QUÁN TÂM TRONG TỨ NIỆM XỨ
TKN Pháp Hỷ Dhammananda
Chào tất cả các học viên. Phần lớn chúng ta ở Hà Nội đúng không? Thời tiết đã vào cuối thu có dễ chịu hơn không? “Lạnh sư cô ạ”. Bên này cũng lạnh, mưa hơi nhiều và mưa rất lớn. Môi trường bên ngoài thay đổi cũng dẫn đến môi trường bên trong của mình thay đổi. Bên ngoài là môi trường tự nhiên và bên trong là môi trường sinh học. Chưa nói đến môi trường kinh tế, xã hội, chính trị,… Cơ thể của chúng ta bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố.
Trước đây sư cô từng nói cơ thể bị ảnh hưởng bởi bốn yếu tố: Nghiệp, thời tiết, tâm, thức ăn. Cơ thể chúng ta đầu tiên được sanh ra bởi nghiệp. Có ai chọn được khi sinh ra mình là con trai, con gái hay phi giới tính? Không, mình không chọn được điều này và mình như thế nào là do nghiệp quyết định. Trong tiếng Việt hay được nói nôm na là số phận quyết định. Trên thực tế thì đó là do nghiệp quyết định. Mình không chọn được giới tính của mình. Mình có chọn được dân tộc của mình không? Mình có chọn được chiều cao của mình? Không, mình không thể thay đổi màu da, màu tóc của mình. Mình chỉ có thể thay đổi một chút, làm cho sáng hơn hay mượt mà hơn thôi. Trên thực tế mình thay đổi được rất ít. Hầu hết mình không thay đổi được gì cả và điều này là do nghiệp quyết định. Mình khỏe mạnh hay đau ốm phần lớn cũng do nghiệp quyết định luôn. Thức ăn cũng có quyết định, tâm hay thời tiết cũng có ảnh hưởng. Nhưng những thứ đó phần nhiều vẫn do nghiệp quyết định.
Trong chùa này có 9 người tu tập. Mỗi khi thay đổi thời tiết, sư cô là người cảm nhận nó đầu tiên. Mình sẽ cảm thấy dễ bệnh, đau đầu tiên. Đó là do nghiệp quá khứ mình không tốt nên cơ thể mình rất yếu đuối, nhạy cảm với môi trường. Có những người trong môi trường khắc nghiệt vẫn tồn tại được. Có những người môi trường khắc nghiệt chút là không tồn tại được. Đó mới chỉ là môi trường tự nhiên thôi, chưa kể đến rất nhiều những ảnh hưởng khác nữa: môi trường xã hội, kinh tế, giáo dục,… Rất nhiều thứ tác động lên cuộc đời của chúng ta.
Một trong những thứ tác động lên sức khỏe cũng như cuộc đời của chúng ta, thứ đó chính là thứ tạo nghiệp. Chúng ta nói: nghiệp tạo nên cơ thể này, cái gì tạo ra nghiệp? Hôm nay chúng ta sẽ học về cái gì tạo ra nghiệp. Đề tài của chúng ta hôm nay sẽ là Niệm Tâm trong Tứ Niệm Xứ.
Như đã học qua, chúng ta biết Tứ Niệm Xứ có Niệm Thân. Đầu tiên là niệm hơi thở; rồi tỉnh giác để biết rõ các tư thế mình đang sử dụng thân thể. Tiếp đến là nhớ rằng mình có thân gồm 32 món hợp thành: Tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, dương, tủy, thận, lòng, lá lách, mồ hôi, gan, mỡ, máu, vv Thân có thể được xếp thành mục là tứ đại: đất, nước, gió, lửa. Thân cũng có thể được quán là gồm 9 giai đoạn của tử thi tan rã. Thì đó gọi là quán thân.
Tiếp đến là quán Thọ. Có 3 loại cảm thọ chính: thọ khổ, thọ lạc, thọ xả. Thọ khổ và thọ lạc có thể đi với tinh thần hoặc vật chất. Có thể sự khổ trong tinh thần, nhưng lạc trong vật chất. Có những người sống rất nghèo nhưng họ lạc và ngược lại. Có những lạc thuộc về thế gian và có những thứ lạc thuộc về tâm linh hay thuộc về người có tâm thức phát triển cao hơn. Xả cũng như vậy. Niệm thọ cực kỳ quan trọng. Vì đó là mắc xích để chúng ta hiểu được mình hơn một chút, hiểu ra được động cơ đằng sau những hành động của mình thường là bị hướng dẫn bởi các cảm thọ đó. Mình cứ nói vì cái này hay cái kia thực chất cũng là vì cảm thọ của mình. Mình nói mình yêu người này người kia vì họ có cái này cái kia trên thực tế vì người đó có những thứ họ có và cách họ và mình tương tác với nhau đem đến cho mình thọ lạc thì mình nói mình yêu người đó. Khi tương tác giữa mình và người đó mang đến cảm giác thọ khổ thì mình có còn yêu người đó không? Mình hết yêu liền, mình ghét họ. Vậy mình yêu cái gì? Mình yêu thọ lạc của mình chứ không phải người đó. Cực kỳ căn bản. Phần lớn chúng sinh là như vậy.
Có một chuyện vui ở Mỹ là đến dịp Giáng Sinh thì có một bà cụ lại gửi quà cho các cháu. Bà gửi cho mỗi cháu một tấm séc 100$ nhưng bà không ký tên phía sau. Sau đó cháu của bà đều đến cảm ơn bà và bạn bà nói bà thật may mắn vì cháu còn đến thăm bà. Bà cụ chỉ mỉm cười và bạn bà lại hỏi bí quyết làm sao để cháu đến thăm bà như vậy. Bà trả lời mỗi lần bà gửi tấm séc như vậy nhưng không ký thì nó phải đến để xin chữ ký là thăm tôi thôi. Khi đó bạn bà mới biết là những đứa cháu đến thăm không phải vì tình cảm, không phải vì thương bà mà đến gặp và nói những lời ngon ngọt chỉ để bà ký tấm séc cho nó. Đôi khi cuộc sống là như vậy.
Cho nên chúng ta không hiểu về cảm thọ thì chúng ta luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh, đổ lỗi cho người khác và nói chúng ta hạnh phúc hay khổ đau là do cái này hay cái kia. Chúng ta không nhìn vào bên trong, cách mình phản ứng lại với cảm thọ của mình. Thực ra mình chỉ dính mắc ở mức độ nào của cảm thọ của mình. Dính mắc càng nặng thì mình đau khổ, giằng xé càng nhiều. Mình dính mắc ít thì những đau khổ đó cũng giảm đi. Đó là vì sao người có tu họ vẫn có bệnh, có già, có chết. Họ vẫn gặp những chuyện đó. Họ gặp thất bại chứ không phải hoàn toàn thành công. Họ gặp thất bại nhiều nữa là khác. Nhưng họ không vì những chuyện đó mà đau khổ nữa. Bớt lăn tăn, bớt khổ sở, bớt fighting. Bớt thù ghét mình hay người, bớt oán hận mình hay người. Bớt oán hận hoàn cảnh vì những gì xảy ra trong cuộc đời mình. Họ chấp nhận những gì xảy ra trong cuộc đời mình với một tâm bình thản hơn. Và khi họ có tâm bình thản như vậy thì họ có nhiều cơ hội hơn để bước ra khỏi những gì đang bị vướng vào đó. Và khi bước ra rồi thì họ không bước vào một mớ bòng bong khác. Họ không bước từ mớ bòng bong này ra mớ bòng bong khác. Đó là cái hay của họ.
