PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
Với Vấn Đề Xã Hội Hóa
Trong Lãnh Vực Kinh Tế, Giáo Dục, Từ Thiện Xã Hội
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
(Bài tham luận cho Hội
thảo khoa học với chủ đề: “Phật giáo Nguyên thủy
trong kỷ nguyên toàn cầu hóa” do trường
ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP.HCM và viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại TP. HCM tổ chức vào
ngày 18/01/2014).
“Xã hội hóa” là một thuật ngữ nghe ra
khá dễ hiểu, nhưng không phải ai cũng nắm bắt đúng ngữ nghĩa nội hàm của nó. Vì
cũng chính vì khá dễ hiểu nên ai cũng tưởng rằng mình sử dụng đúng, triển khai
đúng. Rồi cũng từ đó, thêm cái thói quen lý luận, diễn giảng tùy theo công việc
chuyên môn sai khác của các tổ chức mà khái niệm bản chất ban đầu bị lệch
chiều, biến tướng, biến dụng cho phù hợp với quan điểm của riêng mình. Rất
nhiều trí thức, học giả, nhà nghiên cứu có tri thức đạo đức, có tâm huyết, họ
đều đi từ cái căn nguyên, cái cốt lõi hoặc từ khái niệm gốc, sau đó mới phanh
lần ra cành, nhánh, ngọn của vấn đề.
Bài viết này, trong
chừng mực nào đó, tôi sẽ cố gắng đi theo chiều hướng trên. Vậy, trong nội dung
bài viết này, tôi tạm khởi thảo như sau:
– Truy nguyên thuật ngữ
xã hội hóa, và xã hội hóa là gì?
– Tư tưởng “chính thống”của Phật giáo Nguyên
thủy.
– Phật giáo Nguyên thủy
với vấn đề xã hội hóa trong các lãnh vực tương thuộc.
I- Truy nguyên thuật ngữ
“xã hội hóa”:
Thuật ngữ “xã hội hóa” ở nước ta được nở rộ
trong những thời gian gần đây, nhất là khởi từ Nghị định số 69/2008/ NĐ-CP của
Chính phủ “Về chính sách xã hội hóa đối với các hoạt động
trong lãnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường” được ban hành ngày
30/5/2008. Tuy nhiên, chỉ sau mấy năm, cả nước rầm rộ “xã hội hóa” hầu như là trong tất
thảy mọi lãnh vực, chẳng rõ đúng sai thế nào mà GS. Tương Lai đã phải kêu gọi
mọi người nên lưu tâm: “Cần phải được minh định một cách chính
xác và nghiêm cẩn để tránh sự vận dụng một cách tùy tiện và khiên cưỡng”. (1) Và, GS. Bùi Trọng Liễu cũng
thốt lên, “ngạc nhiên về cụm từ xã hội hóa người ta có thể
hiểu ngược lại”. (2) Rồi GS. họ Bùi đã
định nghĩa khái quát cụm từ này, với nghĩa “tập thể hóa” hay đặt dưới “chế độ cộng đồng”. (3) Chư vị giáo sư đã quan
tâm như vậy là có tinh thần trách nhiệm của bậc thức giả, nhưng theo tôi thì
Dr. Bùi Hoài Sơn lại cho ta một quan điểm dường như là gần với cái gốc của
thuật ngữ hơn: “Xã hội hóa là một quá trình thông qua đó con
người hình thành nên tính cách của mình, học được cách ứng xử trong một xã hội
hay một nhóm. (4) Cũng theo nhà
nghiên cứu trẻ này, xã hội hóa cũng được xem là sự chuyển
giao văn hóa giữa các thế hệ, và là cách thức mà các cá nhân trở thành thành
viên của một xã hội… Gần như đồng với kiến giải trên, Bách
khoa toàn thư mở Wikipedia cũng ghi:“Xã
hội hóa là một khái niệm của nhân loại học và xã hội học được định
nghĩa là một quá trình tương tác xã hội kéo dài suốt đời qua đó cá nhân
phát triển khả năng con người và học hỏi
các mẫu văn hóa của mình…Và nếu như vậy thì chúng ta lại bắt gặp nội dung tương tự
trong cuộc tranh luận của các triết gia Cổ đại Hy Lạp thời chế độ đại tộc về đề
tài “Triết lý giáo dục ở Athens – từ xã hội hóa đến giáo dục”. Ở đây, họ đi đến kết
luận, đại ý rằng: “Là quá trình qua đó một đứa trẻ tiếp thu cách suy nghĩ,
cảm nhận, hành xử, sinh hoạt… của ông cha và kẻ xung quanh, để trở thành người
Hy Lạp trọn vẹn”. Là “Một thứ lý tưởng hiệp sĩ của một nhân
cách toàn vẹn. Nó tập hợp những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người, sự hoàn
hảo trong tính người, hay con người lý tưởng, cụ thể ở đây là những đức tính
quý tộc như ý thức trách nhiệm, danh dự, sự cường tráng, lòng dũng cảm…” (5)
Như vậy,
truy nguyên thuật ngữ “xã hội hóa”, ta thấy nó đi từ cái
gốc con người; con người phải hoàn bị nhân cách, hoàn thiện mọi đức tính khả
hữu để sống như là một con người có văn hóa trong giao tiếp, tương tác, ứng xử
với cộng đồng, xã hội.
