BÀN VỀ NỘI HÀM THUẬT NGỮ THỰC TẾ
TRONG TƯ TƯỞNG PHẬT HỌC VÀ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
(Minh Tuệ Hồ Văn Tiến)
Cùng một thuật ngữ thực tế thế nhưng nội hàm của nó trong tư tưởng Phật học và tư tưởng Hồ Chí Minh hoàn toàn trái ngược nhau, nếu không muốn nói là đối lập nhau. Một bên thiên về hoạt động tâm linh, bên còn lại thiên về hoạt động sản xuất vật chất.
Trước hết người viết thống nhất cách dùng thuật ngữ thực tế thay cho thật tế trong khuôn khổ bài viết này. Vì rằng chữ thật hay thực trong ngữ cảnh này đều là cách phiên âm của chữ 實 trong tiếng Hán. Nhưng trong Phật giáo từ này có khuynh hướng phiên âm là thật [tế], còn Hồ Chí Minh thì dùng từ thực [tế]. Để đảm bảo đồng nhất về mặt ngôn ngữ, người viết sẽ sử dụng thực tế thay vì thật tế, ngoại trừ các sách Phật học đã in ấn phiên âm thật tế thì giữ nguyên.
Nội hàm thực tế trong tư tưởng Phật học
Trong Phật học, thực tế là một thuật ngữ tuy không có tần suất xuất hiện nhiều trong Tam tạng kinh điển, thế nhưng đây lại là một trong những thuật ngữ chứa đựng nội hàm triết lý thâm áo. Thực tế nguyên ngữ tiếng Sankrit là Bhūtakoṭi (भूतकोटि). Trong đó Bhūta chỉ cho thực tại không bị nhân duyên hạn định, còn koṭi có nghĩa là điểm tận cùng, cho nên Bhūtakoṭi được hiểu là điểm tận cùng của thực tại hay chân lý không bị nhân duyên chi phối, chỉ cho tính chất của pháp vô vi không còn sanh, diệt như pháp hữu vi: “Như hai pháp này, là pháp hữu vi và vô vi. Hữu vi, hoặc sanh, hoặc trụ, hoặc dị, hoặc diệt. Vô vi, là chẳng sanh, chẳng trụ, chẳng dị, chẳng diệt”[1]. Do ý nghĩa đó mà trong Phật giáo, Bhūtakoṭi chỉ cho cảnh giới hay chân lý tối hậu đó là Niết-bàn (s. 涅槃, s. Nirvāṇa, p. Nibbāna), chính vì thế mà Hán dịch là 實際 (thực/ thật tế), có nghĩa là cực điểm của sự thật. Bởi nội hàm thực tế trỏ cho Niết-bàn nên trong kinh điển sơ kỳ, Đức Phật đã thuyên thích một trong những tính chất của Niết-bàn là cảnh giới không bị điều kiện hóa bởi những biên tế không-thời gian và ý thức phân biệt, như được thấy trong kinh Phật tự thuyết: “Này các Tỳ-kheo, trạng thái nầy (tức Niết-bàn) không có đất, nước, lửa, gió, không có Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi phi tưởng xứ; không có đời nầy, không có đời sau. Do vậy, ta tuyên bố không có đến, không có đi, không có sinh, không có diệt, không chuyển vận và không sở duyên. Đó là sự đoạn tận khổ đau”[2], vì nếu còn tồn tại đất, nước, lửa, các trạng thái ý thức, đời này, đời sau, sinh, diệt… Các dạng tồn tại đó vừa là cơ sở để những pháp khác y cứ tồn tại, lại cũng y cứ vào các pháp khác mà tồn tại, do vậy vẫn chịu sự hạn hữu của nhân duyên, không phải chân nghĩa của thực tế, của Niết-bàn, bởi lẽ: “Do cái này có mặt, cái kia có mặt. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái này diệt, cái kia diệt”[3]. Từ đây chúng ta mới hiểu một cách đúng đắn rằng vì sao trong các câu hỏi siêu hình nhằm tìm kiếm câu trả lời dứt khoát về thực tế hay sự thật tối hậu là cái gì, như thế nào? Đức Phật thường giữ thái độ im lặng[4], vì thực tế thì lìa ngôn thuyết, trên tất cả đỉnh cao là lặng im[5]. Vì Niết-bàn có tính chất siêu việt mọi biên tế, hý luận như trên, nên Đức Phật cũng như chư vị A-la-hán chứng đắc cảnh giới Niết-bàn cũng thoát khỏi mọi sự ràng buộc, tức có sự tương ưng với cảnh giới chứng được, như bài kệ 90 trong kinh Pháp cú Đức Phật dạy: “Đích đã đến, không sầu; Giải thoát ngoài tất cả; Đoạn trừ sự ràng buộc; Vị ấy không nhiệt não”[6].
