Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ – Sáng nay, Tiến sĩ Patrick Leahy – Chủ tịch Đại học Monmouth, New Jersey đã chào mừng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm đến buổi trò chuyện về mối liên hệ giữa hạnh phúc, sức khỏe, phúc lợi và tương lai của trái đất. Ông thưa với Đức Ngài rằng; các sinh viên và giáo viên tại Monmouth đã được truyền cảm hứng để có một cuộc sống hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn, từ ái hơn và hài hòa hơn – vì lợi ích của các thế hệ mai sau trên quả Địa cầu.
Tiến sĩ Patrick L Ti eahy, Chủ tịch Đại học Monmouth, New Jersey chào mừng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khi bắt đầu cuộc trò chuyện trực tuyến của họ về mối liên hệ giữa hạnh phúc, sức khỏe, phúc lợi và tương lai của trái đất vào ngày 22 tháng 9, 2021. Ảnh của Thượng toạ Tenzin Jamphel
Đức Ngài đã đáp lại bằng lời cảm ơn vì đã có cơ hội được trò chuyện về hòa bình và hạnh phúc.
“Rõ ràng, tất cả chúng ta đều muốn được sống trong hòa bình, bao gồm cả động vật. Nếu như có một đám cháy, thì ngay cả những côn trùng cũng tìm cách để thoát khỏi đám cháy ấy. Tuy nhiên, điều mà khiến con người trở nên khác biệt hơn so với các loài khác là nhờ chúng ta có được bộ não kỳ diệu này. Chúng ta có thể suy nghĩ về cách tránh khỏi và khắc phục các vấn đề rắc rối. Chúng ta có thể suy nghĩ trước về điều này.
“Tuy nhiên, con người cũng có thể là những kẻ gây ra rắc rối. Trong hàng nghìn năm qua, chúng ta đã chế tạo các loại vũ khí khác nhau. Đôi khi chúng ta coi vũ khí là công cụ cho hòa bình, nhưng trên thực tế, mục đích duy nhất của vũ khí là gây thương tích và giết hại. Một thế giới không có vũ khí sẽ bình yên hơn nhiều.
“Chúng ta đầu tư sức lực và nỗ lực vào việc chế tạo các hệ thống vũ khí ngày càng phức tạp. Rồi thì chúng ta lại đề cập đến vấn đề hòa bình, mà lại bỏ qua thực tế rằng – vũ khí vốn dĩ không đóng góp gì cho việc đạt được nền hòa bình thực sự.
“Thế giới của chúng ta ngày nay phụ thuộc lẫn nhau rất nhiều. Trước đây, chúng ta có xu hướng chỉ quan tâm đến những người ở địa phương của mình. Ngày nay, những thách thức mới như khủng hoảng khí hậu và sự nóng lên toàn cầu đã ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, cũng như hoạt động của nền kinh tế toàn cầu, có nghĩa là chúng ta phải suy nghĩ đến toàn bộ nhân loại.
“Liên quan đến việc sản xuất và buôn bán vũ khí, chúng ta chỉ nên nói rằng: “đã đủ rồi! ” Chúng ta nên hướng tới mục tiêu đạt được nền hòa bình thực sự trong một thế giới phi quân sự. Là con người sống trên hành tinh này, chúng ta phải xem xét về tính đồng nhất của nhân loại. Tất cả chúng ta cần phải sống với nhau trong hòa bình và hòa hợp. Việc sản xuất và buôn bán vũ khí không đóng góp gì được vào vấn đề này cả.
“Hòa bình thế giới thực sự bắt nguồn từ việc tìm thấy được sự an lạc nội tâm. Sự giận dữ, ganh tị và thất vọng sẽ dễ dàng trở thành nguồn gốc của bạo lực, do đó chúng ta cần phải củng cố lòng từ bi vốn là bản chất cơ bản của con người chúng ta. Như tôi đã đề cập, trước đây chúng ta chỉ thực sự chú ý đến cộng đồng địa phương của mình, trong khi hiện nay chúng ta phải tính đến toàn bộ nhân loại.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tận hưởng giây phút vui cười thư thả trong cuộc trò chuyện trực tuyến với các sinh viên và giảng viên của Đại học Monmouth tại Dinh thự của Ngài ở Dharamsala, HP, Ấn Độ vào 22 tháng 9, 2021. Ảnh của Thượng toạ Tenzin Jamphel
“Chúng ta cần phải tập trung vào việc tìm kiếm sự bình yên trong tâm hồn, hãy nhớ rằng lòng từ bi là nền tảng của nền hòa bình thực sự. Là con người, chúng ta có khuôn mặt và tâm hồn như nhau. Bởi vì chúng ta có quá nhiều điểm chung, cho nên ta phải tìm ra cách để cùng chung sống bên nhau trong một thế giới hòa bình, hạnh phúc.
