu cho Kỳ Phổ Độ Thứ Ba.
Các tín đồ thi hành những giáo điều của Đạo như không sát sanh, sống lương thiện, hòa đồng, làm lành lánh dữ, giúp đỡ xung quanh, cầu nguyện, thờ cúng tổ tiên, và thực hành tình yêu thương vạn loại qua việc ăn chay với mục tiêu tối thiểu là đem sự hạnh phúc đến cho mọi người, đưa mọi người về với Thượng Đế nơi Thiên Giới và mục tiêu tối thượng là đưa vạn loại thoát khỏi vòng luân hồi. Các ước lượng về số tín đồ Cao Đài có khác nhau, nhưng đa số các nguồn cho rằng con số đó là hai đến ba triệu (tư liệu vào khoảng năm 2000 – 2003). Khoảng 30.000 tín đồ nữa sống ở Hoa Kỳ, Châu Âu, và Úc.
Cơ bút
Đạo Cao Đài được khai sinh bởi Cơ Bút và giảng truyền Chân Đạo cũng qua Cơ Bút. Cơ Bút là một nền tảng can bản của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Qua Cơ Bút, luật pháp Đạo được ban hành. Tòa Thánh, Thánh Thất, Thánh Tịnh được thành hình; những kinh điển, nghi thức cúng kiến được phân lập, và những áng thi văn dạy Đạo được lưu truyền qua nhiều thế hệ, từ Đông sang Tây từ Âu sang Á cũng đều qua Cơ Bút.
Nhân vật trọng yếu
Ba nhân vật trọng yếu đã góp phần cho sự ra đời của đạo Cao Đài là các ông:
Ngô Văn Chiêu (có tài liệu ghi là Ngô Minh Chiêu – là tên Pháp Danh) sinh năm 1878 tại Bình Tây, Chợ Lớn.
Lê Văn Trung sinh năm 1876 tại Chợ Lớn, là người lãnh nhiệm vụ lãnh đạo Cao Đài thay ông Ngô Minh Chiêu.
Phạm Công Tắc sinh năm 1890 tại Tân An trở thành lãnh đạo hữu hình tối cao của đạo Cao Đài sau khi ông Lê Văn Trung mất năm 1934. Đạo Cao Đài chính thức ra đời vào đêm Giáng sinh năm 1925. Theo sử ký của đạo Cao Đài thì đêm đó Cao Đài Tiên Ông xuất hiện trong một buổi cầu tiên bình thường như các buổi cầu tiên khác. Ông nói rõ tánh danh là “Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát” và chọn 12 tông đồ đầu tiên để lập ra đạo Cao Đài. Tên 12 người đó được ghi trong một bài thơ như sau:
Chiêu Kỳ Trung độ dẫn Hoài sanh
Bản đạo khai Sang Quý Giảng thành
Hậu Đức Tắc Cư thiên địa cảnh
Hườn, Minh, Mân đáo thủ đài danh.
Họ tên đầy đủ của 12 tông đồ đầu tiên của đạo Cao Đài là:
Ngô Văn Chiêu
Vương Quang Kỳ
Lê Văn Trung
Nguyễn Văn Hoài
Đoàn Văn Bản
Cao Hoài Sang
Nguyễn Văn Quý
Lê Văn Giảng
Nguyễn Trung Hậu
Trương Hữu Đức
Phạm Công Tắc
Cao Quỳnh Cư
Và 3 đồng tử phò cơ là Hườn, Minh, Mân.
Đạo Cao Đài phát triển rất nhanh lên đến hàng chục vạn người. Tuy nhiên, phải mất gần 1 năm sau, khi Tờ Khai Tịch Đạo với 247 chữ ký của người Đạo (vốn có địa vị ngoài đời) gửi lên thống đốc Nam Kỳ lúc bấy giờ là Le Fol thì đạo Cao Đài mới bắt đầu hoạt dộng như là một tôn giáo. Ngay sau khi gởi văn bản nói trên cho thống đốc Le Fol, những người môn đệ đầu tiên của Đạo Cao Đài đã tổ chức lễ ra mắt rất long trọng tại chùa Gò Kén còn có tên là Từ Lâm Tự, Tây Ninh với sự hiện diện của quan chức chính quyền của cả người Pháp lẫn người Việt. Đó là ngày Rằm tháng 10 năm Bính Dần (1926).
