HƯƠNG LINH CÓ BỊ ĐOẠ ĐỊA NGỤC?
TT. Thích Nhật Từ
Câu hỏi: Thưa Thầy sau khi con người qua đời được 49 ngày mà vẫn chưa được tái sinh vào cảnh giới khác có phải là đã bị đọa vào cảnh giới ngạ quỷ không?
Trả lời: Hoàn toàn không có chuyện đó. Có 2 vấn đề mà chúng ta cần lưu tâm. Thứ nhất, theo lời dạy nguyên gốc của đức Phật, sau khi kết thúc sự sống, con người không hề bị mất đi. Chết không phải là dấu chấm cuối cùng của cuộc đời. Con người và vạn vật sau khi chết tiếp tục tái sinh. Sự tái sinh này do nghiệp chi phối 100%, không hề có một tác nhân nào làm công việc trung gian sắp xếp cảnh giới tái sinh ở chỗ này hay chỗ nọ như trong các tôn giáo nhất thần, đa thần đã chủ trương.
Đức Phật dạy trong một số kinh và dựa vào những lời dạy đó ta có thể kết luận rằng: sau khi kết thúc sự sống, phần lớn đối với những người có nghiệp cực ác hay cực thiện thì sự tái sinh của họ diễn ra trong tích tắc, tức trong vòng vài ba giây là họ đã có mặt trong một kiếp sống mới. Đối với những người bị vướng kẹt vào sự tiếc nuối về tình yêu, tình thương, gia tài, sự nghiệp, oán hận, oan ức… thì tiến trình tái sinh có phần muộn hơn. Muộn không có nghĩa là kéo dài tình trạng đó theo ý muốn của mình được. Thời gian tối đa được kinh điển Đại thừa, đặc biệt kinh Địa Tạng cho biết là 49 ngày. Sau 7 tuần thất không có một chúng sinh nào, dù là con người hay con vật có thể tiếp tục tồn tại trong cảnh giới trung gian. Đây là điều mà các Phật tử cần phải lưu tâm để không mê tín dị đoan.
Các nhà ngoại cảm trong vòng 30 năm qua tại Việt Nam đã vẽ vời rất nhiều câu chuyện hoang đường. Rằng: họ có thể đối thoại được với các hương linh dưới âm phủ sau khi các hương linh đó chết vài trăm năm, vài chục năm, vài năm. Họ còn nhắc lại các câu chuyện lâm li bi đát hoặc có những câu chuyện đầy ắp tình người. Tất cả những chuyện đó không có thật.
Theo đức Phật thì không có âm phủ dưới lòng đất. Các hương linh sau khi chết sẽ không bám víu ở mộ huyệt, không bám víu ở nơi mà cái chết diễn ra, không bám víu vào nơi thờ tự tức là từ đường hay bàn thờ, cũng không bám víu vào di ảnh hay các đoạn băng video chứa đựng hình ảnh của mình. Lý do họ không thể bám víu được là vì: nghiệp quyết định tiến trình tái sinh của mỗi người sau khi chết.
Kinh Na Tiên Tỳ Kheo đưa ra một ẩn dụ rất có chiều sâu: Tử tù 2 ngày nữa là bị tử hình, đến gặp phán quan nài nỉ rằng: “Hãy cho tôi ân huệ cuối cùng là về thăm vợ con cha mẹ thì tôi chết vẫn thấy hài lòng”. Phán quan trả lời: “ theo luật nước, tôi không thể cho anh trở về thăm người thân. Hai ngày sau khoảng 3-4h khuya chúng tôi sẽ cho anh ăn bữa ăn cuối cùng, bịt mắt anh lại, dẫn ra pháp đình, cho anh nói lời cuối cùng, sau đó sự sống của anh phải bị kết thúc”. Tử tù nài nỉ: ‘nếu phán quan sợ tôi có thể tẩu thoát trong giai đoạn đưa tôi về nhà người thân thì hãy còng, trói bằng nhiều phương pháp khắt khe, cho đội kỵ binh giỏi nhất đi theo tôi’. Phán quan trả lời: ‘việc đó là không thể được”.