II-
Tư tưởng “chính thống” của Phật giáo Nguyên thủy:
Văn hóa, tri thức của
một người là nội hàm tổng thể mọi đặc trưng có từ chủng tộc, địa dư, khí hậu,
tập quán, giáo dục… cộng với tính cách bẩm sinh của người ấy. Cũng vậy, đức
Phật xuất thân từ giống dòng thượng đẳng, hấp thụ nền giáo dục Vệ-đà thì những
tư tưởng thoát thai từ ngài, cũng không ra ngoài biệt lệ. Tuy nhiên, từ cơ sở
văn hóa, tri thức ban đầu ấy, coi như đã được trang bị tương đối đầy đủ, ngài
còn lên đường tìm kiếm, sáng tạo cái gì khác nữa. Cái mà ngài “giác ngộ” được, thuở ấy chưa từng
có; đồng thời, trên cơ sở nền tảng tư tưởng cũ, ngài thiết lập một hệ thống
giáo lý sáng tỏ và hợp lý hơn, logic hơn. Điều sáng giá và đặc thù ở đây là
ngài không nói bằng lý thuyết mà nói bằng kinh nghiệm tâm linh tu chứng. Ngài
chứng nghiệm, thấy sự thật như thế nào thì nói ra sự thật như vậy.
Rốt lại, những điểm đặc
trưng, cốt lõi của giáo pháp đức Phật có thể tóm tắt: “Tứ diệu đế: Là toàn bộ
nền tảng của giáo pháp, nó đầy đủ 12 nhân duyên, ngũ uẩn, nghĩa là đầy đủ 37
trợ đạo phẩm và Niết-bàn. Toàn bộ giáo pháp được xây dựng trên sự thật duyên
sinh vô ngã tính, rất phù hợp với khoa học vật lý hiện đại. Bác bỏ thần quyền,
siêu hình. Giải phóng con người từ tinh thần đến thể xác. Về thể xác: xóa bỏ
tình trạng người nô lệ người, đọa đày, quản thúc, ức chế, ức hiếp nhau. Về tinh
thần: Giải thoát mọi khổ đau, phiền não. Phẩm giá con người phải dựa trên tiêu
chuẩn đức hạnh chứ không phải do giai cấp, dòng dõi, tài sản, địa vị. Không sử
dụng các liệu pháp trấn an tâm lý mà trực diện với sự thật để giải quyết khổ
đau, phiền não; Chân lý, sự thật là tối thượng: “Ai thấy Pháp tức thấy Như Lai,
ai thấy Như Lai tức thấy Pháp”. Không nương tựa bất kỳ ai, mình là hòn đảo của
chính mình. Đức tin phải đi đôi với trí tuệ. Tương quan với cuộc đời phải thể
hiện bốn tâm vô lượng”.
Chính nhờ những tư tưởng
kỳ vĩ như vậy mới làm nên tầm vóc một bậc Toàn Giác, thông đạt, thấu rõ bản
chất của con người, của thế gian pháp. Ngài đã mở ra một trang sử mới, một chân
trời mới, giúp con người tự tin, tự do và tự chủ sáng hóa đời mình, không nô lệ
bất cứ một uy lực thần quyền, siêu nhiên nào.
Đến đây,
chúng ta thấy rằng, nếu ở phần I, về “xã hội hóa”, có khuynh hướng trở lại
cái gốc con người thì đạo Phật lại nhắm đến con người toàn diện, trọn vẹn, triệt
để hơn. Ở đây ta có thể sơ kết mà không ngại áp đặt, rằng: Con người giác ngộ
của Phật giáo rất tương thích với xã hội hóa; và cái gốc của xã hội hóa chính
là con người với đầy đủ mọi phẩm chất, tố chất của đạo đức như: Sáng suốt, định
tĩnh, trong lành, rộng lượng, bao dung, chân thật, hiền lành, vô tham, vô sân,
vô si và từ, bi, hỷ, xả…
III-
Phật giáo Nguyên thủy với vấn đề xã hội hóa:
Trước
sự phát triển không ngừng của khoa học, của thế giới phẳng, của chính phủ điện
tử, của công nghệ thông tin, nhân loại hiện đang đứng trước những thử thách
khắc nghiệt giữa hai giá trị tinh thần và vật chất. Nền văn minh đô thị đang
từng bước tăng tốc đến chóng mặt, đáp ứng tất thảy mọi nhu cầu hưởng thụ cần
yếu cho con người. Kinh tế phát triển chừng nào thì hiểm họa môi trường như
sóng thần, động đất, thiên tai, bão lụt và đau khổ, thống khổ càng tăng bội!
