GÁNH NẶNG CỦA NGHIỆP
Lê Khắc Thanh Hoài
Hoặc trên trời dưới biển
Hay trốn vào động núi
Không chỗ nào trên đời
Trốn được quả ác nghiệp. (1)
Bốn câu thi kệ trên nói rõ về ác nghiệp đã làm, không thể nào trốn tránh hậu quả của nó, nhưng về thiện nghiệp thì sao ?
Chắc chắn quả báo cũng không khác, bất kỳ ở đâu, ở thời nào, cảnh nào, lúc nào mà đủ nhân đủ duyên thì người gieo thiện nghiệp cũng sẽ hưởng được phước báo từ thiện nghiệp đó.
Chóng chày thiện ngiệp đều mang trái
Không nghiệp gì không có quả mang
Chẳng có việc lành nào uổng phí. (2)
Thiện nghiệp hay ác nghiệp cũng đều là Nghiệp và từ Nghiệp mà có quả báo tương ưng với nghiệp thiện hay ác đó. Vậy ta hãy tìm hiểu Nghiệp là gì ? Quả báo của Nghiệp như thế nào ? Làm thế nào để thoát khỏi gánh nặng của nghiệp đè lên trên cuộc sống mà hầu như chỉ toàn là vay trả, trả vay cũng như làm sao thoát được sức lôi cuốn của Nghiệp lực đẩy con người trôi lăn trong vòng luân hồi sinh tử ?
Như vậy bài viết này rõ ràng chú trọng đến hai điểm, một là hiểu rõ Nghiệp là gì và hai là làm sao thoát được, trút bỏ gánh nặng của Nghiệp.
Nghiệp là gì ? Chữ nghiệp quá quen thuộc với ai là phật tử và cũng lần lần lan tỏa ra khắp mọi nơi, mọi người, dù không là phật tử cũng có khi buột miệng thốt lên « Cái nghiệp của tôi đấy !” khi cái thân hay tâm bắt buộc phải chịu đựng một điều, một việc, một tình huống, một hoàn cảnh, một liên hệ, giữa người với người, hay đối với cả súc vật, với sự vật, với cả thiên nhiên mà điều ấy, việc ấy, tình huống ấy, hoàn cảnh ấy … chỉ đem lại thống khổ, bức bách, ràng buộc, đau đớn, khó chịu. Không ai nói chữ nghiệp, là nghiệp, khi thân và tâm đang được hưởng điều lành, điều hạnh phúc, điều dễ chịu, điều khoan khoái.
Thực ra, nghĩ như vậy về Nghiệp là một sai lầm. Dù là tốt hay xấu, hạnh phúc hay đau khổ, tất cả đều được xem là Nghiệp.
Thêm một điều sai lầm khác nữa mà thế gian, phàm phu chúng ta hay vấp phải là đổ thừa mọi lỗi lầm, mọi nỗi khổ lên đầu Nghiệp và xem Nghiệp không khác một « định mệnh » là tiền định, là bất di bất dịch, là điều mình phải gánh chịu, không thể nào thay đổi, làm khác hơn.
Gốc của chữ Nghiệp từ tiếng Pali là Kamma và Sanskrit là Karma. Nghĩa đơn giản, ngắn gọn, thông thường là hành động, việc làm. Chữ Karma này trở nên thông dụng từ Á sang Âu, từ Đông sang Tây, từ khi đạo Phật được truyền đi khắp nơi trên thế giới. Trên đầu môi chóp lưỡi, không ai không biết, không nói đến Karma. Cho thấy giáo lý về Nghiệp thật dễ dàng được tiếp thu vào lòng người. Bởi lý do đó mà Nghiệp cần được hiểu cho thấu đáo.
Nói đến chữ Nghiệp như là hành động, hành vi, việc làm, thì quả là đơn giản nhưng lại quá phức tạp trong giáo lý nhà Phật về chữ Nghiệp này.
Vì sao ? Vì không phải cứ hành động là có Nghiệp. Một cánh tay giơ lên hay duỗi ra cũng là một hành động nhưng không là Nghiệp. Một hít thở vào ra cũng là một hành động nhưng chẳng phải là Nghiệp. Khi cánh tay giơ ra với cái ý muốn đánh ai, muốn giết ai thì đó mới gọi là Nghiệp. Một hơi thở vào thở ra được chú ý, được để tâm, điều hòa thân, quán sát thân, quán sát tâm với mục đích đưa thân và tâm vào cảnh giới thiền định thì đó mới được gọi là Nghiệp.
