1. PHƯƠNG PHÁP NGỔI THIỀN
Ngồi thiền là một phương pháp giúp ta gạn lọc tư tưởng, tập trung tâm ý về một đối tượng. Ngồi thiền dẫn đến an tâm và phát huy tuệ giác. Vì vậy, ngồi thiền không phải là một giấc mơ trầm lặng mà là một phương pháp luyện tâm cho thanh tịnh và là một hoạt động tích cực khai thông năng lượng yêu thương mầu nhiệm đang ngủ chìm trong ta.
Cái tâm ta thật là quan trọng, nó là trung tâm của sự sống, của vũ trụ và chứa nhóm tất cả muôn pháp. Nó là hào lũy ẩn náu của mọi tật xấu, nhưng cũng là mảnh đất phì nhiêu nẩy sanh mầm giống giác ngộ. Chính tâm tạo nên hạnh phúc và cũng chính tâm tạo nên khổ đau. Ngồi thiền là nhắm tới sự chuyển hóa, kiểm soát và phát triển sự tốt đẹp của cái tâm ấy.
Ý nghĩa trong khi thực tập ngồi thiền có hai phần. Thứ nhất là gom tâm lại một mối, xả bỏ tạp niệm và đưa tâm trở về trạng thái vắng lặng, an tịnh. Đây gọi là Chỉ, là ngưng mọi suy tư, tiếp xúc và phân biệt. Phần thứ hai là dùng năng lực vắng lặng của tâm để theo dõi sự vật và thấy đúng mọi biến tướng của sự vật, tức là nhìn sự vật dưới ánh sáng của ba đặc tính: Vô thường, khổ và vô ngã.
Gom tâm là Chỉ hay gọi Samatha. Theo dõi tâm và thấy đúng mặt hiện tượng của sự vật là Quán hay gọi là Vipassana. Chỉ là đình chỉ mọi tạp niệm, quán là quán sát sự vật đúng như thật tướng của nó. Chỉ có tu học theo phương pháp luyện tâm, ta mới rũ bỏ được mọi khổ não và đạt được trạng thái an lạc đích thực.
Chữ Quán hay Thiền quán là nguyên tắc đưa tới sự tỉnh thức, là theo dõi, thấy biết thực tại và sống ngay trong giây phút hiện tại. Chỉ có giây phút hiện tại mới là giây phút đích thực của sự sống. Mọi đối tượng bên ngoài như màu sắc, âm thanh, hương vị, chạm xúc… đến với các giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý đều được ghi nhận tường tận. Tất cả những đối tượng ấy là những đề mục thiền quán và làm nẩy nở sự tỉnh thức.
Nhờ tỉnh thức thường trực mà ta thấy được thực tướng của sự vật nên không mê chấp, đắm luyến. Bản chất của con người và vạn vật được cấu tạo từ năm uẩn giả hợp, chúng vốn không có cái thật ngã tồn tại và bất biến. Càng định tâm, càng có trí tuệ ta sẽ thấy con người, vũ trụ chỉ là những mối nhân duyên liên hệ và tùy thuộc để sanh thành hay hoại diệt. Nhờ đó mà ta thấy được sự kết hợp của ngũ uẩn, tức là các hiện tượng bao hàm thân tâm như hình sắc, cảm giác, suy lường, tâm tư và nhận thức vốn không thật. Nhờ vậy mà ta được an ổn và xa lìa mọi vướng mắc, vọng tưởng; chứng đắc được chân lý mầu nhiệm, rũ bỏ phiền não và các tâm lý xấu ác.
b. Cách thức ngồi thiền:
Khi thực hành thiền ta phải chọn đề mục để tập trung tâm ý. Hơi thở thường được chọn làm đề mục chính. Ta nên theo dõi hơi thở và ghi nhận sự ra vào của hơi thở.
Ta có thể căn cứ vào bài thi kệ điều hơi thở sau đây để thực tập phép thiền quán trong lúc mới bắt đầu:
Thở vào tâm tĩnh lặng
Thở ra miệng mỉm cười
An trú trong hiện tại
Giờ phút đẹp tuyệt vời.
Thở vào, thầm niệm tĩnh lặng, thở ra thầm niệm mỉm cười và thật sự mỉm cười. Rồi thở vào, niệm hiện tại, và thở ra niệm tuyệt vời, và thật sự thấy thảnh thơi. Theo dõi hơi thở như thế dần dần ta kiểm soát được tâm. Tu thiền phải có thầy hướng dẫn mới có sự tiến bộ. Hãy nên học và thực tập theo Kinh Quán
Niệm Hơi Thở với các thầy có kinh nghiệm và sở đắc.
Sau đây xin tóm lược vài cách thức cơ bản giúp người khi mới bắt đầu tập ngồi thiền.
1/ Có nhiều người cùng ngồi thiền với nhau, sự thực tập dễ dàng hơn bội phần. Điều này rất dễ nhận biết đối với những thiền sinh đã trải qua những khóa quán niệm với nhiều bạn đồng tu. Thiền lực của một tập thể rất lớn và tác xúc rất đặc biệt vào sự nỗ lực định tâm của mỗi người. Nếu cả gia đình hay một tăng thân cùng ngồi thiền chung với nhau vào những giờ giấc nhất định trong ngày thì hiệu quả thiền tập sẽ đạt được rất nhanh.
