MÙI – ĐƯỢC LÀM SƯ CÔ RỒI!
GIÁC MINH LUẬT
Tôi gặp được Mùi trong một dịp tình cờ, khi tới lượt mình với trách nhiệm coi ngó quét dọn và rút chân nhang trong lư cho Phật tử đi chùa lễ Phật thắp hương cầu nguyện quanh khu vực tôn tượng lớn của Bồ-tát Quán Thế Âm đang ngự ngay bên phải của chánh điện vào dịp ngày rằm mỗi tháng.
Vì nghe đâu người ta đồn tai nhau là Quán Âm ở ngôi chùa này linh lắm, cầu gì được nấy, nên thảo nào mỗi ngày từ sáng đến tối đều có người ra vào tấp nập lễ lạy cầu xin.
Hôm ấy, là một buổi sớm tinh mơ tôi bắt đầu đắp Y ngay ngắn trang nghiêm để bước ra ngoài lấy chổi quét dọn chung quanh, thay nước bình hoa để tranh thủ lát nữa là Phật tử sẽ bắt đầu trở về chùa thì bàn thờ Bồ-tát cũng được tươm tất dễ nhìn.
Đang cặm cụi lau dọn thì tôi nghe tiếng nói nhẹ từ bên trong vọng ra:
– Sư ơi! Con đói quá.
Đưa mắt nhìn vào tôi thấy là một người con gái khoảng chừng 25 tuổi, thân hình đen đúa gầy yếu đang nằm co ro dưới chân đài sen của Bồ-tát với vẻ mặt tái mét và lạnh run khắp người trong bộ đồ hoa văn ong bướm màu mè nhưng đầy lấm lem bụi bẩn.
Tôi chợt chạy lại gần để hỏi thăm:
– Ủa! Cô làm gì mà nằm ở đây.
Cô quay mặt ngướt nhìn tôi trong vẻ run run cô bảo:
– Sư ơi! Con đói quá sư ạ. Có gì không cho con ăn đi.
Tôi vội đáp: – Vậy thôi! Cô ở đây chờ sư, để sư chạy vào bếp kiếm cái gì cho cô ăn lót dạ, ngồi đó chờ sư nha.
Nói rồi, tôi vội chạy xuống bếp xin hai ổ bánh mì chay còn dư lại trong buổi ăn sáng nay, sẳn đó tôi chạy lên phòng lấy chai dầu nóng và cái áo ấm của mình để mang xuống cho cô mặc vào cho đỡ lạnh.
Ngồi nhìn cô mặc áo, tha dầu và ăn bánh mì một cách ngon lành lòng tôi mừng khôn xiết, đợi cô dùng xong, tôi mới chợt hỏi:
– Ủa cô tên gì? Mà sao lại vào được chùa vậy. Có phải tối qua cô nằm ngủ ở đây không?
Nghe tôi hỏi, cô lấy tay chùi miệng rồi đáp:
– Dạ, con tên Mùi – Nguyễn Thị Hương Mùi sư ạ, tên mẹ của con đặt á, sư thấy hay không, quê con ở Cần Thơ – là dân miền Tây lên Sài gòn lập nghiệp.
Cô trả lời với giọng nói đặc sệt ngôn ngữ địa phương đầy thật thà chất phát thật dễ thương và rất gần gũi.
Tôi hỏi tiếp:
– Nhưng tại sao tối qua Mùi vào chùa được vậy.
– Dạ, tối qua con leo cổng vào, mà xém bị mũi sắt đâm rách cái quần – Mùi hồn nhiên trả lời.
– Ấy chết, tại sao lại đi leo vào như thế, các sư tưởng ăn trộm thì sao.