“Tôi nhận ra rằng khi tôi sống ở Tây Tạng, nhân dân Tây Tạng chính là mối quan tâm hàng đầu của tôi. Tuy nhiên, kể từ khi sống lưu vong, tôi đã ý thức được về thế giới rộng lớn hơn. Con người ở bất cứ nơi đâu cũng giống như anh chị em của mình. Khi tôi gặp gỡ những người khác, dù ở đâu, tôi cũng mỉm cười, và phần lớn là họ cũng mỉm cười đáp lại. Đó là những gì mà anh chị em của nhân loại đều làm. Người khác cũng chỉ là con người như tôi. Sự khác biệt về quốc tịch, chủng tộc và đức tin tôn giáo chỉ là điều quan trọng thứ yếu.
“Sáng nay, các bác sĩ Tây Tạng và bác sĩ điều trị về bệnh dị ứng của tôi đã cho tôi thực hiện một cuộc kiểm tra sức khoẻ nhanh gọn. Họ nói với tôi rằng tôi có sức khỏe tốt, nhưng một trong những lý do chính cho vấn đề này là tâm trí của tôi rất an tịnh. Sự tức giận và sợ hãi liên tục sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta, trong khi đó – sự bình yên của tâm hồn sẽ giúp ích rất nhiều cho việc bồi dưỡng sức khỏe nói chung.
“Đôi khi người ta tìm kiếm sự bình yên bằng cách dùng thuốc an thần. Tôi chưa bao giờ sử dụng những loại thuốc ấy. Tôi làm việc để trưởng dưỡng sự tĩnh tâm và cảm thấy rằng mình ngủ đủ chín tiếng đồng hồ. Theo kinh nghiệm của tôi, việc nuôi dưỡng lòng từ bi sẽ đảm bảo cho mình có giấc ngủ ngon, ăn ngon miệng và tiêu hóa tốt.
“Thưa chư huynh đệ! đó là điều mà tôi muốn chia sẻ với quý vị ngày hôm nay!”
Đức Ngài đã trả lời một loạt câu hỏi từ các sinh viên và nhân viên của Đại học Monmouth. Ngài thừa nhận rằng chúng ta đang phải đối mặt với sự biến đổi khí hậu ở cấp độ toàn cầu. Vì hệ thống phòng thủ của chúng ta chống lại sức nóng của mặt trời đang bị suy yếu, thế giới đang trở nên nóng hơn và khí hậu đang thay đổi. Do đó, thậm chí các sông băng ở Bắc Cực và Nam Cực cũng đang bị tan chảy. Điều kiện khí hậu có ổn định hay không đều phụ thuộc vào việc thay đổi cách sống của chúng ta.
Ngài đã trích dẫn điển hình về Tây Tạng để minh họa cho sự nguy hiểm của biến đổi khí hậu. Ngài nêu lên rằng cao nguyên Tây Tạng là đầu nguồn của những con sông lớn của châu Á; và do đó – nó chính là nguồn cung cấp nước cho hàng triệu người. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không thể bảo vệ được những con sông này.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói về sự kết nối giữa hạnh phúc, sức khỏe, phúc lợi và tương lai của trái đất trong cuộc trò chuyện trực tuyến với các sinh viên và giảng viên của Đại học Monmouth từ Dinh thự của Ngài ở Dharamsala, HP, Ấn Độ vào ngày 22 tháng 9, 2021. Ảnh của Thượng toạ Tenzin Jamphel
Đức Ngài lưu ý rằng đại dịch Covid-19 đã gây ra đau khổ ở nhiều nơi trên thế giới; và chúng ta phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa ở mức độ thể chất và tinh thần để bảo vệ chính mình. Ngài đã trích dẫn lời khuyên đầy trí tuệ của Ngài Tịch Thiên để xem xét liệu những vấn đề chúng ta gặp phải có thể khắc phục được hay không. Nếu như có thể khắc phục thì chúng ta cần phải nỗ lực để thực hiện các bước ấy. Còn nếu nó nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, thì ta chỉ cần chấp nhận điều đó; bởi lẽ mọi sự lo lắng về nó sẽ không giúp ích được gì cả. Ngài nói thêm rằng điều quan trọng là phải tuân theo lời khuyên của y tế.