2/ Một nơi yên tĩnh, núi rừng và thiên nhiên là trợ duyên rất lớn cho người ngồi thiền. Ta khó ngồi thiền được nếu gần đó, một máy truyền hình hay phát thanh mở lớn với các bản nhạc kích động. Hãy sắp đặt và tôn trọng sự yên tĩnh trong giờ thiền tọa.
3/ Giờ ngồi thiền sẽ được quyết định chung giữa những người cùng ngồi thiền. Định giờ nào thuận tiện cho mọi người, và khi đã quyết định một giờ giấc nào đó, nên luôn luôn giữ đúng giờ giấc một cách liên tục. Ngồi thiền lâu hay mau tùy theo quyết định của ta. Nếu ta muốn ngồi 15 phút một lần thì hãy giữ đúng 15 phút và luôn luôn bắt đầu, kết thúc cùng một giờ nhất định. Mới bắt đầu, nên ngồi khoảng 15 phút một lần, rồi gia tăng 15 phút nữa sau khoảng 5 tuần lễ hay hai tháng thực tập. Nếu ngồi được 45 phút hay 1 giờ, hai lần trong mỗi ngày là tốt nhất.
4/ Nên có tọa cụ làm cho thế ngồi được thoải mái, dễ chịu. Sắm một gối ngồi mềm mại, chiều cao vừa tầm. Tọa cụ tùy thuộc vào thế ngồi của mỗi người, làm thế nào cho khi ngồi được thoải mái. Những người đau bệnh nhức khớp xương không ngồi được dưới sàn, có thể ngồi trên một cái ghế hoặc một cái đòn bằng gỗ thích hợp.
5/ Thế ngồi tùy thuộc sự lựa chọn và cố gắng của ta. Đức Phật đã ngồi kiết già trong 49 ngày và đã đắc đạo. Ta nên ngồi kiết già, tức là ngồi như một đóa hoa sen. Ngồi kiết già bàn chân trái đặt lên đùi chân phải, và bàn chân phải đặt lên đùi chân trái. Lưng thẳng, mắt nhìn phía trước hoặc nhắm lại, môi mỉm nụ cười hàm tiếu. Thế ngồi này là thế vững chãi nhất, vì sức nặng thân thể được đặt vào ba điểm, đó là bàn tọa, và hai đầu gốì. Hình ảnh chiếc đỉnh đứng trên ba chân, vững chãi, không lay chuyển. Nếu không ngồi kiết già được, thì hãy ngồi bán già. Bàn chân trái đặt trên chân phải, hay bàn chân phải đặt trên chân trái. Trong cả hai thế kiết già và bán già, hai tay buông thư, những ngón tay chồng lên nhau, hai ngón tay cái chạm nhẹ nhau. Không ngồi kiết già hay bán già được, thì có thể ngồi cách nào thoải mái nhất cho ta. Nếu ngồi dưới sàn không được ta có thể ngồi trên một chiếc ghế, lưng giữ thẳng, không dựa vào thành ghế. Lưng và bàn tọa làm thành một góc 90 độ. Đầu và hai tay giống như ngồi kiết già hay bán già.
6/ Việc ăn uống điều độ, tinh khiết và ngủ nghỉ đủ lượng, chừng mực cũng giúp ta rất nhiều trong việc ngồi thiền. Không nên ăn quá no, không nên ăn các thức ăn khó tiêu hóa như thịt các loài gia súc. Tuyệt hẳn rượu, thuốc lá, bài bạc; giảm dần sắc dục, thù hận và đấu tranh hơn thua thì việc ngồi thiền mới có hiệu quả tốt, nhanh chóng.
7/ Nên phát tâm quy y Tam Bảo và thọ trì năm giới nếu là phật tử tại gia. Giới luật cần phải được học hỏi và thực tập nghiêm túc. Giới luật không là những trói buộc mà là chìa khóa để mở trói những khúc mắc của mọi gốc rễ tham dục, sân hận, cố chấp và kiến thức sai lầm. Tu tập thiền quán luôn luôn lấy giới làm đầu, lấy giới tưới tẩm cho sự tươi mát của thân tâm và chánh niệm. Chánh niệm vừa là mở đầu, vừa là công năng và vừa là thành quả của thiền quán.
8/ Nếu không phải là người đi tu ở trong các thiền viện thì nên ghi danh tham dự các khóa tu tập thiền quán để có thể học hỏi phương pháp thiền quán trực tiếp với các vị thiền sư, thiền sinh có căn bản về kinh nghiệm tu học. Thầy và bạn thiền có chiều sâu của sự an lạc, vững chãi, thảnh thơi là những tác phẩm lớn nhất, hay nhất trao truyền cho ta về nguyên tắc, kỹ thuật linh động và thực tế của thiền quán.
