NHỮNG ĐIỂM CHÍNH YẾU CỦA PHẬT GIÁO NHẬP THẾ
Quán Như
Sự tăng trưởng của Phật giáo nhập thế ở Tây phương
Phần lớn các nhà nghiên cứu Tây phương vào thế kỷ 19 chịu ảnh hưởng sâu xa của Phật giáo Nguyên thủy. Kinh điển Nguyên thủy được sưu tập và phiên dịch bởi những học giả có định kiến Phật giáo là ‘một tôn giáo trốn lánh đời và tiêu cực thụ động’. Họ bỏ qua những hoạt động của một số tăng già trong các phong trào chánh trị “chống thực dân ’ ở các quốc gia thuộc vùng Đông Nam Á và có lẽ xem các nhà sư liên hệ đến chính trị là những ‘chuyên viên quấy rối’. Ở Tây phương từ ngữ Phật giáo nhập thế chỉ mới xuất hiện gần đây.
Vào năm 1986 nhà xuất bản Parallax bắt đầu xuất bản một tuyển tập về Phật giáo nhập thế, sách vở viết về đề tài này có thể đếm trên đầu ngón
tay. Mười năm sau, vào năm 1996, nhà xuất bản hãnh diện giới thiệu tuyển tập The Engaged Buddhist Reader, một tuyển tập các bài viết về Phật giáo nhập thế từ 60 tác phẩm khác nhau.
Tuy nhiên hình ảnh của các vị sư tự thiêu, viết tuyên ngôn chánh trị hay huy động quần chúng trong các cuộc biểu tình tại Việt Nam vào các năm 1963, đã làm lu mờ hình ảnh ‘bình lặng’ của một tôn giáo ‘hướng nội’. Jerrold Schecter gọi là một ‘Niềm tin bốc cháy’ (A Faith in Flame), Robert Topmiller, gọi phong trào tranh đấu Phật giáo là Hoa Sen phá xiềng xích (The Lotus Unleashed) và Nhất Hạnh, Hoa sen trong biển lửa (The Lotus In the Sea of Fire).
Trong quá trình nghiên cứu về Phật giáo Nhập thế, tôi khám phá ra một
sự thay đổi nhẹ nhàng nhưng sống động từ Phật giáo nguyên thủy qua Phật
giáo hiện đại. Tôi không còn dựa vào tài liệu của những học giả truyền thống như Christmas Humphreys, Edward Conze hay D.T. Suzuki. Thay vào đó
tôi gặp nhiều khuôn mặt mới, thú vị thay, phần lớn là những học giả cư sĩ. Nhưng cuộc tranh luận không còn yên tĩnh mà thường ồn ào hơn, sống động hơn mà cũng đầy nhân tình hơn. Danh sách những Phật tử được đề cử nhận giải Nobel Hoà Bình càng dài, làm Phật tử chúng ta hãnh diện: Nhất Hạnh, Sulak Sivaraksa, Đức Đạt Lai Lạt Ma và Aung San Suu Kyi, là những Phật tử hoạt động cho hòa bình. Kotler, nhà biên tập của tác phẩm the Engaged Buddhist Reader, ghi nhận sự phát triển của Phật giáo Nhập thế như sau:
Khi nhà xuất bản Parallax Press bắt đầu hoạt động vào năm 1986, có rất ít tác phẩm viết về đề tài này. Hiện nay nhiều tác phẩm về Phật giáo Nhập thế được biên tập vả xuất bản, phản ảnh cho một trào lưu mới đang hình thành. Quan niệm cho rằng Phật giáo là một tôn giáo tiêu cực tránh đời hoàn toàn biến mất. Những phật tử nhập thế hiện đem cuộc đời của mình phục vụ con người xuất hiện khắp nơi. (1)
Đó là lời phát biểu vào năm 1996. Từ đó đến nay, sự phát triển và ảnh
hưởng của Phật giáo Nhập thế còn ngoạn mục hơn nữa. Vào cuối năm 1999, nhà nghiên cứu Kenneth Kraft, trình bày một lộ đồ cho con đường hành trì
nhập thế (New Map of the Path) như là một cẩm nang hướng dẫn cho Phật tử Mỹ. Sự phát triển nhanh chóng của Phật giáo tại Mỹ được xem như là lần chuyển pháp thứ tư
trong lịch sử truyền bá chánh pháp và lần này bánh xe Phật giáo nhập thế là một mạn đà la trong niên kỷ mới. (2) Phật giáo nhập thế cũng ảnh hưởng đến lịch trình giảng dạy tại các đại học. Gần đây có một quảng cáo
tuyển nhân viên cho một cộng đồng Phật tử có bằng Master và nhiều sáng kiến để làm việc trong một cộng đồng Phật tử… nhập thế. Đại học Naropa
Institute, trung tâm nghiên cứu Boston và Trung tâm nghiên cứu Tôn giáo
Toàn cầu mở các khóa theo chương trình Master về Phật giáo nhập thế. (3)
Phật giáo Nhập thế nhìn từ góc độ khác nhau
Oái oăm thay việc chấp nhận Phật giáo nhập thế rộng rãi khiến định nghĩa thêm khó khăn. Một vài học giả cho rằng cụm từ Phật giáo nhập thế là một cụm từ trùng lập nghĩa vì ‘không có Phật giáo nào lại không nhập thế’, trong khi một số học giả Nguyên Thủy công kích: “Thế nào là Phật giáo nhập thế?” Câu hỏi này làm tôi bối rối vì hàm ý là có những Phật tử’ không nhập thế’. Chẳng khác nào nói chúng tôi là Phật tử có trách nhiệm, còn một vài Phật tử khác không trách nhiệm.”
