NÓI VỀ HOẠT ĐỘNG TRÍ NÃO
Tuệ Thiền Lê Bá Bôn
(Sưu tầm)
* Trí óc vận hành trong cái manh mún, từng phần, chia chẻ. Nó tự chuyên môn hóa. Nó không bao giờ là cái toàn thể, cái mà nó muốn nắm giữ, muốn hiểu biết nhưng vô hiệu. Vì chính bản chất của nó, nên tư tưởng luôn luôn không toàn vẹn, cảm thức cũng thế; tư tưởng, phản ứng của kí ức chỉ có thể vận hành trong cái đã biết, hoặc lí giải từ kiến thức. Trí óc là sản phẩm của sự chuyên môn hóa. Nó không thể vượt lên trên chính nó. Nó chia chẻ và tự chuyên môn hóa thành nhà khoa học, nghệ sĩ, giáo sĩ, luật gia, kĩ thuật gia, nông gia… Nó hoạt động bằng cách phóng chiếu lên giai cấp xã hội, đặc quyền, quyền hành, uy thế của nó. Sự vận hành não bộ và giai cấp xã hội liên kết với nhau chặt chẽ, vì trí óc là một cơ quan tự bảo vệ. Chính từ nhu cầu này mà những yếu tố đối nghịch và chống trái của xã hội phát sinh. Nhà chuyên môn thì không có khả năng nhìn được toàn diện.
(…) Năng khiếu và thiên tư hiển nhiên là nguy hại, vì củng cố tính vị ngã; vì mang tính chia chẻ vụn vặt nên nuôi dưỡng xung đột. Năng khiếu chỉ có giá trị trong sự nhìn thấu toàn diện đời sống, sự nhìn thấu này nằm trong lĩnh vực của tâm chứ không phải của trí óc. Năng khiếu với sự vận hành của nó nằm trong giới hạn của trí óc, do đó năng khiếu trở nên nhẫn tâm, lãnh đạm đối với tiến trình toàn thể của đời sống. Năng khiếu gây ra lòng kiêu hãnh, ham muốn, và sự thành tựu của nó trở thành ưu tiên hàng đầu, nó đưa đến thù ghét, vô trật tự, đau khổ; nó chỉ có giá trị nếu nhận thức được toàn thể sự sống. (…).
(…) Trí óc vận hành bằng cách tự chuyên môn hóa với sự chia chẻ manh mún, với những hoạt động cô lập lại nó trong địa hạt giới hạn của thời gian. Trí óc không có khả năng nhìn thấy toàn thể sự sống; dù có được giáo hóa đến đâu, trí óc cũng chỉ là một phần chứ không phải là toàn thể. Chỉ có tâm mới thấy được cái toàn thể, và phạm vi của tâm bao trùm luôn trí óc; trí óc dù có làm gì đi nữa cũng không thể chứa đựng được tâm.
Để nhìn thấy toàn thể, trí óc phải ở trong trạng thái buông xả. Buông xả hoặc phủ nhận không phải là đối nghịch của khẳng định; những cái đối nghịch đều liên kết với nhau. Sự phủ nhận không có cái đối nghịch. Để có được cái nhìn toàn thể, trí óc phải ở trong trạng thái phủ nhận tuyệt đối; nó không được can thiệp vào bằng cách lượng giá, biện bạch, kết án và tự vệ. Trí óc phải im lặng mà không bị ép buộc; ép buộc sẽ làm cho trí óc chết cứng, chỉ có khả năng mô phỏng và tùy hợp. Chính trong trạng thái phủ nhận mà trí óc tĩnh lặng không lựa chọn. Chỉ chính lúc đó cái nhìn toàn thể mới phát sinh. Lúc đó tâm hoàn toàn tỉnh thức, và trạng thái này không gồm có người quan sát cũng như vật bị quan sát, mà chỉ có ánh sáng, chỉ có sáng suốt. Sự đối kháng và xung đột giữa người tư duy và tư tưởng kết thúc. (Jiddu Krishnamurti-danh nhân giác ngộ. Bút hoa (The Krishnamurti’s notebook); Ẩn Hạc dịch).