9/ Tới các tu viện, thiền viện và các trung tâm thiền quán để được ở tu học vài tuần, vài tháng hay ít nhất là 10 ngày hằng năm là điều rất cần thiết cho việc phát triển công năng thiền quán của mình. Ở các nơi có nhiều vị xuất gia, thực hành hạnh viễn ly và giải thoát, nơi ấy và khung cảnh ấy có năng lượng thanh khiết, và có sức mạnh tâm linh rất lớn gia trì cho sự thực tập thiền quán của ta. Vì vậy mà tuệ giác, lòng từ bi của ta tiến bộ rất dễ dàng.
10/ Hãy tin nơi khả năng của mình và nơi pháp hành thiền một cách kiên định, bền vững, không bị ngoại cảnh và vọng cầu chi phối. Giới là thầy, định là thầy, tức là khả năng kiểm soát thân tâm, cảm giác, suy tưởng, nhận thức của ta. Trạng thái đi tới và thành tựu đầu tiên của thiền quán là làm chủ được ba nghiệp thân, miệng, ý trong giây phút hiện tại. Thân, miệng, ý không buông lung, không tạo tác các điều xấu là kết quả thực tế, mầu nhiệm của công năng thiền quán.
c. Kiểm soát hơi thở:
Kiểm soát hơi thở bằng cách đếm hơi thở. Đếm hơi thở là phương pháp thực hành sơ đẳng nhưng căn bản nhất. Thở vào đếm 1, thở ra đếm 1; thở vào đếm 2, thở ra đếm 2 cho đến 10 thì trở lại. Tâm của ta sẽ chỉ tập trung vào việc đếm hơi thở. Khi đếm hơi thở đã thuần thục, ta chỉ cần theo dõi hơi thở nơi bụng. Thiền Minh Sát dạy ghi nhận các cử động phồng, xẹp của bụng. Bước đầu tiên nên cố gắng thấu hiểu chính xác bản chất của những hiện tượng tâm lý đang diễn biến bên trong thân, như cảm giác nhẹ, khỏe, vui, mỉm cười. Mới thực tập, ta có thể theo dõi hơi thở ra, vào từng ba hơi thay vì theo dõi số đếm mười hơi. Thở vào và thở ra thầm đếm một; thở vào và thở ra thầm đếm hai; thở vào và thở ra thầm đếm ba. Cứ thực tập ba hơi thở cho vững chãi ta có thể theo dõi được tâm trong giây phút hiện tại. Trụ tâm trong giây phút hiện tại là chánh niệm và là ngọn đèn tuệ được thắp sáng. Có tuệ là ta sẽ thấy được mặt thật của đời sống và của lý duyên sinh, duyên khởi. Nhờ đó mà ta không bị ràng buộc, ta sẽ giải thoát được mọi mê lầm, vướng mắc.
Trước khi bắt đầu thực tập hơi thở, kiểm soát hơi thở, ta nên nhẩm đọc bài kệ sau đây ba lần:
Ngồi vững tợ núi cao
Thở thanh nhẹ ra vào
Tâm duyên theo hơi thở
Nhẩm đếm từng ba hơi.
d. Những bệnh khi ngồi thiền:
Những bệnh thông thường của người mới tu thiền là bệnh hôn trầm và bệnh loạn tưởng. Bệnh hôn trầm là khi ngồi thiền, tâm ta mơ mơ màng màng, không tỉnh cũng không mê. Bệnh loạn tưởng là khi ngồi thiền, những niệm thiện, niệm ác lăng xăng đi qua tâm ta không ngừng nghỉ. Đối với người tu, những niệm bất thiện là không tốt, nhưng cũng phải rũ bỏ những niệm thiện. Đến một lúc nào đó, ta sẽ hiểu một cách rõ ràng là muốn giải thoát, ta phải dứt bỏ những niệm bất thiện cũng như những niệm thiện, tức là thấu được thể chơn tánh bình đẳng, xa lìa phân biệt.
e. Kiểm soát vọng niệm bằng sự ghi nhận, tỉnh giác:
Khi tâm mơ màng, ý thức rằng ta đang mơ màng. Thuốc chữa bệnh này là niệm: tỉnh tỉnh. Tỉnh lại để chấm dứt trạng thái hôn trầm. Khi đang loạn tưởng thì ta ý thức rằng tâm ta đang loạn tưởng. Thuốc chữa bệnh này là lặng lặng. Tỉnh tỉnh cách nào, lặng lặng cách nào, đó là tùy vào sự chú tâm rõ ràng của ta.
Một hôm Đức Phật dùng thiên nhãn thông, Ngài thấy một đệ tử lớn đang ngủ gục và ngáy trong khi hành thiền. Nhân đó đức Phật chỉ những cách thức chế ngự bệnh hôn trầm:
* Mở mắt ra
* Nhìn lên trời
* Đứng dậy đi kinh hành
* Thở sâu, dài và chậm
* Nín thở để ý thức tỉnh dậy
* Đi rửa mặt
* Tập vài động tác thư giãn.
* Suy niệm về một người đau khổ, sự chết.
* Gởi tâm từ trợ niệm cho một người sắp qua đời.
* Gởi năng lượng từ bi đến cho một người hay sân hận và có nhiều oán thù.