Quay lại với đề tài chính của buổi học hôm nay của chúng ta là niệm tâm, sư cô sẽ đọc kinh văn cho quý vị nghe. Trong Kinh Tứ Niệm Xứ này nói đến 16 trạng thái tâm khác nhau mà người Niệm Tâm nên biết như sau:
“Này các tỳ kheo, thế nào là tỳ kheo sống quán tâm trên tâm. Này các tỳ kheo ở đây với
-
tâm có tham biết rõ tâm có tham, hay với
-
tâm không tham, biết rõ tâm không tham.
-
Tâm có sân biết rõ tâm có sân.
-
Tâm không sân biết rõ tâm không sân.
-
Tâm có si biết rõ tâm có si.
-
Tâm không si biết rõ tâm không si.
-
Tâm thâu nhiếp biết rõ tâm được thâu nhiếp.
-
Tâm không thâu nhiếp biết rõ không thâu nhiếp.
-
Tâm tán loạn biết rõ tâm bị tán loạn.
-
Tâm quảng đại biết tâm quảng đại.
-
Tâm không quản đại biết tâm không quảng đại.
-
Tâm có hữu hạn biết tâm có hữu hạn.
-
Tâm vô thường biết tâm vô thường.
-
Tâm có định biết tâm có định. Tâm không định biết tâm không định.
-
Tâm giải thoát biết rõ tâm có giải thoát.
-
Tâm không giải thoát biết rõ tâm không giải thoát.
Như vậy vị ấy sống quán tâm trên nội tâm, quán tâm trên ngoại tâm hay sống quán tánh sanh khởi trên tâm. Sống quán tánh diệt tận trên tâm. Sống quán tánh sanh diệt trên tâm. Có tâm đây vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các tỳ kheo, vậy các vị tỳ kheo sống quán tâm trên tâm.”
Vậy trong bài kinh này nói đến 16 loại tâm. Tâm có tham, tâm không tham, tâm có sân, tâm không sân, tâm có si, tâm không si, tâm thâu nhiếp, tâm không thâu nhiếp, tâm tán loạn, tâm quảng đại, tâm không quảng đại, tâm hữu hạn, tâm vô thường, tâm có định, tâm không có định, tâm giải thoát, và tâm không giải thoát. Như vậy rong phần niệm tâm này, có 16 tâm được nhắc đến. Khi chúng ta nhìn vào tâm của mình, quan sát tâm của mình. Mình tham thì biết tham. Chẳng hạn, khi nhìn thấy thanh socola hay một món ăn mình yêu thích, dễ có tham không? Con gái nhìn thấy cái đầm/ váy đẹp. Có gì sanh ra liền. Tham liền. Thấy bất cứ cái gì đẹp, thậm chí là một bông hoa đẹp, nhìn thấy là mình tham liền. Nhìn bờ tường đẹp, món ăn ngon mình tham ngay lập tức. Đó là có tham. Nhìn thấy chàng trai hay cô gái đẹp mình cũng thích phải không? Đó là tham. Nằm trên giường êm ấm có tham không? Ở trong căn nhà đẹp cũng sẽ có tham.
Khi có tham, chỉ cần biết là tâm có tham. Mình không cần phải chỉ trích gì hết. Khi mình tự chỉ trích tại sao tôi lại có tham như thế này thì đã có sân rồi. Như vậy là đổi tham lấy sân. Như vậy có đáng để mình đổi chác không? Không đáng chút nào. Người có tu sẽ không đổi tham lấy sân. Không đổi cái này lấy cái kia. Mà có cái gì thì biết cái đó. Cái đó là thực tế. Họ không mơ mộng. Người biết tu tâm là người không mơ mộng. Họ biết thực tế cái gì đang hiện diện là cái đó đang hiện diện.
Và thực tế đó đôi khi nó lạnh lùng đến mức người có tu rồi đôi khi bị hỏi vì sao họ lại lạnh lùng như vậy. Đó thực ra không phải họ lạnh lùng đâu. Họ có vẻ như lạnh lùng, có vẻ như xa cách nhưng đây mới là đất để trí tuệ sanh khởi. Vì nếu không có một cái nhìn trung dung, cái nhìn bình thản như thế với mọi hiện tượng đang sanh khởi thì chúng ta không có trí tuệ được. Chúng ta bị cuốn vào đó thì không thể có trí tuệ được. chúng ta phản ứng với nó thì chúng ta không có trí tuệ được. Có tham thì biết là có tham. Không tham thì biết là không tham. Đừng tự lừa dối mình khi đang có lại nói không, không lại nói có. Như vậy là không có tuệ tri, không có hiểu rõ. Đang có sự lừa dối chính mình. Người ta rất dễ bị lừa dối chính mình và tìm cách lừa dối người khác.
Có tham thì biết mình có tham, có sân thì biết mình có sân. Chỉ đơn giản như vậy thôi. Một con người mạnh mẽ là con người biết sống thật với cảm xúc của mình, biết sống thật với những cái mà mình đang có. I am who I am. Tôi chính là tôi. Tôi chính là những gì đang là. Phải khẳng định điều đó, chân thật với điều đó thì đó là một con người rất mạnh mẽ. Rất mạnh mẽ và nghiêm túc. Mạnh mẽ và nghiêm túc chính là chìa khóa của thành công đấy. Chứ không phải là ganh đua đâu.
Phải mạnh mẽ và nghiêm túc bắt đầu từ cái quán tâm này, đi qua quán thân và quán thọ rồi. Đến đây mình đã có cái căn bản để mạnh mẽ và nghiêm túc rồi. Nhìn nhận những gì đang xảy ra, đang hiện khởi mà không trốn tránh, thay thế nữa thì đây là một con người rất mạnh. Cực kỳ mạnh khi không cần thay thế nó, thấy nó như nó đang là. Có tham biết có tham, có sân biết có sân.
Trong chùa khi có trai tăng thì cũng dễ có tâm tham sinh khởi. Họ dọn ra rất nhiều món rồi và cuối buổi có thêm trái cây, bánh ngọt. Có “đường tăng” đã được bác sĩ dặn là không được ăn bánh ngọt. Mà mấy miếng bánh ngọt của họ quá hấp dẫn. Trên dĩa “đường tăng” có ba miếng và sư đã quyết định chỉ ăn nửa miếng thôi. Nhưng cuối cùng sư đã ăn hết 1 miếng chứ không phải chỉ là nửa miếng. Và cái pháp sau đó là sau 2, 3 lần như vậy thì sư bị đau bụng mãnh liệt. Đó là thứ đã dạy cho mình rằng đôi khi mình không quản được cái tâm tham của mình. Đường ruột của mình, cơ thể của mình sẽ dạy cho mình.
