GIÁO DỤC – ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM
SAKYA NHƯ BẢO
Từ xưa đến nay, có hai ngành nghề luôn được xã hội trọng vọng, kính nể, tôn xưng là “Thầy”, đó là ngành Y và nghề giáo. Vì thầy thuốc và thầy giáo không chỉ là công việc đơn thuần mà ở đó cái tâm và cái đức được tôn vinh tuyệt đối. Người thầy thuốc nếu lơ là, bất cẩn trong chốc lát có thể lấy đi sinh mạng của một người, người thầy giáo nếu thiếu trách nhiệm, thiếu chuẩn mực thì, nghiêm trọng hơn, làm hỏng cả thế hệ.
Học trò ngày xưa từ buổi đầu khai tâm đã được giáo dục kỹ lưỡng bài học đạo đức vỡ lòng “tôn sư, trọng đạo”, “tiên học lễ hậu học văn”. Truyền thống tốt đẹp ấy đã tan loãng theo dòng thác văn minh vật chất, còn chăng, chỉ là những pano, biễu ngữ lạnh lẽo vô hồn trước cổng trường với mỗi tác dụng làm chạnh lòng các bậc phụ huynh ưu thời mẫn thế, và là dấu chấm than ảm đảm buồn tênh day dứt tâm can đối với các nhà giáo dục! Trò ngày nay chẳng thiết “tôn sư”, mà thầy lắm khi cũng chẳng màng “trọng đạo”, “thượng bất chính, hạ tắc loạn” âu cũng là lẽ đương nhiên. Phải chăng, theo vận tốc rơi tự do đến chóng mặt của nền đạo đức xã hội, ngành giáo dục có chịu sự tả tơi cũng là điều tất yếu?
II. GIÁO DỤC HỌC ĐƯỜNG: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
Cứ theo đà này, đến thời điểm hiện tại khi mà ngoài kia nhan nhãn những chuyện con giết cha, hại mẹ, cháu cướp của ông bà, trò đánh thầy, cô giáo phải quỳ gối giữa sân trường, hàng loạt những sinh linh vô tội bị chính những bà mẹ tuổi teen bỏ vào thùng rác, cống rãnh; dẫy đầy những mối quan hệ bất chính, phi luân vô đạo giữa cha – con, anh – em, ông – cháu, được bày ra trên mặt báo khiến cho ai ai cũng bàng hoàng tự hỏi, không biết cái sự ‘rơi tự do’ với tốc độ mà chính Galilei có hồi sinh cũng phải giật mình sửng sốt của đạo đức xã hội như thế là đã chạm đáy hay chưa? Hay sắp tới sẽ còn những thứ kinh hãi hơn, quái dị hơn đang chờ đón loài người? Nếu dăm mười năm trước, chúng ta nhíu mày khi nhắc tới ‘những sản phẩm lỗi kỷ thuật của học đường’ thì hôm nay, chúng ta phải thảng thốt chứng kiến hàng loạt những con người ‘tật nguyền nhân cách’, những ‘quái thai của xã hội’ xuất hiện ngày một nhiều. Lỗi tại ai?
Một cựu tù nhân trại tập trung của Đức Quốc xã may mắn sống sót về sau làm Hiệu trưởng một Trường Trung học ở Mỹ đã viết bức tâm thư gởi đến từng giáo viên trường mình như sau: “Tôi đã tận mắt nhìn thấy những cảnh tượng mà con người không nên nhìn thấy: Phòng hơi ngạt được kỹ sư có chuyên môn tạo ra; trẻ em bị bác sĩ có học thức uyên bác đầu độc; trẻ sơ sinh bị y tá giỏi chuyên môn sát hại. Chứng kiến tất cả những điều này, tôi suy nghĩ rằng: “Giáo dục rốt cuộc là vì cái gì?”. Lời thỉnh cầu của tôi là: “Xin hãy giúp đỡ học sinh lớn lên trở thành người có nhân tính thực sự. Chỉ có trong tình huống đó thì khả năng đọc-viết-tính toán mới có giá trị.”
Thật vậy, cốt lõi của giáo dục là chuyển hóa tâm hồn con người từ xấu dỡ thành tốt đẹp, phải đâu chỉ là công việc nhồi nhét kiến thức, tạo ra những robot thông minh không tim không máu? Một bộ óc trí thức tài giỏi, sáng tạo đi cùng với một trái tim lạnh giá, vô cảm, tàn nhẫn và thác loạn, một nhân cách móp méo, dị hình thì đó chính là mối ‘tâm phúc đại họa’ của xã hội… Chẳng phải những đại án rùng rợn gần đây hầu hết đều tập trung vào các thanh niên được đào tạo bài bản từ các trường đại học danh giá đó sao?
