Hầu như ngôi chùa của người Khmer gắn bó với mỗi người dân Khmer trong suốt cuộc đời của họ, từ khi sinh ra, trưởng thành cho đến khi rời xa trần thế, do đó họ thường có câu nói “sống vào chùa gửi thân, chết vào chùa gửi cốt”. Cũng từ đó, theo phong tục truyền thống, một lần trong đời, tất cả thanh niên Khmer đều phải đến ở chùa tu học, có như thế mới được xem là hoàn thành nghĩa vụ đối với gia đình và xã hội, được xã hội kính trọng. Nếu người con trai nào không trải qua qua giai đoạn tu học trong chùa thì bị xã hội và gia đình cho là bất hiếu và lớn lên sẽ rất khó lấy vợ. Bởi trong tiêu chí lựa chọn làm chồng của người phụ nữ Khmer, thường chọn những chàng trai phải trải qua tu luyện trong chùa, đã hoàn tục. Việc đi tu tạo ra một năng lực không nhỏ tác động đến người đi tu, giúp họ gìn giữ giới luật một cách trang nghiêm, thanh tịnh, đồng thời còn được rèn luyện, trau dồi về đạo đức, nhân cách trở thành những người sống tốt đời, đẹp đạo, giảm bớt tham-sân-si.
Lễ xuất gia tu học là nghi lễ đánh dấu việc giới tử tu tập chính thức trở thành Sa-di (bậc thấp nhất trong tu học). Thông thường theo truyền thống, người con trai Khmer từ 12-14 tuổi sẽ được cắt tóc để vào chùa đi tu, thời gian xuất gia thường diễn ra vào những ngày trước lễ nhập hạ hay vào những ngày đầu Tết Nguyên đán (Chôl chnam thmây, lễ mừng năm mới, vào đầu tháng Chét).
Khi gia đình có ý định muốn cho con nhập tu, trước hết cha mẹ phải gặp sư trụ trì ở chùa để xin ý kiến, trao đổi, nếu được chấp thuận, trụ trì chùa sẽ định ngày tổ chức nhập tu. Trước khi xuất gia tu học giới tử sẽ vào chùa tu tập khoảng từ một đến hai tháng, nếu thấy phù hợp thì sẽ nhập tu và phải thực hiện đầy đủ bổn phận trách nhiệm của người tu sĩ, giữ “mười điều răn của Đức Phật”: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không ăn chiều, không uống rượu, không ngồi chỗ cao đẹp, không giữ tiền bạc, không nghe đàn và xem hát, không dùng mùi thơm và đồ trang sức.
Sau thời gian một đến hai tháng hết tập tu tại chùa, các giới tử tu tập sẽ được giao về cho gia đình trước hai ngày. Trước ngày làm lễ chính thức, giới tử được các sư làm lễ thế phát (cạo đầu), thay quần bằng chiếc xà – rông, thay áo bằng một tấm khăn vải trắng khoác lên vai từ trái sang phải. Cha mẹ giới tử sẽ tổ chức một lễ gọi là Bank Bom Buôn (Lễ Cầu Phước) ngay tại nhà. Việc tổ chức Lễ Cầu Phước lớn hay nhỏ tùy thuộc vào kinh tế của mỗi gia đình. Lễ được tiến hành vào ngày giờ tốt, đã được gia đình chọn từ trước để người xuất gia từ giã ông bà, cha mẹ, họ hàng, bạn bè và được mọi người đến chúc mừng.
Sau khi làm lễ cúng ông bà tổ tiên xong, những người tham gia buổi lễ sẽ tiến hành nghi thức buộc chỉ (màu đỏ) lên cổ tay cho giới tử để cầu chúc sức khỏe, đồng thời mừng một số tiền và trao tặng một số vật dụng sinh hoạt cho giới tử, sau đó mọi người cùng nhau ăn uống, khi tiếng nhạc, tiếng trống Xa-đăm nổi lên họ thể hiện các điệu múa Rom-vông (Lâm-vông, Lâm-thôn), Lâm-rêu, Saravan để tiễn giới tử đến chùa. Suốt quãng đường đi từ gia đình đến chùa mọi người tiếp tục múa để không khí được nhộn nhịp.
Ngày hôm sau, trong không khí trang nghiêm, nghi lễ xuất gia tu học ở chùa được bắt đầu. Từ sáng sớm, các Phật tử trong bộ quần áo truyền thống ở khắp nơi tập trung đông đủ để tỏ lòng hiếu kính với Đức Phật và gieo duyên lành với các vị sa-di tân xuất gia. Khi đến chùa, các giới tử đầu đội lễ vật gồm: trầu cau, hoa cúc, dừa, hương và nến; theo sau giới tử là cha mẹ đầu đội lễ vật, cuối cùng là đoàn rước, tất cả tuần tự đi quanh chùa ba vòng rồi mới vào trong chính điện để làm lễ. Buổi lễ bao gồm rất nhiều nghi thức, dưới sự hướng dẫn của sư trụ trì. Sư trụ trì ngồi chính giữa, trước bàn thờ Phật, song song hai bên là các vị sư được sắp xếp theo thứ tự chức vụ, vị trí từ lớn đến nhỏ, sau đó mới đến những giới tử chuẩn bị xuất gia, các thành viên trong gia đình và các Phật tử.