– Dạ, hổng sao, các sư ai cũng hiền mà có sao đâu, đỡ hơn hồi tối hôm qua con bị một đám thanh niên tính hãm hiếp con, sợ quá nên con mới leo rào vào chùa trốn cho chắc ăn, tiện đó con lạy Quán Âm xong rồi nằm ngủ luôn tới giờ. Mà hả, trời lạnh quá trời quá đất, với lại cả ngày qua chưa ăn cái gì hết nên đói quá, cũng may mà sư cho ăn chứ không là chắc Mùi chết.
Nghe Mùi nói có mấy câu mà lòng tôi thấy thương vô cùng, thương cho sự hồn nhiên vốn có của Mùi, mặc dù tôi cũng chẳng biết Mùi là ai và người như thế nào.
– Nè Mùi, sư tặng Mùi cái áo ấm luôn đó, Mùi ăn cho hết ổ bánh mì xong rồi Mùi tranh thủ về lại nhà để sư còn lo công việc quét dọn nha.
Mùi nhìn tôi với vẻ ngơ ngác đáp:
– Mùi cảm ơn sư đã cho Mùi ăn, mà còn tặng áo cho Mùi nữa. Mùi đội ơn sư nhiều lắm, khi nào rảnh mời sư về quê Mùi chơi, Mùi sẽ dắt sư về nhà của Mùi để ăn trái cây, đi cầu khỉ, với lại có đi ghe ra chợ nổi nữa vui lắm, Mùi sẽ báo cho ba mẹ của Mùi ở dưới đó nấu món ăn chay thật ngon để đón Mùi và sư về.
Nói rồi, Mùi xuống giọng nói tiếp:
– Mùi nhớ quê quá sư ạ, Mùi nhớ nhà, nhớ cầu khỉ, nhớ trái cây và nhớ ba mẹ nữa. Mùi quên, ba mẹ của Mùi chết hết rồi còn đâu mà đón Mùi với sư nữa – Mùi nói trong vẻ muốn khóc – rồi hổng biết Bàn thờ ba mẹ dưới đó có ai thắp nhang giùm cho Mùi không hay để hương tàn khói lạnh tội nghiệp ba mẹ Mùi quá.
– Sư ơi! Mùi nhớ mẹ của Mùi quá, mẹ của Mùi già rồi nhưng khó tính lắm, thường la chữi Mùi là đứa con gái khùng, con gái điên, chỉ biết ăn rồi phá làng phá xóm, không làm được cái tích sự gì cho gia đình cả. Lâu rồi, Mùi hổng còn được nghe mẹ chữi Mùi như vậy nữa, Mùi thấy cô đơn và nhớ mẹ của Mùi nhiều lắm.
Nghe Mùi nói xong, tôi cũng đồng điệu để biến mình thành người cảm thông để nói chuyện với Mùi:
– Thế Mùi xa quê lâu chưa, rồi tại sao Mùi hổng về quê đi để lo nhang khói cho cha mẹ mà lên Sài gòn chi.
– Dạ, Mùi trốn lên Sài Gòn làm giàu được hơn 7 năm rồi, từ khi ba mẹ Mùi chết, Mùi ở nhà một mình, rồi chú bác bắt Mùi đi lấy chồng để có chỗ nương thân và cũng để làm tròn ước nguyện của ba mẹ khi còn sống. Mà hả, chồng của Mùi hung dữ lắm, ngày nào uống rượu về là đánh Mùi, đánh xưng cả mắt luôn, nè sư coi nè tay chân của Mùi đầy vết sẹo và dao cắt – nói rồi Mùi vén tay áo lên để cho tôi xem những vết sẹo trên hai cánh tay của Mùi đầy sẹo và vết cắt của lưỡi lam – rồi Mùi nói tiếp: – nhớ có lần Mùi bị thằng chồng lấy dây trói vào gốc cây, đau đớn khóc lóc mà hổng ai thèm cứu Mùi cả, chồng chữi Mùi là đứa khùng, rồi nhặn đầu Mùi xuống sông cho chết, Mùi sợ quá bỏ trốn lên Sài gòn tới giờ, hổng dám về lại quê nữa.