Phật giáo nhập thế có thể được xét dưới góc độ tâm linh và lịch sử. Góc độ tâm linh cung cấp cùng một số nguyên tắc hành trì chung, góc độ xã hội và chánh trị khiến cho mỗi phong trào Phật giáo nhập thế có sắc thái độc đáo. Góc độ tâm linh cung cấp tiêu chuẩn cho những hoạt động cải cách xã hội của Phật tử, để phân biệt với những người cải cách xã hội và chánh trị ‘không Phật tử’. Hai góc độ này có thể phối hợp thành một số hình thái tiệm tiến khác nhau như tán sắc trong một quang phổ. Chúng ta thử xét mầu sắc quang phổ này từ trong ra ngoài.
Truyền thống – Hiện đại:
Mục đích của đạo Phật là diệt khổ. Giáo lý truyền thống nhấn mạnh đến những yếu tố tâm lý gây ra khổ đau mà không chú ý nhiều đến nguyên nhân xã hội. Thí dụ tham lam là nguyên nhân tâm lý gây ra khổ đau. Các tình cảm độc hại như tham, sân và si tham thường được gọi là ‘tam độc’ tạo cơn bão lốc và làm vẫn đục tâm trí và đạo đức. Đức Phật thường được xem như là một lương y, chẩn đóan bệnh trạng và cho toa thuốc chữa trị và nếu thuốc có hiệu quả, người bệnh sẽ hồi phục. Bệnh nhân sẽ phải uống những loại thuốc như thực hành chánh niệm, chế ngự lòng ham muốn, sân hận để tìm bình an trong thân tâm. Đức Phật ít khi bàn đến những triệu chứng bên ngoài như những đau khổ do định chế chính trị hay xã hội gây ra.
Con đường hành trì Đức Phật lịch sử là một con đường khó khăn và dù mọi người ngưỡng phục Ngài, nhưng đối với người bình thường, đó không phải là con đường thực hành dễ dàng. Đức Phật từ bỏ thế giới vật chất, để lại gia đình, khi đứa con vừa mới sinh để tìm Đạo. Ngài sống cuộc đời
khất sĩ rày đây mai đó trong vòng 45 năm. Tăng đoàn của Ngài sống một cuộc đời kỷ luật (một tỳ kheo phải giữ chừng 250 giới). Trừ một số tăng già theo những bước chân Ngài, đối với nhiều người con đường của Ngài hầu như là con đường ‘bất khả thi’!
Các học giả hiện đại giải thích ‘tập đế’ dưới góc độ xã hội và chính trị liên hệ đến cuộc đời hiện nay, ở đây, bây giờ. Nhà nghiên Kraft chỉ rõ trọng tâm này trong tác phẩm The Wheel of Engaged Buddhism (Bánh xe chánh pháp của Phật giáo Nhập thế)
Hiện nay các học giả Phật giáo cho rằng các điều kiện xã hội cùng các định chế chánh trị cũng ảnh hưởng quan trọng đến đau khổ của con người. Những nguyên nhân chính yếu trong Phật giáo nguyên thủy như tham, sân và si phải được giải quyết trên bình diện xã hội và chính trị cũng như trên bình diện cá nhân . (5)
Phật giáo Nhập thế giải thích giáo lý một cách ‘hiện đại’, không phải
chỉ giải thích chỉ trên bình diện ‘tâm lý’, nhưng còn trong bối cảnh toàn cầu. Ví dụ như giới sát không phải chỉ là ‘không giết người’ mà còn ‘không để người khác giết người, không hỗ trợ chuyện giết người, trong tư tưởng cũng như trong hành động.’
(6) “Cấm sát sanh’ không phải chỉ là vấn đề đạo đức cá nhân, mà còn hàm
ý một hành động tập thể ngăn chặn chuyện giết người. Hậu quả là chúng ta phải xét lại những định chế có thể gây ra đau khổ cho người khác. Hệ thống chính trị hay xã hội có thể làm cho hàng vạn người sống trong nghèo khổ cũng cần được giám sát lại. Không phải chúng ta chỉ đổ lỗi cho
Hitler hay Pol Pot và xoa tay tự xem như bàn tay của mình ‘sạch’ và nghĩ rằng lương tâm của mình thanh thản vì không có tham dự ‘trực tiếp’ trong những vụ giết người tập thể đó?
Lòng ham muốn dĩ nhiên đưa đến tham lam chấp thủ tài sản và thường gây ra đau khổ. Nhưng lý duyên khởi cho thấy đó là một liên hệ trùng trùng và nguyên nhân chính không phải lúc nào cũng dễ nhận ra. Lòng tin trong Phật giáo nguyên thủy cho là ‘tâm là chủ mọi pháp’, đã bị các học giả hiện đại thách đố. Theo họ, một hiểu biết đúng đắn phải thấy đó là liên hệ hai chiều, giữa tâm và vật, và giữa cá nhân và thế giới bên ngoài. Một hệ thống xã hội có thể ảnh hưởng và uốn nắn hành vi cá nhân và hành vi cá nhân củng ảnh hưởng lên giao tiếp xã hội. Ví dụ xã hội tiêu thụ có thể hình thành và tăng cường thái độ ôm ấp của cải và chúng ta càng chấp thủ tài sản chừng nào, thì chúng ta càng góp phần xây dựng và bảo trì xã hội tiêu thụ chừng đó. Đau khổ do thái độ tham lam tài sản
nhưng cũng do các định chế xã hội gây ra. (7)
Góc độ đạo đức vs phục vụ:
Quảng cách giữa đạo đức và hành động xã hội phản ánh nhưng giai đoạn khác nhau trên con đường hành trì tâm linh. Nên nhớ đây không phải là con đường thẳng và chỉ hữu dụng trong việc mô tả và phân loại các hình thức nhập thế.
