& NHẬP VÔ LƯỢNG NGHĨA XỨ ĐỊNH
HT. Thích Trí Quảng
Hôm nay đến thăm trường hạ hệ phái Khất sĩ, tôi có một số suy nghĩ muốn chia sẻ với quý vị. Ý thứ nhất là tinh thần Phật giáo Phát triển hình thành từ Phật giáo Nguyên thủy phát triển lên đến đỉnh cao là kinh Pháp hoa. Vì vậy, chúng ta học kinh Pháp hoa, nếu suy nghĩ rằng bộ kinh này riêng biệt là không đúng. Cần hiểu rằng kinh Nguyên thủy phát triển thành kinh Pháp hoa, nói cách khác, nhận thức của đệ tử Phật trên bước đường tu tập đã thăng hoa theo tinh thần phát triển.
Nói về nhận thức, người có trình độ thấp sẽ hiểu giáo lý theo trình độ của mình, người có trình độ cao tất nhiên hiểu giáo lý theo hướng cao. Để nói lên sự sai biệt này, thường có câu Phật thuyết nhứt âm, chúng sanh tùy loại giải. Thật vậy, Phật nói một lời, nhưng mọi người hiểu khác nhau, giải thích khác nhau và thực hành khác nhau. Từ đó, người hiểu giáo lý thấp thì sẽ tu chứng quả vị thấp, người hiểu giáo lý cao sẽ đạt quả vị cao. Người hiểu sai giáo lý Phật thì không đạt kết quả, coi như rơi vào tà giáo ngoại đạo, chúng ta không kể đến hạng này được gọi là cuống hoa vô quả; tu hành, cần tránh phạm sai lầm này, nên cố gắng hiểu giáo lý một cách chính xác.
Hiểu giáo lý Phật ở mức độ căn bản và làm y lời Phật dạy, chúng ta cũng chứng được quả vị thấp nhất. Nói cách khác, hiểu nguyên gốc tạng kinh Nguyên thủy dạy chúng ta những điều rất thực trong cuộc sống mà chúng ta không được bỏ qua. Phần này là giáo lý căn bản của đạo Phật. Trong giáo lý căn bản, khởi đầu chỉ nói tứ Thánh đế và Thập nhị nhân duyên, người đệ tử Phật đều phải thể nghiệm các pháp này. Nếu người ở trình độ thấp hiểu tứ Thánh đế và áp dụng đúng đắn trong thực tế cuộc sống, nhất định phải đạt được quả vị từ Tu-đà-hoàn đến Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán. Còn người hiểu giáo pháp, hiểu từ kinh Nguyên thủy đến kinh Đại thừa, pháp gì cũng biết, nhưng không thực hành thì cũng không được kết quả. Ngài Huyền Giác quở trách người phạm sai lầm này ví như đếm tiền cho thiên hạ mà không được gì, đó là điều nên tránh. Đại thừa gọi người này là danh tự Pháp sư chỉ nói nhưng không tu thì chẳng được gì.
Vì vậy, tu theo Phật, chúng ta nghe lời Phật dạy, suy nghĩ cho đến hiểu biết và ứng dụng giáo pháp trong cuộc sống. Ý thức sâu sắc điều quan trọng này, từ khi bắt đầu xuất gia, tôi căn cứ vào tạng kinh Nguyên thủy, theo đó cố gắng học, hiểu và thực tập Tứ Thánh đế. Cái gốc của Tứ Thánh đế mà chúng ta phải nhận thức chính xác rằng cuộc sống này là khổ và thấy nguyên nhân của khổ để đoạn trừ. Nhờ vậy, chúng ta không tạo nhân khổ, nên không khổ và tạo nhân Niết-bàn thì được Niết-bàn, đó là quả vị thấp nhất mà ai tu theo Phật cũng được, gọi là quả Dự lưu. Tu hành, nhưng không Nhập lưu thì có tu pháp gì cũng rớt vào ngoại đạo tà giáo, vào đường ma.
