Ngày nay, trường học theo phương pháp Phật giáo với hệ thống giáo dục thường bị coi là lạc hậu, hiện nay đang có dấu hiệu phát triển. “Hoa bừng nở”, một bài hát liên quan đến Phật pháp do sư ni Mae Chee Sansanee Sthirasuta sáng tác đang trở nên phổ biến đối với các em học sinh mầm non trên toàn quốc. Nguyện giữ 5 giới, ngồi thiền và mở rộng lòng từ với tất cả chúng sinh là những hoạt động nghi lễ mà ngày càng nhiều trường học thực hiện mỗi sáng.
“Các vấn đề xã hội là bằng chứng rõ ràng cho thấy kiến thức học thuật không thể giúp con người ứng phó với các vấn đề,” Bupaswat Rachatatanun, người sáng lập và quản lý trường Thawsi, một trong những ngôi trường tiên phong theo phương pháp Phật giáo. “Và có học vấn cao cũng không đảm bảo cho một cuộc sống hạnh phúc.”
Bupaswat chỉ ra rằng báo cáo về các trường hợp sinh viên đại học tự tử vì không được điểm cao hoặc các trường hợp bác sĩ giết vợ đã khiến người dân đặt câu hỏi về hệ thống giáo dục quốc gia.
“Mục đích của giáo dục theo phương pháp Phật giáo là phát triển con người cả về kiến thức học thuật và đời sống tâm hồn,” Bupaswat nói. “Đối với chúng tôi, phát triển tâm trí cũng quan trọng như giáo dục học thuật và chúng tôi coi cuộc sống con người là quá trình học tập quan trọng nhất.”
Bupaswat quan sát thấy rằng cách thức mà bậc cha mẹ ngày nay nuôi dưỡng con cái đã thay đổi lớn so với quá khứ. Trong khi các thế hệ cha mẹ trước đây ít cho con trẻ cơ hội thể hiện bản thân thì các bậc cha mẹ ngày nay đã nhận thấy lợi ích của việc cho con trẻ nhiều không gian tự chủ hơn.
“Ngày nay, các bậc cha mẹ chú ý cho phép con trẻ bày tỏ ý kiến và sự sáng tạo,” ông nói. “Nhiều cha mẹ chăm sóc con cái như những người bạn và ngại ứng xử như những người cha hay mẹ. Họ cho con cái nhiều tự do, dân chủ.
“Nhưng tôi nghĩ đó là điều nguy hiểm bởi vì ngay cả trong trường hợp dân chủ thực sự, bạn cũng không thể thực hiện quyền của mình trong mọi tình huống. Ví dụ, nhân viên không bao giờ có quyền giống như người chủ. Điều quan trọng là cần cho con trẻ hiểu điều đó.
“Giáo dục theo phương pháp Phật giáo có mục đích đặt con trẻ vào thế giới thực, nơi chúng phải tôn trọng quyền của người khác và trở thành một người bạn tốt (kallayanamitta). Chúng luôn được phép bày tỏ quan điểm, nhưng phải thực hiện một cách thân ái.
“Trong thế giới phương Tây, sáng tạo có thể mang nghĩa là suy nghĩ khác hoặc suy nghĩ vượt ngoài khuôn khổ, nhưng trong Phật giáo, sự sáng tạo cũng phải có đạo đức và theo cách cân bằng.”
Theo triết lý của Đức Phật, giới, định, tuệ là ba sự rèn luyện chính trong giáo dục theo phương pháp Phật giáo để đạt được trạng thái có tri thức. Học sinh cần hiểu cách hành xử và nói năng một cách có đạo đức. Học sinh cần học cách suy nghĩ thấu đáo và có thể tự đánh giá bản thân và xử lý đúng đắn các tình huống khác nhau.
“Một số người nghĩ rằng họ cần xây dựng nền tảng học thuật cho con cái ngay từ cấp mầm non để chúng có thể vào các trường đại học hàng đầu và cuối cùng là tìm một công việc được trả lương hậu hĩ. Suy nghĩ đó có thể mang lại tác dụng hoặc không,” Vitoon Sila-On, phó chủ tịch S&P Syndicate Plc nói.
“Theo quan điểm của tôi, chúng ta học điều gì đó đơn giản là vì chúng ta thấy có khả năng phải sử dụng kiến thức đó trong tương lai. Nhưng 80% những điều chúng ta học ở trường không thực sự được sử dụng trong đời thực,” Vitoon nói. “Trái lại, tâm trí của chúng ta lại được vận dụng trong mọi thời gian. Thế nhưng giáo dục về tâm thức không có trong các môn học ở nhiều trường.”
Vitoon là cha của ba đứa trẻ, tất cả đều đi học ở trường theo phương pháp Phật giáo. Được giáo dục ở Anh quốc, ông thừa nhận mình không phải là tín đồ Phật giáo và không thường đến chùa. Nhưng ông khâm phục các phương pháp giáo dục của Đức Phật.