– Mùi nhớ quê lắm, nhưng Mùi ghét chồng, thằng chồng của Mùi ác quá, nó còn dọa Mùi mà trở về là nó sẽ giết Mùi luôn, Mùi biết là Mùi khờ, nhưng Mùi có làm gì đâu mà sao ai cũng đối xử tệ bạc với Mùi hết vậy.
Nghe Mùi kể về gia đình mà tôi không biết phải nói sao, ngoài một trái tim đồng cảm và thầm hiểu được tính cách của Mùi, vốn là một cô gái vô tư hồn nhiên, chất phát hiền lành, nghĩ gì – nói đó ngây thơ như một đứa trẻ.
Tôi nói như an ủi:
– Không phải ai cũng đối xử tệ bạc với Mùi đâu, chẳng qua là họ chưa hiểu và thương được Mùi thôi, ở đời có người này người kia, Mùi phải lạc quan lên mà sống cho thật tốt, cố quên đi những người đối xử tệ bạc với mình, lấy người thương mình làm động lực để vươn lên, còn nếu không có ai thương mình nữa thì tự mình thương lấy mình mà làm động lực để phấn đấu.
– Thế bây giờ Mùi tính sao, chứ hồi trước giờ Mùi sống thế nào?
Mùi bắt đầu kể cho tôi nghe về câu chuyện của đời mình.
– Hồi đó, lúc sợ quá Mùi chạy lên Sài gòn một thân một mình, đêm về thì Mùi ngủ tạm ở những mái hiên nhà, có đêm Mùi bị đám thanh niên dụ dỗ, họ bắt Mùi phải đi làm gái để đem tiền về cho họ, Mùi sợ quá nên không dám ngủ ở đó nữa, Mùi chuyển đến ngủ trên cầu đi bộ phía trước bệnh viện Ung Bướu, rồi thời gian sau thì mọi người đuổi đi không cho Mùi ngủ nữa, Mùi ấm ức cãi lộn với họ, Mùi bảo:
– Ở đây là chỗ công cộng mà sao không cho Mùi ngủ, Mùi nằm có chút xíu tới sáng là Mùi đi chứ có làm gì đâu, nhưng họ nhất quyết hổng cho Mùi ngủ, họ nói Mùi làm mất mỹ quan đô thị nếu Mùi mà còn nằm ở đó nữa là họ sẽ đưa Mùi về đồn công an, Mùi sợ quá bỏ đi lang thang gặp đâu Mùi ngủ ở đó, còn ban ngày thì Mùi phụ rửa chén bát ở quán cơm Tấm Bà Tư, mà bà dữ lắm, ngày nào cũng la mắng Mùi cả, bà hổng trả tiền cho Mùi, chỉ cho Mùi ăn cơm, mấy lần Mùi đòi tiền đều bị bà kiếm chuyện để la rầy và đánh trên đầu Mùi đau lắm, nên sợ quá Mùi bỏ đi luôn không làm nữa.
Nghe Mùi kể, tôi chợt thấy nhói lòng vô cùng, tôi cảm thấy Mùi như một chú nai con đang mất phương hướng giữa khu rừng hoang khi bị lạc mất bày đàn. Rồi Mùi sẽ đi đâu về đâu, không cha mẹ, không gia đình, người thân bên cạnh, mọi thứ chỉ là con số không đang phủ lên cuộc đời, số phận của người con gái vùng quê đáng thương như Mùi.
– Thế Mùi bây giờ tính sao? – tôi hỏi.
– Mùi đâu biết phải tính sao, chỉ biết sống lây lất qua ngày, để chờ ngày Mùi chết đi, lúc đó Mùi sẽ được gặp lại ba mẹ, Mùi sẽ hỏi ba mẹ tại sao lại bỏ rơi Mùi mà ra đi như thế, tại sao sanh Mùi ra, để giờ này Mùi phải cô đơn, phải bị người này người kia ăn hiếp và phải sống đời cực khổ thế này.