Về sau trong các thánh điển Phật giáo hậu kỳ, đặc biệt là các luận thư Đại thừa, giáo nghĩa thực tế chỉ cho Niết-bàn được các luận sư khẳng định một cách rõ nét hơn. Dụ như Long Thọ (s. Nāgārjuna) trong Căn bản trung quán luận (s. Mūlamadhyamakakārikā) nói về sự thật tối hậu (thực tế) của Niết-bàn cũng như của của thế gian đều không mảy may sai biệt[7]. Không dừng lại ở đó, Đại trí độ luận (s. Mahāprajñāpāramitaśastra) còn quả quyết rằng thực tế là chỗ an trụ của bậc A-la-hán “Giống như A-la-hán, gọi là an trụ ở thực tế”[8], từ đấy mà nhấn mạnh rằng “Thực tế tức là Niết-bàn”[9]. Cũng với ý nghĩa trên, sau này Thiền sư Qui Sơn Linh Hựu (771-853) khi diễn tả về lý-sự viên dung, thay vì dùng Niết-bàn, Chơn như, Chân tâm hay Thể tánh thì Ngài lại dùng từ thực tế (chỉ cho lý) đối lại với vạn hạnh (chỉ cho sự): Chỗ lý chân thật không nhận một mảy bụi trong cửa muôn hạnh chẳng bỏ một pháp (Thật tế lý địa bất thọ nhất trần; Vạn hạnh môn trung bất xả nhất pháp)[10].
Nội hàm thực tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Trong diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa I của trường Nguyễn Ái Quốc ngày 7-9-1957, chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Thực tế là các vấn đề mình cần phải giải quyết, là mâu thuẫn của sự vật. Chúng ta những người cán bộ cách mạng thực tế của chúng ta là những vấn đề mà cách mạng đề ra cho ta giải quyết.”[11]. Như vậy thực tế theo Hồ Chí Minh mang nội hàm không liên quan gì đến hoạt động tâm linh cả, bản chất của nó là hoạt động cải biến xã hội cùng với giới tự nhiên, liên quan đến các khía cạnh, bình diện của xã hội gắn liền với đất nước trong hoàn cảnh thù trong giặc ngoài. Do đó thực tế chính là giải quyết những vấn đề tồn đọng để đưa cách mạng đi lên, sớm giành thắng lợi. Trong một chừng mực nào đấy, thực tế thường được Hồ Chí Minh đem đối lập lại với lý luận, giữa một bên là hành động (thực tế) và một bên là lý thuyết (lý luận), điều này được minh định khi mà Bác chỉ dạy: “Học phải đi đôi với hành, lý luận phải đi đôi với thực tế”[12] hay “Phương châm, phương pháp học tập là lý luận liên hệ với thực tế”[13]. Với lý do trên, mà thực tế và lý luận phải song hành nhau trong hoạt động của cá nhân cũng như của đất nước và rộng ra là của nhân loại, nên Hồ Chí Minh mới cho rằng thực tế là một phạm trù rộng lớn: “Thực tế bao gồm rất rộng, nó bao gồm kinh nghiệm công tác và tư tưởng của cá nhân, chính sách đường lối của Đảng, kinh nghiệm lịch sử của Đảng cho đến các vấn đề trong nước và trên thế giới.”[14].
Từ việc phân tích trên, chúng ta thấy rõ một điều là thực tế theo Hồ Chí Minh là cách nói khác đi nhưng đồng ý nghĩa của thực tiễn – vốn là phạm trù căn cốt của chủ nghĩa Mác-Lênin, dùng để chỉ cho hoạt động sản xuất mang tính người và chỉ xuất hiện ở con người: “Thực tiễn là toàn bộ hoạt động vật chất có mục đích, mang tính lịch sử – xã hội của con người nhằm cải biến tự nhiên và xã hội”[15]. Hoạt động sản xuất vật chất (thực tiễn) này rất đa dạng và phong phú, quy định sự tồn tại và đi lên của xã hội loài người: “Hoạt động sản xuất vật chất, hoạt động chính trị xã hội và hoạt động thực nghiệm khoa học”[16]. Vậy tại sao Hồ Chí Minh sử dụng thực tế để thay cho phạm trù thực tiễn? Câu trả lời dễ hiểu là từ thực tế thì gần gũi với quần chúng nhân dân cũng như các Đảng viên thời bấy giờ hơn. Nếu sử dụng từ Thực tiễn thì không sao tránh khỏi tính hàn lâm, học thuật rất khó để đưa tư tưởng Mác-Lênin thâm nhập vào quần chúng, trong bối cảnh học thuyết này xuất hiện ở nước ta chưa lâu. Lập luận trên được Hồ Chí Minh gián tiếp khẳng định: “Không nên lúc nào cũng trích Các Mác. Cũng trích Lênin làm cho đồng bào khó hiểu. Nói thế nào cho đồng bào hiểu được, đồng bào làm được đó là nói được chủ nghĩa Mác-Lênin. Nói thiết thực, nói đúng lúc, đúng chỗ mới là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin”[17] và “Nói ít nhưng nói cho thấm thía, nói cho chắc chắn thì quần chúng thích hơn”[18]. Do đó, để nói được cho “quần chúng thích hơn” thì phải nói “ít nhưng thấm thía” và muốn thấm thía thì từ ngữ phải gần gũi, phải Việt hóa hình thức, không câu nệ hình thức câu chữ, nhưng không đánh mất nội dung ý nghĩa, cho thấy được tài nghệ công tác tư tưởng của Hồ Chí Minh, sử dụng tài tình “phương tiện quyền xảo”.