Triết lý đạo Cao Đài xem các tôn giáo đều có chung một nguồn gốc từ Đức Cha Trời và đều nhằm mục đích hướng thiện con người. Khi loài người đều có chung quan niệm này thì sẽ tạo nên “thế giới đại đồng ” và hòa bình sẽ đến với toàn nhân loại. Lý tưởng này được thể hiện qua bài Thánh thi sau:
Chẳng quản đồng tông mới một nhà,
Cùng nhau một Đạo tức một Cha
Nghĩa nhân đành gởi thân trăm tuổi
Dạy lẫn cho nhau đặng chữ Hòa.
Hoặc:
Từ đây nòi giống chẳng chia ba,
Thầy hiệp các con lại một nhà.
Nam Bắc cùng rồi ra ngoại quốc,
Chủ quyền chơn đạo một mình ta.
Phân hóa nội bộ
Thực ra, mâu thuẫn đã xuất hiện từ những ngày đầu tiên, khi ông Ngô Minh Chiêu từ chối ngôi Giáo Tông, tách ra và lập nên phái Chiếu Minh để theo đường tu tịnh luyện, nội bộ Cao Đài bắt đầu bị chia cắt. Từ đó, những chức sắc cao cấp, vốn có những quan điểm bất đồng trong việc hành Đạo cũng bắt đầu tách ra riêng để “thể hiện bản lĩnh của mình”.
Trong vấn đề phân hóa, có 1 yếu tố nữa dẫn đến việc này đó là chính quyền Pháp vì sợ sự phát triển mạnh mẽ, quá nhanh của Đạo Cao Đài có thể sẽ gây bất lợi cho việc đô hộ Việt Nam. Vì thế mà chính quyền Pháp đã dùng đến những thủ đoạn là dụ dỗ, đe dọa về sự an toàn của các con em lưu học sinh tại Pháp có thân nhân là chức sắc cao cấp trong tổ chức hành chánh Đạo. Vì thế mà các chức sắc cao cấp có thỉnh cầu Thánh Ý của ơn trên về việc lập lập chi phái để che mắt người Pháp về sự chia rẽ của Đạo Cao Đài, để tạo nên sự an toàn cho các lưu học sinh và cho người Pháp cảm thấy rằng Đạo Cao Đài không có gì ghê gớm, cũng dễ dàng bị bọn họ chia cắt.
Quan niệm về nguồn gốc của Thượng Đế và vũ trụ
Theo đạo Cao Đài, trước khi Thượng Đế tồn tại, đã có Đạo. Đó là Đạo, Đạo vĩnh cữu, không hình dáng, không có tên gọi, không thay đổi; như được đề cập tới trong Đạo Đức Kinh. Đến một thời điểm nhất định, hiện tượng Big Bang đã xảy ra, chính từ đây Thượng Đế đã xuất hiện. Vũ trụ lúc này còn là 1 mớ hỗn độn, và để tạo nên sự cân bằng, hài hòa, đa dạng, Thượng Đế đã tạo ra Âm Dương. Thượng Đế cai quản Dương và phân thân tạo ra “Diêu Trì Kim Mẫu” để cai quản Âm. Nhờ có Âm Dương, vũ trụ đã được định hình. “Thánh Mẫu” là mẹ của hằng hà sa số sinh linh, sự vật trong vũ trụ. Do đó, tín đồ Cao Đài không chỉ thờ phụng Thượng Đế, (còn được gọi là “Thầy”) mà còn thờ “Diêu Trì Kim Mẫu” (còn được gọi với nhiều danh hiệu khác nhau như Cửu Thiên Huyền Nữ, Tây Vương Mẫu, Thiên Hậu, Đức Mẹ Muôn Loài, …).
Theo Đạo Cao Đài, có 36 tầng trời và Tứ Đại Bộ Châu nơi đây thuộc về vô hình, 3000 Thế Giới và 72 hành tinh thuộc về hữu hình, có sự sống bậc cao, trong đó hành tinh số 1 là phát triển nhất và hành tinh thứ 72 kém phát triển nhất. Trái Đất là hành tinh số 68.
Giáo lý Cao Đài
Kinh sách
Đạo Cao Đài có các kinh sách chủ yếu sau:
Thánh Ngôn Hiệp Tuyển (quyển 1 và quyển 2).
Pháp: Pháp Chánh Truyền (được xem như hiến pháp của tôn giáo Cao Đài).