Trong lịch sử phát triển, Phật giáo phải thích ứng với văn hóa bản địa, tuy nhiên giáo pháp chính yếu vẫn không thay đổi mà Phật giáo hay gọi là nguyên tắc khế lý và khế cơ. Trong phật giáo Nguyên Thủy, thứ tự hành trì là giới-định-tuệ; trong Phật giáo Đại thừa, thứ tự hành trì là bố thí-trì giới-nhẫn nhục.
Lý tưởng của Phật giáo Nguyên thủy là La Hán, biến mất trong vô tận sau
khi giác ngộ, trong khi Bồ tát Đại thừa nguyện sẽ trở lại cõi Ta bà để cứu đến chúng sinh cuối cùng. Christopher Queen nhận diện được 4 mục đích của việc hành trì: Giới-Định–Huệ – Nhập thế và Độ sinh. Những mô thức này có thể trùng hợp, nhưng nói chung, giới-định là con đường được Phật giáo Nguyên thủy chú trọng, trong khi nhập thế và độ sinh là trọng tâm của Phật giáo đại thừa. Trước thế kỷ 19 mô thức Phật giáo nhập thế chưa thấy xuất hiện. (8)
Truyền thống Đại thừa khuyến khích tín đồ vượt qua một lỉnh vực khác:
lỉnh vực hành động. Tín đồ Đại thừa thực hành lục mật và một trong lục mật đó là ‘bố thí’ (Dana). Bố thí là một động tác giao hoán xã hội trong khi giới-định-tuệ lùi lại trong quá trình hành trì của cá nhân. Đây là một thay đổi quan trọng từ đạo đức qua hành động. Thiền
định chỉ còn được xem như là phương tiện thiện xảo để vun trồng đạo đức
trong quá trình giao lưu với xã hội bên ngoài. (9)
Cần một thời gian lâu dài Đại thừa mới từ bỏ con đường Độc giác Phật (Pratyeka-Buddha) và La Hán để chấp nhận lý tưởng Bồ Tát. Trên thực tế nhưng người hành trì Bồ Tát Đạo có thể ‘nhảy qua’ nhảy lại’ hai bờ hằng hà sa số lần, hay nói theo ngôn ngữ của lý duyên khởi, nhảy qua nhảy lại
trong vòng luân hồi bao nhiêu lần nếu cần.
Góc độ trí tuệ vs hành động:
Nhập thế hàm ý hành động với người khác. Mục tiêu tối hậu, Tuệ, giúp chúng ta đạt đến nấc thang đầu tiên của con đường bát chánh, chánh kiến. Đức Phật đã khám pha điều gì trong đêm thành đạo? Đức Phật ngạc nhiên khi thấy khám phá của mình thật đơn giản:
Không có gì có bản chất biệt lập, không có gì có thể tự nó hiện hữu và mọi pháp đều do liên hệ nhân duyên trong một mạng lưới trùng trùng, như trong xâu chuổi Đế thích (Indra). Nguyên tắc vô ngã phải hiểu được hiểu trong bối cảnh này, chớ không phải là không hiện hữu hay
bàn luận lan man kiểu triết lý ‘tính không’, làm nhận thức của Phật tử thêm mù mịt. Trong bình diện thời gian, vô ngã thành vô thường, khi duyên khởi tan rã, thì trở thành không. Ba nguyên tắc này là một, tam pháp ấn, bản chất là một nhưng khoác ba tên khác nhau.
Đức Phật dạy: “Người nào thấy duyên khởi thì thấy pháp”. Khi đạt được
Tuệ, chúng sẽ có chánh kiến là ‘chúng ta là những người đồng hội đồng thuyền”, và vì đồng hội đồng thuyền, chúng ta thấy ‘đại từ đại bi thương
chúng sanh” và Bồ Tát thì “đại hỷ đại xả cứu muốn loài”. Trong Phật giáo có 2 từ ngữ mô tả tình thương lớn. Một là Đại Từ, Karuna, (compassion) và chữ kia là Đại Bi Metta (loving-kindness).
Sau khi giác ngộ làm thế nào Độc giác Phật và La Hán biểu lộ lòng TỪ và
BI với chúng sinh? Bi phải thể hiện trong các liên hệ giao tế với người
khác. Đó là lý do tại sao Đại Thừa mô tả TỪ BI bằng những từ ngữ cụ thể, như Bố thí. Bồ Tát Quan Thế Âm là một Bồ Tát được kính trọng và yêu
mến nhất trong đạo Phật (Bodhisattva Avalokiteshvara) là một người luôn
lắng nghe tiếng kêu than trên thế gian để làm cho khổ của chúng sinh bớt khổ. Đây là Lý tưởng Bồ tát của Đạo Phật và dĩ nhiên Quan Thế Âm phải được hiểu trên bình diện lý tưởng, huyền thoại. Nhiều Bồ Tát sau khi giác ngộ, thay vì biến mất trong cõi vô cùng nào đó, nguyện trở lại thế gian tế độ chúng sinh. Sự phân biệt giữa giới-định và hành động từ bi cứu khổ chỉ là những phân biệt giả tạo. Biên giới giữa Nguyên thủy và
Đại thừa cuối cùng mờ nhạt. Hai bờ không thể chia cắt được. Kinh Bát Nhã nhắc tới ‘Vượt qua bên kia bờ là vậy’ (Para samgate).
