LÀM SAO ĐỂ CHẾT
MỘT CÁCH AN LÀNH THEO LỜI PHẬT DẠY
Nguyễn Tối Thiện
Làm người ai cũng phải chết. Một khi đã có thân tâm này thì một lúc nào đó sự sống sẽ chậm dứt. Đó là định luật thiên nhiên. Theo Phật Giáo, chết là sự chấm dứt của 3 yếu tố : mạng căn (jīvindriya, énergie vitale), nhiệt lượng (usmā) và tâm thức (viññāna). Nó được diễn tả bởi sự chấm dứt tạm thời của đời sống vật lý và tâm lý của một chúng sinh trong một kiếp sống cá biệt và rồi sự sống sẽ được tiếp diễn trong một hình thái khác. Ngày nay, khoa học định nghĩa : “Chết là sự chấm dứt của tất cả những dấu hiệu sinh hoạt óc não căn bản, nhất là của sinh hoạt điện não và điện não đồ sẽ bằng thẳng” (Santé et Médecine, Claire Brisset et Jacques Stoufflet, La Découverte / Inserm/ / Orstom, 1988).
Đối với Phật Giáo, những giây phút cuối cùng của kiếp sống rất là quan trọng, nó có thể quyết định cảnh giới tái sinh liền sau đó. Nếu con người chết với một tâm trạng bình an và cơ thể không đau đớn vật vả, thì ta có thể dự đoán là họ sẽ được tái sinh trong cõi an vui. Nhìn cái chết có thể ước
đoán được kiếp tương lai.Vì thế nên chúng ta phải chuẩn bị ngay từ bây giờ và phải hiểu rõ cơ chế của sự chết và sự tái sinh.Bài này giúp ích cho những ai chấp nhận những giáo lý căn bản của Phật Giáo, coi sự tái sinh và luân hồi là một điều hiển nhiên như trái đất quay chung quanh mặt trời.
Trong một bản nhạc, Trịnh Công Sơn có nói tới “Một cõi đi về” :
Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi,
Đi đâu loanh quanh cho đời mõi mệt.
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về.
Lúc mới nghe mình chưa hiểu, về sau mới bàng hoàng thấm thía : Trịnh Công Sơn nói về sự luân hồi của con người. Ông chỉ nói tới “một cõi đi về” thôi, nhưng trong Phật Giáo chúng ta phải hiểu là có tới 31 “cõi đi về” :
– 4 cõi khổ (Loài Thú, Ngạ Quỉ, A Tu La, Địa Ngục) ;
– 1 cõi người (có 4 hạng : vô nhân, nhị nhân, tam nhân và thánh nhân) ;
– 6 cõi Trời Dục Giới ;
– 3 cõi Sơ Thiền Sắc Giới ;
– 3 cõi Nhị Thiền Sắc Giới ;
– 3 cõi Tam Thiền Sắc Giới ;
– 7 cõi Tứ Thiền Sắc Giới ;
– 4 cõi Thiền Vô Sắc Giới.
Con người loanh quanh đi về trong 31 cõi trên qua 4 cách sinh thành :
1- noãn sinh (những thú vật sinh ra từ trong trứng, như gà, vịt, chim, rắn…) ;
2- thai sinh (những sinh vật sinh ra từ trong bào thai, như con người hay những động vật có vú)
3- thấp sinh (những sinh vật sinh ra từ chỗ ẩm thấp, như những ký sinh trùng sống trong ruột chúng ta hay dưới đất, dưới lòng biển…) ;
4- hoá sinh (chư thiên và ngạ quỷ) nhờ không qua trung gian cha mẹ, không nằm trong thai bào, thoắt một chốc đã hóa hiện, nên những vị này nhớ lại được kiếp trước dễ dàng.
Theo Phật Giáo, con người có thể chết bằng một trong 4 cách sau đây :
1- Chết vì hết tuổi thọ (āyu) : Mỗi loại chúng sinh, mỗi loại sinh vật có tuổi thọ riêng của chúng. Con người ở các thời đại khác nhau, ở các quốc độ khác nhau, có tuổi thọ trung bình khác nhau. Hiện tại, tuổi thọ trung bình của người Pháp là 84 tuổi cho đàn bà và 77 cho đàn ông. Trước đây mấy thế kỷ, tuổi thọ không được như vậy. Tuổi thọ trung bình có thể là một biểu hiện của sự văn minh tiến bộ của một quốc gia. Trong Kinh Phật có đề cập tới tuổi thọ của con người ở từng thời đại của quả địa cầu, có khi thật dài, có khi thật ngắn.