Nghe Mùi nói tôi cũng xúc động như muốn khóc, suy nghĩ một hồi tôi đáp:
– Thế Mùi có muốn đi tu không, tôi sẽ giúp Mùi.
Vừa nghe tôi nói dứt câu, hai mắt của Mùi sáng rực lên với vẻ mừng rỡ, Mùi đáp:
– Được hả sư, Mùi đi tu được hả, Mùi được làm sư cô hả. Mùi thích lắm, đó là mơ ước của Mùi á – rồi Mùi hồi tưởng lại nói tiếp:
– Hồi đó, Mùi đã đi tu rồi đấy chứ, lúc đó Mùi làm tiểu Ni; pháp danh là Huệ Trân, khi xưa Mùi hạnh phúc lắm, mỗi ngày Mùi chạy trên chiếc xe đạp để đến trường, tối về Mùi đọc kinh, ngồi thiền cùng với đại chúng, buổi sáng Mùi thức dậy thật sớm đánh Đại hồng chuông, sáng nào Mùi đọc bài kệ nghe chuông thật to, thật rõ mà tới giờ Mùi vẫn còn thuộc, nói rồi Mùi đọc to cho tôi nghe:
– Ba nghiệp lắng thanh tịnh – Gửi lòng theo tiếng chuông – Nguyện người nghe tỉnh thức – Vượt thoát nẻo đau buồn – Nghe chuông phiền não tan mây khói – Ý lặng, thân an, miệng mỉm cười – Hơi thở nương chuông về chánh niệm – Vườn tâm hoa tuệ nở xinh tươi – Nghe tiếng chuông – Lòng nhẹ buông – Tâm tĩnh lặng – Hết sầu thương – Tập buông thả – Thôi vấn vương – Lắng nghe thấu – Tận nguồn cơn – Học nhìn lại – Hiểu và thương.
Nghe xong tôi cười nhẹ khen Mùi giỏi quá, thuộc cả bài kệ thỉnh chuông, Mùi cười tươi đầy hạnh phúc rồi kể tiếp cho tôi nghe:
– Khi xưa ở chùa, sư phụ và mấy sư chị ai cũng thương Mùi cả, họ nói Mùi thông minh, dễ thương và có được một tâm hồn trong sáng hồn nhiên nên ai cũng quan tâm và thương yêu Mùi, có món gì ngon, các sư chị cũng để dành cho Mùi ăn, các chị nói Mùi sau này sẽ tiếp nối các chị làm rường cột cho Phật pháp được mãi trường tồn tại thế gian nữa đó, các sư chị còn dạy cho Mùi cách thêu nón len, xếp đèn hoa sen và học chữ Hán nữa đó. Mùi nhớ lắm, nhớ sư phụ và các sư chị của Mùi nhiều lắm.
Tôi vội thắc mắc hỏi tiếp:
– Nhưng tại sao Mùi không ở chùa để tu học nữa mà lại hoàn tục thế này.
Nghe tôi hỏi, Mùi buồn xoa, nhìn tôi với đôi mắt đăm chiêu, Mùi kể:
– Năm Mùi 18 tuổi, khi Mùi đủ tuổi trưởng thành, ba mẹ bắt Mùi phải hoàn tục để ra đời sau này lấy chồng, có con và có người phụng dưỡng cha mẹ khi về già, lúc đầu Mùi không chịu, vì Mùi không muốn ra đời, Mùi không muốn hoàn tục, Mùi yêu con đường xuất thế này, Mùi thích sống ở chùa, Mùi muốn được thong dong, được tự do như cánh chim trời, và được tu học như các sư chị, Mùi muốn sau này được lên lớp để trở thành sư cô nữa. Nhưng vì chữ Hiếu, Mụi phải đành chấp nhận lìa bỏ đời sống xuất gia để trở về nhà nuôi dưỡng ba mẹ.
