THỐNG KÊ TÍN ĐỒ TÔN GIÁO:
NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI
Thích Thanh Thắng
Việt Nam hiện nay có 11 tôn
giáo được công nhận bao gồm: Phật giáo, Hồi giáo, Thiên chúa giáo, Tin Lành,
Hòa Hảo, Cao Đài, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật đường Nam tông
Minh sư Đạo, Minh Lý Đạo Tam tông miếu và đạo Baha’i. Ngoài ra còn có nhóm tổ
chức tôn giáo được công nhận như Bửu Sơn Kỳ Hương và một hệ phái Tin Lành là
Hội thánh Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam.
Theo thống kê của Ban Tôn giáo chính phủ Việt Nam năm 2005,
Phật giáo có 10 triệu tín đồ, Công giáo có 6,2 triệu tín đồ, Phật giáo Hòa Hảo
1,3 triệu tín đồ. Nhưng theo cuộc Tổng điều tra dân số năm 2009, thống kê của
Tổng cục Thống kê, thì Phật giáo có 6.802.318 người, chiếm 43,5% trong tổng số
người theo các tôn giáo; Công giáo có 5.677.086 người (36,3%), và Phật giáo Hoà
Hảo có 1.433.252 người (9,2%).
Qua 2 số liệu cách nhau 4 năm kể trên, chúng ta thấy Phật
giáo giảm 3,2 triệu tín đồ, Công giáo giảm hơn 500 ngàn tín đồ, trong khi đó
Hòa Hảo tăng hơn 100 ngàn tín đồ. Chưa kể gần đầy, Tịnh độ cư sĩ cũng cho rằng
họ có 1,4 triệu tín đồ dù mới được công nhận không lâu. Có tin được không?
Vốn dĩ thống kê mà Ban tôn giáo Chính phủ công bố năm 2005
cũng đã gặp phải những phản ứng từ phía các tôn giáo. Với thống kê năm 2009 kể
trên, chắc chắn cũng sẽ vấp phải những phản ứng tiếp theo. Cụ thể con số thống
kê 6.802.318 người theo đạo Phật đã gây ra một số tranh luận trong giới Phật
giáo.
Chúng tôi xin dẫn lại một đoạn trong Báo cáo Tự do Tôn giáo
Quốc tế, giai đoạn từ tháng 7-12/2010, đăng trên Đại sứ quán Hợp chủng quốc Hoa
Kỳ tại Việt Nam. Đáng lưu ý là báo cáo này không lấy theo con số thống kê của
Tổng cục Thống kê năm 2009:
“Việt Nam có diện tích 330.000 km vuông và dân số 89,6
triệu người. Phần đông các ước tính đều cho thấy hơn một nửa dân số theo đạo
Phật trên danh nghĩa. Giáo hội Công giáo chiếm 7% dân số. Một số tổ chức của
đạo Cao Đài chiếm 2,5 – 4% dân số, giáo phái Hòa Hảo truyền thống chiếm 1,5
-3%, các hệ phái Tin Lành chiếm 1-2%, và Hồi giáo chiếm chưa đến 0,1% dân số.
Hầu hết các công dân còn lại đều tự nhận mình không theo tôn giáo nào, mặc dù
một số vẫn thực hành các tín ngưỡng truyền thống như tín ngưỡng vật linh, thờ
cúng tổ tiên và các anh hùng dân tộc.
Ban Tôn giáo Chính phủ ước tính có khoảng 10 triệu người
(11% dân số) theo Phật giáo Đại thừa, phần lớn là người Kinh (nhóm đa số của
đất nước, còn được gọi là người Việt). Chỉ riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh có hơn
1.000 chùa Phật giáo đang hoạt động. Cộng đồng người Khmer thiểu số ở miền Nam,
với khoảng hơn 1 triệu người, theo Phật giáo dòng Nam Tông và có hơn 570 ngôi
chùa.