Khi một cử chỉ, việc làm, hành động mà hướng đến một mục đích rõ ràng, có một đối tượng rõ ràng và có cái tâm cố ý, thật tình muốn thực hiện theo ý nghĩ, có thể tốt, thiện mà cũng có thể xấu, ác đối với đối tượng đó thì cử chỉ, việc làm, hành động ấy mới được gọi là Nghiệp.
Ăn uống, ngủ nghỉ cũng là những hành động nhưng không phải là Nghiệp. Tuy nhiên cũng nên coi chừng, những thói quen lâu ngày, lập đi lập lại cũng có thể trở thành Nghiệp lúc nào không hay. Thí dụ, ăn uống, ngủ nghỉ cũng vừa phải, đúng lúc, đúng thời nhưng một khi không biết điều hòa, quân bình, trở nên tham ăn, tìm kiếm món ngon vât lạ cho sướng miệng, phải giết phải hại súc vật, và ngủ nghỉ thì quá độ trở nên lười biếng, sẽ không biết cố gắng, làm việc, học hành không kết quả tốt, đưa đến thất bại, thua thiệt thì sinh sân hận. Sân hận rồi thì không tránh khỏi mắng nhiếc, chửi bới hay sẽ có những hành động mạnh hơn, cố ý làm hại người, hại vật do đó mà thành Nghiệp. Thói quen cũng được huân tập từ thuở bé bỏng, được cha mẹ nuông chiều, ăn ngon, mặc đẹp, đi chơi, đủ trò để tiêu khiển, có người làm phục dịch, quen cái đà như thế, lớn lên mà không sống được như thế thì trở thành người bất mãn, tánh tính hay cau có, giận dữ, khó thương, mọi người xa lánh, ghét bỏ.
Từ một thói quen nhỏ mà có thể trở thành Nghiệp lớn lúc nào không hay. Thí dụ, mỗi sáng phải có một tách cà phê, mùi cà phê lâu ngày thấm vào mũi, sinh ghiền, không có cà phê mỗi sáng là không chịu được, sự thèm thuồng thúc đẩy phải hành động, phải đi kiếm cà phê cho được, nhưng xui xẻo, chẳng còn đồng xu nào dính túi, chạy đi xin, đi mượn, không ai cho, nổi nóng, nổi tức, sinh gây gổ, mới đầu chỉ là từ miệng tạo nghiệp, từ từ tới thân tạo nghiệp, lấy tay, lấy chân đấm đá, hành hung người…Đó là chưa nói đến những cái ghiền, nghiện các thứ độc hại hơn nữa mà sự thèm thuồng, thiếu thốn làm mất thăng bằng, rất khó chịu đựng và khó làm chủ được thân, tâm, có thể dẫn đến việc giết người.
Chữ Nghiệp này, cái hành động này, hành vi này, việc làm này không chỉ được tạo tác, tạo thành là xong mà còn kéo theo cái kết quả, hậu quả liên quan đến sự tạo tác, tạo thành đó. Gọi đó là Nghiệp Quả hay Nghiệp Báo. Giơ tay lên để đánh đập, giết người thì sẽ bị quả báo của sự giết hại là tù tội hay bị giết lại. Hành thiền, chú tâm vào hơi thở thì thân, tâm được điều phục đưa đến kết quả là chứng sơ thiền, nhị thiền…Giết hại súc vật cũng chịu quả báo bị giết hại lại, sân hận, chửi bới mắng nhiếc cũng chịu quả báo bị chửi bới mắng nhiếc lại.
Có những cái Nghiệp không thiện, không ác mà lại…vô duyên ! Chỉ vì đam mê, thích tìm « cảm giác mạnh », chơi những trò nguy hiểm đến tính mạng như đua xe tốc độ cao, trèo đỉnh núi, trược tuyết, trược băng…hay chỉ vì không chịu tìm hiểu, không chịu nghe lời khuyên bảo, sống không điều độ, không quân bình, ăn uống cẩu thả, không hợp vệ sinh, không biết tiết chế, thả lỏng mình, sa vào tình dục vô độ, tà dâm, nghiện ngập, hút sách, hậu quả là sinh bệnh sinh tật, rút ngắn thọ mạng. Thật đáng tiếc thay !