“Ngay cả người phương Tây cũng quan tâm đến lời dạy của Đức Phật vì họ nhận ra tầm quan trọng của Tâm thức,” Vitoon nói. “Giáo dục theo phương pháp Phật giáo dạy bạn cách hiểu và làm chủ tâm trí – điều mà nhiều người đã bỏ qua. Con trẻ trước tiên cần hiểu bản thân và biết cách kiểm soát cảm xúc bản thân trước khi hiểu những người khác. Những điều này nên được khắc sâu khi chúng còn nhỏ vì những vấn đề học thuật có thể được nghiên cứu vào bất cứ lúc nào sau này.”
Giáo dục theo phương pháp Phật giáo không phải là hệ thống các bài giảng pháp khó hiểu và chậm buồn của các Tăng sĩ, nếu đó là điều bạn đang nghĩ.
“Mặc dù phương pháp giáo dục này xuất hiện hơn 2000 năm trước đây nhưng ngày nay nó vẫn có hiệu quả cao.” Patchana Mahapan, Trưởng bộ phận phát triển giáo dục tổng thể của trường Thawsi nói.
“Nhiều người tin rằng giáo dục theo phương pháp Phật giáo chỉ là tụng kinh, thiền định hoặc đi kinh hành. Thậm chí một số người còn nghĩ học sinh của chúng tôi đang học ngôn ngữ Pali trong khi học sinh ở các trường khác học tiếng Anh và vi tính. Nhưng đó đơn giản là một ấn tượng thành kiến,” Patchana nói.
Bà nói thêm rằng nguyên tắc cốt lõi của giáo dục theo phương pháp Phật giáo là hiểu cả thế giới bên ngoài (cuộc sống và khoa học) và thế giới bên trong (tâm trí con người). Và bởi vì người Thái Lan có thành ngữ, “Không có hiểu biết gì quan trọng bằng hiểu biết về tâm trí của riêng bạn”, nên giáo dục Phật giáo sẽ giúp học sinh trở thành người thông minh và cập nhật nhất.
Học qua thực hành
Học bên ngoài lớp học là một trong những đặc điểm cơ bản của giáo dục theo phương pháp Phật giáo. Thay vì ngồi trong lớp với sách vở, hoặc trong phòng thí nghiệm với ống nghiệm, học sinh sẽ ra đồng lúa để thực sự cấy lúa. Một số người nghĩ phương pháp này chỉ như một hoạt động giải trí hơn là học tập thực sự, và cấy lúa là việc cổ lỗ trong thời đại kỹ thuật số ngày nay.
“Chúng ta có muốn ăn cơm trong tương lai? Chúng ta có thể ăn internet thay cơm? Tất nhiên là không,” giáo sư Prapapat Niyom, người sáng tập và quản lý trường Roong Aroon, một trường học theo phương pháp Phật giáo khác nói.
“Gạo là nguồn lương thực quan trọng nhất của chúng ta, và chúng ta không thể sống thiếu nó. Việc biết cách cấy trồng lúa sẽ không bao giờ là lạc hậu khi chúng ta còn ăn cơm.
“Trồng lúa là một môn học đa chủ đề, giúp học sinh kết hợp khoa học, ngôn ngữ, sinh học, địa chất, địa lý và văn hóa xã hội. Đây không phải là hoạt động được chọn chỉ để giải trí mà là một quá trình học tập quan trọng có mục đích phát triển tâm thức.”
Bupaswat từ trường Thawsi cũng nêu rõ rằng có một số hiểu lầm về phương pháp giáo dục Phật giáo. “Có một số người suy nghĩ việc giáo dục này chỉ là các chuyến đi đến và chơi trên cánh đồng. Nhưng sự thực là tại các trường học theo phương pháp Phật giáo, chúng tôi đảm bảo rằng giáo dục không chỉ diễn ra trên lớp học mà ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào. Vì thế trẻ sẽ có nhiều kiến thức thực tế. Thiên nhiên sẽ cuốn hút trẻ và chúng sẽ luôn muốn học.”
“Khi còn nhỏ, chúng ta muốn học về tự nhiên – trái đất, nước và cây cối từ sách vở,” Patchana từ trường Thawsi nói thêm. “Chúng ta học về tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ và nghĩ rằng đó là môn học xa lạ và dầu không bao giờ cạn kiệt. Và bây giờ chúng ta đang gặp phải tình trạng thiếu hụt nhiên liệu.
“Tại trường học theo phương pháp Phật giáo, chúng tôi dạy học sinh nhìn về mọi thứ như một thể thống nhất và giúp các em nhận ra chúng là một phần của tự nhiên, vì thế ngay cả một điều nhỏ nhất mà chúng làm cũng sẽ có ảnh hưởng toàn cầu.”
