TRONG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI
Đức Đạt Lai Lạt Ma
Milan, Ý, 7 tháng Mười Hai, 2007
Alexander Berzin sao chép và hiệu đính sơ
Tôi muốn nói về sự thích hợp của tôn giáo trong thế giới hiện đại. Vì bản tánh tự nhiên, tất
cả mọi người đều có sự cảm nhận về tự ngã, và từ đó, họ sẽ trải qua các hiện tượng mà họ nhận thức
được bằng cảm giác khổ đau, vui sướng hay trung tính. Đây là sự thật, không cần phải tìm hiểu lý
do. Động vật cũng thế. Vì bản tánh tự nhiên, tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc, không muốn
đau đớn và bất hạnh. Ta cũng không cần phải chứng minh điều này. Trên cơ bản này, ta có thể nói
rằng mọi người đều có quyền lợi để có một đời sống hạnh phúc và khắc phục khổ đau.
Có hai loại khổ thọ và lạc thọ. Một loại liên quan với cảm giác qua thân thể và một loại liên
hệ với tinh thần. Tất cả các loài động vật có vú có năm giác quan đều có cảm giác từ thân thể. Về
mặt tinh thần, chỉ có một số động vật là có kinh nghiệm khổ đau và vui sướng. Tuy nhiên, vì con
người có trí thông minh tinh vi, họ có ký ức ghi nhớ lâu dài hơn, cũng như có những suy tư về tương
lai. Điều này vượt trội hơn các động vật khác. Vì vậy, con người có sự vui sướng, hài lòng hay khổ
não về mặt tinh thần, như hy vọng, dự đoán và sợ hãi. Thế nên, sự sung sướng hay đau đớn của thân
thể và niềm hạnh phúc hay bất hạnh trên tinh thần là những điều khác biệt nhau. Có lúc thể xác của
ta có thể đau đớn, nhưng tinh thần lại an lạc, và có lúc thì cơ thể ta không có vấn đề, nhưng tinh
thần lại có nhiều lo âu và bất mãn.
Mức độ vật chất liên hệ với điều kiện vật chất như thực phẩm, y phục, nhà cửa, cảnh đẹp, âm
thanh, mùi hương, vị nếm, xúc chạm thân thể và các tiện nghi vật chất. Một số người rất giàu sang.
Họ có tiếng tăm, học vấn, được tôn trọng, nhiều bạn hữu, nhưng vẫn là những người rất bất hạnh. Đó
là bởi vì các tiện nghi vật chất đã không thể mang lại sự thỏa mãn hay an ủi trên tinh thần. Một số
người có rất nhiều sự lo âu, căng thẳng tinh thần, ganh đua, ganh tỵ, thù hận, bám chấp, và những
điều này đưa đến nỗi khổ tinh thần. Vì vậy, hạnh phúc về mặt cơ thể và vật chất có những giới hạn.
Đời sống có thể trở nên bất hạnh, nếu ta không quan tâm đến khía cạnh nội tâm. Những xã hội giàu có
mang lại sự thoải mái trên phương tiện vật chất, nhưng chúng không thể bảo đảm rằng con người sẽ
được hạnh phúc, bình an và thoải mái về mặt tinh thần. Vì thế, chúng ta cần có một cơ chế để mang
lại sự bình an trong tâm hồn.
Nói chung, tôn giáo là một công cụ để mang đến sự bình an, toại nguyện và thoải mái cho tinh
thần, với một niểm tín ngưỡng nào đó. Nhiều người đồng ý rằng cần có một phương pháp thế tục để
mang lại tâm bình an, nhưng tôi sẽ thảo luận điều này trong buổi nói chuyện với công chúng. Nếu
chúng ta nói về một phương pháp mang lại tâm bình an, căn cứ trên tín ngưỡng, thì có hai thể loại
thuộc về tôn giáo – tín ngưỡng không có triết lý và tín ngưỡng có triết lý.
[Xem:
Hòa Hợp Tôn Giáo, Lòng Bi Mẫn và Hồi Giáo
.]
Vào thời xưa, người ta dùng tín ngưỡng để mang đến niềm an ủi và hy vọng, khi họ phải đối
diện với những hoàn cảnh nan giải, những vấn đề ngoài tầm kiểm soát của họ, đó là sự tuyệt vọng.
Trong những hoàn cảnh như thế, tín ngưỡng đem lại một ít hy vọng. Thí dụ, thú vật đem lại sự đe dọa
vào ban đêm. Vì vậy, trong bóng tối, ta cảm thấy sợ hãi hơn. Ta sẽ thấy an toàn hơn khi có ánh
sáng. Nguồn gốc của ánh sáng là từ mặt trời. Vì vậy, mặt trời là một điều gì thiêng liêng và cũng
vì thế, một số người đã thờ phượng mặt trời. Lửa mang lại sự ấm áp thoải mái khi ta cảm thấy lạnh.