Nơi kinh Thủy Sám, chúng ta đọc được câu : « Kẻ phàm phu, mỗi khi động chân cất bước là đã có tội » Tội ở đây cũng là Nghiệp. Phàm phu chúng ta rất dễ, quá dễ tạo nghiệp. Một cử chỉ, một việc làm, một hành động mà chỉ biết qui về cho chính mình, cho cái Tôi được điều này, hưởng điều kia, bị những nhu cầu ràng buộc, đòi hỏi cũng như chịu những áp lực bên ngoài, những mối lo âu, từ việc làm, từ gia đình, bị những tình cảm riêng tư chi phối, hoặc chỉ vì bịnh tật, thể xác không còn sức lực, trí minh mẫn để làm theo như ý mình thì rất dễ vướng vào tham lam, sân hận và si mê. Ai khác mà động đến cái thân, cái Ngã của mình hay những gì liên quan trực tiếp, gián tiếp tới mình, tới thân bằng quyến thuộc, hay chỉ là súc vật, đồ vật thuộc sở hữu thì tức khắc hành động để tự vệ, bảo vệ, binh vực, che chở nên thường vấp phải sự nóng giận, mất khôn dẫn đến hành động sai trái, dẫn đến tạo Nghiệp.
Ngôn ngữ Việt chúng ta có hai chữ Tội Nghiệp để chỉ lòng thương xót, thực ra hai chữ này có nguồn gốc và ảnh hưởng của Phật giáo, ý nói đến cái nghiệp đã tạo nên phải mang cái tội và cái khổ đang phải chịu đựng chính là đang trả quả cho cái nghiệp, cái tội đã làm.
Nghiệp Quả hay Nghiệp Báo đều liên hệ mật thiết đến luật Nhân Quả và thuyết Luân Hồi, Tái Sinh. Các thuyết này đã có và được lưu truyền ở Ấn Độ từ trước khi Phật ra đời và cũng được đức Phật nhắc đến trong giáo pháp của ngài :
« Tất cả chúng sanh đều mang theo cái Nghiệp của chính mình như « một di sản, như vật di truyền, như người chí thân, như chỗ nương « tựa. Chính vì cái nghiệp riêng của mỗi người mỗi khác nên mới « có cảnh dị đồng giữa chúng sanh »(3)
Chúng ta hiểu do sự chênh lệch, khác biệt giữa các Nghiệp, hành động, hành vi tạo tác mà có sự khác biệt, chênh lệch trong sự tái sinh. Có người tái sanh nơi chỗ giàu sang, phú quí, có người chỗ nghèo khó thấp hèn, có người được tướng mạo xinh đẹp, đoan trang, có người hình thù xấu xí, thô kệch, tàn tật, có người thông minh, kẻ ngu độn, có người tài giỏi, kẻ vô tích sự, có người được tiếng tốt danh thơm, kẻ vô danh lại bị dèm pha, khinh bỉ, có người đuợc quyền uy, chức vị, kẻ tôi tớ, nô lệ…Tất cả đều do hành động sai trái hay tốt lành đã tạo trong đời trước và ngay cả hiện đời. Những hành động của hiện đời sẽ quyết định cho quả báo của đời tương lai. Như vậy nên hiểu rằng, quả báo từ các hành động có thể đến từ quá khứ mà cũng có thể đến từ những hành động trong hiện tại. Cũng như những hành động từ quá khứ lâu xa vẫn có thể chưa trổ quả ở đời hiện tại và sẽ trổ quả ở đời tương lai. Lý do đều là chưa đủ điều kiện, chưa thuận duyên mà thôi. Do đó khi nói đến nhân quả, nghiệp báo thì luôn nghĩ đến ba đời quá khứ, hiện tại và tương lai mà không ngạc nhiên khi thấy người làm ác đời hiện tại mà vẫn không chịu một hậu quả gì, vẫn «phây phây » thụ hưởng giàu sang phú quí hay không bị tù tội, cũng như người làm lành lại gặp bao cảnh éo le, oan ức, khổ sở.
Cho dù hiểu rằng Quả Báo đều do Nghiệp mà ra nhưng đức Phật cũng dạy không nên đổ thừa hết cho Nghiệp và khoanh tay chịu trận hay hưởng thụ. Được phước báo thì sung sướng vui mừng, sẽ dễ ỷ lại, tự kiêu, tự mãn, ham lo thụ hưởng mà quên bồi đắp, vun trồng thiện pháp, phước lành cho tương lai. Phước hưởng hết rồi thì cũng trắng tay, sẽ trở lại nghèo cùng, rơi vào khốn khổ, đọa lạc. Ngược lại, người phải chịu khổ đau thì dễ chán nản, thối chí, làm trở ngại cho tín tâm, sinh ganh ghét, oán hận và như thế cũng không biết thực hành thiện pháp, dành dụm tư lương cho đời sau, cũng như không biết rằng thực hành thiện pháp trong hiện đời cũng có thể đem lại quả báo tức khắc trong hiện đời. Gọi đó là quả báo nhãn tiền.
