TRẢ LỜI CÙNG TÂM LỄ-NGUYỄN NGỌC LUẬT
(QUA BÀI VIẾT:
Vài suy nghĩ về bài viết “nghĩ về bài viết người tu sĩ xin nhìn lại”
của thầy Thích Trung Hữu.)
Khi thấy bài phản hồi của Đạo hữu Tâm Lễ – Nguyễn Ngọc Luật, tôi thấy rất vui vì nghĩ rằng mình có thêm một cơ hội nữa để học hỏi và sửa mình. Tuy nhiên, tôi cảm thấy hơi thất vọng vì cách nhận thức và cách hiểu, cách tiếp cận của Tâm Lễ hình như chưa thật sự đúng mức. Nhưng dù sao Trung Hữu cũng rất cảm ơn vì nhớ Tâm Lễ đã đóng vai “nghịch hạnh bồ tát” để trung Hữu có cơ hội làm sáng tỏ thêm vấn đề.
Khi Trung Hữu nói rằng, “…Tuy nhiên cũng có những vấn đề mà nếu không phải là người trong cuộc thì không thể nào hiểu hết được”, không phải là Trung Hữu kết luận cho những vấn đề đã nêu trước đó như hiện tượng “tu sỹ dùng y áo và đồ dùng Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc,… không tập sống trong giản dị mà cứ chạy theo xe ô tô xịn, điện thoại đắt tiền, xe máy sang, tượng Phật quý hiếm… bằng tiến sỹ hay có chức rất to, thậm chí chức lớn trong Giáo hội Phật giáo…”, mà là Trung Hữu mở đường cho những vấn đề sẽ được đề cập sau đó. Còn vấn đề tu sĩ dùng y áo và dồ dùng Nhật Bản… là rõ ràng không hay rồi. Cho nên không có gì khuất tất cả.
Tâm Lễ nói “chư Tăng thời Đức Phật và chư Tăng bây giờ cách nhau 26 thế kỷ rồi, về điều kiện và phương tiện tu tập thì chư Tăng bây giờ phải thuận lợi nhiều hơn chư Tăng thời Đức Phật mới phải chứ?!”. Thưa đạo hữu Tâm Lễ, không biết những điều kiện và phương tiện tu tập ở thời nay thuận lợi hơn chư Tăng thời Đức Phật ở chổ nào? Rất tiếc là Tâm Lễ đã không nêu ra vài ví dụ. Chẳng lẽ Tâm Lễ muốn nói những thuận lợi đó là thức ăn phong phú, kinh sách nhiều, xe cộ, điện thoại, Tivi, Internet… Những thứ này, theo thiển ý của Trung Hữu, chúng phục vụ phần nào trong việc hành đạo và truyền bá Chánh pháp, nhưng chúng lại là những thứ chướng ngại vô cùng to lớn cho sự tu tập và giác ngộ. Chúng chỉ làm mất thời gian và rối loạn tâm trí của hành giả thêm mà thôi. Như vậy là chướng ngại chứ đâu phải thuận lợi. Hơn nữa trong kinh điển ghi thời đức Phật được gọi là thời kỳ chánh pháp, còn thời nay được gọi là thời kỳ mạt pháp. Nếu thời nay mà thuận lợi hơn thời đức Phật thì sao có những tên gọi chánh pháp và mạt pháp như vậy?
Khi Trung Hữu nói rằng, “Vừa xếp chân ngồi thiền thì chính quyền “alo” xin thầy 500 kg gạo cho người nghèo. Vừa cầm xâu chuỗi thì có phái đoàn đến vận động cứu đồng bào bị thiên tai…”, thì Tâm Lễ đã hiểu như sau: “Nói thế thì chẳng lẽ chính quyền liên tục a lô xin gạo cho người nghèo hay sao, mà gạo đâu trong chùa có nhiều mà chính quyền hay a lo xin vậy?. Các phái đoàn cứ liên tục đến vận động cứu trợ hay sao mà không có thời giờ ngồi thiền hay lần chuổi niệm Phật. Họ làm như chùa là một tổ chức từ thiện không bằng!” Sao Tâm Lễ lại có thể hiểu một cách máy móc như vậy chứ. Trung Hữu nói như thế là để nói lên rằng người tu ngày nay rất bận rộn với những việc bên ngoài xã hội, phải thực hiện bổn phận của một người công dân hoặc phải giao tiếp với chính quyền địa phương, quần chúng… chứ đâu phải chính xác là vừa ngồi thiền, cầm chuỗi đã có người tới như vậy. Cách hiểu của Tâm Lễ làm Trung Hữu nhớ lại câu chuyện. Rằng khi một phật tử nghe một vị thầy giảng “đói ăn rau, đau uống thuốc”, phật tử ấy thực hành y như vậy. Nghĩa là đau thì phải uống thuốc chứ nhất định không chịu cạo gió… Còn chùa đồng thời cũng là một tổ chức từ thiện, hay gần như vậy là sự thật.
