TIẾNG VIỆT THỜI LM DE RHODES –
VÀI NHẬN XÉT VỀ CÁCH DÙNG
“ĂN CHAY, ĂN KIÊNG, ĂN TẠP, KHEM, CỮ” (PHẦN 12)
Nguyễn Cung Thông[1]
Phần này bàn về một số cách dùng trong tiếng Việt như “ăn chay, ăn kiêng, ăn khem” và “ăn tạp” thời các LM Alexandre de Rhodes và Jeronimo Maiorica sang An Nam truyền đạo. Đây là những ‘cầu nối’ để có thể giải thích một số cách đọc tiếng Việt hiện đại và cho ta thấy rõ hơn quá trình hình thành tiếng Việt cũng như sự khác biệt từ góc nhìn tín ngưỡng (Công giáo so với Phật giáo chẳng hạn). Các tài liệu tham khảo chính của bài viết này là ba tác phẩm của LM de Rhodes soạn: cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC) và từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false . Các chữ viết tắt khác là SSS (Sách Sổ Sang Chép Các Việc), NCT (Nguyễn Cung Thông), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), ĐNQATV (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), PG (Phật Giáo), CG (Công Giáo), VN (Việt Nam), TQ (Trung Quốc), HV (Hán Việt), BK (Bắc Kinh), MACC (Mùa Ăn Chay Cả/LM Maiorica), ĐCGS (Đức Chúa Giê-Su), CTTr (Các Thánh Truyện), TCTM (Thiên Chúa Thánh Mẫu), LM (Linh Mục). Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Chủ đề ăn chay cũng khá thời thượng vì các góc độ nhìn và hiểu hoạt động ăn chay rất khác biệt: từ lý do sức khoẻ cá nhân, tu luyện (hãm mình) cho đến niềm tin từ tôn giáo hay tâm linh (làm cho ta hiền hơn?), từ quyền bình đẳng của mọi loài sinh vật cho đến tương lai của môi trường và cả thế giới loài người …v.v… Một điểm đáng nhắc ở đây là tuỳ theo mức độ ăn chay (chỉ không ăn thịt cá/thực phẩm từ động vật) mà tiếng Anh bây giờ có hai danh từ chỉ người/kẻ ăn chay: vegetarian (végétarien/P, có thể dùng trứng và sữa) và vegan[2] (végétalien/P) – hoàn toàn không tiêu thụ sản phẩm từ động vật – chế độ ăn chay không chỉ loại trừ thịt thú vật, mà còn cả sữa, trứng và các thành phần có nguồn gốc động vật như đồ dùng/quần áo (hàm ý tránh bóc lột các sinh vật). Chúng ta thường gặp sự phân biệt này trong phần sau, nhưng không phải là trọng tâm của bài này. Bài viết này là một phần trong loạt bài viết về tiếng Việt vào thời LM de Rhodes, đặc biệt chú trọng về tương quan ngữ âm HV và Việt hơn là quá trình thay đổi phạm trù nghĩa của các từ liên hệ. Hi vọng loạt bài viết này sẽ tạo cảm hứng và làm động lực cho người đọc tìm hiểu sâu xa thêm về ngôn ngữ văn hoá VN, cùng nhiều điều thú vị từ thuở bình minh của chữ quốc ngữ.
1. Ăn chay
Ăn chay (ieiunium[3]/L VBL trang 6) theo ghi nhận của LM de Rhodes là kiêng ăn thịt và cá, tuy nhiên có hai điểm đáng chú ý là (a) nhưng vẫn ăn nhiều lần[4] trong một ngày (VBL trang 93-94) và (b) nhưng bây giờ chỉ ăn chay theo bổn đạo CG (VBL trang 6). Như vậy, để hiểu nghĩa ăn chay ta cần biết ăn bao nhiêu (a) (số lượng, hay ăn ít đi/nhịn ăn) và ăn cái gì (b) (hay không ăn được đồ gì). Đọc điều kiện thứ hai (b), chúng ta thấy là LM de Rhodes đã nhận ra sự khác biệt giữa vấn đề “ăn chay theo CG” và ăn chay theo dân bản địa (hay đa phần là PG ở Đàng Ngoài và Đàng Trong). Ngay cả theo truyền thống PG thì ăn chay có thể hiểu khác nhau: PG Nam Tông (Tiểu thừa hay Nguyên Thuỷ, Theravada), người xuất gia được phép dùng các thức ăn thịt cá … do thí chủ cúng dường, gọi là ‘tam tịnh nhục’, nhưng theo truyền thống PG Bắc Tông (Đại thừa, Mahayana[5]) ở Trung Quốc người xuất gia không được ăn mặn, cho dù những loại thịt đó là ‘tam tịnh nhục[6]‘. ‘Kinh Jivaka’ (Jivakasuttam) số 55, hay trong “Kinh Trung Bộ” tập 2 có nhắc đến lời đức Phật giảng về tam tịnh nhục. Mục đích ăn chay trong PG tóm tắt là tránh sát sinh/gây đau khổ và tôn trọng sự bình đẳng giữa các loài sinh vật, còn mục đích ăn chay trong CG là hãm mình và nhớ đến sự thương khó của ĐCGS – xem thêm phụ chú 6. Sự khác biệt được LM de Rhodes ghi khá rõ là những người thờ tượng thần (~ thờ Phật, PG) ăn kiêng thịt và cá (VBL trang 829, mục TRAI), và thường mang tính chất mê tín dị đoan như là mời các thầy phù thuỷ làm chay. VBL trang 93-94 còn ghi tục “nhà chay[7]” là căn nhà (phòng) dành riêng để lương dân cầu kinh và cúng đồ ăn chay (không có thịt và cá) cho người chết. Điều này cũng cho thấy LM de Rhodes không hiểu rõ ý nghĩa thật sâu xa của tục ăn chay theo PG (từ nguyên tắc không bạo động/không gây hại ~ ahimsa – xem thêm mục 1.4 “Chớ giết”), hay sự quan sát của LM và giải thích của người bản địa không được đầy đủ vào thời này[8]!