Vậy hiểu Nghiệp thì nên hiểu với tinh thần tích cực vì mục đích của con người nói chung và của phật tử nói riêng chính là thoát khổ, mà thoát khổ cũng là thoát khỏi gánh nặng của Nghiệp đè lên trên đôi vai của mình.
Không là phật tử nhưng biết hành động đúng với đạo đức, lẽ phải thì tất nhiên là vẫn được quả báo tương ưng với hành động thiện đó, dù mình không tin, không muốn, quả báo nó cũng tự nhiên mà đến. Định luật nhân quả tất yếu là như vậy. Trường hợp ngược lại cũng thế, nếu hành động xấu ác, sai trái thì quả báo cũng xấu ác, sai trái, phải chịu đền tội, trả nợ dù muốn dù không.
Là người phật tử thì lại càng chú trọng đến hành động của mình vì có lòng tin vững chắc nơi Nghiệp báo, luân hồi, tái sinh và tin nơi giáo pháp của Phật để tự giải thoát.
Thế thì chú trọng đến hành động là như thế nào ? Chính là luôn luôn quán sát và làm chủ Tâm mình. Mọi hành động đểu chỉ tuân thủ theo cái Tâm.
Tâm dẫn đầu mọi pháp
Tâm chủ, tâm tạo tác (4)
Cái Tâm nhận ra cảnh, đối tượng được thấy, được nghe, được ngữi, được nếm, được đụng chạm, được biết qua sáu giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Như thế rồi là có ngay : Tôi thích cái này, ghét cái kia, Tôi muốn cái này, thèm khát cái kia, Tôi phải có cái này, sở hữu cái kia, Tôi phải là như thế này, không thể là thế khác…
Và cái Tâm này thúc giục Ý hành động, Thân hành động, Khẩu hành động. Nghiệp thành hình. Nghiệp có mặt rồi thì kéo theo Quả :
Đã gieo giống nào
Thì sẽ gặt quả nấy
Hành thiện sẽ thâu gặt quả lành
Hành ác sẽ thâu gặt quả dữ. (5)
Vậy, Nghiệp có thể lành, thiện mà cũng có thể ác, dữ cũng như chẳng lành chẳng dữ, chẳng thiện chẳng ác, gọi là vô ký. Tùy theo bản chất lành dữ, thiện ác của Nghiệp mà có Quả tương ưng. Và cũng tùy theo mức độ mạnh, nhẹ của cái ý muốn, của cái Tâm lúc hành động, là cố ý hay vô tình mà Quả báo cũng có nặng, nhẹ, khinh hay trọng. Chính động lực thúc đẩy hành động và trạng thái tinh thần, hay Tâm, lúc hành động là yếu tố quan trọng quyết định tánh chất của Nghiệp và quả báo kéo theo đó.
Do cái Tâm chấp Ngã, muốn làm thỏa mãn cái Tôi mà dẫn tới hành động thiện cũng như ác. Và cái lòng muốn này chẳng gì khác là Ái hay Tham ái, Tham dục. Mà một khi có Tham là sẽ kéo theo Sân hận, si mê. Tham lam, khao khát thoả mãn cái Tôi mà không được như ý thì sẽ nỗi bực tức giận dữ, từ Tham cũng sinh ganh ghét do đó sẽ đưa đến những hành động ác, não hại người. Lại nữa, vì Ái có gốc rễ từ Vô Minh, sự không hiểu biết cái không thật, giả dối của cái Tôi này nên sẽ dẫn dắt đến hành động sai trái, mê lầm, không sáng suốt. Cung phụng, tôn thờ cái Tôi này chỉ là tai họa. Ngược lại, nương nhờ nó để tìm đến con đưởng thoát khổ mới là điều nên làm. Nương nhờ nó để tạo điều lành, đem an vui hạnh phúc, lợi ích cho mình cho người mới là điều nên làm. Cũng từ hành động mà ra, nhưng được tạo tác theo chiều hướng tốt, đúng, hợp với đạo đức, lẽ phải thì hành động ấy đem lại kết quả tốt lành, nhưng nếu tạo tác theo chiều hướng xấu, ác thì sẽ gặt hái kết quả xấu, ác mà thôi. Giản dị như thế.
