VAI TRÒ CỦA GIỚI LUẬT
TRONG NẾP SỐNG THIỀN MÔN
Thích Trung Định
Trong tam tạng kinh điển thì luật tạng (vinaya) có một vai trò và vị trí vô cùng quan trọng trong Phật giáo. Theo thứ tự sắp xếp thông thường thì tam tạng bao giờ cũng được sắp xếp tuần tự từ kinh, luật và luận. Nhưng theo văn học Pāli, luật tạng được xếp đầu tiên sau đó đến kinh và luận. Điều này cho thấy rằng, luật tạng luôn được đặt trọng tâm trong nếp sống tu học của tứ chúng đệ tử Phật. Ngoài luật tạng hoàn toàn mô tả về giới luật, chúng ta cũng thấy đức Phật nói về giới trong các bài kinh được ghi lại trong kinh tạng Nikāya, trong đó những bài kinh đầu của Trường bộ kinh (Digha nikāya) hoàn toàn mô tả về giới luật như kinh Phạm Võng, Kinh Sa Môn Quả, và giới cũng được đức Phật nhắc đến nhiều trong các bài kinh thuộc Trung bộ (Majjhima nikāya), Tăng chi bộ (Anguttara nikāya) và Tương ưng bộ (Samyutta nikāya).
Khi nghiên cứu kỷ chúng ta thấy có một sự tương đồng và thống nhất giữa kinh và luật. Theo lý thuyết thì kinh và luật có sự riêng biệt rõ ràng, nhưng ở người thực hành chúng tạo nên sự hợp nhất trong vấn đề nuôi dưỡng phát triển và đào luyện tâm trí, tính cách như nhau. Điều này được thấy rõ qua đoạn kinh sau:“Giáo pháp và giới luật của đức Phật Gotami có những phẩm chất mà bạn có thể biết. Những phẩm chất này dẫn đến sự an tịnh, không có niềm đam mê, tham đắm; để được giải thoát và không bị trói buộc; để buông bỏ, xả ly mà không chấp thủ; để khiêm tốn và không tự cao tự đại; để thỏa mãn và không để bất mãn; đưa đến sự ẩn dật và không vướng víu; để kích thích năng lượng tinh tấn và không lười biếng; để được trút bỏ gánh nặng và không nặng nề chất chứa. Bạn chắc chắn có thể thực hành. Đây là Giáo Pháp, đây là Giới Luật, đó là những hướng dẫn của đức Phật.”[1]
Từ đoạn trích dẫn này, cho chúng ta thấy rằng giới luật có tầm quan trọng như thế nào đối với nếp sống thiền môn. Để làm sáng tỏ vấn đề này, chúng ta đi vào tìm hiểu để thấy được giá trị đích thực mà tạng luật mang lại cho hành giả tu học và tiền đồ của Phật pháp.
1. Nhận Thức Về Tầm Quan Trọng Của Giới Luật
Trong tam vô lậu học, giới luôn là bước đầu tiên, bước đí cơ bản để thiết lập nền tảng đạo đức cơ bản. Nếu không có nấc thang này, thì mọi bước tiếp theo sẽ không bao giờ thành tựu. Giới luật là chuẩn mực quy tắc do đức Phật chế định, nhằm làm nền tảng pháp lý để hành giả ứng dụng trong việc thúc liễm thân tâm, tấn tu đạo nghiệp. Giới là tự nhiên, và chánh thuận với giải thoát, nên thực hành theo giới là thuận theo lẻ tự nhiên và đưa đến giải thoát. Tất cả lời dạy của đức Phật điều không ngoài mục đích đoạn trừ khổ đau mang lại an lạc giải thoát. Giới luật được thiết lập là mở ra lộ trình giải thoát cho tất cả mọi người ứng dụng thực hành. Do đó, giới luật có vai trò và tầm quan trọng đối với tất cả chúng đệ tử Phật. Tầm quan trọng này được Đức Phật khẳng định: “sau khi ta nhập diệt, giới luật sẽ là thầy của các người”. Lời tuyên bố này cũng được tìm thấy trong cả hai truyền thống Nam tạng và Bắc tạng Phật giáo. “Hãy tôn trọng cung kính Ba la đề mọc xoa, hãy lấy giới luật làm nơi nương tựa, chớ nương tựa một ai khác.”