TẢN MẠN
SAU NHỮNG NGÀY THÁNG CÁCH LY THỜI COVID
Lương Nguyên Hiền
Cho đến giữa tháng tám năm 2020, tức là hơn 8 tháng trời kể cả trong đó có 3 tháng bị cách ly, loài người vẫn còn phải quay cuồng, điên đảo vì con vi khuẩn quái ác được gán cho đủ thứ tên đầy ấn tượng nào “Corona virus”, “SARS-CoV-2”, “virus Vũ Hán” hay một cái tên dài lòng thòng “virus viêm phổi chợ hải sản Vũ Hán”. Tính cho đến ngày 15.8.2020, trên toàn thế giới đã có hơn 21 triệu người bị lây nhiễm và 765.000 người bị tử vong, riêng ở Mỹ con vi khuẩn này đã gây nhiễm cho 5,3 triệu người và lấy đi hơn 168.000 sinh mạng. Không thể tưởng tượng được sự bành trướng quá nhanh của Covid, một ngày như ngày 15.8.2020 ở Mỹ trong vòng 24 tiếng đồng hồ có 55.000 người bị nhiễm dịch và 1.100 người bị chết. Nước Đức may mắn hơn và ít bị hơn so với một số các quốc gia khác. Với bản tính hay lo xa, tính toán chi li, làm việc tỉ mỉ, nên trong suốt mùa đại dịch này chỉ có 223.000 người bị nhiễm và khoảng 9.200 người bị tử vong. Theo viện thống kê YouGov thì đại đa số người Đức (54%) cho chuyện đeo khẩu trang là cần thiết và không đồng ý với việc bỏ cách ly quá sớm. Nhưng nhóm thiểu số còn lại không nghĩ như vậy, họ muốn sống tự do, thích đi du lịch và nhiều khi còn có thú vui đi biểu tình cho giãn gân, giãn cốt. Đầu tháng 8, hơn hai chục ngàn người rầm rộ biểu tình ở Berlin và ở các thành phố lớn khác trên nước Đức cũng đông đảo không kém. Họ xuống đường với khẩu hiệu ”Ngày của tự do” (Tag der Freiheit) để chống cách ly, đòi quyền sống tự do, tự do đi lại mà không bị hạn chế, tự do ăn uống ở nhà hàng mà không phải ngồi cách xa 1,5 m, tự do không đeo khẩu trang vì làm khó thở, được sống như cái thủa loài người chưa biết mặt mũi con vi khuẩn xuất phát từ chợ bán thú rừng tươi ở Vũ Hán ra sao. Họ xuống đường như đi xem hội, vai kề vai, cánh sát cánh và phần đông không đeo khẩu trang. Đi biểu tình đòi chính phủ không được bắt người dân đeo khẩu trang mà mình lại đeo vì sợ nhiễm dịch thì không “logic” chút nào. Nhưng mà nếu như thế, thì những cuộc xuống đường này ở Đức đã vô tình tạo ra một môi trường rất lý tưởng cho vi khuẩn Corona bành trướng.
