Thông qua những triết lý nhẹ nhàng được suy ngẫm từ những khó khăn con người phải đối mặt trong cơn đại dịch Covid, sư cô Thích Nữ Nhuận Bình tiếp tục cho ra quyển sách thứ tư: Nếu biết ngày mai rời quán trọ, nhằm giúp người đọc nhận ra cốt lõi các giá trị để khắc sâu và yêu thương nhau nhiều hơn.
Cuộc đời này là của chính bạn, vui hay buồn là do bạn tự mang đến cho mình mà thôi. Nếu không muốn muộn phiền dai dẳng đeo mang, tốt nhất hãy học hạnh buông xả, sống tha thứ để mình được nhẹ nhàng hơn. Bơ đi mà sống, xa đi cho nhẹ lòng, buông đi để đời mãi thong dong. Ngày tháng phía trước còn dài lắm, bạn u uất hoài thì sống sao hết được trăm năm? (Trích “Nếu biết ngày mai rời quán trọ” – Thích Nữ Nhuận Bình).
Đạo Phật có cấm các Phật tử không được đọc sách các tôn giáo khác hay không?
Đại dịch Covid là một phép thử, nó chạm đến rất nhiều điểm giới hạn của con người, nó buộc chúng ta phải đối mặt với những xáo trộn về công việc, sự bấp bênh, phá sản, bệnh tật, cảm xúc sợ hãi… Khi tất cả những phiền toái làm tâm trí chúng ta trở nên mệt nhoài, đó cũng là lúc chúng ta nên tự tìm ra lối thoát cho chính bản thân bằng cách quay về các chân giá trị bên trong mỗi người.
Một năm 2020 sắp sửa trôi qua với quá nhiều sự kiện tiêu cực, nhưng đó cũng là lúc ta nhận ra được nhiều chân giá trị mà cuộc đời ban tặng – những điều vốn bị lãng quên trong cuộc sống thường ngày: tình yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; tình yêu cho gia đình, yêu bạn bè; yêu cả những người bạn không cùng quốc tịch nhưng luôn biết cách đùm bọc lẫn nhau. Như tác giả sư cô Thích Nữ Nhuận Bình đã viết trong Nếu biết ngày mai rời quán trọ rằng: Đây là mùa sợ hãi, nhưng cũng là mùa để yêu thương!
Ra mắt sách “Bước qua thăng trầm” của sư cô Nhuận Bình
Nếu biết ngày mai rời quán trọ là quyển sách thứ tư của tác giả – sư cô Thích Nữ Nhuận Bình, sau các tác phẩm Mở lối yêu thương, Gieo mầm hạnh phúc, Bước qua thăng trầm. Cuốn sách này được viết vào thời điểm chúng ta đang phải đối mặt với những mối nguy hại mà dịch bệnh và thiên tai mang lại. “Cuộc sống là cõi tạm nương, đời ta là quán trọ ven đường – đau khổ cũng qua, sướng vui rồi cũng kết thúc, những được, những mất rồi cũng theo gió bay xa. Vậy thì, “Nếu biết ngày mai rời quán trọ” ta mang theo điều gì, tiếc nuối điều gì? Thôi thì ta cứ bình thản bước tới và tùy duyên đón nhận”. Đó là tất cả những gì mà sư cô Thích Nữ Nhuận Bình muốn gửi gắm đến cho độc giả trong tác phẩm này….
Vẫn với lối văn phong nhẹ nhàng cùng những lời tâm tình về kiếp sống nhân sinh, tác giả mang người đọc đi lần lượt qua các góc nhìn về tình cảm gia đình, các mối quan hệ giữa người với người, nhân sinh thế thái trong cuộc sống. Đó là cái cách sư cô nói về hạnh phúc thật giản đơn: “Thế nhân thường nghĩ hạnh phúc là điều gì đó thật lớn lao, thật cao xa và thật khó tìm thấy. Mấy ai hiểu hạnh phúc đến từ những điều bình dị nhất.”, hay cách mà Thích Nữ Nhuận Bình dịu dàng khuyên nhủ con người sống chậm lại, quay ngược về bên trong bản thân mình để cảm nhận: “Khi có nhiều thời gian để quay vào bên trong, sống chậm lại, cảm nhận mọi thứ sâu hơn, tôi thấy cuộc sống này thật đẹp, nhưng cũng kịp nhận ra phận người quá mỏng manh. Sự có mặt của ta trong đời này là vô thường, giả tạm, nhưng cũng vô giá, đáng trân quý và cần có ý thức trong từng phút giây.”