Chỉ số GDP của các nhà kinh tế đưa ra có vẻ hơi thiếu sót, bất cập; phải nên để
tâm, thiên trọng hạnh phúc đầu người hơn là những con số tính toán bình quân vật
chất lạnh lùng, vô cảm! Các giá trị tinh thần, cái mỹ học của nhân văn, nhân
bản phải được xem là bài toán giải nghiệm ưu tiên tối thượng trên các cuộc hội
nghị vuông tròn trên thế giới. Cũng cùng một trường lưu tư tưởng, như lời của
ông Irina Bokova, Tổng giám đốc Unesco trong bức thông điệp gởi đến đại lễ
Vesak Liên hiệp quốc lần thứ 8 tại Thái Lan: “Những giá trị cốt lõi
của đạo Phật là một gia sản có thể được chia sẻ trong các cuộc hội đàm về tất
cả những vấn nạn phức tạp mà nhân loại đang đối mặt ngày hôm nay. Những giá trị
này rất quan trọng cho sự thiết lập những xã hội lành mạnh mà ở đó cởi mở đối
với tính đa dạng và tạo nên tính phức hợp cao nhất”.
Nếu xã hội, văn hóa bản
sắc của dân tộc bị biến động, xáo trộn trước kỷ nguyên toàn cầu hóa thì Phật
giáo cũng y như thế. Những cơn lốc bão cuồng của vật chất đang thổi xoáy vào
các giá trị tinh thần thiêng liêng! Bản chất trong lành, thanh tịnh, dị giản
của đạo Phật nói chung và Phật giáo Nguyên thủy nói riêng, nơi này và nơi kia
đã và đang bị đe dọa, xâm hại. Đâu đó trên báo chí, trong vài cuộc hội nghị,
diễn đàn, người ta sợ Phật giáo bị tụt hậu, lạc hậu nên đã cổ súy, vận động;
rằng là Phật giáo cần phải hiện đại hóa, cần phải trang bị kiến thức khoa học,
cần phải kiến lập nhiều trường đại học, cần phải cải cách triết lý giáo dục thế
nào để bắt kịp với trào lưu tiên tiến. Những thao thức, trăn trở, nhiệt tình
như thế thật đáng trân trọng! Tuy nhiên, xin các bậc thức giả, trí giả giáo dục
Phật học hãy thận trọng, hãy dè chừng. Tại sao vậy? Vì việc cốt lõi, quan trọng
nhất là ta phải biết phân biệt đâu gốc, đâu ngọn, đâu là cái bản chất, đâu là
cái hiện tượng. Ta có thể “xã hội hóa” tất thảy mọi lãnh vực
như kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế, môi trường, từ thiện xã hội… khi ta đã
nắm vững cái gốc, cái bản chất, cái chủ thể văn hóa là con người, “con người giác ngộ sự
thật” với đầy đủ phẩm chất cao đẹp, tôn quý của nó,
nếu không sẽ giống như một hình nộm bước đi mà không có linh hồn hoặc mang một
linh hồn bệnh hoạn, khuyết tật.
Và các lãnh vực xã hội
hóa ấy như thế nào? Phật giáo Nguyên thủy có thể đóng góp gì trước kỷ nguyên
toàn cầu hóa, trước dòng chảy tất yếu của thời đại?
1- Về kinh tế và giáo
dục:
Với những phẩm chất, tố
chất của con người giác ngộ như đã lược dẫn ở phần II thì đạo Phật làm sao có thể
đi vào lãnh vực kinh doanh, kinh tế? Muốn làm ăn thành đạt trong xã hội thì
phải có “thật nhiều tiền”, có quyền, có thế, có mưu mô, thủ đoạn, lường gạt,
xảo trá, mánh khóe, mánh mung, xan tham mới khả dĩ! Một người cư sĩ thuần
thành, chỉ với mười nghiệp lành thôi (6) thì xen chân đứng chỗ
nào trong thế giới “thương trường như chiến trường?” Nói có ví dụ cụ thể hơn,
không sát sanh thì làm sao đánh bắt hải sản, đóng hộp tôm cá, chăn nuôi gia
súc, giết mổ động vật để bán cho thị trường trong và ngoài nước? Nếu không tham
lam thì lấy nguyên động lực ở đâu để cạnh tranh, để nỗ lực tiến đến những thành
đạt trong nay mai? Vậy, rõ ràng Phật giáo là rào cản cho sự tiến bộ và văn minh
vật chất của nhân loại rồi!