2- Chết vì hết nghiệp (kamma) : Nghiệp ở đây muốn nói tới sinh nghiệp (janaka kamma, kamma générateur) của kiếp sống hiện tại ở một người bình thường, vì đối với vị A La Hán khi chết (nhập Niết Bàn) thì tất cả nghiệp của Ngài đều được đoạn diệt, sinh nghiệp hoàn toàn chấm dứt. Sinh nghiệp là năng lực có thể làm phát sinh và duy trì tâm và vật chất trong đời sống hiện tại, đồng thời lúc vừa chết có khả năng tái tạo một đời sống mới, nó là sức mạnh để đưa đi tái sinh. Đây là một định luật thiên nhiên, Đức Phật lúc còn tại Thế cũng không làm gì được trước sức mạnh của sinh nghiệp cho người hoặc cho chính Ngài. Mặc dù, theo truyền thuyết, những vị Chánh Đẳng Chánh Giác có khả năng kéo dài cuộc sống thêm một ít lâu, nhưng Đức Phật cũng không làm.
3- Chết vì hết tuổi thọ và hết nghiệp : Đây là sự trùng hợp của hai nguyên nhân ở trên. Đây cũng có thể nói về cái chết của các vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác, Độc Giác hay các vị A La Hán khi hết tuổi thọ (ngài Ananda chết lúc 120 tuổi).
4- Chết vì một Đoạn nghiệp (upaghàtaka kamma, K.destructeur) : Có những đoạn nghiệp cho quả làm cắt đứt thình lình dòng sinh nghiệp trước kỳ hạn của kiếp sống. Như cái chết của Đề Bà Đạt Đa, người em họ đã không ngừng hãm hại Đức Phật vì ganh tức và muốn tranh ngôi giáo chủ.
Đây cũng có thể là những cái chết bất đắc kỳ tử, chết yểu, chết do tự tử.
Những diễn tiến của sự chết
Đối với Phật Giáo, những giây phút cận tử (trước khi chết) rất quan trọng, bởi vì nó cho ta cơ hội cuối cùng để thi thố áp dụng sự tu tập, tất cả những công đức tu tập bấy lâu nay chỉ gom lại trong giây phút cuối cùng này thôi. Đồng thời trong giai đoạn này có những dấu hiệu (biểu tượng, hình ảnh, tướng=nimitta) xuất hiện trong tâm người sắp chết, nhờ đó những thân nhân có mặt bên cạnh có thể trợ giúp cho người ấy được ra đi một cách êm đẹp và có thể được tái sinh vào những cõi cao thượng hơn. Những dấu hiệu này có 3 loại :
1- Nghiệp cuối cùng qua tư tưởng, lời nói hay việc làm của người sắp chết, chẳng hạn :
* tư tưởng muốn trở lại thế gian này để làm tròn hạnh nguyện bồ tát hoặc trở lại vì dính mắc với gia đỉnh, tài sản… (chuyện nhà sư trở lại làm con rệp trong chiếc y của mình, hay ông triệu phú làm con chó để giữ của) ;
* Lời nói thù hận trước khi chết : “Hãy trả thù cho ta” (sự tích người ăn trộm bị giết chết) ;
*Việc làm của những cảm tử quân ôm bom để giết hại kẻ thù, hoặc hành động tự tử.
2-Nghiệp tướng (Kamma nimitta) : Những biểu tượng của nghiệp xuất hiện lúc gần chết, như thấy hình ảnh con dao đối với người bán thịt, thấy cái lưới đối với người chài cá, hoặc thấy hình ảnh Phật đối với người mộ đạo. Đó là những hình ảnh, dụng cụ mà những người đó trông thấy mỗi ngày.
3-Biểu tượng “cõi tái sinh” (có sách gọi là thú tướng, biểu tượng thọ mạng [gati nimitta, signe de destination]) : Những hình ảnh có liên quan đến cảnh giới mà người hấp hối sắp được tái sinh tới.