– Mùi hổng trách ba mẹ đâu, Mùi biết phận làm con nên phải hy sinh lý tưởng của đời mình mà báo hiếu cho ba mẹ đúng không sư.
Mùi nói tới đó, tôi vội khóc vì thương cho cuộc đời của Mùi quá.
– Nếu hồi đó Mùi mà hổng hoàn tục là giờ này Mùi đã trở thành sư cô rồi đó.
Nói rồi, tôi bảo – Thế bây giờ nếu Mùi vào tu lại thì Mùi có muốn hoàn tục nữa không?
– Không đâu, Mùi không hoàn tục nữa đâu, ba mẹ của Mùi mất rồi, Mùi hổng còn ai bắt Mùi phải ra đời nữa đâu. Mùi muốn được đi tu, Mùi muốn được thực hiện ước nguyện của đời mình còn dang dỡ.
Tôi cười vì hạnh phúc, khi nghe Mùi nói những câu như thế. Tôi bảo:
– Nhưng Mùi nè, như các nguồn sông đều chảy về đại dương, cũng vậy không biết Mùi xuất thân từ đâu, nhưng khi nếu Mùi trở thành người tu rồi, Mùi phải mang lý tưởng phụng sự nhân sinh, phải biết tự lợi – lợi tha và hiến trọn đời mình cho Phật pháp chứ.
Mùi trả lời:
– Dạ, Mùi hứa mà, Mùi sẽ nổ lực tu hành, trau dồi đạo đức để làm lợi lạc quần sanh.
Nói đến đây, Mùi chợt dừng lại và khẽ nói trong đau buồn:
– Nhưng sư ơi! Mùi bị bệnh tim nặng lắm, thỉnh thoảng Mùi bị cơn đau hoành hành, Mùi không biết mình sẽ tắt thở và ra đi lúc nào trong sự đớn đau, không biết Mùi có được đi tu lại không khi mang chứng bệnh trong người.
Nghe Mùi nói thế, tôi đắn đo suy nghĩ không biết phải làm sao, vì lỡ nếu giới thiệu cho Mùi xuất gia rồi, lỡ Mùi ra đi bất chợt như thế thì chẳng khác nào sẽ làm liên lụy đến người khác. Nhưng rồi, tôi chợt tự nói với lòng “không sao đâu, tôi sẽ thực hiện ước nguyện cuối đời của Mùi”, tôi bảo:
– Mùi nè, không sao đâu, Mùi cứ lạc quan lên. Nhưng chuyện Mùi bị bệnh tim đừng nói cho ai biết nha, tôi sẽ cố gắng giúp Mùi thực hiện tâm nguyện được đi tu một lần nữa, nhưng Mùi hứa với tôi từ đây về sau phải sống cho thật hạnh phúc và trân trọng thời gian khi còn được hiện hữu trên cuộc đời này nha.
– Mùi cứ nổ lực tu hành thì tự nhiên Mùi sẽ trẻ và đẹp ra, khuôn mặt của Mùi sẽ sáng lên và biết đâu khi Mùi sống trong môi trường tốt, ăn uống điều độ và điều trị thường xuyên thì chứng bệnh tim sẽ qua khỏi thì sao.
Thế là tôi liên hệ với một sư cô quen, giới thiệu cho Mùi được tá túc tạm thời và ở công quả tập sự xuất gia.
Thời gian trôi…
Mỗi lần liên hệ hỏi sư cô về tình hình của Mùi, sư cô đều khen Mùi giỏi lắm, biết nghe lời và chăm chỉ học kinh, nhất là Mùi có giọng tụng kinh nghe rất ấm áp, chỉ có mỗi cái tội là hơi trẻ con và ăn nói cộc lốc vô duyên, nhưng cũng nhờ vậy mà từ khi có Mùi vào ở, mấy sư cô ở chùa vui lắm, nên ai cũng thương, sắp tới sư có về thăm cô Mùi là sợ sư không nhận ra luôn đó, Mùi bây giờ đẹp gái và tươi trẻ như con gái tuổi 20. Nói rồi, sư cô cười như ghẹo chọc.