Tuy nhiên, đưa cái nhìn
đại cục, nới rộng biên độ hơn thì ta sẽ thấy: Nếu thế gian này biết
giữ giới không sát sanh thì làm gì có các cuộc chiến đẫm máu thời trung cổ, các
cuộc đại chiến thế giới và nạn chiến tranh, khủng bố xảy ra từ xưa đến nay? Nếu
không tham lam đất đai, tài nguyên thì làm gì có các cuộc chiến tranh xâm chiếm
thuộc địa? Nếu không tham lam địa vị, quyền lực, của cải, bạc tiền thì làm gì
có tham nhũng, hối lộ xảy ra tràn lan khắp nơi?
Như thế, chỉ mới không
sát sanh và không tham lam mà Phật giáo đã gián tiếp đóng góp một mô hình kinh
tế bền vững và làm nền tảng giáo dục cho mọi thời đại. Vậy đâu là tiểu lợi, đại
lợi? Đâu là kinh tế, giáo dục cục bộ và đâu là kinh tế, giáo dục đại toàn? Đấy
chỉ là hai câu hỏi tu từ, có phải thế không?
Ngày nay, các nước kinh
tế phát triển đã rút ra kinh nghiệm máu xương nên họ đã quay về bảo vệ môi
sinh, môi trường cùng văn hóa bản sắc. Họ đã lấy đạo đức, sự chân thật để tạo
thương hiệu tốt, cấy đức tin bền vững trong thế giới tiêu thụ. Quảng cáo lòe
bịp, giả dối sẽ không có chân đứng lâu dài. Sản phẩm thiếu chất lượng hoặc do
mưu mô, thủ đoạn sẽ không tồn tại trong các xã hội phát triển kinh tế bền vững.
Nói tóm lại, kinh tế,
đạo đức – kinh tế, giáo dục; cả hai là tương quan, liên hệ thiết cốt. Đến đây,
chúng ta thật sự ngạc nhiên là nhân loại đang lần hồi trở về với những lời dạy
cổ xưa của đức Phật.
1.1- Dành cho cận sự nam
nữ:
Phật giáo Nguyên thủy có
dạy cho cư sĩ tại gia về làm ăn kinh tế:“Của cải, tài sản có được do làm ăn,
buôn bán; chúng phải được tạo ra một cách chơn chánh, phù hợp với đạo đức, không
sử dụng bạo lực, áp bức, cưỡng chế người khác dù dưới bất cứ hình thức, danh
nghĩa nào. Phải biết lựa chọn nghề nghiệp an lành và vô hại để nuôi mạng sống
bản thân và gia đình; tức là phương tiện mưu sinh không được gian xảo, tà vạy,
không được gây đau khổ cho người khác, chúng sanh khác. Nói rõ hơn là phải biết
tránh xa năm loại nghề nghiệp được coi là tà mạng: Buôn bán vũ khí; nuôi và
buôn bán súc vật, giết mổ súc vật; buôn bán người, buôn bán nô lệ; buôn bán các
chất say như rượu, ma túy và thứ năm là buôn bán các độc chất, hóa chất”.
Và nếu làm được như thế,
đức Phật vẫn còn chê trách khi người Phật tử chìm đắm vào của cải, tài sản,
không biết trí túc và không lo phần tu tập, phát triển những giá trị tinh thần.
Trong kinh Phúc lành (Maṇgala Sutta), đức Phật có dạy người cư
sĩ rất chu đáo, cặn kẽ, cụ thể hơn về đạo đức bản thân, về những đức tính, phẩm
chất cần thiết, về giao tiếp, ứng xử, về san sẻ của cải, về bổn phận ở đời:“Không
nên gần gũi kẻ xấu ác, nên thân cận người trí hiền, lựa chọn chỗ ở thích hợp,
luôn hướng đến đời sống chơn chánh, siêng năng học hỏi, trau dồi kiến thức, tu
dưỡng nghề nghiệp, sống đời thật thà, chơn chất, hiếu thuận với mẹ cha, nuôi
dưỡng vợ con, có tâm cởi mở, rộng lượng, giúp đỡ bà con quyến thuộc, biết bố
thí, san sẻ đến người nghèo khó, xa rời tâm niệm xấu ác, chế ngự đừng có trác
táng, say sưa, không buông lung, phóng dật, nhẫn nại, nhu hòa, nhu thuận, cung
kính với sa-môn, người trưởng thượng, khiêm nhường, biết đủ, ít ham muốn, biết
nhớ ơn, biết tự chế, tự chủ, sống đời tu tập, hướng đến giác ngộ, giải thoát”.
