NGƯỜI CƯ SĨ PHẬT GIÁO
Tô Đăng Khoa
Đây là vị đệ tử cư sĩ của Đức Phật, vị ấy sống tại gia. Vị ấy
đã thiết lập niềm tin vững chắc trong sự tỉnh thức của Đức Phật. Vị ấy sống tự rèn luyện từ hành động và lời
nói, cử chỉ của mình. Vị ấy sống biết hổ thẹn, xấu hổ, thấy lổi của mình trong
những việc nhỏ nhặt. Vị ấy sống nuôi dưỡng tâm từ đối với tất cả loài hữu tình. Vị ấy sống
rộng lượng, biết hy sinh và cho đi.
Đây là cách thực hành Giáo Pháp của vị ấy: Vị ấy luôn nắm lấy
cơ hội để lắng nghe Giáo Pháp – lời của Đức Phật, các bậc Thiện Tri Thức đã thức tỉnh. Nhưng không phải chỉ có lắng nghe: Vị ấy quyết chí ghi nhớ Pháp đã được
nghe. Vị ấy cố gắng ghi nhớ nó, giữ nó
trong tâm trí của mình: Bởi vì vị ấy biết rằng, nhờ vậy vị ấy luôn luôn suy ngẫm
về Pháp, luôn luôn hướng tâm tới Pháp, để
hiểu Pháp một cách sâu sắc, và sống tùy Pháp mọi lúc mọi nơi. Bằng cách thực hành nhiều lần như vậy, vị ấy thành
tựu Chánh Kiến, Chánh Tư Duy và rõ biết Pháp. Vị ấy nhận ra: Pháp là quy luật tự nhiên, muốn thoát khổ, vị ấy
phải tuệ tri như thật đối với tất cả Pháp. Nhờ thành tựu Chánh Kiến, Chánh Tư Duy như vậy,
cuộc sống của vị ấy được hài hòa trọn vẹn với Pháp.
Vị ấy tự mình kinh nghiệm và rõ biết chắc chắn rằng toàn bộ
cuộc sống của mình đang được tác động và
chuyển hóa bởi sự kỳ diệu của Pháp. Trong công việc của mình, vị ấy siêng năng,
chăm chỉ trong bổn phận, không tranh chấp với bất cứ ai trong đời. Về tài chính,
vị ấy sống luôn biết đủ, chi tiêu những gì cần thiết, tránh nợ, và rõ biết lợi
ích của việc tiết kiệm. Vị ấy lưu tâm
chăm sóc tốt sức khỏe vật chất và tinh thần của cha mẹ, bảo bọc tương kính người
bạn đời và cùng nhau cân nhắc chú tâm đến việc nuôi nấng và giáo dục con cái. Do biết cách thu xếp cuộc sống theo bổn phận của
một người cư sĩ tại gia một cách thiện xão như vậy, cuộc sống thế tục của vị ấy
được cân bằng: tâm vị ấy không bị chi phối bởi đời sống thế tục. Thời gian còn lại vị ấy dành hết cho đời sống
tinh thần của mình.
Ít nhất mỗi tuần một
lần, mặc vào bộ đồ lam tượng trưng cho sự tinh khiết của người cư sĩ, vị ấy dành
ra một ngày cho sự im lặng của bậc Thánh. Vị ấy cho phép tâm của mình tự thanh tịnh
trong sự tĩnh lặng cao quý này của thân, khẩu và ý. Vị ấy biết, một ngày sống
trong sự im lặng của bậc thánh, được đi
theo bước chân của các vị A La Hán của Thế Tôn, giá trị hơn bất kỳ tài sản thế
gian nào. Mỗi ngày, vị ấy tự nhắc nhở
mình về Pháp đã được học: vị ấy gìn giữ cho ngôn ngữ về Pháp được trong sáng và
đơn giản (qua việc ghi nhớ những lời của
Đức Phật Nguyên Thủy được viết ra từ ngôn ngữ gốc Pali). Vị ấy gìn giữ lời dạy của Thế Tôn như gìn giữ
Pháp Nhãn của mình. Vị ấy tránh xa tất cả
tranh luận, không liên hệ đến mục đích về Pháp, vị ấy rõ biết: Pháp đã được Thế
Tôn khéo thuyết (hoàn thiện ở gian đoạn đầu-tức là Giới, hoàn thiện ở giai đoạn
giữa-tức là Định, hoàn thiện ở giai đoạn cuối -tức là Tuệ, đầy đủ văn đầy đủ
nghĩa), thiết thực hiện tại, không có thời gian, có khả năng hướng thượng, chỉ
do người trí tự tu, tự chứng, tự nhận thức.