[2] Và trong Trường Bộ kinh đức Phật nhấn mạnh: “Này Ananda, Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Đạo Sư của các Ngươi.”[3]
Lời tuyên bố này nhằm xác tính vai trò quan trọng của giới luật trong nếp sống thiền môn. Tầm quan trọng của giới luật được thấy rõ trong phần giới thiệu đầu của giới bổn Ba la đề mộc xoa, văn bản Hán tạng của ngài Pháp Hộ (Dharmagupta): “Nếu như một người bị gảy đôi chân của mình thì người đó không còn có thể đi bộ được; cũng vậy một người phá giới thì không thể sinh vào cõi lành, thiện thú thiên giới.”[4] Nó cũng được nhấn mạnh thêm như trong lời tựa của giới kinh rằng: “Trong thế gian, vua là hơn hết, trong các sông ngòi ao hồ thì đại dương là hơn hết, trong tất cả các sao, mặt trăng là hơn hết, trong tất cả bậc thánh, Phật là hơn hết, trong tất cả kinh sách, giới kinh là hơn hết. (And further: “As a king is supreme among men, as the ocean is chief of all flowing waters, as the moon is chief among the stars, as Buddha is pre-eminent among Sages, (this) Book of Precepts is the best.”[5])
Giới luật chủ yếu chứa những quy định, hướng dẫn trực tiếp mọi hành động việc làm trong đời sống hằng ngày của người xuất gia. Giới luật rõ ràng và dứt khoát là đặt ra để quy định những hành động bị cấm (vì có hại), và những hành động nên làm (vì hữu ích hoặc đưa đến lợi lạc), những hành động vô hại hoặc trung tính và do đó không bị cấm cũng không khuyến khích thực hành. Như vậy có ba loại quy định về giới luật: ngăn cấm (prohibitions), chỉ định (prescripts) và cho phép (permissions), hay nói khác hơn đó là tính khai, giá, trì và phạm của giới.
Một đời sống tu học thực sự là phải khép mình trong sự tuân thủ nghiêm trì giới luật. Điều quan trọng là chúng ta không nên nghĩ rằng những quy định của giới luật như đang được áp đặt từ bên ngoài do một sức mạnh không thể cưỡng lại. Giới luật phải đến từ bên trong. Nó phải dựa trên nhận thức rõ ràng về giá trị của nó cũng như một mức độ nhất định của nội quan và chánh niệm. Một khi chúng ta ý thức rõ về giá trị soi sáng của giới luật thì nó là chánh thuận, tự nhiên, chứ không phải áp đặt. Thọ trì giới là vấn đề tự nguyện và phát tâm, nên giới sẽ thực sự giúp chúng ta phát triển toàn diện về hai phẩm chất rất quan trọng của tâm: sự tỉnh giác và chánh niệm. Khi chúng ta phát triển hai yếu tố cơ bản của sự tỉnh thức, chúng ta sẽ có những công cụ mạnh mẽ nhất để đạt được sự nhất tâm. (đó là đúng nghĩa của nhân giới sanh định).