Mặc dù con số thống kê của Chính phủ cho biết có 6,28 triệu
tín đồ Công giáo, các ước tính khác đưa ra con số là 8 triệu người. Công giáo
đã phục hồi trong những năm gần đây, với các nhà thờ được xây mới hoặc cải tạo
lại và số người muốn làm các công việc tôn giáo ngày càng tăng. Cả nước có 3
tổng giám mục, 44 giám mục và gần 4.000 linh mục coi sóc 26 giáo phận. Có trên
10.000 nơi thờ tự, trong đó có 6 chủng viện và 2 cơ sở đào tạo chức sắc tôn
giáo. Theo Tòa thánh Vatican, số lượng chủng sinh chuẩn bị được thụ phong linh
mục trong 5 năm vừa qua đã tăng hơn 50%, hiện lên tới 1.500 người.
Thống kê của chính phủ cho biết đạo Cao Đài, một tôn giáo
dung hợp các yếu tố của nhiều đức tin khác nhau, có 2,3 triệu tín đồ, trong khi
các chức sắc của đạo này công bố rằng có khoảng 3,9 triệu người. Theo chính
phủ, có 1,3 triệu tín đồ Hòa Hảo; các chi nhánh ở hải ngoại của đạo này ước
tính có tới 3 triệu người. Một số ít tín đồ Hòa Hảo theo các chi phái khác đối
lập với Ban Trị sự Hòa Hảo được công nhận chính thức, chẳng hạn như Giáo hội
Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy và Giáo hội Phật giáo Hòa hảo Truyền thống.
Hai hội thánh Tin Lành lớn nhất được chính thức công nhận là
Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam và Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc có
quy mô nhỏ hơn. Các hội thánh khác cũng đã được chính thức công nhận gồm có Hội
thánh Báp-tít Ân điển Nam phương, Hội thánh Cơ đốc Truyền giáo, Hội thánh
Mennonite Việt Nam, Hội thánh Trưởng Lão Việt Nam, Hội thánh Báp-tít Việt Nam
(Báp-tít miền Nam), Hội thánh Cơ đốc Phục lâm Việt Nam và Liên hữu Cơ đốc Việt
Nam. Ngoài ra còn có các hệ phái Tin Lành khác như Hội thánh Phúc âm Ngũ tuần
Việt Nam (đã đăng ký trên toàn quốc), cũng như các hội thánh khác đã đăng ký ở
địa phương nhưng chưa đăng ký ở cấp quốc gia. Ước tính số tín đồ Tin Lành dao
động từ 1 triệu theo thống kê của Chính phủ đến trên 2 triệu theo công bố của
các giáo hội.
Số lượng tín đồ Hồi giáo khá ít ỏi, từ 70 đến 80 nghìn
người, các nhà thờ Hồi giáo được đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, tỉnh
miền Tây An Giang và các tỉnh duyên hải phía Nam. Chính phủ ước tính có gần
73.000 người theo đạo Hồi. Khoảng 40% tín đồ Hồi giáo theo dòng Sunni, 60% còn
lại theo dòng Bani.
Có một số cộng đồng tôn giáo nhỏ hơn, lớn nhất trong số này
là cộng đồng người Hindu. Khoảng 50.000 người dân tộc Chăm ở vùng duyên hải Nam
Trung Bộ theo một nhánh của đạo Hindu. Ước tính có khoảng 7.200 tín đồ đạo
Baha’i, chủ yếu tập trung ở miền Nam. Có khoảng 1.000 tín đồ của Giáo hội Các
thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô (hay còn gọi là giáo phái Mormons) trên
toàn quốc. Giáo hội này có hai giáo đoàn được công nhận ở cấp địa phương tại
Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Phái Chứng nhân Giê-hô-va có 55 giáo đoàn với
khoảng 3.000 tín đồ đang hoạt động tại 18 tỉnh thành trên cả nước. Thành phố Hồ
Chí Minh có một nhà thờ Do Thái phục vụ khoảng 150 tín đồ Do Thái, chủ yếu là
người nước ngoài sinh sống tại đây.
Ít nhất 14 triệu người, chiếm khoảng 17% dân số hoặc hơn,
được cho là không theo một tôn giáo có tổ chức nào. Chính phủ không xếp những
người chỉ đi chùa vào các ngày lễ là tín đồ Phật giáo. Không có con số thống kê
mức độ tham gia các nghi lễ tôn giáo chính thức, nhưng con số này nhìn chung
được cho rằng vẫn đang tiếp tục tăng lên kể từ năm 2000.