Y pháp hành trì, phải được quả vị Dự lưu. Quả Dự lưu hiểu đơn giản là ta sống trên cuộc đời, nhưng không bị cuộc đời chi phối. Cuộc đời chi phối ta những gì? Các thầy nên nhớ bốn việc căn bản nhất là ăn, mặc, ở và địa vị, nếu chúng ta bị lệ thuộc vào bốn việc này là rơi vào thế tục hoàn toàn. Thật vậy, kẹt địa vị, chắc chắn phải bị khổ. Lúc mới giải phóng miền Nam, một số thầy quen ở chùa được Phật tử chắp tay xá chào và gọi là thầy cô, được cung kính cúng dường. Nhưng cán bộ không gọi người tu là thầy cô và trong cuộc họp, họ gọi tu sĩ là anh chị. Nghe vậy, một số thầy cảm thấy khó chịu. Theo tôi, đó là người tu lâu nhưng tâm chưa vào đạo thì rất nguy hiểm. Trên bước đường tu, phải rèn luyện cho tâm chúng ta vào đạo, không bị vướng mắc với những thứ này. Họ gọi chúng ta là anh chị cũng thấy bình thường. Tôi nghĩ họ gọi là anh cũng tốt và mình gọi họ lại là anh. Thiết nghĩ họ là “anh” xứng đáng hơn, vì họ có công với đất nước, mình phải kính trọng họ. Từ đó, tôi kính trọng người làm cách mạng thực sự, dù trước đó họ làm thuê ở mướn. Ở gần chùa Ấn Quang có anh thợ cắt tóc là cán bộ nằm vùng, sau cách mạng, anh làm lãnh đạo.
Theo Phật, chúng ta bình tâm nhìn xã hội của mình để thấy đúng sự việc như nó là, sẽ vượt qua những vướng mắc trên. Thật vậy, muốn vào quả vị thấp nhất Dự lưu, chúng ta buông bỏ được tất cả những gì của thế gian mới bước chân vào cửa đạo là Không môn. Vào cửa chùa, cửa đạo, cửa Không, tu hành mới có kết quả tốt đẹp. Vào chùa còn hơn thua phải trái, buồn phiền, bực tức, tranh chấp thì tất cả những ô uế này là địa ngục. Làm như vậy là đem đời vào đạo làm ô nhiễm đạo, chúng ta đã đồng hóa thế tục với tu hành.
Trên bước đường tu, quan trọng làm sao đạt được quả vị Dự lưu thì tất cả mọi việc trên cuộc đời đối với chúng ta vô nghĩa. Chúng ta thường nói chết không mang theo gì. Tuy nhiên, khi có ý niệm tất cả không phải của ta rồi buông bỏ tất cả thì không tốt, vì bỏ hết, nhưng mình còn ăn của đời mà không làm, người ta sẽ nói mình là con nợ của xã hội.
Tu hành, chúng ta bỏ là bỏ cái chấp ta và của ta, vì người đời cái gì của mình thì giữ, không phải của mình không giữ. Bỏ ngã và ngã sở để không tranh chấp, nhưng phải giữ gìn của Tam bảo. Người biết giữ gìn của Tam bảo mới tích lũy được công đức. Tôi được như ngày nay, tu hành trên 60 năm là nhờ cố gắng giữ gìn của Tam bảo. Của chung thì hết lòng giữ gìn, công đức sanh ra từ chỗ này. Của Tam bảo cố gắng giữ gìn, của ta không có gì. Sanh trên cuộc đời này, ta tới đây bằng chơn tâm hay thần thức và khi ra đi, cũng ra đi bằng chơn tâm, thần thức. Còn hiện hữu trên cuộc đời, chúng ta nỗ lực làm được nhiều việc tốt cho người. Lúc mới tu, tôi sanh ra, không ai biết. Lúc chết cũng không biết ở đâu, nhưng khoảng thời gian sống phải làm gì cho đời cho đạo. Lập trường này tôi không thay đổi.
Khi còn hiện hữu trên cuộc đời, mình phải tu và pháp tu căn bản là không tạo nghiệp ác và đương nhiên phải tạo nghiệp thiện. Chúng ta làm được gì để dâng lên Phật và để lại cho thế hệ mai sau. Theo kinh nghiệm của tôi, khi quý sư suy nghĩ đến Phật pháp, đến cuộc đời, sẽ được đời trân trọng, đó là pháp tu căn bản. Đầu tiên phải bước vào cửa Không, tập buông bỏ, nhưng muốn làm được như vậy là nhờ ở chung, tu chung, mới có điều kiện phát hiện những điểm xấu của mình để sửa đổi. Tổ Minh Đăng Quang cũng dạy phải học chung, tu chung, tức cọ xát với cuộc đời mới biết con người thực của chúng ta, nghĩa là gặp chuyện đáng buồn nhưng không buồn, gặp chuyện đáng giận nhưng không giận, gặp chuyện đáng ham muốn nhưng không ham muốn, chúng ta vẫn tu, vẫn siêng năng làm việc. Nhờ có tu chung mới phát hiện được như vậy.