Còn gì đáng buồn hơn khi chúng ta bỏ thời gian, công sức chỉ để tạo ra những sản phẩm lệch lạc của trí tuệ cảm xúc, những con người ích kỷ, lạnh nhạt và thờ ơ với chính đồng loại của mình? Một xã hội như thế thì tương lai đất nước sẽ đi về đâu? Tại sao chúng ta chỉ chú trọng sơn phết những tấm pano khẩu hiệu đạo đức to tướng gắn đầy trong những trường mẫu giáo và tiểu học mà chẳng đoái hoài gì đến việc uốn nắn và rèn luyện nhân cách nơi học sinh các cấp lớn hơn, trong khi đây mới chính là lứa tuổi nổi loạn, dễ bị cuốn theo dòng thác của cảm xúc bản năng và ngoại cảnh?
Đại thi hào Tagore từng nói: “Mục đích của giáo dục là phải truyền tải hơi thở của cuộc sống cho con người.”? Thiết nghĩ, song song với việc đầu tư truyền đạt khối kiến thức chuyên ngành, người làm công tác giáo dục còn phải bằng mọi giá tác động tích cực lên cảm xúc nhân văn của người học, sao cho tiêu chuẩn đạo đức được duy trì một cách vững chắc trong đời sống cộng đồng. Cần phải dạy trẻ hướng đến tâm hồn cao thượng, biết yêu thiên nhiên, yêu động vật, biết dùng tấm lòng chân thành để đối đãi, cảm thông, bao dung với người khác. Làm thế nào để trẻ hiểu bản thân mỗi người thực tế chỉ là một sinh mệnh nhỏ bé trong vũ trụ bao la. Nên mỗi cá nhân cần phải biết trân trọng mọi sự sống trong trời đất cho dù đó có là một cành hoa dại hay một côn trùng yếu ớt.
Những bài học đạo đức phải được thâm nhập tâm khảm học trò từ những thực nghiệm sinh động đời thường qua các chương trình ngoại khóa hay những chuyến thăm các trại khuyết tật, cô nhi, dưỡng lão, những mảnh đời bất hạnh. Bằng cách đó, chúng ta dần đánh thức thiện niệm, tình thương nơi tâm hồn của trẻ. Một khi tình thương đã mở lối thì lòng nhân ái, sự chia sẻ, đồng cảm với tha nhân sẽ sẵn sàng đơm hoa kết trái. Và để làm được điều này thì chính bản thân người Thầy giáo phải giữ đúng vai trò của một nhà mô phạm. Thầy “trọng đạo” thì trò mới có cơ sở để “tôn sư”, đó cũng là lẽ tất nhiên.
III. GIÁO DỤC TRONG THIỀN MÔN
Nhìn qua học đường Phật giáo, chúng ta thấy việc học tập của Tăng Ni sinh trẻ ngày nay thuận lợi hơn rất nhiều so với lớp người đi trước. Địa phương nào cũng có Trường Trung cấp Phật học. Ba miền Nam, Trung, Bắc đều có Học viện đào tạo cử nhân. Chùa chiền, Tự viện nơi nào cũng rộng rãi khang trang và sẵn lòng mở cửa. Điều kiện tốt đẹp đó đôi khi lại vô tình dẫn đến những ngả rẽ đáng tiếc với một số cá nhân ‘trẻ người non dạ’: ‘Đang học nơi này nếu không thích nữa, ta có thể sang nơi khác. Đang ở chùa này mà cảm thấy không vui, thì ta tẻ qua chùa khác. Trường bao la, Chùa đầy đa, băn khoăn mà chi, kham nhẫn mà chi? Lại có người là ‘con cưng’ từ nhà vào đến chùa nên đến Trường rồi thật khó mà tiếp nhận sự giáo huấn nghiêm túc, kỷ cương. Xuất gia đôi tháng đã được đưa thẳng vào Trường lấy đâu mà rành rẽ oai nghi phép tắc, nói gì đến thấm nhuần Phật lý? Lỗi từ đâu?
Trách sao được khi ngoài kia có những kẻ bụng rỗng, tâm cao, “vị am pháp luật, tập liễm toàn vô”, “đại ngữ cao thanh, xuất ngôn vô độ” vẫn đang không ngừng thâu nạp đồ chúng? Đã là Thầy thì trước hết phải cho ra thầy, mẫu mực và mô phạm, tâm huyết và đầy trách nhiệm với đồ chúng, đệ tử; Không ngừng “ôn tầm bối diệp”, “tinh sưu nghĩa lý, truyền xướng phu dương”, chứ lẽ đâu Thầy chẳng màng nếp thiền “Trọng đạo” mà khiến được trò tâm phục “Tôn sư”?
Dân gian đã nói “Cha sinh không bằng thầy dạy”, “Trọng Thầy mới được làm Thầy”; Mà Thầy trong đạo, tức Hòa Thượng, Giáo Thọ, A Xà Lê…. còn quan trọng hơn thầy ngoài trường đời gấp nghìn lần. Vì Thầy, như vẫn được ca ngợi, là ‘ánh sáng soi đường’, là ‘bóng cây che mát’, là ‘con thuyền thanh lương’ đưa người về bến bờ giải thoát, an vui. Vậy thì, trước khi thâu nhận đồ chúng, có bao giờ ta tự hỏi: mình đã ‘đủ sức’ để làm Thầy người khác? Có bao giờ ta tự hỏi: mình đã thực sự làm tốt bổn phận người trò và trách nhiệm người Thầy hay chưa? Có khi nào ta chưa kịp thành toàn vai đệ tử mà đã ung dung làm Thầy hay không? Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh, đừng quanh co những là “phương tiện” với “tùy duyên”, đừng tùy tiện sử dụng ngôn từ một cách sáo rỗng để ngụy trang cho bản ngã phủ đầy cỏ dại vô minh. Nào có vội vàng chi mà chưa kịp trưởng thành, Kinh Luật chưa thông, hạ lạp non kém đã gấp gáp thâu nhận đồ chúng, chính sự bất cẩn, tắc trách đó đã đưa đến vô số hệ lụy về sau.