Có một thiện nam cũng vậy. Anh uống rất nhiều rượu. Anh có đặc điểm là uống rượu không say. Người ta say hết cả rồi nhưng anh không say, anh càng uống thì càng tỉnh. Anh cho đó là thế mạnh của anh. Anh không biết rằng đến một ngày nó sẽ sinh ra đủ thứ bệnh. Bệnh đầu tiên xuất hiện chính là bệnh quên lãng sau đó là bệnh trĩ. Bệnh quên lãng thì anh thoải mái với chuyện đó. Anh quên bớt đi thì càng tốt. Nhưng đến bệnh trĩ thì anh đau đớn kinh khủng. Lúc trước thì vợ, em gái, con cái ai cũng khuyên và năn nỉ anh để anh bỏ rượu nhưng không ai khuyên được. Cuối cùng chỉ có cái gì mới khuyên được anh? Chỉ cơ thể của anh mới dạy anh được thôi. Cơ thể đau đớn quá thì phải từ bỏ thôi. Có những cái mình tham kinh khủng, không ai làm mình từ bỏ nó được hết. Nhưng đến khi nó khiến cho mình đau đến mức chịu không nổi nữa thì mình phải từ bỏ thôi. Không ai dạy mình tốt bằng cơ thể của mình hết. Cơ thể do nghiệp sanh là như vậy.
Vậy nghiệp do cái gì sanh? Nghiệp do tâm sanh. Nếu tâm không có tham thì có tạo ra những cái nghiệp như vậy không? Tất nhiên khi không có tham, sân, si thì không thể tạo ra những nghiệp như vậy. Tâm có tham thì sẽ tạo ra những nghiệp của nó, có sân cũng tạo ra những nghiệp của nó. Tâm có tham biết tâm có tham. Tâm không tham biết tâm không tham. Đừng tự lừa dối chính mình. Hãy nhìn rõ vào và gọi đúng tên của nó. Không cần mắc cỡ gì cả. Có tu rồi thì mình không mắc cỡ những chuyện vô duyên nữa. Có như vậy thì mình công nhận như vậy thôi. Mình thấy nó thô quá thì mình tế dần dần thôi. Sau đó, có khi mình không cần làm gì cả, giống như nắm phải lửa, tự dưng mình phải buông. Tự mình biết, đã trải nghiệm được kết quả của nó rồi. Tâm như vậy thì tạo ra nghiệp như vậy. Nghiệp như vậy thì tạo ra hậu quả như vậy. Khi hậu quả không hài lòng đến, mình chắc chắn phải buông thôi. Không ai dạy nổi mình hết. Chỉ khi mình đã thấy cái tiến trình này rồi thì mình mới buông được. Mình tự điều chỉnh.
Sự tự điều chỉnh này bắt đầu từ nhận thức. Nhận thức này bắt đầu từ nhận thức tiến trình tạo nghiệp. Tiến trình tạo nghiệp này được xảy ra trong tâm. Tâm có tham sẽ tạo ra những loại nghiệp thuộc về tham. Tâm không tham sẽ tạo ra những loại nghiệp thuộc về không tham. Tâm có sân sẽ tạo ra những loại nghiệp thuộc về sân. Tâm không sân sẽ tạo ra những loại nghiệp thuộc về không sân. Tâm sân thì tạo ra nghiệp gì? Quay lại trong tâm của mình thì thấy tim mình đập nhanh hơn không? Máu chảy dồn dập hơn không. Hơi thở nhanh gấp hơn không. Nóng hơn không? Đó là nghiệp đầu tiên mà nó tạo ra. Khi không kiềm chế được, ta sẽ văng ra những lời thiếu tử tế, độc ác khiến người khác đau lòng. Thì đó là nghiệp gì? Nghiệp khẩu. Khi mình tạo ra nghiệp khẩu, đã nói ra những lời độc ác như vậy thì họ có để yên cho mình không? Hay khi đau đớn thì họ cũng văng lại những lời khiến mình đau đớn. Vậy nghiệp tạo ra ở đây là nghiệp thân và nghiệp khẩu. Và khi cả hai bên làm nhau đau đớn như vậy, nghiệp ấy sẽ khiến mình càng ngày càng sân hơn. Lửa đó đang được đổ dầu vào và nó sẽ thiêu rụi hết mọi thứ. Sân là một ngọn lửa. Khi đang sinh khởi, nếu mình quán thân, quán thọ, mình sẽ thấy được ngọn lửa đó đang đốt như thế nào. Nó đốt và làm thay đổi cơ thể mình ngay lập tức. Nó thay đổi tâm tánh và môi trường sống của mình ngay lập tức. Thiên đường hay địa ngục, mình sẽ tạo ra nó ngay lập tức. Đó chính là tâm tạo nghiệp.
Vậy mình đang quán tiến trình tạo nghiệp này. Thật ra nó cực kỳ thú vị. Nó không có gì buồn tẻ hết. Nó là những cuốn phim ngắn cho đến những trường tiểu thuyết, phim dài tập liên tục được chiếu nhưng mình không xem. Mình cứ xem những phim bên ngoài, thứ mà họ tạo ra nhưng lại không thích xem những phim do mình tạo ra. Tâm này tạo ra nhiều cuốn phim lắm. Một người thiện xảo thì sẽ tạo ra một cuốn phim mạch lạc hơn, có nội dung hơn, ý nghĩa hơn. Không thiện xảo thì cuốn phim đó rất lộn xộn, không mạch lạc. Chỉ là những hình ảnh rời rạc, không kết dính với nhau. Và những người như vậy thì không bao giờ có thành công được trong cuộc sống. Họ không tạo ra được gì cả, không làm được gì đến nơi đến chốn. Vì họ không có được sự tập trung khi không tu thiền. Cái này một chút, cái kia một chút, gộp lại thành một đám bám víu lẫn nhau nhưng không có gì đến nơi đến chốn cả.
Bây giờ chúng ta phải biết có tham thì biết tâm có tham, tâm có sân thì biết tâm có sân. Khi sân nguội đi thì ta cũng phải biết sân nguội đi rồi. Vậy làm gì để sân nguội đi? Có cần phải nổi nóng “tại sao tôi lại sân như thế này?”. Như vậy thì chúng ta đã chệch hướng rồi. Sân thì biết mình có sân, không cần phải chỉ trích mình tại sao sân. Mình sân là vì nghiệp trước đó khiến cho mình dễ nổi sân. Mình sống trong môi trường sân lâu rồi thì rất dễ nổi sân thôi. Khi có sân như vậy không cần phải chỉ trích mà chỉ cần biết nó. Và nhìn ngắm nó mà thôi. Cái sân đôi khi cũng có mắc cỡ chứ không phải không. Khi mình nhìn nó thì nó sẽ tự biến mất chứ không ở đó mãi. Có khi nó xù lông ra một chút. Thì mình chỉ cần nhìn vào và thấy nó xù lông lên cũng mắc cười như con sâu róm vậy. Khi thấy mình giống con sâu róm thì không đáng yêu chút nào mà chỉ đáng thương. Có một sư nói một câu rất hay rằng trên thế gian này có hai hạng người thôi. Một hạng đáng yêu và một hạng đáng thương.
Rồi khi tâm không sân thì biết tâm không sân. Tâm không sân thì nó mát mẻ, nguội lạnh, dễ chịu hơn. Khi tâm có sân nó không dễ chịu một chút nào hết. Tâm có sân thường đi với thọ khổ còn tâm có tham thường đi với thọ lạc. Nó nguy hiểm là như vậy. Nó là thọ lạc nên mình cứ thích thú chìm đắm trong nó, ít khi mình đi ra được. Thọ lạc này đôi khi chỉ là nhận thức đảo ngược. Người uống rượu họ thấy thọ lạc. Có lần sư cô cố gắng hiểu vì sao đàn ông lại uống rượu và đã uống thử xem. Sư cô chỉ thấy rất đắng trong miệng mình. Nó vừa cay vừa đắng, sư cô không thể hiểu tại sao họ lại thích uống nó được. Rồi sư cô thấy anh trai mình hay uống cà phê, tự hỏi là cà phê có gì mà họ lại nhâm nhi và khoái trá như vậy. Sư cô uống thử và cũng thấy đắng nghét, không có gì thích. Sư cô không thể có thọ lạc trong đó. Bây giờ uống cà phê thì cũng đã có thọ lạc rồi.
