SƯ HỘ NGUYÊN
Tiểu Lục Thần Phong
Tuyết đổ ba ngày liền, trời đất trắng xóa, hơi lạnh như thấm vào từng tế bào tưởng chừng như đông cả máu. Muôn vật trên mặt đất chìm trong màn tuyết tinh khôi, không còn phân biệt được đâu là đường đi, đâu là đất bằng hay mặt nước…Mấy tuần nay không một bóng người lai vãng, chùa laị không dự trữ thức ăn. Sư Hộ Nguyên thấy đói và lạnh buốt, mặc dù tập trung hơi thở để nhập thiền và quán thân bất tịnh, quán lý vô thường… nhưng cái đói vẫn cứ cồn cào làm tán loạn cả tâm ý. Chỉ khi nào tuyết hết đổ thì lúc ấy mới có đàn na tín thí đến chùa dâng vật thực
Chùa vốn là ngôi nhà nhỏ và cũ kỹ, những máy sưởi cá nhân không nhằm nhò gì. Tượng bổn sư ngoài sân cũng ngập trong tuyết trắng, trong chánh điện leo lét ngọn đèn điện và hũ đèn cầy âm ỉ cháy. Sau giờ thiền tọa, sư pha bình trà ngồi độc ẩm ngắm tuyết bay bên ngoài cữa sổ, dòng tâm tư chợt hiện lên
Năm ấy thành đô mở cuộc hội thảo của các tông phái Phật giáo. Các đaị biểu lần lượt đọc tham luận và tham gia tranh luận rất sôi nổi. Người nào cũng biện minh cho mình là đúng chánh pháp. Người nào cũng đủ lý lẽ để biện bác cả, cuộc tranh luận có lúc trở nên gay gắt, hoà thượng Hạnh Tâm đăng đàn:
Chúng tôi rất linh động, đi đến đâu thì thích ứng với môi trường địa lý và văn hoá ở đấy. Hệ thống kinh điển phát triển cao độ, các vấn đề tánh không, bát nhã… đều thâm nhập và giải quyết rốt ráo. Hệ thống luận đã chú giải tường tận kinh điển, những lời Phật dạy, những huyền chỉ và huyền ký của đức Phật. Hệ thống luật cũng có những châm chước, thay đổi cho phù hợp với từng thời đaị, mỗi thời đaị có những vấn đề mới và khác nảy sinh. Phật pháp không rời thế gian pháp, vì vậy chúng tôi luôn thích ứng với mọi hoàn cảnh, đấy cũng là đặc tính của đạo Phật: khế cơ và khế lý. Chúng tôi không chấp chặt vào giáo điều. Chúng tôi hoàn toàn từ bỏ ăn thịt, nêu cao lòng từ bi, hiếu sinh, tôn trọng sự sống của muôn loài. Nếu một người nào đó tu thiền, tu quán chứng đắc này nọ, biết thâm sâu ngoại giới nội tâm…mà bảo rằng: Tôi ăn thịt vì không biết con vật bị giết, không nghe tiếng kêu bi thương, không thấy cảnh con vật bị xẻ thịt… quả là vô lý! Tam tịnh nhục là lúc ban đầu Phật chế ra để dẫn dụ mọi người từ từ tập bỏ dần thói quen ăn thịt, hoàn cảnh sau này đã thay đổi, nhận thức đã thay đổi mà vẫn khư khư chấp chặt ấy là cố chấp hay ngụy biện vậy! Việc khất thực cũng thế, khất thực là pháp đúng nhưng thích hợp với thời đaị nông nghiệp lạc hậu xa xưa. Ngaỳ nay không còn thích hợp vì xã hội đã quá văn minh, lựơng thực quá dồi dào, quốc độ quá mở rộng, không còn khu trú trong thành ấp, xóm làng…Có những quốc độ sa mạc mênh mông hay vùng tuyết bao la thì làm sao mà khất thực? bởi vậy nhà chùa dự trữ thức ăn là phù hợp chứ chẳng có gì phạm giới cả! Việc tụng kinh cũng thế, tuỳ theo quốc độ và văn hoá của mỗi vùng miền mà dùng ngôn ngữ của xứ ấy, không nhất thiết phải tụng bằng tiếng Pàli. Tiếng Pàli giờ còn mấy ai hiểu, nhất là đaị chúng, vả laị tụng tiếng địa phương hay tiếng Pàli thì có gì khác nhau? không lẽ tụng tiếng Pàli mới linh thiêng và cảm ứng hơn sao? Cái chính là hiểu và hành lời kinh chứ không phải ở phương tiện ngôn ngữ.
Kế tiếp sư Ajahn Chandara đọc tham luận
Lời Phật dạy năm xưa, chúng tôi cứ y như vậy mà hành. Kinh điểm không thể sửa đổi hay thêm bớt, dù chỉ là một chữ. Các bộ luận mãi sau này mới có, các bộ luật thì gần như giữ nguyên vẹn những gì mà đấng thiện thệ Sakyamuni Buddha đã tuyên nói, tuy vậy cũng có chút xíu thay đổi. Chúng tôi trung thành với cách trùng tụng như thời Thế Tôn còn tại thế, vẫn dùng tiếng Pàli. Các hệ kinh điển và luật khác, chúng tôi không chấp nhận. Chúng tôi không thể chấp nhận cho cái việc sửa đổi, thêm bớt trong kinh và luật rồi bảo rằng phương tiện. Chúng tôi vẫn giữ hạnh khất thực, trì trai đúng ngọ, có gì ăn nấy dù là rau cải hay thịt cá. Chúng tôi cũng không dự trữ thức ăn. Chúng tôi sống như hai ngàn năm trăm năm trước đức Gotama đã sống. Chúng tôi chỉ quy y và thờ duy nhất đấng thiên nhân sư Gotama. Các vị Phật và Bồ tát khác vốn không có trong kinh điển là sản phẩm sáng tạo của Phật giáo phát triển, điều này không có trong kinh điển Pàli. Vì vậy chúng tôi cũng không tin ở tổ, chỉ tin và y theo lời của đấng Gotama Arahanta mà thôi!
