AMY CHUA
NGƯỜI MẸ CỦA THÀNH CÔNG
Cuốn sách của Amy Chua đã được rất nhiều người chê cũng như khen. Nhưng đã có mấy ai hiểu được thâm ý của bà? Bà muốn đánh thức những người đang mê ngủ phải thức tỉnh dậy.
Lương Nguyên Hiền
Những quy tắc:
“Người Mẹ của thành công“ (Die Mutter des Erfolgs) [1] tên một cuốn sách viết bằng tiếng Đức dịch ra từ nguyên bản tiếng Mỹ „Battle Hymn of the Tiger Mother“ (Chiến ca của Cọp Mẹ). Sách này đã được bán chạy nhất nước Mỹ vào đầu năm 2011 (Bestseller 2011 [2]). Tác giả là bà Amy Chua, trưởng nữ của một gia đình di dân Trung Hoa, đã viết về cách dạy dỗ con cái một cách khá cứng rắn của mình. Cuốn sách này đã gây những cuộc tranh luận sôi nổi ở Mỹ, nhiều tờ báo lớn như Time, New York Times,… đã phải viết bài bình luận về cuốn đó. Có người khen nhưng phần đông lên tiếng phản đối sự giáo dục quá khắt khe cùa bà đối với hai cô con gái, tên là Sophia và Louisa (Tên gọi ở nhà là Lulu). Nhiều đọc giả đã bất bình trước một lối dạy dỗ rất cực đoan chỉ có một mục đích duy nhất là làm sao đưa tới sự „thành công“. Tựa đề của cuốn sách bằng tiếng Mỹ „Cọp Mẹ“ có lẽ đúng với những cá tánh của bà hơn là bằng tiếng Đức „Người Mẹ của thành công“, bởi ngay từ trang đầu bà đã nêu ra những quy tắc mà hai cô con gái phải tuân theo:
-không bao giờ được ngủ lại nhà bạn gái
-không được chơi Computer và coi Tivi
-không chơi nhạc cụ nào ngoài Piano và Violine
-không được có điểm nào khác ngoài điểm 1 (điểm cao nhất lớp)
-không được tự quyết định trong mọi các hoạt đông giải trí
-chỉ được học và chơi thể thao những gì trường học quy định và đứng nhất lớp,….
Khó có người hiểu và thông cảm được, bởi ngủ lại nhà bạn, chơi computer hay coi Tivi,… là những chuyện đương nhiên và ngày nay gần như không thể cấm đoán trẻ con được ở Tây Phương. Nhưng nếu nhìn lại vào thành quả của hai cô con gái đã mang lại, ngoài việc lúc nào cũng đứng nhất trong lớp, hai cô bé còn nói được thông thạo tiếng Trung Hoa, Sophia đã từng biểu diễn Piano tại Carnegie Hall lúc 14 tuổi và Lulu là một danh thủ về Violine, cô này ngay từ bé cũng đã vác đàn đi biểu diễn đây đó, sẽ làm nhiều người phải nhìn lại nền giáo dục thả lỏng của Tây Phương. Tờ báo kinh tế Mỹ „Wall Street Journal“ đã đặt câu hỏi là tại sao học sinh Á Châu luôn luôn dẫn đầu trong khi học sinh Mỹ ở đâu đó trong khoảng hạng thứ 20, đó là chưa nói đến môn toán, học sinh Mỹ còn đứng vào hạng thấp hơn nữa [4]. Đây không chỉ nằm đơn giản trong phạm vi giáo dục mà còn bước qua phạm vi kinh tế nữa, bởi vì giáo dục và kinh tế có sự liên lạc hổ tương mật thiết lẫn nhau. Trước sự lớn mạnh mau chóng của nền kinh tế Á Châu như Nhật Bản, Đài Loan, Đại Hàn và Trung Hoa,… người Tây Phương nếu không muốn bị vượt qua mặt, sẽ cần phải đặt lại một số quy tắc căn bản trong cuộc sống trong đó có cả sự giáo dục con cái.