Đó là do sự huân tập, mình quen với như vậy là mình thích như vậy. Mình thấy như vậy là ổn, là tốt thì mình coi đó là thọ lạc. Trên thực tế thọ lạc không có cơ sở gì hết. Là do thói quen của cơ thể mình như vậy. Có người bị đánh thì mới thích, bị chửi thì mới thích. Họ thấy rất thú vị. Cho nên thọ lạc, thọ khổ không có căn bản gì cả mà mình lại dùng nó làm căn bản. Thì đó là cái vô minh, sai lầm lớn nhất của chúng sanh. Và từ những cái sai lầm căn bản như vậy để tạo nghiệp thì chắc chắn mình đi dài dài trong luân hồi đau khổ. Khó mà ra được.
Đến phần quán tâm này, mình chỉ cần có cái gì mình biết cái đó và mình chỉ dừng lại ở cái biết đó thôi. Không đi xa hơn cái biết đó. Không cố gắng làm gì hết. Chỉ biết mà thôi. Tâm không sân biết tâm không sân. Tâm có si biết tâm có si. Chuyện này là khó nhất. Vì si thường là chả biết gì hết. Nó xảy ra với một đống hậu quả rồi thì mình mới biết nó. Chỉ người có tu rồi thì mới biết tâm có si hay không có si. Còn người không tu thì không thể nào biết được. Họ ở trong si suốt đời nhưng không biết là có si. Đây là vấn đề nan giải nhất của nhân loại, của thế gian này.
Vì sao thế gian này là biển khổ? Vì chúng sanh cứ đắm chìm trong cái si này mà không biết rằng mình có si. Ai nói họ ngu là họ nổi điên lên, họ lại càng tạo ra nhiều ác nghiệp hơn nữa. Họ làm cho thế giới của chính họ và thế giới chung nhiễu loạn và đau khổ hơn nữa. Họ không chấp nhận họ ngu. Họ không chấp nhận họ đang có si. Người có tu rồi mới thấy được cái này. Tâm si là tâm không biết những gì như nó đang là. Chẳng hạn khi có thọ thì họ không biết là đang có thọ. Họ không biết gì về những thọ khổ thọ lạc đó. Thực ra họ không có căn bản gì hết. Họ chỉ tập trung vào quá khứ và thấy đó là khổ, đó là lạc, đó là thích hay không thích mà thôi. Họ không biết căn bản của nó.
Tâm si là tâm không biết sự thật như nó đang là mà đắm chìm vào sự thật mà nó tưởng tượng ra. Si cũng là ngu. Ngu là dạng thô thiển nhất của si. Nhưng tâm si này thì vi tế hơn. Có khi họ rất thông minh nhưng họ vẫn si. Cái thông minh được phục vụ cho bản ngã thì đó là si. Cái thông minh đó mà phục vụ cho sự duy ý chí của họ hay của dân tộc họ thì đó là si. Một người có bằng đại học, là tiến sĩ hay giải nobel thì vẫn si như thường. Và trong đạo Phật thì giải thích si là không thấy tứ thành đế, không thấy khổ, tập, diệt, đạo. Không thấy khổ, nguyên nhân của khổ, không thấy sự khổ có thể được chấm dứt, không thấy con đường chấm dứt đau khổ. Như vậy được định nghĩa là người si. Vậy có phải phần lớn chúng ta si không?
Tâm không si thì biết tâm không si. Khi chúng ta thấy khổ và biết nguyên nhân của khổ, khổ có thể được chấm dứt. Và khi ta thấy con đường để chấm dứt khổ thì đó gọi là tâm không có si.
Sau tâm si là tâm thâu nhiếp. Tâm thâu nhiếp thì biết tâm thâu nhiếp. Ở đây chữ thâu nhiếp nghĩa là tâm co lại. Thỉnh thoảng tâm chúng ta có bị co cụm lại không? Tâm co lại thường là do cái gì? Do sợ hãi. Do không dám lân la đến những cái mà nó chưa biết. Không dám khám phá. Nó giới hạn nó trong một mặt nào đó. Nó không dám đi xa ra khỏi những gì nằm trong phạm vi của nó. Cái gì có vẻ như thách thức cái biết, cái phạm vi của nó thì nó sợ hãi, co cụm lại. Tâm co cụm này không phải là tâm thiện đâu. Nó làm người ta co lại như con nhộng vậy. Họ nhìn vào bức tranh nhỏ mà không thấy được bức tranh lớn. Chẳng hạn khi đau, có người chỉ đau một ngón chân thôi mà họ thấy cả cuộc đời là biển khổ. Điều đó là vì tâm họ co lại trong cái ngón chân bị đau đó. Sư cô biết một người chỉ thừa một ngón chân mà thấy cả cuộc đời mình là thứ thừa thãi. Có nghĩa là mình đồng hóa với cái ngón chân thừa đó phải không? Và không biết phải làm gì với cuộc đời mình cả. Họ không thấy được cái gì ngoài ngón chân thừa đó.
Trong sách của thiền sư Achaan Brahmavamso, Cuốn mở rộng cửa tâm mình, có một câu chuyện rất hay. Khi sư vừa sang Úc, sư là sư phó của ngôi chùa đó chứ chưa phải trụ trì, sư có xây một bức tường. Trong bức tường đó có hàng trăm viên gạch xây rất ổn, rất tốt. Nhưng có hai viên gạch xây tệ mà sư không thấy được gì khác. Khi đi qua đi lại sư đều chỉ thấy hai viên gạch xây tệ đó mà thôi. Trong con người của chúng ta, trong nhân cách của chúng ta cũng vậy. Chúng ta có hàng ngàn, hàng tỉ viên gạch để xây nên con người của mình. Đôi khi chỉ có vài viên gạch xây tệ thôi mà chúng ta không nghĩ được cái gì khác nữa. Chúng ta cứ co cứng vào hai viên gạch xây tệ đó, tự ti mặc cảm và không dám vượt qua giới hạn đó. Tâm co cụm lại đó, dán chặt vào và không nhìn xa hơn được.
Tiếp theo là tâm bị giới hạn và tâm bị phân tán. Tâm phân tán thì dễ biết vì thời đại của chúng ta bây giờ dễ bị phân tán tâm lắm. Thời đại đức Phật rất ít trò chơi cho nên người ta đi nghe pháp nhiều. Người ta không có tivi, tiểu thuyết, sách báo. Còn bây giờ có quá nhiều trò chơi không ai thích nghe pháp nữa vì để tâm phân tán. Họ thích tâm bị phân tán vì tâm phân tán này làm cho họ cảm thấy không phải đối diện với sự thật. Vì đối diện với sự thật không dễ chịu lắm, họ cảm thấy không dễ chịu. Cho nên họ không thích đối diện với sự thật. Họ thích sự phân tán này. Và các hãng điện tử bây giờ nắm bắt được xu hướng đó để tạo ra rất nhiều những đồ chơi hấp dẫn khiến tâm chúng ta bị phân tán đủ nơi. Với cái tâm phân tán như thế này, người ta cảm thấy ổn. Còn khi bị nhốt lại trong nhà vì covid xuất hiện, chúng ta phải đối diện với thực tại nhiều hơn. Chúng ta ít có cơ hội phân tán hơn. Chúng ta vẫn tìm đến những trò chơi điện tử. Chúng ta không thích phải đối diện với thực tại.