Nhận định
Từ những phân tích mang nét đại cương như trên, chúng ta có thể thấy tuy cả tư tưởng Phật học lẫn tư tưởng Hồ Chí Minh cùng chia sẻ thuật ngữ thực tế. Thế nhưng nó lại được sử dụng với hai hàm nghĩa khác xa, thậm chí là trái ngược trong hai hệ thống tư tưởng. Ở trong Phật học, thực tế được chỉ cho điểm tột cùng của chân lý (Niết-bàn) là thành quả của việc miên mật tu trì giới, định và tuệ. Còn trong tư tưởng Hồ Chí Minh, xuất phát từ phạm trù thực tiễn trong Triết học Mác-Lênin, thuật ngữ thực tế chỉ cho hoạt động sản xuất vật chất, cụ thể trong tình hình đất nước đang kháng chiến chống giặc ngoại xâm lẫn nội xâm, thì thực tế dùng để chỉ các hoạt động để đưa cách mạng nước nhà sớm giành thắng lợi.
Việc một thuật ngữ được sử dụng với hàm ý khác nhau trong các hệ thống tư tưởng, Triết học là chuyện không lấy gì làm lạ. Như việc chúng ta không thể dùng thuật ngữ ý thức trong tư tưởng Platon để đọc hiểu thuật ngữ ý thức các văn bản Triết học của Hegel, C. Mác hay M. Heidegger… Hay chúng ta cũng không thể đánh đồng nội dung của thuật ngữ Vô Minh (s. Avidyā) trong tư tưởng của Ấn giáo và Phật giáo. Trong trường hợp cụ thể bài viết này, thuật ngữ thực tế trong Phật học được sử dụng trước Hồ Chí Minh hơn hai thiên niên kỷ, vậy tại sao lại dẫn đến sự dị biệt rất lớn về nội hàm, trong khi thuật ngữ này được Hồ Chí Minh sử dụng về sau? Tất nhiên đây là một vấn đề cần được nghiên cứu nghiêm túc hơn để đưa ra kết luận chính xác, trong khuôn khổ bài đoản luận này, theo người viết tình trạng trên xảy có nhiều nguyên nhân ở cả khía cạnh khánh quan lẫn chủ quan: Do việc tiếp biến văn hóa khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam; Hay do yếu tố truyền thông giữa các cá nhân hay giữa các cộng đồng gặp tình trạng “tam sao thất bản”; Lại như V. N. Voloshinov viết, ký hiệu hay ngôn từ là những chỉ số nhạy cảm với những sinh hoạt và biến cố xã hội. Nghĩa là chúng thuộc thượng tầng kiến trúc của xã hội và sẽ thay đổi khi cơ sở hạ tầng thay đổi. Tức các quan hệ sản xuất, kinh tế, chính trị thay đổi thì với tư cách là các “chỉ số nhạy cảm”, ký hiệu, ngôn từ cũng thay đổi theo cho tương ứng[19]…
Kết luận:
Việc tìm hiểu về nội hàm thuật ngữ thực tế trong tư tưởng Phật học và tư tưởng Hồ Chí Minh là việc làm cần thiết, để chỉ ra căn nguyên và sự thay đổi nội tại của thuật ngữ này trong tiến trình phát triển của dòng chảy tư tưởng. Mặt khác qua việc phân tích trên cho phép chúng ta nhận định rằng việc cùng một thuật ngữ được chia sẽ giữa các hệ thống tư tưởng không phải là điều quan ngại, chúng ta cũng chả việc gì phải độc tôn tư tưởng khi thủ đắc thuật ngữ đấy thuộc hệ thống tư tưởng của tôi, những hệ thống tư tưởng còn lại A, hay B…N chỉ sao chép. Có quan ngại chăng là khi chúng ta không nắm vững nội hàm một thuật ngữ nào đó của mỗi hệ tương tưởng, Triết học, để rồi “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”, rất dễ dẫn đến “tai nạn tư tưởng” khôn lường. Hơn nữa điều đáng lên án hơn, mặc dù ngôn ngữ là vương lộ cho việc nắm bắt thực tại, nhưng chắc hẳn ai đó