Nghe sư cô nói vậy, tôi cũng thấy vui trong lòng, tôi hỏi:
– Thế chừng nào Mùi mới được xuất gia thưa sư cô.
– À, tính ra Mùi cũng đã vào chùa được 6 tháng rồi, có thể vào ngày Phật Thành Đạo sắp tới, sư cô sẽ cho Mùi xuất gia thọ giới Sa-di cùng với hai người nữa.
– Dạ, vậy tốt quá, con kỉnh ơn sư cô đã cưu mang Mùi và cho Mùi được xuất gia tu học.
Thế là buổi lễ xuất gia của Mùi cũng diễn ra trong ngày Phật Thành Đạo, lòng tôi vui mừng lắm, vì biết ước nguyện của Mùi đã viên tròn, Mùi đã được đi tu lại, được làm sư cô. Nghĩ thế, tôi mới quyết định gọi điện cho Mùi để chúc mừng và thăm hỏi.
– Alo! Cho con xin gặp cô Nguyễn Thị Hương Mùi ạ.
– À, sư chờ chút nha, để con vào kêu cô ra nghe máy.
Mùi nghe tôi gọi, Mùi vui lắm, chưa gì Mùi đã trách:
– Sư làm gì mà lâu quá rồi không thèm gọi điện cho Mùi.
Tôi cười nhẹ bảo: – Thì để cô Mùi nhà ta có thời gian mà an tâm tu học chứ. Lâu lâu gọi thăm Mùi là đủ rồi – chứ chư Tăng mà gọi cho chư Ni hoài người ta dị nghị.
Mùi cười: – Sư nè, Mùi xuất gia rồi, sư phụ đặt cho Mùi pháp danh là Thích Nữ Liên Trân, gần giống với pháp danh mà hồi xưa khi Mùi còn làm tiểu Ni đó sư, ở chùa an lạc lắm sư ạ, Mùi được mấy sư cô thương lắm còn giao cho Mùi hướng dẫn cho mấy bạn trẻ vào chùa tham dự khóa tu, Mùi còn giảng đạo lý cho mấy bạn đó nghe nữa, phải chi có sư ở đây mà nhìn thấy Mùi như thế là sư vui lắm, vì Mùi đã phần nào làm theo hạnh nguyện và lý tưởng của sư đã truyền trao cho Mùi. Mùi cười nhẹ rồi nói tiếp: – Mấy sư cô lớn ở chùa hứa, khi nào Mùi tu học tốt thì mấy sư cô sẽ dắt Mùi về quê để thăm mộ ba mẹ và thắp cho ông bà nén hương.
Nghe vậy tôi cũng mừng, tôi hỏi tiếp:
– Thế cái bữa xuất gia của Mùi thế nào? Có ấm cúng không?
Mùi chợt nhẹ giọng trả lời:
– Hai sư chị xuất gia chung với Mùi thì có đầy đủ gia đình ba mẹ vào tham dự để làm lễ từ biệt lần cuối ấm áp lắm, nhưng Mùi thì không có ai bên cạnh, lúc đó Mùi cũng tủi thân lắm. Vì Mùi thấy thương và nhớ ba mẹ của Mùi nhiều lắm. Hôm trước ngày xuất gia, sư phụ có hỏi – ngoài ba mẹ ra còn có ai là người thân để vào dự lễ không. Mùi chợt nhớ đến đứa con trai của mình ở dưới quê, Mùi gọi điện cho chú bác nhờ cho Mùi được gặp con để đưa nó lên dự lễ xuất gia của Mùi. Nhưng khi bắt máy lên, nó bảo:
– Nó không có mẹ, mẹ của nó chết lâu rồi.
