Chúng ta thường lầm tưởng chỉ có sinh vật là mau già chết, chứ những vật lớn lao như núi sông, đất cát, thì muôn đời cũng vẫn ở yên một chỗ. Nhưng thật ra không đúng như vậy. Sông núi cũng có cái già cái trẻ. Đất cát cũng có khi lở khi bồi. Không có vật gì là vĩnh viễn tồn tại.
Vạn vật vô thường
Như trên chúng ta đã thấy luật vô thường ở khắp mọi nơi, chẳng những Thân và Tâm là vô thường, mà cả “Vạn Vật” hay “Hoàn Cảnh” cũng vô thường nữa.
Chúng ta, thường lầm tưởng chỉ có sinh vật là biến đổi và mau già chết, chứ những vật lớn lao như núi sông, đất cát, thì muôn đời cũng vẫn ở yên một chỗ. Nhưng thật ra không đúng như vậy. Sông núi cũng có cái già cái trẻ. Đất cát cũng có khi lở khi bồi. Không có vật gì là vĩnh viễn tồn tại. Đó là cảnh “bãi biển nương dâu”, cảnh biển cả biến thành ruộng dâu, ruộng dâu biến thành biển cả. Tục ngữ ta có nhiều câu nói lên được sự vô thường của sự vật một cách rất thâm thúy như: “Vật đổi, sao dời” hay “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Thật thế, một đời của chúng ta đã chứng kiến biết bao hoàn cảnh thăng trầm, vinh nhục “lên voi xuống chó”. Giàu nghèo, sang hèn tiếp tục diễn ra trước mắt chúng ta như một “bức tranh vân cẩu”.
Nhìn các cảm xúc với con mắt vô thường
Truyện tích kể rằng một cô con gái con nhà giàu có lại xinh đẹp. Cô thương yêu một người hầu cận trong nhà nên cùng nhau trốn đi sống đời nghèo khó. Ít lâu sau cô sinh ra hai con. Rồi lần lượt chồng và hai con đều bị tai nạn mà chết. Cô tính tìm về quê cũ nương thân nhưng lại được tin cả cha mẹ và anh em ở nhà cũng vừa bị cuồng phong chôn vùi rất thê thảm. Cô phát điên lên. Đức Phật an ủi cô và nhấn mạnh rằng: “Nước mắt khóc các cái chết của vợ chồng, con cái, cha mẹ, anh em trong các kiếp sống luân hồi còn nhiều hơn nước ở bốn biển”. Nhờ Ðức Phật khuyên giải, cô bớt âu sầu và xin xuất gia làm Tỳ kheo ni. Ngày kia, trong khi rửa chân bên bờ suối, ni sư ghi nhận rằng những giọt nước từ chân bà rơi xuống gieo trên dòng nước chảy rồi tan đi. Ðiểm thì tan gần, điểm tan xa có điểm trôi đi xa hơn nữa mới tan. Cảnh tượng ấy gợi ý cho bà suy niệm về lý vô thường của đời sống mà chính bản thân bà đã kinh nghiệm. Ðức Phật dùng thiên nhãn thấy, xuất hiện trước mặt bà và dạy rằng vạn vật đều là giả tạo. Sau đó không lâu, bà đắc quả A La Hán:
(Pháp Cú 113)
Trăm năm sống chẳng nhận ra
Pháp kia sinh diệt. Thật là uổng thay!
Chẳng bằng sống chỉ một ngày
Mà hay vạn vật chốn này giả thôi
Vô thường, tạm bợ, nổi trôi
Sinh ra rồi diệt, diệt rồi lại sinh.
Lời Phật dạy về quán vô thường
Nhiều vị Tỳ kheo đắc quả A La Hán nhờ suy niệm về ảo ảnh và bọt nước. Ðề cập đến sự chứng ngộ của các thầy, Ðức Phật dạy rằng người nào biết xem cuộc đời này như bọt nước, như ảo ảnh, thì sẽ chấm dứt được mọi đau khổ và không còn sợ tử thần. Hãy dùng trí tuệ mà nhận ra cảnh huyễn hóa không thật, đó là “Những làn khí bốc trên mặt biển, đụng phải ánh nắng, hoặc là không khí tương phản mà hiện ra những bóng hình nhìn xa như lâu đài chợ búa. Người xưa tin những làn khí ấy là hơi của giống sò thần tự dưới đáy bể phun lên”:
(Pháp Cú 170)
Tựa như bọt nước trôi sông,
Lâu đài, phố chợ bềnh bồng biển sương
Toàn là ảo ảnh vô thường
Nhìn đời như vậy còn vương vấn gì
Tử thần ta há sợ chi.
Vô thường là một định luật chi phối tất cả từ thân, tâm cho đến mọi hoàn cảnh, sự vật. Hiểu “lý vô thường”, chúng ta sẽ gạt bỏ được tham ái, lọc bỏ các tà kiến, các phiền não và tiến tới sự an tịnh của tâm hồn, sẽ sáng suốt đi tìm những cái vui chân thật thường còn.
Xem thêm video: Chân lý của hạnh phúc:
Discussion about this post