Chúng ta hiểu rằng, pháp chế của một quốc gia nếu không kiện toàn, thì nước ấy tất sẽ loạn; Tăng đoàn Phật giáo nếu như không có giới luật thì Tăng đoàn cũng tan rã. Trong ba kỳ kết tập kinh điển thì nguyên nhân chính đều có liên quan đến giới luật. Kỳ kết tập kinh tạng lần thứ nhất được tổ chức tại hang Thất diệp, thành Vương Xá, sau khi Đức Phật nhập niết bàn ba tháng. Một trong nhiều lý do khác đã được Tổn giả Ma-ha-ca-diếp muốn ngăn chặn dư luận cho rằng các đệ tử của Đức Phật chỉ giữ giới khi ngài còn sống. Vì vậy, kỳ kết tập kinh điển đã được tổ chức để bảo vệ sự trong sáng của giáo pháp cũng như để củng cố Tăng đoàn. Kỳ kết tập kinh điển lần thứ hai được tổ chức tại Vesali một thế kỷ sau đức Phật nhập diệt. Theo Tiểu Phẩm, các tu sĩ của vùng Vajji đã có liên quan đến thập sự phi pháp.[6]Vì vậy, đại hội kết tập kinh điển tổ chức để giải quyết về thập sự phi pháp, bảo vệ và tuân thủ sự nguyên vẹn của giới luật. Đại hội kết tập kinh điển lần ba tổ chức tại Hoa Thị Thành (Pāṭaliputta) dưới sự bảo trợ của hoàng đế Phật giáo nổi tiếng A Dục (Asoka). Sau khi A dục vương hồi đầu Tam bảo, ông thực hiện nhiều chủ trương chính sách hộ trì Phật pháp. Từ đó, đời sống của chư vị tu sĩ Phật giáo trở nên sung túc, các tu viện được xây dựng khang trang, to lớn. Lợi dụng điều kiện này, những kẻ dị giáo đã len lỏi gia nhập Tăng đoàn. Họ sống đời sống tu sĩ nhưng tâm vẫn còn mạng nặng thế tục, không tuân thủ giới luật, nếp sống quy cũ thiền môn. Và chính họ là nhân tố làm mất hòa hợp Tăng và đời sống thanh tịnh vốn có của giáo đoàn Phật giáo. Điều này dẫn đến đau buồn cùng tột đối với những bậc tôn túc lo cho tiền đồ của Phật giáo, đến nổi ngài Mục Kiền Liên Tử Đế Tu (Thera Moggaliputta) phải lui về ẩn tu trên đồi Ahoganga bên bờ sông Ganga và ở đó trong bảy năm. Số người dị giáo và tu sĩ giả chiếm một số lượng lớn trong Tăng đoàn thời đó, kết quả này đã làm cho tín đồ Phật giáo mất niềm tin và ngày càng xa lánh Phật giáo. Hệ quả này đã làm cho Tăng đoàn trong suốt bảy năm mà không tổ chức được lễ bố tát tụng giới, an cư kiết hạ và tự tứ. Những vị tu sĩ chân chín từ chối không tham gia an cư bố tát với những thành phần tu sĩ dị giáo và giả dạng. Sự thất bại nặng nề này đã khiến cho Hoàng đế A Dục đau buồn và ông đã gởi kiến nghị thực hiện lễ bố tát trở lại. Vì vậy, kỳ kết tập kinh điển lần thứ ba được tổ chức để ngăn chặn những người dị giáo và thiết lập sự thanh tịnh và hòa hợp trong Tăng đoàn Phật giáo. Sau đó, Tăng đoàn mới bắt đầu thực hiện lễ Bố tát trở lại. Từ những dẫn dụ ở trên chúng ta thấy rõ vai trò của giới luật là vô cùng quan trọng, nó quyết định lấy sự sống còn của đời sống tu sĩ.
Trong lời bài kinh cuối cùng trước lúc Thế Tôn diệt độ, ngài ân cần căn dặn chúng đệ tử rằng: “Này các Tỳ kheo sau khi ta diệt độ, các thầy phải trân trọng tôn kính tịnh giới, như người mù mà được mắt sáng, nghèo mà được ngọc quý. Phải biết tịnh giới là đức thầy cao cả của các thầy. Nếu ta ở đời thì cũng không khác gì tịnh giới ấy.”[7] Người xuất gia luôn lấy giới luật làm cương lĩnh tu tập để chuyển hóa thân tâm, trang nghiêm huệ mạng; Tăng đoàn phát triển đều do nương vào giới luật để thiết lập sự hòa hợp và thanh tịnh. Như vậy, giới luật nhằm ổn định quy củ Thiền môn, là áo giáp phòng chống giặc phiền não, là đạo quân tiên phong mở cánh cửa giải thoát. Do vậy, cả hai truyền thống Phật giáo Nam tạng cũng như Bắc tạng đều xác quyết tầm quan trọng của giới luật rằng: ‘Giới luật là Đấng đạo sư’ và một bên thì khẳng định ‘Nếu ta ở đời thì cũng không khác gì tịnh giới ấy’ đủ để thấy tầm quan trọng của giới luật như thế nào.