Môi trường thứ hai cũng không kém phần hấp dẫn để cho đại dịch bùng nổ, đó là đi du lịch. Đi du lịch có thể nói là một trong những “thú đam mê” lớn nhất của người Đức. Người Đức đứng hạng thứ ba thế giới về số người đi du lịch ở ngoại quốc sau Mỹ và Trung Hoa, đừng quên là Đức chỉ có 83 triệu dân, trong khi Mỹ có 328 triệu dân và đông nhất vẫn là Trung Quốc với 1,4 tỉ dân tức là gấp 17 lần so với dân số Đức. Trong năm 2019 có đến 70,8 triệu người Đức đi du lịch và chi ra một số tiền không nhỏ là 70 tỷ Euro cho thú đam mê của họ [1]. Sau nhiều tháng bị cách ly, con người đâm thèm đi chơi, thèm gặp bạn bè, thèm nằm bãi biển phơi nắng ấm,v.v.. và nhất là mùa nghỉ hè của học sinh lại sắp tới. Chính phủ Đức cũng nhức đầu vì không cho thì cũng không được mà cho thì sợ dịch Covid sẽ có cơ hội bùng phát trở lại. Cuối cùng thì bà thủ tướng Đức Merkel cũng phải thuận lòng dân, hợp ý trời mà gật đầu nới lỏng cách ly nhưng không quên nhắc nhở mọi người về quy tắc AHA (Abstand: Khoảng cách, Hygiene: Vệ sinh, Alltagsmaske: Khẩu trang). Quy tắc AHA có 3 điều cần làm: giữ khoảng cách tối thiểu giữa người với người là 1,5 m, giữ vệ sinh là thường xuyên rửa tay, ho và sổ mũi che đúng cách, cuối cùng không quên đeo khẩu trang. Nhắc nhở là một chuyện trên lý thuyết còn giữ được hay không là chuyện khác, chuyện trên thực tế. Lấy thí dụ Mallorca là hòn đảo ở Tây Ban Nha mà dân Đức rất thích tới. Ngay tuần đầu tiên sau cách ly, dân Đức đã tràn qua nghỉ hè, bãi biển đông nghẹt người, phố xá nhộn nhịp và các nhà hàng, quán nước ăn uống linh đình, vui vẻ. Một số quán rượu, quán bar sau đó đã bị đóng vì đã mở cửa thâu đêm, suốt sáng cho dân nhậu mà trong suốt thời gian cách ly họ đã trở thành dân cai rượu bất đắc dĩ. Cái khổ của dân nhậu là làm sao giữ được quy tắc AHA, đeo khẩu trang thì làm sao uống rượu, khi rượu vào lời ra làm sao giữ được khoảng cách 1,5 m với bạn nhậu, rồi sau vài ba ly bia làm sao mà nhớ rửa tay giữ vệ sinh. Và cứ như thế người vui, thì Corona cũng vui lây. Mở cửa có mấy tháng cho du khách, Mallorca có nguy cơ biến thành ổ dịch vì người bị nhiễm tăng lên một cách không kiểm soát được. Không chỉ có hòn đảo Mallorca mà cả nước Tây Ba Nha cũng bị bộ ngoại giao Đức đánh giá là khu vực “không an toàn”. Ở Đức cũng không khá hơn, các bãi tắm ở biển Bắc (Nordsee) và biển Đông (Ostsee) đều đầy người đến nỗi phải mời du khách đi chỗ khác. Người và người nằm sát nhau như cá hộp trên bãi biển, Corona chỉ cần nhẩy một bước là có thân chủ mới.
Biển Đông (Ostsee) nước Đức đầy người sau thời gian cách ly (Ảnh ARD)
Lẽ dĩ nhiên kỹ nghệ du lịch cũng như nền kinh tế một quốc gia cần được vực dậy sau mấy tháng trời đóng băng, nhưng nếu chính phủ không kiểm soát chặt chẽ và thiếu sự ý thức của người dân, thì sẽ gây nên một thảm họa. Đó là sự trở về của dịch Covid. Sau 3 tháng cách ly, số người bị nhiễm dịch ở Đức giảm thấy rõ, từ 6.000 người/một ngày vào đầu tháng 4, qua tháng 6 có ngày chỉ còn lại chưa đến 200 người/một ngày. Nhưng sau vài cuộc xuống đường đòi tự do, sau những cuộc tụ họp vui chơi quá trớn, sau những chuyến đi du lịch dài “cho biết đó biết đây”, vào ngày 20.8.2020 số người bị nhiễm ở Đức tăng lên đáng ngại hơn 1.700 người/một ngày. Theo RKI (Viện Robert Koch) đây là con số cao nhất kể từ cuối tháng tư đến giờ [2]. Có điều chắc chắn, dịch Covid sẽ không dừng ở lại con số đó và nhất là khi mùa thu trở lại, nhiệt độ giảm thấp, là lúc Corona có cơ hội bùng phát. Chính phủ Đức lo xa đã bắt đầu sửa soạn để đón “làn sóng Corona đợt hai”.