1.1 Âm chay thời VBL là một biến âm của trai HV; VBL trang 829 ghi “TRAI, CHAY”. Chữ trai 齋 斋 㪰 (thanh mẫu trang 莊 vận mẫu giai 皆 bình thanh, khai khẩu nhị đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết
側皆切 trắc giai thiết (TVGT, QV, NT, TTTH)
側皆反 trắc giai phản (LKTG)
傳皆反 truyền trai phản (CLTT 干祿字書)
莊皆切,債平聲 trang giai thiết, trái bình thanh (TV, VH, LT, CV, TVi, CTT)
津私切,音貲 tân tư thiết, âm ti (TV, LT, CV)
卽齋縗也。音資 tức trai thôi dã – âm tư (Triệu Kì chú 趙岐註 – trích KH)
才諧切 tài hài thiết (LT)
TNAV ghi vận bộ 皆來 giai lai (dương bình)
CV ghi cùng vần/bình thanh 貲 訾 髭 觜 鄑 咨 資 齎 姿 姕 粢 齍 𪗋 齊 齋 澬 䆅 兹 孜 孳 仔 滋 嵫 鼒 鎡 耔 芓 趑 次 劑 (ti tư tê trai/tư tề tài/tỉ *thứ)
CV cũng ghi thêm vần/bình thanh 齋 齊 (trai trai/tư/tề)
眞而切,音支 chân nhi thiết, âm chi (TVi, KH), 音支 âm chi (CTT), 支皆切 chi giai thiết (TViB) …v.v… Giọng BK bây giờ là zhāi zī so với giọng Quảng Đông zaai1 zai1 và các giọng Mân Nam 客家话: [沙头角腔] zai1 sai2 [客英字典] zai1 [海陆丰腔] zai1 [陆丰腔] zai1 [宝安腔] zai1 [东莞腔] zai1 [客语拼音字汇] zai1 [梅县腔] sai2 zai1 [台湾四县腔] zai1 潮州话:zê1, giọng Mân Nam/Đài Loan chai1, tiếng Nhật sai shi và tiếng Hàn cay.
Một dạng âm cổ phục nguyên của trai là *tʂăi mà tiếng Việt còn bảo lưu dạng chay[9]. Chữ trai cũng có dạng dựa vào bộ thực (hàm ý ăn kiêng), nhưng cũng dựa vào bộ tề 齊 hàm ý giữ cho tâm ngay thẳng (chỉnh tề). Để ý một dạng của trai là 䬩 gồm có chữ phi/bất 不 và chữ thực 食, cho thấy một nét nghĩa cổ của trai (ăn chay) là (nhịn ăn) so với không ăn các đồ ăn mặn (bất nhự huân 不茹葷) – xem CTT mục chữ 䬩. Trai 齋 là một cách dịch nghĩa của tiếng Phạn poṣadha पोषध có các nét nghĩa (a) không ăn quá giờ Ngọ – thời đại PG Nguyên Thuỷ thì ăn trước giờ Ngọ còn gọi là trai thực (“ăn chay”), từ thời PG Đại thừa thì trai thực đổi thành tố thực từ ý muốn không sát sinh (b) ăn chay (không ăn thịt) vào ngày rằm mỗi tháng. Để ý tiếng Trung (Hoa) chỉ người/kẻ ăn chay là 素食者 tố thực giả, nhà hàng (bán đồ) chay là tố thực xan quán 素食餐館 (không thấy dùng chữ trai/chay). Ngoài ra liên hệ giữa trai (~ chay) và kính (kinh ~ kiêng) từng được Quảng Nhã ghi: 齋,敬也 trai, kính/kinh dã. Ăn chay theo CG là đầu tiên là tự nguyện, sau đó thành luật: việc ăn chay được ấn định cho suốt Mùa Chay (Mùa Chay Cả[10] – Quadragesima/L). Từ thế kỉ V đến thế kỉ IX, ngoại trừ ngày Chúa Nhật, mùa này chỉ được dùng một bữa ăn, thường là bữa tối. Không được có thịt, cá trong bữa ăn và có nơi còn cấm cả trứng cũng như các sản phẩm từ sữa … Đầu thế kỉ X, bữa này chuyển về buổi trưa. Khoảng thế kỉ XIV, buổi tối có thể dùng một bữa ăn nhẹ. Đến thời Trung Cổ thì bãi bỏ luật cấm ăn cá[11] và các sản phẩm từ sữa như bơ, phó mát: một phần có lẽ từ áp lực các doanh thương về hải sản sẽ bị thua lỗ nếu cấm tiêu thụ.
1.2 Các bản Nôm của LM Maiorica có lúc kí âm ieiunium (L, ăn chay) là *chi *chung 支終: “khi bay ăn chay *chi *chung chớ ở khó mặt” MACC trang 11, “Sau cấm chẳng cho bổn đạo *chi *chung ngày lễ cả” CTTr trang 65 – để ý cách dùng lặp lại nghĩa ở câu trên. Cách dùng lặp lại nghĩa bằng tiếng bản địa sau kí âm thường gặp trong giai đoạn giao lưu văn hoá ngôn ngữ ban đầu: như Chúa dêu (Deus/L), chịu phúc mát-tê-ri là tử vì đạo lành (CTTr tháng tám trang 150)… Cách kí âm *chi-chung phản ánh ảnh hưởng của tiếng Bồ-Đào-Nha jejum /ʒɨ.ˈʒũ/ rõ nét so với tiếng La Tinh ieiunium, tiếng Tây-Ban-Nha ayuno, tiếng Ý digiuno …v.v… Để ý nghĩa của ieiunium là nhịn ăn (nhịn đói) so với nghĩa ăn chay ghi nhận trong VBL, liên hệ đến nét nghĩa (a) của ăn chay trong phần 1 bên trên (số lần ăn trong một ngày). Một điều đáng chú ý là bữa ăn sáng hay trưa tiếng Pháp là déjeuner: tiền tố dé- hàm ý cắt/ngưng và jeuner có gốc La Tinh jejunare nghĩa là ăn chay/nhịn ăn, cũng giống như nguồn gốc chữ breakfast[12]/A. Bữa ăn trưa hay tối tiếng Anh là dinner (tiếng Úc là tea[13]) hay tiếng Pháp dîner đều có cùng gốc như déjeuner.
1.3 Chay lòng và lòng chay
Chay còn được dùng làm động từ trong cách dùng “chay lòng[14]” nghĩa là giữ lòng trong sạch, giảm bữa ăn (ĐNQATV trang 115); td. câu 2734 của truyện Kiều – trích từ trang http://www.nomfoundation.org/nom-project/tale-of-kieu/Line-by-line-comparison-between-versions-of-Kieu?uiLang=vn
Câu |
Bản |
Bản Văn |
2734 |
Kiều 1866 |
——– |
2734 |
Kiều 1870 |
𩙍𦝄𠖾㙁𦯬齋𢚸 |
2734 |
Kiều 1871 |
𦝄沫㙁𦯬斎𢚸 |
2734 |
Kiều 1872 |
𫗄𦝄沫㙁𦯬斎𢚸 |
2734 |
Kiều 1902 |
𫗄𦝄沫𩈘𪉥荼齋𢚸 |
“Lòng chay[15]” có nghĩa là tâm trong sạch:”Trước sau giữ một lòng chay” trong Dương Từ Hà Mậu của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888). Vậy là cho tới thời đại Nguyễn Du, chay vẫn còn giữ nét nghĩa cổ (của trai) là giữ tâm cho trong sạch, ngăn tham dục – chứ không chỉ ăn chay bề ngoài mà thôi. Đây cũng là hàm ý của thành ngữ “Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối”. Trong cuốn sách Nôm “Mùa Ăn Chay Cả” quyển chi nhị, LM Maiorica cũng từng nhắn nhủ người theo CG rằng:”Khi bay ăn chay giê-giung chớ ở khó mặt bắt chước kẻ binh bãi[16] làm chi, vì chưng nó giả mặt võ vàng xanh xao cho người được biết nó ăn chay … Ý lời này là chớ muốn người ta khen, có một ý là đẹp lòng ĐCT mà chớ.” trang 11.
