Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ – Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được mời tham gia một cuộc thảo luận qua liên kết truyền hình với các thành viên của EdCamp Ukraine – một tổ chức Giáo dục phi chính phủ – là đối tác học tập Chính thức về Đạo đức Tình cảm Xã hội (SEE) của Đại học Emory ở Ukraine. Ngài quang lâm, chào các thành viên của nhóm mà Ngài có thể nhìn thấy trên màn hình trước mặt và Ngài đã chúc họ với lời “Chào buổi sáng”. Tiến sĩ Oleksandr Elkin – Giám đốc EdCamp Ukraine đã chào mừng Đức Ngài. Ngài nhớ lại rằng một nhóm các nhà giáo dục Ukraine đã có buổi tiếp kiến với Ngài vào năm ngoái; bắt nguồn từ đó; và trong cuộc gặp gỡ hiện tại này, đây là lần đầu tiên Ngài có cơ hội nói chuyện trực tiếp với người dân Ukraine.
Tiến sĩ Elkin giới thiệu ba người đồng tổ chức: Liliia Hrynevych – cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học Ukraine; Taras Topolya – Đại sứ Thanh niên UNICEF tại Ukraine và là một ca sĩ Ukraine nổi tiếng; và Nataliya Moseychuk – một người dẫn chương trình truyền hình được công nhận trên toàn quốc. Ông mời Đức Ngài mở đầu cuộc trò chuyện.
Ngài bắt đầu: “Đây là lần đầu tiên tôi có thể nói chuyện được với bạn bè ở Ukraine, nhưng tôi coi tất cả chúng ta, tất cả bảy tỷ con người trên hành tinh này, đều giống nhau về phương diện thể chất, tinh thần và cảm xúc. Đất nước của quý vị đã từng là một phần của Liên bang Xô viết, trong thời gian đó quý vị đã được học về chủ nghĩa xã hội. Tôi là một Phật tử, đất nước của tôi đang bị cộng sản Trung Quốc thống trị, do đó chúng tôi bị bắt buộc phải học chủ nghĩa Mác – Lê-nin.
“Khi vừa được sinh ra, chúng ta chỉ tồn tại nhờ vào sữa mẹ – nhờ vào lòng tốt của mẹ. Ở cấp độ đó, tất cả chúng ta đều giống nhau. Một số nhà khoa học nói rằng bản chất của con người là từ bi, bởi lẽ chúng ta là loài động vật quần cư với mối quan tâm tự nhiên đối với cộng đồng của mình. Có thể nói, chúng ta ngay từ khi sinh ra đã có lòng vị tha và có sự quan tâm dành cho người khác.
“Trong lịch sử loài người đã có nhiều đau khổ, xung đột và bạo lực vì xu hướng nhìn người khác theo kiểu ‘chúng ta’ và ‘bọn họ’. Trẻ em không hề có sự phân chia bạn đồng chơi của chúng theo cách này. Các bé không coi trọng tôn giáo, quốc tịch hay sự sung túc của người bạn đồng chơi. Đây là những điều mà chúng dường như học được khi bắt đầu cắp sách đến trường.
“Ngày nay, mọi thứ đã được cải thiện phần nào. Một ví dụ điển hình là việc thành lập Liên minh Châu Âu (EU). Sau một lịch sử đã từng là kẻ thù truyền kiếp, các quốc gia châu Âu do Pháp và Đức lãnh đạo đã bỏ qua sự khác biệt của họ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và thành lập Liên minh châu Âu. Họ nhận ra rằng – việc quá nhấn mạnh sự khác biệt về ngôn ngữ và quốc tịch – đã lỗi thời. Thay vào đó, tốt hơn hết là nên sống hòa bình với nhau và giúp đỡ lẫn nhau. Đây là một tinh thần mà tôi rất ngưỡng mộ; và chúng ta cũng có thể thực hiện được ở những nơi khác trên thế giới. Nếu không có EU, chiến tranh có thể lại sẽ nổ ra, nhưng kể từ khi nó được thành lập, hòa bình đã chiếm ưu thế giữa các nước thành viên”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu trước khán giả trực tuyến trong buổi nói chuyện do EdCamp Ukraine – một tổ chức Giáo dục phi chính phủ – là đối tác học tập Chính thức về Đạo đức Tình cảm Xã hội (SEE) của Đại học Emory tại Ukraine tổ chức, từ Dinh thự của Ngài ở Dharamsala, HP, Ấn Độ vào 20 tháng 10, 2020 . Ảnh của Tenzin Phuntsok
Ngài đã đưa ra một bản tóm tắt về những gì mà Ngài xem là cam kết của mình, bắt đầu với việc Ngài cảm nhận cam kết chia sẻ với những người khác về tầm quan trọng của việc nhận ra tính hợp nhất của nhân loại. Thứ hai, Ngài cố gắng làm nổi bật thông điệp chung của các truyền thống tôn giáo về lòng nhân từ, sự tha thứ, v.v. Ngài cảm thấy sự hòa hợp và thống nhất giữa các truyền thống tôn giáo là điều rất quan trọng; và rằng Ấn Độ – nơi mà tất cả các truyền thống tôn giáo trên thế giới cùng chung sống với nhau – đã cho thấy một ví dụ điển hình rằng, việc hòa hợp giữa các tôn giáo là điều có thể khả thi.
