THỰC HÀNH KHÔNG KHOA TRƯƠNG
Chuyển ngữ
Diệu Liên Lý Thu Linh
Diệu Ngộ Mỹ Thanh
Giác Nghiêm Nguyễn Tấn Nam
Các
chứng từ ở nơi làm việc – chức vụ, bằng cấp, trình độ chuyên môn, các biểu tượng
của địa vị và quyền thế – đôi khi có thể giúp công việc được suôn sẻ, đôi khi lại
cản trở nó. Chúng ta tin bác sĩ vì họ đã tốt nghiệp trường y khoa, có danh hiệu
là bác sĩ. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể nghi ngờ các vị bác sĩ, những người
có vẻ xa cách, không sẵn sàng hoặc vội vã đề nghị các giải pháp mà không thực sự
lắng nghe ta. Chúng ta biết một ông tướng bốn sao có trách nhiệm nặng nề đối với
mạng sống của bao người. Tuy nhiên, chức vụ và quân hàm trong quân đội cũng khiến
người ta hoài nghi, ngờ vực và thậm chí có thể làm phương hại. Chủ tịch công ty
có thể là một người dễ mến, nhưng chỉ cái tên của chức vụ này gợi lên hình ảnh
của sự kiêu căng và tham đắm. Tất cả các loại chứng từ có thể củng cố niềm tin
hay mang lại sự nghi ngờ, thuận tiện cho trách nhiệm hoặc vô trách nhiệm, trao đổi
chuyên môn hoặc che dấu những yếu kém.
Dĩ
nhiên, không bao giờ chúng ta có thể hoàn toàn bỏ qua các giá trị của chứng từ,
nhưng chúng ta có thể tập giữ chúng trong chừng mực bằng cách thực hành “không
khoa trương”. Phương cách đó bắt đầu bằng việc quan tâm đến cách ta nói chuyện
với người khác như thế nào về công việc ta làm và cảm nhận những tình cảm tinh
tế ẩn phía sau lời nói. Ví dụ, tại một bữa ăn tối hoặc ở một quán ăn địa phương,
khi có người nào đó hỏi: “Anh làm gì?” thì chúng ta thường trả lời bằng
một danh từ thay vì là một động từ. Thay vì nói “Tôi dạy học”, chúng ta
lại nói “tôi là một giáo viên”. Thay vì nói “tôi xây nhà cửa, cầu đường”,
ta lại nói, “tôi là một kỹ sư”…. Cách thay đổi câu từ không có vẻ gì
quan trọng lắm này nhắc nhở ta rằng ta muốn là một ai đó ở nơi làm việc. Chúng
ta muốn công việc và cách sống của ta xác định ta là ai.
Uống
nước với một người bạn mới quen và cô hỏi “Bạn làm gì?” Có lẽ chúng ta cảm
thấy hơi bị xâm phạm với câu hỏi đó, như thể ai đó đã vào nhà mà không báo trước
và đường đột ngồi vào bàn ăn tối với chúng ta. Chúng ta muốn gây ấn tượng đầu
tiên. Khi trả lời: “Tôi là một luật sư chuyên về ly hôn”, chúng ta không
biết người bạn mới có những trải nghiệm gì với chuyện ly hôn hay với các luật sư
trong quá khứ, vì vậy chúng ta cảm thấy hơi do dự, không chắc chắn là chúng ta đã
gây ấn tượng tốt. Có thể chúng ta đặc biệt tự hào về nghề nghiệp của mình, mà cũng
có thể là một chút bối rối. Chúng ta có thể đáp với tư thế đĩnh đạc và dè dặt,
“Tôi là tổng thống của Costa Rica”, hoặc cúi đầu thấp hơn và lí nhí, “Tôi
là người rửa chén và bếp trưởng tại quán Moldy Bottom”, hoặc thậm chí, “Tôi
là bà nội trợ”. Đối với nhiều người trong chúng ta, trả lời câu hỏi, “Bạn
làm gì?” cũng giống như tạm bước lên sân khấu cuộc đời để tuyên bố về cơ bản
việc chúng ta là ai.
