PHẬT NÓI KINH TỨ THẬP NHỊ CHƯƠNG
Hậu Hán, Sa-môn Ca Diếp Ma Đằng Trúc Pháp Lan Đồng Dịch
Thanh, Tục Pháp Thuật | Thánh Tri Phỏng Việt Dịch
(Vạn Tân Toản Đại Nhật Bản Tục Tạng Kinh Vol. 37, No. 671)
Lời Tựa
Kinh Tứ Thập Nhị Chương là một bài Kinh được truyền bá khá rộng rãi ở các Tồng Lâm Tự Viện của Trung Quốc và Việt Nam từ xưa đến nay. Tại sao thế? Bởi vì Kinh này chứa đầy những lời dạy hay, ngắn gọn, dễ hiểu, và cần thiết, được đề cập ở trong các hệ Kinh A-Hàm và Nikaya để nhằm nhắc nhở và khuyến khích những người xuất gia biết cách tu và sống đúng Phạm hạnh. Đặc biệt Kinh này cảnh tỉnh người xuất gia khá nhiều về ái dục. Phải chăng mục đích của các Tổ soạn bài Kinh này là vì muốn chấn hưng Phật giáo và chỉnh đốn hàng ngũ tăng chúng trong những thời loạn đương thời?
Ví dụ như lời dạy ở chương 1:
“Phật dạy từ bỏ người thân đi xuất gia, tâm thức thông suốt tận nguồn gốc (Bản Tâm), thấu rõ pháp Vô Vi, nên được gọi là Sa-môn. Họ thực hành 250 giới, khi tiến khi ngưng đều ở trong sự thanh tịnh, thực hành đạo hạnh của bốn Chân Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo), thành A-la-hán. […] Đoạn trừ ái dục cũng như chặt đứt tứ chi, không còn dùng lại nữa.
Hoặc chương 2:
“Phật dạy cạo bỏ râu tóc làm bậc Sa-môn, là người thọ nhận Đạo Pháp, từ bỏ tiền của thế gian, đi khất thực chỉ nhận đủ dùng, giữa ngày ăn một bữa, nghỉ dưới gốc cây một đêm. Hãy thận trọng đừng có nhiều lần, vì ái dục khiến cho con người bị ngu mê.
Hoặc chương 17:
“Phật dạy người ôm giữ lòng ái dục thì chẳng thấy được Đạo, giống như nước lắng trong mà lấy tay khuấy lên, thì mọi người cùng đến nhìn xuống nước chẳng thấy được bóng hình của họ. Người bị ái dục xáo trộn, làm cho cấu bẩn trong tâm nổi dậy, nên không thấy được Đạo. Những bậc Sa-môn các Thầy phải xả bỏ ái dục, sự dơ bẩn của ái dục sạch hết rồi thì Đạo mới có thể thấy được vậy.”
Hoặc chương 26:
“Phật dạy ái dục đối với người cũng giống như cầm bó đuốc mà đi ngược gió, tất sẽ có họa cháy tay. Thiên thần hiến ngọc nữ cho Phật, muốn làm loạn tâm ý của Phật. Phật dạy: “Những túi da bọc các đồ dơ bẩn kia, các ngươi đến làm gì? Hãy
đi! Ta không cần.” Thiên thần càng thêm kính trọng, nhân đó hỏi về ý đạo. Phật giải nói xong thì thiên thần liền đắc được quả Tu-đà-hoàn.”
Như vậy cho thấy chư Tổ thời xưa đã trích chọn những lời hay ý đẹp của Phật trong kho tàng Kinh Điển Phật Giáo để toát yếu làm ra bài Kinh Tư Thập Nhị Chương này, hầu giảng dạy cho những người xuất gia biết rõ đường lành, giữ Phạm hạnh thanh tịnh, và đi trên con đường giác ngộ giải thoát. Khi trích chọn và toát yếu ra những lời dạy của Phật trong các Kinh khác như A-Hàm và Nikaya để tạo thành bài Kinh này thì vừa đúng 42 câu. Có lẽ do vậy mà các ngài gọi đây là Kinh Bốn Mươi Hai Chương, chứ không có tên gì đặc biệt. Giả như lúc trích chọn mà ít hơn hay nhiều hơn thì có lẽ bài này sẽ được gọi đúng theo số trích chọn đó mà không phải là Bốn Mươi Hai Chương.