Ba tháng an cư, ở trong đại chúng sẽ phát hiện thầy nào tốt, thầy nào không tốt, phát hiện được người thuộc bậc cao, hay bậc trung, bậc hạ. Có tu chung thì biết được người tốt hay không. Tôi suốt đời ở chung với chúng, nên phát hiện người bạn tốt và bạn không tốt và làm việc trực tiếp hay gián tiếp hợp tác với bạn tốt, nên làm được Phật sự. Tu chung, tôi để ý từng chút một. Để ý xem thầy nào tu chung với mình mà nhiếp tâm niệm Phật nhiều nhất. Người tu trong ba tháng an cư mà không phạm sai trái đáng chê trách thì đó là người tốt. Thầy này không có vấn đề gì, không ai nói được họ. Tới giờ thiền, giờ học, giờ thọ thực, họ đều có mặt. Chúng phân công họ làm việc không sai sót, không bị chê trách là hạng người tốt. Ba tháng an cư tu hành không ra khỏi chùa là người tốt. Còn xin đi chỗ này, đi chỗ kia, đi chữa bệnh… an cư mà đi trên mười lần thì không được tính tuổi hạ.
Khi còn là học Tăng, tôi có bạn đồng tu cùng phát nguyện ba tháng an cư không ra khỏi chùa thì ta hoàn toàn thanh tịnh, tâm ở chùa, không ra ngoài. Còn bạn muốn đi ra ngoài, nhưng trường hạ cấm, nên cảm thấy bực bội, bứt rứt, khó chịu. Đi ra ngoài để đi cúng, đi tiếp xúc với người, tôi thấy việc này phiền toái. Ba tháng an cư, tôi không ra khỏi chùa, dù có Phật tử quen qua đời, tôi ở chùa cầu nguyện, không đến viếng tang, với lý do đã phát nguyện cấm túc, như vậy tìm được hạnh phúc trong mùa an cư, không ai quấy rầy. Trong thời gian tôi nhận trách nhiệm Trưởng ban Hoằng pháp của Giáo hội, vào năm 1981, Hòa thượng Trí Thủ nói rằng thầy làm Trưởng ban Hoằng pháp mà không thuyết giảng mùa an cư, thì hết an cư rồi giảng cho ai. Nghe lời Hòa thượng dạy, lúc đó vì trách nhiệm, tôi có phát nguyện đi thuyết pháp mùa hạ, đi từ chùa đến trường hạ, giảng xong thì về, không ghé đâu. Trên bước đường tu có mở ra như vậy, nhưng đi thuyết pháp, tôi cũng tìm thấy hạnh phúc, vì tìm được bạn đồng hành, đồng sự và học được điều hay để mình đi đúng lộ trình giải thoát. Thí dụ hôm nay đến tịnh xá Trung Tâm giảng kinh, tôi gặp được Hòa thượng Giác Giới và Hòa thượng Giác Ngộ, nên tôi hiểu được sinh hoạt của hệ phái Khất sĩ, đó là lợi ích của việc học chung mà Tổ Minh Đăng Quang đã dạy.
Theo tinh thần Pháp hoa, từ giáo pháp Nguyên thủy phát triển đến đỉnh cao là gom tất cả pháp môn tu để có cái nhìn thật sáng. Và đến kinh Pháp hoa có cái thấy chính xác rằng một đời thuyết pháp của Phật được rút gọn trong kinh Vô lượng nghĩa. Tuy Hòa thượng Giác Giới, Hòa thượng Giác Ngộ và tôi khác nhau về hình thức, khác về pháp hành trì, nhưng cả ba chúng tôi đều cùng sống trong giáo lý Phật, cùng hưởng chung nghĩa giải thoát, đó là cốt lõi quan trọng của kinh Pháp hoa. Nghĩa là Pháp hoa mở ra cho chúng ta làm được tất cả mọi việc, còn cố chấp một việc thì chỉ được một, không chấp cái nào sẽ được tất cả.
Tôi thuyết pháp, Hòa thượng Giác Toàn đi bố thí cũng tốt, Hòa thượng Giác Giới ngồi yên tu cũng tốt. Sư ở Pháp viện coi chùa cũng tốt. Mỗi người làm một việc khác nhau, nhưng chúng ta cùng chung xây dựng ngôi nhà Phật giáo, không đả kích nhau. Hôm qua tôi dự Đại hội Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh. Mặt trận đánh giá tốt Phật giáo chúng ta ở lãnh vực từ thiện. Ngồi trên Đoàn Chủ tịch, tôi thầm cám ơn các vị tu sĩ Phật giáo đã đi khắp nơi tặng quà bố thí, làm các việc từ thiện, cho nên tôi đại diện Phật giáo được Nhà nước vinh danh. Nếu không có các vị làm từ thiện, Mặt trận không mời tôi đến đây nhận khen thưởng.