Câu chuyện ẩn dụ này cho ta những gợi ý về lời nài nỉ của tử tù tượng trưng cho tâm lý tiếc nuối gắn kết với tình yêu, tình thân, gia tài, sự nghiệp, oan trái, hận thù… mà thỉnh thoảng chúng ta bị vướng kẹt một thời gian nhất định nào đó. Nhưng, theo quy luật tái sinh, tất cả chúng ta không thể trì hoãn tiến trình đó, không thể lũng đoạn, thương lượng được với tiến trình đó, không thể hối lộ để tiến trình tái sinh đó diễn ra chậm hơn mà theo đó chúng ta có thể được tồn tại trong cảnh giới trung gian. Về sau này Phật giáo Trung Quốc, do tác động của các phong trào mê tín dị đoan có sẵn tại Trung Quốc, lại có khuynh hướng cho rằng người chết có thể tồn tại dưới chín suối, âm phủ bằng cách này hay cách khác dưới hình thức là ngạ quỷ.
Ngạ quỷ được họ “đánh đồng” với địa ngục và ngược lại. Đó là các quan điểm rất sai lệch và ngược lại phần lớn nội dung đức Phật giảng dạy về bản chất của tái sinh. Là người tu học Phật chúng ta không nên bận tâm đi tìm hài cốt của những người thân đã mất tích hay đã chết trong quá khứ vì chúng ta biết rất rõ, nhiều nhất trong 49 ngày, mà phần lớn chỉ là vài phút, tất cả các người chết phải tái sinh theo nghiệp.
Thứ hai, cảnh giới ngạ quỷ được đạo Phật đề cập đến thật ra là cảnh giới trung gian, không giống như con người đang sống trên mặt đất, vạn vật đang sống trong vũ trụ này. Vào thời đức Phật chỉ có 3 cảnh giới phàm phu: con người, động vật và cảnh giới được tạm gọi ngạ quỷ (tức sau khi con người và động vật chết do sự luyến tiếc sẽ tồn tại trong cảnh giới trung gian ). Phật giáo Trung Quốc nhấn mạnh đến tính chất trung gian này, nên tạm gọi đương sự chết trong cảnh giới trung gian đó là thân trung ấm. Thực tế trong giai đoạn chờ tái sinh không có hương linh nào có thân thể. Do vây, khi gọi là thân trung ấm sẽ dẫn đến ngộ nhận lớn là sẽ có một cảnh giới sống ở đó có thể tồn tại hoặc 5 năm, 10 năm, 20 năm, 30 năm, vài chục năm, vài trăm năm.,…nhận thức này đã dẫn đến rất nhiều ngộ nhận .
Các ngộ nhận này phần lớn xuất phát từ sự hiểu sai của Phật giáo Trung Quốc đối với lời dạy nguyên gốc của đức Phật về tiến trình tái sinh. Do đó, chúng ta cần thấy rõ, ngạ quỷ chỉ tồn tại nhiều nhất là 49 ngày sau khi chết. Ma quỷ mà dân gian thường đề cập đến có nghĩa đen tương đương với hương linh, tâm tái sinh, thức tái tục trong triết học Phật giáo. Nếu họ chưa được siêu trong 49 ngày không thể có khả năng hại con người, đeo phá hay nhập vào con người. Tất cả các khái niệm nói về chứng bệnh như bệnh “mắc đằng trên”, “mắc đằng dưới”, “ma nhập”,“quỷ ám” thực ra chỉ là những ngộ nhận hoặc mê tín dị đoan. Các hiện tượng vừa nêu nói theo y khoa ngày nay là sự rối loạn tâm thần đa nhân cách, một loại tâm thần phân liệt cần phải được điều trị y khoa, ma không nhập không bám vào con người được nếu họ chưa siêu. Thời gian tồn tại nhiều nhất là 49 ngày, trên thực tế khoảng 95% tồn tại nhiều nhất là vài phút.