Vì thế, một số người xem lửa là một điều gì tốt đẹp. Lửa đôi khi xuất phát từ sấm sét, đó là một
điều huyền bí và vì vậy, lửa và sấm sét đều được xem là thiêng liêng. Đây là những tín ngưỡng
nguyên thủy, không chứa đựng triết lý.
Một loại tín ngưỡng khác có lẽ phải nói đến là xã hội Ai Cập cổ xưa. Tôi không biết gì về
điều này. Nền văn minh Ai Cập đi ngược về trước sáu hay bảy ngàn năm và đã có tín ngưỡng vào thời
đó. Khi đến một trong những trường Đại học ở Cairo, tôi nói là nếu có thêm thời gian, tôi muốn theo
học ở đó và nghiên cứu thêm về nền văn minh cổ đại của Ai Cập, nhưng đáng tiếc là tôi không có thời
gian. Tuy vậy, dù sao đi nữa, một loại tôn giáo khác gồm có nền văn minh Thung Lũng Indus ở Ấn Độ
và nền văn minh Trung Hoa. Họ có những tôn giáo phức tạp hơn với một
tư
tưởng. Có lẽ nền văn minh Thung Lũng Indus phong phú hơn những nền văn
minh khác. Ở Ấn Độ, từ ba hay bốn ngàn năm trước, đã có tín ngưỡng với một triết lý nào đó.
Vì vậy, một loại tôn giáo khác là tín ngưỡng với những khái niệm triết lý nào đó.
Trong loại tôn giáo thứ hai này, có những câu hỏi phổ biến. Một người bạn Do Thái đã nêu ra
những câu hỏi này một cách tinh vi: “Tôi” là gì? Tôi đến từ đâu? Tôi sẽ đi về nơi đâu? Mục tiêu của
cuộc đời là gì? Đây là những câu hỏi chính. Những câu trả lời cho các thắc mắc này thuộc vào hai
loại: hữu thần và vô thần.
Ba ngàn năm về trước ở Ấn Độ, con người đã cố gắng tìm câu trả lời cho sự thắc mắc về “tôi”
là gì, bản ngã là gì? Theo kinh nghiệm thông thường, khi con người còn trẻ thì thân thể có diện mạo
và hình dáng khác hơn khi đã già. Tâm thức cũng thế, nó khác biệt theo từng giây phút. Nhưng chúng
ta có một cảm giác tự nhiên về “cái tôi” – khi “tôi” trẻ, khi “tôi” già. Vì vậy, phải có một chủ
nhân cho thân thể và tâm thức này. Chủ nhân phải là điều gì đó độc lập và thường hằng, không thay
đổi, trong khi thân và tâm thì đổi thay. Thế nên ở Ấn Độ, ý tưởng về một bản ngã, một linh hồn,
một
“atman”
, bắt nguồn từ đấy. Khi thân thể không còn hữu dụng nữa, một linh hồn vẫn duy trì ở đấy. Đó
là câu trả lời cho câu hỏi “tôi” là gì.
Thế thì linh hồn đến từ nơi nào? Nó có sự khởi đầu và kết thúc hay không? Không có khởi đầu
thì khó chấp nhận được, vậy thì phải có một sự khởi đầu, giống như thân thể này cũng có một sự bắt
đầu. Thế là Thượng Đế tạo ra linh hồn, và đối với sự kết thúc, chúng ta đến với sự hiện diện của
Thượng Đế, hay cuối cùng hòa nhập vào trong Thượng Đế. Các tôn giáo Trung Đông như Do Thái giáo, Cơ
Đốc giáo trong thời kỳ ban đầu, và có thể người Ai Cập nữa, đã tin tưởng vào hậu kiếp. Nhưng đối
với Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo, chân lý tối hậu là Thượng Đế, đấng Tạo Hóa. Đó là cội
nguồn của vạn vật. Vị Thượng Đế này phải có quyền năng vô biên, cũng như lòng bi mẫn và trí tuệ vô
hạn. Mỗi tôn giáo đều xác định về một lòng bi mẫn vô hạn, như thánh Allah, và Thượng Đế là chân lý
tối hậu, vượt ra khỏi kinh nghiệm của chúng ta. Đó là tôn giáo hữu thần.
Thế rồi khoảng ba ngàn năm trước, chúng ta có triết lý Số Luận Sư (Samkhya) ở Ấn Độ. Triết lý
này phân chia thành hai phái: một tin tưởng vào Thượng Đế và một cho rằng không có Thượng Đế. Thay
vì vậy, phái thứ hai nói về tính chất nguyên thủy,
tự tánh (prakrti)
và hai mươi lăm loại hiện tượng có thể nhận thức được. Đối với họ, tính chất nguyên thủy thì
thường hằng và là đấng tạo hóa. Thế thì các quan điểm vô thần đã có mặt vào trước thời của Đức
Phật.