Chính niệm và nhập cuộc
Di chuyển từ chính niệm đến nhập thế có thể xảy ra tự nhiên trong bất
cứ lúc nào quá trình tu luyện tâm linh và liên hệ nhân quả rõ ràng, như
Nhất Hạnh phát biểu:
Trong truyền thống của chúng tôi, tự viện chỉ là phòng thí nghiệm để tu tập ‘một cái gì đó’. Thiền quán không phải là cứu cánh mà chỉ là phương tiện. Được huấn luyện và thực hành đời sống tâm linh người tu hành do đó có thể đi ra ‘ngoài’ phục vụ người khác. (10)
Thiền định chỉ là một phương tiện để người tu tập có ý thức về những gì xảy ra bên trong thân tâm và thế giới bên ngoài. Ý thức hay chánh niệm không phải là quả vị cuối cùng trong quá trình giác ngộ. Đây chỉ là quá trình làm ‘sạch’ mà người tu tập có thể lập đi lập lại, dù là họ đang ở giai đoạn thực tập nào. Không ai chắc rằng hể ngồi Thiền sẽ đạt được giác ngộ và ngược lại, có những người ‘giác ngộ’ có thể chưa bao giờ ngồi thiền. Khi giảng pháp cho các hành giả Tây phương, Nhất Hạnh phần lớn chú ý trên chánh niệm trong cuộc sống hàng ngày và kết quả là, ý
nghĩa của nhập thế trở nên mù mờ hơn. Một vài hành giả phê bình là pháp
môn của Nhất Hạnh hoặc quá ‘nhập cuộc’, hay không ‘nhập cuộc đủ’, bởi vì thiếu hành động tập thể trong lĩnh vực công. Một vài đệ tử của Nhất Hạnh từ chối giải quyết hay tham dự vào vấn đề chính trị tranh cãi, như chiến tranh Iraq. Điều này đáng ngạc nhiên vì Nhất Hạnh được nhiều người
biết tiếng là nhờ tham dự vận động hòa bình Việt nam. Nếu không viết Hoa Sen Trong Biển Lửa (The Lotus in the Sea of Fire) Nhất Hạnh chỉ là một nhà nghiên cứu, thi sĩ, có thể nổi tiếng tới một mức nào đó, từ một quê hương xa vời. Sự tránh né những hoạt động chánh trị của các đệ tử Nhất Hạnh mà họ chỉ
quan tâm đến việc thực hành các công tác ‘xã hội, từ thiện’ khiến việc đi tìm một định nghĩa về Phật giáo nhập thế thêm khó khăn. Gần đây Nhất Hạnh tiết lộ là một số đệ tử không muốn Nhất Hạnh đọc pháp thoại ở Riverside Church ở New York (nhà thờ của Mục sư Luther King) hai tuần sau khi xảy ra biến cố 11 tháng 9. Các đệ tử Mỹ lo sợ là Thầy có thể bị các thành phần Tin Lành quá khích ám sát, như trước đó họ đã ám hại Martin Luther King. Nhưng Nhất Hạnh tiếp tục giảng pháp thoại và kêu gọi
TT G.W. Bush nên nghĩ cẩn thận trước khi tung chiến dịch chống khủng bố
‘War on Terror’ ở Afghanistan và Iraq. Không ai có thể nghi ngờ sự can đảm và quyết tâm của Nhất Hạnh về tranh đấu cho hòa bình bằng phương tiện bất bạo động.