Trong thời gian bị cách ly ở nhà gần hai năm qua, có ai thực sự nhìn ngắm, quan sát thân, tâm mình không, hay nhìn ngắm điện thoại, tivi nhiều hơn? Nắm bắt những thông tin trong thâm tâm mình hay nắm bắt những tin tức giật gân bên ngoài nhiều hơn. Tâm chúng ta phân tán rất nhiều. Và một người có tu tập thì khi tâm phân tán biết tâm đang phân tán. Cơn đau có thể khiến cho tâm co lại và cơn đau có thể khiến cho tâm phân tán. Tin tức cũng như vậy. Và khi tâm co lại hay phân tán như vậy, phải biết rõ tâm mình đang ở trong trạng thái như vậy. Phân tán thường là tâm bị kích thích. Co cụm cũng là bị kích thích nhưng là phản ứng ngược chiều với phân tán. Có những người đối diện với cơn đau bằng cách giám sát nó và cũng có những người đối diện với cơn đau bằng cách phân tán tâm của họ đến những đối tượng khác. Và họ tưởng như vậy là đã chạy trốn được cơn đau đó, thực tế đó.
Tiếp theo là những tâm thiền. Là tâm rộng lớn. Thường tâm có tu tập, đạt đến định rồi thì mới đi đến chỗ rộng lớn. Giống như một bầu trời không còn mây, không còn bị giới hạn bởi chân trời nữa. Tâm như vậy đắc được đến sơ thiền cho đến tứ thiền, đắc những cái định của từ, bi, hỉ, xả thì được gọi là tâm đại hành. Trong tiếng Việt là tâm rộng lớn, đã được phát triển. Tâm có tu tập thì được gọi là tâm có phát triển, tâm đã phát triển. Khi đắc thiền rồi thì mới có được tâm đại hành. Còn khi chưa đắc thiền thì chúng ta không có tâm này. Chúng ta chỉ có đoạn đầu thôi chứ không có được đoạn sau. Tu là để có được đoạn sau vì đoạn sau này hấp dẫn hơn rất nhiều. Đoạn đầu không có gì hấp dẫn vì chúng ta sống trong một thế giới rất bé nhỏ. Khi ra đến đoạn sau thì thế giới rộng hơn rất nhiều. Sự hấp dẫn này không phải là bất thiện. Tâm không đi đến đại hành, đại tâm nhưng cũng có thể thiền, thiện nhưng nó không ở trong định. Tâm không ở trong định không hẳn đã là bất thiện. Đó cũng là một loại thiện tâm nhưng không ở trong trạng thái định mà thôi.
Có một tâm mình biết nữa là tâm có cao thượng. Tâm có cao thượng thì biết là mình có tâm cao thương. Tâm như thế nào thì được gọi là cao thượng và không? Tâm không cao thượng là tâm bám chấp vào những cái gì của mình. Tâm ở trong từ, bi, hỉ, xả thì gọi là tâm cao thượng. Thường tình thương bình thường là tình thương có điều kiện. Còn tình thương trong tâm từ là tình thương vô điều kiện. Họ như thế nào thì mình thương họ như vậy. Mình không có phân biệt nữa thì đó là tâm cao thượng. Còn mình có phân biệt thì là tâm không cao thượng.
Trước đây nếu như người mình ghét thành công thì mình không vui. Còn bây giờ người chống đối mình, đối đầu với mình được hạnh phúc và thành công thì mình cũng cảm thấy vui, mình còn chúc phúc cho họ nữa thì như vậy mình đã có tâm cao thượng. Tâm không cao thượng là khi người đối đầu với mình thành công mình lại tìm cách nói xấu họ, vu họa cho họ. Mình chỉ thương những người trong đảng phái, bộ tộc hay gia đình của mình thôi. Hay trong gia đình của mình cũng phân biệt ai chiều ý mình thì mình thương còn không chiều ý mình thì mình không thương. Tâm như vậy là tâm co cụm, không cao thượng. Còn bây giờ người ta như thế nào thì mình thương họ như vậy. Mình không cần họ phải vừa ý mình mình mới thương họ, quan tâm họ thì như vậy mới gọi là tâm cao thượng. Trước đây mình bị bó buộc trong cái thích, cái ghét của mình còn bây giờ mình không bị bó buộc trong quan điểm của mình nữa. Khi như vậy tầm nhìn của mình rộng hơn, cảm nhận của mình cũng sẽ chính xác hơn. Như vậy nó sẽ tạo nhân cho tâm cao thượng sinh khởi.
Tâm cao thượng ngược lại với “mean” trong tiếng Anh hay còn gọi là đê tiện. Người ta không làm gì ác với mình cả nhưng vì chướng tai gai mắt, mình sẵn sàng hại họ, hay ghét họ. Trước đây sư cô từng gặp một người. Không làm gì cô đó nhưng cô hoàn toàn bị nằm trong cái thích và ghét của cổ mặc dù cái thích và ghét của cổ không hề có một căn cứ nào nhưng cổ tin rất chắc vào điều đó. Người nào làm cô ghét thì cô làm cho bỏ ghét luôn, cô sẽ làm mọi cách để cho người đó phải khổ. Những người như vậy là những người rất đê tiện. Còn người nào cô thương thì sẽ tìm mọi cách để cho người đó hài lòng. Cái thương ghét của cô không có căn bản gì cả nhưng ai cố giải thích cho cô điều đó thì cô lại càng nổi sân nữa và cô sẽ đổ hết tất cả những cái sân vào người mà cô ghét.
Trên thế gian này có rất nhiều người như vậy và nếu mình không may rơi vào vòng tay của họ hay tiếp xúc với họ, chắc chắn sẽ tạo ra rất nhiều sự khó chịu, đau khổ. Họ hoàn toàn chìm đắm trong cái thương, cái ghét của họ mặc dù những thứ đó không có căn bản gì. Cái si của họ dày đến mức đó. Ai cố gắng chọc một chút vào cái si của họ thôi là sẽ lãnh đủ kết quả vì họ có học. Họ có khả năng làm rất nhiều việc nên rất nguy hiểm. Với những người như vậy, họ có rất nhiều vũ khí. Họ có học, có khả năng làm nhiều việc. Họ có si kinh khủng như vậy nên hoàn toàn chìm đắm trong cái thương và ghét của họ nên đối với người họ ghét, họ rất đê tiện và với người họ thương thì họ rất cao thượng. Những người như vậy, trong thuật ngữ tâm lý học nói rằng ai không phải là bạn của họ thì lập tức sẽ trở thành kẻ thù của họ. Và một khi đã bị họ liệt vào kẻ thù thì họ sẽ chà đạp không thương tiếc. Rất nhiều người hồi giáo hay người Mỹ bị chuyện này. Đó là lý do vì sao nhiều người Mỹ và người hồi giáo không đội trời chung. Vì họ giống nhau ở những cái xấu.
Và đó là tâm cao thượng thì biết tâm cao thượng. Tâm vượt trội thì biết là tâm vượt trội.
