SAO NGÀY TẾT THỜI GIAN TRÔI QUA NHANH?
THÍCH TÁNH TUỆ
Mới đó mà hôm nay đã hết mùng 7 Tết rồi, một năm chỉ có ba ngày Tết, thế mà thoáng một cái thì Tết đã .. phai. Nhiều người cũng thắc mắc, là tại sao ngày Tết thời gian trôi qua có vẻ nhanh hơn ngày thường?
Thật ra thì ngày Tết thời gian cũng trôi như ngày thường thôi, cũng đều 24 giờ cả. Chỉ có điều vào thời gian ngày Tết, đa phần chúng ta cảm thấy rất hạnh phúc, vì được ăn những món ngon, được gặp gỡ gia đình, người thân quyến thuộc, bạn bè…. sau những ngày tháng xa cách. Khi vui hạnh phúc như vậy, chúng ta sẽ thấy thời gian nó quá ít, ước gì kéo dài thêm, để được vui nhiều hơn nữa. Nhưng đâu có được, thời gian thì cứ không ngừng trôi qua, hết mấy ngày nghỉ Tết là chúng ta phải trở lại với công việc, phải đối diện với nhiều sự mệt mỏi, phiền não. Chính vì thế mà chúng ta rất quý thời gian hạnh phúc ngày Tết, nên cảm thấy chúng trở nên ngắn ngủi.
Lẽ thường khi đang trong tâm trạng hạnh phúc ta sẽ thấy thời gian quá ngắn. Nhưng ngược lại, nếu ta phải ở trong một hoàn cảnh rất khốn khổ, như bị nhốt trong lao tù còn bị đánh đập chẳng hạn, thì mỗi ngày trôi qua trở nên rất dài. 24 giờ đồng hồ mà chúng ta cứ nghĩ rằng, nó như là 24 tuần, 24 tháng…”Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” là thế!
Vì vậy với những bậc thực sự có trí tuệ trong tu hành, thì các Ngài không nắm bắt vào các khoảnh khắc thời gian nào cả, họ sống với cái ”Tâm vô trụ”. Không có cái khoảng thời gian nào gọi là vui, cũng không có cái khoảng thời gian nào gọi là buồn khổ, tâm cực kỳ tĩnh lặng, thấy tất cả mọi thứ nó vốn như đang là, mà không có sự đắm nhiễm, hay nắm bắt, dính mắc.
Còn đa phần những người phàm phu như chúng ta đây, thì thường có tâm đắm nhiễm. Điều gì ưa thích, thì muốn nắm lấy, giữ lại – Điều gì không thích thì xua đuổi, tránh né, chán nản hay buồn bực. .. Ưa thích là biểu hiện của tâm tham, không ưa thích, xua đuổi là phản ứng cuả tâm sân.. Cuộc đời là lấy Tham Sân đắp đổi làm lẽ sống, nên chúng ta sẽ thấy tâm Phàm và tâm Thánh phân biệt ở cái điểm này rất rõ.
Do vậy khi tu hành, chúng ta hãy nên tập bình thường trước mọi thứ, hãy để cho cái tâm bình thường không quá vui khi hạnh phúc, và cũng không quá đau khổ khi gặp những chướng duyên, nghịch cảnh. Và nhớ rằng khi ta vui với cái Có bao nhiêu thì chắc chắn ta sẽ buồn với cái Không bấy nhiêu.
Hãy để cho cái tâm chánh niệm tỉnh giác, nhìn rõ mọi thứ nó vốn là như thế, nhưng tâm không có can thiệp vào để chiếm giữ, nắm bắt hay muốn sở hữu. Khi tu tập được như thế, thì các vị sẽ thấy thời gian ngày Tết cũng giống như thời gian ngày thường thôi, chứ không có khác biệt gì mấy.
– Thật ra thì mùa Xuân nào cũng thế thôi, nhưng người ta vẫn hay hát: ”Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa” là bởi vì người ta có cảm tưởng rằng thời gian của những ngày Xuân xưa dài hơn Xuân này, còn Xuân này sao ngắn ngủi quá..
Với Nhà Thiền thì 2 câu thơ :
” Đừng tưởng Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai..” (TS Mãn Giác)
đã nói lên cảnh giới mùa Xuân vượt thời gian của người tu hành.
Cành mai đó là ẩn dụ của Tâm Xuân- Một cõi Tâm Xuân thường tại bất biến giữa thế giới vô thường…
NHỮNG GÌ LUÔN ĐẸP NHẤT.
Ánh mắt đẹp nhất là luôn nhìn mọi người chan chứa lòng từ bi .
Trái tim khoẻ nhất là có khả năng bao dung tất cả dù người đó là ai.
Bàn tay đẹp nhất là không ngại khó khăn , gian khổ để giúp người khác xây dựng lại những gì đã đổ vỡ .
Bàn chân đẹp nhất là luôn bước được những bước chân an lạc , tự do trong mọi hoàn cảnh .
Cái mũi đẹp nhất là có khả năng thở vào làm tĩnh lặng thân tâm .
Thở ra buông bỏ tất cả mọi lo lắng , giận hờn , trách móc , ganh ghét .
Thế ngồi đẹp nhất là luôn ngồi vững chãi , bình thản trước những thành bại , được mất , hơn thua .
Miệng đẹp nhất là luôn nói những lời giúp mọi người hiểu nhau , thương nhau hơn .
Ngôi nhà đẹp nhất vì nơi ấy luôn ấm áp tình gia đình.
Ngôi chùa đẹp nhất chính là.. nội tâm ta luôn trong sáng.
Namo Buddhaya
Thích Tánh Tuệ
Discussion about this post