Các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 14% dân số. Theo tính toán
của các tín đồ, 2/3 tín đồ Tin Lành là người dân tộc thiểu số, trong đó có các
nhóm thiểu số ở vùng Cao nguyên Tây Bắc (H’mông, Dao, Thái và các dân tộc khác)
và ở Tây Nguyên (Ê-đê, Gia-rai, Sê-đăng, Mơ-nông và các dân tộc khác). Cộng
đồng người dân tộc Khmer Krom chủ yếu theo Phật giáo dòng Nam Tông”.
Đọc báo cáo kể trên, chúng ta thấy, họ căn cứ trên báo cáo
của Chính phủ Việt Nam, nhưng có tìm hiểu thực tế sự phát triển của các tôn
giáo. Tức vẫn có những khoảng cách trong thống kê giữa nhà nước và các tổ chức
tôn giáo.
Với những thông tin thống kê trên, cho dù chúng ta chưa biết
quá trình điều tra trong thời gian thống kê là bao lâu, tiêu chí như thế nào,
lý thuyết xác suất ra sao, nhưng số liệu rõ ràng là mâu thuẫn với thực tế phát
triển của các tôn giáo và mâu thuẫn với chính những công bố khác nhau từ phía
quản lý nhà nước, rằng các tôn giáo đang phát triển và không ngừng gia tăng số
lượng tín đồ tại Việt Nam.
Thực tế, từ năm 2005, sự kiện Thiền sư Nhất Hạnh về nước,
năm 2008 Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Việt Nam, đến năm 2009 là thời
điểm Phật giáo có nhiều điều kiện gia tăng số lượng Phật tử. Vì thế rất khó có
chuyện giảm, mà lại giảm nhanh như thế. Hơn nữa, thống kê của Ban Tôn giáo
Chính phủ đưa ra số lượng tín đồ Công giáo dù có cao hơn Tổng cục Thống kê
nhưng cũng mấy cách biệt nhiều.
Điều đó cho thấy, về mặt thống kê, chúng ta không bao giờ
tin hết vào những công bố đó, cho dù là được công bố bởi một cơ quan uy tín.
Bởi nếu thống kê trong một gia đình Công giáo, thì người Công giáo đại diện
đứng ra khai có thể khai hết từ đứa trẻ mới sinh ra cho đến người sắp qua đời
là tín đồ. Nhưng thống kê bên các gia đình theo Phật giáo, thì không hoàn toàn
như vậy, có thể các cháu nhỏ lớn lên cha mẹ mới cho quy y, có thể do ông chồng
không theo tôn giáo nào, nên khi khai đã tùy tiện bỏ trống mục “theo tôn
giáo”, trong khi vợ và một số người con có thể đã quy y. Thế nhưng tiêu
chí của thống kê là phải có pháp danh thì mới được gọi là “tín đồ”
đạo Phật. Vậy có nên đặt ra câu hỏi, có cần làm lễ quy y ngay cho trẻ mới sinh
ra hay không?
Như vậy,chỉ với hai con số thống kê của hai cơ quan quản lý
nhà nước khác nhau đã cho thấy sự không thống nhất và chắc chắn nó sẽ gây nhiễu
cho quản lý nhà nước về tôn giáo.
Tuy nhiên, việc công bố số lượng Phật tử của Tổng cục Thống
kê cũng cho chúng ta thấy những mức độ đáng báo động mà một số lãnh đạo Phật
giáo đã không tỉnh táo nhìn nhận trước thực tế số lượng tín đồ tăng cơ học, hơn
là tăng trực tiếp từ việc quy y.