1.4 “Chớ giết”
LM de Rhodes ghi “Chớ giêt” (ne occidas/L) trong VBL trang 110, nhưng ở mục giết ông lại ghi “chớ giết người” (non occides[17]/L – VBL trang 284). Có nhiều lý do khiến LM de Rhodes phải thêm chữ người trong cách dịch “chớ giết”. PGTN trang 297-298 ghi rõ thêm:”Giái (giới/NCT) thứ năm, chớ giết, mà chẳng có cấm giết muâng (muông/NCT) chim, vì chưng ĐCT hoá ra loài khác sống, cùng sự khác có xác vì người ta, mà cho người ta dùng loài muâng chim khi có việc: vì vậy giết loài ất chẳng có tội gì … Giết người là tội cực trọng”. Ngay cả giết người trong chiến tranh hay theo đúng luật lệ nhà nước (hay vua chúa) cũng là ngoại lệ:”Song le giới này chẳng có cấm vua Chúa (Chúa viết hoa trong PGTN – NCT) có phép sửa kẻ có lỗi mà phạt bằng tội nó … cho đến giết nó, và cho kẻo tội nó càng lâu càng nhiều, và khi phạt nó, kẻ khác thì dái phạm tội mà khốn vậy (ý là giết kẻ phạm tội để làm cho kẻ khác sợ không dám phạm các tội đó nữa/NCT)”. LM Maiorica cũng giải thích giống như LM de Rhodes về điều răn thứ năm:”Điều này cấm chẳng cho giết người, vì chẳng có cấm giết muông chim, vì chưng nó là của ĐCT sinh ra cho người ta ăn … Những quan giết kẻ có lỗi … giết kẻ gian cho kẻ ngay được ở bàng an … cho nên khi quan giết ai làm vậy thì có phúc về công bằng chẳng phải tội đâu” TCTGKM trang 147-148. Đa số người dân ở Đàng Trong và Ngoài vào thời VBL là theo PG, do đó có nhu cầu rất cần thiết để giải thích sự khác biệt giữa CG và PG về điều răn cốt lõi “chớ giết”. Các LM phải giải thích chi tiết vì điều răn thứ năm cũng chính là một điều răn căn bản trong Ngũ Giới 五戒(tiếng Phạn: पञ्चशीलानि pañca-śīlāni) của PG, tuy có khác CG là không giết[18] bất kì một sinh vật nào!
2. Ăn kiêng
Ăn kiêng là kiêng (tránh không ăn/uống) món nào đó trong bữa ăn. VBL ghi kiêng thịt là abstinere à carnibus, kiêng rượu là abstinere à vino (trang 380). LM de Rhodes ghi mục ăn kiêng ngay dưới mục ăn chay và ăn tạp cho thấy có sự khác biệt cần phải chép xuống. VBL cũng ghi chữ kính (td. thảo kính cha mẹ, kính mến ĐCT …), tuy nhiên kính và kiêng có tương quan ngữ âm. Từ tâm lý kính sợ dẫn đến sự tránh né, không dám đụng chạm đến: kính/kinh > kiêng – kết quả này không làm cho ta ngạc nhiên cũng như tương quan giữa khâm và khem ở phần sau (mục 4). Chữ kính/kinh 敬 (thanh mẫu kiến 見 vận mẫu canh 庚 khứ/bình thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết
居慶切,音竟 cư khánh thiết, âm cánh (TVGT, QV, TV, NT, LT, VH, TTTH, LTCN 六書正𨫠) – để ý nét nghĩa cảnh 警 theo Thích Văn (釋名).
TNAV ghi vận bộ 庚青 canh thanh (khứ thanh)
CV ghi cùng vần/khứ thanh 敬 竟 鏡 獍 (kính cánh)
居卿切, 音京 cư khanh thiết, âm kinh (VB, TVi, KH) – để ý (dạng) bình thanh kinh đã hiện diện ít nhất từ thế kỉ XVII …v.v… Giọng BK bây giờ là jìng so với giọng Quảng Đông ging và các giọng Mân Nam 客家话: [沙头角腔] gin5 [梅县腔] gin5 [陆丰腔] gin5 [客英字典] gin5 [海陆丰腔] gin5 [东莞腔] gin5 [宝安腔] gin5 [客语拼音字汇] gin4 [台湾四县腔] gin5, giọng Mân Nam/Đài Loan keng, tiếng Nhật là kei kyou và tiếng Hàn kyeng. Một dạng âm cổ phục nguyên của kính/kinh là *kiəŋ so với dạng kiêng còn bảo lưu trong tiếng Việt. So sánh tương quan kính/kinh và kiêng với tỉnh 井 ~ giếng, tỉnh 井 ~ giềng (láng giềng), thinh ~ tiếng, tinh 精 ~ siêng, tinh 精 ~ thiêng, lánh (lìng BK) ~ riêng, chính ~ chiếng (tứ chiếng), kính 鏡 ~ kiếng, cảnh/cành 頸 ~ kiềng, trình 呈 ~ chiềng, chinh 鉦 ~ chiêng, chinh/chính 正 ~ giêng, đình 停 (dừng) ~ điếng (chết điếng), cương 綱 ~ giềng/giường mối …
3. Ăn tạp
Ăn tạp là ăn thịt, ngày ăn tạp là ngày được ăn thịt (VBL trang 6, 725-726). Tạp HV nghĩa là lộn xộn, hỗn hợp, không thuần … Ăn tạp[19] là ăn thịt, cá, trứng tương phản với ăn chay (thành ngữ: đầu chay đầu tạp). Ở tạp là ở bẩn thiểu, dơ cùng một nghĩa. Tạp tương ứng với tạp[20] HV 雜 (thanh mẫu tùng 從 vận mẫu hợp/hạp 合 nhập thanh, khai khẩu nhất đảng) có các cách đọc theo phiên thiết
徂合切 tồ hợp/hạp thiết (TVGT, QV, TTTH) – để ý QV ghi một nét nghĩa của tạp là 集也 tập dã
徂沓切 tồ đạp thiết (NT, TTTH)
昨合切 tạc hợp thiết (TV, LT, VH)
七盍切 thất hạp thiết (TV, LT)
七合切 thất hợp/hạp thiết (TV, VH, CV, TVi)
七合反 thất hợp phản (ThVn 釋文)
昨答切 tạc đáp thiết (CV, TVi, CTT) – TVi/CTT ghi thêm cách đọc 蠶入聲 tàm nhập thanh
秦入切, 音疾 tần nhập thiết, âm tật (TVi) …v.v…
Giọng BK bây giờ là zá so với giọng Quảng Đông zaap6 zaap2 và các giọng Mân Nam 客家话: [沙头角腔] cap8 [客语拼音字汇] cab6 [海陆丰腔] cap8 [陆丰腔] cap8 [台湾四县腔] cap8 [宝安腔] cap8 [东莞腔] cap8 [梅县腔] cap8 [客英字典] cap8, giọng Mân Nam/Đài Loan chap8, tiếng Nhật zatsu zou và tiếng Hàn cap.