Mùi nghe mà đau lòng lắm, không hiểu vì sao mà chồng của Mùi lại nhẫn tâm bảo Mùi đã chết – nói rồi tôi nghe được tiếng khóc thút thít của Mùi trong điện thoại.
– Nhưng không sau đâu sư, hôm đó Mùi chỉ tự mình phát nguyện và hướng về bàn thờ của cha mẹ dưới quê nhà mà đảnh lễ lần cuối, chắc ba mẹ nơi chín suối cũng thầm vui và chứng minh lễ xuất gia của Mùi. Mùi được làm sư cô rồi, Mùi vui lắm sư ạ, sau này sư có kêu tên Mùi thì sư nhớ gọi là Liên Trân nha, sư phụ bảo Liên tức là hoa sen, Trân tức là trân bảo, trân quý nghĩa là một loài sen báo của Phật pháp, nên có gì sư gọi Mùi là Liên Trân cho nó có ý đạo một chút – Mùi vừa nói vừa cười nhẹ.
– Mà sư biết không, sau lễ cạo đầu, sáng nào ngủ dậy Mùi cũng sờ đầu mình mà hạnh phúc lắm, Mùi cứ tự nói với lòng là Mùi đã được làm sư cô rồi, Mùi được tiếp bước ước nguyện của đời mình rồi. Mà có khi nhìn vào gương Mùi tự cười với mình khi thấy hình ảnh của mình trong gương khác quá, lạ quá, giống như người ngoài hành tinh vậy á – nói rồi Mùi cười lớn trong sự tế nhị.
Tôi bảo: – Trời, ai mà đi ví mình như người ngoài hành tinh hả cô Mùi kia – rồi tôi cười nói tiếp – làm sư cô rồi, Mùi nói gì ra cũng phải cẩn thận và suy nghĩ cho thật kỹ á nha, chứ không phải nghĩ gì nói đó như hồi xưa được nữa. Mùi phải trang nghiêm và từ tốn trong mọi hành động để thể hiện oai nghi và cung cách của một người xuất gia. Nói xong, tôi cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc mà Mùi đang cảm nhận, nên cõi lòng cũng cảm thấy vui lây và thương cho Mùi biết bao nhiêu.
Sau cuộc điện thoại đó, cũng khoảng thời gian rất lâu, tôi mới vô tình nghe được tiếng điện thoại vang lên, bên đầu dây bảo:
– Mô Phật, cho con hỏi có phải là sư…không ạ. Tôi trả lời – dạ đúng rồi ạ.
– Sư ơi! Sư cô Liên Trân bị bệnh tim qua đời vào tối qua rồi ạ.
Vừa nghe xong tim tôi chợt đau nhói, rồi tôi vội trả lời:
– Sư cô đợi con chút, để con tranh thủ xin sư phụ rồi về liền – cúp máy xong tôi chỉ biết nấc nghẹn từng hồi ngay cổ họng
– Mùi ơi!
Thế là đám Tang của Mùi (Sư cô Liên Trân) được diễn ra một cách đơn sơ và ảm đạm, không người thân bên cạnh, không người thương tiếc khóc thương gì cả. Đám tang chỉ diễn ra trong vòng hai hôm là đưa đi hỏa táng.
Chiều hôm đó, sau khi hỏa táng Mùi xong, tôi được một sư cô mang cho một bức thư tay do Mùi viết, Mùi dặn sư cô là chỉ gửi cho sư thôi, vì sư là ân nhân của cuộc đời Mùi, nên đây là những lời cuối cùng của Mùi dành cho sư.
