Thiền Sư Ni DAEHAENG
TỈNH THỨC VÀ CƯỜI (WAKE UP AND LAUGH)
VIÊN CHIẾU dịch
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨCTỉnh thức và cười
Lời đầu sách
Khi tôi gặp Sư bà Đại Hạnh lần đầu tiên, mùa hè năm 1992, người ngồi ở cổng nhà, hình như đang lặng lẽ chơi với lũ kiến. Tuyệt chẳng phải là hình ảnh dữ dằn tôi mong đợi ở một thiền sư vĩ đại: Seon, Zen Master.
Lúc đó tôi đang học để lấy một bằng tiến sĩ tôi nghĩ mình cần, và đã thiền tập nhiều năm. Tôi cảm nhận được Thiền có ích và hiển lộ cho ta nhiều thấu hiểu về cuộc sống và biết được ta là ai. Nhưng hình như tôi đã chạm cuối bức tường. Cho dù có làm gì trong đời, trong sự tu tập, tôi vẫn thấy mình như chạy quanh cái đuôi chính mình.
Giờ thì tôi ngồi trong Pháp đường, lắng nghe Sư bà Đại Hạnh. Thay vì tỏ ra nghiêm trọng và áp đảo, Sư bà hoàn toàn thoải mái, cởi mở, tươi cười nhìn chúng tôi. Đó là một ngày tháng Bảy nóng khủng khiếp, Sư bà nói về nhiều vấn đề khác nhau, phần lớn đều mới mẻ đối với tôi. Hoàn toàn bất ngờ tôi nghe Sư bà nói: “Con phải tìm bên trong chính con!”
Trước đây tôi đã nghe những điều tương tự, nhưng lần này lại khác. Lời nói vang vang thấm đẫm con người tôi; đây chính là bước đi kế tiếp mà tôi đã cố gắng biết bao để hình dung ra. Tưởng như tôi đã ngắm nhìn một bức tranh nhỏ suốt một thời gian dài, đến bây giờ phần lớn còn lại của bức tranh mới hiển lộ.
Tiếp những tháng sau đó, khi lắng nghe lời giảng của Sư bà, tôi nhận ra đôi điều thú vị. Có những điều tôi hiểu, có điều không; nhưng những gì tôi đã hiểu thì kinh nghiệm cho thấy không gì sai. Đối với những lời dạy tôi chưa hiểu, nếu thi thoảng nghĩ đến khi nhìn cuộc đời đang sống, tôi lại thấy ra được ý nghĩa. Càng tiếp tục tu tập, thì rõ ràng là sự dạy dỗ cốt tủy của Sư bà về việc buông xả và phó thác hoàn toàn vào Tự tánh sẵn có, vốn hơi mơ hồ lúc đầu mới học, cuối cùng lại là con đường lớn đưa đến giải thoát.
Những bài giảng trong cuốn Wake Up And Laugh nói về những điều trên cùng những lời dạy cốt tủy khác của Sư bà, từ việc căn bản để khởi sự tu tập tâm linh, đến việc làm sao tu tập khi đã chứng ngộ. Ngoài ra, Sư bà cũng nói về những đề tài khác nhau, như làm sao bỏ được những thói quen tàn hại, những cạm bẫy hay hiểu lầm thường xảy ra; cùng nét đẹp của một đời sống buông bỏ ý nghĩ về “cái tôi”. Tôi hy vọng các bạn sẽ tự khám phá những gì xảy đến cho mình khi ứng dụng những lời dạy này để tu tập.
Còn một điều nữa: mấy năm về sau, khi xem lại cuốn video của lần tôi nghe Sư bà giảng dạy đầu tiên, chẳng có đoạn nào là Sư bà nói: “Con phải tìm bên trong chính con!”. Vậy mà rõ ràng là tôi đã nghe. Hình như không phải mọi bài giảng đều từ miệng nói ra, hay nghe được bằng tai.
Chong Go Sunim (Thầy Thanh Cao) – Học viện Văn hóa Quốc tế Nhất Tâm
Discussion about this post