trong chúng ta lại cố chấp hoặc ngộ nhận cho ngôn ngữ chính là thực tại. Nên nhớ ngôn ngữ theo Logic học biện chứng chỉ là chất liệu cho tư duy, suy lý, là ““lớp vỏ” vật chất của tư duy”[20]. Còn trong Phật học thì đẩy xa hơn, ngôn ngữ được trả về đúng bản chất của nó, ngôn ngữ chỉ là “ngón tay” để thấy “mặt trăng”, ở đây ngôn ngữ chỉ là phương tiện để đạt được cứu cánh không nên nhầm lẫn đánh đồng cả hai, thế nên trong kinh Ví dụ con rắn, chúng ta bắt gặp một diễn ngôn kinh điển “Chánh pháp còn phải bỏ đi, huống nữa là phi pháp”[21]. Đến đây người viết xin mượn câu nói thời danh của Walpola Rahula để kết thúc đoản luận này:
“Có gì trong một danh từ
Hoa hồng hương ấy cho dù tên chi”![22]
_______________________
Cước chú:
[1] 大正藏第 02 冊 No. 0099 雜阿含經,卷第十二, 二九三/ Nguyên văn: 如此二法,謂有為、無為,有為者若生、若住、若異、若滅,無為者不生、不住、不異、不滅.
[2] HT. Thích Minh Châu dịch (2015), Kinh Tiểu bộ I, Kinh Phật tự thuyết, Nxb. Tôn giáo, tr. 197.
[3] HT. Thích Minh Châu dịch (2015), Kinh Tương ưng bộ I, Thiên nhân duyên, Nxb. Tôn giáo, tr. 455 / Sđd, Kinh Tương ưng bộ II, Tương ưng dụ lưu, tr. 755.
[4] Tham khảo : HT. Thích Minh Châu dịch (2015), Kinh Trung bộ I, 63. Tiểu kinh Malunkya, Nxb. Tôn giáo, tr. 521-526/ Tương đương bản Hán ngữ: Tuệ Sỹ dịch vá chú (2013), Kinh Trung A-hàm IV, 221. Kinh Tiễn dụ , Nxb. Phương Đông, tr. 2224-2433.
[5] Nội dung cua nhận định này đồng thời cũng là tác phẩm cùng tên gồm các chuỗi bài thơ của Phạm Công Thiện, tham khảo: Phạm Công Thiện (2009), Trên tất cả đỉnh cao là sự lặng im, Nxb. Văn hóa Sài Gòn.
[6] HT. Thích Minh Châu dịch (2015), Kinh Tiểu bộ I, Kinh Pháp cú, Nxb. Tôn giáo, tr. 54.
[7] 大正藏第 30 冊 No. 1564 中論卷第四/ Nguyên văn: “涅槃之實際/ 及與世間際/ 如是二際者/ 無毫釐差別”.
[8][9] 大正藏第 25 冊 No. 1509 大智度論卷三十二/ Nguyên văn: “如阿羅漢,名為住於實際”/ “實際即是涅槃”.
[10] HT. Thích Thanh Từ soạn dịch (2011) , Thiền sư Trung Hoa, t.1, Nxb. Tôn giáo, tr. 256.
[11] [14] Hồ Chí Minh: Toàn tập (2000), t. 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 500.
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập (2000), Sđd, t. 10, tr. 190.
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập (2000), Sđd, t. 12, tr.97.
[15] Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo (2005), Giáo trình triết học Mác – Lênin, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 295.
[16] Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo (2005), Sđd, tr. 296.
[17] Hồ Chí Minh: Toàn tập (2000), Sđd, t. 11, tr. 130
[18] Hồ Chí Minh: Toàn tập (2000), Sđd, t. 7, tr.121.
[19] Tham khảo V. N. Voloshinov (Ngô Tự Lập dịch-2015), Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ, Nxb. Đại học quốc gia, Hà Nội, tr. 43-85.
[20] Bùi Văn Mưa-Nguyễn Quang Điển (2005), Giáo trình lôgic học biện chứng, Nxb. Đại học quốc gia, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 91.
[21] HT. Thích Minh Châu dịch (2015), Kinh Trung bộ I, 22. Kinh ví dụ con rắn, Nxb. Tôn giáo, tr. 179.
[22] Walpola Rahula (TN. Trí Hải dịch-2000), Đức Phật đã dạy những gì, Nxb. Tôn giáo, tr. 23.
Link: Thư Viện Hoa Sen
Discussion about this post