Kinh Na Tiên tiếp tục đưa ra một sự kiện: trong vũ trụ bao la này, hành tinh chúng ta có sự sống con người và có những hành tinh khác ngoài hành tinh của chúng ta cũng có sự sống của con người, sẵn sàng tiếp nhận tâm thức tái sinh sau khi chết. Sự tái sinh diễn ra theo cơ chế: cộng nghiệp của người mới vừa chết và cha mẹ của người sắp được sinh ra đó có một mẫu số “na ná” với nhau, để sinh ra chịu trách nhiệm trực tiếp về gien di truyền, màu da, vóc dáng, hình thù đồng thời tiếp nhận văn hóa, phong tục, tập quán,….nói chung là cộng nghiệp của gia tộc đó.
Như vậy chúng ta thấy: hiện nay hơn 7 tỷ người trên hành tinh có rất nhiều người có cùng mẫu số nghiệp. Cho nên, nếu sinh ra không tiếp tục làm người Việt Nam thì cũng sinh ra làm những người có cộng nghiệp, mà mẫu số của cộng nghiệp đó tương đương với mình. Và trong vũ trụ bao la như thế, nửa ngày bên đây là nửa ngày bên kia, đêm của nửa vòng trái đất này là ngày của nửa vòng trái đất khác, bất cứ thời điểm nào trên hành tinh này cũng có sự quan hệ giới tính giữa nam và nữ, giữa người mẹ với người cha. Vì vậy, thức tái sinh sau khi sinh vật kết thúc hơi thở, thoát ra khỏi cơ thể và có mặt trong bào thai của một người mẹ hay của một giống cái để tiếp nhận cộng nghiệp mà mình đã gieo tạo. Nhận thức này sẽ giúp cho người Phật tử không còn tiếp tục rơi vào mê tín dị đoan rằng: người thân của tôi sau khi chết báo mộng, than vãn dưới âm phủ lạnh lẽo, không có tiền xài, đói khát,…cần phải cúng cái này làm cái nọ, đốt giấy vàng mã mới yên tâm. Đó chỉ là ức chế của tình thương do khi còn sống chúng ta có mối quan hệ quá mật thiết với người chết và mình chưa làm tròn bổn phận cho nên khi ngủ dưới điều kiện phòng quá nóng, quá lạnh, ngủ nằm sấp, gối cao, ngủ co quắp,….không được thoải mái,cơ thể mệt mỏi, kiệt sức… chúng ta thường có những giấc mộng, những giấc mộng đó liên hệ với người quá cố hoàn toàn không phản ánh điều gì trong thế giới hiện thực. Các hiện tượng báo mộng không phải là dấu hiệu cho thấy rằng người thân của chúng ta chưa được tái sinh.
Các Phật tử cần tin vào lời Phật dạy: sau 49 ngày làm lễ cúng thất tại các chùa nên tin rằng người thân của chúng ta đã tái sinh, từ đó, ta không phải khổ đau, luyến tiếc, buồn rầu, lo lắng nữa. Đến những ngày kỵ giỗ lần thứ nhất, lần thứ hai và những ngày giỗ về sau mặc dù biết những người thân đó đã tái sinh, ta vẫn cúng như là một biểu hiện văn hóa của sự nhớ ơn và đền ơn trong ứng xử với ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Nhờ đó mà truyền thống văn hóa hiếu thảo trong gia tộc được di truyền. Các hương linh sau khi chết không thể trở thành ma quỷ như trong phim ma của Hoa Kỳ, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Do vậy, người Phật tử tại gia không cúng cô hồn tại nhà mình cũng không sợ ma vì ma không thể hại mình được. Tất cả đều phải tái sinh phần lớn là vài ba phút sau khi chết chứ không còn đó để hại mình hay gây trở ngại như người ta đã suy nghĩ.
(Giảng tại chùa Hoa Nghiêm, Pháp, ngày 12/07/2014)
Discussion about this post