—
* Cần phải thừa nhận rằng trong các khoa học tự nhiên cũng có một phần lớn mang tính chủ quan. Với vai trò là sinh vật biết tư duy, nhà khoa học không thể quan sát Tự nhiên một cách hoàn toàn khách quan. Einstein từng nói: “Các khái niệm vật lí là những sáng tạo tự do của trí tuệ con người, ngay cả khi chúng có vẻ như được quyết định chỉ bởi thế giới bên ngoài. Những cố gắng của chúng ta nhằm nắm bắt hiện thực cũng tựa như những nỗ lực của người tìm cách hiểu cơ chế hoạt động của một chiếc đồng hồ kín mít. Anh ta chỉ nhìn thấy mặt đồng hồ và các kim chuyển động, thậm chí còn nghe cả tiếng tích tắc, nhưng anh ta không có cách nào để tháo vỏ đồng hồ ra. Nếu đủ thông minh, anh ta sẽ tạo ra hình ảnh của một cơ cấu đã gây ra tất cả những gì anh ta quan sát được, nhưng anh ta không bao giờ có thể chắc chắn rằng hình ảnh mà anh ta tạo ra là duy nhất có thể giải thích được những quan sát của mình. Anh ta sẽ không bao giờ có thể so sánh được mô hình của mình với cấu trúc thực, và thậm chí cũng không thể hình dung ra được liệu sự so sánh này có một ý nghĩa nào không”. (Trịnh Xuân Thuận-nhà vật lí thiên văn.Cái vô hạn trong lòng bàn tay; (đồng tác giả: Mathieu Ricard); Phạm Văn Thiều & Ngô Vũ dịch).
—
* Thực ra, ngành sinh học thần kinh đã chứng tỏ được rằng “hiện thực” chỉ xuất hiện đồng nhất đối với các sinh vật cùng loài có cùng một hệ thần kinh. Các loài khác nhau thì cảm nhận thế giới theo các cách khác nhau. Chẳng hạn, nhiều nghiên cứu đối với loài cá, chim và côn trùng đã chứng tỏ rằng màu sắc và hình dạng của các vật được các loài vật này cảm nhận theo những cách hoàn toàn khác với con người. Hiện thực chắc chắn bị thay đổi tùy theo hệ thống thần kinh cảm nhận nó. (Trịnh Xuân Thuận; sách đã dẫn).
—
* Nếu người ta phân tích một trong những cách tri giác nào đó, như cách tri giác của con người chẳng hạn, thì người ta sẽ nghiệm thấy đơn giản rằng, trong một số điều kiện, người ta quan sát và đo lường một số hiện tượng theo cách có thể tái tạo được. Nhưng làm như vậy, hiện thực của “vật” không vượt qua thân phận ban đầu của nó, tức là cái “nhãn mác tinh thần”. Quá trình thực nghiệm này chưa bao giờ chứng tỏ rằng cái mà người ta quan sát là tồn tại tự thân và có các đặc tính nội tại. Chúng ta có thể nhìn thấy một nghìn lần hai Mặt trăng bằng cách áp một nghìn lần hai ngón tay vào nhãn cầu của chúng ta, và chắc chắn là việc nhìn thấy hai Mặt trăng này không hề có nghĩa là có hai Mặt trăng thật! (Mathieu Ricard-nhà sinh học; sách đã dẫn).
—
* Định lí về tính không đầy đủ của Godel thực tế ngụ ý rằng có tồn tại những giới hạn đối với sự suy luận logic, chí ít là trong toán học. Định lí này thường được coi là một phát minh logic quan trọng nhất của thế kỉ XX. (…) Năm 1931, ông đưa ra một định lí có lẽ là tuyệt vời và bí hiểm nhất trong số các định lí toán học. Ông đã chứng tỏ được rằng một hệ thống số học nhất quán và phi mâu thuẫn chắc chắn sẽ chứa các mệnh đề “không giải quyết được”, tức là các phát biểu toán học mà người ta không thể bằng logic nói được chúng là đúng hay sai. Mặt khác, không thể chứng minh được rằng một hệ thống là nhất quán và phi mâu thuẫn chỉ dựa trên cơ sở của các tiền đề (các mệnh đề đầu tiên được chấp nhận không cần chứng minh) có trong hệ thống này. Ngược lại, cần phải “đi ra ngoài hệ thống” và đưa ra các tiền đề phụ bên ngoài hệ thống. Theo nghĩa này, hệ thống tự bản thân nó chỉ có thể là không đầy đủ. Chính vì thế, định lí của Godel cũng thường được gọi là “định lí về tính không đầy đủ”.
Định lí này quả thật chẳng khác gì cú sét trong thế giới toán học. Godel đã chứng minh rằng logic có những giới hạn và rằng giấc mơ của Hilbert (biết chứng minh một cách chặt chẽ sự nhất quán của toàn bộ toán học) là một ảo tưởng. Nó cũng có những ảnh hưởng rất lớn đến các lĩnh vực khác của tư duy như triết học hay tin học.(Trịnh Xuân Thuận; sách đã dẫn).