Luật: Tân Luật, Đạo Luật.
Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo.
Những chi phái khác nhau có thể có thêm những bài kinh khác.
Biểu tượng
Vì Thượng Đế là những gì trọn lành nhất, toàn thiện, toàn mỹ nên Người cũng không có hình dạng nhất định. Bởi Người chính là cả vũ trụ này, là chúng ta, là chim muông cầm thú, là cỏ cây sắt đá… Cho nên Đạo Cao Đài thờ Thiên Nhãn là thờ Chí Tôn, nghĩa là thờ cái gốc của vạn loại.
Trong thể pháp thì Thiên Nhãn là mắt bên trái biểu tượng cho phần dương.
Thờ Thiên Nhãn thể hiện Chí Linh hiệp cùng Vạn Linh.
Ý nghĩa Thiên Nhãn trong thiên thượng và thiên hạ.
Thiên Thượng: Thiên Nhãn là Trời, là Ngôi Thái Cực trong dịch lý. Trời là Đấng đầy đủ quyền hành chí linh mà tạo thành càn khôn thế giới.
Cái không trung trên đầu ta là Trời. Đứng cầm quyền trên ấy là Đấng tạo hoá là Ngọc Hoàng Thượng đế là chúa tể cả càn khôn thế giới.
Thiên Hạ: Thiên nhãn là trí thức của loài người; là hình trạng lương tâm của toàn nhân loại. Kiến thức là căn bổn của trí thức tinh thần. Muốn kiến thì nhờ nhãn, muốn thức thì nhờ trí.
Người tín đồ Cao Đài Thờ Thiên Nhãn tại tư gia thể hiện ý nghĩa:
Là phương nhắc nhỡ cho người đạo biết tùng thiên lý. Thiên nhãn như con mắt của Trời soi xét mọi ý nghĩ và hành vi của con người. Con người được nhắc nhỡ làm điều hay và bớt đi điều không tốt.
Thể hiện sự bình đẳng: Mọi tín đồ đều có quyền thờ phụng và cúng đếu như nhau. Gặp khi cơ Đạo trắc trở ” Toà Thánh hay Thánh Thất của Đạo bị chiếm ” người tín đồ vẫn có thể cúng kiến tại nhà mình với đầy đủ nghi lễ không phải chịu sự khống chế của một thế lực nào.
Đức Chí Tôn dạy vì sao thờ Thiên Thãn vào năm 1926:
… Chưa phải hồi các con biết tại sao vẽ Thánh-Tượng “Con Mắt” mà thờ Thầy, song Thầy nói sơ lược cho hiểu chút đỉnh.
Nhãn thị chủ tâm.
Lưỡng quang Chủ Tể.
Quang thị Thần.
Thần thị Thiên.
Thiên giả, Ngã giả.
Thần là khiếm khuyết của cơ mầu-nhiệm từ ngày Đạo bị bế. Lập “Tam-kỳ Phổ-độ” này duy Thầy cho Thần hiệp Tinh-khí đặng đủ “Tam Bửu” là cơ mầu-nhiệm siêu phàm nhập Thánh.
Các con nhớ nói vì cớ nào thờ con mắt thầy cho chư Đạo Hữu nghe.
Nguồn chính thống để kiểm chứng
Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo. Bài Ngọc Hoàng Kinh.
Diễn văn Phạm Hộ Pháp đọc tại Toà Thánh ngày 15-8 Quí Dậu “ 1933” cuối trang trang 20 và đầu trang 21 bản quay ronéo .
Thuyết đạo của Đức Hộ Pháp ngày 26-6 Mậu Dần ( 23-7-1938).
Diễn văn ngày 15-7- Nhâm Thân “ 1932” của Phạm Hộ Pháp đọc tại Toà Thánh. Trang 4 dòng 38 bản quay roneo.
Tiểu tự Tân Luật “ ban hành ngày 01-6-1927”.
Diễn văn Phạm Hộ Pháp đọc tại Toà Thánh ngày 15-8 Quí Dậu “ 1933” cuối trang trang 20 bản quay ronéo.
Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q.1. trang 12. Bản in 1973.
Thứ bậc thiêng liêng của linh hồn
Theo thứ bậc từ thấp đến cao có 8 phẩm, còn được gọi là Bát đẳng Chơn Hồn:
Vật Chất .
Thảo Mộc.
Cầm Thú.
Nhân.
Thần.