Thêm nữa và rõ ràng hơn hết là vào cuối thời Bắc Tông, đầu thời Nam Tông có Thiền Sư Thủ Toại chú giải Phật Tổ Tam Kinh (Kinh Phật Nói Tứ Thập Nhị Chương, Kinh Di Giáo, và Quy Sơn Cảnh Sách), để làm kim chỉ nam và căn bản nhập môn cho người học thiền vào thời bấy giờ. Cho thấy tầm quan trọng và sự lợi ích to lớn của kinh này đối với những vị xuất gia học đạo.
Kinh Tứ Thập Nhị Chương được dịch và chú giải bởi những vị học giả danh tiếng qua nhiều thời đại sau đây:
1. Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, Vol. 17, No. 784. Hậu Hán, Ca Diếp Ma Đằng Cộng Pháp Lan Dịch.
2. Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, Vol. 39, No. 1794. Tống, Chân Tông Hoàng Đế Chú.
3. Vạn Tân Toản Đại Nhật Bản Tục Tạng Kinh, Vol. 37, No. 669. Tống, Thủ Toại Chú; Minh, Liễu Đồng Bổ Chú.
4. Vạn Tân Toản Đại Nhật Bản Tục Tạng Kinh, Vol. 37, No. 670. Minh, Trí Húc Trứ.
5. Vạn Tân Toản Đại Nhật Bản Tục Tạng Kinh, Vol. 37, No. 671. Thanh, Tục Pháp Thuật.
6. Vạn Tân Toản Đại Nhật Bản Tục Tạng Kinh, Vol. 37, No. 675. Minh, Đạo Bái Thuật.
7. Phật Tổ Tam Kinh, (Bản Biệt Hành, nhưng Kinh Tứ Thập Nhị Chương được dùng để chú giải ở Vạn Tạng Vol. 37, No. 669, bởi ngài Liễu Đồng thời Minh). Tống, Thiền Sư Thủ Toại chú.
Dựa trên những bản dịch giải trên thì Kinh Tứ Thập Nhị Chương được chia ra làm hai bản chính. Một là Tứ Thập Nhị Chương Kinh trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, Vol 17, No. 784 vào thời Hậu Hán. Đây là bản dịch được cho là sớm và xưa nhất trong các bản dịch của Kinh Tứ Thập Nhị Chương; và cũng như là một trong những bài kinh được dịch và truyền sang Trung Quốc đầu tiên. Tuy nhiên bản này có lẽ vì đã trãi qua nhiều triều đại từ thời Hậu Hán đến thời Bắc Tống, sự sao chép khắc in không được tốt nên văn từ thô sơ và rời rạc, khiến cho khó hiểu, nên không được phổ biến rộng rãi. Còn bản thứ hai, Phật Thuyết Tứ Thập Nhị Chương Kinh là của Thiền Sư Thủ Toại vào thời Bắc Tống chú giải thì được lưu thông rộng khắp. Qua lăng kính
của Thiền và văn phong đời Tống nên ngài đã trau chuốt khiến cho bài kinh không những không mất đi ý chính và mục đích, mà còn làm cho bài kinh thêm phần sáng tỏ, lưu loát, thích đáng, và phù hợp với thời đại lúc bấy giờ. Có lẽ chính vì vậy mà bản của ngài dịch và chú giải được lấy làm tài liệu học hỏi nghiên cứu của các Tồng Lâm Tự Viện từ đó đến nay ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam. Thật vậy, các ngài Liễu Đồng, Đạo Bái, Trí Húc, và Tục Pháp đều dùng bản dịch của ngài Thủ Toại mà chú giải.