Theo sách Thanh Tịnh Đạo (chương XVII, mục 137-141) và theo ‘Năm hình ảnh trước cửa tử’ (của Hòa Thượng Rastrapal ‘Five visions of a dying man’, Bodhi Leaves n°150 – Buddhist Publication Society – 2000) : ”Ai bị đọa xuống Địa Ngục sẽ thấy lửa ; ai bị đọa làm Ngạ Quỷ sẽ thấy xung quanh mình tối tăm ; ai sinh làm Thú Vật sẽ thấy rừng rú, súc vật và muông thú ; ai sinh làm Người sẽ thấy thân nhân đã khuất hoặc thấy bộ lòng của mẹ mình ; và ai sinh lên cõi Trời sẽ thấy cung điện, vườn hoa trên Thiên giới. Thường thường, 5 hình ảnh này sẽ hiện ra cho người hấp hối”. Nhờ những hình ảnh này mà những người làm công việc hộ tử[xem phía dưới] có thể giúp cho người hấp hối thoát ra khỏi những cõi tái sinh đen tối kéo dài hằng bao nhiêu kiếp vô định.
Dù đang sống hay lúc chết tâm thức con người diễn biến theo những lộ trình tâm ; mỗi lộ trình có trung bình từ 13 tới 17 sát-na tâm (một sát-na tâm là 1 đơn vị thời-gian-tâm cấu tạo nên lộ trình tâm). Những lộ trình tâm này diễn biến liên tục không ngừng từ quá khứ hiện tại vị lai trong suốt hành trình sanh tử luân hồi luân lưu qua 31 cõi. Lộ trình tâm-tử tiếp nối tức khắc bởi lộ trình tâm-tái-sinh và cuộc tử sanh lại tiếp tục. Không có 1 khoảng cách đứt đoạn nào mà tâm lang thang trong cõi Trung Ấm. Đó là quan điểm của Phật giáo Nam Tông, của Vi Diệu Pháp và Duy Thức Học.Chúng ta phải phân biệt rõ ràng giữa thực tại chân lý và truyền thống qui ước của con người.
Theo sự nghiên cứu của nhà tâm lý học Pháp Jean Pierre SCHNETZLER, dựa trên tài liệu của giáo sư Ian STEVENSON Mỹ (đã bỏ ra cả cuộc đời để nghiên cứu về hiện tượng tái sinh) thì trên 616 trường hợp thuộc nhiều nước khác nhau, có 10 nền tảng văn hóa khác nhau, khoảng cách trung bình từ lúc chết cho tới khi tái sinh ở kiếp sau là 15 tháng, dài nhứt là 25 năm và ngắn nhứt là 6 tháng (với dân Druses ở Liban). Như vậy 49 ngày không phù hợp với thực tại khoa học nghiên cứu bởi các nhà khoa học hiện đại.( xem sách De la vie à la mort/ J.P. Schnetzler/ Dervy).
Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng thường nói là con số 49 ngày không có căn cứ rõ ràng và chính xác, nó có thể ngắn hơn hoặc dài hơn bởi vì thời gian của kiếp sống con người khác với thời gian của các cõi âm hay của các cõi sống khác. Con số 49 ngày hay 7 tuần do con người qui ước định ra để làm ma chay cho người quá cố hầu làm an tâm cho chính mình.Lâu ngày trở thành 1 tập tục của Phật giáo Bắc truyền và của cả một số phật tử Nam truyền Việt Nam nửa. Do đó không thể có 1 cõi Thân Trung Ấm nào mà trong đó tâm thức con người sống vất vưởng không nương tựa vào 1 cõi sinh tồn nào trong 31 cõi.
Theo Vi Diệu Pháp trước khi chết người ta bắt được 1 ý tưởng nào đó qua ý môn, người đó chết bằng lộ trình tâm “Ý Môn Cận Tử” hoặc người ta bắt được 1 cảnh nào đó xuyên qua 5 cửa của giác quan, người đó chết bằng lộ trình tâm “Ngũ Môn Cận Tử” ;.
Tâm gì quan trọng để đi tái sinh ?
Xem tiếp:
Muốn chết an lành
Discussion about this post