Ngài nói rõ rằng, Phật giáo nhấn mạnh về tầm quan trọng của sự bình yên trong tâm hồn. Các cá nhân cần phải rèn luyện để trở thành những người điềm tĩnh hơn, hạnh phúc hơn, rồi sau đó có thể chia sẻ những điều mà mình đã học được với những người khác. Ngài nói rằng, chính Đức Phật, trước tiên cũng phải giác ngộ trước đã; rồi sau đó mới giảng dạy cho những người khác trên cơ sở của những kinh nghiệm của chính mình. Với tư cách cá nhân, chúng ta có thể cải thiện bản thân, trở nên kỷ luật hơn và hạnh phúc hơn, thì chúng ta mới có thể mang lại lợi ích cho người khác.
Con người dù sinh ra ở phương Đông hay phương Tây thì cũng đều là những con người như nhau. Họ đều được sinh ra theo cùng một cách và lớn lên theo cùng một cách dưới sự chăm sóc của người mẹ của mình. Di sản văn hóa và cách sống có thể khác nhau, nhưng về cơ bản, là con người, tất cả chúng ta đều như nhau.
Đức Ngài tiếp tục nói rằng trong quá khứ nước Mỹ được phân biệt dựa trên màu da. Ngày nay chúng ta không nên nghĩ về màu da ấy nữa, cho dù chúng ta đến từ phương bắc, nam, đông hay tây; hoặc lấy đức tin tôn giáo là cơ sở để phân biệt giữa chúng ta. Thay vào đó, chúng ta cần nên tập trung vào những điều mà khiến cho chúng ta trở nên giống nhau.
Ngài nhấn mạnh “Tôi có những người bạn tốt đến từ Châu Phi, như Giám mục Desmond Tutu, Nelson Mandela; và có thể màu da của tôi khác với họ; nhưng khi chúng tôi cười, thì chúng tôi đều bộc lộ một niềm vui chung của con người”.
Ngài nói rằng điều quan trọng nhất để dạy dỗ cho một cháu bé là phải có một trái tim ấm áp nhân hậu. Ở trường học không có đủ thời gian để dành cho việc này; và rõ ràng là học sinh bị hấp dẫn bởi những thầy cô giáo luôn vui vẻ mỉm cười và đáp lại họ một cách nồng nhiệt. Ngài nói rằng trong thời thơ ấu của mình, Ngài cảm thấy hạnh phúc hơn khi các thầy cô giáo của mình vui vẻ và cởi mở hơn là những lúc họ nghiêm khắc.
Khi được hỏi làm thế nào để vượt qua đau khổ và đạt được sự an lạc nội tâm, Ngài trả lời rằng, đau khổ là một phần của cuộc sống. Vì vậy, Ngài khuyên, cần phải rèn luyện bản thân để tìm cách giảm bớt sự lo lắng khi gặp rắc rối. Vì những người trẻ tuổi thường có xu hướng thiếu kiên nhẫn hơn, cho nên những Vị trưởng lão của họ có thể khuyên họ nên bền bỉ hơn. Ngài nhận xét rằng học cách đối phó với những trải nghiệm tiêu cực là điều hữu ích và đưa đến sự phát triển sức mạnh nội tâm.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời một câu hỏi từ một thành viên của khán giả trực tuyến gồm các sinh viên và giảng viên của Đại học Monmouth từ Dinh thự của Ngài ở Dharamsala, HP, Ấn Độ vào 22 tháng 9, 2021. Ảnh của Thượng toạ Tenzin Jamphel
Ngài nói, “Kể từ khi tôi trở thành người tị nạn, tôi đã có thể chia sẻ với nhiều người hơn về cách để chuyển hoá những hoàn cảnh không may thành cơ hội để phát triển sự an lạc nội tâm.”