Mỗi buổi sáng trước khi bắt đầu một ngày mới, vị ấy khẳng định
lại niềm tin của mình trong sự giác ngộ của đức Phật và sự tuyên bố, minh thị của
Ngài về Pháp. Vị ấy phát nguyện sẽ tự mình
độc hành độc bộ đi theo con đường này một cách nghiêm chỉnh suốt kiếp này. Suốt ngày trong 4 oai nghi, vị ấy bình tĩnh ghi
nhận về ý nghĩa của tất cả Pháp đúng như vị ấy đã được học: Vị ấy nhận rõ tất cả
Pháp: Đây là Vô Thường, đây là Khổ, đây
là Vô Ngã. Đây là Chánh Kiến của vị ấy.
Vị ấy biết, từ sự cân bằng và sống biết đủ của đời sống tại
gia và tự tin nơi Pháp sẽ đưa đến hoan hỷ, từ hoan hỷ sẽ đưa đến an lạc. Đây là
sự an lạc không liên hệ đến sự tham dục. Niềm an lạc bên trong này sẽ dẫn vị ấy
an trú vững chắc, bình tĩnh nơi Sơ Định. Vị ấy thực hành tùy Pháp, tuần tự tịnh
chỉ tất cả các Hành, vốn như người thợ xây nhà làm cho hiện hửu tất cả các Pháp
hữu vi. Vị ấy làm cho tịnh chỉ lời nói,
tầm tứ, thọ tưởng, và hơi thở ra vô. Vị ấy
tự thân kinh nghiệm lần đầu tiên sự an lạc tối thượng do sự tịnh chỉ các Hành đưa
đến. Nhưng trên tất cả, vị ấy biết không
có niềm vui nào cao hơn sự nhận thức (trực nhận) sự vô thường của sáu giác
quan, sáu căn và sáu thức, sự trực nhận
về khổ, sự sanh khởi, sự đoạn diệt, và
con đường đưa tới sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn.
Vị ấy trực nhận về Tánh Duyên Khởi của Tất Cả. Vị ấy trực nhận
Y Duyên Khởi Pháp Tánh, tức là Pháp Tánh Bổn Trụ, vị ấy xác quyết rõ ràng như vậy,
không thể khác hơn được, không thể dùng khái niệm quy ước phân tách được. Sau
khi xác nhận Pháp Tánh vốn Y Duyên Khởi Như Vậy, tâm vị xả niệm thanh tịnh, và
trở nên an tịnh ngay trên trú xứ của nó (tức là 18 giới: 6 căn, 6 trần, 6 thức)
và an trú Bất Động, Vô Tướng Tâm Định. Vị ấy tuệ tri: “Đây là tịch tịnh, đây là
thù thắng, tức là sự tịnh chỉ tất cả các Hành, sự từ bỏ tất cả Sanh Y, sự ái diệt,
sự ly tham, đoạn diệt, Niết Bàn”
Đối với vị ấy, không
có việc gì đáng làm hơn thế nữa.
Đối với đời sống hiện
tại, vị ấy vẫn mặc quần áo Lam, sống giữa vợ và các con, tham gia vào các việc có
lợi ích cho xã hội. Vị ấy sống tùy Pháp, tùy duyên và căn cơ người đối diện,
chia sẽ lại kinh nghiệm của chính mình về con đường dẫn đến Hữu Dư Niết Bàn như
đã được chỉ ra bởi các đấng Giác Ngộ.
Đây chính là người cư sĩ của Đức Phật. Từ Pháp hoá sanh, là
người thừa tự Pháp, không thừa tự vật chất.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Discussion about this post