Covid làm con người đổi thay
Dù không gây thảm khốc cho loài người như bệnh dịch hạch ở thế kỷ 14, chết 25 triệu người, khoảng 1/3 dân số châu Âu thời đó. Nhưng đại dịch Covid-19 xuất phát từ con virus ở Vũ Hán đã làm thay đổi con người rất nhiều từ ăn uống, làm việc, đi lại, buôn bán, phong tục tập quán và ngay cả sự suy nghĩ nữa. Có những phong tục tập quán tưởng như đã bám rễ, ăn sâu vào con người, thế mà chỉ cần một thời gian ngắn, chưa đầy 3 tháng, Covid đã bắt con người phải dứt bỏ những thói quen cố hữu của mình không thương tiếc. Điển hình là người Pháp có một thói quen là biểu lộ sự cảm xúc của mình qua ngôn ngữ cơ thể. Họ chào hỏi nhau qua phong cách “faire la bise” (tạm dịch là “trao một nụ hôn”), gặp nhau là ôm nhau hôn lấy hôn để, dù chỉ là hôn gió. Nhưng từ ngày Covid xuất hiện, người Pháp đã phải bỏ thói quen “faire la bise” lâu đời của họ, gặp nhau họ đứng xa xa vì sợ lây nhiễm, rồi dơ tay dơ chân tỏ bày nỗi hân hoan thay vì sáp lại gần, giống như triết lý “Kính nhi viễn chi” của Trung Hoa, càng kính trọng người nào đó thì càng phải đứng xa chiêm ngưỡng, lại gần sợ mất đi niềm kính trọng. Mà kiểu “viễn chi” này còn làm con người thay đổi trong nhiều khía cạnh khác nữa như thay vì tới văn phòng thì làm việc tại nhà Homeoffice, thay vì đi tới trường học thì các em học tại nhà Homeschooling, thay vì đi shopping ở các siêu thị thì các bà mua bán tại nhà Homeshopping,… Nghĩa là tất cả mọi việc đều nhìn từ xa, làm từ xa và điểu khiển từ xa qua hình thức trực tuyến.
Từ khi đại dịch bùng phát, nhiều công ty lớn lẫn nhỏ bắt buộc phải cho nhân viên làm việc tại nhà (Homeoffice) để ngăn chặn sự lây lan của Covid. Lúc đầu, tất cả các mọi người đều háo hức vì không phải đi đi về về đâm ra tiết kiệm được thời gian, vợ chồng con cái có nhiều thời gian cho nhau hơn, được ăn uống nấu nướng ở nhà không phải ăn ở căn tin (canteen) vừa đắt lại dư đường, dư muối, dư mỡ và nhất là không phải thường xuyên gặp chef khó tính hay phải nhìn đồng nghiệp mình không ưa mỗi ngày, cộng thêm muôn vàn tiện lợi khác. Nhưng cuộc đời luôn là “đồng tiền hai mặt”, có trắng thì có đen, có tốt thì có xấu và chỉ có chúng ta, là những con người trần tục không muốn chấp nhận điều đó. Làm việc ở nhà cũng có cái khó khăn của nó, không có một khung giờ làm việc rõ ràng, không có một không gian cố định để dứt ra khỏi công việc. Và sự chuyển đổi đột ngột từ văn phòng về nhà cũng đòi hỏi sự cố gắng làm quen. Sự đơn độc trong thời gian làm việc ở nhà có thể dẫn tới sự căng thẳng tinh thần và làm ảnh hưởng tới sự tập trung công việc. Đưa đến hậu quả là làm việc kém năng xuất rồi đẩy đến tình trạng làm việc quá độ để bù đắp lại thiếu sót.