Ngài giải thích rằng Ngài cũng là một người Tây Tạng – mà người dân Tây Tạng đặt hết niềm tin của họ nơi Ngài; nhưng hiện nay Ngài đã nghỉ hưu khỏi trách nhiệm chính trị; và một nhà lãnh đạo được bầu chọn có thể đảm nhận vai trò đó. Tuy nhiên, Ngài vẫn cam kết cố gắng để bảo tồn nền văn hóa Tây Tạng – một nền văn hoá đã giữ cho Truyền thống Nalanda của Ấn Độ, với kiến thức tâm lý học phong phú – được trở nên sống động. Đó là một truyền thống nhấn mạnh việc sử dụng lý trí và phân tích, không bao giờ do dự khi đặt những câu nghi vấn tại sao.
Ngài tuyên bố: “Trên cơ sở của hệ thống lý luận này, tôi đã phát triển mối quan hệ chặt chẽ với các nhà khoa học hiện đại. Khoa học hiện đại không bao gồm sự hiểu biết sâu sắc về hoạt động của tâm thức và cảm xúc, nhưng một số nhà khoa học hiện nay đang tỏ ra quan tâm đến việc tìm hiểu về điều này. Tôi chỉ ra cho họ rằng, việc vệ sinh thân thể là quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta, nhưng đồng thời chúng ta cũng cần phải giữ gìn vệ sinh tinh thần (hay còn gọi là về sinh cảm xúc) – học cách xử lý và làm giảm bớt sự tức giận, lo lắng và sợ hãi. Điều quan trọng là học cách nuôi dưỡng sự an lạc nội tâm.
“Các nhà khoa học đã hiểu rõ về não bộ; và một số người giờ đây đã thấy rằng tâm thức và những thay đổi trong trạng thái tâm thức của chúng ta có thể ảnh hưởng đến những sự thay đổi trong não bộ”.
Ngài nói thêm rằng Ngài cũng cam kết thu hút sự chú ý đến nhu cầu cấp thiết để bảo tồn hệ sinh thái của Tây Tạng. Vùng đất Tuyết, còn được gọi là Nóc nhà của Thế giới, là nơi bắt nguồn của những con sông lớn của Châu Á; và là nguồn nước cho hàng triệu người trên khắp lục địa.
“Tôi rất vui khi có thể tổ chức các cuộc thảo luận với những người đến từ Ukraine ngày hôm nay. Về cơ bản chúng ta đều giống nhau. Tất cả chúng ta đều muốn có một cuộc sống hạnh phúc và do đó – tất cả chúng ta đều cần biết cách để tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn”.
Các thành viên của nhóm hội thảo nêu lên những câu hỏi do mọi người trên khắp đất nước gửi lên cho Ngài. Đầu tiên là hỏi về cách mà giáo viên nên phát triển các kỹ năng như lòng từ bi trong bản thân họ và học sinh của họ. Ngài đã quan sát thấy rằng những cảm xúc tiêu cực như giận dữ và sợ hãi đều dựa trên sự hiểu lầm của chúng ta rằng, cách mà mọi người và mọi vật xuất hiện với chúng ta là cách chúng thực sự như vậy. Ngài nói, đây là lý do tại sao mà chúng ta cần phải chú ý đến tâm lý.
“Hãy hỏi trẻ em xem chúng thích nhìn những khuôn mặt tươi cười hay những khuôn mặt nghiêm nghị. Rõ ràng, cách để có thể mang lại sự hòa hợp và tình bạn – đó chính là mỉm cười. Chúng ta cần phải nuôi dưỡng những thuộc tính trẻ thơ; đó thực sự là nền tảng của các giá trị con người. Chúng ta phải nhớ rằng, là con người – chúng ta đều giống nhau và chúng ta phải cùng chung sống với nhau.