Theo tinh thần Pháp hoa “Nhứt thiết thế gian tư sanh sự nghiệp”, nghĩa là không có gì mà pháp Phật không nhiếp thu. Thật vậy, nhà sư làm ruộng, làm thầy thuốc, làm nhà giáo, làm giảng sư, v.v… , có bao nhiêu ngành nghề trong xã hội, Phật giáo đều có mặt nhằm mang an vui hạnh phúc đến cho mọi người. Kinh Pháp hoa gọi đó là Vô lượng nghĩa, không chấp vào một ngành nghề nào, không loại bỏ thành phần nào. Có tâm hồn cởi mở là Pháp hoa, còn nghĩ ai làm giống mình mới chấp nhận, ai làm khác thì chê trách, cuối cùng đưa đến hậu quả là tất cả mọi người chống phá lẫn nhau thì tất cả đều hư, đều xấu; đó là ý quan trọng mà các thầy phải nhận thấy.
Thể hiện cốt lõi này, theo tinh thần Đại thừa, trong kinh Hoa nghiêm, Bồ-tát Phổ Hiền dạy chúng ta tùy hỷ công đức. Chư Phật, Bồ-tát, Duyên giác, Thanh văn, tất cả chúng sanh có công đức lớn nhỏ, ngài Phổ Hiền đều tùy hỷ. Nhờ có tâm tùy hỷ với người, Phổ Hiền được vô số Bồ-tát thị tùng ủng hộ làm đạo.
Hai vị Hòa thượng ngồi kế tôi, thương tôi, nên mỗi khi đến Vĩnh Long, tôi phải đến thăm Hòa thượng Giác Giới và dùng cơm với ngài; còn lên Đà Lạt, tôi phải thăm Hòa thượng Giác Ngộ. Vì chúng tôi đồng tu hạnh tùy hỷ. Tôi mặc áo khác hai vị Hòa thượng này, nhưng các ngài không chống tôi, tôi thuyết pháp thì các ngài ủng hộ, các ngài tu, tôi cũng ủng hộ. Nếu làm lớn, nhưng tâm hẹp hòi, việc sẽ hư. Tâm rộng thì có nhiều quyến thuộc.
Phải nhận ra yếu chỉ của Vô lượng nghĩa và thực hành Vô lượng nghĩa, tức chấp nhận người khác. Tất cả giáo pháp mà Phật thuyết, chúng ta đều coi là pháp thực tập được. Ngày nay, giáo pháp Phật được tỏa rộng khắp thế gian. Ở Việt Nam có phong tục tập quán của Việt Nam thì phải tu theo cách của Việt Nam. Ở Nhật Bản, Thái Lan, Pháp, Mỹ… cũng có phong tục tập quán riêng, tất nhiên phải có pháp tu tương ưng. Và ngày nay Phật giáo cũng có mặt ở Phi châu, nơi đó cũng có phong tục khác biệt. Nếu lấy phong tục tập quán của nước ta mà áp đặt cho người ở nước khác, chắc chắn không được.
Trước kia, đã có sự tranh cãi, chê nhau giữa Phật giáo Đại thừa và Nguyên thủy. Người theo Đại thừa nói Nam tông ăn mặn, vì theo phong tục tập quán miền Nam, người dân còn ăn chay, nên thấy sư ăn mặn, họ khó chịu. Nhưng ở Thái Lan, nhà sư ăn mặn là bình thường. Phật giáo Bắc tông ăn chay, nhưng ăn chiều thì Nam tông thấy mình quái gở. Tôi đi họp với các sư Thái, người cư sĩ buổi chiều có phần ăn, người tu không ăn chiều. Tổ Minh Đăng Quang chủ trương vừa ăn chay và ăn ngọ, nên được quý trọng.
