“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có ba phước nghiệp này. Thế nào là ba? Bố thí là phước nghiệp, bình đẳng là phước nghiệp, tư duy là phước nghiệp.
Thế nào gọi bố thí là phước nghiệp? Nếu có một người mở lòng bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn, người hết sức bần cùng, người cô độc, người không nơi nương tựa, cần ăn cho ăn, cần nước cho nước, y phục, thức ăn, giường nằm, thuốc men trị bệnh, hương hoa, chỗ ở, tùy theo sự thuận tiện của thân, không có yêu tiếc. Đây gọi là phước nghiệp bố thí.
Thế nào gọi bình đẳng là phước nghiệp? Nếu có một người không giết hại, hằng biết hổ thẹn, không dấy tư tưởng ác; cũng không trộm cắp, thích bố thí cho người, không tâm tham lẫn, không tổn thương tâm người; cũng không dâm dục với vợ hay chồng người khác, tự tu Phạm hạnh, tự đủ với sắc vợ hay chồng mình; cũng không vọng ngữ, hằng nghĩ chí thành, không lời hư dối, nói năng hòa nhã, người ấy được người đời kính nể, không có thêm bớt; cũng không uống rượu, hằng biết tránh loạn động; lại đem tâm từ rải khắp một phương, hai phương, ba phương, bốn phương cũng thế, tám hướng, trên dưới, đầy khắp trong đó không hạn, không lượng, không thể giới hạn, không thể tính kể; dùng tâm từ này che khắp tất cả khiến được an ổn; lại đem tâm bi, hỷ, xả (hộ) trải khắp một phương, hai phương, ba phương, bốn phương cũng vậy, tám hướng, trên dưới, đều tràn đầy trong đó không hạn, không lượng, chẳng thể tính kể; dùng tâm bi, hỷ, xả này rải đầy trong đó. Đó gọi là bình đẳng là phước nghiệp.
Thế nào gọi tư duy là phước nghiệp? Ở đây, Tỳ-kheo, tu hành niệm giác ý, ý vô dục, ý vô quán, ý diệt tận, ý xuất yếu; tu pháp giác ý, tu niệm giác ý, tu ý giác ý, tu định giác ý, tu xả (hộ) giác ý, ý vô dục, ý vô quán, ý diệt tận, ý xuất yếu. Đó gọi là tư duy là phước nghiệp. Như thế, Tỳ-kheo, có ba phước nghiệp này.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Bố thí và bình đẳng/ Từ tâm, xả, tư duy/ Có ba xứ sở này/Chỗ người trí thân cận/ Trong đây hưởng báo này/ Trên trời cũng lại thế/ Do có ba chỗ này/ Sanh Thiên ắt chẳng nghi.
Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy tìm phương tiện đến ba chỗ này. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm 21.Tam bảo,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.358)
Nói đến phước đức, chúng ta thường nghĩ đến cúng dường, bố thí, làm thiện nói chung, nên gọi bố thí là phước nghiệp.
Bên cạnh bố thí còn có bình đẳng là phước nghiệp. Người Phật tử chỉ cần giữ trọn năm giới sẽ tạo ra công đức, phước báo vô lượng. Thì ra, phạm giới khiến tổn phước, giữ giới giúp tăng phước. Song hành với giữ giới là rải bốn tâm vô lượng từ bi hỷ xả đến khắp mười phương. Ai giữ trọn năm giới và luôn từ bi hỷ xả thì phước đức càng đủ đầy.
Tư duy đúng Chánh pháp cũng mang lại phước đức. Giác ý là hướng tâm đến “vô dục, vô quán, diệt tận, xuất yếu”, nói chung là quán chiếu để thấy rõ sự thật các pháp mà ly dục, ly tham, buông bỏ, giữ tâm thanh tịnh và sáng suốt. Chính điều này mang đến phước nghiệp.
Như vậy, cơ hội để kiến tạo phước nghiệp luôn hiện hữu quanh ta. Chỉ cần có hiểu biết và có tâm hạnh vun bồi cội phước thì chúng ta sẽ thành tựu phước đức. Một khi phước đức đủ đầy, người Phật tử không còn lo sợ bất cứ điều gì, sống an nhiên và an lành, vì phước đức sẽ nâng đỡ chúng ta từ nay cho đến ngày công viên quả mãn.
Quảng Tánh
Discussion about this post