“Khi nói đến việc tạo ra sự thống nhất trong xã hội, chúng ta cần phải nhắc nhở bản thân rằng tất cả chúng ta đều giống nhau. Tôi là người Tây Tạng, nhưng tôi đã dành phần lớn cuộc đời mình để sống ở Ấn Độ. Tuy nhiên, tôi xem bản thân mình chỉ là một con người như những người khác. Bất cứ nơi nào tôi đến, tôi đều nghĩ mình cũng giống như những con người khác.
“Hệ thống độc tài mà quý vị đã từng sống trước đây – nay đã lỗi thời. Nó không còn phù hợp với bản chất con người của chúng ta. Giờ đây, ngoài việc bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa, quý vị có thể thực hiện quyền tự do của mình”.
Về đại dịch vi rút corona, Ngài đồng ý rằng điều đó thực sự rất đáng tiếc. Tuy nhiên, Ngài nhận xét rằng, nó cũng nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa, phụ thuộc lẫn nhau. Chúng ta cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa và tham gia vào nghiên cứu để tìm ra các phương tiện để đối phó với nó một cách can đảm và tự tin. Ngài nhấn mạnh rằng, việc để cho bản thân mình bị mất tinh thần sẽ chỉ dẫn đến thất bại mà thôi.
“Tôi đã bị mất đi Tổ quốc của mình; và mặc dù rất nhiều đau khổ đã diễn ra ở đó, nhưng tôi chưa bao giờ đánh mất lòng can đảm và quyết tâm của mình. Tôi thấy rằng trái tim nhân hậu nồng ấm đã mang lại cho chúng tôi sức mạnh.
Ngài khuyến nghị rằng, đối với các giáo viên giảng dạy về lòng từ bi và trách nhiệm, họ nên chú ý đến các giá trị nội tâm và cách để nuôi dưỡng sự an lạc trong tâm hồn. Ngài nhận xét rằng, kiến thức Ấn Độ cổ đại có thể giúp chúng ta hiểu về cách kiểm soát những cảm xúc phiền toái như tức giận và sợ hãi. Và mặc dù thông tin này được tìm thấy trong các bản kinh văn tôn giáo, nhưng chắc chắn nó có thể được triển khai lại trong bối cảnh thế tục, trong học đường.
Ngài thừa nhận rằng, đôi khi một hành động khắc khe nhỏ có thể hữu ích trong việc ngăn chặn hoặc khắc phục được một thảm họa lớn hơn. Ngài ám chỉ cách mà một lượng nhỏ chất độc hại có thể có giá trị trong y học. Vì vậy, để đạt được điều tốt đẹp hơn hoặc để kiểm soát những người khó tính khác, việc thực hiện một số hành động cứng rắn có thể là hữu ích, nhưng điều quan trọng là nó phải được thúc đẩy bởi tâm tốt và lòng từ bi chứ không phải bởi sự tức giận hoặc khinh thường.
Khi được hỏi làm thế nào để sống dưới cái bóng của căn bệnh nan y, Ngài lưu ý rằng, cũng giống như bất cứ điều gì khác, cuộc sống có sự bắt đầu và đến hạn phải kết thúc. Giữa hai sự kiện đó, mục tiêu quan trọng phải là sống có ý nghĩa, không gây rắc rối cho người khác. Nếu mọi người có thể làm được điều đó, thì khi ra đi, họ có thể cảm thấy bình yên. Ngài nói thêm rằng, khi ai đó sắp qua đời, thật tốt nếu gia đình hoặc bạn bè có thể nhắc nhở cho họ nghĩ về lòng từ bi và duy trì được sự thanh thản trong tâm hồn.
Tiến sĩ Elkin thưa với Đức Ngài rằng, câu hỏi tiếp theo đến từ cộng đồng EdCamp Ukraine. Ông đề cập rằng họ đã giới thiệu chương trình Học tập Xã hội, Tình cảm và Đạo đức của Đại học Emory – một chương trình Giáo dục dựa trên các giá trị nhân văn phổ quát, dành cho các trường học Ukraine. Trong 18 tháng qua, họ đã dịch các chương trình giảng dạy, thực hiện một thử nghiệm toàn quốc do Bộ phê duyệt ở 26 trường học Ukraine với 195 giáo viên thực hành và đã tổ chức các buổi giới thiệu trực tuyến về Học tập Xã hội, Tình cảm và Đạo đức cho khoảng 20.000 nhà Giáo dục.