Tâm Lễ nói, “Thực hành các pháp phương tiện là việc cần thiết để trợ duyên cho việc tu trì, Chúng con thiết nghĩ rằng chư Tăng-Ni xuất gia tu hành là phát tâm THƯỢNG CẦU PHẬT ĐẠO, HẠ HÓA CHÚNG SANH. Đó cũng là mục đích tối hậu mà bất kỳ vị tu sĩ nào cũng lấy chí nguyện đó để hành hoạt. Còn nếu vì những pháp phương tiện như từ thiện, xã hội… mà đánh mất đường đến “bảo sở” thì đáng tiếc lắm thay!”. Đúng là rất đáng tiếc! Nhưng người đi với ít hành lý thì dĩ nhiên là đi phải nhanh hơn, còn đi mà phải mang quá nhiều hành lý thì nó phải chậm hơn rồi. Hành lý ngày nay chính là các bổn phận xã hội, các chống phá của ngoại đạo và những người xuyên tạc Phật giáo, và các phương tiện hiện đại như Internet… mà Tâm Lễ cho là “điều kiện và phương tiện tu tập… thuận lợi nhiều hơn chư Tăng thời Đức Phật” đó. Trung Hữu vẫn thường hay nhắc nhở các em tăng ni sinh học trò mình rằng, “làm gì thì làm cũng đừng quên mục tiêu giác ngộ của mình. Chúng ta có thể không giác ngộ trong đời này nhưng đừng bao giờ quên mục tiêu ấy. Nếu không có giác ngộ thì không còn là đạo Phật nữa”. Người tu chúng tôi, đúng là cũng có một số người “vì những pháp phương tiện như từ thiện, xã hội… mà đánh mất đường đến “bảo sở” (như Tâm Lễ nói), nhưng không phải ai cũng vậy. Chỉ có điều phải thú thật rằng, không thể đến bảo sở thuận lợi và nhanh chóng như thời đức Phật được.
Tâm Lễ nói, “Kính bạch thầy, nếu thầy nghĩ như thế thì thật là tội cho hàng cư sĩ tại gia chúng con quá. Suy cho cùng tất cả các ngôi già lam, phạm vũ dù bằng cách nào đi nữa đều cũng được xây dựng bởi sự phát tâm của đàn na tìn thí chứ thầy nói là do đâu mà có?” Đúng là chùa chiền tự viện một phần (tôi nói một phần, dù là phần lớn, vì có những trường hợp tăng ni xây chùa từ ngồn kinh phí khác, như bán đất cha mẹ cho) do Phật tử đàn na đóng góp để xây dựng, không ai phủ nhận điều đó. Nhưng xin hỏi ở Việt Nam ta có một tổ chức hay đội ngũ Phật tử chuyên đảm trách cái việc đó không? Tâm Lễ có dám cam đoan rằng khi chùa Trung Hữu dột, chỉ cần “Alo” là Tâm Lễ sẽ cử người tới bỏ công bỏ của ra xây dựng chùa cho Trung Hữu không? Nếu được như vậy Trung Hữu sẽ phát nguyện chỉ lo tu đến giác ngộ thôi, không bận lòng đến ngoại duyên nữa. Đó là chưa kể nhà chùa phải lo gạo, tiền điện, tiền nước, tiền học cho đệ tử… những cái này cũng lấy từ quỹ sẳn có của phật tử sao?
Tâm Lễ nói, “Rồi khi họ cúng tiền làm chùa thì họ lại coi thầy cô không ra gì!. Sao mà tệ hại như thế nhỉ, sao quý thầy không thể hiện vai trò của bậc chúng trung tôn để giáo hóa chúng sanh mà để xảy ra nông nỗi như thế?”. Quả là có cái “nông nỗi” đó Đạo hữu ơi! Vì không phải phật tử nào cũng tốt và hiểu biết hay tôn kính chư tăng như Tâm Lễ. Nhất là những chùa có ban hộ tự, họ coi thầy trụ trì không ra gì. Mà những phật tử như thế thì cũng thật là… Thấy thầy cô nào có thế lực thì vâng vâng dạ dạ, còn cở như ông thầy quê Trung Hữu đây, nói xin sám hối, họ leo lên đầu mà ngồi. Mà có phải do Trung Hữu phá giới phạm trai gì đâu chứ! Tâm Lễ cho mình là phật tử thuần thành, “cũng là hai trong tứ chúng đệ tử của Đức Phật… có cái nhìn chân xác” mà không biết những chuyện như thế này thì cũng là lạ đó.