2. Giới luật làm thúc đẩy sự hòa hợp thanh tịnh Tăng
Bản chất của tăng là thanh tịnh và hòa hợp. Yếu tố then chốt đưa tăng đoàn hoàn thiện hai phẩm chất ấy đó là giới luật. Giới luật đưa đến sự hòa hợp trong Tăng đoàn gồm có ba ưu điểm:
Thứ nhất, giới luật nhằm để hướng dẫn nếp sống của người xuất gia. Mỗi giới điều có công năng hướng dẫn chỉ đạo trực tiếp đến đời sống của người tu sĩ. Giới luật chỉ ra cho chúng ta biết rõ những gì nên làm và những gì không nên làm, thiết lập một cấu trúc về đời sống đức hạnh, nhằm thành tựu phạm hạnh xuất gia chân chính vì lý tưởng giải thoát giác ngộ và vì lý tưởng phụng sự nhân sinh. Mỗi giới trực tiếp liên quan đến cuộc sống của chúng ta, rằng là tất cả các việc ác nên tránh và tất cả các việc thiện gắng làm và để thanh tịnh tâm ý cho chính mình.
Thứ hai, giới mang lại sự thanh bình và hạnh phúc cho hành giả tu hành. Giới giúp cho hành giả tự điều chỉnh lấy hành vi, lời nói và suy nghĩ của chính họ, nhằm thiết lập sự bình an trong nội tâm. Nhờ tính năng phòng hộ và chế ngự của giới, làm cho hành giả cảm thấy an ổn, an trú trong pháp và luật này. “Giới là để chế ngự, chế ngự là để khỏi hối hận, không hối hận là để được hân hoan, hân hoan để được hỉ, hỉ để được khinh an, khinh an để được lạc, lạc để được định, định để được chánh kiến, chánh kiến để được vô dục, vô dục để được ly tham, ly tham để giải thoát, giải thoát để có giải thoát tri kiến, giải thoát tri kiến để đi đến vô thủ trước Niết bàn.” [8]
Giới luật của đức Phật chế định nhằm ngăn chặn các tác nhân đưa đến bất an và đau khổ, đồng thời kiến tạo sự an lạc hạnh phúc trong đời sống nội tại. Những tác nhân đưa đến bất an và đau khổ đó là sự phóng túng tâm ý, đam mê thỏa thích với tham dục của sáu giác quan. Người hành giới nghiêm mật là tự chế tác năng lượng phòng hộ sáu căn môn, không phóng túng tâm ý, những nhân tố kích thích tham dục bị từ bỏ, do đó vị ấy sinh khởi sự an lạc hạnh phúc trong đời sống hằng ngày.
Thứ ba, giới luật là để bảo vệ nếp sống thiền môn. Giới không chỉ ngăn chặn những hành vi bất thiện của cá nhân, mà còn bảo vệ và đem lại sự sống hài hòa trong cộng đồng Tăng chúng. Trong các kiền độ luật nghi quy định về các quy tắc giữ gìn nếp sống thanh tịnh và hòa hợp Tăng. Phá hòa hợp Tăng là một trong những trọng tội của một vị Tỷ kheo. Khi tất cả mọi thành viên trong Tăng chúng sống theo tinh thần giới luật, thì họ không chỉ kiện toàn về nếp sống phạm hạnh, mà còn xây dựng một nếp sống lục hòa cộng trụ thật sự trong Tăng đoàn.