Chúng ta nhận ra hành động được tạo tác qua ba « công cụ » là Thân, Khẩu và Ý. Hành động ác thì nhiều vô số kể nhưng được xếp loại thành một số chính yếu : nơi Thân thì có sát hại, trộm cướp và tà dâm, nơi Khẩu thì có nói dối, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, nói hung ác, nơi Ý thì có tham, sân, si. Hành động lành thì cũng từ Thân, Khẩu, Ý và cũng từ các hành động chính yếu của ác mà làm ngược lại, nơi Thân thì không giết hại mà bảo vệ mạng sống, không trộm cướp mà bố thí, cung cấp vật dụng, bảo đảm đời sống vật chất, không tà dâm mà chung thủy, trọn tình trọn nghĩa. Nơi Khẩu thì nói lời chân thật, lời hòa ái, lời hiền hậu, lời đứng đắn, gây tin tưởng, bằng lòng, không tranh cãi. Nơi Ý thì biết dứt trừ hay hạn chế lòng tham, biết thiểu dục tri túc, không gây hấn, tỵ hiềm, kiếm chuyện hơn thua, tranh giành, hiểu biết phân minh điều phải, lẽ trái, hiểu đạo lý, đạo đức thông thường áp dụng trong đời sống của thế gian, của gia đình, của cộng đồng, của xã hội, và Phật tử thì thông hiểu giáo pháp Phật.
Từ hành động mà tạo ra Nghiệp là do nơi Tâm. Tâm cũng chỉ có ba hướng đi rõ rệt, một là thiện, hai là ác, ba là chẳng thiện chẳng ác. Tâm có chủ đích hành động để não hại người cũng như não hại chính mình đều là ác, Tâm hành động để đem lợi ích, an lạc cho người, cũng như cho mình đều là thiện. Nếu chỉ thiện cho người mà thiếu sót với chính mình thì cũng chưa hẳn là thiện. Ngược lại, chỉ thiện cho mình mà không thiện với kẻ khác thì cũng không phải là thiện đúng nghĩa. Chú trọng đến bản thân là đúng, nhưng không đi quá trớn đến mức ích kỷ, tự tôn, tự mãn, tự ái. Tâm ác thì tạo nghiệp ác đưa đến quả ác, tâm lành thì tạo nghiệp lành đưa đến quả lành.
Như đã đề cập bên trên, nói đến Nghiệp ác thì nhiều vô số kể. Không phải chỉ thấy tay người chém giết, gây thương tích đổ máu mới cho là ác. Hành động đối với người khác, cũng như đối với chính mình, làm cho đau khổ, tuyệt vọng, thối chí, xuống tinh thần, rơi vào đường cùng, rơi vào chỗ bê tha, trụy lạc, nghiện ngập, cờ bạc, mất phẩm giá, mất lương tri, mất cả trí khôn, trí tuệ, không giáo dục, không chỉ bày, làm cho rơi vào tà kiến, cho đến chỉ là chửi mắng, khinh khi cũng là ác.
Cũng thế, nói đến Nghiệp lành thì chẳng phải chỉ có bố thí, lo cho người cũng như lo cho chính mình, đầy đủ miếng cơm manh áo, thuốc men, chỗ trú ngụ mà chỉ cần một cử chỉ, một lời an ủi, khuyến khích, nhỏ nhẹ, đầy cảm thông, đầy tình thương, làm ấm lòng, gây hoan hỉ, tạo niềm tin, gieo hi vọng, hoặc chỉ bày, giáo dục, giúp mở mang trí khôn, trí tuệ, đó cũng chính là lành.
Tâm như thế nào thì tạo nghiệp như thế đó.
Tâm tham thì tạo nghiệp tham, làm mọi việc để thu về cho mình, tích lũy tiền của, tài sản, vật chất…Tham cũng có thể là tham ăn, tham ngủ, tham mặc đẹp, tham ở nhà lầu, xe hơi, tiện nghi, tham tình dục, tham hưởng thụ…Tham cũng có thể là tham danh vọng, tiếng tăm, sự nghiệp, địa vị. Tham nhiều vô số kể nhưng tựu trung cũng chỉ là để cung phụng cho các giác quan được thoả mãn. Thỏa mãn cái tôi vừa vật chất vừa tinh thần. Tâm ái nhiễm thì lụy vì tình, yêu đương, đắm đuối, thích gắn bó, liên hệ tình cảm…Tâm sân hận thì thích cãi cọ, kiện cáo, vạch lỗi, tranh giành, hơn thua, Tâm si mê thì khư khư cứng đầu, không nghe ai, chỉ cho mình là đúng, vọng tưởng, lệch lạc.
