TÁCH TRÀ BUỔI SÁNG VÀ 3 GIÒNG SÔNG
TN Huệ Trân
Tiết mùa đông bất ngờ về sớm khiến những nhành mai đang ra lá, chưa kịp nhận biết, vội nép vào nhau, thương cảm nhìn những đóa hồng tỷ muội run rẩy, mới nở đêm qua. Dọc theo bức tường ngoài hàng hiên, những khóm trúc nhẹ nhàng lay động, trấn an bụi hoa ngâu với những đóa nhỏ li ti, rằng mặt trời đang lên, chúng ta vẫn đồng hành dù ta xanh hay vàng, dù em tươi hay héo, chỉ là ngoại hình luân chuyển mà thôi!
Tách trà buổi sáng thơm hương chanh, gừng, trong tay hành giả dường như đang nghe được tâm tình vạn hữu mà cảm nhận những tương đồng lặng thầm nhưng chan hòa mầu nhiệm!
Tấm thân tứ đại vốn quen đòi hỏi và được nuông chiều này, trước vạn hữu lặng lẽ, bao la kia là gì? Vạn hữu nương nhau mà vượt qua những bất trắc, những biến động, nên thời gian và không gian luôn như những giòng sông xuôi chảy. Thuận giòng, sông vẫn chảy, ngược giòng, sông vẫn trôi. Có phải Thường và Ngã ngay trong Vô thường, Vô ngã đó không?
Bất chợt, những ngụm trà thơm đầu ngày, thấm vào cơ thể, dẫn tâm hành giả liên đới quán chiếu về một giòng sông nào đang trôi chảy.
Phải. Cơ thể ta cũng như một giòng sông. Mỗi tế bào trong đó là một giọt nước. Muôn giọt nước tế bào đó luôn xô đẩy nhau không ngừng, trong tiến trình tăng trưởng và biến diệt. Suốt tiến trình đó, tuy lặng thầm nhưng ta luôn cảm nhận được những biến chuyển.
Đó là nhờ cảm thọ, là giòng sông thứ hai, luân lưu trong giòng sông cơ thể. Ở giòng sông cảm thọ, mỗi cảm giác cũng là một giọt nước và muôn giọt nước đó cũng xô đẩy nhau không ngừng trong những trạng huống hỷ, nộ, ái, ố, còn, mất, đầy, vơi … v…v… Chúng cũng luôn biến diệt.
Quán chiếu như thế trên giòng sông cơ thể và giòng sông cảm thọ, hành giả đều không thấy gì là thường và ngã vì bản chất của muôn giọt nước ở hai giòng sông đó luôn thay đổi, biến diệt.
Vậy, phải có giòng sông nào khác, mới đang nhận biết bản chất vô thường, vô ngã của hai giòng sông trên?
Ồ, đó là Tri Giác, là giòng sông thứ ba. Giòng sông này len lỏi giữa giòng sông cơ thể và giòng sông cảm thọ để nhận diện, để thấy biết bản chất của hai giòng sông trên. Tuy mỗi giọt nước trong giòng sông tri giác cũng xô đẩy, cũng ảnh hưởng lẫn nhau trên đường tăng trưởng và hoại diệt nhưng mỗi giọt nước đều biết rằng chúng phải vận dụng trí huệ để đi tìm ánh mặt trời.
Ánh mặt trời đó là chánh niệm. Đem chánh niệm sáng rỡ soi vào bản chất của giòng sông cơ thể và giòng sông cảm thọ sẽ nhìn ra lý duyên sinh vô ngã, vượt khỏi khái niệm về không gian và thời gian, vì không hẳn nhân có trước mới có quả.
Như Mẹ và Con. Làm sao được là mẹ, nếu không có con? Bởi vì, phút con chào đời mới có người được gọi là mẹ. Bởi vì khi con bắt đầu tượng hình trong mẹ, thì con đã mang đủ chất liệu của mẹ rồi. Nên Mẹ và Con chung sinh, là co-arising, là nương vào nhau, có mặt một lần.
Giòng sông tri giác đang nhắc nhở hành giả, đây là ý niệm Duyên Khởi trong kinh Hoa Nghiêm.
Tri giác chính xác thì thực tại hiển lộ; Tri giác sai lầm thì thực tại lặn chìm. Cho nên, giòng sông tri giác là người dẫn đường. Luẩn quẩn tà đạo thì mãi chìm đắm trong vô minh; Tìm ra chánh đạo sẽ thấy vạn hữu bao la với ta là một.
Trong vạn hữu có ta. Trong ta có vạn hữu. Ta chưa từng và không thể tách rời với vạn hữu vốn bao gồm phong, thủy, hỏa, thổ, mặt trăng, mặt trời …. là những gì chỉ ẩn, hiện, luân chuyển, mà chưa từng sinh diệt.
Thân tứ đại cũng do đất, nước, gió, lửa mà thành. Vậy thân này có sinh diệt không, khi cũng cùng bản chất với vạn hữu?
Giòng sông tri giác đang đi vào Kinh #300 Tạp A Hàm để cất lời:
“Nhược thử hữu tức bỉ hữu
Nhược thử vô tức bỉ vô
Nhược thử sinh tức bỉ sinh
Nhược thử diệt tức bỉ diệt”
Cái này có mặt nên cái kia có mặt. Tất cả nằm trong một. Một trong tất cả. Quảng hiệp tự tại vô ngại. Tưởng chỉ cái lớn chứa cái nhỏ; nhưng thực chất, cái nhỏ cũng có thể ôm trọn cái lớn vì cái nhỏ đã hợp vào cái lớn. Như hạt cải trong mặt trời. Như vỏ ốc chứa đại dương.
Quán chiếu tới đây, hành giả đứng lên, ngước nhìn bầu trời đang chuyển mây xám. Đã lâu, nơi này vắng mưa. Ngụm trà cuối, bỗng ngân nga, buông lời trắc nghiệm:
Vầng mây xám,
Bay ngang Trời Kiếp Trước
Tìm cơn mưa buốt lạnh ở Đời Sau
Hạt lệ ai,
Có trong ngày mưa ấy?
Mà tử sinh nào,
Ta thất lạc nhau!
Không đâu! Chúng ta chưa từng thất lạc nhau, bởi chúng ta Đã Có Trong Nhau từ vô lượng kiếp.
Vạn hữu luôn chuyển hóa nên vô sinh bất diệt, như câu thư pháp trong thiền đường Xóm Mới “Les larmes que je versais hier, sont devenues pluie” (Giọt lệ tôi nhỏ xuống đêm qua, nay đã thành mưa) nên dư vị trong ngụm trà cuối bèn mỉm cười:
Vầng mây xám,
Bay ngang Trời Kiếp Trước
Tìm cơn mưa buốt lạnh ở Đời sau
Hạt lệ ai,
Dẫu trong ngày mưa ấy
Không tử sinh nào,
Thất lạc được nhau.
(Tào Khê Tịnh Thất – mưa đầu mùa 20 tháng 11, 2019)
Discussion about this post