Đi ngược dòng với Phật giáo nhập thế trong vòng 20 năm qua là các khuynh hướng muốn đồng hóa Phật giáo với việc ngồi thiền. Tạp chí Phật giáo Tricycle đề nghị xem nhóm thiền Vipassana như một môn phái! Trong vài trường hợp thiền Chánh niệm trở thành mục đích chính của việc tu tập và cho thấy nhiều người đã nhầm lẫn giữa cái bè và bờ bên kia. Song song với Thiền chánh niệm áp dụng trong các bệnh viện do Jon Kabat Zinn khởi sự, thiền Chánh niệm thông tục đã trở thành một phương thức tâm lý trị liệu cho các tâm lý gia tư vấn về gia đình. Cuôc thăm dò ý kiến của Patricia Hunt, cho biết các đệ tử của Nhất Hạnh chỉ có những ý niệm mơ hồ về ý nghĩa ‘nhập thế’ và chỉ còn thực tập thiền Chánh Niệm như một phương pháp thiền thông tục (phi Phật giáo) để phân biêt với thiền giác ngộ truyền thống của đạo Phật. Đây là một biến thái có ý nghĩa và hữu ích (như Toynbee tiên đoán?). Cũng như các truyền thống khác tại Tây phương, Thiền giác ngộ của đạo Phật đã bị
‘thông tục hóa’ (secularisation). Hàng ngàn trung tâm tu học đã mọc ra khắp nên để thực hành thiền Chánh niệm trên nước Mỹ. Có lẽ đây là định nghĩa mà các đệ tử của Nhất Hạnh muốn nói: “ Đạo Phật nào mà không nhập thế!” Nghịch lý thay đây là điều mà Nhất Hạnh lúc trẻ lo ngại:
Lúc bắt đầu ngồi Thiền tôi tin rằng nếu tôi thực tập siêng năng tôi có thể tìm ra câu trả lời. Trên thực tế tôi ham mê tu tập thiền. Nếu chuyên cần, biết đâu một ngày nào đó tôi có thể “giác ngộ” như Đức Phật đã giác ngộ 2,500 trước đây. Tôi sẽ trải qua những kinh nghiệm mà Đức Phật đã trãi qua. Sau đó tôi sẽ vào đời và hành đạo. Cần một thời gian lâu tôi mới hiểu là tôi không thể chờ đợi đến khi (giác ngộ) rồi mới hành đạo. (11)
Nhất Hạnh không lạc dấu mục đích tối hậu trong lúc thực hành Thiền khi Nhất Hạnh như trong một bài kệ:
Khi đạt được chánh kiến, phải hành động Phải quan tâm những gì xảy ra quanh ta. Nhờ chánh niệm, chúng ta biết sẽ phải làm gì, Biết không được làm gì, trên con đường độ sinh. (12)Một câu nói cho thấy mối liên hệ sinh động giữa chánh niệm và hành động, giữa chuyển hóa thân tâm và chuyển hóa xã hội “Chúng ta có thể nhập cuộc và làm thay đổi thế giới bên ngoài. Tuy nhiên không thể thay đổi thế giới bên ngoài mà không có tâm tham dự.” (13)
Sư liên hệ mật thiết giữa thiền và hành động như vậy rất rõ ràng: Nếu không chuyển hóa tâm trước khi cố gắng chuyển hóa thế giới,
đó không phải là phương thức chuyển hóa của Phật tử nhập thế, mà chỉ là
nổ lực thay đổi của những người cải cách hay làm cách mạng xã hội thông
tục ‘phi Phật giáo’ (như các nhà cách mạng Mác xít). Với đau khổ triền miên hiện nay trên thế giới, làm thế nào để Phật tử làm ‘vơi nỗi khổ’ của chúng sinh chỉ bằng tọa Thiền hay hành Thiền? Học giả Christopher Queen đặt một câu hỏi quan trọng:
Nhưng người ta tự hỏi là, với những khổ đau lan tràn của nhân loại hiện nay, đạo đức, tu tập tâm linh, hành động tốt của cá nhân, lời nguyện cứu chúng sinh có đủ để ngăn chận những chế độ chính trị đang làm môi sinh suy thoái trong giai đoạn sắp tới. (14)
Tuyên bố ‘Phật giáo nào lại không nhập thế’ là thái độ tự mãn vì trên
thực tế vẫn còn nhiều pháp môn “không nhập thế”. Mặc dù một vài đệ tử của Nhất Hạnh tránh né liên hệ đến các hoạt động chánh trị bị tranh cãi (Như ủng hộ hay không ủng hộ W Bush trong hành động tấn công Iraq) Nhất Hạnh không khuyến khích đệ tử giữ chặt Chánh niệm như mục đích tối hậu của con đường hành trì Bồ Tát đạo :
Một vài Thầy bảo chúng ta đừng quan tâm đến những vấn đề hiện nay trên thế giới như nạn đói, chiến tranh, áp bức, bất công vân vân… Theo tôi những vị này không hiểu đúng tinh thần Phật giáo Đại thừa. Dĩ nhiên chúng ta không nên xao lãng thực tập Chánh niệm và học hỏi kinh điển, nhưng mục đích của việc tu học này là gì? Là ý thức về những gì xảy ra trong thân tâm của chúng ta và bên ngoài. Chúng ta có thể thấy những gì xảy ra trên thế giới có thể thấy được ngay trong chúng ta và ngược lại. Khi nhận thấy rõ điều này, chúng ta không thể nào không hành động. (15)
Aung San Suu Kyi, người đoạt giải thưởng Nobel về Hòa Bình, diễn tả tính chất của Phật giáo Nhập thế một cách thực tiễn:
Chúng ta cố gắng bằng mọi cách không làm tổn thương đến người khác hay khiến họ sân hận. Tuy nhiên nếu có người nào làm tổn hại đến chúng ta, hay đồng bào của chúng ta một cách không thể chấp nhận được, chúng ta không những chỉ ngồi đó và nói: “Họ làm như thế. Họ làm như thế và ngồi yên không làm gì cả. Chúng ta không thể ngồi thiền và nói “Họ đã đối xử bất công với chúng ta”. Chúng ta phải làm một cái gì đó. (16)
Một đề nghị về định nghĩa Phật giáo Nhập thế
Ngoài xác nhận của Nhất Hạnh ‘Tất cả Phật giáo đều nhập thế’, có một vài định nghĩa khác chỉ có tính cách hình thức mầu mè rỗng không, kiểu ‘tu từ học’ (rhetoric) như ‘mỗi giây phút trên đời đều là nhập thế’ (chánh niệm) hay “Phật giáo Nhập thế bao trùm tất cả các môn phái khác”.
Cần phải đưa ra những giới hạn để có thể một định nghĩa có thể chấp nhận được. Trong bảng đối chiếu góc cạnh từ Chánh niệm đến Độ sinh, có một tiêu chuẩn chính yếu để định nghĩa Phật giáo Nhập Thế đó là tham dự, nhập cuộc, hành động chuyển hóa thế giới bên ngoài.