Cọp Mẹ:
Amy Chua là người Mỹ gốc Trung Hoa sinh năm 1962 (năm con cọp) ở Illinois. Cha bà di dân sang Mỹ vào khoảng sau đệ nhị thế chiến và là giáo sư đại học California ở Berkeley. Bà đã từng học và lấy bằng Tiến Sĩ ở đại học Harvard và hiện nay là giáo sư về luật tại Đại học Yale. Hai trường đại học này là hai truờng nổi tiếng trên nước Mỹ. Đặc biệt đại học Harvard, nơi đây đã sản xuất ra những nhân tài của nước Mỹ cũng như của thế giới như Bill Gates người sáng lập ra Microsoft, Mark Zuckerberg chủ nhân Facebook, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon và cả hai vợ chồng Tổng Thống Mỹ Barack & Michelle Obama,… Amy Chua cũng là tác giả của 2 cuốn sách „Day of Empire“ và „World on Fire“ , sách của bà đã được dịch ra 6 thứ tiếng. Chồng bà, người Mỹ gốc Do Thái, cũng là giáo sư Đại học Yale và cũng viết sách như bà. Katrin, cô em gái kế, là giáo sư y khoa tại đại học Standford và Cynthia, cô em gái út, mặc dù bị tật nguyền ngay từ nhỏ, bệnh Down-Syndrom, cô cũng chứng tỏ không thua gì hai chị, đã lấy được hai huy chương Vàng về bơi lội ở Special Olympics.
Cho đến thế hệ thứ 2, mặc dù đại gia đình bà đã thành công vượt bực khi hội nhập vào xã hội Mỹ, nhưng Amy Chua không bao giờ quên câu tục ngữ Trung Hoa “Không ai giàu quá ba đời” [7], bởi vì sự giàu sang thường làm người ta ỷ lại, mất đi tinh thần cố gắng và khả năng vươn lên, khi những vật chất chung quanh lúc nào cũng đầy đủ và thừa thãi. Bà lo lắng cho thế hệ thứ ba, những đứa con của bà, sẽ rơi vào cái quy luật đó và bà quyết tâm ngăn lại. Chính vì vậy, ngay khi Sophia, đứa con gái đầu lòng, vừa mới được 3 tuổi đã được bà đọc sách của Sarte cho con nghe và cũng chính vì vậy bà đã dọa đốt những con thú nhồi bông của Lulu khi cô bé cương quyết không tập Violine. Giữa bà và con bà là một cuộc chiến đấu dài và liên tục, để khắc phục 2 đứa con, bà đã không bỏ một phương cách nào, từ dọa nạt, cấm cản, trừng phạt cho đến năn nỉ. Châm ngôn của Bà là „bởi chưa giỏi nên chưa thấy thích thú học“, một đứa trẻ muốn yêu thích việc học thì phải học thật nhiều và khi học thật nhiều thì sẽ giỏi và khi giỏi rồi thì sẽ thích. Từ cái nhìn đó, bà đã áp dụng tuyệt đối cái gọi là “giáo dục Trung Hoa” vào sự dạy dỗ 2 cô con gái. Hai cô bé không có một phút nào rảnh để nghỉ ngơi, ngoài việc học, thì giờ còn lại là phải tập đánh đàn, mọi sự liên lạc với bạn bè đều bị hạn chế đến tối đa. Để làm gương cho con cái, lịch trình làm việc của bà lúc nào cũng đầy ắp, ngoài thì giờ dạy học và soạn bài cho đại học, bà còn viết sách và kèm các con học đàn mỗi ngày mấy tiếng đồng hồ. Không biết đây có phải là bí quyết thành công của “Cọp Mẹ” không?