Sống cách ly một thời gian, không có không gian sinh hoạt xã hội, con người phải thích nghi vào thời đại dịch. Khi ngoài đường phố, các quán ăn đóng cửa, vợ chồng phải lăn vào bếp để nấu cho nhau ăn, đâm ra vừa lành mạnh lại vừa ngon miệng. “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon” nói lên được cái hạnh phúc của một gia đình trong hoàn cảnh mới. Nhưng nó cũng có mặt trái của nó, vợ chồng con cái nhìn nhau 24 tiếng đồng hồ không phải chỉ có mấy tuần lễ mà mấy tháng trời liên tiếp đâm ra có vấn đề, nhiều khi đưa đến tình trạng cơm không lành canh không ngọt và cuối cùng là bể bát bể chén. Bởi họ chưa quen hay chưa được sửa soạn tâm lý để “năng tương ngộ” với nhau lâu như thế và nhiều như thế. Còn những nhân viên nào độc thân vui tính, làm việc ở nhà một thời gian dài đâm nhớ chef, nhớ đồng nghiệp. Họ thấy thiếu cái không khí của đám đông, thiếu tiếng cười, thiếu buổi tán ngẫu với đồng nghiệp trong giờ nghỉ trưa, suốt ngày một mình một bóng, cô thân chích ảnh, không có ai để chia sẻ ngoài bốn vách tường câm. Làm việc đơn độc như thế, độc thân thì vẫn độc thân nhưng vui tính thì sẽ bị hao mòn theo ngày tháng, dễ đưa đến nhẹ thì trầm cảm, nặng thì bệnh tâm thần.
Tính tình con người thay đổi theo hoàn cảnh, sẽ quen sống trong môi trường đơn độc, không tiếp xúc với người khác, như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết “những hẹn hò từ nay khép lại” và cũng từ nay tất cả đều qua trực tuyến, không có cái tay bắt mặt mừng nồng ấm của hai người quen gặp lại nhau hay cái “faire la bise” dễ thương làm sao của người Pháp thời trước khi Covid xuất hiện. Rồi cái xã hội của chúng ta đang ở cũng như vậy, cũng bị “cuốn theo chiều gió”, các hàng quán, trung tâm tập thể thao Gym, rạp chiếu phim,… cũng thi nhau mà đóng cửa. Không ai mua làm sao bán, không có khách hàng làm sao mở vì mọi người đã “lỡ” quen mua bán qua trực tuyến mất rồi, chỉ có các doanh nghiệp như Amazon, Zalando,… ở thời đại dịch nhờ bán trực tuyến mà giàu to. Nếu cứ như thế tiếp tục, trung tâm thương mại trong tương lai chỉ còn là trung tâm thương mại ảo với không gian 3 chiều trên ipad, rạp chiếu phim cũng thành ảo, khán giả có thể coi phim của Netflix trên chiếc iphone tân tiến của mình. Nếu hứng tình muốn rủ bạn bè đi ăn, đi uống cũng không biết đi đâu vì thời đại mới chỉ toàn là ảo, không có thật, quán ăn đầu ngõ đã đóng cửa từ lâu, quán uống nước cuối đường cũng đã bị thời cuộc đào thải mất rồi. Chỉ còn cách rủ bạn bè uống bia, tán dóc nhưng nhà ai nấy ở, rượu ai nấy uống, nói chuyện qua Zoom Meeting cũng vui chán. Nó được cái tiện nếu lỡ uống quá chén thì lăn ra giường ngủ, không sợ cảnh sát phạt vì không phải lái xe về nhà. Trường trung học, trường đại học cũng biến thành ảo, học trò ngồi ở nhà học qua Google Classroom. Rồi đến trả bài, làm bài cũng qua “hội nghị truyền hình” (Video conference). Tất cả đều là “thực tế ảo” (virtual reality), tất cả có thể biến thành “ảo” được, nhưng một cái mà không thể thay thế được, đó là tình cảm bạn bè thân thiết phát sinh ra qua những lúc nô đùa, chơi giỡn, bá vai quàng cổ, gần gũi nhau. Tôi vẫn không quên được mấy đứa bạn đã chia sẻ với tôi từ hòn bi, cái ná ở cái thủa mài đũng quần thâm trên ghế nhà trường. Con người sống trong đơn côi, bạn bè không gặp nhau, con cái không tới thăm cha mẹ, ông bà không được gần con cháu vì sợ lây nhiễm, tâm hồn trở nên khô khan, tình cảm trở nên thiếu hụt, dễ biến thành một con người máy Robot, chỉ biết tuân lệnh và làm việc không biết mỏi mệt. Tôi còn nhớ phim “Factory Machine-Moderne Times” của Charlie Charplin đóng vào năm 1936, tình cảm con người bị máy móc nghiền nát, lúc nào cũng sợ sệt, cũng chạy theo thời gian. Còn bây giờ ở thế giới “thực tế ảo”, con người sẽ đi về đâu khi tâm hồn là vùng đất khô cằn cỏ dại? Có câu hỏi, nhưng tôi chưa có câu trả lời. Cũng có thể tại tôi cũng chưa muốn có câu trả lời vì nó dễ làm tôi thất vọng.
