Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa
(Thành kính ñảnh lễ ðức Thế Tôn, bậc A-la-hán, ñấng Chánh Biến Tri.)
Thiền Sư Mogok
PHÁP DUYÊN SANH
U Than Daing Tỳ Khưu Pháp Thông dịch
Nhà xuất bản Tôn Giáo
Với người hành thiền mong muốn có được tri kiến đúng đắn về năm uẩn qua việc thực hành Pháp Duyên Sanh, cuốn sách này chắc chắn sẽ là một tác phẩm đáng chú ý nhất. Nó cũng là một sự bổ sung rất ý nghĩa cho việc hiểu Pháp Duyên Sanh. U Than Daing, tác giả của cuốn sách, đã hoàn thành một sự giải thích rất rõ ràng và thấu đáo về Pháp Duyên Sanh từ quan điểm thực tiễn.
Mục đích của cuốn sách là nhằm giúp người hành thiền có được một hướng dẫn thấu đáo và sẵn sàng về con đường chân chánh đi đến giải thoát khỏi mọi khổ đau. Cuốn sách chủ yếu giải thích những tiến trình danh và sắc khác nhau mà theo quy ước chúng ta gọi là con người, đàn ông, đàn bà…, không phải là một trò chơi của sự may rủi mù quáng mà là kết quả của các nhân và duyên; rằng sự xuất hiện của sanh và tử là do duyên; rằng nếu các duyên được đoạn trừ mọi khổ đau sẽ biến mất; cuốn sách cũng làm sáng tỏ ý nghĩa có tính triết lý về Thánh Đế thứ nhất và thứ hai (Khổ đế và Tập đế) theo chiều nghịch. Vì vậy, Duyên Sanh là pháp căn bản để hiểu đúng và thực chứng lời dạy của Đức Phật.
Đạo Phật được phân biệt với các tôn giáo và triết lý khác nhờ đặc điểm duy nhất này. Kỹ thuật giải thoát được xem là đặc trung của Đạo Phật rất khác với kỹ thuật giải thoát của các tôn giáo khác. Các tôn giáo khác nói, “Hãy hướng về Thượng Đế; cầu nguyện Ngài; hiến mình hoàn toàn cho Ngài; trở thành một với Ngài”. Thiên Chúa Giáo, Ấn Giáo, Hồi Giáo, Bái Hỏa Giáo, Do Thái Giáo y cứ Giáo Pháp của họ trên ý niệm về một Đấng Thượng Đế. Những tôn giáo này cho rằng trừ phi con người tin vào Thượng Đế, bằng không họ không thể khởi sự sống một đời sống chánh trực và hữu ích được. Chúng ta biết rằng hàng ngàn tín đồ của các tôn giáo này đã sống cuộc sống nhân hậu, trong sạch và thánh thiện, nhưng điều kỳ lạ là cuộc sống nhân hậu, trong sạch và thánh thiện ấy cũng được hàng ngàn người theo Đạo Phật sống mà Đức Phật không đòi hỏi họ phải tôn sùng bất kỳ đấng Thượng Đế nào như bước đầu tiên hướng đến sự giải thoát của họ.
Một trong những Pháp ở đó Đạo Phật khác với các tôn giáo khác là Pháp Vô Ngã. Theo Triết lý Do Thái Giáo thì có một thực thể tồn tại bên trong thân của mỗi người và chi phối những việc làm của con người. Thực thể này được cho là bất biến, không thay đổi và vào lúc chết nó sẽ tồn tại ở một nơi nào đó cho đến Ngày Phán Xét Cuối Cùng lúc đó nó sẽ hoặc sanh lên cõi trời hoặc xuống địa ngục vĩnh viễn. Định thức vủa Vedanta là: “etam mama, eso hamasmi, eso me atta’ (cái này là tôi, cái này là của tôi, cái này là tự ngã của tôi). Quan niệm cho rằng “atta” hay “atman” (tự ngã) bất diệt, và là một thực thể tách biệt sống bên trong thân hầu như được các trường phái tư tưởng Ấn Độ chấp nhận. Chỉ vừa mới đây các khoa học gia và triết gia Châu Âu hiện đại mới nhận ra rằng mọi sự vật đều nằm trong một trạng thái thay đổi không ngừng; trong khi Giáo Pháp về sự vô thường này đã được Đức Phật giảng dạy hơn 2500 năm trước, và sự áp dụng của nó không chỉ đối với vật chất mà còn cả đối với tâm nữa.
…
Discussion about this post