Chúng
ta phác họa bản thân như thế nào với người – qua lời nói, cảm xúc và hành vi về
những “câu chuyện” ở nơi làm việc – là điều tối quan trọng trong việc thực hành
“không khoa trương”. Bằng cách xem xét cẩn thận các câu chuyện về đời sống của
mình, chúng ta thực sự cảm nhận được những tình cảm mình đã dành cho công việc để
được là ai đó ở nơi làm việc: Cảm giác nhẹ nhỏm mơ hồ khi ta được giới thiệu là
“Phó chủ tịch này nọ”, sự co thắt nơi lồng ngực hoặc giọng nói xúc động, khi chúng
ta trả lời cho một khách hàng xấu tính, hoặc cảm giác sự cô đơn khi chúng ta
nghe người khác nói về giáo dục hệ đại học – trình độ giáo dục mà ta thiếu sót.
Khi thực hành “không khoa trương”, chúng ta quan sát kỹ lưỡng các cảm xúc như
thế để phát hiện ra bất kỳ sự không thích ứng, sự nghèo nàn, sự tự vệ, hoặc mù
quáng mà ta bám chặt vào, coi đó như là việc phải ứng xử như thế nào tại nơi làm
việc. Làm như thế, chúng ta đối đầu với một trong những trở ngại lớn để được sống
chân thực và hiệu quả tại nơi làm việc: Suy nghĩ sai lầm rằng chúng ta là công
việc của mình.
Tuy
nhiên, kết luận rằng chúng ta là những gì được ghi trên danh thiếp hoặc in trên
ngân phiếu lương của mình là một tai nạn nghề nghiệp có thể hiểu được. Chúng ta
đầu tư rất nhiều cho nghề nghiệp của mình – bốn mươi, năm mươi giờ một tuần, hoặc
nhiều hơn nữa; cam kết cá nhân, nỗ lực sáng tạo. Đúng hơn, chúng ta đầu tư cả
cuộc đời mình. Tuy nhiên, dầu ta đã đầu tư rất nhiều, nghề nghiệp của chúng ta
cũng không thể cung cấp một danh tánh thật sự cho ta. Hoa tiêu, tài xế taxi, chủ
sở hữu, y tá – các chức danh này không thể cung cấp cho ta một quan điểm nhất định
về bản thân hoặc thế giới của mình. Giống như mọi thứ khác trong công việc, các
chứng từ, thông tin cá nhân cũng lưu chuyển và liên tục thay đổi. Dầu cố gắng đến
mấy, chúng ta cũng không thể tạo ra một phiên bản không tỳ vết, đáng tin cậy về
bản thân qua nghề nghiệp hay công việc của mình. Và khi chúng ta mong mỏi điều
ngược lại – khi chúng ta mong rằng công việc có thể mang cho ta một thứ gì đó mà
nó không bao giờ có thể cung cấp – ta trở nên thất vọng, căng thẳng: Phóng đại
thành tích, lướt qua thất bại, che đậy sai lầm; đầy kiêu mạn, khinh thường, gây
xấu hổ, hoặc chảnh chọe.
Khi thực hành “không khoa trương”, chúng ta sẵn sàng quan sát các
cảm xúc này một cách thẳng thắng, từng bước làm sáng tỏ những tác động mù quáng
của việc bám vào các thành tích của mình. Chúng ta tập buông bỏ các chức danh
nghề nghiệp, sự lừa mị, và chuyển sự chú tâm vào việc sống chân thực, như chúng
ta là, nơi chúng ta có mặt, ở nơi làm việc.
Khi
buông bỏ tâm ám ảnh bởi chứng từ, bằng cấp, chúng ta bắt đầu tin vào sự tìm hiểu
và bản năng tự nhiên của chúng ta nhiều hơn. Chúng ta trở nên tò mò về người khác
hơn là về bản thân một cách tự nhiên.