Ôi! Thật là một bản “thiên hùng ca” về các giá trị nhân văn
của một con người toàn diện trong một nền giáo dục toàn diện vậy.
Ngoài ra, trong bài kinh
Giáo thọ Thi-ca-la-việt (Sigālovāda Sutta), còn dạy thêm một cách đa
diện hơn: “Có sáu nguyên nhân phung phí tài sản: Say sưa rượu chè; đam mê
cờ bạc; đi chơi đêm lang thang ngoài phố; la cà đình đám, hí viện; giao du với
bạn bè xấu ác; quen thói lười biếng. Có bốn hạng người không phải là bạn:Người
mà vật gì cũng lấy; người chỉ biết nói hay, nói giỏi; người khéo a dua, nịnh
hót; người tiêu pha xa xỉ. Đối xử với bạn bè: Luôn luôn tìm cách chia sẻ, ủi
an; nói lời dịu dàng, từ ái; làm việc lợi mình, lợi bạn; hòa đồng, bình dị,
cùng chung vui khổ. Đối xử với nô bộc: Giao việc đúng với khả năng và sức lực
của họ; cho ăn uống, thuốc men, lương thực đầy đủ; quan tâm tìm cách điều trị
khi họ bệnh tật, ốm đau; chia xẻ thức ăn, thức uống mỹ vị khi mình có được;
thỉnh thoảng cho họ nghỉ ngơi đúng lúc và nghỉ phép khi có nhu cầu; đối xử nhã
nhặn, từ hòa. Khi được chủ đối đãi tử tế như vậy, kẻ nô bộc trong nhà cũng phải
biết đền đáp lại, phải có lòng thương tưởng, quan tâm đến chủ nhân: Thức dậy
sớm trước chủ để dọn dẹp quét tước; ngủ muộn hơn chủ để xem cửa đóng, then cài;
bằng lòng với lương bổng và các vật được chủ cho; khéo léo trong mọi công việc
được giao; giữ gìn thanh danh cho chủ”.
Thời đại đế Asoka,
Ấn Độ, hai bài kinh trên được khắc chạm khắp toàn quốc; và đức vua còn khuyến
khích tất cả thần dân của mình học thuộc, áp dụng những tiêu chí đạo đức ấy vào
đời sống, vào mọi sinh hoạt xã hội. Không những thế, giới bất sát cũng được
thần dân nghiêm túc thực thi, ngay cả trong cung đình và hoàng tộc. Cây xanh,
môi trường và thú vật đều được gìn giữ, bảo vệ; và thời đại này còn có bệnh
viện và nghĩa địa dành riêng cho người và cả cho thú vật nữa! Và nên nhớ, đây
là thời đại thịnh trị, phú cường, nhân dân an lạc, hạnh phúc nhất trong thời Ấn
Độ cổ đại! Có phải chăng, cư sĩ Phật tử cả nước Phật giáo này đã làm kinh tế
không khói, kinh tế không phá hoại môi trường, được giáo dục trên cơ sở nền
tảng của các giá trị đức lý, nhân văn mới có một thời kỳ huy hoàng như thế?
1.2- Dành cho giới chủ
nhân, cấp lãnh đạo:
Trong kinh Chuyển luân
Thánh vương Sư tử hống (Cakkavatti-sīhanadā Sutta) có kể lại truyền thống
của các đức minh quân trong quá khứ: “Vị nào cũng cai trị
muôn dân theo chánh pháp. Nhưng có một lần, khi vua cha thấy tóc mình có sợi
bạc, trước khi bỏ ngôi báu lên non sâu tu ẩn, ông ta ân cần chỉ dạy cho con
cách trị nước phải dựa theo chánh pháp là như thế nào. Tất cả đều được ông vua
con tuân mệnh, nhưng có một điều ông không chịu thực hiện là bố thí cho kẻ
nghèo đói! Thế rồi chuyện gì xảy ra? Kết quả là nghèo đói tăng lên. Và khi mà
nghèo đói tăng lên thì bắt đầu có nạn trộm cướp. Một tên trộm cướp bị quan bắt
được, vua xét hỏi lý do thì nó nói là do đói quá nên làm túng, làng càn. Thấy
sự thực là vậy, vua thương tình cấp cho hắn lương thực và tiền bạc để làm kế
mưu sinh. Việc này lại như khuyến khích lòng tham nên nạn trộm cướp lại tăng
lên. Và tên trộm cướp nào cũng mong được kẻ bị hại bắt đem lên quan. Tức quá,
vua chặt đầu để răn đe. Biện pháp này cũng không ổn, vì bọn trộm cướp rút kinh
nghiệm nên sắm đao kiếm để cướp của rồi giết người, bịt khẩu luôn. Thế rồi, sau
đó, không những nạn trộm cướp tràn lan, mà vũ khí cũng tràn lan và giết người
cũng tràn lan”.