Ở Việt Nam cũng có nhiều bản dịch và chú giải Kinh Tứ Thập Nhị Chương mà đa phần là dùng bản dịch của Thiền Sư Thủ Toại. Hòa Thượng Trí Quang ở Việt Nam có dịch cả hai bản A và B sang tiếng Việt. Bản là A tức là bản số 784 trong Chánh Tạng thời Hậu Hán và bản B tức là của ngài Thủ Toại vào thời Tống. Hòa Thượng cho rằng bản chú giải của Tống Chân Tông Hoàng Đế là hỗn hợp giữa bản A và B. Hòa Thượng trọng bản A hơn là bản B vì sự nguyên hữu của nó, còn bản B thì dựa và sửa từ bản A mà thành, nhưng sửa theo ý riêng và ngữ khí Thiền Tông nhiều quá. Rất thông hiểu và đồng ý với Hòa Thượng về sự trọng bản A hơn vì sự nguyên sơ, và bản B thì dựa sửa từ bản A mà thành, cũng như tâm ý của Hòa Thượng muốn người Việt chúng ta lưu tâm và nghiên cứu thêm bản A. Song, như đã trình bài, ngài Thủ Toại dùng lăng kính của một vị Thiền Sư Ngộ Đạo, cũng như văn chương phong phú của thời Tống mà trau chuốt cho bài kinh được sáng tỏ, lưu loát, thích đáng, và phù hợp với thời đại lúc bấy giờ (thời hưng thịnh của Thiền tông) thì không có gì là quá đáng. Hơn nữa bản của ngài vẫn không mất ý chính của Kinh, không sai với lời Phật dạy, và không trái mục đích lưu truyền kinh này; đó là khuyên nhắc người xuất gia phải biết tu, sống đúng với Phạm hạnh, và lấy đó làm kim chỉ nam cho đời tu của mình.
Cũng chính vì nghĩa này mà tất cả sự nghi vấn và tranh luận về sự hình thành, xuất xứ, niên đại, do ai sáng tác v.v… hoàn toàn đều là việc đi quanh vấn đề, uổng phí thời gian, và không cần thiết. Kinh này có từ thời Hậu Hán cũng được, mà sau thời Hậu Hán cũng được. Kinh này do hai ngài Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan dịch cũng được hay do người khác dịch cũng được. Kinh này được truyền vào Trung Quốc đầu tiên cũng được mà không phải cũng được. Cái quan trọng là chúng ta học hỏi được những gì, làm theo được bao nhiêu, và gặt hái được những kết quả tốt đẹp và lợi ích gì từ bài Kinh này? Bởi giác ngộ giải thoát là đi bằng con đường Đạo Học chứ chẳng phải Triết Học vậy. Hãy để những nhà lịch sử và triết học gia nghiên cứu các vấn đề và nghi vấn trên. Còn riêng mình là những người Tu Đạo Hành Đạo thì phải theo lời dạy trong Kinh để biết tu, biết sống đúng với Phạm hạnh, và biết cách đối nhân sử thế. Đây mới chính là việc cần thiết, cấp bách, đáng và nên làm vậy! Nay xin trích dẫn vài Chương trong bài Kinh này để sáng tỏ vậy.
Trong Chương 9 có dạy:
“Phật dạy rộng nghe và đắm say đạo lý thì Đạo tất khó lãnh hội được. Giữ vững quyết tâm mà hành đạo, thì Đạo ấy rất lớn.”
Hoặc Chương 15:
“Có vị Sa-môn hỏi Phật: ‘Bạch đức Thế Tôn, cái gì là Thiện? Cái gì là lớn nhất?’ Phật đáp: ‘Thực hành Đạo và giữ lẽ chân thật là Thiện. Chí cùng Đạo tương ưng là Đại.’”
Hoặc Chương 27:
“Phật dạy làm người tu Đạo như khúc gỗ dưới nước, theo dòng nước mà đi, không chạm vào hai bờ, không bị người vớt lấy, không bị quỷ thần ngăn trở, không bị nước xoáy làm ngừng lại, cũng không bị mục nát. Ta bảo đảm khúc gỗ ấy quyết định sẽ vào được biển. Người học Đạo không bị tình dục làm mê hoặc, không bị các thứ tà ngụy quấy nhiễu, tinh tiến theo Đạo Vô Vi, thì Ta bảo đảm người đó tất sẽ đắc Đạo.”
Hoặc Chương 41:
“Phật dạy phàm người tu Đạo như con trâu mang đồ nặng đi trong bùn sâu, mệt mỏi đến đâu cũng không dám ngoái nhìn phải trái, ra khỏi bùn lầy rồi mới có thể nghỉ ngơi thư thả. Bậc Sa-môn phải nên quán xét tình dục còn hơn bùn lầy. Trực thẳng ngay nơi Tâm mà niệm Đạo thì mới có thể thoát khổ vậy.”