Ăn tạp bây giờ mang nét nghĩa hơi khác hơn so với thời VBL: ăn đủ loại thức ăn khác nhau, từ thức ăn động vật đến thực vật: thí dụ như loài người, loài chó, lợn …
4. Ăn khem
Khem là kiêng (cùng một nghĩa/VBL trang 365): “ăn khem, ăn khem thịt” (ăn kiêng thịt/NCT) là các cách dùng trong VBL trang 365. Khem có một dạng chữ Nôm dùng chữ kiêm HV 兼 làm thanh phù, hợp với bộ mộc 槏, bộ khẩu 嗛 hay bộ ngôn 謙 … Khem có thể liên hệ đến khâm HV 欽, như trong cách dùng khâm kinh 欽敬 (kính/kinh sợ > kiêng cữ) cho ra dạng kiêng khem trong tiếng Việt. Học giả Lục Vân 陸雲 (262-303) thời Tây Tấn từng dùng cụm động từ khâm kính/kinh như 高譽洋溢,洛邑之內,無不欽敬 cao dự dương dật,lạc ấp chi nội, vô bất khâm kính (trong Dữ Lục Điển Thư), hay trong Tam Quốc Diễn Nghĩa (Đệ tam hồi) …v.v…
Chữ khâm 欽 (thanh mẫu khê 溪 vận mẫu xâm 侵 bình thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết
去金切 khứ kim thiết (TVGT, QV, NT, TTTH) – QV/NT/TTTH ghi nghĩa của khâm là kính/kinh dã 敬也
去金反 khứ kim phản (NTLQ 玉篇零卷)
祛音切,音衾 khư âm thiết, âm khâm (TV, LT, VH, CV)
魚音切,音唫 ngư âm thiết, âm cấm (TV, LT) – cấm là ngậm
TNAV ghi vận bộ 侵尋 xâm tầm (dương bình)
CV ghi cùng vần/bình thanh 欽 衾 嶔 顉 (khâm)
驅音切 khu âm thiết (CV, TVi) TVi ghi thêm âm khâm 音衾
渠京切,音卿 cừ kinh thiết, âm khanh (CTT) – thời CTT (1670) các phụ âm cuối -nh và -m đã nhập thành một âm -n …v.v…
Giọng BK bây giờ là qīn so với giọng Quảng Đông jam1 và các giọng Mân Nam 客家话: [梅县腔] kim1 [宝安腔] kim1 [客语拼音字汇] kim1 [陆丰腔] kim1 [客英字典] kim1 [台湾四县腔] kim1 [东莞腔] kim1 [海陆丰腔] kim1, giọng Mân Nam/Đài Loan khim1, tiếng Nhật kin kon và tiếng Hàn hum. Một dạng âm cổ phục nguyên của khâm là *kʰiem, rất gần với dạng khem vào thời VBL. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822) cũng dùng động từ khem như “Ai về nhắn nhủ đàn em nhé. Xấu máu thì khem miếng đỉnh chung”. Sau thời VBL, Béhaine (1772/1773) và Taberd (1838) đã ghi thêm nét nghĩa khem[21] (bộ mộc) là cây sào cắm trước nhà có đàn bà đẻ. Bây giờ thì không thấy ai dùng từ khem nữa, cũng như một số âm cổ từng hiện diện vào thời VBL: mựa (vô 無), đam – đem (đam/đảm 擔), khứng (khẳng 肯), cả – giá (giá 價), kem (giam/giám 監), khem (khâm 欽), min (dân 民 > đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất) …v.v…
5. Cữ
VBL trang 137 ghi “nằm cữ” là tránh giao thiệp vì sắp sinh. Cữ chữ Nôm thường dùng cử HV 擧 hay dạng viết giản lược, và có khi dùng thanh phù cự HV 巨: đây là kết quả của khuynh hướng bảo lưu âm cổ hơn với nguyên âm mở rộng so với nguyên âm nhỏ/trước i như kì 奇 ~ cơ, kì 旂 ~ cờ, kí 記 ~ nhớ … Do đó, cữ có khả năng liên hệ đến kị HV. Chữ kị 忌 (thanh mẫu quần 羣 vận mẫu chi 之 khứ thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết
渠記切 cừ kí thiết (TVGT, ĐV, QV, TV, NT, LT, VH, TTTH, TG 字鑑) – để ý QV ghi 忌諱也 kị huý dã và 敬也 kính/kinh dã – so sánh nét nghĩa này của kị (~ cữ) với kính/kinh (~ kiêng), khâm (~ khem) và trai (chay).
巨記反 cự kí phản (NKVT 五經文字)
居利切 cư lợi thiết (TV)
居吏切 cư lại thiết (LT)
巨己切,音芑 cự kỉ thiết, âm khỉ (TV, LT, NATV 五音集韻)
TNAV ghi vận bộ 齊微 tề vi (khứ thanh)
CV ghi cùng vần/khứ thanh 芰 騎 䗁 伎 技 妓 忌 偈 嵑 臮 暨 𡏲 蔇 垍 綦 諅 誋 惎 㥍 (kị kĩ kệ). CV cũng ghi cùng vần/khứ thanh 寄 徛 冀 兾 覬 懻 洎 溉 既 穊 覬 𩦸 季 記 其 忌 己 禨 璣 暨 刏 幾 猘 狾 罽 𦇧 瀱 (kí quý kế)
奇寄切,音惎 kì kí thiết, âm kị (CV, TVi) – TVi/CTT còn ghi thêm cách đọc khác là âm kĩ 音技 (so với âm cữ tiếng Việt/NCT).
