Thích Nhất Hạnh
Kinh có ghi lại một cuộc đối thoại giữa du sĩ khổ hạnh Vacchagotta với đức Thế Tôn, và cuộc đối thoại này rất thiền.
Vacchagotta tới thăm Bụt. Ông hỏi:
– Này sa môn Gautama, có một linh hồn hay không?
Bụt im lặng không trả lời.
Lát sau Vacchagotta hỏi:
– Như vậy là không có linh hồn phải không?
Bụt cũng ngồi im lặng.
Sau đó Vacchagotta đứng dậy chào và đi ra.
Sau khi Vacchagotta đi rồi, Thầy A Nan hỏi Bụt:
– Tại sao Thầy không trả lời cho Vacchagotta?
Và Bụt bắt đầu cắt nghĩa…
*
* *
Trong truyền thống thiền cũng có những cuộc đối thoại tương tự.
Có một thiền sinh tới tham vấn vị Thiền sư.
Theo truyền thống, vị thiền sinh nào được vào tham vấn đều được vị thị giả mời một chén trà.
Vị thiền sinh chắp tay hỏi:
– Con chó có Phật tánh không?
Vị Thiền sư nói:
– Uống trà đi
Sau đó có một vị thiền sinh khác đến tham vấn.
Vị này chắp tay hỏi:
– Bạch Thầy, như vậy là con chó không có Phật tánh, phải không?
Vị Thiền sư nói:
– Uống trà đi.
Sau khi vị thiền sinh thứ hai này đi rồi, vị thị giả của thiền sư chắp tay hỏi:
– Bạch Thầy, tại sao vậy? Tại sao hỏi con chó có Phật tánh hay không thì Thầy nói uống trà đi. Và khi hỏi con chó không có Phật tánh phải không thì Thầy cũng nói uống trà đi. Như vậy nghĩa là sao? Xin Thầy cắt nghĩa cho con.
Vị Thiền sư nhìn vị thị giả và nói:
– Uống trà đi.
*
* *
Phương pháp của Thiền là cắt đứt con đường nói năng và dập tắt khung trời khái niệm trong đó ý thức cứ tiếp tục tư duy và đi tìm kiếm những ý niệm để cố gắng tìm hiểu thực tại (ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt).
Ngôn ngữ đạo đoạn là cắt đứt con đường ngôn ngữ.
Tâm hành xứ diệt nghĩa là dập tắt vùng trời của sự suy tư bằng khái niệm, đừng để tâm ý đi tìm những ý niệm: có-không, sanh-diệt,… đi tìm những ý niệm đó để mong cắt nghĩa sự thật.
Cho nên những câu: “Uống trà đi, uống trà đi, uống trà đi” lặp lại ba lần cho ba người, có nghĩa là:”Hãy chấm dứt con đường suy tư đi, hãy dập tắt vùng trời khái niệm đi thì mới có cơ hội tiếp xúc với sự thật”.
Trong câu chuyện của vị Thiền sư này, câu nói “uống trà đi” không những giúp cho hai vị thiền sinh cắt đứt được con đường suy tư và dập tắt được khung trời khái niệm, mà cũng giúp được cho cả vị thị giả làm được chuyện đó.
*
* *
Tôi nghĩ câu chuyện gặp gỡ trong kinh Vacchagotta cũng như vậy, và câu chuyện ấy đã có thể đã bị cắt đứt mất một đoạn.
Khi thầy A Nan hỏi: “Đức Thế Tôn, tại sao đức Thế Tôn không trả lời ông ta?”, thì có lẽ lúc đó đức Thế Tôn cũng đã im lặng, không trả lời thầy A Nan. Cái đó mới đúng, cái đó mới thiệt là Thiền.
Có thể người ghi chép kinh đã sơ sót không ghi vào chi tiết này và bắt đức Thế Tôn phải bắt đầu cắt nghĩa. Cho nên mình có thể phục hồi lại được câu chuyện giữa Bụt và Vacchagotta, một câu chuyện rất Thiền như sau.
Sau khi giữ im lặng hai lần đối với Vacchagotta thì Bụt cũng giữ im lặng với thầy Ananda.