Thế rồi khoảng 2600 năm trước đây, Đức Phật và vị tổ sáng lập Kỳ Na giáo (Jain founder),
Mahavira, đã xuất thế. Không ai trong hai vị này đã đề cập đến Thượng Đế, nhưng thay vào đó, chỉ
nhấn mạnh đến nhân và quả. Vì vậy, một phái của Số Luận Sư, Kỳ Na giáo và Phật giáo là những tôn
giáo vô thần.
Trong các tôn giáo vô thần, Phật giáo nói rằng các pháp bắt nguồn từ các nhân và duyên của
riêng nó, và vì vậy, một trong những bản chất tự nhiên của nhân và quả là sự đổi thay. Sự vật chẳng
bao giờ đứng yên bất động. Vì nền tảng của tự ngã hay “tôi” là thân thể và tâm thức, mà hiển nhiên
thân và tâm đang thay đổi trong mọi lúc, và vì “tôi” dựa vào hai yếu tố này, “tôi” cũng phải có
cùng bản chất với chúng. Nó không thể không thay đổi và thường hằng mãi mãi. Nếu nền tảng đổi thay
thì dĩ nhiên cái danh xưng đặt để cho nó cũng phải thay đổi. Vì vậy, không có một linh hồn thường
hằng, bất biến –
“anatman”
, vô ngã. Đây là khái niệm đặc trưng của Phật giáo – vạn pháp liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau.
Thế thì trong ba tôn giáo vô thần, mặc dù hai tôn giáo kia chấp nhận luật nhân quả, tuy nhiên, họ
xác nhận một bản ngã thường hằng, bất biến.
Trong những tôn giáo có niềm tin và triết lý, có nhiều truyền thống khác nhau. Tất cả đều có
hai khía cạnh – triết lý và khái niệm, cũng như sự thực hành. Có một sự khác biệt lớn về khía cạnh
triết lý và khái niệm, nhưng thực hành thì giống nhau, thí dụ như lòng từ ái, bi mẫn, tha thứ, bao
dung, kỷ luật bản thân. Những triết lý và khái niệm khác nhau chỉ là những phương pháp để mang lại
cho con người ước nguyện và lòng vững tin để thực hành hạnh từ ái, bi mẫn, tha thứ, và v.v… Vì vậy,
tất cả những triết lý này có cùng mục tiêu và chủ ý, đó là đem lại cho con người lòng từ ái, bi mẫn
và v.v…
Đây là điều rõ ràng trong đạo Phật, Đức Phật đã dạy những khái niệm khác nhau, thường là
những điều mâu thuẫn. Một số kinh điển nói rằng các uẩn – thân và tâm – tựa như một kiện hàng và tự
ngã là cái gì khuân vác nó.
Một kiện hàng và dụng cụ khuân vác nó không thể giống nhau, thế thì tự ngã phải tách biệt và
tồn tại trên thực chất. Một kinh khác nói rằng nghiệp hay những hành vi thì tồn tại, nhưng không có
một cá nhân hành động, không có tự ngã trên thực chất. Những kinh điển khác nói không có những hiện
tượng bên ngoài. Chỉ có tâm thức và những hiện tượng khác đơn thuần là nội dung của tâm thức, và
tâm thức tồn tại; nó thật sự tồn tại. Tuy nhiên, những kinh điển khác nói rằng cả tâm thức lẫn nội
dung của nó đều không thật sự tồn tại – không có điều gì thật sự tồn tại cả, thí dụ như
Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, Tâm Kinh
đã nói rằng: “không nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý.” Tất cả những điều này mâu thuẫn với nhau,
nhưng tất cả đều xuất phát từ một nguồn cội, đó là Đức Thích Ca Mâu Ni Phật.
Đức Phật đã không giảng dạy tất cả những điều này vì sự lầm lẫn của ngài. Ngài cũng không chủ
tâm thuyết giảng chúng để tạo thêm sự bối rối trong hàng môn đồ. Tại sao Ngài lại dạy như thế? Đức
Phật đã tôn trọng những căn cơ khác nhau của chúng sanh, và Ngài đã giảng dạy tất cả những điều này
để giúp họ. Ngài thấy rằng tất cả những điều này là cần thiết.