Thánh.
Tiên.
Phật.
Thứ bậc này đại diện cho các mức độ lĩnh hội, tiến hóa được về mặt tâm linh, với Phật là thứ bậc cao nhất. Thần, Thánh, Tiên có thể được trường thọ lâu dài ở cõi Thiên Giới, nhưng chỉ có các vị Phật mới được thoát khỏi vòng sinh tử.
Ba thời kỳ hiện thân và phổ độ
Theo giáo lý Cao Đài thì từ thời tạo thiên lập địa tới nay có 3 lần Thượng đế phân thân giáng trần lập Đạo:
Nhứt kỳ Phổ Độ
Đức Nhiên Đăng Cổ Phật mở Phật giáo ở Ấn Độ tương ứng thời vua Hiên Viên Huỳnh Đế bên Tàu.
Đức Thái Thượng Đạo Tổ mở Tiên giáo ở Trung Hoa.
Vua Phục Hy khởi đầu Nho giáo ở Trung Hoa.
Thánh Moise mở Do Thái giáo ở nước Do Thái.
Nhị kỳ Phổ Độ
Đức Phật Thích Ca giáng sinh ở Ấn Độ, chấn hưng Phật giáo thời Nhứt Kỳ Phổ Độ, mở ra Thích giáo với một giáo lý rất phong phú, thiết thực để giải khổ nhân sinh.
Đức Thái Thượng Đạo Tổ giáng sinh ở Trung Hoa là Lão Tử, mở ra Lão giáo hay Đạo giáo để chấn hưng Tiên giáo.
Đức Khổng Tử giáng sinh ở Trung Hoa, mở ra Khổng giáo để chấn hưng Nho giáo.
Đức Chúa Jesus Christ giáng sinh ở nước Do Thái, mở ra Thiên Chúa giáo để chấn hưng Thánh Giáo.
Tam Kỳ Phổ Độ
Thời kỳ này Đức Chí-Tôn không giao chính giáo cho tay phàm nữa mà chính mình Thầy giáng trần lập đạo bằng huyền cơ diệu bút. Trong thời kỳ này còn có :
Đức Quán Thế Âm Bồ Tát (Thích giáo).
Đức Lý Thái Bạch (Đạo giáo, đồng thời cũng giữ luôn phẩm Giáo tông nhưng thuộc về vô vi, còn Ngài Thượng Trung Nhựt tức Lê Văn Trung giữ phẩm vị Quyền Giáo Tông phần hữu hình)
Đức Quan Thánh Đế Quân (Nho giáo).
là Tam trấn oai nghiêm, thay mặt cho Tam Giáo trong việc hành chính đạo. Ba vị này không giáng sinh như trước, chỉ dùng cơ bút giáo đạo.
Hình thể
Bên trong Tòa Thánh Tây Ninh
Về hình thể, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có 3 đài: Bát Quái Đài, Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài.
Bát Quái Đài
Bát Quái Đài là nơi thờ phượng Đức Chí Tôn và Thần, Thánh, Tiên, Phật. Đức Chí Tôn là Đấng tự hữu và hằng hữu đã tạo lập ra càn khôn vũ trụ. Thần, Thánh, Tiên, Phật là các đấng có công giáo hóa nhơn loại xây dựng xã hội bác ái, công bằng. Tại Bát Quái Đài có trình chánh Bát Quái Đồ Thiên. Đây là dấu ấn của Tam Kỳ Phổ Độ đối chứng với Bát Quái Tiên Thiên (Nhứt Kỳ Phổ Độ) và Bát Quái Hậu Thiên ( Nhị Kỳ Phổ Độ). Bát Quái Đài là hồn của Đạo. Đức Chí Tôn vi chủ. Mọi giáo pháp của Đại Đạo do nơi Bát Quái Đài xuất phát.
Hiệp Thiên Đài
Hiệp Thiên Đài là nơi hội hiệp của con người (hữu hình) với Đức Chí Tôn hay Thần, Thánh, Tiên, Phật (vô hình) qua cơ bút, do Đức Chí Tôn làm chủ quản, Hộ Pháp làm chưởng quản. Hiệp Thiên Đài có 2 sở dụng: Thiêng liêng quan hệ đến cơ bút; và Phàm trần giử nhiệm vụ tư pháp và lập pháp trong tôn giáo.