Tuy nhiên, không phải lúc nào trong tăng chúng cũng hài hòa, thanh tịnh. Đôi khi cũng có những pháp hữu lậu và bất đồng xảy ra trong Tăng đoàn. Những lúc như vậy, theo tinh thần giới luật Tăng chúng phải tác pháp yết ma và xử lý để tăng đoàn hòa hợp thanh tịnh trở lại. Thất diệt tránh pháp trong kiền độ luật nghi giúp cho hành giả ứng dụng một cách trí tuệ để giải quyết các vấn đề trong tăng đoàn. Pháp bố tát hằng nửa tháng và tự tứ sau ba tháng kiết hạ an cư là những pháp lý cơ bản để đem lại sự hòa hợp và thanh tịnh trong đời sống tu viện. Giới luật tạo hành lang pháp lý để ngăn chặn các bất thiện pháp chưa sanh và trừ diệt các ác pháp đã sanh. Đồng thời giới luật cũng thúc đẩy và chế tác năng lượng thiện thông qua hành động, lời nói và suy nghĩ. Từ đó giới luật giúp cải thiện các mối quan hệ trong cộng đồng tăng chúng. Đó là ba lý do mà giới luật thúc đẩy sự hòa hợp trong Tăng đoàn.
Trường bộ kinh dạy rằng, nếu các vị Tỷ kheo hành trì giới luật nghiêm mật, không sứt mẻ, không tỳ vết thì Tăng đoàn Phật giáo sẽ được hưng thịnh. “Này các Tỷ-kheo, khi nào các vị Tỷ-kheo sống với các bạn đồng tu, tại chỗ đông người và vắng người, trong sự thọ trì những giới luật đúng với Sa-môn hạnh, những giới luật không bị gẫy vụn, không bị sứt mẻ, không bị tỳ vết, không bị uế trược, những giới luật đưa đến giải thoát, được người có trí tán thán, không bị ô nhiễm bởi mục đích sai lạc, những giới luật hướng đến định tâm, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.”[9]
Như vậy cuộc sống của Tăng đoàn dựa trên nền tảng của Giới luật không chỉ đưa đến sự an lạc, thanh tịnh và hòa hợp mà còn làm cho Tăng chúng cường thịnh, phát triển.
3. Giới luật làm cho chánh pháp cửu trụ
Ưu điểm nổi bật cuối cùng và đó cũng là mục tiêu tối thượng của giới là để duy trì Phật pháp cửu trụ trên thế gian này. Sự tồn tại của Phật pháp là nhờ vào sự truyền thừa liên tục của Tăng -những người đã luôn tôn trọng và bảo vệ các quy định của giới Luật trong gần 2.600 năm mà chúng tôi tìm thấy chính mình ngày hôm nay với sự sang trọng để giử gìn những lời dạy vô giá của Phật pháp. Nếu không có giới luật, và những người tiếp tục nghiêm trì luật cho đến ngày nay thi Phật pháp sẽ không còn tồn tại trên thế gian này.[10]
Một người xuất gia có giới hạnh đầy đủ, vị ấy có thể mang lại niềm tin chơn chánh cho những người chưa tin vào Phật pháp và sẽ làm tăng trưởng niềm tin cho Phật tử các giới. Với giới luật kiện toàn, vị ấy có thể tiến sâu vào sự thực hành thiền định và trí tuệ, đạt được mục tiêu cuối cùng của lộ trình giác ngộ giải thoát, niết bàn. Bởi vì, khi vị ấy trọn vẹn trong giới pháp thì đức hạnh và trí tuệ của vị ấy sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với tất cả mọi người. Vị ấy có niềm tin, kiên định trong niềm tin do đó mang lại cho người khác có niềm tin bất hoại trong chánh pháp. Vị ấy có an lạc giải thoát nhờ hành trì giới mang lại, do đó sẽ khiến cho người khác có an lạc và giải thoát trong chánh pháp. Gương sáng đức hạnh bao giờ cũng có sức ảnh hưởng lớn trong tâm thức của mọi người. Nhờ sự ảnh hưởng này sẽ tạo ra sự cung kính và tôn trọng tịnh giới. Giới pháp cần phải được gìn giữ và truyền lại cho người khác, làm cơ sở thực hành cho hành giả xuất gia cũng như phật tử tại gia qua nhiều thế hệ. Làm được như vậy mới có thể tiếp tục duy trì và xiển dương lời dạy của Đức Phật mãi mãi trong thế gian. Pháp Phật phải được duy trì từ trong nội bộ cũng như bên ngoài quảng đại quần chúng.