Tâm Phật là tâm không có gì cao hơn được nữa. Thỉnh thoảng mình có tâm Phật. Phải nhận ra điều này và để nó hiện ra thường xuyên hơn. Đó là cái hay của sự tu tập. Thỉnh thoảng mình có tâm Phật thì hãy nhận biết điều đó và để tâm Phật hiện lộ nhiều hơn. Đừng để tâm đê tiện có nhiều cơ hội để hiện lộ mà hãy dành cơ hội đó cho tâm Phật. Trong tàng thức này, mình có đủ thứ trong đó. Mình đem cái nào ra sử dụng thì mình là biểu hiện của cái nghiệp đó.
Thỉnh thoảng tâm có định, mình biết tâm có định. Khi không có định mình biết tâm không có định. Chỉ cần biết như vậy là đủ rồi. Tâm giải thoát thì biết tâm giải thoát, tâm không giải thoát thì biết là không giải thoát. Và đó là 16 tâm thông dụng nhất hay biểu hiện nhất. Thỉnh thoảng chúng ta vẫn có tâm giải thoát. Từng ít một, chúng ta có sự giải thoát chứ không hoàn toàn bị đắm chìm trong sanh tử luân hồi. Phải nhận ra điều đó và để cho điều đó được kinh nghiệm thường xuyên hơn. Và nhiều sự giải thoát thì cuộc đời của chúng ta an lạc, nhẹ nhàng hơn. Ít giải thoát thì cuộc đời ta nặng nề, khổ sở hơn. Chất lượng cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào bao nhiêu tâm giải thoát mà chúng ta có, bao nhiêu tâm cao thượng mà chúng ta có, bao nhiêu tâm định tĩnh mà chúng ta có, bao nhiêu tâm Phật mà chúng ta có hay bao nhiêu tâm tham tâm sân tâm si mà chúng ta có.
Vậy chính 16 tâm này là những đầu mối của cuộc sống đã sanh nghiệp. Mà cuộc đời của chúng ta được sanh ra bị ảnh hưởng bởi nghiệp rất lớn và chính 16 tâm này sanh thêm nghiệp. Những yếu tố này tạo ra nghiệp thường xuyên trong tâm mà chúng ta không hề nhận biết cái lò tạo ra nghiệp nằm ở đâu. Chúng ta hay nói mình bị cái nghiệp như thế này, thế kia mà không biết trong cái lò bát quái trong tâm ta đang nhào nặn ra cái gì. Nó có thể luyện ra vàng, than hay những khí làm ô nhiễm môi trường hay những thứ tuyệt vời. Có bao giờ chúng ta coi bộ phim này chưa? Nó chính là người viết kịch bản cho hầu hết các vở kịch cuộc đời.
Vậy ai là đạo diễn? Nếu tâm là kẻ viết kịch bản thì bản ngã là đạo diễn, mình chính là diễn viên. Ý chí muốn trở thành chính là đạo diễn và mình là diễn viên, đóng vai được chỉ định. Vở kịch cuộc đời được viết trong tâm nhưng môi trường cũng quyết định quan trọng cho nên mới có định luật duyên khởi. Vì có cái này mới tạo ra cái kia. Nếu hằng ngày tiếp xúc với những hình tướng xinh đẹp, dễ thương giống thiên đường thì diễn viên sẽ trở thành thiên thần. Còn hàng ngày phải tiếp xúc với những khổ sở, đau đớn, xấu xí giống địa ngục thì diễn viên sẽ đóng vai ác quỷ.
Bây giờ ta đã biết cái gì sinh ra nghiệp, ai viết kịch bản cho cuộc đời này rồi, mình không cần phải đi coi bói toán nữa. Tu tâm chính là ở đây, mình biết quán tâm. Tu tâm bắt đầu từ việc nhận biết tâm. Nếu như mình không nhận biết tâm mình không tu được. Mình không nhận biết được thành phần của nó thì không thể làm nó thay đổi được. Phải bắt đầu bằng việc thành thật, nhận biết chính xác nó thì mới thay đổi được nó. Cho nên tu tập trong đạo Phật, điều đầu tiên phải là nhận biết tâm. Việc thứ hai là phải thay đổi những tương tác, những pháp để tạo ra những tâm khác nhau thì mình mới thay đổi được cái dòng của tâm.
Thay đổi được dòng tâm thì mới thay đổi được dòng nghiệp lực. Giờ ta đã biết nguyên tắc căn bản của tu tâm dưỡng tánh rồi. Tánh chỉ là sản phẩm của tâm. Tâm được huân tập theo kiểu nào thì tánh sẽ biểu hiện ra kiểu đó. Muốn thay đổi tánh thì ta phải quay lại tâm, xem xét tâm mình đang hướng về phía nào, có gì trong đó, thành phần là như thế nào. Cái bánh ngọt hay nhạt, nhiều đường hay ít đường. Thức ăn này mặn hay nhạt, nhiều muối hay ít muối thì sẽ tạo ra món theo sở thích của mình. Có thể cũng những nguyên liệu như vậy nhưng cách chế biến khác nhau sẽ ra những món khác nhau. Bây giờ mình nhận biết tâm của mình có những thành phần, biểu hiện, như vậy mà không tìm cách thay đổi, trốn tránh nó. Chỉ đối diện với nó như nó đang là. Và để có khả năng nhận biết, đối diện với nó thì cũng phải có tu rồi mới làm được chuyện này.
Người chưa học đạo, chưa tu sẽ không làm được chuyện này. Họ vẫn còn trốn tránh và ngụy biện. Trong thuật ngữ gọi là “projection” – sự phóng chiếu. Là khi họ có cái đó nhưng họ nói rằng người khác có cái đó. Cho nên phải cẩn thận. Họ không dám công nhận họ có cái đó cho nên họ thấy nó trên người khác. Rất nhiều chúng sanh bị bệnh này. Đó là vì mình nhìn người khác qua lăng kính của tâm mình. Đây là điều rất nguy hiểm. Si căn bản nhất chính là nhìn người khác qua lăng kính của tâm mình nhưng mình và tưởng đó là sự thật. Nó khúc xạ qua lăng kính của tâm mình nhưng mình thấy như vậy nên mình tưởng là người khác cũng như vậy chứ không hề biết đó là hiện ảnh của tâm mình. Vậy phải bắt đầu từ việc tu. Chính tứ niệm xứ là thứ sẽ xuyên thủng qua đám mây mù này. Không tu tứ niệm xứ không bao giờ loại bỏ được si. Có thể những ánh sáng trí tuệ khoan thủng nó được chút rồi sau đó mình lại quay về như cũ. Cho nên người đắc quả thánh đầu tiên trong Phật giáo là người đầu tiên chọc thủng được sự vô minh này để thấy được, tiếp xúc được với sự thật. Đó là người vào dòng thánh. Họ chọc được cái màng này. Chỉ cần thấy cái tâm của mình như nó đang là thôi và mình dừng lại ở sự nhìn thấy đó thì cũng đã chọc xuyên được rất nhiều những màn vô minh rồi. Và để thấy được cái tâm, nó đi qua cảm thọ, qua thân trước. Chưa tu thân, quán thân, quán thọ rất khó để thấy được cái tâm vì tâm vi tế, tráo trở hơn nhiều. Đó là lý do vì sao khi dạy trong 37 phẩm trời đạo hay những yếu tố để giác ngộ, tứ niệm xứ là một trong những pháp đầu tiên – những pháp căn bản nhất. Không có những viên gạch căn bản này, tòa nhà xây sau đó chỉ là những tòa nhà trên cát. Phải đặt nền tảng để xây dựng nhân cách, xây dựng con người mình trên 4 cột trụ này. Đây là những viên gạch nền tảng để trí tuệ sanh khởi. Không có nó trí tuệ không sanh khởi được. Nó cực kỳ quan trọng. Có được nó, ta mới vững vàng. Không có nó ta không vững vàng. Do đó ngay từ đầu sư cô đã nói đó là pháp tu khiến cho mình tự tin và mạnh mẽ. Tự tin và mạnh mẽ thì quan trọng hơn xinh đẹp. Đừng trở thành Bond girl – cô gái xinh đẹp nhưng ngu ngốc.
