6- Ngày thứ 6 (Bài thứ 5)
– Chiều ngày 21/6 ÂL
Chiều nay chỉ có chư sư và chư ni. Có năm sáu người từng tu tập ở các trường thiền Thái Lan hay
“ Trong một thời toạ thiền, sau khoản 23h, chỉ một thời gian ngắn, tâm con trú vào một điểm ngay trước mặt, nó co rút chỉ nhỏ như một đầu kim. Trạng thái lúc này càng lúc càng nặng nề. Chỉ với một điểm nhỏ có lẽ là ở thể rắn như vậy mà nó cứ kéo, vít cái thân con xuống! Nhưng con nghĩ rằng, à, thì ra đây là “nội xứ”! À, thì ra đây là “danh” và “sắc” phân chia? Con xả thiền với niềm vui nho nhỏ, với suy nghĩ (tâm địa), theo nghĩa đen; và nghĩa bóng là như “nó” vừa trình bày cho con thấy!
Vào một ngày khác, cũng với thời gian như vậy; trong khi toạ thiền, con lại thấy (tâm) con (nó) biến mãn tròn đầy trên đầu con. Con không biết rõ đường kính và chu vi của nó, con cứ nhìn ngắm nó một cách khách quan. Rồi sau một hồi, lúc con suy nghĩ rằng, à thì ra đây là tâm hướng thượng, “nó” thuộc thể khí; đồng thời nó cũng cho con thấy “ngoại xứ”, “vô sắc xứ” là thế nào!
Sự hiểu biết về lý vô thường, vô ngã lại tiến thêm trong tâm con. Con thấy nó không trú ở đâu cả, nó không có tướng, và không cả tánh.
Nhưng con còn hơi thắc mắc: Tại sao khi tâm ở thể rắn, nó trụ một khoảng thời gian, trong khi đó các tâm sở khác, lại diệt?
Con xin thầy chỉ bày cho con.
Thỉnh thoảng tâm con nó tự hỏi và hướng tới trạng thái diệt các tâm hành. Con lại tự nhắc mình – cái gì đến nó sẽ phải đến, nên cứ tiếp tục chánh niệm, tỉnh giác vậy thôi!”
Đây là trường hợp đã có hành, đã có theo sự chỉ dạy của vị thiền sư về minh sát tuệ. Hiện tại, thầy nghĩ là chưa nên phân tích nội dung ấy đúng hay sai. Vấn đề quan trọng nhất ở đây là, ta phải hiểu cho chính xác những thuật ngữ, ngữ nghĩa của nó ra sao để khỏi lầm lẫn. Đây là những từ ai đã học Abhidhamma mới hiểu: Nội xứ, ngoại xứ, danh, sắc, vô sắc xứ, tâm hành, tâm và tâm sở…
– Nội xứ: Nghĩa đen là cõi, là nơi, là chỗ hoạt dụng bên trong. Rõ nghĩa hơn là chỗ hoạt trường của nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn và ý căn – được gọi là nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ và ý xứ.
– Ngoại xứ: Nghĩa đen là cõi, là nơi, là chỗ hoạt dụng bên ngoài. Rõ nghĩa hơn, là chỗ hoạt trường của sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần và pháp – được gọi là sắc xứ, thanh xứ, hương xứ, vị xứ, xúc xứ và pháp xứ.
Gồm chung cả nội ngoại xứ có 12 xứ. Rồi còn 18 giới nữa, như nhãn giới, nhĩ giới… khá phức tạp thầy chưa giảng nói ở đây.
– Danh là cách gọi khác của tâm và tâm sở, đầy đủ là thọ, tưởng, hành và thức. Trong hành có 50 tâm sở và nơi thức có 89 tâm. Tuy nhiên, khi hành minh sát, cái gì thuộc về ý nghĩ, tư tưởng, phần tinh thần, cái biết, các cảm giác ở nơi thân và nơi tâm, hồi tưởng, ký ức, tưởng tượng, các trạng thái tâm như tham, sân…tất nhiên là thuộc tâm và tâm sở thì đều gọi là danh cả (thọ, tưởng, hành, thức).
– Sắc, phần vật chất, cả thô và tế. Gồm sắc bốn đại đất nước, lửa, gió, sắc do bốn đại tạo thành thì có 12 thô sắc và 16 tế sắc. 12 thô sắc gồm 5 tịnh sắc căn và 7 sắc đối tượng. 5 tịnh sắc căn (phần thần kinh) của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. 7 sắc đối tượng là sắc, thanh, hương, vị, địa, hoả, phong (xúc) – thanh, hương, vị, địa, hoả, phong đều là vật chất, đều là sắc.
– Vô sắc xứ: Cõi, chỗ hoạt dụng của những ý nghĩ, tư tưởng, quan điểm, quan niệm… trừu tượng. Ví dụ, khởi lên ý nghĩ “không là vô biên” thì nó hoàn toàn trừu tượng, không y cứ trên cái thực, chúng chỉ do tưởng mà có.