Chúng ta không thể căn cứ trên các khóa tu từ các nơi đổ về
một địa điểm, hay các cuộc lễ lớn rầm rộ ở các đạo tràng, và ngay cả việc quy y
cho người dân tộc thiểu số (vì có thể một lúc họ theo cả 2, 3 đạo, và chúng ta
cũng không ngăn được việc họ bỏ đạo sau khi đã quy y), bởi thực tế đó là sự gia
tăng cơ học, dựa trên nhu cầu tu học, hơn là khuyến khích người chưa có đạo quy
y. Chúng ta có thể hiểu sự gia tăng cơ học tại các khóa tu bao gồm những Phật
tử đã quy y từ lâu, ở những địa phương và những ngôi chùa khác nhau tìm đến
tham dự tu tập tại một địa điểm uy tín. Đó chính là sự dịch chuyển tín đồ, về
mặt hiện tượng, chúng ta báo cáo số lượng người tham dự tu tập tăng, nhưng dù
là tăng về chất và phần nào tăng về số lượng, nhưng đó cũng là sự là tăng cơ
học, chứ chưa hẳn là tăng số người quy y trên thực tế.
Như vậy muốn biết tăng hay không thì phải dựa vào thực tế
người quy y, trừ đi số Phật tử đã qua đời hàng năm. Hiện nay, chúng ta vẫn chưa
tổ chức được công tác thống kê Phật tử trên toàn quốc dựa trên danh sách người
quy y và người đã mất. Điều đáng nói khâu quản lý tài liệu, sổ sách tại các tự
viện của chúng ta là rất yếu kém. Một phần do các Ban Trị sự, Ban Đại diện Phật
giáo chưa thực sự quan tâm đến điều này. Bởi không thể cung cấp danh sách ước
định một chùa khoảng bao nhiêu Phật tử để khai cho có lệ, mà phải quản lý lý
lịch (họ và tên, năm sinh, giới tính, nơi thường trú, thậm chí thiết kế mã số
quản lý…). Có như vậy mới đưa vào phần mềm quản lý điện tử, tránh tình trạng
công bố tùy tiện số lượng tín đồ ảo, chẳng dựa trên bất cứ một điều tra, thống
kê khoa học nào.
Các tôn giáo lớn trên thế giới đều tự theo dõi số lượng tín
đồ của mình/trên tổng số dân và không ỷ vào các thống kê xã hội khác, nếu có
chỉ xem đó là nguồn giá trị tham khảo. Lỗi đầu tiên thuộc về chúng ta, những
người tham gia quản lý Giáo hội đã không ý thức quan tâm về vấn đề này. Đó là
chưa nói đến một số nơi chạy theo hình thức, có vẻ tăng số lượng Phật tử cơ học
tại các khóa tu, trong khi thực tế vẫn chưa hấp dẫn được người mới tìm đến quy
y, đặc biệt là giới trẻ.
Có thể Phật giáo không giảm sút như thống kê công bố, nhưng
tăng chậm, hoặc tăng trong độ tuổi già là chủ yếu, và nếu so với sự tăng nhanh
tín đồ của các tôn giáo khác ở độ tuổi trẻ thì chỉ trong một thời gian ngắn,
Phật giáo chắc chắn cũng sẽ trở thành tôn giáo thiểu số tại Việt Nam mà
thôi.
Đứng trước rừng thông tin thống kê, nếu chúng ta không tin
được, thì cũng đừng ngồi đoán già đoán non nữa, cần tự mình thắp đuốc lên mà
đi. Chúng tôi tin rằng những Tăng, Ni sinh được đào tạo từ các trường viện
(“đầy vẻ vang và tự hào”) có đủ tài năng, trí tuệ cùng ngồi với nhau
để cho ra một bài toán thống kê, quản lý Phật tử, lấy đó làm căn cứ cho các mục
tiêu phát triển của Giáo hội. Còn nếu ngay cả cái việc đơn giản như cơm ăn nước
uống hàng ngày ấy mà không làm được, thì phải xem lại hệ thống giáo dục và hệ
thống tổ chức 30 tuổi của chúng ta.
Việc công bố số lượng tín đồ tôn giáo không chỉ nằm ở những
con số đã thống kê theo một phương pháp, hay cách tiếp cận máy móc nào đó, mà
“ý tứ” nằm ở quyền công bố những con số mang tính “chính
trị” ấy sẽ có tác động như thế nào đến đời sống tín ngưỡng tôn giáo của
nhân dân.
Phải lý giải ra sao trước những con số biết nói ấy? Có một
câu trả lời luôn luôn đúng, đó là “thống kê” không phải bao giờ cũng
đúng!
TTT (TTVHPGLQ)
Discussion about this post