Trong Tạng luật Đại phẩm 1, chương trọng yếu khẳng định rằng: “Cho đến khi kinh và vi diệu pháp bị quên lãng mà Luật chưa bị tiêu hoại thì Giáo Pháp vẫn còn tồn tại.”[11] Luật Thiện Kiến khẳng định: “…Dù trên thế gian này chỉ còn tồn tại năm người xuất gia giữ giới thanh tịnh thì giáo pháp của đức Phật vẫn còn thọ mạng lâu dài vì số lượng năm người này có thể thực hiện việc truyền giới cụ túc. Và như thế Tăng đoàn sẽ được sản sinh và phát triển”.[12]
Ngài Phật Âm trong luận thư của mình cũng nói rằng: “giới luật là thọ mạng của Phật pháp. (Buddhaghosa also said that the vinaya constitutes the life-blood of the sāsana[13]). Vì giới luật còn thì Phật pháp còn, giới luật diệt thì Phật pháp cũng diệt. (Tỳ ni tạng trụ, Phật pháp diệc trụ). Khi nói rằng, giới luật là thọ mạng của Phật pháp không có nghĩa là coi thường vai trò của Giáo Pháp đối với giới luật trong Tăng chúng, hoặc có thể được so sánh nặng nhẹ giữa Kinh và Luật. Điều này được nói rằng, quy tắc giới luật là rất cần thiết cho đời sống tu sĩ. Cuộc sống của một người tu sĩ được điều chỉnh bởi các quy tắc giới luật. Vì giới luật mới đưa người tu sĩ lên bậc trên, chắp thêm đôi cánh để bay về vùng trời giải thoát giác ngộ. Nói cách khác, giới giúp cho cuộc sống của mình đạt được một giai đoạn cao hơn. Hơn nữa, với quy tắc giới luật, các môn đệ biết rõ những gì nên làm và những gì không nên. Vì vậy, họ có thể tránh tội và có thể có được hạnh phúc trong cuộc sống phạm hạnh. Giới luật đã được Đức Phật ban hành để diệt trừ ô nhiễm của một số nhà sư, để bảo vệ chúng khỏi giai đoạn thấp hơn và có khả năng nâng cao chúng trong cuộc sống này rất hay đời sau.
Và một điều quan trọng khác cần phải ghi nhớ trong tâm trí rằng, đức Phật chỉ dạy con đường tâm linh chơn chánh đó là ‘pháp và luật’ (Dhamma-vinaya)- Giáo Lý (dhamma) và Giới Luật (Vinaya) – cho thấy một chỉnh thể thống nhất của trí tuệ và đào luyện đạo đức. Do đó giới luật là một khía cạnh không thể thiếu và là nền tảng của tất cả các lời dạy của Đức Phật. Không thể tách rời Giáo Pháp và giới luật riêng biệt. Và chỉ có những người tuân thủ, hành trì giới pháp mới xứng đáng trọng trách truyền trì Như lai tạng mà thôi. Các cư sĩ Phật tử sẽ tìm thấy trong Luật Tạng nhiều bài học có giá trị liên quan đến bản chất con người, hướng dẫn về làm thế nào để thiết lập và duy trì một cộng đồng hài hòa, tổ chức, và nhiều giáo lý sâu sắc của Phật pháp. Nhưng giá trị lớn nhất của nó, có lẽ, nằm trong khả năng để truyền cảm hứng cho các cư sĩ Phật tử để thấy được khả năng phi thường được thể hiện bởi một đời sống cuộc sống thực sự từ bỏ, một cuộc sống hoàn toàn phù hợp với chánh pháp.
