Đã từ lâu, tôi phát tâm tu tập pháp môn niệm Phật,
niệm danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật, cầu vãng sanh Tịnh độ.
Tôi cảm nhận được sự an ổn thân tâm và dần thiết lập
được niềm tin vững chắc vào pháp môn. Gần đây, một người
bạn cho tôi mượn 2 bộ VCD, “Tiến trình niệm Phật” và “Đất”
của thầy Chân Quang. Xem xong 4 đĩa VCD này tôi thật bàng hoàng
vì những lời giảng vô cùng lạ lẫm, đơn cử như “Niệm
Phật đừng nguyện thành Phật mà thành đất…” (VCD – Đất)
hay “Niệm Phật thành đất, chắc gì được vãng sanh mà nguyện…”
(VCD – Tiến trình niệm Phật). Vậy, kính mong quý Báo cho biết
quan điểm của Phật giáo về pháp môn niệm Phật mà tôi
đang hành trì để giữ vững niềm tin trong quá trình tu tập.
TRẢ
LỜI:
Niệm danh Phật A Di Đà, cầu vãng sanh Tịnh độ
là pháp tu phổ biến của các hành giả Tịnh Độ tông. Tịnh
Độ là một trong những tông phái lớn của Phật giáo Bắc
truyền, có kinh luận y cứ rõ ràng, được chư vị Tổ sư
thế thứ truyền thừa, rất nhiều hành giả niệm Phật được
vãng sanh (Tứ chúng vãng sanh truyện). Đặc biệt, Tịnh Độ
tông có số lượng tín đồ đông đảo, nhất là ở các nước
như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Vì vậy,
thật xác đáng khi nhận xét “Ở các xứ Bắc tông Phật giáo,
những người xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà chiếm phần
tối đa” (Thích Thiền Tâm, Niệm Phật thập yếu, tr.14).
Khởi
nguyên, giáo nghĩa Tịnh độ được hình thành và phát triển
ở Ấn Độ, là một đường lối tu tập nhưng chưa hình thành
tông phái. Khi Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào Trung Quốc
(cuối thế kỷ thứ I), khoảng thế kỷ thứ III, kinh điển
Tịnh độ mới xuất hiện và đến thế kỷ VI thì giáo nghĩa
Tịnh Độ tông xem như hoàn chỉnh. Ngoài ba bộ kinh nền tảng
là kinh Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà, kinh Quán Vô Lượng Thọ,
còn có Vãng sanh Tịnh độ luận (Thế Thân) và rất nhiều
kinh điển Đại thừa ca ngợi tư tưởng Tịnh độ như Hoa
Nghiêm, Phương Đẳng, Bửu Tích…
Khai
sáng Tịnh Độ tông Trung Quốc là Sơ tổ Huệ Viễn (333-416).
Ngài thành lập Bạch Liên xã, tổ chức tu tập niệm hồng
danh Phật A Di Đà tại chùa Đông Lâm, ở Lô Sơn. Sau đó,
liên tông chư Tổ thế thứ truyền thừa đến Ấn Quang đại
sư (1862-1940), Tổ sư thứ mười ba. Tại Việt Nam, giáo nghĩa
Tịnh độ được truyền vào rất sớm, “sự có mặt của
giáo lý Tịnh độ ở Việt Nam được đánh dấu chậm lắm
là vào khoảng giữa thế kỷ thứ mười một” (Nguyễn Lang,
Việt Nam Phật giáo sử luận, tr.202). Theo Thiền uyển tập
anh, năm 1141 chùa Quỳnh Lâm đã tạc tượng Phật A Di Đà.
Đời Trần, Trần Thái Tông (1218-1277) đã chủ trương tu tập
niệm Phật (Khóa hư lục). Đến Trần Nhân Tông (1258-1308)
đã xác định rõ, “Phật tử nước ta thời ấy, niệm Phật
là niệm Đức Phật A Di Đà” (Lê Mạnh Thát, Toàn tập Trần
Thái Tông, tr.275).
Đường
lối tu tập của Tịnh Độ dựa trên ba nguyên tắc Tín – Nguyện
– Hạnh. Tín thâm, nguyện thiết và hạnh chuyên là cơ sở
vững chắc để thành tựu vãng sanh. Có nhiều phương thức
niệm Phật nhưng trì danh niệm Phật rất thích hợp với quần
chúng, số đông. Vãng sanh Cực Lạc là kết quả của những
hành giả tu tập niệm Phật đạt đến nhất tâm. Dù quả
vị trong chín phẩm có cao thấp, thượng hạ, song được sanh
về Tịnh độ chắc chắn sẽ “bất thối”, không còn đọa
lạc, theo thời gian sẽ đến ngày chứng quả Vô sanh. Mặt
khác, theo kinh Vô Lượng Thọ, với 48 lời nguyện của Đức
A Di Đà, thì ngoài tự lực còn có tha lực nên niệm Phật
trở thành pháp môn “dễ tu, dễ chứng”. Do vậy, Tịnh Độ
tông truyền bá rất rộng rãi, được nhiều người hưởng
ứng, tu tập.
Như
vậy, niệm Phật A Di Đà, cầu vãng sanh Tịnh độ là pháp
môn tu tập chính thống của Phật giáo, không một ai có
thể bài bác, đả kích hoặc phủ nhận. Thiền sư Thiên Như
khẳng định “Đời mạt pháp về sau, bốn chữ A Di Đà Phật
để cứu độ chúng sanh. Nếu ai không tin, tất sẽ bị đọa
địa ngục” (Thiên Như ký ngữ – Thích Thiền Tâm, sđd, tr 15).
Những ai có duyên với pháp môn niệm Phật thì hãy giữ vững
niềm tin vào Chánh pháp, nỗ lực và tinh tấn hơn nữa để
niệm Phật đạt đến nhất tâm.
Trở
lại vấn đề 2 bộ VCD, “Tiến trình niệm Phật”
và “Đất” của thầy Chân Quang, theo chúng tôi,
trong thuyết pháp có vấn đề đối cơ, tức tùy căn
cơ của hội chúng mà nói pháp. Bạn nghe xong 2 bộ VCD ấy
cảm thấy “bàng hoàng vì những lời giảng vô cùng lạ
lẫm” có thể do bạn không phải là người đương cơ
để cảm nhận những vấn đề thuộc “ý tại ngôn ngoại”!?
Đã xác định mình không phải đối tượng của “pháp thoại”
ấy thì hãy xem như “gió theo lối gió, mây đường mây“,
do đó bạn cứ an tâm tu tập với pháp môn của mình.
Discussion about this post