Về ý nghĩa Hiệp Thiên Đài, phần Pháp Chánh Truyền chú giải có ghi rõ:
Hiệp Thiên Đài là nơi Thầy ngự cầm quyền thiêng liêng mối Đạo. ( Phẩm Giáo Tông của Cửu Trùng Đài muốn cầu Đức Chí Tôn hay các Đấng Thiêng Liêng phải đến Hiệp Thiên Đài).
Hiệp Thiên Đài là chơn thần của Đạo. ( là trung gian của Bát Quái Đài và Cửu Trùng Đài).
Hiệp Thiên Đài là tay vén màng bí mật cho sự hữu hình và vô vi hiệp làm một.
Hiệp Thiên Đài là luật lệ. ( đối với Cửu Trùng Đài là chánh trị). Hiệp Thiên Đài là cơ quan bảo thủ luật pháp chơn truyền của Đạo.
Nhân sự Hiệp Thiên Đài gồm có Hộ Pháp Chưởng Quản, Thượng Sanh (tả), Thượng Phẩm (hữu), Thập Nhị Thời Quân (dưới nửa). Mười lăm phẩm này được ban dây sắc lịnh, khi hành đạo mà có mang dây sắc lịnh vào thì được toàn quyền, không một bậc phẩm nào có quyền vi lịnh.
Về sau có thêm Thập Nhị Bảo Quân và các bậc phẩm từ Tiếp Dẫn Đạo Nhơn đến Luật Sự.
Tổ chức
Một nhân sự hành đạo chịu 2 sự sắp xếp: Theo Đài (cục bộ) và theo Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (toàn thể).
Nhân sự Hiệp Thiên Đài chia làm 3 chi: Chi Pháp, Chi Đạo và Chi Thế. Nhân sự ( Nam và Nữ ) của Hiệp Thiên Đài tùy nhu cầu và sở năng mà phân bổ vào 03 chi này.
Chi Pháp: Hộ Pháp chưởng quản Hiệp Thiên Đài kiêm Chi Pháp. Chi Pháp có 4 vị thời quân: Tiếp Pháp, Khai Pháp, Hiến Pháp, Bảo Pháp. Dây sắc lịnh thả mối ở giữa.
Chi Đạo: Thượng Phẩm coi Chi Đạo. Chi Đạo có 4 vị thời quân: Tiếp Đạo, Khai Đạo, Hiến Đạo, Bảo Đạo. Dây sắc lịnh thả mối ở bên phải.
Chi Thế: Thượng Sanh coi chi thế. Chi Thế có 04 vị thời quân: Tiếp Thế, Khai Thế, Hiến Thế, Bảo Thế. Dây sắc lịnh thả mối ở bên trái.
Cửu Trùng Đài
Cửu Trùng Đài là phần xác của Đạo, có 2 phần: vô vi (do thiêng liêng nắm) và hữu hình ( do tín đồ công cử hoặc Đức Chí Tôn ban thưởng). Về phần hữu hình, Cửu Trùng Đài có 2 nhiệm vụ hành pháp và lập pháp, là chánh trị của Đạo ( giáo hóa).
Nhân sự Cửu Trùng Đài phân theo Nam và Nữ (theo giới tính).
Cửu Trùng Đài Nam Phái
Nam Phái chia làm 3 phái: Phái Thái (màu vàng), Phái Thượng (màu xanh da trời), Phái Ngọc (màu đỏ).
Các bậc phẩm bao gồm: Lễ Sanh, Giáo Hữu, Giáo Sư, Phối Sư, Đầu Sư, Chưởng Pháp, Giáo Tông với số lượng như sau:
Lễ Sanh: Không định số.
Giáo Hữu: 3.000 vị. ( Mổi phái một ngàn).
Giáo Sư: 72 vị ( Mổi phái 24 vị).
Phối Sư: 36 vị (Có 03 vị Chánh Phối Sư. Mổi phái 12 vị).
Đầu Sư: 3 vị ( Mổi phái một vị).
Chưởng Pháp: 3 vị (Mổi phái một vị).
Giáo Tông: 1 vị ( là anh cả của toàn thể tín đồ).
Cửu Trùng Đài Nữ phái
Nữ phái không chia phái và có Đạo phục màu trắng. Quyền hành chức sắc Cửu Trùng Đài Nữ Phái y như Nam Phái song chỉ trông coi phái Nữ mà thôi. Các bậc phẩm của Nữ phái bao gồm: Lễ Sanh, Giáo Hữu, Giáo Sư, Phối Sư, Đầu Sư (không có phẩm Chưởng Pháp và Giáo Tông), số lượng như sau:
Đầu Sư phái Nữ: 1 vị.