Câu hỏi của vị giáo viên là – “Ngài có ước mơ không?” Ngài trả lời rằng, mỗi con người đều không muốn bị quấy rầy, mà chỉ muốn sống một cuộc sống hạnh phúc. Ngài nói, “Tôi chỉ là một tu sĩ Phật giáo đơn thuần, nhưng tôi đang cố gắng giúp đỡ những người khác có một cuộc sống hạnh phúc, học cách đánh giá sự khác biệt mà nó tạo ra để tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn. Đó là ước mơ của tôi. Một trong những phương pháp thực hành chính của tôi là trưởng dưỡng lòng vị tha, đó là điều mà tôi nghĩ đến trong khoảnh khắc đầu tiên mỗi khi tôi vừa thức dậy. Vì vậy, cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, tôi sẽ cố gắng để giúp những người khác tìm được sự thanh thản trong tâm hồn.
“Để đạt được điều đó, điều quan trọng là phải có sự kiên nhẫn; và chính những người thù địch và chống đối chúng ta mới thật sự là những người dạy cho chúng ta về lòng kiên nhẫn, chứ không phải là bạn bè của chúng ta. Để làm cho bạn bè của mình mỉm cười – điều đó không khó; nhưng mang lại nụ cười cho đối phương của bạn là một thành tựu thực sự.”
Khi được hỏi liệu Ngài có cần giúp đỡ gì không, Ngài nói với thính giả:
“Dù quý vị sống ở đâu, hãy cố gắng tạo ra một cộng đồng hạnh phúc. Tôi cầu nguyện rằng mỗi con người – thực sự là mỗi chúng sinh – nên được hạnh phúc. Vì vậy, nếu quý vị gặp phải những cá nhân đang gặp khó khăn, hãy giúp đỡ họ. Hãy chia sẻ những vấn đề của họ và cố gắng mang lại cho họ sự yên tâm. Công việc của tôi là thúc đẩy lòng từ bi trên cơ sở tính hợp nhất của nhân loại, khuyến khích sự hòa hợp giữa các tôn giáo và bảo tồn văn hóa Tây Tạng. Nếu quý vị nghĩ về những điều này, quý vị có thể chia sẻ nó với những người khác. Đó là cách mà quý vị có thể giúp tôi”.
Ngài gợi ý rằng, mục đích của giáo dục nên là việc đào tạo những cá nhân hạnh phúc – những người sẽ tạo nên một xã hội hòa bình. Nó đòi hỏi sự nhiệt thành và cách tiếp cận cởi mở, toàn diện và có tầm nhìn xa để mọi người có thể đối phó với bất cứ điều gì xảy ra. Điều này đòi hỏi việc tập trung không chỉ vào sự thoả mãn của bản thân mà còn vì lợi ích của cộng đồng. Xem trọng nhu cầu của người khác mới đích thực là sự tư lợi thông minh.
“Một người nông dân chăm sóc đất đai của mình không phải vì một số tình cảm họ dành cho đất đai, mà là vì cuộc sống của họ phụ thuộc vào nó. Tương tự như vậy, chúng ta phải chăm sóc cộng đồng mà chúng ta đang sống. Thế giới của chúng ta ngày càng trở nên nhỏ hơn và phụ thuộc lẫn nhau hơn – do đó, ý thức về trách nhiệm chung không những phù hợp mà còn mang lại sự thoả mãn.”
Ngài nhận xét rằng, vì nó đã ảnh hưởng đến rất nhiều người, cho nên nạn đại dịch đã nâng cao ý thức cộng đồng của chúng ta và sự cần thiết phải thực hiện các bước để bảo vệ cộng đồng đó. Ngài bày tỏ sự cảm kích vì đã có những bác sĩ và y tá hy sinh mạng sống của mình để chăm sóc các bệnh nhân.
Tiến sĩ Elkin đã kết thúc cuộc họp bằng cách cảm ơn Đức Ngài đã dành thời gian để nói chuyện với nhóm hội thảo và đông đảo khán giả. “Chúng con có một ước mơ rằng khi đại dịch kết thúc, Ngài sẽ có thể đến thăm chúng con ở Ukraine. Sau cuộc họp này, chúng con sẽ tổ chức ba cuộc thảo luận bàn tròn để bàn về những điều mà Ngài đã đề cập và cách làm cho chương trình Học tập Xã hội, Tình cảm và Đạo đức được thành công trên đất nước của chúng con.
Ngài trả lời: “Chúng ta thực sự là những anh chị em của nhau. Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với những vấn đề giống nhau và chúng ta đều có khả năng vượt qua chúng. Điều đó có nghĩa là hãy sử dụng tốt bộ não con người của chúng ta, kết hợp với cảm giác mạnh mẽ của trái Tim nồng ấm nhân hậu. – Xin cảm ơn quý vị.”
Discussion about this post