Sau khi kể lại chuyện
xưa như vậy, đức Phật kết luận: “Như thế, từ chuyện không bố thí của cải
cho người nghèo đói thì nghèo đói tăng lên. Khi nghèo đói lan rộng thì trộm
cướp hoành hành. Trộm cướp nhiều thì đao kiếm lại tăng. Sử dụng vũ khí nhiều
thì người chết nhiều. Người chết nhiều thì cuộc sống sẽ không còn bình yên nữa,
đâu cũng bất an và sợ hãi, đâu cũng chết chóc và đau khổ. Vậy, khi dân chúng
nghèo đói, nếu không có chính sách giúp đỡ, cứu trợ đúng lúc và hợp lý thì nó
sẽ đe dọa trật tự, kỷ cương, luật pháp, làm ngăn trở sự đoàn kết, yêu thương
trong xã hội, và đạo đức con người sẽ xuống cấp, tha hóa”.
Trong kinh
Cứu-la-đàn-đầu (Kutadanta Sutta), đức Phật còn dạy cho
giới cấp lãnh đạo một bài học khác nữa.
Thuở xưa có vị vua tên
là Mahāvijita, giàu có, đại phú, tài sản sung mãn, có nhiều vàng bạc, vật dụng,
các kho tàng, ngũ cốc… nhưng dân chúng lại nghèo đói. Đức vua muốn tổ chức
đại tế đàn để cầu phúc lạc cho mình nhưng vị bà-la-môn quân sư lại tâu rằng: “Vương quốc này đang
chịu tai ương, ách nạn, đầy rẫy bọn cướp làng, cướp ấp, cướp đô thị, cướp
đường. Nếu đại vương trừ diệt bọn giặc cỏ này bằng tử hình, cấm cố, phạt vạ,
khiển trách hoặc tẩn xuất… vẫn không có hiệu quả, vẫn không giải quyết căn
nguyên của vấn đề. Đối với hạ thần, những ai trong quốc độ biết nỗ lực về nông
nghiệp và mục súc, bệ hạ hãy cấp cho họ đất đai, hạt giống, cây trồng và các
loại gia súc; những ai có khả năng về thương nghiệp, bệ hạ hãy cấp cho họ vốn
liếng đầu tư; những ai có khả năng, ưa thích quan chức, bệ hạ hãy cho họ làm
việc, lương bổng và phụ cấp; với những ai nghèo đói, túng thiếu thì bệ hạ cho
họ lương thực, thực phẩm và tạo công ăn việc làm cho họ nữa. Như thế là một
thời gian sau, cả quốc độ ai cũng để thì giờ chăm lo công việc của mình, nghèo
đói sẽ được đẩy lùi, đời sống muôn dân sẽ trở nên thịnh mãn, quốc độ sẽ phú
cường, nơi nơi an cư lạc nghiệp. Mọi tai ương ách nạn sẽ không còn nữa, dân
chúng sống trong vui vẻ, an lạc, hạnh phúc. Và như vậy, bệ hạ không cần phải
kêu gọi mọi người đóng thuế mà dân chúng mọi ngành nghề sẽ hoan hỷ đến dâng
cúng, tự nguyện đến cống nộp; cung khố của bệ hạ, do vậy, sẽ đầy tràn, sẽ không
còn chỗ chứa bạc vàng, kim ngân, châu báu nữa đâu!”
Đức vua đã nghe lời vị
quân sư, và cuối cùng, kết quả đúng y như vậy. Tuy đây chỉ là “huyền sử’ nhưng ít ra, ta cũng rút
ra được một “nguyên lý”, một bài học nào đó về
các mô hình xã hội hóa như kinh tế, giáo dục… Nó là một màn lưới duyên sinh
chằng chịt, không có kẽ hở, “có cái này thì có cái kia, không có cái
này thì không có cái kia”. Năng lực của “thượng đế đại toàn” cũng không thể tách rời
ra được! Những ai có tư tưởng cục bộ, phiến diện coi chừng sẽ đi từ thất bại
này sang thất bại khác, nghèo đói sẽ không được đẩy lùi; tội phạm, tội ác vẫn
gia tăng; cơ thể đất nước vẫn cứ quằn quại, đau đớn, mọi phương thuốc chẩn trị
đều bất lực, bó tay!