Chánh Phối Sư phái Nữ: 1 vị.
Các bậc phẩm từ Phối Sư xuống đến Lễ Sanh: Không giới hạn.
Đầu Sư nữ phái phải tùng quyền Chưởng Pháp cùng Giáo Tông.
Cửu Viện
Cửu Trùng Đài có 9 viện nghiên cứu là: Học Viện, Y Viện, Nông Viện, Hộ Viện, Lương Viện, Công Viện, Hòa Viện, Lại Viện, Lễ Viện.
Phái Thái chịu trách nhiệm Hộ Viện, Lương Viện, Công Viện;
Phái Thượng chịu trách nhiệm Học Viện, Y Viện, Nông Viện;
Phái Ngọc chịu trách nhiệm Hòa Viện, Lại Viện, Lễ Viện.
Công cử nhân sự Cửu Trùng Đài: Chức Sắc Cửu Trùng Đài bắt đầu từ phẩm Lễ Sanh (lựa chọn trong hàng tín đồ những người có Đạo Hạnh tốt). Chức Sắc Cửu Trùng Đài mổi khi cầu phong hay cầu thăng đều phải qua 3 giai đoạn.
Quyền Vạn Linh chấp nhận. ( Từ Chưởng Pháp xuống đến Hội Nhơn Sanh).
Quyền Chí Tôn tại thế (Giáo Tông và Hộ Pháp) chấp nhận.
Cơ bút nhìn nhận tại Cung Đạo.
Về sau Hội Thánh Cao Đài có mở thêm một số cửa khác như: Nhân sự từ Đầu Phòng Văn, Lễ Sĩ, Giáo Nhi…là những người phục vụ theo chuyên môn và đủ thời gian qui định thì được cầu phong vào Lễ Sanh. Đặc biệt là Hiền Tài, Ban Thế Đạo nếu có công nghiệp hành Đạo được cầu thăng qua Giáo Hữu).
Tổ Chức Hội Thánh
Gồm 4 Hội Thánh hữu hình:
Hội Thánh Hiệp Thiên Đài: Các phẩm chức sắc Hiệp Thiên Đài từ phẩm Truyền Trạng trở lên.
Hội Thánh Cửu Trùng Đài: Các phẩm chức sắc Cửu Trùng Đài từ bậc Giáo Hữu trở lên.
Hội Thánh Phước Thiện: Các phẩm chức sắc cơ quan Phước Thiện từ bậc Chí Thiện trở lên
Hội Thánh Hàm Phong: Các vị chức sắc thuộc các Hội Thánh nêu trên, khi đến tuổi 60 về hưu thì sẽ được đưa vào Hội Thánh Hàm Phong. Dù không trực tiếp tham gia hành chánh Đạo, nhưng nếu có thể đóng góp trong quá trình an dưỡng và có công trạng đặc biệt vẫn sẽ được xét để thăng phẩm vị.
Nhân Sự
Hội Thánh Anh
Nhân sự Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài hợp lại thành Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay Hội Thánh Cao Đài.
Về hành chánh Hội Thánh Cao Đài gồm các bậc phẩm từ Giáo Hữu ( của Cửu Trùng Đài) đổ lên. ( Các bậc phẩm ở Hiệp Thiên Đài “hay các cơ quan khác” thì đối phẩm tương đương với phẩm Giáo Hữu). Từ Phối Sư trở lên hành đạo ở tại Tòa Thánh. Từ Lễ Sanh đến Giáo Sư hành đạo ở địa phương. ( Tộc, Châu, Trấn). Hội Thánh ở trung ương được gọi là Hội Thánh Anh.
Hội Thánh Em
Bàn Trị Sự tại Hương Đạo được gọi là Hội Thánh Em, gồm 3 vị: Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, và Thông Sự. Đạo Luật qui định: Dù là một phẩm nhỏ nhất ( Phó Trị Sự hoặc Thông Sự) nơi ấp Đạo cũng phải trường trai và phải từ bỏ quyền Đời đặng để trọn tâm lo tròn trách nhậm Đạo.