Tóm lại, tuân thủ giới luật là một trong những cách hộ trì Phật pháp của người xuất gia, điều này được nêu rõ trong lời giới thiệu về luật tạng như sau: “Đó là, nếu như, Xá Lợi Phất, hoa khác nhau được đặt trên một mảnh gỗ, ràng buộc với nhau bởi sợi (như một vòng hoa), không phân tán, không xoay chiều, hoặc bị phá hủy bởi gió. Lý do cho điều đó là gì? Chúng được gắn với nhau bởi sợi dây liên kết. Điều này có nghĩa là chỉ đơn giản rằng những cơn gió vô thường có thể không phải như vậy dễ dàng tiêu diệt các khía cạnh khác nhau của Pháp khi chúng được bảo đảm bởi các sợi của Luật.”[14] Như vậy, giới luật là sợi dây kết nối và bảo vệ chánh pháp cữu trụ trên thế gian này.
Ghi chú:
[1] The Buddhist Monastic Code I, The Patimokkha Rules, Translated & Explained by Thanissaro Bhikkhu (Geoffrey DeGraff), The Abbot Metta Forest Monastery P.O. Box 1409, Valley Center, CA 92082 U.S.A, 1994, p. 11.
[2] Dhyāna Master Hsuan Hue, The Diamond Sutra, A General Explanation of the Vajra Prajña Paramitā Sūtra, published by the Sino-American Buddhist Association, Incorporated, 1974, Edited by: Bhiksu Heng Kuan Bhiksuni. Heng Hsien; Upasaka Tun Kuo-tsun, p. 52-53.
[3]Maurice Walshe, (trans.), Dīgha nikāya, The Long Discourses of the Buddha, Wisdom publication, Boston,, 2012, p. 270.
[4] Samuel Beal, A Catena of Buddhist Scriptures from the Chinese, London, 1871, p. 207.
[5] Relevance of Vinaya in modern circumstances, http://thubtenchodron.org/, 26/09/2016, at 5 pm.
[6] 1. Singilonakappa: it was the practice of carrying salt in a horn. 2. Dvangulakappa: the practice of taking meals when the shadow is two fingers broad. 3. Gamantarakappa: the practice of going to another village and taking a second meal there on the same day. 4. Avasakappa : the observance of the Uposatha ceremonies in various places in the same parish. 5. Anumatikappa : obtaining sanction for a deed after it is done. 6. Acinnakappa : using customary practices as precedents. 7. Amathitakappa : the drinking of buttermilk after meals. 7. Jalogim-patum : the drinking of toddy. 9. Adasakam-nisidanam : using a rug which has no fringe. 10. Jataruparajatam : the acceptance of gold and silver.
[7] Bhikkhu Khantipālo, The Buddhist Monk’s Discipline, Some Points Explained for Laypeople, Buddhist Publication Society, Kandy, Sri Lanka, 2008, p. 12.
[8] See, Bhadantácariya Buddhaghosa, Visuddhi Magga, Bhikkhu Náóamoli (tran.s), The Path of Purification, Buddhist Publication Society,Columbo, 2010, p.48.
[9]Maurice Walshe, (trans.), Dīgha nikāya, The Long Discourses of the Buddha, Wisdom publication, Boston, 2012, p. 234.
[10] Vinaya Pitaka, The Basket of the Discipline, http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/vin/index.html, 27/09/2016, at 1 pm.
[11]Vinayapitake Mahāvaggapāli, vol.1, Sri Lanka: Buddhist Cultural Centre, 2009, p.245.
[12] Samantapàsàdikà Nàma Vinayatthakathà Hán dịch: Tăng-già-bạt-đà-la (Sanghabhadra) Việt dịch: Tỳ kheo Tâm-Hạnh (Caràna-citto Bhikkhu) Phật Lịch 2543 (1999), p. 128.
[13] Jotiya Dhirasekera, (ed), Buddhist monastic discipline : a study of its origin and development in relation to the Sutta and Vinaya Pitakas, Sri Lanka: Colombo, 1982,
[14]Bhikkhu Khantipālo, The Buddhist Monk’s Discipline, Some Points Explained for Laypeople, Buddhist Publication Society, KandySri Lanka, 2008, p. 10.
Discussion about this post