* Hãy tưởng tới một người mù lòa và cụt cả hai chân, người ấy khổ sở biết chừng nào.
* Đuối sức quá, buồn ngủ quá, hãy nằm xuống ngủ một giấc cho thoải mái.
* Khi tỉnh giác rồi, tiếp tục hành thiền và kiểm soát hơi thở.
Về phương pháp chữa bệnh loạn tưởng, ta hãy ý thức mình đang nghĩ về một điều nào đó và thầm niệm điều đó. Ví dụ ta đang nghĩ về một người bệnh tim, hãy thầm niệm bệnh tim, bệnh tim. Khi vọng tâm này chấm dứt, hãy trở về đếm lại từng ba hơi thở. Vạn pháp có sanh thì có diệt. Vọng tưởng cũng không khác, nghĩa là vọng tưởng đã có sanh, thì tất sẽ có diệt. Ta chỉ cần ý thức điều đó và tự nhiên cái niệm lăng xăng sẽ tan biến. Dần dà, sau nhiều công phu tu tập, thân và tâm của ta sẽ dễ dàng tĩnh lặng và ta sẽ bước qua phần quán chiếu sâu hơn để phát triển trí tuệ và tâm từ bi.
Muốn thiền định ta phải giữ giới. Không giữ giới thì không thể nào có định lực. Như ta đã thọ ba quy y và đã phát nguyện giữ năm giới thì phải quyết tâm giữ gìn các giới ấy, không buông lung và thối chuyển. Muốn có định thì phải giữ giới. Muốn có huệ thì phải có định tâm trước. Người đi tu có nhiều giới luật và oai nghi, song năm giới không sát sanh, không trộm cắp, không tà dục, không đại vọng ngữ về sở đắc và không uống rượu là năm giới quan trọng mà ta cần tiếp nhận thọ trì.
f. Lợi ích ngồi thiền:
Ngồi thiền là làm cho thân tâm trở nên an định, sáng suốt, hết bệnh hoạn và rũ bỏ mọi lo âu. Ngồi thiền là cách hay nhất làm cho tinh thần giàu mạnh, có thừa đức tính nhẫn nại, biết lắng nghe, cởi mở và giúp ta thành công trong mọi lãnh vực của đời sống.
Nếu là người đam mê sắc dục, ngồi thiền sẽ bớt đam mê sắc dục. Nếu là người hay nóng giận, ngồi thiền sẽ giúp ta trừ nóng giận. Nếu là người thiếu tự tin, ngồi thiền sẽ giúp ta tự tin. Nếu là người đầy phiền não, buồn chán, ngồi thiền giúp ta có an lạc và tỉnh thức.
Xa hơn, người ngồi thiền lâu ngày và đúng phương pháp hành trì sẽ giác ngộ như Phật, không còn bị đèo bòng khổ não, không còn rong ruổi trong biển sống chết và mê lầm nữa. Ngồi thiền rốt ráo là thấy được thể tính chân thật của ta, của người và của vạn vật là bình đẳng, thanh tịnh và hòa hợp. Ta có mặt trong vạn pháp, trong cái thể bất sinh diệt và trong muôn pháp đều có hóa thân của ta.
Nhờ ngồi thiền mà ta chuyển hóa được mọi gốc rễ khổ đau, đạt được trạng thái an lạc đích thực bây giờ và mai sau. Ngồi thiền ta phát triển được tuệ giác và năng lượng từ bi để có thể hóa giải khổ đau, hận thù của những người chung quanh.
Lợi ích của việc ngồi thiền đến mức độ thuần thục, rốt ráo, ta sẽ đạt được trạng thái bất sanh giữa dòng đời sanh diệt.
Ngồi thiền pháp thâm diệu
Tạo công đức vô biên
Khai tâm mở tuệ giác
Sống tự tại an nhiên.
Tâm tạo nên cảnh giới
Niết bàn không ngoài tâm
Cực Lạc ngay tự tánh
Thiền Tịnh một lối về.
Tâm Tịnh cõi nước tịnh
Tâm bình thế giới bình
Pháp lạc nơi hiện trú
Bây giờ và ở đây.
2. PHÁP MÔN THIỀN LỄ PHẬT 2.PHÁP MÔN THIỀN LỄ PHẬT
Lạy Phật làm cho thân, miệng, ý trong sạch. Xa hơn, lạy Phật đưa đến định tâm và tuệ giác. Đó là khi ta lạy Phật đạt tới chỗ năng lễ sở lễ tánh không tịch, tức là khi lạy Phật ta phải buông bỏ tự ngã riêng biệt, tâm ý thể nhập vào tự tánh của chư Phật và vạn pháp một cách tuyệt đối. Lạy Phật trong chánh niệm.
Tự tánh của vạn pháp, chúng sanh và tự tánh của chư Phật vốn vắng lặng, bình đẳng. Vì vậy khi khởi ý lạy Phật, ta phải đem tâm tha thiết, không chấp trước và không đối đãi mà lạy. Lạy Phật mà “ỷ” mình có lạy Phật, ngồi thiền mà “ỷ” mình có ngồi thiền là trước tướng. Phàm cái gì có tướng và trước tướng đều là hư dối, không có khả năng làm hiển lộ trí tuệ viên mãn và thể tánh chân thật. Vẫn biết hình tướng, là phương tiện, là sự cần thiết cho sự bắt đầu tu theo Phật pháp.