Các cơ quan trong hành chánh Đạo
Đạo Luật Mậu Dần (1938) bố trí 4 cơ quan trong hành chánh đạo (4 cơ quan trong chánh trị đạo).
Hành Chánh: là cơ quan để thi hành các luật lịnh của Hội Thánh hoặc của chúng sanh dâng lên mà đã có Quyền Chí Tôn phê chuẩn, nghĩa là buộc chúng sanh phải tuân y Luật Pháp mà đi trên con đường Đạo Đức cho đặng thong dong, hòa bình, trật tự, hạnh phúc, an nhàn, tức là thật hành cả khuôn viên luật pháp cho ra thiệt tướng. Thống quản cả các hoạt động của nền chánh trị đạo. (Chương hành chánh có 17 điều).
Phước thiện : là cơ quan bảo tồn sanh chúng trên đường sanh hoạt nuôi sống thi hài, tức là cơ quan giải khổ cho chúng sanh, tầm phương bảo bọc những kẻ tật nguyền, cô độc, dốt nát, ít oi, hoặc giúp tay cho bên hành chánh thi hành Luật Pháp cho đặng dễ dàng trọn vẹn. ( Phước Thiện lấy điều 10 và 11 của Hành Chánh tạo thành).
Phổ tế: là cơ quan để cứu vớt hoặc độ rỗi những người lạc bước thối tâm, cùng an ủi khuyên lơn những kẻ đã bị luật pháp buộc ràng mà phế vong phận sự, hay là độ rỗi những kẻ hữu tâm tầm Đạo. (thuộc điều 14 của chương Hành Chánh).
Tòa Đạo: là cơ quan bảo thủ Chơn Truyền, gìn giữ Luật Pháp, chăm nom chư Chức Sắc, Chức Việc và Đạo Hữu thi hành phận sự, chở che những kẻ yếu tha, bênh vực những người cô thế, hoặc tiếp cả sự uất ức bất công của toàn sanh chúng, tức là giữ nét công bình trên mặt Đạo; lại cũng là một cơ quan giúp cho Hành Chánh, Phước Thiện và Phổ Tế thêm oai quyền mạnh mẻ, tôn nghiêm đặc sắc.
(thuộc điều 15 của chương Hành Chánh). Tùy theo phân cấp hành chánh mà bố trí nhân sự và tổ chức các cơ quan.
Phân cấp hành chánh
Đạo Cao Đài có trung ương và địa phương: Cấp trung ương đặt tại Tòa Thánh Tây Ninh.
Hội Thánh Cao Đài có các cơ quan như: Cửu Viện, Phước Thiện, Phổ Tế, Bộ Pháp Chánh, Hàn Lâm Viện, Ban Thế Đạo, Đại Đạo Thanh Niên Hội….
Tổ chức Hành Chánh Đạo tại Châu Thành Thánh Địa (trung ương) với 1 vị Giáo Sư là Khâm Thành.
Trong Châu Thành Thánh Địa có các Phận Đạo. Đầu Phận Đạo là vị Lễ Sanh. Phận Đạo có nhiều Hương Đạo.
Ở cấp địa phương:
Trấn Đạo: gồm nhiều Châu Đạo. ( Giáo Sư phụ trách Khâm Trấn).
Châu Đạo: Gồm nhiều Tộc Đạo. ( Giáo Hữu phụ trách Khâm Châu).
Tộc Đạo: Gồm nhiều Hương Đạo ( Lễ Sanh phụ trách Đầu Tộc Đạo).
Hương Đạo: Gồm nhiều ấp Đạo ( Chánh Trị Sự phụ trách Đầu Hương Đạo.
Ấp Đạo có Phó Trị Sự và Thông Sự đứng đầu.
Những tính chất khác
Khi xưng hô với nhau, tín đồ Cao Đài sử dụng các từ “huynh’, “đệ”, “tỷ”, “muội” (tức là anh chị em một nhà), tuỳ theo Thiên chức (giáo phẩm), tuổi tác, giới tính. Khi kính cẩn, họ còn thêm “Hiền” phía trước những đại từ nhân xưng trên (“hiền huynh”, “hiền tỷ”…).
Một cơ sở tôn giáo Cao Đài được gọi là “Thánh Thất” hoặc “Thánh Tịnh”. Mỗi cơ sở đều có chương trình truyền bá giáo lý.