Bản Việt dịch này được trích ra từ Vạn Tân Toản Đại Nhật Bản Tục Tạng Kinh Vol. 37, No. 671 của ngài Tục Pháp làm bài Thuật vào đời nhà Thanh, Trung Quốc. Vì sao chúng tôi lại chọn bản dịch này? Vốn không có vì sao hết, vì vốn không có chọn lựa, chẳng qua nhân duyên đưa đẩy tìm được bản này, rồi thuận tiện lấy mà dịch thôi. Bởi mục đích dịch là để học mà tu vậy, nhưng cũng là để chia sẽ và góp thêm cho kho tàng Kinh Tạng Việt Nam được phong phú hơn, vì bản này chưa thấy ai dịch sang Tiếng Việt. Như đã nói qua, phần đông các bản được lưu hành ở Việt Nam là của ngài Thủ Toại. Bản dịch này thì rất giống bản chú giải của Tống Chân Tông Hoàng Đế, nhưng vẫn có những câu thiền ngữ giống bản chú giải của ngài Thủ Toại.
Kho tàng kinh sách Phật giáo quá rộng lớn, lời dạy của Phật của Tổ quá siêu xuất, chữ Hán lại quá bao hàm và cô động, nên dịch Kinh từ chữ Hán sang Việt là việc làm quá sức khó khăn cho kẻ mù chữ như chúng tôi đây. Nếu không nhờ nghiệp dư của đời trước thích thú nơi Kinh Điển, dịch thuật, chữ Hán và sự quyết tâm học hỏi trong hiện tại thì không sao yên lòng kiên nhẫn ngồi dầy công mò tra Từ Điển Hán-Việt từng chữ một, cũng như sự trợ giúp của các Kinh sách, chú giải, dịch thuật khác để hoàn thành bản dịch này được. Vậy bản dịch này chắc sẽ có chỗ sai sót lỗi lầm; kính mong các bậc tiền bối đi trước, các vị thiện tri thức, và quý học giả gần xa thương tình góp ý chỉ dạy thêm cho.
Kính cảm niệm công ơn sâu dầy của đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni đã từ bi thị hiện nơi đời để thắp sáng những tâm hồn u tối, cũng như chư vị Tổ Sư đã bỏ sương máu để giữ gìn và truyền dạy những Kinh sách quý báo này đến tận ngày nay và mai sau nữa. Thành tâm cảm niệm công ơn giáo dưỡng của Tôn Sư Thượng Minh Hạ Điền đã dẫn dắt và làm chỗ nương tựa tinh thần cho chúng con trên con đường tu giác ngộ giải thoát. Thâm ân cao cả của các ngài chúng con khó đáp đền, chỉ nguyện y giáo phụng hành và tiếp tục gìn giữ pháp bảo cho đời sau để đáp đền ân trọng.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Thánh Tri Kính Viết
Cuối Thu 2016
San Antonio, TX, Hoa Kỳ
Xem nội dung:
Phật Nói Kinh Tứ Thập Nhị Chương
Bài đọc thêm:
Kinh Tứ thập nhị chương – đối chiếu và nhận định (Thích Chúc Phú)
Kinh Bốn Mươi Hai Chương (Thích Nhật Từ)
Phụ Lục D: Kinh Tứ Thập Nhị Chương (Thiện Phúc dịch)
04 Kinh Bốn Mươi Hai Chương (Thích Thiện Siêu)
Kinh Bốn Mươi Hai Chương (Thích Tâm Châu)
Kinh Bốn Mươi Hai Chương (Thích Thanh Cát)
Kinh Bốn Mươi Hai Chương (Thích Tuyên Hóa | Vạn Phật Thánh Thành)
Kinh Bốn Mươi Hai Chương (Thích Viên Giác)
Kinh Bốn Mươi Hai Chương (Thích Phước Tịnh)
Kinh bốn mươi hai chương (Thích Vĩnh Hóa)
Đọc Kinh Bốn Mươi Hai Bài (Cao Huy Thuần)
Kinh Bốn Mươi Hai Chương (Đoàn Trung Còn | Nguyễn Minh Tiến)
Discussion about this post