Thông thường ta lạy Phật là để tưởng niệm ân đức sâu dày của Phật, nguyện sống theo hạnh lành của Phật, nguyện từ bỏ những việc làm xấu ác. Lạy Phật là nguyện thực tập tâm từ bi và lòng vị tha rộng lớn của Phật, nhằm chuyển hóa khổ đau tự thân và nguyện làm lợi ích cho nhiều người.
Bằng vào Pháp môn thiền lạy Phật mà đại chúng thường trú tại Tu Viện Kim Sơn có sức khỏe rất tốt, niềm vui có mặt, thân tâm của mỗi người trở nên tươi mát, vững chãi và thảnh thơi.
Lạy Phật pháp thắng diệu
Ba nghiệp hằng lắng trong
Chân tâm ngời sáng dậy
Vượt thoát khổ luân hồi.
a. Cách thức lạy Phật:
Sau giờ ngồi thiền, đọc kinh ta nên phát nguyện thực tập phần lạy Phật. Nếu ít thì lạy chừng 51 lạy, nhiều thì lạy từ 300 đến 500 lạy mỗi ngày. Đại chúng tại Tu Viện Kim Sơn, mỗi người đều phát tâm dõng mãnh và tinh tấn lạy Phật sau mỗi thời công phu. Càng lạy Phật ta càng thấy thân tâm an lạc, tật bệnh tiêu trừ, căn lành tăng trưởng.
Trong một đại chúng có nhiều người, ta nên chia mỗi người phụ trách xướng một danh hiệu đức Phật hoặc danh hiệu một vị Bồ Tát. Mỗi danh hiệu, ta có thể xướng từ 5 đến 10 lần. Nếu thực tập lạy Phật một mình, ta cũng có thể dùng phương pháp nầy để ghi số lượng lạy Phật cho dễ nhớ trong mỗi lần công phu.
Đại chúng tại Tu Viện Kim Sơn vẫn ứng dụng pháp Hồng Danh Sám Hối, lạy Thù Ân, lạy Phật theo văn kinh Lương Hoàng Sám và lạy các danh hiệu đức Phật trong các nghi Năm Trăm Vị Phật, Ba Ngàn Vị Phật, Một Vạn Vị Phật trong thời gian nhập thất, tịnh tu. Song nghi thức lạy Phật thường xuyên mỗi ngày tại Tu Viện là áp dụng theo pháp Thập Hiệu Nghi Văn. Đó là lễ bốn danh hiệu Đức Phật và sáu danh hiệu các vị Bồ Tát sau đây:
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
Đức Phật Dược Sư Lưu Ly
Đức Phật A Di Đà
Đức Phật Di Lặc
Đức Bồ Tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi
Đức Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền
Đức Bồ Tát Đại Bi Quán Thế Âm
Đức Bồ Tát Đại Nguyện Địa Tạng
Đức Bồ Tát Đại Hiếu Mục Kiền Liên
Các vị Tổ Sư qua các thời đại.
Khi xướng lễ, khởi đầu bằng câu: “Nhất tâm kỉnh lễ Nam mô”.
Mỗi đức Phật, mỗi vị Bồ Tát đều đã đạt được tự tánh thanh tịnh, bình đẳng. Tuy vậy, bản ý độ sanh, mỗi Ngài có một hạnh nguyện vào đời khác nhau trong việc lợi lạc hữu tình, nên khi lễ lạy và trì danh niệm Phật, ta cũng tùy nguyện mà đảnh lễ danh hiệu một hay nhiều đức Phật, Bồ tát để có sự xúc tác và cơ cảm sâu sắc.
Phương pháp lạy Phật tại Tu Viện Kim Sơn, là mỗi tuần mười vị phát nguyện làm thị giả hầu mười đức Phật và Bồ Tát. Mỗi người đối trước Tam Bảo và đại chúng làm lễ thỉnh nguyện và bắt thăm. Khi bắt thăm trúng danh hiệu đức Phật hay vị Bồ tát nào thì vị ấy nguyện làm thị giả hầu vị đó. Phép hầu đức Phật và các vị Bồ Tát, có bảy việc mà vị thị giả tâm niệm, nguyện thừa hành và thực tập:
1. Thấy mình như được diễm phúc làm thị giả của một vị Phật sống.
2. Tự cân nhắc mình đi, đứng, nằm, ngồi, hành xử trong an vui, tỉnh thức và chánh niệm.
3. Tuyệt đối thức ngủ đúng giờ, nỗ lực tinh tấn tu tập, tham gia mọi sinh hoạt với đại chúng nghiêm túc và không trễ nải.
4. Tỏ ra mình là một thị giả xứng đáng với tên đức Phật hay vị Bồ Tát mà mình đang hầu.
5. Thỉnh tượng của đức Phật hay vị Bồ Tát để tôn trí tại phòng mình nhằm tưởng nhớ và có ấn tượng đẹp trong khi đang là thị giả của đức Phật hay vị Bồ tát đó.