Mẹ Trung Hoa và Mẹ Tây Phương:
Amy Chua chia làm 2 loại Mẹ khác nhau, “Mẹ Trung Hoa” và “Mẹ Tây Phương”. Theo bà đây cũng chỉ là một khái niệm về phương thức giáo dục và không có sự phân biệt về nguồn gốc, dân tộc hay giới tính. Một người “Mẹ Tây Phương” cũng có thể là một người “Mẹ Trung Hoa” và đảo lại. Bà đã gặp nhiều người Mỹ đã dạy con thành công và cũng có nhiều người Trung Hoa đã chiều con mình quá mức. Sự khác biệt căn bản về cá tính giữa hai người Mẹ, người „Mẹ Trung Hoa“ sẵn sàng hy sinh cho con cái. Theo thống kê người đàn bà Trung Hoa dành thời gian để dạy con học 10 lần nhiều hơn người „Mẹ Tây Phương“ [3]. Trong khi một số các bà “Mẹ Tây Phương” đi Wellness để giữ gìn sức khoẻ, thì phần đông các bà “Mẹ Trung Hoa” ngồi ở nhà để kèm con học. Người „Mẹ Trung Hoa“ coi như không làm tròn nhiệm vụ của mình, nếu đứa con mình học không giỏi và họ có những quy tắc rõ ràng trong lúc dạy con:
-Bài vở ở trường học bao gìờ cũng là quan trọng hàng đầu
-Điểm -1 là điểm xấu (điểm cao nhất là điểm 1)
-Môn toán phải học trước 2 năm so với các bạn cùng lớp
-Không bao gìờ khen con mình trước đám đông
-Bao giờ cha mẹ cững đứng về phía thầy và cô giáo
-Nếu đưọc huy chương, thì phải huy chương vàng
Lối giáo dục này được áp dụng để đào tạo một đứa trẻ phải đưa ra hết khả năng để sửa soạn “vươn lên trong xã hội bằng học vấn”, nghĩa là không cần biết đến chuyện những đứa trẻ có muốn hay không, mà chỉ cần chúng đạt được một địa vị trong xã hội với văn bằng đại học.
Trong một cuộc phỏng vấn 50 phụ nữ Mỹ và 48 phụ nữ di dân Trung Hoa, 70% người “Mẹ Tây Phương” đồng ý rằng:
-sự đề cao quá đáng về thành công ở trường học là không tốt
-Cha mẹ phải tìm cách làm cho con cái cảm thấy sự vui thú trong học hành
Trong khi đó không một người “Mẹ Trung Hoa” nào lại đồng ý về quan điểm trên [3]. Người Tây Phương hay đề cao cá tính, danh dự và sự tự tin của con cái nên họ luôn luôn tìm cách khen đứa trẻ và nhiều khi quá đáng, đảo lại thì người Á Đông luôn tìm cách nhắc nhở con cái phải nhớ đến công ơn của Cha Mẹ, sẵn sàng la mắng con mình mà không cần biết là điều đó có xúc phạm đến lòng tự ái của chúng hay không và nhiều khi còn sử dụng uy quyền tối cao cuối cùng của người lớn để bắt trẻ con phải làm theo ý mình. Một thí dụ đơn giản, Lang Lang danh thủ về đàn Piano, đã bị ông bố hăm dọa bắt phải nhẩy từ từng lầu thứ 10 xuống đất, chỉ vì đi chơi về trễ bỏ tập đánh đàn. Lang Lang đã phải đập tay vào tường đến bật máu và gào khóc, mới được tha tội [5]. Nhà vô địch thế gìới về môn Golf, Tiger Woods đã được học đánh Golf từ lúc 2 tuổi. Bà Mẹ gốc Thái Lan đã dạy con về cách đối xử với địch thủ của mình: Hãy bám theo nó và tiêu diệt nó [5] . Chắc bà cũng đã sử dụng chiêu thức đó đối với Tiger Woods: bám theo con mình và bắt nó phải làm theo mình đến cùng.
Cái giá phải trả:
Amy Chua cũng tự nhận là đã được một bài học chua cay về cách dạy dỗ cứng rắn của bà. Trong một quán ăn sang trọng ở Mạc Tư Khoa, bà đã phải đứng lên vì chịu hết nổi và sau đó phải đi lang thang ở Công Trường Đỏ cả tiếng đồng hồ để cho dịu cơn giận vì Lulu, cô con gái thứ hai, tìm cách khiêu khích để bà phải đồng ý cho nó được học đánh Tennis thay vì Violine. Lulu đã nói “Mẹ, con đã hiểu. Con đã phải nhìn Mẹ và đã phải lắng nghe một triệu lần lời giảng của Mẹ. Nhưng con không muốn Mẹ kiểm soát đời con”. Rốt cuộc Lulu lúc đó mới 13 tuổi đã thắng bà Mẹ Cọp của mình.