Thật ra một khi mà Tâm đã chấp vào điều gì đó thì chỉ gây vấn đề, tạo rắc rối, phiền não mà thôi. Thiện cũng như ác. Nói ác thì dễ hiểu rồi, một hành động ác luôn gây tổn hại, tổn thương, chướng ngại, gây khổ đau. Nhưng đôi lúc làm thiện cũng gây tổn hại, tổn thương, chướng ngại, khổ đau. Thí dụ chỉ vì muốn che chở cho người mình thương mà có thể vu oan giá họa cho người vô tội, mưốn làm vừa lòng hay được lòng người này, đôi khi lại phải giết hại để cung cấp của ngon vật lạ, muốn bảo vệ đất nước, lãnh thổ mà phải sát phạt quân thù xâm lăng, muốn tôn giáo của mình được nhiều người hưởng ứng mà sinh ra cuồng tín, dẫn đến tà kiến, bạo lực.
Con người tạo nghiệp tốt hay xấu, lành hay dữ là từ cái Tâm chọn lựa lành dữ, xấu ác. Tâm này bị bao phủ bởi vô minh, tà kiến, không có chánh kiến, chánh tư duy thì sẽ suy nghĩ sai lầm, hành động sai lầm, sa vào đường ác và cũng là ba ác đạo, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Tâm được chỉ bày, uốn nắn, điều phục, có chánh kiến, chánh tư duy thì sẽ hành động đúng, được sanh vào cõi thiện của trời, người.
Như lời Phật dạy : « Phước báu và tội lỗi mà con người tạo ra là tất cả những gì mà con người làm chủ, là những gì đưa con người đi từ nơi này…Là những gì luôn chạy theo bén gót con người như bóng với hình. Vậy từ đây, con người hãy tích trữ cái tốt để đem đi nơi khác, trong tương lai. Hãy tạo một nền tảng vững chắc cho thế giới ngày mai. » (6)
Chúng ta nên hiểu về lời Phật dạy trên, qua câu nói: « con người làm chủ » nghĩa là chính con người, không ai khác ngoài mình ra là chủ nhân ông của các hành động do tự ý mình tạo ra, mình có hoàn toàn tự do để hành động như ý mình muốn, nơi phương diện này, đích thực mình là chủ, điều này rất dễ nhưng có một điều khó cần nên nghĩ tới là khi muốn thoát ra quả báo của những hành động đã làm thì lại không dễ dàng ! Dễ làm nhưng khó thoát ! Và đây mới chính là cái gánh nặng của con người phải mang từ khi sinh ra đời cho tới khi nhắm mắt.
Mang một hình hài và có một cuộc đời như thế nào trong hiện tại là do
Nghiệp báo của đời quá khứ, có thể nhiều đời nhiều kiếp, mà mình chẳng có khả năng để nhớ lại và mình cũng không còn làm chủ quả báo, nó đến lúc nào mình không thể biết, không thể ngờ, không thể lường trước. Con người than trách, oán ghét, « trách lẫn trời gần trời xa » khi gặp khổ đau, nghịch cảnh, thất bại nhưng khi sung sướng, hạnh phúc, thành đạt thì nghĩ rằng mình là người may mắn nhất trần gian hay là được Thượng Đế thương và ưu đãi như đứa con cưng.
Một khi hiểu rằng tất cả khổ đau hay hạnh phúc, phước hay tội đều do Nghiệp của chính mình tự tạo ra thì chẳng than trách chẳng đổ lỗi cho ai cũng như chẳng tự mãn xem mình là con cưng của Thượng Đế, hay tự kiêu, ngã mạn xem mình là kẻ thánh thiện bậc nhất. Thêm nữa, tất cả đều không nằm ngoài qui luật của vô thường. Hưởng phước rồi thì phước cũng tiêu mòn. Do đó mà đức Phật lại dạy thêm : « Hãy tích trữ cái tốt để đem đi nơi khác ».
Và cũng do vô thường nên chẳng phải quá đau khổ tuyệt vọng, hiểu được rằng chịu khổ, chịu nạn, chịu hình phạt gì rồi cũng sẽ có ngày chấm dứt. Đọa địa ngục rồi thì cũng có ngày ra ! Lại tiếp tục tái sinh nhưng một khi có tái sinh là còn cơ hội để tạo nghiệp ! Tạo nghiệp rồi lại tiếp tục chịu quả báo. Cứ như thế mà tiếp diễn cái vòng luân hồi vô cùng tận.