Phải qua bờ bên kia để theo vết chân Bồ Tát, nếu cần phải nhảy qua nhảy
lại bờ bên này và bên kia nhiều lần, để lấy thêm nguồn năng lượng tâm linh. Phật giáo Nhập thế không phải chỉ đơn giản làm chuyện xã hội hay từ thiện. Những người thực hành Bồ Tát Đạo, phải lồng lòng tin cá nhân vào triết lý độ sinh của đạo Phật, quyết tâm nhập cuộc để thay đổi và tạo ra các định chế mới để làm vơi khổ đau trần thế. Dĩ nhiên đây là một chọn lựa và phán đoán cá nhân theo
Bồ tát đạo và hơn ai hết, người Phật tử biết rằng lòng khiêm cung là một đức tính quan trọng để chế ngự ngã mạn. Nhà nghiên cứu Ken Jones, trong tác phẩm Bộ Mặt Xã Hội của Phật Giáo (The Social Face of Buddhism) đề nghị một định nghĩa về Phật giáo Nhập thế như sau”
Phật giáo Nhập thế là một áp dụng của một quá trình xã hội, kinh tế, chánh trị và môi sinh phát sinh từ quan điểm nhân sinh của Đạo Phật. (17)
Giải thích giáo pháp theo cái nhìn hiện đại
Các thành phần bảo thủ xem Phật giáo Nhập thế là một phát triển đáng lo ngại, làm mất không khí tĩnh lặng của con đường hành trì. Nhiều người
hỏi đây có phải là giáo pháp trung thực hay chỉ là một hình thức lạc đạo.
Loại phản ứng này không có gì mới lạ. Phật giáo Nguyên thủy trước đây cũng hỏi những câu tương khi Đại thừa bắt đầu lớn mạnh. Những Phật tử Nhập thế lý luận là ‘khế cơ’, ‘vô thường’ là triết lý căn bản của Phật giáo để duy trì sức sống của một tôn giáo.
Giáo pháp chỉ là cái bè sang sông, ngón tay chỉ mặt trăng. Nhất là Phật
giáo không chấp nhận giáo điều và lòng tin mù quáng. Trong buổi lễ qui y
cho nửa triệu tiện dân (Untouchables) ở Nagpur vào năm 1956, Dr Ambedkar gọi Phật giáo mà ông truyền bá là Tân thừa (Navayana). Một vài
người muốn gọi đây là địa thừa Terrayana. Phật giáo Nhập thế hành trì bồ tát đạo để làm vơi khổ đau ngay trong đời này và ở đây, chớ không phải chỉ nhắm đến cuộc đời sau khi chết. Quan điểm và hình thức hành động này có thể từ trước giờ chưa có, nhưng giáo lý căn bản vẫn giống như cũ, như Queen nhận xét:
Phật giáo Nhập thế vẫn giữ nguyên những điểm chính trong giáo lý căn bản: lý duyên khởi, chánh niệm, từ bi, phương tiện thiện xảo…Tuy nhiên Phật giáo Nhập thế nhạy cảm hơn với những bất công xã hội, những định chế bất thiện và áp bức gây ra đau khổ cho con người, mà trong quá khứ không phải là trọng tâm chính. (18)
Phật giáo Nhập thế không những giải thích giáo lý cơ bản theo một góc cạnh mới, các giáo lý căn bản được đặt trong một bối cảnh mới trong đó tham sân và si đã được định chế hóa trong cái lò lửa của kinh tế toàn cầu như Stephen Batchelor viết:
Những người Phật tử nhập thế hiện nay ý thức rằng, tham-sân-si không còn được hiểu như là những tác động tâm lý biểu hiện qua đau khổ cá nhân. Chúng ta thấy là những tác động tâm lý thể hiện thân cơ cấu chính trị, quân sự và kinh tế đang ảnh hưởng phần lớn nhân loại.(19)
Trong cuộc tranh đấu để giải phóng cho tiện dân (Untouchables) ở Ấn Độ, quan điểm khác biệt giữa Gandhi và Ambedkar làm rõ quan điểm khác nhau giữa Phật tử truyền thống và Phật tử Nhập thế. Trung thành với lòng
tin Ấn giáo về ảnh hưởng bất di bất dịch của nghiệp, Gandhi cổ võ lòng từ bi để giúp tiện dân cải thiện vị trí của họ trong xã hội và chấp nhận
họ vào xã hội Ấn. Nhưng Gandhi nghĩ rằng việc thay đổi nghiệp lực cá nhân bị giới hạn do đó họ không ai có thể được cứu thoát bởi quyền lực bên ngoài. Đối với Gandhi, hệ thống đẳng cấp phức tạp ở Ấn, liên hệ đến luật vận hành vũ trụ (số mệnh) và không thể được chuyển nghiệp bằng những định chế chính trị và xã hội. Trong khi đó Ambedkar hiểu nghiệp qua góc độ thực tiễn. Cũng như những Phật tử Nhập thế khác, ông tin là tham-sân–si một phần biểu hiện tập thể của tàn tích của chế độ thực dân,
guồng máy thư lại tham nhũng và lòng tin Bà La Môn, là những yếu tố chính khiến tiện dân bị đau khổ. Cho nên muốn hệ thống đẳng cấp trong xã
hội Ấn phải được cấu trúc lại và hủy bỏ, cần hủy bỏ lòng tin Bà La Môn về cộng nghiệp. Đổ lỗi cho nạn nhân của một xã hội bất công trong khi quy chiếu về một quan niệm bất di bất dịch về nghiệp là một điều bất công. Ambedkar muốn thành hình những định chế xã hội mới thay đổi quan niệm cố định về ‘Cộng nghiệp’. Khẩu hiệu của ông là ‘vận động, giáo dục và khích động”
quần chúng cho thấy quyết tâm thay đổi từ ‘ý niệm’ vị tha và từ bi qua lảnh vực hành động cụ thể. Một giải thích cứng nhắc về nghiệp và một lời
hứa về Niết bàn hay tịnh độ ở đời sau, trong quá khứ, có thể đã góp phần làm quần chúng Phật tử vô cảm với những bất công xã hội. Những Phật tử nhập thế cương quyết áp dụng chuyển hóa xã hội ngay đời này, tại đây, bây giờ.