—
* Từ khi khoa học hiện đại ra đời vào thế kỉ XVI, vốn tri thức của chúng ta đã tăng lên theo hàm mũ, nhưng nó không làm cho chúng ta tỏ nên minh triết hơn. Tình hình càng trở nên cấp bách khi con người hiện nay đang có khả năng sẽ làm đảo lộn sự cân bằng sinh thái của toàn bộ hành tinh, thậm chí còn có thể tự hủy diệt mình, khi các vấn đề đạo đức ngày càng trở nên gay gắt, và khoảng cách giàu nghèo vẫn không ngừng nới rộng thêm… (Trịnh Xuân Thuận; sách đã dẫn).
—
* Nghiệp có thể chuyển thành chiếc chìa khóa để tìm hiểu chính bộ não. Các nhà thần kinh học lúng túng trước cái họ gọi là “hiệu ứng liên kết”, một lực lượng huyền bí kết nối các vùng khác nhau trong não lại. (…).
(…) Chúng ta đều mang trong tâm trí mình một cơ sở dữ liệu thông tin rộng lớn mà chúng ta coi là nền tảng. Cơ sở dữ liệu này nắm giữ mọi thứ quan trọng mà chúng ta tin tưởng về thế giới. Đó là thế giới quan của chúng ta. Chúng ta phụ thuộc vào nó để sống sót thậm chí một thời gian ngắn. Các niềm tin phát triển qua nhiều thế kỉ, và do vậy một số nhà nghiên cứu coi niềm tin như bản thể dạng “gene ảo” trở thành các đặc tính cố định của bộ não. (…).
(…) Thế giới quan cung cấp lối mòn cho hành vi, không may là nhiều khi nguy hiểm. Các đặc tính như chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự hiếu chiến tồn tại như các phản xạ tự nhiên. (…). Đây chính là cái Bhagavad-Gita ngụ ý với tên gọi là hiệu ứng trói buộc của nghiệp. (…). (Deepar Chopra-tiến sĩ y học, giảng dạy ở Đại học
—
* Cho tới đây chúng ta chỉ mới nói cái tác dụng bóp méo của dồn ép; còn một phương diện nữa mà ta phải đề cập đến không đưa đến bóp méo, nhưng biến một kinh nghiệm thành phi thực bằng tác động của não. (…).
Tiến trình tác động óc não này được nối kết với tính chất mơ hồ của ngôn ngữ. Ngay khi tôi bày tỏ một cái gì bằng một chữ, một sự vong thân xảy ra, và trọn cả cái kinh nghiệm đã bị cái chữ ấy thay thế. Trọn cái kinh nghiệm chỉ thực sự hiện hữu vào cái giây phút nó được biểu thị bằng ngôn ngữ. Cái tiến trình thông thường của tác động óc não tỏa rộng và mãnh liệt trong văn hóa hiện đại hơn bất cứ lúc nào trước đây trong lịch sử. Chính vì càng ngày người ta càng đề cao kiến thức trí năng (…). (Erich Fromm-nhà phân tâm học. Thiền và phân tâm học (nhiều tác giả); Như Hạnh dịch).
—
* Dĩ nhiên chúng ta phải sử dụng các ngôn từ khi một điều gì đó được truyền đạt từ người này sang người khác, nhưng các ngôn từ chỉ là sự nêu trỏ suông chứ không phải là chính sự thực. Như kinh bảo, chúng ta phải dùng đến ngọn đèn ngôn từ để đi vào trong cái chân lí nội tại của kinh nghiệm vượt khỏi ngôn từ và tư tưởng. Nhưng quả thực là hoàn toàn khờ dại khi tưởng ra rằng ngọn đèn ấy là mọi sự. (Daisetz Teitaro Suzuki-thiền sư học giả. Nghiên cứu Kinh Lăng Già; Thích Chơn Thiện & Trần Tuấn Mẫn dịch).