吉器切 cát khí thiết (CV)
奇上聲 kì/cơ thượng thanh (TViB) …v.v… Giọng BK bây giờ là jì so với giọng Quảng Đông gei6 gei2 và các giọng Mân Nam 客家话: [海陆丰腔] ki6 [客英字典] ki3 ki5 [宝安腔] ki3 [梅县腔] ki3 [沙头角腔] ki3 [客语拼音字汇] gi4 ki4 [陆丰腔] ki6 [东莞腔] gi5 [台湾四县腔] ki5 潮州话:gi6 (kĭ) ki7 (khī), giọng Mân Nam/Đài Loan ki7, tiếng Nhật và tiếng Hàn ki. Một dạng âm cổ phục nguyên của kị[22] là *ɡiə, cho ra dạng kị HV và cữ, cũng như xát hoá để cho ra dạng giỗ (và có thể *ɡiə > giới[23] HV 戒).
5.1 Kị ~ cữ > giỗ
Ngoài nét nghĩa kính sợ (> cữ, kiêng cữ), kị còn một nghĩa cổ là ngày hay lễ cúng ngày đấng cha mẹ/người thân đã qua đời: do đó kị còn liên hệ đến âm giỗ tiếng Việt. Cả hai dạng cữ và giỗ đều hiện diện trong VBL – không thấy dạng kị (so với kì và kí đều được LM de Rhodes ghi lại trong VBL). Khuynh hướng xát hoá của phụ âm đầu k- để cho ra phụ âm gi- vẫn còn vết tích vào thời VBL qua cách dùng khảo cả ~ khảo giá (taxare pretium/L – VBL trang 363) là xem xét giá cả cả: đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy cả là âm cổ hơn của giá, cũng như các ghi nhận trong VBL trang 85 cang la ~ giang la … Khảo ứng với khảo HV 考, và giá ứng với giá[24] HV 價 mà một dạng âm cổ phục nguyên là *ka. Đây là vết tích của âm cổ của giá chính là cả mà VBL đã ghi nhận chính xác. Các tổ hợp như giá cả, mà cả (> mặc cả) đều cho thấy âm cổ hơn cả đứng ở sau (cấu trúc chính trước phụ sau). Tương quan phụ âm đầu k-gi còn thấy khi so sánh các từ HV như
gian 閒 hay 間 – căn
giam 監 – khám
giảm 減 – kém
giáp 夾 – gắp, cắp, cặp, kẹp
giái – giới 介 – cõi
giải 解 – cải, cởi, cổi, gỡ …
giải 蟹 – cua
giới 疥 – ghẻ (bệnh)
giới 戒 – cai (cai nghiện)
giái – giới 芥 – cải (rau)
giái (giới) 薤 – kiệu (rau)
giác, giốc 角 – gạc (sừng nai), góc, cắc (bạc cắc)
giác 覺 – cóc, cốc (biết, hiểu)
gia 茄 – cà
giả 赭 – ké (màu đỏ) vết tích còn trong cách dùng đỏ ké
giả 者 – kẻ (người ấy)
giỗ < kị 忌 cữ …v.v…
Tóm lại, đọc kỹ VBL cho ta thấy các cách dùng ăn tạp, ăn chay, khem/kiêng/cữ đã hiện diện vào thời này. Tài liệu như VBL hay các bản Nôm của LM Maiorica còn cho ta nhận ra sự khác biệt giữa tục lệ ăn chay theo CG so với PG, thay đổi tuỳ theo tín ngưỡng/tôn giáo[25] theo dòng thời gian. Ăn chay (theo PG) đã thấm nhuần vào phong tục dân gian, phản ánh trong tục ma chay[26] (td. “nhà chay”) vào thời VBL, rất khác biệt với tục lệ ăn chay theo CG. Ngoài ra, VBL/PGTN còn cho ta nhiều bằng chứng/dữ kiện và cơ sở vững chắc để nêu lên các liên hệ tr- và ch- (trai chay), k- và gi- (cữ giỗ, cả giá) – dựa vào con chữ La Tinh vì gần với âm đọc tiếng Việt và chính xác hơn, cũng như bổ túc cho các so sánh ngữ âm khi dùng chữ Nôm.
6. Tài liệu tham khảo chính
1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu “Dictionarium Annamitico-Latinum” Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM – 1999).
(1774/Quảng Đông – Địa phận Đàng Trong tái bản năm 1837) “Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ” 聖教要理國語 viết bằng chữ Nôm theo dạng Hỏi-Thưa. Y Doãn Ninh/Lê Bảo Tịnh phiên âm và chú giải, La Vang Tùng Thư xuất bản (Mỹ).
2) Phillipe Bỉnh (1822) “Sách Sổ Sang Chép Các Việc” NXB Viện Đại Học Đà Lạt, 1968.
(khoảng 1794-1802) “Nhật Trình Kim Thư Khất Chính Chúa Giáo” – xem bài viết trên mạng như https://www.scribd.com/document/118931952/Nh%E1%BA%ADt-Trinh-Kim-Th%C6%B0-Kh%E1%BA%A5t-Chinh-Chua-Giao-Philiphe-B%E1%BB%89nh
3) Huỳnh Tịnh Của (1895-1896) “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị” Tome I, II – Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d’Adran (SaiGon).
4) J. F. M. Génibrel (1898) “Dictionnaire annamite français” Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).
(1906) “Petit dictionnaire annamite français” Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).
5) Nguyễn Quang Hồng (2015) “Tự điển chữ Nôm dẫn giải” Tập 1 và 2 – NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).
6) Nguyễn Hữu Hiệp (2014) “Quan niệm ăn chay của đồng bào đạo giáo Nam bộ” – có thể đọc toàn bài trên trang này http://danviet.vn/que-nha/quan-niem-an-chay-cua-dong-bao-dao-giao-nam-bo-184823.html
7) Nguyễn Hồng (1959) “Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam – Quyển 1 – Các Thừa Sai dòng Tên 1615 – 1665″ NXB Hiện Tại (Sài Gòn).
8) Trương Vĩnh Ký J.B.P. (1884, 1920) “Petit dictionnaire francais annamite” Imprimerie de l’union Nguyễn Văn Của (SAIGON)
9) Vương Lộc (2002) “Từ điển từ cổ” NXB Đà Nẵng – Trung Tâm Từ Điển Học (Hà Nội).
10) Giêrônimô/Jeronimo Maiorica (thế kỉ XVII) “Mùa Ăn Chay Cả”, “Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển thượng”, “Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển trung”, “Đức Chúa Giê-Su – Quyển chi cửu & Quyển chi thập”, “Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh”, “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông”, “Kinh Những Ngày Lễ Phục Sinh – Quyển thứ ba”, “Các Thánh Truyện”. Sách lưu hành nội bộ (năm xuất bản 2002/2003 – LM Nguyễn Hưng).
11) Alexandre de Rhodes (1651) “Phép Giảng Tám Ngày” – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.
(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).
“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).
“Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646” dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên – Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).
