THẾ LÀ
Tiểu Lục Thần Phong
Thế là mùng hai
Hải ngoại mùa xuân chưa sang
Dư âm cố quận
Lan toả
Mang mang trong đất trời
Này em ơi!
Dường như không đợi
Mà ta gặp
Mà ta thấy
Nơi này
Cố quận vào xuân rộn ràng biết bao, thật ra thì rộn ràng những ngày trước tết chứ sau tết thì im lặng vô cùng. Cái gì cũng vậy khi lên hết đỉnh cao thì laị xuống tận cùng, cơn sóng hay biểu đồ hình sin trong toán học cũng thế. Đời cũng thế, vạn vật muôn loài cho đến xã hội loài người đều thế cả! Cái vòng luân hồi hay chu kỳ sinh trưởng ( theo cách gọi của khoa học) nó quay miên viễn. Sanh- tử, tử – sanh bất tận. Đông tàn thì xuân sang, xuân qua thì hạ tới… thế là ta đã già thêm một tuổi, thế là ta đã bước gần hơn nữa trên con đường trần!
Thế là mùng hai tết mặc dù trời phương ngoại vẫn còn đông, không hiểu sao hôm nay nhiệt độ lên cao, nắng vàng đẹp thế! từng đàn ngỗng trời bay về kêu rộn rã trên không trung. Có lẽ âm hưởng mùa xuân cố quận lan toả trong đất trời. Hoa thuỷ tiên đã nở vàng sân, một tháng nữa xuân sang. Em ở đâu? có hay chăng mùa xuân đã sẵn sàng! Đất trời mang mang hay lòng người mang mang? Em ở đâu, không về xúng xính trong áo lụa mùa xuân? Em ở đâu? mắt biếc bên đời cho người say chếch choáng! ngày xem hoa nở, đêm ngắm trăng lên. Em ở đâu? mùa xuân không chờ đợi.
Thế là ta gặp! thế là ta thấy! thế là mê! vì mê nên cho rằng mình thấy, nhưng không thấy cũng là mê. Cái mê không thấy và cái mê thấy ấy vậy mà khác nhau nghìn trùng. Người vốn thiên hình vạn trạng, nhân tâm bất đồng nên cái thấy cũng chẳng giống nhau! Cái thấy của người này thì kẻ khác cho là mê nhưng cái không thấy của kẻ khác người khác nữa cũng chẳng cho là tỉnh! Nếu trên đường đời xuôi ngược mà may mắn, mà hưũ duyên gặp được người có cùng tần số sóng âm giao động thì may ra cái thấy mới tương đồng! thế là thiên hạ cho là tri kỷ, tri âm. Thế là thiên hạ bảo:” đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu” ! thế nhưng ở đời này dễ mấykhi, dễ mấy ai…
Thế là mùa xuân cố quận đang qua đi, để chuẩn bị cho một mùa xuân sau sẽ đến. Hoa đào năm xưa của Thôi Hộ ( Đời Đường) có khác gì hoa đào trong Hoàng Hoa trang của gã du tử chăng? cái này gã không biết, thiên hạ biết không thì gã cũng không biết. Hoa mai của thiên hạ và hoa mai của Mãn Giác thiền sư thì nhất định khác rồi! Hoa mai của ngài vĩnh viễn, không đợi xuân sang để nở mà cũng chẳng tàn khi xuân đi. Hoa mai của ngài thì bất tận chứ chẳng ở trên cành mai!
Thế là một ngày ta chợt thấy mình già hơn một ngày, một giây già hơn một giây. Già nửa cuộc chơi mà vẫn ngẩn ngơ ngơ ngẩn giữa cuộc đời này, một ngày nào bất chợt đi theo mùa xuân vĩnh viễn thì cũng chẳng có gì lạ hay buồn. Chỉ mong có ai đọc cho gã du tử vài vần thơ mà gã ta từng tâm đắc trong đời! mắt biếc nào trong đời ngồi ngắm trời mây bay.
Thế là nơi này, nơi này là nơi nào? ở đâu? bao giờ? có thật chăng?
Thế là gã đã gặp, gặp ai? tự bao giờ? gặp thế nào?
Quả thật là:
Thập phương hư không bất ly đương xứ
Cổ kim tam thế bất ly đương niệm
Người muôn năm cũ, người ngàn năm sau cũng “gặp” nhau nơi này, taị đây, ngay phút giây này!
Người mắt biếc, người vóc hạc, người thanh vận… như hoa đào Thôi Hộ, hoa đào Hoàng Hoa trang… Gặp nhau nhưng chẳng đắc được bao giờ, vĩnh viễn không bao giờ! nếu một mai đắc được thì làm sao có được nhữngvần thơ ( đào hoa y cựu) thao thức cả ngàn năm nay! làm sao có được. “Em ở đâu chẳng về đây đếm lá” ( thơ TLTP). Người mắt biếc trong thơ thiền sư Tuệ Sĩ mới tài tình làm sao! thiền sư vẽ nên người mắt biếc làm cho tao nhân mặc khách trên cõi đời này phải nghiêng mình bái phục! không thể nào đẹp hơn, không thể nào hay hơn nữa! ngôn ngữ liêu trai thần thánh của ngài góp cho đời một người mắt biếc đẹp, liêu trai đến ngẩn ngơ đời. Người mắt biếc vô tiền khoáng hậu này làm cho gã ngỡ mình “gặp” tại đây, ở nơi này nhưng bóng trăng dưới đáy nước làm sao vớt được? thế là mê, thế là mơ, thế là ngẩn ngơ du tử!
Ất Lăng thành, 1/2020
Discussion about this post