Bên cạnh cái thành công hào nhoáng của nền giáo dục nghiêm khắc đó, có bao nhiêu đứa trẻ Á Châu phải xấu hổ khi không được điểm nhất, để rồi phải tự tử vì đã làm cho cha mẹ chúng thất vọng. Sự giáo dục nhồi sọ này đã lấy đi của đứa trẻ khả năng tự quyết định, làm mất đi óc sáng tạo và không có khả năng tự lập khi lớn lên. Ở Tây Phương, sự mất tự tin đó bị đánh giá rất thấp: Một sinh viên không có khả năng quyết định, sẽ trở thành một nhân viên thiếu óc sáng tạo [5].
Ông Xiong Binggi, nhà khảo cứu về giáo dục, cho biết nhiều trẻ con Trung Hoa không có đến
một sở thích riêng (Hobby) và thường thì thiếu lòng tự tin. Một đứa trẻ được dạy dỗ phải làm những cái gì người lớn bảo làm, thì làm sao có thể có sự tự tin vào chính mình được và cũng bởi vì không bao giờ có ý kiến riêng thì làm sao có sáng kiến. Nước Trung Hoa là một dân tộc đông người, nhưng chưa có người Trung Hoa nào đã được giải thưởng Nobel về khoa học tự nhiên (Naturwissenschaft) [8]. Sự thành công của một nền giáo dục không phải chỉ nhằm đào tạo những nhân viên chỉ biết thừa hành mà còn phải đào tạo ra những cấp chỉ huy có đầy óc sáng tạo và lòng tự tin vô biên vào mình.
Người Việt ở Đức:
Người Việt chúng ta ở ngoại quốc, tuy lập nghiệp ở nước ngoài không lâu so với các dân tộc khác, nhưng đã đạt được những thành quả tốt đẹp ở các trường trung và đại học. Đó là một dấu hiệu đáng khích lệ, mặc dù văn bằng đại học không phải là điều bảo đảm cho sự giàu sang sau này nhưng là cánh cửa mở cho việc tiến thân trong nghề nghiệp ở tương lai. Theo thống kê mới đây ở Đức, trẻ em Việt Nam học ở trung học (Gymnasium) là 59% so với học sinh Đức có 43%, học sinh Thổ chỉ có 15% [9], qua đó ta thấy con cái của di dân Việt Nam đi học trung học nhiều hơn cả con cái của Đức nữa. Báo chí Đức đã viết rất nhiều bài để khen ngợi học sinh Việt, có điều đặc biệt là gần đây một ký giả gốc Thổ Nhĩ Kỳ tên là Semiha Ünlü cũng viết một bài với đề tựa là “Học sinh Việt Nam giỏi đặc biệt” [10].
Gìới truyền thông Đức hay nhắc tới những người thợ khách Việt Nam, họ sang Đức trước năm 1990 (năm Đức thống nhất) theo hợp đồng làm việc với Đông Đức và sau đó được ở lại. Vì lý do hoàn cảnh đặc biệt đã không có đời sống sung túc như người Đức, nhưng con họ lại học giỏi lạ lùng. Điều này làm người Đức ngạc nhiên vì từ trước đến nay họ vẫn cho rằng trình độ học vấn của con cái tùy thuộc rất nhiều vào địa vị xã hội của cha mẹ.
Sự thành công của học sinh Việt Nam là do sự quan tâm đặc biệt của cha mẹ đối với con cái. Phần đông người Việt coi chuyện học vấn của con mình như là “danh dự của gia đình” [9]. Họ sẵn sàng hy sinh tất cả cho con cái và đảo lại họ cũng đòi hỏi con của họ có bổn phận phải học thật giỏi để đền đáp lại công ơn cha mẹ.
Sự thành công nào cũng có cái giá của nó, như thế cái giá nào mà người Việt phải trả cho sự hội nhập vào xã hội Đức? Để trả lời câu trên có lẽ nên nhắc lại một đoạn mà nữ ký giả trẻ Phạm Khuê đã viết trên tờ báo Đức “die Zeit”: Cái giá mà cô phải trả là cô nói tiếng Việt không thông thạo và gia đình cũng như quê hương là cái gì đó xa lạ đối với cô [12].