6. Hằng ngày, xướng danh hiệu đức Phật hay vị Bồ Tát mà mình hầu để đại chúng được lễ lạy sau mỗi thời tọa thiền, công phu.
7. Thị giả Phật tập sống như hạnh Phật và chắc chắn sẽ thành Phật.
Pháp môn Thiền Lạy Phật, đã giúp cho toàn đại chúng tại Tu Viện Kim Sơn tu tập rất tiến bộ và có nhiều an lạc. Hàng phật tử xuất gia hay tại gia chưa có cơ hội thực tập pháp môn lạy Phật, nên phát nguyện hành trì đều đặn mỗi ngày để có miền vui và hạnh phúc trong đời sống.
b. Công đức lạy Phật:
Đại Sư Viên Giác thể nghiệm 12 công đức thù thắng trong việc lạy Phật như sau:
1. Lạy Phật, đạt được âm thanh vi diệu, lời nói ra đem lại niềm vui và lợi ích cao quý cho nhiều người.
2. Lạy Phật, đạt được tâm định tĩnh, hùng lực và phấn chấn như tiếng hải triều, có khả năng lắng nghe người khác và hóa giải được mọi khó khăn, ưu phiền trong cuộc sống.
3. Lạy Phật, giúp chánh niệm phân minh, hưng khởi trí tuệ; có cái nhìn sâu sắc và không hề phán đoán sự việc nông nổi, sai lầm.
4. Lạy Phật, có tác dụng làm cho khứu giác trở nên thanh trong, mũi thường ngửi mùi hương chiên đàn; giải trừ được xú uế, không khí ô nhiễm và bất tịnh.
5. Lạy Phật, có đầy đủ phước báu trong việc ăn uống. Bất cứ loại thực phẩm và thức uống nào đưa vào miệng cũng đều trở thành thuốc hay, chữa lành muôn bệnh.
6. Lạy Phật, thân phát ra năng lượng tươi mát, lửa tam muội bao trùm, nên khi tiếp xúc với ngoại cảnh không hề bị chi phối, nhiễm trước và mê đắm.
7. Lạy Phật, sức khỏe phát triển, giấc ngủ bình yên, trường thọ; ở đâu, ngày đêm đều được thiên nhơn hộ trì và yên ổn.
8. Lạy Phật, khởi niệm an lành, tâm từ bi càng thêm rộng lớn, diệt trừ được các tâm lý tham ái, phiền giận, cố chấp, mê lầm.
9. Lạy Phật, tâm tư phấn chấn, niềm tin vững chãi trên đường tu tập cầu giải thoát và giác ngộ.
10. Lạy Phật, tài bảo và mọi nhu cầu vật chất trở nên sung mãn, giàu có và biết chăm làm phước, cúng dường, bố thí.
11. Lạy Phật, phước tướng đoan nghiêm, sắc diện đẹp đẽ, tươi nhuận giới đức thanh tịnh.
12. Lạy Phật, giải trừ tận gốc rễ phiền não, oán kết và nghiệp báo oan gia nhiều đời.
Chánh văn của 12 công đức lạy Phật
( Thập nhị công đức lễ kỉnh Như Lai)
“Nhất giả, âm thanh vi diệu
Nhị giả, thính hải triều âm
Tam giả, hằng khai tuệ nhãn
Tứ giả, khứu khải chiên đàn
Ngũ giả, thiệt thưởng kỳ vị
Lục giả, thân xúc bất nhiễm
Thất giả, thể kiện khương ninh
Bát giả, niệm niệm an bình
Cửu giả, hỷ tín cụ túc
Thập giả, tài bảo sung mãn
Thập nhất giả, khí mạo đoan nghiêm
Thập nhị giả, tận giải oán kết.”
( Đại Sư Viên Giác trước nghiệm)
c. Lợi ích lạy Phật
Lạy Phật có tác dụng làm cho thân, tâm giao hòa và trở nên nhẹ khỏe. Khi lạy Phật, cốt yếu là phải nhất tâm và tha thiết. Lạy Phật, nên chú ý là đầu, mình, hai tay và hai chân phải nép sát mặt đất để bày tỏ lòng thành kính. Tâm neo hơi thở vào, ra với động tác lên xuống theo âm thanh xướng hiệu Phật hay Bồ tát. Đề mục trong khi lạy Phật là danh hiệu của một hay nhiều vị Phật, Bồ tát. Đối với người mới vào cửa đạo, việc tập tu và ngồi thiền chưa định tâm, thì cách động thân lạy Phật là pháp đối trị vọng niệm, tán tâm rất có tác dụng. Người có đức tin vững và sâu sắc nơi Tam Bảo mà phát nguyện và nhất tâm lạy Phật tinh tấn mỗi ngày, sẽ chứng nghiệm được nhiều điều linh hiển, kỳ diệu.