Mỗi vị đọc xong tham luận đều có tiếng vỗ tay tán thưởng cuả những người ngồi bên dưới. Sư Hộ Nguyên đứng dậy tán thán bài tham luận của sư Ajahn Chandara, ngài cũng thường phát nguyện giữ vững giới luật như thời nguyên thuỷ, không chấp nhận thay đổi dù cho hoàn cảnh có thay đổi thế nào đi nữa.
Dòng đời vẫn lặng lẽ trôi, xã hội thay đổi không ngừng, những chính thể lần lượt lập nên rồi lụn bại nhường chỗ cho chính thể khác, vận nước cũng thịnh suy trong từng giai đoạn… Dòng người di cư, vượt biên sang những vùng đất mới để mưu cầu tự do, sinh kế… Người ta ra đi mang theo bao ký ức trong tâm hồn, mang theo niềm tin làm chỗ dựa. Phật pháp theo dòng người ra đi mà hiện diện nơi đất mới. Sau một thời gian ổn định, họ lập chùa và cử người về cố quận thỉnh thầy sang. Đấy là cơ duyên và lý do mà sư Hộ Nguyên có mặt ở vùng đất tuyết này. Sư sang đây vẫn giữ nguyên luật như hồi còn ở quê nhà, ngày ăn một bữa, có gì ăn nấy, không trữ thức ăn, tụng kinh bằng tiếng Pàli…riêng việc khất thực dù sư không thay đổi nhưng cũng không sao làm được. Ở đây nhà cách nhà cả mấy dặm đường, tuyết mênh mông bao la, dân địa phương chưa biết đến Phật pháp thì nói gì đến đặt bát, ấy là chưa kể việc có nhiều người không thích, luật pháp và phong tục địa phương không cho phép…Bởi vậy mấy ngày nay chẳng có gì để ăn cả. Sáng nay sư ngồi uống trà sau buổi công phu, nhìn tuyết mà tâm tư chợt nhớ về việc tham luận năm nào. Bất chợt một mảng tuyết từ trên mái đổ xuống ào ào, sư giật mình quay về với thực tại, thì thầm:
-Có lẽ phải thay đổi thôi! Có lẽ ta đã cố chấp? với hoàn cảnh thực tại như thế này xem ra không thay đổi thì không được! hoặc là phải thay đổi để thích nghi, hoặc là chết trước khi việc tu học và hoằng pháp có kết quả! nếu chết thế này thì uổng quá, chẳng có ích lợi gì cho bản thân cũng như cho tha nhân.
Tuyết bay phơ phất ngoài hiên, bình trà nguội lạnh tự bao giờ. Sư laị châm thêm nước sôi vào, hai tay cầm chặt tách trà ấm mà lòng phân vân. Tâm sư chợt nảy ra so sánh:
– Thế các sư Tây Tạng vẫn ngồi trong hang đá trên núi tuyết thì sao? họ vẫn sống và hành trì khổ hạnh bao đời nay kia mà!
Tâm sư tự hỏi và tự trả lời luôn
– Đó là mật hạnh, là truyền thống của các cao tăng Tây Tạng. Mình không đủ sức chịu đựng băng giá và đói rét như họ. Nếu mình cứ noi theo thì sẽ chết trước khi chưa đạt được bước tiến nhỏ nào trên đường đạo.
Ngoài trời tuyết vẫn bay, gió thổi từng cơn rét đến ngưng đọng cả mây. Sư vào trong choàng thêm mấy lớp áo nữa mà dường như hơi lạnh vẫn có kẽ để len vào trong, hai dái tai và chóp mũi cứ tưởng như của ai chứ chẳng phải trên thân mình nữa. Sư lục lọi tủ bếp thì còn sót chút ít sữa bột mà hôm trước đàn na dâng cúng khi bị bệnh, lấy ra khuấy nước nóng mà uống cầm hơi.
Vào chủ nhật cuối tuần thì tuyết hết đổ, trời quang đãng, nắng chói chang trên tấm thảm tuyết bao la. Phật tử về chùa thật đông, mọi người mang theo thực phẩm để cúng dường khá nhiều. Có kẻ thưa với sư là họ không hiểu tiếng Pàli, dù cũng thuộc lòng vài bài kinh ngắn. Khoá lễ hôm ấy sư quyết định tụng bằng tiếng Việt với mọi người, sau buổi lễ sư nhờ người Phật tử thân cận chở đi siêu thị mua thêm thức ăn dự trữ vì đài khí tượng thông báo tuần tới tuyết sẽ đổ nhiều hơn.
Ất lăng thành, 11/2019
Discussion about this post