Đoạn kết:
Một câu hỏi được nêu lên, làm sao cuốn sách của Amy Chua đã làm người Mỹ phải chú ý như vậy? Có phải cuốn sách đó đã đánh đúng vào sự suy tư và nỗi lo lắng thầm kín của người Mỹ mà họ chưa dám nói ra không? Người Tây Phương nhờ sự giáo dục mở mang của mình trong thế kỷ qua đã vượt qua các nước khác và nhờ đó có một nền kinh tế phồn thịnh. Nhưng thời gian qua kinh tế của Mỹ sa sút thấy rõ, trong khi đó kinh tế của các nước Á Châu đang vươn lên một cách nhanh chóng mạnh mẽ. Địa vị cường quốc số một của Mỹ sẽ bị lung lay nếu không kịp thời thay đổi. Cuốn sách này phải được coi như là một lời cảnh cáo đối với người Mỹ đang ngủ quên trên giàu sang nhung lụa. Sự chuyển mình của một xã hội phải bắt đầu từ trường học, thế hệ trẻ ở trung hay đại học sẽ là tương lai của một quốc gia. Nếu các bà Mẹ Mỹ vẫn thờ ơ với sự dạy dỗ con cái và không chuẩn bị con mình có cái tinh thần đấu tranh để đi vào cuộc cạnh tranh toàn cầu không nhân nhượng sau này và nếu tuổi trẻ Mỹ quên đi sự cố gắng và tinh thần cầu tiến thì chắc chắn nước Mỹ trong tương lai sẽ bị các quốc gia khác vượt qua mặt. Sự lo lắng của Amy Chua cho thế hệ thứ ba có lý, khi sự thừa thải về vật chất sẽ làm người ta dễ bị lười biếng, ỳ lại và mất đi tinh thần đấu tranh. Nên phải nhìn cho được thâm ý của bà, bà muốn thổi một hồi kèn “Thúc Quân” để đánh thức những người đang mê ngủ phải thức tỉnh dậy.
Trong một cuộc phỏng vấn, Amy Chua trả lời là bà không phải là chuyên viên về giáo dục nên không muốn đưa ra một kiểu mẫu nào về dạy dỗ con cái cho bất cứ ai. Trong sách bà cũng mượn lời của Mẹ mình để đưa ra quan điểm trên “Mỗi đứa trẻ một khác, con không thể dạy Lulu như Mẹ đã dạy con”, khi bà đến than thở với mẹ mình là bà đã thất bại trong việc giáo dục Lulu như mẹ bà đã dạy cho bà.
Lương Nguyên Hiền
Literatur:
1) Sách „Die Mutter des Erfolges, Wie ich meinen Kindern das Siegen beibrachte“, Amy Chua
2) FAZ.net: „Wie die Tigermutter ihre Kinder zum Siegen drillt“, Sandra Kegel
3) Tuần báo Focus 24.1.2011: „Ich verbrenne deine Stofftiere„, Uwe Wittstock
4) Nhật báo Frankfurter Neue Presse 1.2.2011: „Drill bis zum Erfolg“, Chris Malzer
5) Tuần báo Stern 6/2011: „Das dressierte Kind“
6) Tuần báo Spiege l7.2.11:“Ohne Üben geht nichts“ , Cordula Meyer
7) Hơi giống câu tục ngữ của ViệtNam „Không ai giàu ba họ mà cũng chẳng ai khó ba đời“
8) Tuần báo Stern 6/2011: „Viele chinesische Kinder haben nicht mal ein Hobby, oft fehlt ihnen jedes Selbstbewusstsein“, Xiong Binggi
9) Spiegel Online 12.2010: “Ehrgeizige Vietnamesen, Streben für die Familienehre”, Christine Conelius
10) RP Online 2.2011: “Vietnamesische Schüler sind besonders gut”, Semiha Ünlü
11) Spiegel Online 10.2008: “Schlaue Zuwanderer, Ostdeutsche Vietnamesen überflügeln ihre Mitschüler”, Marina Mai
12) Tuần Báo Die Zeit 09.09.2010 Nr. 37: “Der Fleiß und sein Preis”, Khue Pham
Discussion about this post