Thí
dụ, là người phục vụ món ăn nhanh mà thực hành “không khoa trương”, thì ta biết
rằng ta không phải là bộ đồng phục đang mặc, ta không phải là nhân vật chính
trong câu chuyện. Ta có thể cảm thấy tách biệt hoặc khó chịu về việc có một công
việc với lương tối thiểu và đồng phục mà chúng ta đang mặc có thể hơi chật, vướng
víu. Nhưng, chúng ta có thể bỏ qua câu chuyện về người phục vụ món ăn nhanh,
trong giây lát, để ghi nhận về thế giới quanh ta. Chúng ta thấy đủ hạng người:
Già, trẻ; giàu nghèo; da trắng, vàng, nâu và đen – đang cần phục vụ. Từ quan điểm
đó, chúng ta bắt đầu hiểu và đánh giá cao thế giới của mình. Có người vội vã,
thô lỗ, kẻ khác thì lịch sự, người khác nửa thì thiếu quyết đoán hoặc bị phân tâm.
Một số người dường như chỉ có ít tiền đủ cho bữa ăn. Tất cả mọi người xếp hàng
chờ đợi – họ đang đói – muốn mua một cái gì đó để ăn. Là một người phục vụ bán
thức ăn nhanh, chúng ta có thể đón nhận thế giới này một cách đặc biệt, thân
thiết. Chúng ta trở thành một chuyên viên về hành vi của người đang đói. Khi thực
hành “không khoa trương” theo cách này, chúng ta khám phá sự thi vị trong công
việc của mình, và bắt đầu trở nên vô cùng tò mò về thế giới quanh ta chứ không
phải chỉ lo nghĩ về bản thân.
Chúng ta phát hiện ra rằng phẩm chất của chúng ta thực sự mang đến
cho ta một cái nhìn rộng lớn hơn về thế giới chứ không phải chỉ một câu chuyện.
Dĩ nhiên, thực hành “không khoa trương” không chỉ giới hạn cho những người làm
việc trong các nhà hàng bán thức ăn nhanh.
Tiến
sĩ John Coleman là cựu chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên Bang ở Philadelphia, một
trong mười hai ngân hàng dự trữ cấu thành ngân hàng trung ương của Hoa Kỳ. Với
tư cách chủ tịch ngân hàng, tiến sĩ Coleman, là thành viên của một nhóm nhỏ các
nhà chiến lược có trách nhiệm thiết lập chính sách tài chính, ảnh hưởng sâu sắc
đến cuộc sống trên khắp nước Mỹ và thế giới. Quyết định của họ ảnh hưởng đến tất
cả mọi thứ, từ chi phí của nền giáo dục mầm non cho đến số trọng tải lúa mì miễn
phí chuyển đến các quốc gia kém phát triển, cho đến chi phí từng thuớc vuông xây
dựng của một xa lộ mới. Tuy nhiên, tiến sĩ Coleman đã không để cho quyền lực và
trình độ chuyên môn hoàn hảo làm mờ mắt mình. Được giáo dục theo đạo Quaker(1), ông
biết rằng vị thế và chức danh của mình vừa là trở ngại, vừa là phương tiện để
nhận thức được sự thật. Chỉ dựa vào ưu thế hiếm hoi của chức vị chủ tịch Ngân hàng
Dự trữ Liên bang, với đội ngũ nhân viên là các nhà kinh tế học, thiết lập nên các
mô hình thống kê cho cả thế giới, không khiến ông cảm thấy tự mãn. Để có được một
hình ảnh đích thực về thế giới mà ông có ảnh hưởng sâu sắc đến, được sống chân
thật với tư cách của một
vị chủ tịch, ông cần phải đánh giá đầy đủ cuộc sống của người khác, sự tranh đấu
và niềm vui, hy vọng và lo âu của họ. Vì vậy, tiến sĩ Coleman đã dành thì giờ
khi có dịp để đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, hay như ông nói “mang giày
của người khác mà đi” về các vùng quê để đào mương, lượm rác, làm việc dưới hầm
mỏ, lao động trong các phòng cấp cứu, và có lúc sống thiếu thốn trên các đường
phố của thành phố New York. Là chủ tịch của Ngân hàng Dự trữ liên bang
Philadelphia, Tiến sĩ Coleman đã thực hành “không khoa trương”. Ông đã buông bỏ
vị thế, quyền lực, chức danh, và trình độ chuyên môn, để thể nhập với thế giới
theo điều kiện của nó – với một quan điểm mới mẻ của tính hiếu kỳ thú vị.