Tự tin và mạnh mẽ bắt đầu từ nền tảng này. Đây là nền tảng tu tập quan trọng nhất và xuyên suốt như xương sống. Nếu không tu những pháp này thì những pháp sau không thể nào tu được. Vì vậy sư cô dạy bài này kỹ nhất. Không có những viên gạch nền tảng này, ta không thể có được thành tựu nào hết. Nhất là trên con đường giác ngộ, giải thoát. Điều kiện cần, không thể thiếu.
Đến phần câu hỏi:
Q: Về ý sư cô nói trước đó, chúng ta cần tu tứ niệm xứ để xuyên thủng bức tường, thấy rõ được phần tham, sân, si, những tâm của mình, sư cô có nói rằng tâm đi qua những cảm thọ, thân để mình phải tu phần cảm thọ và phần thân để mình thấy rõ được tâm. Mong sư cô giảng thêm kỹ về phần này một chút.
A: Thân là cái thực tại căn bản nhất, thô thiển nhất, dễ dàng để mình nhìn thấy nhất. Nếu chúng ta không thể thấy những thứ thô thiển trước, chúng ta rất khó thấy được những thứ vi tế. Tâm là những thứ phi vật chất, còn thân thuộc về những thứ vật chất. Còn thọ thì từ phần vật chất đi đến phi vật chất. Nó phải được thấy qua từng giai đoạn. Thấy phần thô trước. Không thấy phần thô thì chúng ta không thấy được phần tế. Cho nên tu tập bắt đầu từ phần thân là như vậy. Và để trụ lại được trên phần tâm này mà không suy nghĩ gì nữa cả thì cũng phải qua cái thân đó. Ví dụ như có những người nói họ sân nhưng họ không thấy cái sân. Bây giờ hỏi họ tim đập như thế nào? Máu chảy như thế nào? Họ đang thở hổn hển, tay nắm chặt lại, toàn thân co cứng lên. Họ có thể thấy cái thân đó. Và cái thân đó tạo cho họ những cái rất bất tiện, khiến họ đau khổ, khó chịu. Họ nhận ra nhưng mình nói họ sân hay xấu họ sẽ không nhận. Họ nghĩ: “Sân là tốt vì làm người ta sợ mình”. Và khi mình làm người ta sợ mình thì mình cảm thấy có oai lực. Họ thích cảm giác đó. Họ không thấy cái khổ mà nó gây ra. Cái khổ đầu tiên là trên cái thân đó. Cho nên tu tập phải bắt đầu từ cái thân này là như vậy. Thân tạo ra được cái thọ gì thấy được cái thọ đó (và cái khổ đi kèm) thì họ mới buông được. Nếu như không qua cái đó thì họ không qua được tâm sân. Như vậy họ thấy tâm sân đó là tốt, tâm sân đó khiến họ có oai lực hơn, làm cho người khác sợ hãi họ, làm cho họ thoát ra khỏi những cái không công bằng nào đó. Trên thực tế nếu như không qua thân và thọ thì không thấy được cái khổ do tâm sân đó sanh ra. Nếu họ không thấy khổ do sân đó sanh ra thì họ không bao giờ từ bỏ được cái sân đó nữa.
Cũng như vậy với những cái tâm bất thiện khác. Cũng qua thân và thọ họ mới thấy được điều tuyệt vời của những tâm thiện. Và chỉ khi họ thấy được điều tuyệt vời, những mặt tốt của nó, họ mới tu tập để có được nó. Nếu không, họ sẽ không có động lực để làm gì hết. Không có phần thưởng, họ sẽ không hành động. Vì vậy phải thấy để xuyên thủng bức tường vô minh này. Cái thấy này bắt đầu từ thân, đến thọ. Từ những phần thô đi đến phần tế hơn.
Những bài giảng sau về phần quán pháp và những thứ vi tế hơn, người bình thường không tu, không học đạo không bao giờ thấy, không bao giờ biết, không chạm vào được. Đó là lý do vì sao cuộc đời này luôn luôn có những vấn đề bất ổn. Vì phần lớn chúng sanh, ngay cả những tổng thống, chủ tịch, tổng bí thư của những đất nước giàu mạnh nhất thế giới cũng hoàn toàn vô minh. Sư cô sống ở nước Mỹ này, sư cô thấy sự vô minh kinh khủng như thế nào. Như năm rồi, cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi, sư thấy được sự vô minh của những vị lãnh đạo kinh khủng. Chẳng kém gì những quốc gia khác. Nói mình là leader của thế giới mà lại như vậy.
Q: Phần tu tâm này là khó nhất trong tất cả đúng không thưa sư cô?
A: Cực kỳ khó. Có người làm xong được điều này trong một đời, có người không làm xong được, phải đời này qua đời khác. Tâm này không phải tự nhiên mà có. Tâm này có được do được tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Môi trường xung quanh ảnh hưởng lên nó rất nhiều. Môi trường xung quanh tác động lên nó nhưng tạo ra cái gì thì còn phụ thuộc vào tố chất bên trong nó có cái gì. Không phải ai tiếp xúc với cùng một môi trường cũng tạo ra một thứ giống nhau. Mình không thể đổ lỗi cho môi trường được vì thứ được tạo ra do môi trường tương tác với phần bên trong của mình.
Phần này qua niệm pháp sẽ rất hấp dẫn. Quán pháp chính là nhìn thấy sự tương tác đó. Bây giờ mình vẫn chỉ nhìn vào sản phẩm thôi. Tâm là sản phẩm. Nó nằm trong tiến trình tạo nghiệp nhưng tâm vẫn ở trong dòng sản phẩm. Còn nó tương tác như thế nào, bộ máy vận hành như thế nào thì chúng ta sẽ thấy trong phần niệm pháp.
Q: Nghiệp về ý nghiệp và nghiệp về thân thì sự tương tác rõ ràng như thế nào ạ?
A: Nghiệp chính là những hành động qua thân, khẩu và ý. Ý nghiệp chính là một phần trong đó. Những nhào nặn trong tâm sẽ tạo ra ý nghiệp. Những gì có sẵn trong tâm tương tác với môi trường bên ngoài sẽ tạo ra ý nghiệp. Tương tác bên ngoài với những gì có sẵn trong tâm mình. Mình diễn dịch như thế nào? Mình cho nó có ý nghĩa nào?
Ở Mỹ có một điều kinh khủng là những người nghiện lại là những người sanh con nhiều nhất. Mấy người giàu có, có học thức lại ít sanh con. Một lần, có vị giáo sư hỏi sư cô là vì sao một người thông minh và can đảm như you lại không chịu lấy chồng, sanh con mà cứ để cho những nguời kém thông minh, kém đạo đức lại sanh ra nhiều con như vậy. Thế giới bất ổn là do như vậy. Ông nói đùa thôi nhưng đó cũng là một điều đáng tiếc. Nhưng không phải ai sinh ra trong môi trường xấu cũng trở nên tồi tệ.