– Tâm hành: Đây là khi tâm ta bắt đầu tạo tác, có tư tác, có quyết định, có cố ý, có cố tình làm một việc gì đó dù tốt hay xấu, thiện hay ác – khi ấy là hành (saṇkhāra) hoạt động. Chấm dứt tâm hành là chấm dứt hành (saṇkhāra), không còn lăng xăng tạo nghiệp nữa, khi ấy chỉ còn là duy tác, chỉ có hành động không có quả của hành động. Đây là trạng thái tâm duy tác của các bậc A-la-hán.
Đi vào hành minh sát là khi thân đã yên, tâm đã yên – đến chỗ tâm cận hành là tốt nhất vì khi ấy 5 triền cái đã lặng rồi, 5 thiền chi đã phát sanh rồi. Khi ấy ta sẽ nhẹ nhàng lắng nghe sự vận hành của ngũ uẩn (sắc thọ tưởng hành thức). Nếu có một cảm giác khởi sanh thì ghi nhận nó sanh; cảm giác ấy diệt thì ghi nhận nó diệt; cảm giác ấy là danh; và hành giả đã thấy rõ, ghi nhận danh sanh, danh diệt. Một tưởng, một trạng thái tâm, một ý nghĩ, một tư tưởng… chúng đều được nhìn ngắm như thực như vậy: Danh sanh, danh diệt. Ở đấy, chúng đang vô ngã, chúng đang vô thường…
Thấy chưa, khá phức tạp, khá tế vi. Vậy mọi người khi chưa nắm rõ thì chưa nên hành minh sát.
Thầy nói sơ như vậy để các sư, các ni cẩn thận, cẩn trọng khi trình pháp. Mình chưa nắm vững thì nội dung trình pháp dễ sai lầm lắm, nó đi vào một mớ bòng bong chữ nghĩa không đâu vào đâu cả. Nếu học hiểu những điều thầy trình bày ở trên thì có lẽ không ai dám trình pháp lung tung lang tang như vậy. Khoan đã, minh sát thì khoan đã. Thầy chỉ muốn mọi người trú được tâm. Ai trú được tâm, dù số đếm hay theo dõi hơi thở thì nó đối trị cụ thể với đau nhức, tê ngứa, hôn trầm, thuỵ miên, phóng tâm… Phải làm xong việc này trước. Lo gì, định hay minh sát chúng ta sẽ đi qua cả, mà không cần bất cứ một trường thiền nào. Mỗi người hãy tự thực nghiệm, chứng nghiệm từng bước một, từ từ thôi. Để tâm rỗng rang, trong sáng mà ngồi, rồi nghe nó nói gì, phản ứng gì. Khách quan mà nhìn ngắm, mà lắng nghe. Quan trọng nhất là phải thuần thục tuỳ tức (theo dõi hơi thở) để từ đó, mình cảm thấy dễ chịu, thích thú chứ không còn bị nó hành nữa. Hành thiền chứ không phải bị “thiền nó hành!”
(Tiếng cười)
Thôi đừng cười nữa, hành đi!
– Tối ngày 21/6 ÂL
Chư sư và chư ni đang ngồi thiền trong khoá an cư kiết hạ 2015 tại
Huyền Không Sơn Thượng (ảnh: Huyền Không Sơn Thương)
Hôm nay đại chúng đầy đủ, 38 người, không có trường hợp sư này bị cảm, chú kia nhức đầu nữa… Vậy là tốt.
Phải bước qua giai đoạn khó nhăn nhất các con ạ! Khi ấy thầy không bắt ngồi, các vị tỳ-khưu trong Ban Tri Sự, Quản Chúng… không còn đi kiếm tra, đốc thúc nữa, mà ai cũng thích ngồi, tự nguyện chấp hành các thời thiền đâu ra đó.
Bây giờ nói thêm về tuỳ tức, theo dõi hơi thở. Thầy đã trình bày nhiều cách, cột hơi thở một chỗ (chót mũi); theo dõi lên xuống, vào ra, xem như 2 chỗ; chú tâm, theo dõi từ chót mũi, ngực, đan điền – vậy là 3 chỗ. Phồng, xẹp, 2 chỗ. Ngồi, đụng, phồng, xẹp là 4 chỗ.
Tuỳ tức rồi đi đến chỉ, tức định. Tuỳ tức thuần thục thì thiền chi hỷ phát sanh, rồi lạc, rồi định. Nếu tuỳ tức chưa thuần thục thì các triền cái cứ quấy rầy ta mãi. Vậy, hôm nay, tất cả chúng ta phải nhẹ nhàng rình bắt cho được hơi thở một cách liên tục thì tâm sẽ an trú.
Tối nay thầy nói ít, chúng ta dùng thời gian để theo dõi hơi thở thôi. Nên nhớ là đừng rơi vào quán nội xứ, ngoại xứ, danh và sắc. Khoan đã!
Discussion about this post