Dĩ nhiên bình sinh không ai phủ nhận hiếu thuận nhưng thực tiễn đời sống thì lại khác. Tùy nhân duyên mà mỗi người thể hiện chữ hiếu khác biệt nhau theo nghiệp của mình. Nghiệp ở đây là trình độ, nhận thức, quan điểm của cá nhân về hiếu thuận để ứng dụng thực hành. Ngoài ra còn có nghiệp duyên quá khứ đeo đẳng, vay trả, chi phối lên vấn đề hiếu thuận mà người thường rất khó nhận ra hay lý giải về chúng.
Theo Thế Tôn, đối với hàng Phật tử thì trọn niềm tin Tam bảo, tịnh tín Phật-Pháp-Tăng là cơ sở quan trọng để thiết lập và thực hành hiếu đạo. Thoạt nhìn, tịnh tín Tam bảo và hiếu đạo là hai vấn đề khác nhau, ít liên quan với nhau nhưng kỳ thực chúng có liên hệ mật thiết với nhau. Đoạn kinh văn dưới đây ‘chúng sinh muốn… vâng nhận phụng sự cha mẹ, anh em’, tức là có hiếu thuận thì cần giữ vững niềm tin trong sạch ‘không di động’ vào Tam bảo, rất đáng để chúng ta lưu tâm suy gẫm.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Nếu cho chúng sanh muốn khởi tâm từ, có lòng tin thuần thành, vâng nhận phụng sự cha mẹ, anh em, dòng họ, nhà cửa, bằng hữu, tri thức nên đặt ở ba nơi khiến không di động. Thế nào là ba? Nên phát tâm hoan hỷ đối với Như Lai, tâm không di động, bậc Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thuợng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư hiệu là Phật, Thế Tôn.
Lại nên phát ý ở trong Chánh pháp, pháp của Như Lai khéo thuyết, vô ngại, rất là vi diệu, do đây mà thành quả vị. Như thế người trí nên học để biết, cũng nên phát ý với Thánh chúng này, Thánh chúng của Như Lai thảy đều hòa hợp, không có lẫn lộn, pháp thành tựu, giới thành tựu, tam muội thành tựu, trí tuệ thành tựu, giải thoát thành tựu, giải thoát kiến tuệ thành tựu. Thánh chúng nghĩa là bốn đôi, tám bậc, mười hai Hiền Thánh. Đây là Thánh chúng của Như Lai, đáng kính, đáng quý. Đây là phước điền vô thượng của thế gian. Có các Tỳ-kheo học ba điều này thì thành tựu quả báo lớn. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm 21. Tam bảo,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.362)
Tin Tam bảo là nấc thang đầu tiên trên đường đạo. Những tưởng chúng ta dễ dàng chinh phục bước căn bản này để vượt lên những thứ bậc cao hơn nhưng thực tiễn lại khác. Chúng ta đều tin Phật Thích Ca nhưng chư Phật quá khứ, vị lai thì chưa trọn (trong khi các truyền thống Phật giáo đều nói đến chư Phật trong ba đời). Chúng ta đều tin Pháp (theo truyền thống của mình, nhưng không hiểu và không chấp nhận các truyền thống khác) trong khi ‘Pháp của Như Lai khéo thuyết, vô ngại, rất là vi diệu, do đây mà thành quả vị’. Còn tin Tăng là điều khó hơn vì thánh hiền Tăng ngày càng hiếm hoi, trong khi phàm và tạp Tăng thì ngày càng nhiều. Nên việc giữ tâm ‘không di động’ với Tam bảo quả là khó khăn.
Tuy nhiên, dù khó khăn đến mấy thì ‘không di động’ với Tam bảo là thách thức mà hàng Phật tử tại gia lẫn xuất gia phải vượt qua. Vì tâm không tịnh tín (tin sâu, tin với trí tuệ), niềm tin Tam bảo mà ‘di động’ thì không thể tiến tu được. Tịnh tín rồi thì tự khắc chúng ta cảm nhận được tinh hoa, thánh thiện nơi Tam bảo, giống như nhìn đá thấy ngọc, nhìn quặng thấy vàng. Nhờ đó mà niềm tin Phật-Pháp-Tăng trong ta ngày càng sâu sắc và bất động. Từ nền tảng này, những thiện tâm như từ bi hỷ xả, tàm quý hổ thẹn sợ hãi với những đều xấu ác, tha thứ và bao dung, hiếu thuận với cha mẹ và anh chị em ngày một lớn dần thêm. Thế nên, để trọn niềm hiếu thuận với cha mẹ và anh em, người con Phật trước cần trau dồi đức tin, thâm tín Tam bảo.
Quảng Tánh
Discussion about this post