Đại chúng tại Tu Viện Kim Sơn sử dụng Pháp môn thiền lạy Phật như là nguyên tắc thực tập căn bản và thiết yếu trong đời sống hằng ngày của người xuất gia. Sau mỗi thời ngồi thiền, niệm kinh ta có thể để ra trên 30 phút lạy Phật. Lạy Phật cũng như tham thiền, lúc lạy Phật ta tiếp xúc được với niềm vui sâu sắc, vững chãi và hợp nhất thân tâm trong giây phút hiện tại. Ta có thể chứng nghiệm sự an lạc dễ dàng qua Pháp môn thiền lạy Phật. Vừa thực tập là ta có sự an lạc, thảnh thơi ngay lập tức, không cần chờ đợi thời gian.
Trên phương diện thực tế, sau khi lạy Phật chừng 30 lạy, ta thấy hơi ấm khởi phát toàn thân, khí huyết thông lưu điều hòa, hơi thở nhẹ nhàng, giọng xướng Phật hiệu thanh tao, miệng lưỡi tươi mát và ta có cảm giác dễ chịu vô cùng. Về mặt tâm linh, công năng mầu nhiệm của việc lạy Phật thật bao trùm rộng lớn. Những bệnh khó chữa và khó trừ như phiền giận, nghiệp chướng khảo đảo, cho chí những bệnh nan y thầy thuốc bó tay, bằng vào pháp môn lạy Phật để hồi hướng, sám hối lỗi lầm, chữa trị nghiệp chướng rất có hiệu lực. Đường tu của người xuất gia và phật tử tại gia thường có nhiều chướng duyên, pháp môn lạy Phật trợ lực rất nhiều trong việc quân bình thân tâm, thừa hành phật sự, đem lại niềm vui rất lớn cho bản thân, gia đình và đoàn thể.
Tựu trung, mục đích của việc ngồi thiền là để thân tâm an ổn, phát huy tuệ giác, diệt trừ vọng niệm thì pháp môn lạy Phật là một trợ duyên rất đắc lực cho việc ngồi thiền, định tâm. Người mới tập tham thiền, giữ tâm cho vững chãi, an định theo đề mục chưa hoàn bị, thì phần lạy Phật bổ sung cho việc an tâm và định tâm rất tốt, rất mầu nhiệm.
3. Pháp môn Thiền hành
Một trong những phương pháp để nuôi lớn chánh niệm là thực tập thiền hành. Thiền hành là thực tập chánh niệm trong khi đi bộ. Tại Hoa Kỳ, Canada và các quốc gia Âu Mỹ, mỗi ngày có hàng chục triệu người thực tập thiền quán theo phương pháp đi bộ.
Đi thong thả trong yên lặng, ta có thể đi một mình hay đi chung với nhiều người cùng một lúc. Ý nghĩa sự yên lặng ở đây là không phải chỉ yên lặng nơi lời nói, mà phải yên lặng luôn trong tâm niệm. Tức là đi mà không suy nghĩ gì cả, chỉ theo dõi hơi thở ra, vào và an trú nơi thân tâm trong giây phút hiện tại. Đi mà không mong cầu chỗ tới, chỗ tới là ngay nơi thân và tâm, ngay trong giây phút hiện tại. Nhiều người trong chúng ta có nhiều lo âu, sợ hãi, phiền muộn và khổ đau là vì tâm tư thường rong ruổi về những chuyện quá khứ hoặc những chuyện tương lai. Ta mất hạnh phúc, mất người thân, mất cả ý nghĩa đẹp của cuộc sống, vì ta không biết nhìn, không biết tiếp xúc với cái đẹp và với những gì ta đang có trong phút giây hiện tại. Thiền hành sẽ giúp ta thiết lập sự trầm tĩnh, an ổn và điều hòa nhịp thở của trái tim. Dùng ý thức tiếp xúc với hơi thở để nâng đỡ sự làm việc cần mẫn của trái tim, buồng phổi, lá lách, gan, mật, thận và toàn các bộ phận trong cơ thể của ta là điều rất khoa học và cần thiết. Sở dĩ ngày nay có nhiều người trên thế giới tin tưởng và thực tập theo phương pháp thiền hành của đạo Phật, vì phương pháp thiền hành dễ thực tập đối với mọi trình độ và tuổi tác. Dễ thực tập mà kết quả tươi mát, an lạc cho thân và tâm thì rất lớn, nên phương pháp thiền hành ngày nay đã trở thành một pháp môn phổ thông đối với tất cả những người phật tử và không phật tử trên khắp mọi nơi ở các xã hội đông phương và tây phương.
Trước khi đi thiền hành ta có thể bắt đầu nhẩm đọc bài thi kệ:
Từng bước chân đi, khơi làn gió nhẹ
Từng bước chân đi, khơi dậy niềm vui
Từng bước chân đi, bước theo nhịp thở
Từng bước chân đi, ta về với ta.
Nên đặt ý thức vào mỗi bước chân để tâm ta có thể dễ dàng an trú trong phút giây hiện tại. Chân trái khởi bước trước, chân phải theo sau và thầm niệm: trái, phải, trái, phải. Ta cũng có thể kiểm soát bước chân đi bằng hơi thở ra vào: trái, phải, thở vào; trái, phải, thở ra. Cứ như vậy ta kiểm soát mỗi bước chân và mỗi từng ba hơi thở đều đặn trên đường thiền hành.