Nếu hiểu đúng và tu đúng thì quý, nhưng còn tùy theo nghiệp. Tôi chủ trương tu hành cần thỏa hiệp với nghiệp. Lúc mới thống nhất đất nước, tôi đến đây thấy sư Giác Toàn ốm. Ngài nói làm việc nhiều nhưng chiều không ăn, nên bị đau bao tử. Tôi nói rằng có vị tu đắc Thánh quả thì không ăn vẫn sống, có vị một tuần mới ăn một lần, có vị hai ba ngày mới ăn, hay một ngày ăn một lần vẫn khỏe. Mình kính trọng họ, tu hành hơn nhau ở điểm này. Người tu cao vì phước đời trước có nên đời này cơ thể của họ đặc thù, không bệnh hoạn. Có nghiệp mới bệnh thì phải thỏa hiệp với nghiệp để tu, còn ráng nhịn ăn, dịch vị tiết ra làm đói thêm và làm loét bao tử. Phải cho thức ăn vô để bao tử tiêu hóa tốt. Lúc đó, sư Toàn nói chiều ăn cháo.
Hiền Thánh Tăng hoàn toàn khỏe mạnh, tất nhiên khác với phàm tăng. Là phàm tăng phải nhìn nhận mình có nghiệp, đừng tự mãn tự cao. Bạn tôi là Hòa thượng Siêu Việt, ngài tu theo Nam tông, ăn ngọ, nhưng bị tiểu đường, chiều không ăn, lại được ngậm kẹo. Bệnh tiểu đường thì kỵ đường, nhưng hệ phái cho ăn đường, không cho ăn thức ăn, nên Hòa thượng đã ra đi. Điều quan trọng mà tôi muốn chia sẻ với các sư là phải thấy nghiệp mình và biết thỏa hiệp với nghiệp để sống và tu. Có sư bị cắt một phần bao tử, nên mỗi giờ phải ăn. Sư nói như vậy một ngày ăn đến năm, mười lần sao được. Tôi nói sống để tu, hay chết để đọa. Sư này cố chấp giữ giới để chết được gặp Phật, còn ăn thì bị đọa. Tôi chủ trương sống an lạc, chết mới giải thoát. Sống khổ sở, chịu đựng thì chết có an lạc được hay không. Cần cân nhắc tu theo ngoại đạo hay tu theo Phật giáo. Muốn sống thì nghe bác sĩ, ăn để sống, để tu. Cố chấp giữ giới, không biết chết thành gì, tôi không biết vì tôi chưa chết.
Một sư khác khi truyền giới cho Phật tử nói rằng không được sát sanh, cho đến vi trùng không được giết. Tôi hỏi sư dạy không giết vi trùng, như vậy sư có uống thuốc hay không. Tất cả Hiền Thánh tu đắc đạo, đầy đủ phước đức, cơ thể không bệnh hoạn, vi trùng không xâm hại được, không vô cơ thể được. Họ không bệnh vì hết nghiệp, hoặc nếu vi trùng có vô thân họ thì nó sống hài hòa với họ, không xâm hại, không gây ra bệnh. Nhưng nếu có nghiệp, có vi trùng ho lao mà để yên cho nó khoét phổi thì có nên hay không. Khi Nhà nước kêu gọi chích ngừa siêu vi B, tôi chích trước và mời các thầy chích. Tu hành cần cân nhắc ý này. Các vị Thánh sạch nghiệp, bệnh không sanh, nên các ngài giữ giới thanh tịnh hoàn toàn. Ta còn bệnh là còn nghiệp thì tạm thỏa hiệp, từng bước hết nghiệp, vào cửa Thánh.
Quả đầu tiên có được là thân không bệnh, không uống thuốc. Còn bệnh mà không uống thuốc để chết hay sao. Các sư suy nghĩ nên thỏa hiệp với nghiệp để còn sống và tu. Tôi thường nghĩ rằng nếu chết nửa chừng, không biết đi đâu. Còn vào dòng Thánh, nhập lưu, chúng ta biết đường đi, biết mình còn bảy lần sanh tử.
Trở lại việc tu Vô lượng nghĩa là chấp nhận tất cả pháp môn, tu hành không kỳ thị, được anh em thương thì làm đạo dễ thành công. Đó là cốt lõi mà Bồ-tát Phổ Hiền dạy, chúng ta cần áp dụng trong cuộc sống.
Ngoài ra, học pháp Phật, chúng ta phải thông đạt tất cả pháp môn gọi là định Vô lượng nghĩa, tức thực tập ý nghĩa Vô lượng mà Phật dạy. Và có thực tập pháp này rồi, mới có kết quả đầu tiên đối với tôi là tâm được an lạc, bạn dễ gần gũi hơn. Ý này trong kinh Pháp hoa gọi là hoa Mạn-đà-la là hỷ lạc hoa, hoa nở trong lòng, thấy mình được an lạc. Trên bước đường tu, nếu quý sư không hái được hoa Mạn-đà-la, hay không an lạc thì tu vô ích. Lấy an lạc, giải thoát là chính, những việc khác tính sau.
