QUAN NIỆM SAI LẦM VỀ THÂN TRUNG ẤM
HT. Viên Minh
Bạch Sư,
Con có một thắc mắc về ý niệm Thân Trung Ấm. Theo như con hiểu thì con người sau khi chết, tùy theo nghiệp lực mà đi đầu thai ngay lập tức, từ tử tâm, chuyển tức thì qua thức tái sanh (Vi Diệu Pháp). Nhưng cùng lúc lại có sự giải thích là nếu chưa đi đầu thai được thì phải chờ ở Thân Trung Ấm. Xin thầy giảng giải cho con được rõ.
Thân trung ấm, người cõi âm, vong linh, ngạ quỷ, hồn ma, phi nhân v.v… là những tên gọi khác nhau người đời sau đặt ra theo hiểu biết của họ nhưng đều ám chỉ người cõi Peta trong tiếng Pāli mà thôi. Như vậy gọi gì không quan trọng, chủ yếu là biết đúng thực chất cõi này là gì mới được.
Có hai quan niệm cực đoan sai lầm: Một cho rằng có thân trung ấm là vong linh người chết còn vất vưởng đâu đó trong vòng 49 ngày chưa được đi đầu thai, đó là theo quan niệm trong Abhidharma-Kosa (A-tì-đàm Câu-xá) của Nhất Thiết Hữu Bộ. Về sau được người Hoa duy trì phát triển thêm. Hai cho rằng không có người âm, tức không có cõi Peta này.
Theo Pāli Abhidhamma nguyên thủy thì tiến trình tâm tục sinh (patisandhi) đi liền sau tử tâm (cuti) chỉ một sát- na, có nghĩa là chết là tâm thức do nghiệp lực liền đi tái sinh ngay, không có tình trạng vong hồn vất vưởng 49 ngày, do đó quan niệm thân trung ấm về sau là sai. Tuy nhiên, vì vậy mà cho rằng không có người cõi Peta cũng là một sai lầm khác. Thức tái sinh, kết sinh thức hay tâm tục sinh vẫn xuất hiện ngay sau tử tâm để tái sinh vào cõi Peta, và tuổi thọ của cõi này bất định chứ không nhất định là 49 ngày như quan niệm về thân trung ấm.
Thực ra, Peta là một cõi tái sinh do nghiệp lực và tưởng của người lúc lâm chung, nên chính xác nhất có thể gọi đó là người cõi âm bởi vì thân của người cõi này được hình thành do tưởng của người cõi dương trước khi chết (người sống). Như vậy có người âm nhưng không phải là hồn ma trung ấm mà là một cõi chúng sinh có thực trong trong 4 đường ác đạo ( cõi Atula, Peta, súc sinh và cõi khổ).
Người cõi âm (Peta) hình thành:
1) Do nghiệp lực mà chủ yếu là nghiệp bất thiện thuộc loại xan tham, ích kỷ, bỏn sẻn, ganh tỵ, khao khát, dính mắc, luyến tiếc tài tình danh lợi ở đời chưa thỏa mãn được
2) Do tưởng ngay khi tử tâm xuất hiện. Thí dụ: Người bị chết đuối thấy mình đang chới với lặn hụp trong nước với sự sợ hãi cao độ, hình ành ấy tạo một ấn tượng rất mạnh ám ảnh tâm thức người ấy, tưởng chấp giữ hình ảnh ấy và một thân tướng do tưởng ấy sinh tạo thành người cõi âm là một “ma chết đuối” như người đời thường nói. Một người mẹ chết khi đứa con còn nhỏ dại, cô ta trở thành âm bản của mình, hàng ngày ôm ấp đứa con trong tưởng để tự đánh lừa mình v.v…
Có một loại nữa gọi là Asura thường đọc theo phiên Âm Hán Việt là A-tu-la. Đây là loại “Atula địa” thấp hơn cõi người, cũng gọi là người âm có nhiều năng lực hơn cõi âm Peta, nên người Hoa còn gọi là Thần nhưng cũng thuộc 4 ác đạo, khác với “Atula thiên” cao hơn cõi người, thuộc cõi trời Dục giới (thường tranh chấp với chư thiên cõi trời Đao Lợi).
Những người vì có tài năng và quyền lực nên ngã mạn, tự cao, thích ra oai, điều khiển, khống chế người khác, dễ bị sân hận oán thù nên bị đọa vào cõi Atula địa này. Atula này cũng do tưởng sinh nên gần giống như Peta nhưng có uy lục hơn và thường hay quấy phá những người oan trái với họ ở dương gian…
Viên Minh
Trích mục Hỏi Đáp – trungtamhotong.org
Bài đọc thêm:
Trung Ấm Tái Sinh (Ni sư Thích Nữ Trí Hải)
Thức Trung Ấm – Venerable Dezhung Rinpoche – Chuyển Ngữ: Thích Nữ Tịnh Quang
Trung Ấm Tái Sinh
Trao đổi về bài viết có 49 ngày và thân trung ấm không? (HT. Giới Đức Minh Đức Triều Tâm Ảnh)
Khảo về thân trung ấm (Chúc Phú)
Chương 04: Trung Ấm Thân Bardo (Thích Như Điển & Thích Nguyên Tạng)
Chết Vào Thân Trung Ấm Và Tái Sinh Theo Phật Giáo Tây Tạng
Tìm Hiểu Cõi Âm Và Phương Thức Cứu Độ Hương Linh Huỳnh Trung Chánh
Cõi Âm Có Hay Không? Nhận Thức Của Phật Giáo Đối Với Vấn Đề Này
4. Sau Khi Thần Thức Thoát Ra Khỏi Xác, Nó Phải ở Trong Trạng Thái Trung Ấm Thân Bao Lâu Trứơc Khi Đi Tái Sinh?
Thần thức
Đức Phật dạy cầu nguyện cho thân trung ấm (Nguyên Giác)
Cái chết, trạng thái trung ấm và sự tái sinh (Đức Đạt Lai Lạt Ma)
Discussion about this post