2- Về từ thiện xã hội:
Bố thí có nghĩa là xả ly, là cho đi một
cách rộng lượng, không vị kỷ và không tính toán. Nó có công năng làm lắng dịu
tham lam, gỡ thoát dần dần mọi ngã sở hữu. Nó xả ly, cho đi của cải, tài sản,
mồ hôi, sức lực, thậm chí cả tính mạng. Nó chia sẻ, san sẻ kiến thức, hiểu
biết. Nó nói lời khuyên lơn, an ủi dịu dàng khi ai đó đang đau khổ, đang gặp nghịch
cảnh, hoạn nạn, tai ương, sợ hãi… (7)
Vậy trong nghĩa bố thí ở
trên thì nó đã quá đầy đủ nội dung từ thiện xã hội rồi. Và, theo lý duyên sinh,
trong phần trước đã hàm tàng các hoạt động ấy, nhưng ở đây tôi muốn tách ra một
mục riêng để đề cập cái dụng đa chiều tương quan của nó – từ cách thức làm ăn,
đạo đức, của cải, tài sản, người cho, người nhận, an lạc cá nhân và an lạc xã
hội.
Làm kinh tế thì phải đề
cập năng lực lao động, sản phẩm hàng hóa và phân phối tiêu thụ. Đấy là ba bước
đi trong một chuyển động nhịp nhàng, nếu bế tắc, ách tắc ở một khoen nào đó là
thất bại. Tuy nhiên, quyết định thành công và thành công bền vững là ở nơi chất
lượng sản phẩm. Sản phẩm đáp ứng được thị hiếu và sở thích của giới tiêu thụ.
Dường như đây chỉ là giá trị thuần vật chất, cái mà các nền kinh tế phát triển
mang lại cho con người. Đạo Phật còn nhắm đến cao xa hơn thế nhiều.
Khi người cư sĩ làm kinh
tế có tài sản, họ có được bốn điều an lạc: “An lạc vì có được một
sở hữu tài sản do sự cần cù, chăm chỉ và sức lực của mình. An lạc thọ dụng tài
sản để nuôi bản thân, gia đình, làm các công đức, từ thiện, xã hội… An lạc vì
không nợ nần nên thân tâm thư thái, nhẹ nhàng. An lạc vì không làm điều xấu xa,
tội lỗi nên không sợ ai chỉ trích về đạo đức bản thân. Lại có năm chi phần an
lạc khác nữa: “Tự nuôi dưỡng, an lạc cho mình, cha mẹ, vợ con,
người làm công và kẻ phục dịch. An lạc cho bạn bè thân hữu. An lạc trong những
ngày kỵ giỗ, giúp đỡ quyến thuộc, đãi đằng khách khứa, cầu an, cầu siêu, hồi
hướng chư thiên, đóng thuế đầy đủ. Cúng dường, hộ độ sa-môn, bà-la-môn”.
Đức Phật còn dạy người
cư sĩ tìm kiếm lợi ích thật sự trong cuộc sống hiện tại: “Đầy đủ sự nỗ lực đúng
hướng, chính đáng, trong kế sinh nhai, nghiên cứu phương pháp làm việc có hiệu
quả, năng suất cao. Biết gìn giữ, bảo quản chu đáo đối với tài sản, sản phẩm,
không để cho thất thoát hoặc hư hủy. Giao du với bạn hiền, thân cận người lành
tốt. Sống một cuộc sống thăng bằng về mọi mặt, tức là biết sử dụng tài sản một
cách thích đáng, để nuôi mạng, biết đủ, ít ham muốn, giúp đỡ mọi người, tiêu
xài chừng mực, không rít róng, keo kiệt”.
Đức Phật còn tinh tế chỉ
dạy cách sử dụng của cải, tài sản: “Một phần để tái đầu tư
sản xuất, kinh doanh làm ăn. Một phần để nuôi sống bản thân và gia đình. Một
phần để giúp đỡ cha mẹ họ hàng quyến thuộc hai bên. Một phần để dành phòng lúc
cơ nhỡ. Một phần để cúng dường sa-môn, đạo sĩ, tích lũy phước báu cho đời sau”.
Nói tóm lại, là sau khi
có được của cải bạc tiền do làm ăn chơn chánh, người cư sĩ Phật tử có thể bố
thí, cúng dường đến chư tăng, giúp đỡ người khác, nói theo thuật ngữ kinh tế
thì đây là hiệu ứng tái phân phối. Cái bình bát khất thực có được, sau khi để
dành phần cho mình, vị sư nuôi dưỡng cha mẹ, giới tử trong chùa và kẻ làm công.
Đây cũng là một hình thức tái phân phối. Có nhiều tu viện, họ còn nuôi trẻ mồ
côi, người già yếu, cô quả; mở cả bệnh viện để giúp, khám, chữa bệnh, cho thuốc
đến người nghèo khó, còn chung cho bệnh nhân nhiều giới trong xã hội nữa. Việc
làm hữu ích thiết thực này đã là hình ảnh có giá trị nhân văn trong các nước
Phật giáo, ai cũng biết, cũng thấy.