12) Nguyễn Ngọc San/Đinh Văn Thiện (2001) “Từ điển từ Việt cổ” NXB Văn Hóa Thông Tin (Hà Nội).
13) Jean Louis Taberd (1838) – tên Việt là cố Từ – “Dictionarium Annamitico-Latinum” Serampore (Bengale).
14) Nguyễn Cung Thông (2016) “Cách nói xuống thuyền, trên trời, ra đời, Đàng Trong/Ngoài … thời LM Alexandre de Rhodes (phần 1)” có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachDungXuongThuyenTrenTroiVaRaDoiP1.pdf
(2016) “Cách nói tôi, ta, tao, tớ, qua, min … Tiếng Việt thời LM de Rhodes” – có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachNoiToiTaTaoToP2.pdf
(2018) “Tiếng Việt thời LM de Rhodes – vài nhận xét về tên gọi và cách đọc (phần 11)” – có thể xem toàn bài trang này http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=24519
(2018) “Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – Kinh Lạy Cha (phần 5A)” có thể xem toàn bài trên trang https://nghiencuulichsu.com/2018/02/06/tieng-viet-tu-thoi-lm-de-rhodes-kinh-lay-cha/ hay https://www.facebook.com/conggiao.info/posts/1586641711427101 …v.v…
(2018) “Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – Kinh Lạy Cha (phần 5B)” có thể xem toàn bài trên https://vandoanviet.blogspot.com/2018/04/tieng-viet-tu-thoi-lm-de-rhodes-kinh_24.html?m=0 …v.v…
15) Stêphanô Huỳnh Trụ (2012) “Giữ chay và ăn chay” và bài viết “Chay tịnh hay trai tịnh?” – có thể đọc toàn bài trên trang này chẳng hạn http://tgpsaigon.net/category/t%C3%A1c-gi%E1%BA%A3/lm-st%C3%AAphan%C3%B4-hu%E1%BB%B3nh-tr%E1%BB%A5?page=2
[2] Vegan là danh từ do Donald Watson chế ra vào năm 1944, một nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi của loài vật. Vegan gồm có danh từ vegetarian và hậu tố -an, đầu tiên (1944) chỉ người ăn chay (không ăn thịt cá và bơ sữa) nhưng sau đó (1951) mở rộng nghĩa chỉ cuộc sống không dùng các sản phẩm thú vật hay không bốc lột các loài sinh vật. Tiếng Việt có thể dịch vegan là người ăn chay thuần (hay thuần chay, tiếng TQ là hoàn toàn thái thực 完全菜食 hay tiếng Nhật là tuyệt đối tố thực 絕對素食) so với vegetarian là người ăn chay thường.
[3] Ieiunium La Tinh nghĩa là ăn ít đi (nhịn ăn, fasting/A jeûne/P), Mùa Chay Cả (Lent/A), nhịn đói (hunger/A).
[4] Ăn chay là “giảm bữa ăn“, cũng là “chay lòng” theo cụ Huỳnh Tịnh Của (ĐNQATV trang 115).
[5] Thật ra, PG Đại thừa ở Tây Tạng và Nhật Bản không tuyệt đối cấm ăn thịt, cũng như các nhà sư Khme (theo Tiểu thừa) được ăn thịt trước giờ Ngọ.
[6] Các tài liệu PG Trung Hoa ghi lại chuyện Vua Lương Võ Đế (502 – 536) đã chính thức ra sắc lệnh bắt buộc tăng ni phải ăn chay nếu không sẽ bị trị tội. Tam tịnh nhục 三淨肉 chỉ a) những loại thịt nào mà mình không thấy người ta giết để làm ra thịt (cho ta ăn) b) không nghe tiếng kêu la của loài thú bị giết c) không có sự nghi ngờ nào người khác vì mình mà giết để làm ra thịt (cho ta ăn). Ngũ tịnh nhục 五淨肉 thêm hai loại thịt d) thịt con thú tự chết e) thịt con thú khác ăn còn dư (kinh Lăng Nghiêm). Đức Phật Tổ không phải là người ăn chay (vegetarian), và ngài cũng không dạy đệ tử (Phật tử) bắt buộc phải ăn chay. Xem thêm chi tiết trong các bài viết liên hệ như của HT Thích Thiện Hoa trang này chẳng hạn http://www.buddhismtoday.com/viet/anchay/005-tth-anchay.htm, hay trang https://zh.wikipedia.org/wiki/%E4%B8%89%E5%87%80%E8%82%89 …v.v…
[7] Nhà chay có khả năng liên hệ đến trai phòng HV 齋房, nơi để tĩnh dưỡng/tu thân hay trai giới. Thi hào nhà Đường Trầm Thuyên Kì 沈佺期 (656-729) từng viết trong Hạp San Tự Phú 峽山寺賦: “齋房浴堂,渺在雲漢 trai phòng dục Đường, miểu tại vân Hán”. Trai phòng có ba nét nghĩa: phòng (dùng để cho việc ăn) chay (~ thư trai/thư phòng – xem chú thích 13), phòng đọc sách, phòng nhà sư ở.
[8] Thật ra các tài liệu về PG bằng ngôn ngữ Tây phương không có nhiều vào thời này, nhờ vào các công trình “truyền đạo” và giao lưu tôn giáo như PGTN, VBL cùng các bản báo cáo gởi về Trung Ương (hay toà thánh La Mã) nói riêng, và Tây phương nói chung mới bắt đầu biết đến PG hơn và tìm hiểu cho chính xác hơn cho đến ngày nay. Ngoài ra, ý nguyên thuỷ bất bạo động/không sát sinh và đem hạnh phúc đến cho mọi sinh vật hầu như đã mất đi so với nhiều tập tục đầy mê tín dị đoan như đốt vàng mã cho người chết được dùng (sau khi chết), nguyện cầu ăn chay sau khi thi đậu hay có con trai …v.v… Người ngoài (nhất là các giáo sĩ Tây phương như de Rhodes hay Maiorica) chắc chắn sẽ nhận thấy ngay điều này, ngay cả cho đến thời buổi hiện tại!