Còn câu chuyện cuối bài về Hòa thượng Trí Tịnh, Tâm Lễ “thấy cũng không ăn nhập gì đến nội dung câu chuyện cả”. Nếu Tâm Lễ chưa thấy thì Trung Hữu xin chỉ ra luôn nhe, coi nó có ăn nhập không. Ý của câu chuyện đó là: Một số phật tử tại gia chỉ tu học hay làm được một số việc thì cho là to tát, là hay lắm, là tu dữ lắm. Nhưng có biết đâu, các thầy cô ở trong chùa coi những cái đó là chuyện thường ngày của họ. Người phật tử nhìn người tu phạm cái này, chưa được cái kia, nhưng bảo họ đi tu thì họ lại lắc đầu, nói “con chưa đủ duyên”. Cũng chưa chắc gì họ cho con cháu họ đi tu. Câu chuyện về Hòa thượng Trí Tịnh là để chứng minh cho luận điểm mà Trung Hữu đã đề cập, đó là: Nói thì dễ mà làm thì khó, phê bình người khác thì dễ mà tự mình làm mới thấy không dễ gì làm được. Nếu Tâm Lễ đi tu như quý thầy cô thì chưa chắc gì Tâm Lễ có thể làm được như những gì Tâm Lễ muốn quý thầy cô làm như bây giờ.
Tâm Lễ nói, “Kính bạch thầy, tại sao phải là đi tu mới có cái nhìn chân xác? … chứ sao phải cứ là đi tu như các thầy mới có cái nhìn chân xác được?! Như thế thì hóa ra những điều cư sĩ TĐ trình bày là hư dối sao?” Nếu Tâm Lễ nghĩ rằng những điều cư sĩ TĐ trình bày là không hư dối, vậy mà Trung Hữu phản biện, vậy hóa ra Tâm Lễ cho rằng Trung Hữu hư dối sao? Trung Hữu không có nói, và cũng không bao giờ nghĩ những gì Thiện Đức hay Tâm Lễ trình bày là hư dối. Cũng không phải Trung Hữu không tiếp thu những những ưu tư, trăn trở của phật tử đối với tiền đồ Phật giáo nước nhà. Nhưng Tâm Lễ phải phân biệt rõ hai thành ngữ “không chân xác” và “hư dối”. Không chân xác không có nghĩa là phải hư dối, mà là chưa hiểu chính xác và toàn vẹn.
Trung Hữu không phải là không thấy tác dụng tích cực của viết “Người tu sĩ xin nhìn lại” Thiện Đức, nhưng nếu Trung Hữu không phản hồi để giải thích thì thiên hạ sẽ nghĩ rằng người tu thật hư đốn. Và như vậy cái thiện ý đóng góp của Thiện Đức trị được bịnh này nhưng lại gây ra bịnh khác, cũng vô cùng có hại cho tiền đồ Phật pháp. Cho nên, nếu như Tâm Lễ đã trân trọng những trình bày của Thiện Đức như thế nào thì cũng nên trân trọng những phân trần của Trung Hữu như vậy. Đó là 2 mặt của một vấn đề, bổ sung và hoàn thiện cho nhau. Tâm Lễ không có gì mà phải đảnh lễ sám hối vì Trung Hữu cũng không có gì để mà buồn (và Trung Hữu cũng hi vọng bài phản hồi này không làm Tâm Lễ buồn). Nếu tất cả đều vì Phật Pháp thì xá gì một lời trái tai, nếu có. Huống chi là Trung Hữu thật sự vô cùng trân trọng và cảm động khi Đức Phật có những đệ tử tại gia có tấm lòng lo cho sự thịnh suy của Phật Pháp, muốn đóng góp một phần để xây dựng ngôi nhà Chánh pháp được trường tồn như vậy. Đối với các vị, Trung Hữu dù có cúi đầu lễ lạy cũng rất đáng, thì có gì mà buồn. Trân trọng.
Thích Trung Hữu
Bài liên hệ:
Nguời tu sỹ xin nhìn lại (Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng)
Nghĩ về bài viết “người tu sĩ xin nhìn lại” (Thích Trung Hữu)
Vài suy nghĩ về bài viết “nghĩ về bài viết người tu sĩ xin nhìn lại” của thầy Thích Trung Hữu.(Tâm Lễ-Nguyễn Ngọc Luật)
Discussion about this post