—
* Một vài năm trước đây, một thí nghiệm với các con mèo con đã được các nhà khoa học tại Trường y khoa Harward thực hiện. Ngay từ khi sinh ra, người ta đã nuôi một số mèo trong một khu vực sơn bằng các vạch kẻ ngang; tất cả các tác nhân kích thích thị giác trong môi trường của chúng đều nằm ngang. Một nhóm khác được nuôi trong một khu vực với các vạch kẻ sọc thẳng, và đó là tất cả những gì mà chúng có thể nhìn thấy. Khi những con mèo này lớn lên, trở thành những con mèo già khôn ngoan; còn những con mèo chỉ tiếp xúc với những vạch ngang thì chỉ nhìn thấy thế giới nằm ngang, ví dụ như chúng va đụng vào những chân đồ đạc như thể những cái chân này không có ở đó. Những con mèo được nuôi dưỡng trong thế giới thẳng đứng cũng gặp vấn đề tương tự với thế giới ngang. Lẽ đương nhiên những điều này không có gì liên quan đến hệ thống lòng tin ở những con mèo này. Khi người ta nghiên cứu trí não của chúng, một nhóm mèo sẽ không có sự nối kết liên thần kinh để nhìn thấy thế giới ngang, còn nhóm kia cũng không có sự nối kết liên thần kinh để nhìn thấy thế giới thẳng đứng. Sự trải nghiệm giác quan ban đầu của những chú mèo này và cách thức chúng hiểu sự trải nghiệm đó theo nhận thức của chúng ngay từ những ngày đầu mới sinh khi thị lực của chúng phát triển, đã thực sự hình thành sự phân tách hệ thần kinh của chúng. Rốt cục, những chú mèo này chỉ nhận biết được những gì mà người ta đã tạo ra cho chúng và chúng nhận biết được lập tức.
Một số nhà tâm lí học đã có thuật ngữ rất thú vị về hiện tượng này – họ gọi nó là “sự cam kết nhận thức sớm”. Sớm là vì chúng ta tiến hành việc này ngay từ giai đoạn đầu cuộc sống của chúng. Nhận thức là vì nó ảnh hưởng đến sự phân tách hệ thần kinh mà chúng ta nhận ra hay nhận biết về thế giới. Và sự cam kết là vì nó cam kết với chúng ta một thực tế nhất định. Một số nhà khoa học có thể nói với bạn rằng ngay lúc này hệ thần kinh bạn đang sử dụng sẽ tiếp nhận dưới một phần tỉ của các tác nhân kích thích hiện hữu. Các tác nhân kích thích mà hệ thần kinh của bạn tiếp nhận được là những tác nhân tăng cường sự vận động, ý tưởng, cách hiểu của bạn về những gì mà bạn nghĩ là tồn tại ngoài kia. Nếu bạn đã có cam kết với thực tế thì những thứ mà tồn tại bên ngoài khung cam kết sẽ bị hệ thần kinh của bạn loại ra, hệ thần kinh mà bạn sử dụng để tạo ra sự quan sát. Tuỳ thuộc vào loại cơ quan thụ cảm mà bạn có, tuỳ thuộc vào loại hình các sự quan sát mà bạn muốn tạo ra và các câu hỏi mà bạn tự hỏi khi bạn tạo ra những quan sát này, tuỳ thuộc vào tất cả những điều đó, bạn tiếp nhận một phần giới hạn nhất định của thực tế. Rốt cục, hệ thần kinh của con người chỉ có thể tiếp nhận bước sóng ánh sáng từ 400 đến 750 nanomet. Và nếu chúng ta ngẫu nhiên đồng ý với các quan sát từ các giác quan của chúng ta và sự lí giải cho những quan sát này, thì chúng ta đã tạo ra một khuôn khổ cho những lí giải mà chúng ta thống nhất.
Chúng tôi gọi phương pháp này là “khoa học”. Chúng tôi thường coi khoa học như là một phương pháp khám phá sự thật khi mà trên thực tế, khoa học – như cách nó được kết cấu và hoạt động cho đến nay – thực sự cũng chẳng phải là một phương pháp để khám phá sự thật. Nói đúng hơn, nó là một phương pháp khám phá khung khái niệm hiện tại của chúng ta về những gì chúng ta cho là sự thật. (…). (Deepak Chopra-tiến sĩ y học. Vật lí lượng tử và ý thức (Trí tuệ nổi trội); Vũ Thị Hồng Việt dịch).
—
* Nền vật lí này bây giờ đã thấy vũ trụ là một mạng lưới với những liên quan vật chất và tâm linh chằng chịt, mà các phần tử chỉ được định nghĩa trong mối tương quan với cái toàn thể.
(…) Ngày nay vật lí hiện đại đã phát triển một thái độ rất khác. Nhà vật lí đã nhìn nhận rằng, tất cả lí thuyết của họ về hiện tượng tự nhiên, kể cả những quy luật mà họ mô tả, tất cả đều do đầu óc con người sáng tạo ra; tất cả là tính chất của hình dung của chính chúng ta về thực tại, chứ không phải bản thân thực tại.
(…) Trong vật lí lượng tử, người quan sát và vật bị quan sát không thể chia cắt, nhưng hai cái đó tiếp tục bị phân biệt. Còn trong đạo học, trong sự thiền định sâu xa thì sự phân biệt giữa người quan sát và vật bị quan sát hoàn toàn xoá nhoà, trong đó người và vật hoà nhập làm một.