[9] Giọng Nam Bộ đọc chay như chai /ʨaj/ gần với âm cổ hơn. VBL không ghi dạng chai, nhưng ghi hai và hay, cai và cay, vai (uai) và vay (uay), tai và tay … Cho thấy hai vần -ai và -ay đã phân biệt rõ vào thời này. Tương quan giữa các phụ âm đầu tr- và ch- của trai và chai khá rõ nét khi so sánh các cặp trạo chèo, trảm chém, trản chén, trầm chìm, trà chè, trữ chứa, triều chầu chào, trửu chổi, …
[10] Mùa Ăn Chay Cả (Quadragesima/L, có gốc La Tinh quadraginta nghĩa là bốn mươi) là mùa ăn chay bốn mươi ngày (gọi là Lent/A so với Carême/P Quaresima/Ý, Quaresma/Bồ-Đào-Nha đều có gốc tiếng La Tinh quadraginta). Sau này cũng gọi là Mùa chay cả, Mùa chay, Tuần Chay, Chay cả. Ăn chay 40 ngày như vậy mang nặng ý nghĩa tâm linh: như là để bắt chước ĐCGS “ăn chay” và cầu nguyện trong sa mạc (Matthew 4.1-11), cũng như câu chuyện ông Moses ở trên núi Sinai 40 ngày không ăn uống gì để chuẩn bị nhận Mười Điều Răn (Exodus 34:28). Về việc giữ chay và kiêng thịt, theo giáo luật 1983 từ Toà Thánh La Mã đại khái là (a) điều 1251 quy định: “Thứ tư Lễ Tro và thứ sáu Tuần Thánh phải giữ chay và kiêng thịt” (b) Tuổi giữ chay, theo Giáo Luật điều 1252:” Từ tuổi thành niên cho đến khi bắt đầu 60 tuổi thì phải giữ chay”. Điều 97, khoản 1 quy định: “Ai đã đến 18 tuổi trọn là thành niên.” (c) Tuổi kiêng thịt, theo Giáo Luật điều 1252: “buộc những người từ 14 tuổi trọn” (d) Điều 1253 còn cho phép “Hội Đồng Giám Mục có thể ấn định rõ ràng hơn những thể thức ăn chay và kiêng thịt, cũng như những hình thức sám hối khác, nhất là những công việc bác ái và những việc đạo đức có thể thay thế toàn phần hay một phần việc kiêng thịt và ăn chay” Xem thêm chi tiết trang http://giaoluatconggiao.com/PHAN-III-NOI-THANH-VA-THOI-GIAN-THANH-1205-1253.html …
[11] Có nhiều tranh luận về việc ăn chay theo CG và hải sản: gồm các thức ăn biển, những loài có tính hàn như: ếch, trai, sò, ba ba, những loài vừa sống trên bờ vừa ở dưới nước và những loài bò sát không bị cấm sử dụng thịt của cá so với thịt bò/gà/heo …). Xem thêm lời bàn chi tiết từ trang các giám mục của Hoa Kỳ http://www.usccb.org/prayer-and-worship/liturgical-year/lent/questions-and-answers-about-lent.cfm …v.v…
[12] Tiếng Anh break là cắt hay ngưng, fast là nhịn ăn (ăn “chay”, không ăn từ ban đêm): breakfast là bữa ăn đầu tiên trong ngày, tiếng Hà-Lan là breekvasten.
[13] Tiếng Anh dinner có gốc La Tinh: tiền tố dis- (cắt/ngưng) và iēiūnō (ăn “chay”). Tiếng Úc (Anh) tea chỉ bữa ăn tối (dinner) chỉ xuất hiện gần đây mà thôi, vì danh từ tea (nghĩa là chè/trà) nhập vào tiếng Anh vào khoảng thế kỉ XVI và XVII. Trước dạng tea (hay còn viết là V) là dạng cha (hay còn viết là tcha, chia, cia) phản ánh hai ngôn ngữ nhập là tiếng Bồ-Đào-Nha và tiếng Hà-Lan. Tiếng Anh supper (bữa ăn tối, bữa ăn tối nhẹ) hay souper/P có thể liên hệ đến soup (canh, xúp, cháo). Các từ ngoại quốc dinner, tea và supper cho thấy liên hệ của bữa ăn và thức ăn khá rõ nét.
[14] Danh từ lòng vào thời các LM de Rhodes và Maiorica dùng trong nhiều chữ ghép như vào lòng, mất lòng, được lòng, đẹp lòng, phải lòng, khó lòng, cực lòng, mặc lòng, thấy lòng, mở lòng, giục lòng, xiêu lòng, hết lòng, blở (trở) lòng, cả lòng … Do đó có khả năng rất cao là cách dùng “chay lòng” đã từng hiện diện vào thời đó.
[15] Lòng chay theo học giả Béhaine (1772/1773) lại là bụng (ventriculus/L), tuy nhiên Taberd (1838) không chép lại cách dùng này! Học giả Huỳnh Tịnh Của ghi “lòng chay, lòng không” là “lòng thanh sạch, bụng đói” (ĐNQATV trang 585). Nghĩa cổ hơn của trai (chay, thanh tĩnh) còn thấy trong cách dùng thư trai HV 書齋 hay là thư phòng 書房 là nhà/phòng đọc sách. Thi hào Vương Bột (649-676) từng viết “直當花院裡,書齋望曉開 trực đương hoa viện lí, thư trai vọng hiểu khai”. Để ý Ngọc Thiên (năm 543) ghi rằng “洗心曰齋 tẩy tâm viết trai” (nghĩa đen: rửa tâm/lòng sạch thì gọi là trai/NCT), còn Tự Vị (1615) ghi lại câu tẩy tâm viết trai là do học giả Hàn Khương Bá 韓康伯 (332-380) thời Đông Tấn viết.
[16] Binh/bênh bải/bãi là người giả/lừa dối (deceptor, fraudator/L – VBL trang 19, 36):”Nó là kẻ có tội cùng là kẻ binh bãi dối trá người ta” SSS trang 289. Cụm tính từ binh bãi thường dùng ở Đàng Ngoài (Génibrel trang 39).
[17] Cả hai cách dùng La Tinh này đều hiện diện trong Kinh Thánh (Vulgate): td. Marcus 10:19 “Praecepta nosti: ne adulteres, ne occidas, ne fureris, ne falsum testimonium dixeris, ne fraudem feceris, honora patrem tuum et matrem” tiếng Việt là “Anh đã biết các điều răn: ‘Đừng giết người, đừng ngoại tình, đừng ăn cắp, đừng làm chứng dối, đừng lường gạt, phải hiếu kính cha mẹ”; so với Exodus 20:13 “Non occides” tiếng Việt là “Không được giết người” hay trong Luke 18:20, PGTN trang 297…v.v…
[18] Pànàtipàtà veramanì (Phạn) 離殺生 ~ li sát sinh hay 不殺生 ~ bất sát sinh: tránh xa sát sinh là kết quả của nguyên tắc ahimsa (không gây tổn hại), cũng dẫn đến việc ăn chay (không ăn thịt cá) và không dùng vũ lực/bất bạo động – xem thêm chú thích 3 và 4 bên trên.
[19] Ăn tạp (tạp thực 雜食) là ăn thịt, cá, rau cải (đủ thứ, hỗn hợp) còn ăn thịt là nhục thực 肉食. Ăn tạp còn có nghĩa là ăn dơ (ĐNQATV).