Tiếp tục tìm hiểu về Nghiệp, chúng ta nhận thấy Nghiệp lại liên hệ chặt chẽ với thuyết Nhân Duyên hay lý Duyên Khởi.
Nhân đã có, đã tạo, đã gieo nhưng không hội đủ Duyên thì Quả cũng chẳng thành tựu được. Áp dụng vào Nghiệp Báo cũng vậy, Nghiệp đã gieo, đã tạo nhưng không đủ duyên thì quả báo của Nghiệp cũng không thành tựu được. Một nghiệp đã tạo, đôi khi phải chờ một kiếp, nhiều kiếp sau, nhân duyên hội đủ mới có quả báo. Tuy vậy cũng có trường hợp quả báo nhãn tiền như đã nói bên trên.
Vấn đề quan trọng mà chúng ta chưa giải quyết được : Làm thế nào để thoát khỏi những quả báo xấu ác, nặng nề, đau đớn đã tạo ? Lẽ tất nhiên những quả báo tốt lành thì không ai dại gì mà để chúng vụt khỏi vòng tay ! Nhưng lỡ làm lỗi, phạm tội thì cái tâm che dấu hay chạy trốn hậu quả thì khá…bình thường !
Có người muốn làm anh hùng trong lãnh vực này : « Tôi làm tôi chịu, không than không trách » Cái ngã của con người lớn lắm, ở đâu cũng anh hùng được nhưng máu anh hùng ở đây chẳng cần thiết lắm. Vì sao ? Vì ngã mạn, không chịu xem mình là phàm phu tục tử, chưa phải thánh nhân, khi chịu khổ, chịu nạn mới thấy chịu đựng, nhẫn nhục quả là khó, nơi mình chỉ có cái tâm sân hận và muốn trả thù mà thôi !
Tốt hơn hết là nên học theo giáo pháp của đức Phật để, nếu được, thì xóa bỏ tội nghiệp đã tạo, làm nhẹ bớt gánh nặng mang theo cho các đời sau cũng như cho hiện đời được an lạc hơn. Bằng không xóa bỏ được cũng không tạo các ác nghiệp mới nữa.
Vậy làm thế nào để xóa bỏ ác nghiệp ? Những nghiệp quá ác, quá nặng chắc cũng khó lòng tránh khỏi quả báo, cũng như các nghiệp đã chín mùi, thuần thục rồi, đủ nhân đủ duyên rồi e cũng khó lòng chận lại ! Thôi thì hãy can đảm hướng về tương lai và hi vọng !
Thật tình ăn năn, hối lỗi là bước đầu tiên. Nhận ra sự sai trái đã tạo, mang lòng hổ thẹn, tự nguyện không tái phạm. Tùy hoàn cảnh, tùy trường hợp, có thể trực tiếp xin lỗi với đối tượng mình đã gây tội lỗi, có thể là chỉ phơi bày tội lỗi qua trung gian người khác. Làm thế, trước tiên là tâm mình cũng đỡ sợ hãi, bất an. Sau đó chuyên chú vào việc hành các thiện nghiệp để tạo nhiều phước đức có thể đối trị với các ác nghiệp đã tạo. Cán cân có thể nghiêng về thiện nghiệp và phước đức đã tạo mà chận lại các trợ duyên làm cho quả báo ác có cơ hội thành tựu. Dùng hạnh lành để xóa nghiệp ác. Lấy công chuộc tội.
Đức Phật có đưa ra ví dụ đổ một muỗng muối vào một bát nước nhỏ thì bát nước ấy trở thành mặn ngay, nhưng cũng một muỗng muối ấy mà đổ vào đại dương thì chẳng làm cho đại dương mặn thêm, ý muốn nói đến là người kém phước đức, như bát nước nhỏ, mà phạm lỗi thì lỗi ấy xem như lớn lắm, quả báo sẽ nặng nề, trong khi người có phước đức nhiều, như đại dương, mà phạm lỗi thì so với đại dương phước đức, lỗi của người này trở thành nhẹ ra.