Cái chết cũng là một phần của cuộc sống. Dù sớm hay muộn, tất cả chúng ta cũng đều phải chết; và khi thời điểm đó đến, điều quan trọng là phải có được sự thanh thản trong tâm hồn. Đức Ngài đã nói về tâm thức vi tế nhất vốn dĩ là vô thỉ (không có sự khởi đầu) như thế nào. Ngài nói rõ rằng, việc thụ thai của một thai nhi không phải chỉ phụ thuộc vào sự hiện diện của các yếu tố vật lý, tinh trùng và noãn. Sự thụ thai chỉ diễn ra khi những yếu tố này được kết hợp với ý thức.
Đức Ngài đã đề cập đến cách mà sự liên tục của ý thức tinh thần làm nền tảng cho ý tưởng về sự tiếp nối liên tục của các kiếp sống. Ngài nêu dẫn chứng về những cháu bé có thể nhớ được kiếp trước của mình. Ngài cũng ám chỉ hiện tượng ‘thukdam’ xảy ra khi một số người đã chết nhưng cơ thể của họ vẫn duy trì được sự tươi tắn trong một thời gian sau đó; bởi lẽ tâm thức vi tế nhất của họ vẫn còn hiện hữu.
Một người hỏi muốn biết cách đối phó với cảm giác chán nản; và Đức Ngài đã gợi ý rằng; nếu ai đó đang trong tình trạng như vậy mà chỉ quan tâm đến vật chất, thì họ có thể mất đi niềm hy vọng. Tuy nhiên, nếu họ có một số hiểu biết về tâm thức và nỗ lực để nuôi dưỡng sự an lạc nội tâm, thì họ sẽ tìm ra được giải pháp.
Ngài nói rằng sự xuất hiện của phương tiện truyền thông xã hội chính là sự phản ánh về mọi thứ thay đổi như thế nào, Ngài lưu ý rằng, trước đây chúng ta không thể duy trì một quan điểm rộng rãi như vậy về thế giới. Bây giờ, khi chúng ta cần quan tâm đến toàn thể nhân loại, chúng ta có các phương tiện để giúp chúng ta. Ta có các cơ hội để khuyến khích những người trẻ tuổi theo những cách suy nghĩ mới, chẳng hạn như việc sử dụng vũ lực là điều không còn cần thiết nữa; và tầm quan trọng của việc đạt được một thế giới phi quân sự.
Giới trẻ ngày nay không nhất thiết phải tìm cách lặp lại những gì đã diễn ra trước đó. Sẽ tốt hơn nếu họ phát triển những cách suy nghĩ mới phù hợp với những hoàn cảnh đã đổi thay. Một cách để thực hiện điều này là nhận ra trách nhiệm chung để xây dựng một xã hội từ bi hơn.
Trả lời câu hỏi cuối cùng về giáo lý của Đức Phật, Ngài đã nói rằng, Tứ Diệu Đế là nền tảng chính của giáo lý Đức Phật. Ngài cho rằng Đạo Đế – đề cập đến Bát Chánh Đạo – là chân lý quan trọng nhất trong Tứ Đế. Sự thật của đau khổ (Khổ Đế) và nguyên nhân của nó (Tập Đế) là rất rõ ràng, trong khi sự thật thứ ba, Sự thật về Diệt đế mang lại hy vọng rằng đau khổ và nguyên nhân của nó có thể được khắc phục. Điều này đã tiếp sức thêm sự hăng hái nhiệt tình cho việc thực hành Đạo đế.
Lu-Ann Russell – Giám đốc, Phục vụ Hội nghị, đã kết thúc buổi trò chuyện với lời cảm ơn đến các thành viên trong nhóm của Đức Ngài, những người đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự kiện này. Cô đã cảm ơn sự hướng dẫn đầy tâm huyết và từ bi của Ngài; cô thưa với Ngài rằng; những lời huấn từ của Ngài đã khiến cho mỗi cá nhân thính giả đều xúc động. Cô nói: “Chúng con xin thành kính tri ân Ngài về những cảm hứng ấn tượng mà Ngài đã dành cho chúng con! Nguyện cầu cho sự hợp tác và nỗ lực không ngừng của chúng ta được tiếp tục phát triển cùng nhau trong những ngày sắp tới.”
Discussion about this post