Tuy nhiên chú tâm đối kháng sức mạnh độc hại trong hệ thống kinh tế cà chính trị hiện nay gây chia rẽ trong hàng ngũ của Phật tử nhập thế. Một vài Phật tử Mỹ ủng hộ 2 cuộc chiến tranh vùng Vịnh, trong khi một số
khác tra vấn đề nghị dùng bạo lực để thực hiện hòa bình. Trên tờ tạp chí Phật giáo Tricycle
một số Phật tử dùng ý niệm ‘chiến tranh công chính’, là một ý niệm của Ky Tô, không phải của Phật giáo, để ủng hộ hai cuộc chiến tranh của Bush
cha và Bush con.
Một vấn đè khác nổi bật trong cuộc tranh luận giữ những Phật tử chọn giải pháp hòa bình và ủng hộ chiến tranh công chính là Bất bạo động.
Phần lớn các Phật tử gốc Á Châu như Đức Đạt Lai Lạt Ma, Nhất Hạnh, Sulak Sivaraksa và Aung San Suu Kyi, nhất quyết trung thành với nguyên tắc ‘Bất bạo động’ mặc dù vẫn có lúc còn dằng co trong lòng. Khi một số Phật tử Tây Tạng đề nghị tự thiêu hay chủ trương dùng vũ khí để dành độc
lập cho Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma phản ứng tuyệt vọng: “Tôi không biết phải làm gì nữa bây giờ!”
Lời tuyên bố này không ủng hộ việc từ bỏ bất bạo động, nhưng là một lời
thú nhận là phong trào đòi độc lập bằng đường lối bất bạo dộng đã thất bại.
Nhất Hạnh xác nhận long tin tuyệt đối vào bất bạo động trong giới thứ 12 của dòng Tiếp Hiện: “Đừng giết người, Đừng để người khác giết người. Tìm Bất cứ một phương tiện nào để ngăn ngừa chiến tranh”. Bài pháp thoại
của Nhất Hạnh ở River Side Church sau biến cố 9/11 biến cố cho thấy lòng can đảm tuyệt vời và quyết tâm theo con đường bất bạo động của Nhất
Hạnh.
Những phản ứng dị biệt của các Phật tử Nhập thế đối với hoàn cảnh áp bức và bạo động cho thấy mối liên hệ giữa từ bi và hành động và một liên
hệ phức tạp. Một giả định là nếu nuôi dưỡng được lòng từ bi, có làm hành động ‘đột phát’ như bất nhẫn chi tâm của ‘Mạnh tử’ hay ‘giữa đường thấy chuyện bất bình mà tha’ của những anh hùng ‘đơn hùng tín’ của vùng Nam Bộ hay không?! Theo Sulak Sivaraksa, chủ trương hòa bình (pacifism) là một điểm mạnh cũng là điểm yếu của Phật tử Nhập thế (20)
Một Mạn Đà La cho thiên niên kỷ mới
Vào đầu thiên niên kỷ mới, điều đáng khích lệ là Phật giáo Nhập thế đã tăng trưởng mạnh mẽ ở Tây phương. Những nghi ngờ còn sót lại của giới bảo thủ hầu như không còn nữa. Phật tử không còn hài lòng với những
cách hành trì cổ điển, như chỉ ‘ngồi Thiền’ và ‘cầu nguyện’. Có thêm nhiều yếu tố mới trong các dòng chảy ‘thông tục’ khi các phật tử Tây phương tuyên bố họ là những người Phật tử ‘bất khả tri’, muốn trình bày Phật giáo quá ánh sáng trí tuệ, thay vì chỉ bằng lòng tin (Stephen Batchelor-Buddhism without beliefs). Các phật tử Tây phương nhắm tới lý tưởng Bồ Tát, lắng nghe lời than của chúng sinh ở bất cứ nơi nào mà họ có thể nghe thấy. Cho nên họ không còn bỏ qua nhưng đau khổ hiện tiền như nghèo khổ, áp bức và chiến tranh vẫn còn hiện diện trên địa cầu. Họ đã cố gắng thay đổi truyền thống để đáp ứng với những thách đố mới.
