TIỂU SỬ VẮN TẮT ĐỨC PEMA KUNZANG RANGDROL (1916-1984)
Kharlek Tulku Pema Kunzang Rangdrol tôn quý sinh năm Hỏa Thìn của chu kỳ lịch thứ mười lăm trong gia đình Gartsang ở nơi được gọi là Kamtok Geda thuộc Hạt Jomda trong thung lũng Drichu hoàng kim bên bờ dòng sông êm đềm chảy. Khoảng bốn hay năm tuổi, Ngài được công nhận là vị Tulku của Kharlek Khenpo Pema và được thỉnh mời về ẩn thất tại Kharlek. Với Langshing Lama Pema là thầy giáo thọ, Ngài học đọc và viết, nghiên cứu y học và chiêm tinh. Sau đấy, Ngài tiếp tục các nghiên cứu trong khoảng mười một năm tiếp theo, du hành đến Dzogchen Sri Simha, Tsering Jong, động thực hành Yamantaka và nơi khác. Ngài cũng viếng thăm ba trung tâm – Dorje Drak, Mindroling và Palri, cũng như Kathok, Palyul, Shechen, Palpung, Dzongsar, Muksang và những nơi khác. Ngài ngồi dưới chân vô số đạo sư uyên bác và thành tựu, bao gồm Minling Chung Rinpoche Ngawang Chodrak, Dzongsar Khyentse Rinpoche Jamyang Chokyi Lodro[2], Dzogchen Khenpo Abu Lhagang[3], Shechen Kongtrul Pema Drime Lekpe Lodro, Kathok Khenpo Lekshe Jorden, Khenpo Nuden, Dzogchen Khenpo Yonten Gonpo và Pema Tsewang. Như thế, Ngài nghiên cứu tất cả bản văn chính yếu của Kinh, Mật và các ngành khoa học và trở thành một học giả vô cùng uyên bác.
Bên cạnh đó, Ngài tích cực tìm kiếm các quán đỉnh, giáo lý và trao truyền và như vậy, thọ nhận những trao truyền còn tồn tại cho Lời Đức Phật (Kangyur) quý báu và Các Bộ Luận Được Dịch (Tengyur), cũng như Nyingma Kama, Kho Tàng Phát Lộ Quý Báu (Rinchen Terdzod), Kho Tàng Chỉ Dẫn Từ Tám Cỗ Xe Truyền Thừa Thực Hành (Damngak Dzod) và các tuyển tập trước tác của chư đạo sư uyên bác và thành tựu, chẳng hạn, quan trọng hơn cả là cha và con toàn tri[4], Đức Rongzom, cha và con Minling[5], Đức Dalai Lama thứ năm, Jonang Taranatha[6], Đức Khyentse và Kongtrul, Ju Mipham[7] và Patrul Rinpoche[8]. Thực sự, không có trao truyền còn tồn tại nào mà Ngài không thọ nhận. Bởi ghi chép về những giáo lý mà Ngài thọ nhận (gsan yig) là một quyển lớn khoảng bốn trăm trang, về sau, Ngài nổi tiếng vì sở hữu giáo lý, quán đỉnh và trao truyền dồi dào vô song.
Trên tất thảy, Ngài theo chân Đức Adzom Gyalse Gyurme Dorje[9] là vị đạo sư phi phàm của Ngài và thọ nhận vô số chỉ dẫn chín muồi và giải thoát từ vị này, bao gồm Mười Bảy Mật Điển Dzogchen và Bốn Phần Tâm Yếu (Nyingtik Yabshi), điều sau đấy được Ngài áp dụng vào thực hành. Ngài nhận ra giác tính thanh tịnh (Rigpa), đạt đến đỉnh cao của kinh nghiệm và chứng ngộ và mở rộng hoạt động của Ngài không chút thành kiến. Ngài đã ban các quán đỉnh, khẩu truyền và chỉ dẫn về những tuyển tập như Kho Tàng Chỉ Dẫn (Damngak Dzod) cho chư đạo sư vĩ đại như Minling Khenchen, Chung Rinpoche và Dordrak Rigdzin Chenmo.
Ngài cũng giúp đỡ tài trợ mái vàng trên chùa chính tại [Tu viện] Mindrolling và in ấn các bản văn như luận giải đại mật của Đạo Sư về Yangdak, tuyển tập huyễn hóa vi tế (sgyu ‘phrul phra mo), luận giải của Ngài Nub về Tập Hội Ý Định Kinh (Dupa Do[10]) và luận giải thêm được biết đến là Ánh Bình Minh Rực Rỡ (gzi ldan ‘char kha’i ‘od snang)[11], cũng như các tuyển tập trước tác của anh em Mindrolling và Đức Rongzom.
Ngài cuối cùng được các học trò ngôn ngữ Tây Tạng ở Derge, Tỉnh Tứ Xuyên [Trung Quốc], mời đến Dzogchen Sri Simha, nơi Ngài được bổ nhiệm là một vị thầy cho tất cả học trò. Ngài đã ban cam lồ bất tận về điều sâu sắc và bao la, khi Ngài giảng dạy lịch sử và v.v. theo cách thức đáp ứng nhu cầu của những vị mà Ngài dẫn dắt.
Cuối cùng, năm sáu mươi chín tuổi[12], năm Mộc Tý của chu kỳ lịch thứ mười sáu, Ngài viên tịch tại Karma Lhateng.
Các trước tác được tuyển tập của vị đạo sư này bao gồm một luận giải về Phổ Hiền Hạnh Nguyện, luận giải về Bài Ca Kim Cương Tự Nhiên Viên Thành Và Sám Hối, một lịch sử bất bộ phái của Giáo Pháp và tiểu sử của Đức Gyalse Gyurme Dorje.
Tupten Nyima soạn với lòng sùng mộ.
Nguồn Anh ngữ: https://www.lotsawahouse.org/tibetan-masters/alak-zenkar/brief-pema-kunzang-rangdrol-biography.
Adam Pearcey chuyển dịch Tạng-Anh.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
[4] Tức Tôn giả Longchen Rabjam và Jigme Lingpa.
[5] Tức Đức Minling Terchen Gyurme Dorje và em trai Lochen Dharmashri.
[10] Luận giải được gọi là Áo Giáp Chống Tăm Tối (mun pa’i go cha).
[11] Do Khenpo Nuden soạn.
[12] Theo cách tính của Tây Tạng; sáu mươi tám theo những phương pháp tính tuổi khác.
Discussion about this post