Mở bức thư trong tay ra, tôi chợt nhớ đến hình ảnh ngày đầu tiên mà tôi gặp Mùi, một cô gái ốm yếu hiền lành đang nằm co ro ngay một góc tượng, rồi câu nói mà Mùi đã thốt ra đầu tiên:
– Sư ơi! Con đói quá – nhớ đến đây tôi chợt khóc thầm và từ từ mở bức thư ra đọc.
“Thưa sư! Con nhớ sư nhiều lắm. Đã lâu lắm rồi sao sư không về thăm con, mấy ngày qua đêm nào chứng bệnh đau tim cũng tái phát, con biết mình không thể qua khỏi nên vội viết vài lời cuối cùng gửi sư, với hy vọng sư sẽ đọc được những lời này.
Con nhớ sư nhiều lắm, nhớ khuôn mặt từ ái và tấm lòng của sư đã cứu lấy cuộc đời con. Con đã được đi tu, được làm sư cô và ngày con chết đi con cũng đã được đắp trên thân mình tấm Y vàng của Phật. Đời này, con vụng dại nên đường tu bị trắc trở chướng duyên, chỉ nguyện rằng kiếp sau có làm người, con xin được trở thành một chú tiểu xuất gia tu học từ bé để tiếp tục thực hiện hạnh nguyện của sư đã truyền trao và tiếp nối.
Con vẫn chưa được về quê thăm ba mẹ sư ạ, con sẽ không còn có dịp để mời sư đi cầu khỉ, ăn trái cây và đi chợ nổi nữa rồi. Con không còn được tận tay mình thắp nén hương cho ba mẹ lần cuối, nhưng sư ơi! Con hạnh phúc lắm, vì con đã vì chữ hiếu, vì ba mẹ, vì nghĩa vụ làm con mà đã đánh mất đi đường tu, nay con được trở về, được nương tựa với Phật dưới mái già lam với tiếng kệ lời kinh và được phụng sự chúng sanh dẫu trong một thời gian ngắn ngủi để được sống lại những tháng ngày với hương vị bình an, mầu nhiệm nơi cửa đạo. Con xin đội ơn sư đã hướng dẫn, dìu dắt và cưu mang.
Con xin sư một điều cuối cùng nữa, sau khi con có chết đi, xin sư hãy lấy tro cốt của con đem ra biển để rải khắp đại dương, để con được hòa mình vào với biển cả, với mây trời, để con được thong dong, được hóa thân thành cánh chim đại ngàn vỗ tung đôi cánh bay thật cao về phía chân trời, con sẽ tái sanh làm người, sẽ làm chú tiểu và sẽ tiếp tục đi tu để hoằng truyền Phật pháp, trước khi sư rải tro cốt của con, sư hãy chú nguyện, chúc phúc cho con như vậy nha.
Thương kính sư của con nhiều lắm! Chào sư”.
Ký tên: Mùi (Sư cô Liên Trân).
Cầm bức thư vừa đọc mà hai dòng nước mắt của tôi cứ chảy dài –
“Sư cô ơi! Mùi ơi! Sư sẽ thực hiện ý nguyện cuối cùng của đời Mùi mà”.
Sáng hôm ấy, tôi thỉnh thêm hai sư bạn của mình nữa và mướn một chiếc ghe nhỏ để đưa hài cốt của sư cô ra biển để rải theo tâm nguyện cuối cùng của Mùi. Tụng kinh, chú nguyện xong, tôi bắt đầu lấy tro cốt trong hủ ra và rải đi, nhìn từng hạt bụi từ thân xác của Mùi bay đi theo chiều gió mà tôi chỉ biết khóc mà thầm nói:
– Mùi ơi! Hãy bay thật cao và thật xa nha Mùi.
– Sư cô ơi! Hãy tiếp tục mang hạnh nguyện vào đời nha.
– Mùi ơi! Sư cô ơi! Vĩnh biệt!…
Giác Minh Luật
Bangkok, 03/012/2017. Viết về cô – Mùi ạ. Ảnh: minh họa.
Discussion about this post