Có
thể chúng ta không có thời gian để thực sự đi ra đường và bước theo lối đi của
người – dù nhiều người làm việc đó như là một cách thực hành tâm linh của họ.
Nhưng chúng ta cũng có thể tu tập bằng việc chân thành quan tâm đến hoàn cảnh,
quan điểm của người khác. Thí dụ, người công nhân xây dựng cầu ở bên vệ đường mà
ta vừa chạy lướt qua với vận tốc sáu mươi dặm một giờ: Hoàn cảnh của anh thế nào
khi anh đang phải ở ngoài trời trong tiết trời lạnh giá để vặn xoắn một dầm thép
vào vị trí của nó? Một nữ chính trị gia trên đài CNN đang cố gắng giải thích lý
do tại sao nên bầu lại cho cô – cô ấy cảm thấy thế nào với tham vọng đó và việc
không ngừng phải “lên sàn diễn” như thế? Trên điện thoại, người khách hàng đầy
bức xúc, thất vọng vì đã nhận đến lần thứ ba một sản phẩm không như ý – người này
đã phải bức xúc đến thế nào? Nhân viên phân tích hệ thống lúng túng trình bày
nghiên cứu giảm thiểu chi phí cho công ty: Sự lúng túng đó của cô mới chân thật
và đầy thiện ý làm sao. Khi có đủ khiêm tốn để không chỉ nghĩ về mình mà còn
thiết tha quan tâm đến người khác, chúng ta sẽ phát triển được tâm trí uyển
chuyển mạnh mẻ để không những có thể cho ta biết thế giới vận hành như thế nào
mà còn khích lệ lòng tin và sự tôn trọng lẫn nhau.
Khi thực hành
“không khoa trương”, chúng ta biết cách làm thế nào để thực sự chịu trách nhiệm.
Hiểu biết tâm lý của những người như thư ký, các nhà hóa học, các tu sĩ, cảnh sát,
v.v…, khiến chúng ta càng ý thức hơn về việc người khác trông cậy vào chúng
ta như thế nào, dù để phục vụ thức ăn nhanh cho tốt hoặc điều hành một ngân hàng
giúp xóa đói giảm nghèo. Khi thực hành “không khoa trương”, chúng ta khám phá
ra rằng để được như chúng ta là, ở nơi chúng ta có mặt, trong công việc, chỉ cần
là ta biết tôn trọng người khác và thực hiện công việc của mình với tất cả khảnăng.
(1) Theo Wikipedia, Quaker có tên nguyên gốc là The Religious Society
of Friends (tạm dịch Hội Tôn Giáo Thân Hữu), là một phong trào Công Giáo Quốc Tế,
với các thành viên được gọi là Đạo Hữu (Friends), hay phổ thông hơn là
Quaker. Thuyết này dựa trên ý nghĩa rằng tự thân Chúa đã đến để dạy dân của
Ngài, nhấn mạnh đến sự liên hệ trực tiếp giữa Chúa với thế giới đạo hữu, trong
đó mọi người đều dự phần.
Trích sách: TỈNH THỨC TRONG CÔNG VIỆC
o
Discussion about this post