[20] Tạp có một biến âm là chạp như trong cách dùng chạp phô là tạp hoá 雜貨 đọc theo giọng Triều Châu/Quảng Đông – so sánh tạp chạp với liên hệ tụm chụm chùm, têm đệm chêm, tập tiệp chiệp (Génibrel, trang 736), tác 索 chạc (td. xỏ chạc vào mũi trâu), tiêu 蕉 chuối, tiên 煎 chiên (rán), tư 蕉 chiếu, tốt 卒 chốt, tự 字 chữ, tự 寺 chùa … Tạp hoá điếm 雜貨店 là tiệm tạp hoá hay tiệm chạp phô bán các đồ dùng hàng ngày (lặt vặt). Đây là các điểm bán lẻ (tiểu thương) rất phổ thông ở miền Nam trước đây.
[21] Cụ Huỳnh Tịnh Của ghi rõ hơn về tục cắm khem:”cây cắm ra cho biết trong nhà có việc kiêng cữ: ấy là một cây dài nhỏ, chẻ ra một đầu, giắt một đoạn củi vắn đã có chụm rồi, cắm ra trước nhà cho biết là nhà có người nằm bếp, đẻ con trai thì trở đầu cháy vào nhà, đẻ con gái thì đầu cháy lộn ra” ĐNQATV trang 484.
[22] So sánh kị 忌 ~ cữ với kị 騎 là cưỡi (một dạng âm cổ phục nguyên là *gje hay *gjə).
[23] Học giả Vương Lực đề nghị kị có liên hệ với giới (Đồng Nguyên Tự Điển, 1982).
[24] Chữ giá 價 (thanh mẫu kiến 見 vận mẫu ma 麻 khứ thanh, khai khẩu nhị đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết:古訝切 cổ nhạ thiết (TVGT, ĐV, NT, QV, TTTH) – QV/TV ghi khứ thanh, 居迓切,音駕 cư nhạ thiết, âm giá (TV, LT, VH, CV), 口下切 khẩu hạ thiết (TV, LT) – TV ghi thêm thượng thanh, 居亞切 cư á thiết (CV)
TNAV ghi vận bộ 家麻 gia ma (khứ thanh)
CV ghi cùng vần/khứ thanh 駕 價 賈 斝 假 嫁 架 枷 稼 幏 (giá cổ giả gia)
居亞切, 音駕 cư á thiết, âm giá (TVi, CTT), 古借用賈。賈音古,轉去聲,義同 cổ tá dụng giá, giá âm cổ, chuyển khứ thanh – nghĩa đồng (KH)…v.v… Giọng BK bây giờ là ià so với giọng Quảng Đông gaa3 và các giọng Mân Nam 客家话: [梅县腔] ga5 (ka5) [海陆丰腔] ga5 [客语拼音字汇] ga4 [宝安腔] ga5 [客英字典] ga5 [陆丰腔] ga5 [沙头角腔] ga5 [台湾四县腔] ga5 [东莞腔] ga5 潮州话:gê3, giọng Mân Nam/Đài Loan ka5, tiếng Nhật ka ke và tiếng Hàn ke. Một dạng âm cổ phục nguyên của giá là *ka mà tiếng Việt vẫn còn bảo lưu qua dạng cả – so sánh tương quan gia 茄 – cà, giá/giả 賈 – cổ, giá 嫁 – gả , giả 者 – kẻ, giá 價 – cả …v.v…
[25] Ăn chay (fasting/A) có thể là không ăn không uống, không hút thuốc/tình dục vào ban ngày (Hồi giáo – tháng nhịn ăn Ramadan) hay không ăn thịt cá (thịt sinh vật/Phật giáo) cho đến chỉ không ăn thịt mà thôi (Công giáo).
[26] Theo phong tục ma chay thì khi người chết được liệm vào hòm thì có thầy cúng (nhà sư) đọc kinh hộ niệm. Khi đã chôn cất xong gia đình phải làm lễ thất tuần tính ngày người chết mới tắt thở. Các con cái chịu tang phải về đầy đủ mặc lại tang phục và cúng cơm cho người chết, thầy cúng hoặc nhà sư đến tụng niệm, cơm cúng cho người chết đều là những món chay nhằm cho người chết được nhẹ nhàng hồn vía, sớm siêu thăng miền cực lạc và có người còn cho rằng cúng chay là để hồn người chết sớm quy y cửa Phật, nương nhờ cửa Phật mà không về với gia đình. Khi cúng đủ 6 tuần thì đến tuần thứ 7 gọi là lễ chung thất (tứ cửu hay 49 ngày). Khi nói đến đám chay, trừ nghĩa tổng quát là làm tiệc chay nhưng còn một nghĩa là đám giỗ người chết (Béhaine, Génibrel, ĐNQATV) …v.v… Bản tường thuật “Xứ Đàng Trong năm 1621″ của LM Cristophoro Borri (1583 – 1632) ghi nhận ảnh hưởng rất lớn của PG qua sự hiện diện của các nhà sư (ông sãi) trong đám ma:” … Thứ nhất họ không phân biệt hồn người dữ tách rời khỏi thân xác với các thần xấu và gọi tất cả là tà ma, và cho rằng không những thần xấu mà cả hồn người dữ đều tìm cách làm hại người sống. Thứ hai là một trong những phần thưởng của hồn người đã sống lành thánh đó à chuyển từ một thân này tới một thân khác tốt hơn, trọng hơn, như từ thân xác một người dân thường đến thân xác một đế vương hay quan cao cấp. Thứ ba là hồn người quá cố cần ăn uống và bồi dưỡng thân xác, do đó đôi khi trong năm họ có tục dọn cỗ bàn thịnh soạn và long trọng, con cái cúng tế cha mẹ đã khuất, chồng cúng tế vợ, bạn bè cúng tế người thân thích… Một số ông sãi đi đến cung điện của quan Trấn Thủ để làm lễ chiêu hồn … Những người chiêu hồn này vẽ vòng tròn, chăm chú làm lễ cầu ma quỷ bằng dấu hiệu và lời niệm chú cho đến khi ma quỷ nhập vào xác của một thân nhân nào đó …” – trích từ bản dịch của Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị, xem trang này chẳng hạn https://nghiencuulichsu.com/2017/04/11/xu-dang-trong-nam-1621/ . Trong phần văn khấn/tế của “Thọ Mai Gia Lễ” (NXB Hưng Long, Hà Nội 1952) thường gặp câu ” Trên linh toạ một tuần chay nhạt, dưới suối vàng cha (mẹ) hãy chứng tình … Cỗ bàn cúng vái, cũng gọi là chay nhạt, kính dâng tổ tiên … ” – điều này cho thấy ăn chay (lạt/nhạt ~ đám chay) rất phổ thông trong các giỗ vào những ngày rằm (tháng ba, Đoan Ngọ, tháng bẩy..).
Discussion about this post