TIỂU SỬ VẮN TẮT TULKU DAKPA RINPOCHE
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ
Tulku Dakpa Rinpoche sinh ngày 25 tháng 11 năm 1975 là con trai của Lama Thubten Kalsang tôn quý và bà Yongdu Wangmo. Ngài được Kyabje Minling Trichen Rinpoche công nhận là vị tái sinh thứ ba của đạo sư Tây Tạng Gegong Rogza Sonam Palge Rinpoche.
Lên tám tuổi, Ngài bắt đầu các nghiên cứu Giáo Pháp với cha trong ngôi làng của Tu viện Dzogchen, một trong sáu Tu viện chính của truyền thống Nyingma. Ở đó, Ngài học nghệ thuật đọc và viết cơ bản bằng Tạng ngữ và nhiều nghi quỹ nghi lễ, chẳng hạn Konchok Chidu và Karling Shitro – một trăm vị Tôn an bình và phẫn nộ, một Terma được Karma Lingpa phát lộ. Mười tám tuổi, Ngài gia nhập Tu viện Mindrolling ở Dehra Dun, Ấn Độ, được gia trì bởi Kyabje Minling Trichen Rinpoche và Khochhen Rinpoche. Tu viện Mindrolling là cội nguồn hay Tu viện mẹ của toàn bộ truyền thống Nyingma. Minling Khenchen Rinpoche đã truyền giới Sa Di cho Ngài. Tulku Dakpa Rinpoche đã tốt nghiệp Học viện Ngagyur Nyingma – Phật học viện của Tu viện Mindrolling như là vị trì giữ cả Kinh thừa và Mật thừa sau khi nghiên cứu ở đó trong chín năm. Trong quá trình nghiên cứu, Ngài đã học kiến thức chung về lịch sử, thi ca và nhận thức xác thực, cũng như kiến thức đặc biệt từ các luận giải của chư đạo sư Ấn Độ và Tây Tạng về Luật, Kinh và Luận Tạng – giáo lý ba thừa của Phật. Hơn thế nữa, Ngài đã nghiên cứu nhiều bản văn về kiến thức Mật thừa vĩ đại, chẳng hạn các luận giải về Mật điển Guhyagarbha của chư đạo sư vĩ đại – Tôn giả Lochen Dharmashri và Kunkhyen Longchen Rabjam[1] và Dzogpa Chenpo Semnyid Ngalso, tức Đại Viên Mãn – An Trú Trong Bản Tính Tâm của Kunkhyen Longchen Rabjam. Trong chín năm ở đó, Ngài đã thọ nhận hầu hết các giáo lý từ Khenchen Tsewang Rigdzin, cố Khenpo Jampal Tsering và từ nhiều Khenpo khác trong Học viện. Trong lúc nghiên cứu, Ngài đã dạy lịch sử Phật giáo, thi ca, nhận thức xác thực, Trung Đạo, v.v. cho các lớp khác trong Học viện, tuân theo mệnh lệnh từ chư Khenpo của Học viện. Ngài cũng là biên tập viên đầu tiên của Ban Biên Tập Minling trong ba năm. Trong nhiệm kỳ biên tập của Ngài, Ban Biên Tập đã chỉnh sửa Lịch Sử Truyền Thừa Mindrolling và Các Quy Tắc Giới Luật Của Học Viện.
Tulku Dakpa Rinpoche thường viếng thăm Kyabje Minling Trichen Rinpoche để thỉnh cầu sự gia trì, các trao truyền và chỉ dẫn bí mật. Kyabje Rinpoche là cha duy nhất trên con đường tâm linh bên trong của Tulku Dakpa Rinpoche và nhờ sức mạnh lòng từ và sự gia trì của Ngài, Tulku Dakpa Rinpoche mở tâm thực hành Giáo Pháp và tiến bộ trên con đường giải thoát. Lòng sùng mộ của Ngài với Kyabje Rinpoche ngày càng sâu sắc thêm, bất kể Hóa thân của Kyabje Rinpoche có xuất hiện hay không. Ngài đã thỉnh cầu Kyabje Trulshik Rinpoche[2] soạn Đạo Sư Du Già về Kyabje Minling Trichen Rinpoche. Kyabje Trulshik Rinpoche đã hoan hỷ chấp nhận và soạn một nghi quỹ Đạo Sư Du Già vô cùng sâu xa, điều mà toàn bộ Tăng đoàn Mindrolling đều thực hành.