Khi thiền hành nên đi chậm rãi, thong thả và giữ yên lặng nếu ta cùng đi với nhiều người. Tuy vậy, khi đi trên đường dài và đối với tuổi trẻ có nhiều năng lượng hoạt động, ta cũng có thể đi nhanh hơn tốc độ bình thường, song vẫn nhớ là luôn luôn kiểm soát hơi thở ra, vào theo mỗi bước chân đi.
Khi đi ta cảm thấy thân nhẹ, khỏe, thảnh thơi, khơi dậy niềm vui và sự tươi mát trong tâm hồn là ta đã tiếp xúc được ít nhiều với công phu thiền hành. Đi thiền hành là không phải đi để tới mà đi là để trở về với hơi thở, với nụ cười, với sự an lạc của ta trong giây phút mà ta đang đi, giây phút hiện tại. Hiện tại là giây phút ta đang có mặt đích thực với sự sống. Nếu tập quán niệm, tỉnh giác trong phút giây hiện tại của việc thiền hành được thành công rồi, thì ta cũng có thể quán niệm, tỉnh giác trong phút giây hiện tại của tất cả mọi đối tượng và sinh hoạt khác trong đời sống của ta.
Tu Viện Kim Sơn có nhiều con đường mòn quanh co trên ba mươi mẫu đất. Cây cảnh ở đây xanh tươi, yên tịnh và tuyệt đẹp nên rất tiện dụng cho việc thực tập thiền hành. Các thân hữu, thiền sinh và khách thập phương đến Tu Viện, hầu như mọi người đều thích tham dự các buổi thực tập thiền hành. Trên các con đường thiền hành, thỉnh thoảng ta có thể dừng chân ngồi nghỉ ngơi để tập những bài thiền ca bên cạnh những tảng đá, bên bờ suối róc rách hay bên bờ hồ an tịnh. Nhờ những con đường thiền hành và khung trời thiên nhiên, thanh tịnh tại Tu Viện này mà thầy viện trưởng và đại chúng đã giúp rất nhiều người vượt qua những khổ đau, tai biến; hàn gắn được những đổ vỡ trong cuộc sống lứa đôi, đem lại nhiều hạnh phúc vui tươi cho gia đình và đoàn thể.
Ta có thể bắt đầu thực tập phương pháp thiền hành ngay trong đời sống của mình vào những ngày nghỉ hoặc những buổi sáng cuối tuần. Ta có thể đi một mình hay cùng với người thân. Ta dạo bước thong thả trong những công viên vắng người, bên bờ suối, ven biển hay trên những vùng núi đồi có cây cảnh tươi mát, khí hậu trong lành.
Trong truyền sử Phật Giáo ghi lại là khi thái tử Tất Đạt Đa vừa sinh ra là mỉm cười và bước đi được bảy bước. Bước chân của thái tử đi đến đâu là có hoa sen nở đến đó. Đó chính là ý nghĩa của thiền hành. Đi mà không lo lắng, không như bị rượt đuổi bởi những toan tính, vọng cầu. Đi với tâm niệm an lành. Đi tới đâu là mang vẻ đẹp, niềm vui và tâm thương yêu đến đó. Đó là bước chân thiền hành của các đức Phật trong quá khứ, trong hiện tại và trong tương lai. Khi về Tu Viện Kim Sơn, quý vị nhớ tham gia những buổi học phật pháp, thực tập thiền hành để có nhiều tỉnh thức, chánh niệm và hạnh phúc.
Sáng nay thức dậy
Từng bước chân đi
Bước chân tĩnh lặng
Hương thơm tràn đầy.
Người đi muôn lối
Ta về nơi đây
Phút giây hiện tại
Tâm tư rạng ngời
Từng bước chân đi
Khơi làn gió nhẹ
Từng bước chân đi
Khơi dậy niềm vui
Từng bước chân đi
Bước theo nhịp thở
Từng bước chân đi
Ta về với ta.
Sáng nay thức dậy
Ngày mới đơm hoa
Bước chân tĩnh lặng
Quê hương hòa bình.
Đời như mây nước
Trôi về muôn phương
Tiếc chi cuộc lữ
Đong đưa muộn phiền.
Từng bước chân đi
Bên vườn nắng hạ
Từng bước chân đi
Gieo hạt mùa lên
Từng bước chân đi
Thiết tha lời nguyền,
Từng bước chân đi
Ta về quê xưa
Sáng nay thức dậy
Nhìn lá thu rơi
Hoát nhiên tỉnh mộng
Chơn như ngàn đời,
Dù cho mưa nắng
Trên đường em đi
Bước theo nhịp thở
Yêu thương tìm về.
Từng bước chân đi
Hoa cười đất mẹ
Từng bước chân đi
Xây dựng ngày mai
Từng bước chân đi
Phút giây mầu nhiệm
Từng bước chân đi
Ta về thênh thang.
(Theo Tu Viện Kim Sơn)
.
Discussion about this post