Ba ngàn năm về trước, thế giới có thể có khoảng mười hay một trăm triệu người. Bây giờ, có
hơn sáu tỷ người. Trong số những người này, chắc chắn có những tâm tánh khác nhau. Chúng ta có thể
thấy điều này, ngay cả ở những đứa trẻ có cùng cha mẹ. Ngay cả những cặp song sinh cũng có tâm tư
và cảm xúc khác nhau. Vì thế, nhân loại có những tâm tánh khác nhau. Sự khác biệt này cũng do môi
trường, địa lý và khí hậu tạo ra. Thí dụ, Ả Rập thì nóng và khô. Ấn Độ có những mùa mưa, vì vậy hai
nước này khác nhau và con người ở những nơi này cũng có lối sống khác nhau. Có thể trong thời
nguyên thủy, con người có nhiều điểm tương đồng hơn ở khắp nơi. Tuy nhiên, vì những sự khác biệt
nêu ra ở trên, điều quan trọng là có những phương cách tiếp cận khác nhau trong hiện tại. Tuy
nhiên, những khái niệm và triết lý khác nhau không phải là vấn đề thật sự. Quan trọng nhất là chí
hướng và mục tiêu của tất cả những yếu tố này, và chúng thật sự giống nhau, đó là giúp cho con
người trở nên tử tế và bi mẫn khi giao tiếp với người khác.
Đối với một số người thì khái niệm về một đấng sáng tạo, Thượng Đế, rất hữu ích. Một lần nọ,
tôi đã hỏi một tu sĩ Cơ Đốc lão thành là tại sao Cơ Đốc giáo không tin tưởng vào tiền kiếp. Ông nói
rằng, “Bởi vì đời sống trong hiện tại là do Thượng Đế tạo ra.”. Cách suy nghĩ như thế tạo ra một
cảm giác mật thiết với Thượng Đế. Cơ thể này bắt nguồn từ tử cung của mẹ ta, vì thế, chúng ta có
một cảm giác gần gũi và thoải mái với mẹ của mình. Trường hợp của Thượng Đế cũng tương tự như thế.
Chúng ta bắt nguồn từ Thượng Đế và điều này ban cho ta một cảm giác gần gũi với ngài. Càng cảm thấy
gần gũi hơn, khuynh hướng tuân theo những lời khuyên của Thượng Đế càng mạnh hơn, đó là việc thực
thi lòng từ bi. Vì vậy, cách tiếp cận hữu thần rất mạnh mẽ và hữu ích cho nhiều người hơn là tiếp
cận vô thần.
Tốt hơn là hãy giữ lấy truyền thống tôn giáo riêng của mình. Ở Mông Cổ, các nhà truyền giáo
cho người dân $15 để cải đạo sang Cơ Đốc giáo. Thế là một số người đến với họ và cải đạo mỗi năm,
lần này qua lần khác, chỉ để nhận $15 mỗi lần! Tôi khuyên các nhà truyền giáo này đừng can thiệp
vào tín ngưỡng của dân chúng, hãy để người dân ở đó giữ truyền thống Phật giáo của họ. Điều này
cũng giống như tôi nói với người Tây phương rằng hãy giữ tôn giáo riêng của họ.
Tốt nhất là hãy thu thập thêm thông tin. Điều này sẽ giúp ta phát triển sự tôn trọng các
truyền thống khác. Thế thì, hãy giữ truyền thống Cơ Đốc, nếu bạn là tín đồ Cơ Đốc, nhưng hãy có
thêm sự hiểu biết và kiến thức về những truyền thống khác. Còn về mặt phương pháp, tất cả các
truyền thống đều giảng dạy một cách thực hành, đó là lòng từ ái, bi mẫn, bao dung. Vì cách thực
hành được chia sẻ chung chung, các bạn có thể áp dụng một vài phương pháp của Phật giáo. Tuy nhiên,
khái niệm không có điều gì là tuyệt đối, là một vấn đề hoàn toàn riêng rẽ của Phật giáo. Nó không
có lợi ích gì cho người khác đạo học hỏi. Một linh mục Cơ Đốc đã hỏi tôi về tính Không, không
tướng, và tôi nói với ông rằng điều này không tốt cho ông. Nếu tôi nói rằng các pháp hoàn toàn phụ
thuộc lẫn nhau, điều này có thể làm tổn hại niềm tin mạnh mẽ của ông đối với Thượng Đế. Thế nên,
những người như vậy thì tốt hơn là không nên nghe nói về tính Không hay không tướng.
Tóm lại, vì tất cả các tôn giáo lớn có sự thực hành giống nhau, chỉ khác nhau về phương pháp
và triết lý, nhưng đều có cùng mục tiêu. Đây chính là nền tảng cho sự tôn trọng lẫn nhau. Vì thế,
hãy giữ truyền thống riêng của bạn. Tuy nhiên, nếu các bạn thấy trong buổi nói chuyện của tôi có
một số phương pháp của Phật giáo đem lại lợi ích cho bản thân, thì hãy sử dụng chúng. Nếu như thấy
chúng không có lợi ích gì, thì hãy bỏ mặc chúng.
Discussion about this post