Cố gắng được tuyển
Cũng như nhiều trường học thông thường nổi tiếng khác, học sinh không dễ được vào học ở trường theo phương pháp Phật giáo. Đối với các bậc cha mẹ muốn con em vào trường có danh tiếng cao, họ phải giúp con em chuẩn bị kỹ lưỡng để thi đầu vào và tính toán thu nhập để “tài trợ” cho trường. Tuy nhiên, đối với các bậc cha mẹ muốn cho con em vào trường học theo phương pháp Phật giáo, họ phải đối diện với loại thách thức khác.
“Hàng năm, nhiều cha mẹ quan tâm đến phương pháp của chúng tôi và muốn con em vào học, nhưng chúng tôi chỉ có thể nhận không quá 75 em” Prapapat từ trường Roong Aroon nói.
“Do vậy, thay vì ngồi phỏng vấn, chúng tôi tổ chức một khóa hội thảo hai ngày nơi cha mẹ và con cái có thể cùng tham gia vào các hoạt động khác nhau như tọa đàm chuyên đề, thể thao và nấu nướng. Bằng cách đó, chúng tôi có thể quan sát cha mẹ và con cái giao tiếp và tương tác với nhau.”
Tại trường Thawsi, cuộc gặp tay đôi giữa cha mẹ và thầy cô giáo kéo dài 1 giờ sẽ giúp trường đảm bảo rằng họ hiểu nhau hơn. Không có kiểm tra hay thi đầu vào. Việc được chấp nhận vào trường tùy thuộc vào cuộc phỏng vấn cha mẹ, và trong hầu hết trường hợp, không cần xem đứa trẻ bởi vì trường học tin rằng cha mẹ là người có ảnh hưởng nhất đến cuộc sống của đứa trẻ.
Vậy kiểu gia đình – cha mẹ nào không phù hợp với hệ thống? Họ có cần là Phật tử?
Theo Bupaswat và Prapapat, bạn không cần là Phật tử khi muốn con em vào trường. Trong thực tế, tại trường Thawsi và Roong Aroon đều có học sinh theo Cơ đốc giáo, Hồi giáo và đạo Sikh. Tuy nhiên, bạn phải chứng tỏ sự “sẵn sàng”.
“Chúng tôi có tầm nhìn rõ ràng về phương pháp giáo dục này,” Bupaswat nói. “Khi nói chuyện với cha mẹ, chúng tôi cố hiểu mong đợ của họ ở chúng tôi và liệu chúng tôi đáp ứng mong đợi đó không. Nếu họ muốn nhồi nhét kiến thức học thuật cho con em, trường chúng tôi không đáp ứng được. Chúng tôi cũng chỉ ra cho họ thấy chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của ngũ giới và muốn cha mẹ làm thế,” Bupaswat giải thích.
Roong Aroon cũng có cùng nguyên tắc. Nhưng điều đó không có nghĩa bạn phải là tín đồ Phật giáo thuần thành hoặc mặc các trang phục Phật giáo để phù hợp với hệ thống giáo dục này. Ở trường Roong Aroon và Thawsi, đặc điểm của các bậc cha mẹ rất khác nhau.
“Một số cha mẹ là doanh nhân, một số khác trông rất thời trang nhưng tất cả chúng tôi đều tôn trọng cùng triết lý đạo đức và sống cùng nhau mà không cảm thấy lạc lõng. Tôi nghĩ bản chất của con người là mong mỏi quan hệ nồng ấm và ý thức thuộc về nhau. Tại trường Roong Aroon, chúng tôi không chỉ quan hệ dưới tư cách xã hội mà còn thuộc một gia đình, nơi khoan dung là một môn thực tập chung,” Prapapat nói.
“Đặc điểm của cha mẹ có con học ở trường theo phương pháp Phật giáo là họ cần biết chú ý, tỉnh thức và hạnh phúc và quan trọng nhất là luôn sẵn sàng cùng học và tiến bộ với con trẻ,” Bupaswat từ trường Thawsi kết luận.
Ở Thái Lan hiện nay, có khoảng 20.000 trường học theo phương pháp Phật giáo đăng ký với bộ Giáo dục. Các trường học này có các cấp học từ nhà trẻ, mẫu giáo đến hết cấp 1, thậm chí có trường đến lớp 12.
VANNIYA SRIANGURA
Trần Trọng Hoàng (dịch)
(Phật Tử Việt nam)
Nếu quý vị có ý kiến về vấn đề bài viết này nêu ra, đặc biệt các vấn đề liên quan đến thực trạng và giải pháp cho giáo dục tại Việt Nam, xin viết thư về địa chỉ trisu@phattuvietnam.net
Discussion about this post