Bước thứ hai, thực tập được như vậy, chúng ta nhìn đời chính xác hơn, hiểu rõ cuộc sống con người, hiểu nỗi khổ của con người và Niết-bàn an lạc của Phật như thế nào. Nhờ thực tập rồi, chúng ta mới hiểu rõ trong kết quả của mình. Và hiểu rõ cuộc đời rồi, quý thầy trở lại cuộc đời hành đạo, thấy mình được an lạc, tức việc tốt lành chào đón mình. Còn không hiểu mà vào đời làm việc không nên làm sẽ gặp khó khăn, nguy hiểm. Đối với tôi, có cái nhìn chính xác mà Phật gọi là quán nhân duyên. Phải thấy nhân duyên giữa mình và người, mới làm được, kinh gọi là Mạn-thù-sa.
Vào định Vô lượng nghĩa, tâm an lạc và trí sáng suốt, lấy thành quả này giáo hóa chúng sanh, chắc chắn thành công. Thật vậy, khi Phật ngồi Bồ-Đề Đạo Tràng là nhập Vô lượng nghĩa xứ định, bấy giờ Phật quán sát tất cả những người có liên hệ với Ngài và tùy theo đó mà giáo hóa. Vì vậy, tất cả khó khăn nào Ngài cũng vượt qua được.
Nhập Vô lượng nghĩa xứ định, Phật thấy Kiều Trần Như trong nhiều kiếp trước là vua ác độc đã xử lăng trì Ngài. Lúc Ngài hành Bồ-tát đạo ở trên núi, Ngài là Sằn Đề tiên nhân đã bị Ca Lợi vương móc mắt xẻo thịt, nhưng Ngài không tức giận mà còn phát nguyện độ ông đầu tiên. Nhờ ở Vô lượng nghĩa xứ định, Phật thấy vô số kiếp trước, mới đến độ Kiều Trần Như trước tiên khi vừa đắc đạo, đó là bản nguyện của Phật. Tu hành theo Phật, phải có nguyện độ sanh. Phật giáo Nguyên thủy cũng dạy ý này, gồm lại là đạo đức và trí tuệ.
Và từ đó về sau, trên bước đường giáo hóa độ sanh, Phật đến đâu cũng quán nhân duyên để thấy mối liên hệ giữa Ngài với người cần độ. Điển hình là Phật gặp Xá Lợi Phất, Ngài cũng nói rằng ông đã tu Bồ-tát đạo 60 kiếp, nhưng vì lý do không vừa lòng mà thoái chuyển xuống Thanh văn. Nay Xá Lợi Phất gặp Phật, nhớ lại đời trước nên hết lòng theo Phật.
Tôi chưa đạt được trí tuệ vô thượng, nhưng vẫn có thể biết khi gặp Hòa thượng Giác Giới, thấy lòng mình an. Đi đâu mà thấy tâm chúng ta an, hoặc gặp người mình chia sẻ, họ tiếp thu thì biết đó là bạn của chúng ta ở kiếp trước, nay gặp lại dù có hình thức nào, cũng chấp nhận được. Còn gặp mà không có gì nói được là biết quá khứ mình và họ đã có vấn đề.
Nhập Vô lượng nghĩa xứ định sẽ biết túc mạng là mối liên hệ không tốt giữa mình và người thì có cố gắng làm gì, họ cũng chống phá. Thật vậy, Phật cho biết Đề Bà Đạt Đa là mối oan trái nhiều đời với Ngài, cho nên gặp lại, Phật có tốt mấy, ông cũng hại Ngài.
Tóm lại, có trí tuệ, nhập được Vô lượng nghĩa xứ định, thấy toàn bộ cuộc đời mình trong quá khứ và thấy mối liên hệ đời này với người, chắc chắn sẽ làm đạo tốt. Mong rằng trong mùa An cư, quý sư cố gắng thực tập hiểu được kinh Vô lượng nghĩa và vào Vô lượng nghĩa xứ tam muội để thấy được việc nên làm, chỗ nên tới, người nên tiếp xúc, sẽ làm đạo thành công. Cầu Phật gia hộ cho quý vị thân tâm an lạc.
HT.Thích Trí Quảng
(Giác Ngộ)
Discussion about this post