Chư Tổ đã soạn ra những pháp sám hối để giúp phàm phu trút bỏ bớt gánh nặng của Nghiệp. Lễ bái Hồng Danh chư Phật thường được thực hành trong chùa, đem lại lợi ích thiết thực cho hành giả. Tâm được bình an, bớt sợ hãi và có cơ hội hơn để tạo thiện nghiệp, tín tâm tăng trưởng nơi Phật Pháp Tăng. Phương pháp sám hối, lễ lạy chẳng phải là cầu xin van vái cho được cứu rỗi, vẫn biết Nghiệp là do mình tạo thì chính mình phải chịu trách nhiệm là nhận lãnh hậu quả, nhưng Nghiệp đã tạo từ nhiều đời nhiều kiếp thì không cùng tận, không thể tính đếm, chúng vô hình nhưng không hề mất đi, vẫn còn đó dưới dạng chủng tử nơi tạng thức, chỉ chờ cơ hội, đủ nhân đủ duyên là tức khắc hiện ra, chúng ta không phải khoanh tay ngồi yên chờ nghiệp đổ và thân phận con người ắt không phải là bắt buộc trôi lăn mãi trong luân hồi để chỉ trả cho hết nghiệp ! Quả là đáng thương cho con người, còn trôi lăn trong luân hồi thì còn tạo nghiệp nếu không chịu tu hành.
Như vậy, tu hành, sửa đổi tâm tánh, sửa đổi hành động, thực hành theo con đường Bát Chánh mà đức Phật đã vạch ra ắt sẽ có ngày chấm dứt luân hồi, hoàn toàn trút bỏ gánh nặng của Nghiệp. Tu hành cũng có nhiều phương pháp, riêng về Nghiệp thì phải sám hối, nghiệp mới ở hiện tại cũng như nghiệp cũ nhiều đời nhiều kiếp. Lễ bái Hồng Danh chính là một thiện nghiệp, công đức khó nghĩ bàn, trong lúc lễ bái, không nghĩ ác, không làm ác, dứt trừ tham sân si, ngăn chận các ác pháp khởi lên, không làm cho các ác pháp tiếp tục tăng trưởng. Đức Phật cũng từng tuyên bố : « Này các tỳ kheo, bất cứ nghiệp nào được làm không do tham sân si (khi người đã đoạn tận các căn nguyên này) thì hành nghiệp ấy được trừ diệt, được cắt đứt tự gốc rễ, được làm cho giống như thân cây Tala, không còn có thể hiện hữu (nghĩa là không có dị thục quả) không còn chịu sanh khởi trong tương lai nữa » (7).
Ý nghĩa sâu xa của sự sám hối cũng là đoạn trừ tận gốc rễ tham sân si, ba cái độc hại thúc đẩy con người tạo nghiệp nhanh như một mũi tên vừa rời khỏi cây cung.
Chư Tổ Hoa Nghiêm Tông dạy : Tội từ tâm khởi, Cũng từ tâm diệt, Tội diệt tâm không, Cả hai đều hết.
Như đã tìm hiểu đầy đủ ở trên, Nghiệp được tạo thành qua thân, khẩu, ý có nguồn gốc nơi tâm. Chính nơi vọng tâm này mà tạo Nghiệp do tham sân si thúc đẩy. Lìa bỏ vọng tâm, rũ sạch tham sân si, không vướng phiền não thì cũng dứt tạo Nghiệp và dứt luôn Nghiệp đã tạo. Vọng tâm rơi rụng thì Nghiệp cũng rơi rụng theo đó.
Lê Khắc Thanh Hoài
Paris, cuối năm 2015
_____
Chú Thích :
1. Kinh Pháp Cú. Phẩm Ác. HT Thích Minh Châu dịch.
2. Kinh Tiểu bộ, Tập 8. Chuyện Đôi Bạn Citta – Sambhùta. Nguyên Tâm Trần Phương Lan việt dịch từ Anh ngữ.
3. Majihima Nikaya. Cullakammavibhanga Sutta. Trích dẫn từ Đức Phật và Phật Pháp của Narada, dịch giả Phạm Kim Khánh.
4. Kinh Pháp Cú. Phẩm Song Yếu. HT Thích Minh Châu dịch
5. Samyutta Nikaya. Tạp A Hàm. Trích dẫn từ Đức Phật và Phật Pháp, tác giả Narada, dịch giả Phạm Kim Khánh.
6. Kindred Sayings. Trích từ Đức Phật và Phật pháp. Tác giả Narada, dịch giả Phạm Kim Khánh.
7. Tăng Chi Bộ 1, Chương Ba Pháp : Các nguyên nhân. Trích dẫn từ Đức Phật Lịch Sử, Trần Phương Lan dịch
Discussion about this post