Nghi thức đầu tiên trong buổi lễ xuất gia là lễ bái Tam bảo, các Phật tử tụng kinh ca ngợi về Đức Phật. Kế tiếp là lễ Thỉnh pháp sư thuyết pháp, một Achar sẽ lên tụng kinh nói về ý nghĩa của việc xuất gia. Sau khi nghe ý nghĩa về việc xuất gia xong, giới tử cầm áo cà-sa đi vào hàng giữa sư sãi và đọc lời xin tu. Sư trụ trì sẽ đọc mười giới điều của Phật giáo.Sau nghi thức này, các giới tử sẽ được một Tỳkheo nhận làm đệ tử để dạy dỗ, dìu dắt trên con đường tu học. Từ đây các giới tử chính thức trở thành các Sa-di. Cuối buổi lễ, các nhà sư sẽ tụng kinh cầu an cho người mới tu hành và các chúng sinh. Buổi lễ xuất gia tu học thường được tổ chức vào buổi sáng và kết thúc trước giờ Ngọ (12 giờ). Kinh tụng đọc trong suốt buổi lễ bằng ba thứ tiếng Pa li, Khmer và tiếng Việt.
Đối với một tân sa-di, thời gian học kinh và học văn hóa chiếm gần hết quỹ thời gian, một ngày tụng kinh hai lần, thời gian học văn hóa, học kinh: sáng từ 7giờ – 10 giờ, chiều từ 14giờ – 16 giờ, tối 19 giờ 30 – 21 giờ, thời gian học này được được ấn định trong suốt thời gian tu học tại chùa. Trong thời gian tu học, gia đình vẫn có thể đến thăm các sa-di và các sa-di có thể được sư trụ trì hoặc Tỳ-kheo chấp thuận cho về thăm gia đình nhưng với phương diện là người của nhà chùa về thăm gia đình.
Sau thời gian xuất gia tu học tại chùa, các sa-di có thể xin ra khỏi chùa (xuất tu) trở lại cuộc sống thường nhật bất cứ lúc nào, có thể lập gia đình, làm ăn, tham gia các công việc xã hội trong sóc, khi muốn họ lại có thể xin vào chùa tu một thời gian rồi sau đó lại có thể trở về với gia đình. Bên cạnh hình thức xuất gia tu học trực tiếp tại chùa, các Phật tử vẫn có thể tu học tại gia, hiện tượng này được gọi là tu học gián tiếp. Theo truyền thống, những người phụ nữ Khmer Bình Phước không tu học ở chùa, nhưng lại được giáo dục tư tưởng đạo đức Phật giáo thông qua người chồng trong gia đình, các lễ hội và các buổi nhà sư thuyết giảng giáo lý.
Phong tục xuất gia tu học truyền thống của người Khmer Bình Phước đã tạo ra sự chuyển biến trong tiếp nhận tri thức của giới trẻ. Ngoài việc được học văn hóa tại trường, các sa-di còn học chữ Khmer, tiếng Việt, văn hóa, Phật học tại chùa. Những kiến thức thu nhận sẽ giúp ích cho cuộc sống ngoài đời sau khi hoàn tục và được xem là một Phật tử đã trưởng thành (Ontích), được mọi người coi trọng nên thường mời làm chủ lễ trong các hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng trong các sóc.
Tuy nhiên, hiện nay do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, văn hóa của người Khmer ở Bình Phước có một số nét bị mai một dần và tục đi tu cũng không nằm ngoài tác động ấy, về thời gian tổ chức không duy trì theo lối truyền thống tổ chức vào đầu Tết Nguyên đán Chôl chnam thmây, mà thường theo nhu cầu tự nguyện của những thanh niên, từng gia đình có thể tổ chức vào những ngày khác trong năm, số lượng các giới tử tham gia tu học giảm theo các năm và chỉ được duy trì thường xuyên ở một số ngôi chùa tiêu biểu như chùa Sóc Lớn, ở xã Lộc Khánh và chùa Seyradom ở xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh. Ngoài số con em ở hai ngôi chùa trên, nếu con em ở các huyện khác trong tỉnh có nhu cầu tu học thì cũng có thể tập trung về các ngôi chùa này tham gia tu học, các nghi thức vẫn được tổ chức trang trọng, theo đúng các nghi lễ truyền thống trước đây, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng khối đoàn kết dân tộc, đời sống văn hóa ở khu dân cư, gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Vũ Đình Tâm | Văn Hóa Phật Giáo Số 323
Discussion about this post