Sách Gieo mầm yêu thương của sư cô Thích Nữ Nhuận Bình ra mắt tại đường sách TP.HCM
Ai cũng nói, trên đời này chuyện không như ý nhiều vô số kể. Nhưng thật ra, cuộc đời luôn công bằng, tốt xấu có đủ cho mỗi chúng ta, chỉ là nhãn quan, tầm nhận thức và dung lượng trái tim chẳng tương đồng nên mỗi người có cách nhìn đời với nhiều dị biệt. Đủ nắng hoa mới nở, đủ ấm sương mới tan, đủ thời gian xác thân này mới hòa vào cát bụi. Không có đau khổ con người chẳng nhìn ra hạnh phúc. Không có tổn thương chẳng ai biết trân quý tình người. Thiên hạ thù ghét khổ đau và hân hoan đón chào hạnh phúc, chẳng ai biết rằng nhờ khổ đau hạnh phúc mới được thăng hoa, nhờ bão tố loài người mới trưởng thành khôn lớn. Suy cho cùng, hạnh phúc hay đau khổ, bão tố hay bình yên đều do tâm mà ra cả.
Qua những dòng tản văn nhẹ nhàng của Nếu biết ngày mai rời quán trọ, bạn sẽ nhận ra rằng đôi khi không phải cuộc đời này đau khổ, thế gian này rộng lớn, mà chính tâm trí con người quá phức tạp, chúng ta luôn nhìn cuộc đời theo cách chúng ta muốn, chính vì lẽ đó cùng một sự việc nhưng có hàng ngàn cách con người đón nhận khác nhau. Vì thế, nếu như đời là một quán trọ ven đường, ta hãy cứ bình thản bước tới và tùy duyên đón nhận. Đây là tất cả những gì mà sư cô Thích Nữ Nhuận Bình muốn gửi gắm đến cho độc giả trong tác phẩm này.
Nếu bạn đang cảm thấy bế tắc và đau khổ trong cuộc sống thì hãy tìm đến “Nếu biết ngày mai rời quán trọ” của sư cô Thích Nữ Nhuận Bình. Tản văn đậm chất triết lý Phật giáo nhưng từng câu từng chữ mà tác giả gửi gắm trong trang sách lại mang tính chất sẻ chia nhiều hơn là giáo điều. Bởi sư cô cho rằng: “Đời người ngắn, nhưng mưu toan lại quá nhiều. Muốn hạnh phúc, nhưng niềm vui thật bấp bênh, chóng vánh. Và thế là tôi đọc, rồi viết. Viết sáng, viết chiều, viết tất thảy thời gian. Tôi viết cho bạn, cho người thương, cho mọi người và viết cho cả chính tôi – những phận đời mỗi ngày đang bị vấn đề sanh tử chi phối.”
Sư cô Thích Nữ Nhuận Bình, quê Quảng Trị, xuất gia từ năm 1994, là tác giả của các cuốn sách như: Mở lối yêu thương, Gieo mầm hạnh phúc, Bước qua thăng trầm. Sinh ra tại một vùng nông thôn nhiều nắng gió được mệnh danh “đất cày lên sỏi đá” của xứ sở Quảng Trị – miền Trung, thời tiết đầy bất lợi, mùa màng luôn khó khăn, đời sống người dân chật vật; nên việc học hành để thành đạt dù là xuất gia hay tại gia cũng là sự nỗ lực tiến bước không ngừng. Cũng gần nửa đời người qua đi, có những lúc khó khăn, vất vã, túng thiếu đến khốn cùng, nhưng sau tất cả, Sư cô đã nổ lực vươn lên không mệt mỏi để vững bước trên con đường lý tưởng của mình, con đường xuất gia, phụng đạo, giúp đời.
Discussion about this post