Cũng có trường hợp, vì hoàn cảnh Tự viện đơn chiếc, cần người, huynh đệ thì tản mác, vô tình là mảnh đất màu mỡ cho những cái Ngã độc tôn chực chờ bành trướng, khuynh loát quyền hành, qua mặt Sư trưởng, lấn lướt huynh đệ. Ngẫm ra, cửa thiền giải thoát đâu có chỗ cho tính chiếm hữu, ích kỷ và đố kỵ. Nếu vì chút phước báu hữu lậu từ việc chấp lao phục dịch mà tự dung túng cho cái tôi của mình ngày một phình to, kềnh càng tự đại, độc chiếm khoanh vùng, là đang tự hủy hoại đạo nghiệp, đóng bít cánh cửa giải thoát của chính mình, đồng thời làm úa nhàu sự trong sáng và cao quý của nền giáo dục tâm linh Phật giáo.
Đạo Phật là đạo tỉnh thức, là đạo của người có mắt, của người thấy, người biết. Giáo lý của Đức Phật là để thực nghiệm, suy tư và quán chiếu, hầu nhận chân được bản chất vô ngã của cuộc đời, từ đó đoạn tận khổ đau, thành tựu chánh trí, thể nhập Niết bàn. Như vậy, học Phật là để ứng dụng chứ không phải để tăng trưởng ngã si, ngã ái, ngã mạn, ngã kiến.
Suy cho cùng, tất cả những khổ đau, bất toại ý, phiền não bít bùng giăng mắc trên đạo lộ giải thoát của chúng ta hôm nay đều bắt nguồn từ chỗ thiếu dụng công, hành trì mà ra. Chỉ cần chúng ta biết phản tỉnh thì mọi việc tự khắc sẽ trở nên nhẹ nhàng, an ổn. Chính việc thiếu dụng công, tu tập nên ta mới ngủ vùi trong rừng rậm vô minh, phiền não, cam chịu những dây leo triền phược làm điêu đứng đời mình. Chính vì thiếu sự hành trì nên ta mới dày công tô điểm cho cái bản ngã đang ngày một phình to theo tuổi đời và tuổi đạo, to đến mức ta thấy chẳng nơi nào dung nổi. Chính vì ta đi tu mà ‘quên’ tu nên mới mắc cạn trong vũng lầy tài vật, bao phen cơ hồ tán mạng mà vẫn cứ xênh xang trên triền đồi danh lợi. Ta quên mất mình là ai, ta quên mất địa vị ‘đại phú gia’ con nhà Trưởng giả nên mới hồ hởi đi bòn chút cặn bã hư vinh.
“Cùng Thích tử, khẩu xưng bần
Thực thị thân bần đạo bất bần
Bần tắc thân thường phi lũ hạtĐạo tắc tâm tàng vô giá châu
giá châu, dụng vô tận…
(Thiền sư Huyền Giác)
IV. KẾT LUẬN
Nếu mục đích giáo dục học đường ngoài xã hội là truyền trao kiến thức, kinh nghiệm cho người học để phục vụ cho cuộc sống hiện tại thì mục tiêu của giáo dục thiền môn là làm muội lược những bất thiện pháp và ươm mầm thiện pháp trong tâm người học, lợi lạc ngay trong kiếp sống hiện tại và vô lượng kiếp tương lai.
Hướng đi của Giáo dục Phật giáo là hướng đến giải thoát chứ không phải hướng đến sanh tử buộc ràng. Đối tượng được giáo dục là người mang chí hướng xuất trần. Nhà giáo dục là những bậc thượng sĩ mang hoài bão tục diệm truyền đăng, lợi sanh, hoằng pháp. Mối quan hệ giữa nhà giáo dục và đối tượng được giáo dục trong Phật giáo đặt trên nền tảng của sự tương kính và hòa hợp trong ánh sáng của trí tuệ vô ngã và tâm bình đẳng trong Tánh Phật. Chỗ tuyệt đỉnh của nền giáo dục Phật giáo chính là ở đó. Như vậy, người thực tâm cầu đạo giải thoát sẽ một lòng tinh tấn nỗ lực dỡ bỏ dần những xích xiềng triền phược là nhân của sanh tử luân hồi. Học là học như thế, dạy là phải dạy như thế, và hành cũng là hành như thế. Khó, rất khó nhưng không có nghĩa là không thể.
(Trích “Giáo dục – Những gì tôi nghĩ”)
Discussion about this post