Một tín đồ Cao Đài nếu thường tham gia các hoạt động của đạo và có năng lực thích hợp sẽ được giữ chức vụ tương ứng như thủ quỹ, thư ký v.v… Nếu tình nguyện dành trọn cuộc đời cho đạo thì sẽ bước vào hàng chức việc hay chức sắc. Lúc đó sẽ được đề cử vào các phẩm vị như Phó Trị Sự, Chánh Trị Sự, Lễ Sanh v.v…Đạo Cao Đài nhấn mạnh sự bình đẳng giữa nam và nữ trong xã hội.
Tuy nhiên, trong phạm vi tôn giáo, nữ giới không được phép bước lên ngôi vị Chưởng Pháp, Giáo Tông. Toà Thánh khẳng định rằng đây là lệnh của Thượng Đế, người đã tuyên bố rằng nam tượng trưng Dương, nữ tượng trưng Âm. Nếu Âm thịnh Dương suy, nều Đạo sẽ đi vào sự hủy diệt.
Việc không cho nữ phái lên các phẩm Chưởng Pháp, Giáo Tông cũng có những lý do vì Thượng Đế yêu thương nữ phái, không muốn phận nữ nhi phải chịu nhiều đau khổ. Bởi lẽ lên phẩm vị càng cao, trách nhiệm công việc càng lớn, đó là 1 gánh nặng vô cùng mệt mỏi mà nữ phái thì làm việc theo xu hướng tình cảm cho nên nếu gánh trách nhiệm nặng nề thì lại dễ dẫn đến những việc không hay có thể xảy ra trong quá trình hành chánh Đạo. Còn nam giới, làm việc vốn xu hướng theo lý trí nên khi đối mặt những khó khăn sẽ có thể bình tâm, tỉnh trí để xử lý những việc trọng đại sao cho công tâm nhất.
Sự phân chia tổ chức giáo hội Cao Đài
Như các tôn giáo khác, Đạo Cao Đài cũng không tránh khỏi tình trạng phân chia chi phái. Một số chi phái Cao Đài đã tách ly ra khỏi Toà Thánh Tây Ninh, tính đến khoảng năm 1930 gồm có 12 chi phái lớn như: Chiếu Minh, Cao Đài Ban chỉnh Đạo (Bến Tre), Tiên Thiên (Bến Tre), Minh Chơn Đạo (Hậu Giang), Minh Chơn Lý (Tiền Giang)… Sau này có thêm nhiều chi phái nhỏ khác. Ông Ngô Văn Chiêu là đệ tử (tín đồ) đầu tiên của Đạo, đã lập ra phái Chiếu Minh khi ông ta rời bỏ cấu trúc tôn giáo nguyên thuỷ, chấp nhận từ chối ngôi vị Giáo Tông đầu tiên của đạo này mà tu theo lối hành thiền. Ông ta không liên quan đến việc thành lập tôn giáo Cao Đài chính thức vào năm 1926 cũng như không liên quan đến việc xây dựng Toà Thánh Tây Ninh.
Riêng phái Tiên Thiên do ông Nguyễn Bửu Tài lãnh đạo đã xin trở về với Hội Thánh Tây Ninh ngày 29-6-1949 và đã được Hội Thánh chấp thuận. Nhưng sau đó, khi ông trở về phái Tiên Thiên, thiết lập 1 đàn cơ thì được cơ phong cho phẩm Giáo Tông (cơ bút giả dạng của thế lực tà quái), vì thế mà phái Tiên Thiên vẫn chưa hội nhập về với gốc là Tòa Thánh Tây Ninh.
Lễ nghi và lễ phẩm
Tín đồ đạo Cao Đài hàng ngày quỳ cúng (hoặc tịnh – ngồi thiền) 4 lần vào các giờ Tý (nửa đêm), Ngọ (giữa trưa), Mẹo (từ 5 đến 7 giờ), Dậu (từ 17 đến 19 giờ).
Lễ phẩm gồm có: bông hoa (Tinh), rượu (Khí), và trà (Thần).
Các vị thánh
Cao Đài Tam Thánh. Từ trái sang phải: Tôn Dật Tiên, Victor Hugo và Nguyễn Bỉnh Khiêm
Mặc dù nhiều chi phái Cao Đài khác nhau khẳng định là họ đã nhận được thông điệp từ các “đấng thiêng liêng” nhưng con số mà Toà Thánh Tây Ninh công nhận lại ít hơn đáng kể.
06-20-2008 11:23:46
Discussion about this post