CAO HƠN TRỜI, NẶNG HƠN ĐẤT
Quảng Tánh
Người xưa thường lấy những sự vật xung quanh đời sống con người để so sánh, đối chiếu, ước lượng với một điều gì đó. Như trời xanh để ước lượng về sự cao thấp, như địa cầu để so sánh với nặng nhẹ, như gió cuốn để đối chiếu với sự nhanh chậm, như cỏ cây chen chúc để nói về số lượng ít nhiều. Dù không mấy chính xác so với các đơn vị đo lường hiện đại nhưng cách tiếp cận của người xưa lại gần gũi, dễ liên tưởng và hình dung hơn.
Khi một vị trời hỏi Thế Tôn về vật gì mà “cao hơn trời, nặng hơn đất, nhanh hơn gió và nhiều hơn cỏ”, Ngài đã nhanh chóng trả lời rằng “giới nặng hơn đất, mạn cao hơn trời, hồi tưởng nhanh hơn gió và tư tưởng nhiều hơn cỏ”. Trời hỏi cũng rất hay và Phật đáp cũng khéo vô cùng. Không chỉ khéo, lời đáp của Thế Tôn còn mang ý nghĩa đặc biệt, gợi lên những ý chỉ sâu xa về sự tu học, hiểu rõ mình hơn để chuyển hóa tâm thành tựu giới-định-tuệ.
“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Thiên tử dung sắc tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Thiên tử kia nói kệ hỏi Phật:
Vật gì nặng hơn đất?
Vật gì cao hơn không?
Vật gì nhanh hơn gió?
Vật gì nhiều hơn cỏ?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Giới đức nặng hơn đất
Mạn cao hơn hư không
Hồi tưởng nhanh hơn gió
Tư tưởng nhiều hơn cỏ.
Bấy giờ, Thiên tử kia lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn
Đã đạt Bát-niết-bàn
Qua rồi mọi sợ hãi
Vượt hẳn đời ái ân.
Thiên tử kia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1298)
Thế Tôn khẳng định “giới đức nặng hơn đất”. Địa cầu với sơn hà đại địa là nền tảng để mọi sự mọi vật nương vào, đứng vững, vươn cao. Giới đức nặng hơn địa cầu, vì giới là nền tảng của mọi thiện pháp. Chỉ cần có giới, nương tựa vào giới tất nhiên người con Phật có đầy đủ tư cách đạo đức làm người, làm trời, làm Thánh cho đến làm Phật.
Mạn chính là ngã mạn, cống cao, không xem ai ra gì, ta là số một. Thế Tôn dạy “Mạn cao hơn hư không”, cao hơn cả trời. Thế mới biết chấp thủ tự ngã, dính mắc vào cái tôi và của tôi rất khủng khiếp, chót vót tận trời xanh. Mọi khổ đau, trở ngại đều có nguồn gốc từ sự chấp ngã này.
Nhớ nghĩ về một điều gì đã xảy ra trong quá khứ gọi là hồi tưởng. Chỉ một sát-na hồi tưởng lập tức quá khứ hiện về, nhanh chóng đến độ gần như tức thì. Xem ra gió lốc chậm chạp hơn rất nhiều lần so với tâm hồi ức của con người. Vì nhanh chóng như vậy nên con người hay hồi tưởng về quá khứ rồi vui buồn theo, chìm đắm trong quá khứ mà bỏ quên hiện tại.
Tâm hành, suy nghĩ, nghĩ tưởng nói chung dấy khởi liên tục trong tâm nên Thế Tôn dạy “Tư tưởng nhiều hơn cỏ”. Những ai từng ra ngoài thiên nhiên ruộng đồng sẽ thấy rằng cỏ cây ken kín mặt đất. Vì tâm nghĩ tưởng mông lung bất tận nên kinh điển thường dụ như ngựa phi ngoài thảo nguyên, như khỉ chuyền cành trong rừng rậm. Ở đây, tư tưởng được ví như cỏ dại tràn lan. Vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức chính là những ý niệm này.
Thấy rõ, giới là nền tảng nên vun bồi gốc giới. Biết ngã mạn cao ngút trời nên giảm bớt tự mãn cống cao. Hiểu những hoài niệm vụt đến nhanh hơn gió cuốn nên giữ tâm chánh niệm. Nhận ra tâm vọng dấy khởi dày như cỏ dại nên lắng đọng và tịnh trừ.
Discussion about this post