Cuối cùng
Trong một thế giới toàn cầu, con người xích lại gần nhau hơn bao giờ hết nhờ những phương tiện giao thông càng ngày càng nhanh chóng, tiện nghi, tạo cho sự di chuyển từ nơi này qua nơi khác thật dễ dàng. Nhưng cũng chính sự toàn cầu hóa này đã là nguyên nhân mang con virus Corona phát tán đi khắp nơi. Nó theo bước chân loài người len lỏi tới khắp mọi hang cùng ngõ hẻm, gần như không chừa một quốc gia nào. Sự “toàn cầu hóa Covid” đã thay đổi bộ mặt thế giới, người ta dựng lên hàng rào biên giới để găn chặn và kiểm soát đại dịch, sự giao thông giữa các quốc gia với nhau do đó mà bị khựng lại. Đưa đến tình trạng gia tăng tiến trình “địa phương hóa” thay vì “toàn cầu hóa”. Hậu quả là sự toàn cầu hóa bị đình trệ, kinh tế đi xuống. Một số nghành như hàng không, hàng hải, du lịch,… đều bị ảnh hưởng nặng. Số công ty trên thế giới bị phá sản đạt kỷ lục [3]. Nạn thất nghiệp theo đó mà gia tăng, cuộc sống trở nên khó khăn và bấp bênh với nhiều nỗi lo âu, lo bị lây nhiễm, lo thất nhiệp và thêm vào đó khẩu trang đã thành vật bất ly thân, khoảng cách 2 m là rào cản con người lại gần nhau. Cuộc sống “hậu Covid” sẽ không trở lại bình thường như trước đó, có thể chúng ta sẽ phải chấp nhận sự hiện diện của virus Corona trong cuộc sống hàng ngày như bao nhiêu con virus khác. Nhưng nếu bình tâm nghĩ lại, đại dịch là một cơ hội để chúng ta đổi thay. Covid cũng có thể là một tiếng gọi, một lời cảnh báo chúng ta đã đi quá xa, đã vượt quá giới hạn của con người. Đây là một cơ hội để chúng ta chuyển hóa, dừng lại đúng lúc. Dừng lại để có nhiều thời gian hơn cho chính mình, cho gia đình, gìn giữ sự quân bình sinh thái, bảo vệ môi trường sống của động vật và bớt tàn phá thiên nhiên. Được như thế sẽ bớt đi bóng đêm phủ kín vây quanh với nỗi lo âu, sợ hãi do virus Corona mang tới và mỗi buổi sáng thức dậy ta có thêm một ngày để yêu thương:
Cám ơn đời mỗi sáng mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương [4]
Tháng tám 2020
Lương Nguyên Hiền
Tài liệu:
[1] statista.de, Lena Graefe, 07.08.2020: Statistiken zum Reiseverhalten der Deutschen
[2] N-TV, 20.8.2020: Höchstwert seit Ende April- RKI meldet mehr als 1700 Neuinfektionen
[3] it-business.de, Sarah Gandorfer, 22.07.2020: Weltweite Insolvenzen steigen auf Rekordhöhe
[4] Thơ của Kahlil Gribran xứ Liban trong tập thơ Nhà tiên tri (The Prophet), Nguyễn Nhật Ánh dịch.
.
Discussion about this post