Vấn đề xã hội hóa trong
các lãnh vực kinh tế, giáo dục, từ thiện xã hội… rõ ràng nó nằm trong định
luật tương duyên, tương sinh; và tôi tự hỏi, đây có phải là quan điểm đúng đắn
của Phật giáo nói chung và Phật giáo Nguyên thủy nói riêng, muốn đóng góp cho
nhân loại trước kỷ nguyên toàn cầu hóa hay chăng?
Đến đây, tôi tạm kết
luận:
Thế gian có quá nhiều
nhu cầu. Nhu cầu ăn uống để nuôi dưỡng cái thân sinh vật lý. Nhu cầu qua mắt là
cảnh sắc trần gian. Nhu cầu qua tai là mọi loại âm thanh. Nhu cầu qua mũi là
mọi loại hương liệu. Nhu cầu qua lưỡi là ngon, béo, ngọt, bùi. Và cả nhu cầu vô
tận về tinh thần: Hội họa, nhiếp ảnh, thư pháp, điêu khắc, kiến trúc, thi văn,
triết học, tôn giáo…
Hiện nay, trên thế giới,
các mô hình xã hội hóa trong nhiều lãnh vực có khả năng đáp ứng mọi nhu cầu cần
yếu cho con người đa dạng hơn, nhưng vẫn không được bền vững, vẫn thiếu chất
lượng sống – vì nó đã coi nhẹ các giá trị cao cả, tối thượng của đức lý, của
tâm linh nên đã đánh mất sự quân bình tâm, vật. Điên đảo, khủng hoảng, hư vô,
thảm họa, thống khổ… báo động khắp mọi nơi là duyên sinh tất yếu. Phật giáo
nói chung, Phật giáo Nguyên thủy nói riêng, cũng có thể đóng góp chừng mực
trước trào lưu xã hội hóa trong nhiều lãnh vực, nhưng bao giờ cũng chú trọng
các giá trị tinh thần, chú trọng hạnh phúc, an lạc cho con người; và cuối cùng
là giải thoát tham sân si, làm lắng dịu mọi nỗi khổ đau, phiền não trên trần
thế.
Trước sự trầm thống,
điêu linh, bế tắc của nhân loại nếu các cấp lãnh đạo toàn cầu ai cũng vắt tay
lên trán, chiêm nghiệm cái thấy rốt ráo của thiên tài khoa học vĩ đại Albert
Einstein:“Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu. Nó phải ly
thoát khỏi một thượng-đế-cá-thể và một nền thần học. Tôn giáo này phải bao gồm
cả nhiên giới và tâm giới; và phải dựa vào một ý thức tín ngưỡng phát xuất từ
kinh nghiệm của cả vật chất lẫn tinh thần – ở trong một thế hợp nhất có ý
nghĩa. Phật giáo chính là tôn giáo có khả năng trả lời được mấy yêu sách dẫn
lược. Nếu có một tôn giáo nào ứng phó được với các nhu cầu của khoa học hiện
đại, thì đó chính là Phật giáo. Phật giáo không cần phải tu chỉnh, cải sửa
những quan điểm của mình mà theo khoa học vì Phật giáo không chỉ bao hàm khoa
học mà nó còn vượt xa, vượt quá khoa học nữa!” (8)
… thì phải chăng, bài toán giải nghiệm cho các mô hình xã hội hóa sẽ có giá
trị nhân văn bền vững, không những ở Việt Nam mà cả toàn cầu nữa vậy?
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
(1) (2) (3) Ba ghi chú này xem ở trong bài: “Xã hội hóa đang bị
lạm dụng” đăng trên Việt báo (theo Vietnamnet).
(4) Trích đăng lại bài của
Bùi Quang Thắng – Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam.
(5)
Xem Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(6)
Không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không nói ác độc,
không nói hai lưỡi, không nói phù phiếm, không tham, không sân, không tà
kiến…
(7)
Có hai cách phân loại: 1- Tài thí, pháp thí, vô úy thí. 2- Bố thí bậc hạ, bậc
trung và bậc thượng.
(8)
Phỏng dịch từ đoạn văn: The religion of the future will be a cosmic religion.
It should transcend a personal god and avoid dogmas and theology. Covering both
the natural and the spiritual, it should be based on a religious sens arising
from the experience of all things, natural and spiritual and a meaningful
unity. Buddhism answer this description… It there is any religion that would
cope with modern scientific need, it would be Buddhism. Buddhism requires no
revision to surrender its views to science, because it embraces science as well
as goes beyond science.
Discussion about this post