Có một cô gái được sanh ra bởi người cha nghiện rượu và người mẹ nghiện ma túy. Gia đình đó có tận 5-6 đứa con. Những người đó không giữ gìn gì hết. Họ cứ nổi điên lên, xúc chạm với nhau rồi sanh ra con nhưng họ không nuôi con, họ cứ nhốt con rồi lạm dụng con nữa. Người mẹ cứ bỏ đói con. Những ngày bà ta phê ma túy là những người con bị bỏ đói. Người cha nghiện rượu thì đi làm về cứ lôi con ra đánh, thậm chí hãm hiếp. Nhưng cô gái này có người chị của mẹ lại là một người rất tuyệt vời. Dì cô sống cách đó không xa nên khi những chuyện như vậy xảy ra thì những đứa con chỉ biết cách chạy về nhà dì và bà ngoại để nương náu. Cô bé có cảm giác dì mình như vị bồ tát. Nó nói mỗi lần trốn cha, thấy cha say rượu phá hoại, hoành hành thì nó chỉ nghĩ đến dì nó thôi. Mỗi lần có chuyện kinh động trong gia đình, Nó cảm giác có nó trong tim của dì & bà ngoại, và cảm nhận như vậy làm cho nó cảm thấy an ổn ngay lập tức. Và điều đó đã bảo vệ nó để lớn lên, nó không trở thành người hư hỏng mà đã trở thành nhà tâm lý học chữa lành được cho rất nhiều người do sống trong một môi trường kinh khủng như vậy.
Vị thầy của cô gái này giải thích làm sao trong môi trường tồi tệ như vậy, cô gái lại phát triển được nhiều thiện tâm chứ không phải ác tâm trong khi một số anh chị của cô gái này sau đó trở thành tội phạm hay chết vì tự tử. Đó là cách mà những đứa con trong gia đình nghiện ngập này diễn dịch hoàn cảnh của nó, diễn dịch những gì xảy ra xung quanh nó. Mình có thể cho những gì xảy ra xung quanh bất cứ ý nghĩa nào. Mình cho nó những ý nghĩa tích cực thì mình sẽ tạo ra nhân cách tốt. Mình cho nó xấu, và bị ảnh hưởng tiêu cực thì sẽ tạo ra nhân cách xấu.
Khi một người mẹ rầy la con. Con chưa trưởng thành và mẹ không cho nó chạm đến số tiền mà nó kiếm được. Có thể nó có tài năng và kiếm được rất nhiều tiền nhưng mẹ nó, người quản lí của mẹ đã quản lý nó, không cho nó sử dụng số tiền đó. Nó có thể sân hận, diễn dịch mẹ nó là ác quỷ. Và khi diễn dịch như vậy thì nó đã tạo ra ý nghiệp bất thiện. Và khi nó gửi tin nhắn đến người khác, nói rằng nó đang sống trong môi trường rất tồi tệ để người ta hiểu nhầm về mẹ nó thì nó còn tạo ra khẩu nghiệp bất thiện. Tất cả là do cách nó diễn dịch sai. Nó không cảm nhận được tình thương của mẹ khi mẹ biết nó chưa đủ khả năng quản lí và sử dụng số tiền đó. Hoặc là những người thân của nó không có nhân cách tốt nên khi nhận được số tiền đó chỉ có thể tạo ra những chuyện bất thiện chứ không thể tạo ra chuyện thiện được. Và nó diễn dịch theo kiểu là một đứa bé mới lớn, nó bị xúi bậy bởi những người bạn xấu xung quanh nữa. Nó tạo ra nghiệp bất thiện. Còn nếu nó diễn dịch mẹ mình khôn ngoan hơn mình, thông minh hơn mình, mẹ nuôi mình sẽ biết điều gì tốt nhất cho mình, có tình yêu vô điều kiện với mình. Nó tin tưởng người mẹ và không cảm thấy tồi tệ khi không được sử dụng đồng tiền nó kiếm ra thì nó đang tạo ra nghiệp thiện. Từ đó không tạo ra những khẩu nghiệp khác. Thì cũng là một hành động. Và nếu như không bị những người khác đâm thọc, khiến nó nghĩ xấu thì nó không nghĩ xấu nhưng nếu có người đâm thọc thì nó nghĩ xấu và nói xấu nữa. Như vậy nó đã tạo ra những cái nghiệp khác nhau. Nó chưa đủ trưởng thành để biết gì là đúng, gì là sai. Đúng sai này là cho đường dài chứ không phải cho đường ngắn. Hậu quả có thể biểu hiện ở bất cứ thời điểm nào. Hậu quả đầu tiên của tâm sân là khổ trên thân, trên thọ. Hậu quả của tâm tham mà không đạt được thì khổ ngay lập tức. Đạt được thì cũng khổ, phải tranh giành, nỗ lực, hơn thua. Không nỗ lực, tranh giành rất khó thỏa mãn được tâm tham của mình. Hưởng được một chút không đáng để mình làm vậy. Đó là hậu quả.
Kết quả của tâm giải thoát là mình cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái. Mình thoát khỏi cái tham, sân, tâm đê tiện đó. Mình cảm thấy bầu trời thong dong. Mình không bị cuốn vào những thứ độc hại như vậy nữa. Mình nếm trải được vị giải thoát đó ngay lập tức. Nghiệp về thân là mình hành động ngay. Nghiệp về tham hay sân thì mình hành động để thõa mãn cái tham hoặc sân đó ngay. Như các vị sư trong chùa vẫn có nghiệp ý về sự tham nhưng họ không được nói nó ra. Họ có giới luật, không được nói nó ra. Họ có tham chỉ giữ lại như vậy chứ không được thể hiện bằng thân, bằng khẩu. Luật không cho phép họ thể hiện thì họ sẽ không phạm vào nghiệp thân, nghiệp khẩu. Họ chỉ có nghiệp ý thôi.
Tướng cướp, trộm cắp không có giới gì cả. Những người không có giới thì họ thoải mái thể hiện cái tham, sân, si của họ. Và họ tưởng đó là anh hùng, là tự do. Đó là cái tưởng sai lầm.
Q: Con có một suy nghĩ về lúc quán tâm. Ví dụ như con thích ăn ớt. Lúc thích là tham rồi. Nhưng rồi sau đó là vừa thọ khổ và thọ lạc. Khi lạc thì thấy vừa cay cay vừa vừa thì lạc. Mà cay quá lại là thọ khổ. Vậy thế có phải là vừa đồng thời có hai cảm thọ đấy không ạ?
A: Các cảm thọ đến và đi rất nhanh. Cơ thể của mình như ngôi nhà trống và những ngọn gió không ngừng đi vào đi ra. Các cảm thọ cũng giống như vậy. Không ngừng đi vào đi ra. chỉ là quán sát của mình không nhanh để thấy được cái này biến mất và cái kia xuất hiện ngay lập tức. Không cảm thọ nào ở đó mãi mãi cả. Mình không thấy được cái đến, cái đi của nó mà chìm đắm trong cái đang hiện diện. Thì đó là si. Còn mình thấy cái đến, đi của nó thì đã có tuệ tri. Tham bao giờ cũng có si. Sân cũng vậy. Si là nền tảng của tham và sân. Tất cả những tâm bất thiện đều cần môi trường si để nó tồn tại. Đó là nền tảng của mọi thứ tai hại, xấu xa trong thế giới này.
Discussion about this post