(…) Sự thay đổi thế giới quan đang diễn ra sẽ chứa đựng một sự thay đổi sâu sắc về giá trị; thực tế là sự thay đổi từ tâm can – từ ý định ngự trị và điều khiển thiên nhiên đến một thái độ hợp tác và bất bạo động. (Fritjof Capra-giáo sư tiến sĩ vật lí. Đạo của vật lí; Nguyễn Tường Bách dịch).
—
* (…) Dần dà trong quá trình tiến hoá trong thế giới tế vi xuất hiện đu-khơ – là khối năng lượng tâm thần kết đông dưới dạng các trường xoắn có thể bảo toàn vĩnh cửu trong mình một khối lượng thông tin to lớn. Nhiều đu-khơ tạo thành giữa chúng những mối liên hệ thông tin và tạo ra Không gian thông tin toàn thể, tức Cõi kia (…).
(…) Liệu con người trong thế giới vật thể có thể sống thiếu Cõi kia không? Sau khi tạo bộ gen và nhờ đó tiến hành quá trình tái tạo con người (sinh đẻ đứa trẻ) trên Trái đất, đu-khơ giữ lại cho mình chức năng tư duy chủ yếu. Trong quan niệm tôn giáo, khi đứa bé chào đời đu-khơ nhập vào đứa trẻ và ấn định những năng lực tư duy chủ yếu của con người. Nghĩa là, chúng ta suy nghĩ chủ yếu nhờ vào đu-khơ sống ở thế giới tế vi. Nhờ năng lượng thế giới vật thể (ăn uống) não người có khả năng vặn các trường xoắn của thế giới tế vi và như vậy hỗ trợ đu-khơ trong quá trình tư duy. Ngoài ra, não còn tạo các trường xoắn phụ hình thành đu-sa (sinh trường) ở dạng các thể thanh bai và các thể khác hỗ trợ cơ thể người hoạt động. Sau khi xác thân chết, nhiều bộ phận tạo thành đu-sa (các thể thanh bai) cũng bị phá huỷ, còn lại đu-khơ thì bay về Cõi kia và tiếp tục sống ở thế giới tế vi để rồi lúc nào đó lại bước vào kiếp mới. Vậy là con người, sau khi được tạo ra trong thế giới vật thể nhờ các “nỗ lực” của thế giới tế vi, là sự kết hợp các hình thái sự sống ở thế giới vật thể và thế giới tế vi.
Mọi ngưòi đều biết rõ khái niệm karma (nghiệp), tức là các “vết tích” của các tiền kiếp để lại trong đu-khơ. Giai đoạn trần thế ở thế giới vật thể, đu-khơ có thể hoàn thiện mà cũng có thể thoái hoá. (…) Chính con người khác biệt với con vật ở chỗ: bộ máy tư duy của con người có nhiệm vụ hoàn thiện đu-khơ (đưa vào đó nhiều thông tin xây dựng) và bằng cách đó, hoàn thiện hình thái sự sống ở thế giới tế vi. Nói cách khác, là đứa con thể xác của sự sống nơi thế giới tế vi, con người có sứ mệnh thông qua thế giới vật thể thúc đẩy sự tiến bộ nơi thế giới tế vi. Con người được tạo ra cũng là bởi lẽ đó. (…).
(…) Sự sống và cái chết thay đổi luôn là để nhanh chóng thay con người độc ác, ích kỉ và hám danh bằng một người khác với hi vọng, sau khi con người ở Cõi kia bị thần linh “trừng phạt” sẽ đầu thai tái sinh trở thành người tốt hơn, thiện hơn. Vì vậy có lẽ huyền thoại về địa ngục và thiên đường có cơ sở. (Erơnơ Munđasep-nhà bác học lớn quốc tế. Chúng ta thoát thai từ đâu; Hoàng Giang dịch).
—
Nhận Thức Và Thực Tại
Nhận thức là tâm ngôn
Cũng gọi là tâm hành
Diêu động mờ tâm trí
Làm sao thấy toàn chân?
Thực tại ví con voi
Nhận thức như gã mù
Quờ quạng theo “nhị tướng” (*)
Tưởng voi giống… quạt mo…!
Khi ý thức dừng lại
Ý căn thôi nói năng
Thức chuyển thành diệu trí
Thực tại tức Chân Tâm.
(*):Nhãn quan nhị nguyên luôn luôn bị khuôn
định theo tinh thần quy ngã, theo sự hạn chế
tất yếu của kinh nghiệm-kiến thức, theo bộ não
bị ảnh hưởng bởi tâm lí bất bình thường.
Discussion about this post