Bụt có ý nói: “Này em Ananda, em cũng nên tìm cách chấm dứt con đường của sự nói năng và dập tắt khung trời khái niệm thì mới có cơ hội tiếp cận với sự thật”. Lần này thì trong kinh đã nói rõ là Bụt phải cắt nghĩa cho A Nan, tại sao Ngài đã giữ hai lần im lặng?
*
* *
Mấy câu đầu của sự cắt nghĩa nghe cũng được, không đến nỗi nào, cũng có khả năng nói đúng với ý của Bụt. Đó là câu: “Này Ananda, khi Vacchagotta hỏi là có ngã hay không, nếu tôi nói có ngã như vậy thì tôi đâu khác gì những vị Sa môn và Bà la môn đang chủ trương thuyết thường tại? Khi Vacchagotta hỏi: “Vậy thì không có ngã phải không?” Nếu tôi trả lời là không có cái ta thì tôi lại đồng ý với những vị Sa môn và Bà la môn đang chủ trương thuyết đoạn diệt. Một bên là cái thấy Thường tại, một bên là cái thấy Đoạn diệt. Cả hai đều là tà kiến.”
Cắt nghĩa như vậy có thể là đúng với ý của Bụt.
Nhưng đoạn kinh này thì chẳng hay chút nào:
“Lại nữa A Nan, khi Vacchagotta hỏi: Có Ngã hay không? Nếu tôi trả lời là có Ngã thì điều đó đi ngược lại với những giáo lý tôi đã dạy lâu nay về Vô ngã. A Nan, khi Vacchagotta nói: Như vậy là không có ngã phải không? Mà nếu tôi trả lời là không có Ngã thì điều đó càng làm cho tâm trí Vacchagotta càng lộn xộn thêm lên. Tại vì ông ta sẽ nói: khổ chưa, lâu nay mình tin là có một cái Ngã mà bây giờ lại không có cái Ngã đó.”
*
* *
Bây giờ ta hãy thử thiết lập lại sự thật để thấy rằng cuộc đối thoại giữa Bụt và Vacchagotta đã thực sự là một cuộc đối thoại rất Thiền, theo tinh thần: ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt.
Giả sử ta ghi chép như thế này:
– Sa môn Gautama, có Ngã hay không?
Bụt im lặng.
– Sa môn Gautama, vậy thì không có Ngã hả?
Bụt im lặng.
Sau đó thì Vacchagotta đứng dậy chào Bụt và từ giã.
Sau khi du sĩ khổ hạnh Vacchagotta đi khỏi rồi, Ananda hỏi Bụt:
– Tại sao Thầy không trả lời Vacchagotta?
Đức Thế Tôn cũng giữ im lặng.
*
* *
Điều này có nghĩa là đức Thế Tôn cũng đã muốn dạy thầy A Nan nên chấm dứt con đường của sự nói năng và dập tắt vùng trời của khái niệm. Kể chuyện như thế là hay nhất và đúng nhất.
Còn muốn giải thích cho đúng ý của Bụt thì có thể dùng câu Bụt nói trong kinh Ca Chiên Diên (Kātyāyana) là chắc ăn nhất:
– “Này A Nan, phần lớn người đời đều bị kẹt vào ý niệm có và ý niệm không. Nếu tôi nói có Ngã thì đó là một tà kiến và nếu tôi nói không có Ngã thì đó cũng là một tà kiến khác. Cho nên sự im lặng của tôi là một cơ hội cho Vacchagotta cắt đứt được con đường ngôn ngữ và dập tắt được vùng trời khái niệm, cho nên tôi đã im lặng như vậy. Em cũng thế, em cũng không nên hỏi. Cho nên tôi đã im lặng sau khi em hỏi.”
Trả lời như vậy chắc chắn đúng ý của Bụt. Vì đó chính là lời Bụt nói trong kinh Kātyāyana. Không ai có thể nói rằng mình đã đặt vào miệng Bụt những câu mà Ngài chưa từng nói.
Viết tại Nội viện Phương Khê ngày 28 tháng 9 năm 2014.
Nhất Hạnh
(Làng Mai)
Discussion about this post