Sau đây là những tóm tắt về những đặc tính chính yếu của Phật giáo Nhập thế:
1- Phật giáo nhập thế bào gồm cả chuyển hóa thân tâm và thế giới bên ngoài
Chuyển đổi nhấn mạnh từ đạo đức sang hành động, từ con đường tâm linh
sang con đường độ sinh theo con đường Bồ Tát. Sự liên hệ mật thiết giữa
chuyển hóa cá nhân và thế giới bên ngoài được xem như là một tính chất độc đáo của Phật tử Nhập thế, sự khác biệt giữa thế giới nội tâm bên trong và thế giới bên ngoài không còn giá trị nữa, vì cuộc hành trình ra
ngoài là tiếp tục và làm sâu xa cuộc hành trình chuyển hóa thân và tâm (bên trong). Chúng ta phải thay đổi cá nhân để thay đổi xã hội. Con đường của Độc giác Phật ngày nay không còn quyến rũ được ai. Hành trình chuyển hóa thân tâm đơn độc, dù thâm sâu tới đâu, không phải là mục tiêu
hành trì tối hậu. Như một Phật tử nhập thế bày tỏ như sau:
Chúng tôi học làm thế nào để phát triển cá nhân cho thay đổi xã hội. Những ý thức hệ lớn không còn tồn tại và không đưa chúng ta vào thiên niên kỷ mới. Khi chúng ta nghĩ là có thể thay đổi thế giới mà không cần thay đổi thân tâm chúng ta, chúng ta không đi xa được. (21)
2- Cần giải thích chánh pháp thích hợp với tâm cảnh của những Phật tử
có trình độ hiểu biết khoa học. Những ý niệm như Nghiệp, đầu thai, Phật
tính, giải thoát…lược bớt phần siêu hình thần thoại… Tham lam, sân hận, vô minh không phải chỉ được hiểu như là những yếu tố tâm lý mà phải
được giải thích trong bối cảnh toàn cầu. Những yếu tố tâm lý không còn được xem như là những lý do duy nhất gây ra đau khổ cho chúng sinh, mà môt số các hệ thống toàn cầu cũng gây ra đau khổ cho nhân loại.
3- Trí tuệ và từ bi cũng như từ bi và hành động liên hệ mật thiết với nhau, như Kapleau thách thức, ‘từ bi không thực sự từ bi nếu không được thể hiện bằng hành động và hoạt động xã hội là một loại thiền quán’. (22)
4- Bảng chỉ đường trí tuệ của Phật giáo Nhập thế là lý tưởng Bồ tát. Bồ tát là một người tỉnh thức, một người sắp sữa tỉnh thức hay một người dung phương tiện thiện xảo thức tỉnh người khác. Hành giả nào từ bi và vô chấp, nhất là đối với vật chất, là một bồ tát. Đối với một người Phật tử Nhập thế, hành động từ bi có ý nghĩa quan trọng khi từ bi thể hiện bằng hành động nếu không, từ bi không thực sự là từ bi.
5- Phần lớn các người lãnh đạo Phật tử Nhập thế Á châu hiện nay được giáo dục ở Tây phương, nhờ thế họ kết hợp được những quan niệm tiến
bộ như dân chủ, công bằng kinh tế, chính trị và xã hội. Một thế giới theo viễn kiến của Phật giáo đã được chứng tỏ là rất gần gũi với những khám phá khoa học mới nhất về vật lý vũ trụ và hấp dẫn một số lớn trí thức Tây phương. Hiện nay Phật giáo được xem như là một tôn giáo có thể cung cấp một nền đạo đức thế tục mà không cần duy trì giáo điều và hành trì mê tín. Trong một vài truyền thống Á châu, Phật giáo nhập thế đã trở thành một dòng tư tưởng chính mặc dù các thành phần bảo thủ vẫn còn tiếp tục chống đối.
6- Cuối cùng, con đường hành trì mới chú tâm trên khả năng thực hiện giác ngộ của cả tăng sĩ lẫn cư sĩ. Các cư sĩ góp phần quan trọng trong việc chuyển bánh xe chánh pháp như chúng ta thấy ở Tây phương hiện nay. Ngay cả ở Á Châu nơi mà Tăng già thường đóng một vai trò quan trọng, vai
trò của các cư sĩ bắt đầu nổi bật: Ambedkar ở Ấn Độ, Ariyaratna ở Sri Lanka, Aung San Suu Kyi ở Miến và Sulak Sivaraksa ở Thái Lan. Đức Đạt Lai Lạt Ma và Nhất Hạnh là hai trường hợp đặc biệt.
Ghi chú
1- Kotler, A. Engaged Buddhism Reader (Parallax, California,1996), p 1
2- Kraft, K. The Wheel of Engaged Buddhism (Weatherhill, New York, 1999), p. 15
3- Queen, C & King, S. Engaged Buddhism: the Buddhist Liberation Movements in Asia (State University, New York, 1996), p. 485
4- Queen, C. Ibid, p. 8
5- Kraft, K. Ibid. p. 53
6- Nhat Hanh et al. For a Future Possible (Parallax, California, 1993), p. 14
7- Kraft, Ibid . 53
8- Queen, Ibid. p 11
9- Ibid, p.13
10- Nhat Hanh. Fragrant Palm Leaves ( Parallax, California, 1998), p.9
11- Queen, Ibid. p.494
12- Nhat Hanh, Ibid. p.45\
13- Queen, Ibid. p.5
14- Ibid, p. 8
15- Ibid, p. 16
16- Ibid, p.9
17- Jones, K. The Social Face of Buddhism (Wisdom, London, 1989, p 223
18- Queen, Ibid, p 25
19- Batchelor, S. in Gay Watson (Ed) The Psychology of Awakening (Rider, London, 1999) p. 67
20- Sulak, Sivaratsa, The Seeds of Peace (Parallax, California, 1992), p. 80
21- Jones, Ibid. P. 223
22- Kraft, Ibid. p. 54
(Chuyển Luân)
Discussion about this post