Rinpoche đã tìm kiếm các vị trì giữ truyền thừa khác nhau và thọ nhận những giáo lý quan trọng từ chư vị. Ngài đã thọ nhận quán đỉnh và khẩu truyền cho Kama – truyền thừa truyền miệng của trường phái Nyingma từ Kyabje Taklung Tsetrul Rinpoche tại Tu viện Mindrolling. Ngài thọ nhận hai lần quán đỉnh và khẩu truyền về Rinchen Terdzod – Kho Tàng Quý Báu: một lần từ Kyabje Penor Rinpoche tại Tu viện Shechen với phần khẩu truyền từ Shechen Rabjam Rinpoche và một lần từ Kyabje Taklung Tsetrul Rinpoche tại Tu viện Mindrolling với phần khẩu truyền từ Namkhai Nyingpo Rinpoche. Ngài cũng thọ trao truyền Damngak Dzod – Kho Tàng Chỉ Dẫn, một tuyển tập truyền thừa sâu xa từ tám trường phái khác nhau của Tây Tạng do Tôn giả Jamgon Kongtrul[3] kết tập, từ Kyabje Trulshik Rinpoche tại Tu viện Shechen cũng như toàn bộ giáo lý của truyền thừa Mindrolling tại Tu viện Mindrolling. Ngài thọ trao truyền cho các quyển gốc của Longchen Nyingtik [Nyingtik Tsapod] từ Kyabje Pema Kalsang Rinpoche ở Bỉ. Khi ấy, Kyabje Pema Kalsang Rinpoche chính thức tấn phong Ngài là [vị tái sinh của] Drupwang Rogza Sonam Palge Rinpoche và soạn một lời cầu nguyện trường thọ cho Rinpoche. Rinpoche thọ Bảy Kho Tàng của Tôn giả Kunkhyen Longchenpa hai lần: một lần từ Tulku Rigdzin Pema Rinpoche tại Tu viện Palyul ở Nam Ấn và một lần từ Khenpo Gelek Tenzin tại Tu viện Mindrolling. Ngài cũng thọ nhận giáo lý từ nhiều vị đạo sư khác như Kyabje Khochhen Rinpoche, Khenchen Petse Rinpoche, Khenchen Thupten Rinpoche, v.v.
Sau khi Kyabje Minling Trichen Rinpoche viên tịch, Tulku Dakpa Rinpoche lại hạnh ngộ Kyabje Taklung Tsetrul Rinpoche và thọ nhận từ vị này tất cả quán đỉnh Kho Tàng Phương Bắc [Jangter] và quán đỉnh Rinchen Terdzod lần thứ hai và đặc biệt là các chỉ dẫn bí mật về bản tính của tâm. Tulku Dakpa Rinpoche thực sự cảm thấy rằng Kyabje Taklung Tsetrul Rinpoche là sự hiển bày lòng từ lớn lao của Kyabje Minling Trichen Rinpoche với Ngài. Kyabje Taklung Tsetrul Rinpoche là một trong những đạo sư gốc của Tulku Dakpa Rinpoche và Ngài vẫn cầu nguyện Kyabje Taklung Tsetrul Rinpoche trụ thế dài lâu và liên tục dẫn dắt chúng ta.
Năm 2007, Rinpoche viếng thăm Tu viện trước kia của Ngài – Tu viện Gegong, một trong năm Tu viện Longchen Nyingtik chính trong vùng Dzachukha, miền Đông Tây Tạng, cùng với nhiều đệ tử Phần Lan của Ngài. Nhiều đạo sư Nyingma vĩ đại xuất thân từ Tu viện này, chẳng hạn Dza Patrul Rinpoche, Khenpo Kunpal Rinpoche[4] và Kunkhyen Bopa Tulku Rinpoche[5]. Tu viện và cả làng đã cung nghênh Rinpoche bằng những nghi lễ trang nghiêm. Họ đã cúng dường Rinpoche những bức tượng, bảo tháp và bản văn quan trọng của toàn bộ giáo lý Phật, cùng với trăm con Yak, trăm con cừu và trăm con ngựa, nhiều loại gấm và v.v. Họ vô cùng hoan hỷ khi được hạnh ngộ Rinpoche và họ thỉnh cầu Ngài sớm trở lại và ở lại lâu hơn, dẫn dắt Tu viện và giảng dạy Giáo Pháp.
Trong những kỳ nghỉ của Học viện, Rinpoche đã viếng thăm châu Âu để giảng dạy theo thỉnh cầu của Trung Tâm Dzogchen Bỉ và thăm nhiều quốc gia khác ở châu Âu từ năm 1999. Kết quả là, Ngài hiện đang sống tại Phần Lan, nơi Ngài là vị sáng lập và giám đốc điều hành của Trung Tâm Giáo Pháp Danakosha, trung tâm Giáo Pháp gốc cho các hoạt động của Rinpoche. Ngài cũng dẫn dắt trung tâm nhập thất Rangjung Osel – trung tâm nhập thất riêng ở miền Nam Phần Lan. Ngài thường ban giáo lý cho các cấp độ hành giả Phật giáo khác nhau và thực hành cùng với Tăng đoàn. Sự hào phóng lớn lao trong việc giảng dạy của Ngài đem đến trí tuệ mới về con đường giác ngộ cho cuộc đời của nhiều người. Kiến thức lớn lao, trái tim bi mẫn, bản tính tận tụy và khả năng dẫn dắt chúng sinh của Ngài thực sự được trân trọng. Rinpoche cũng du hành đến những nơi khác ở châu Âu, châu Á và Hoa Kỳ để ban giáo lý tại các trung tâm Giáo Pháp khác nhau. Ngài là đạo sư Phật giáo Tây Tạng đầu tiên thường trú tại Phần Lan và chúng tôi thực sự mong rằng Rinpoche trụ thế dài lâu và tầm nhìn bao la của Ngài vì lợi lạc của hữu tình chúng sinh, đặc biệt là những vị kết nối với Ngài, được viên thành suôn sẻ và không nỗ lực.
Được viết bởi đệ tử Olli Pietiläinen theo giải thích của Tulku Dakpa Rinpoche.
Nguồn Anh ngữ: https://tdr.bio/biography/.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
Discussion about this post